Việt Nam lại đứng trước ngưỡng 'Đổi Mới hay là Chết?'

  • TS Tô Văn Trường
  • Gửi tới BBC News Tiếng Việt từ TP Hồ Chí Minh

Nhớ lại những năm đầu thập kỷ 80 thế kỷ trước, đất nước lâm vào cuộc khủng hoảng kinh tế - xã hội trầm trọng. Lạm phát phi mã. Kinh tế xuống dốc không phanh. Mức sống nhân dân rơi đến đáy. Niềm tin rạn nứt. Đất nước lâm nguy.

Nông dân VN

Nguồn hình ảnh, Sovfoto

Chụp lại hình ảnh,

Nng dân cân lúa nộp cho hợp tác xã - ảnh chụp năm 1977 ở một xã gần Hà Nội. Chỉ công cuộc Đổi Mới mới biến VN thành nước từ thiếu đói thành nhà xuất khẩu gạo

Trước tình hình đó, Ban lãnh đạo của Đảng đứng đầu là Tổng Bí thư Trường Chinh - một người nổi tiếng kiên định mô hình kinh tế XHCN - đã đi tới một quyết định lịch sử: xóa bỏ cơ chế tập trung quan liêu bao cấp, tự do hóa nền kinh tế.

Nói cho đúng, quyết định xóa bỏ mô hình kinh tế chỉ huy, cho phép người dân được tự do làm ăn không phải là một phát kiến hay sáng tạo gì, vì đó là điều cả thế giới đã làm từ hàng trăm năm.

Quyết định dũng cảm

Nhưng đó là quyết định của một ban lãnh đạo dũng cảm, dám từ bỏ niềm tin vào một mô hình trước nay vẫn đinh ninh là duy nhất đúng, sửa chữa sai lầm để đưa đất nước vượt qua khủng hoảng.

Quyết định này không chỉ tạo ra bước ngoặt trong phát triển đất nước, đem lại đời sống khá giả hơn cho nhân dân mà còn khôi phục niềm tin của nhân dân vào Đảng CSVN, và trong ý nghĩa ấy, giúp Đảng giữ vững vị trí lãnh đạo của mình.

Sau hơn 30 năm đổi mới, đất nước ta đã thay da đổi thịt. Nhưng chúng ta khó mà lạc quan được khi so sánh thứ hạng của Việt Nam trong các bảng xếp hạng thế giới:

  • Dân số đứng thứ 15 gồm 95,581.592 người (2017)
  • Diện tích xếp thứ 66: 331.212 km2
  • Tổng sản phẩm quốc nội GDP xếp thứ 48: 191,454 tỷ USD (IMF 2015)
  • GDP theo đầu người xếp thứ 132: 2.306 USD (IMF 2017)
  • PPP theo đầu người , xếp thứ 124: 7.378 USD$ (IMF 2017).

Những con số "biết nói" ở trên cho thấy Việt Nam là một nước lớn về dân số, trung bình về diện tích và còn rất nghèo so với thế giới.

Nghĩa là mục tiêu đặt ra trong các nghị quyết của Đảng đến năm 2020 Việt Nam cơ bản trở thành nước công nghiệp đã phá sản.

Đặc biệt đáng lo ngại là ngày nay tham nhũng tràn lan; bất bình đẳng xã hội ngày càng lớn; đạo đức xã hội suy đồi; niềm tin của nhân dân vào lãnh đạo, vào lý tưởng xóa bỏ áp bức, bất công, xây dựng xã hội tự do, dân chủ đang đổ vỡ. Đất nước lại một lần nữa đứng trước câu hỏi lớn: "Đổi mới hay là chết?"

Ba câu hỏi lớn

Trong bối cảnh này, qua các phương tiện truyền thông, nhiều người dân và cán bộ lão thành thật sự vui mừng nhìn thấy Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng xuất hiện với phong thái đĩnh đạc, tự tin, trong các cuộc làm việc với lãnh đạo chủ chốt và Hội nghị TW 10 vừa qua.

Đặc biệt, tất cả những người dân yêu nước đều quan tâm đến ba câu hỏi lớn trong bài phát biểu của Tổng Bí thư, mong muốn những câu trả lời thể hiện nhận thức mới, cách làm mới của Đảng để thúc đẩy sự phát triển của đất nước.

Getty Images

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Chụp lại hình ảnh,

Tổng Bí thư, Chủ tịch Nguyễn Phú Trọng xuất hiện trở lại hôm 14/5 sau tròn một tháng vắng mặt do 'không khỏe'

Suốt mấy năm qua, từ sau Đại hội XII của Đảng tời giờ, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã giành được sự kính trọng, niềm tin yêu của đại bộ phận nhân dân về quyết tâm chỉnh Đảng với hình tượng "đốt lò lửa chống tham nhũng".

Giờ đây, mọi người đều mong muốn ông sẽ bắt tay vào việc cải cách thể chế để xóa bỏ tận gốc tệ nạn tham nhũng, lối làm ăn vô trách nhiệm, và phát huy dân chủ, khai thác mọi tiềm năng của đất nước, con người Việt Nam để đưa đất nước cất cánh bay lên, sánh vai cùng các cường quốc năm châu.

Tuy nhiên, nhớ lại trước Đại hội Đảng X, XI và XII, báo chí đã nêu rất nhiều ý kiến tâm huyết của nhân dân về các dự thảo văn kiện của Đại hội Đảng, nhưng thực tế không mấy ý kiến được tiếp thu cho nên thực trạng kinh tế xã hội đang đi đến những suy thoái đáng báo động.

Vì thế, tuy Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nêu ra ba câu hỏi lớn, gợi mở những yêu cầu đổi mới rất căn bản nhưng đa phần người dân có tâm trạng hoài nghi, không biết Đảng có thật sự mong muốn Đổi mới một lần nữa không và ý kiến của người dân sẽ được tiếp thu như thế nào.

Với nhận thức góp ý cho các văn kiện của Đại hội Đảng khóa XIII không chỉ là trách nhiệm của lãnh đạo hay đảng viên mà là của tất cả người dân Việt Nam vì đất nước này không phải của riêng ai, trong phạm vi bài viết này, tôi tập trung phân tích ba vấn đề mà Tổng Bí thư - Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đặt ra ở Hội nghị Trung ương 10 vừa qua là:

"Có nên xóa bỏ thành phần kinh tế nhà nước không?"

"Đổi mới chính trị có phải là đổi mới chế độ chính trị không?"

"Có cần phải sửa đổi điều lệ của Đảng CSVN không?"

Xin đi vào từng câu hỏi một:

1. Có nên xóa bỏ thành phần kinh tế nhà nước không?

Nếu hiểu "kinh tế nhà nước" là toàn bộ hoạt động kinh tế và nguồn thu của Nhà nước thì đương nhiên không thể nói đến chuyện xóa bỏ thành phần kinh tế nhà nước.

Nhưng điều đáng nói là ở Việt Nam, kinh tế nhà nước trên thực tế thường được gắn với hạt nhân là các doanh nghiệp nhà nước. Ở mọi thể chế chính trị, nước nào cũng có doanh nghiệp nhà nước. Khác nhau là ở chỗ doanh nghiệp nhà nước đóng vai trò chủ đạo hay cạnh tranh bình đẳng với mọi thành phần kinh tế khác.

Suốt những năm qua, Ban lãnh đạo Đảng, đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng kiên trì vai trò chủ đạo của doanh nghiệp nhà nước, mặc dù Đại hội Đảng khóa XI đã biểu quyết không thừa nhận vai trò đó và TBT đã tuyên bố mình là thiểu số sẽ tuân theo đa số.

Quan điểm bảo vệ vai trò chủ đạo của doanh nghiệp nhà nước xuất phát từ nhận thức CNXH dựa trên nền tảng sở hữu công cộng. Tuy nhiên, đó là một ngộ nhận. Lý luận của Marx không phải như thế. Theo Marx, cổ phần hoá mà chủ nghĩa tư bản đã làm là một hình thức của sở hữu công cộng.

VN

Nguồn hình ảnh, MANAN VATSYAYANA

Chụp lại hình ảnh,

Cánh đồng muối - hình minh họa. Tác giả cho rằng kinh tế tư nhân ở VN cần được công nhận xứng đáng

Trước đây, Việt Nam và tất cả các nước XHCN đều không chấp nhận kinh tế thị trường trong cơ chế kinh tế xã hội chủ nghĩa, và đó là trở lực không thể vượt qua đối với sự phát triển.

Ngày nay, trong thế giới phẳng, với xu thế hợp tác rộng rãi giữa các quốc gia và sự tiến triển nhanh của khoa học và công nghệ, nhiều luận điểm kinh điển trong kinh tế chính trị đã thay đổi. Không còn sự khác biệt giữa kinh tế thị trường và kinh tế XHCN nữa. Vấn đề quan trọng là phải xây dựng được chính sách và chiến lược phát triển của mỗi quốc gia hòa nhập được với sự phát triển của thế giới và khu vực.

Những người tâm huyết với đất nước, những nhà nghiên cứu chân chính mặc dù biết hàng loạt doanh nghiệp nhà nước hoạt động lỗ nặng và hàng chục ngàn hecta đất cũng đang bị nhiều "ông lớn" sử dụng lãng phí nhưng không ai yêu cầu xóa bỏ kinh tế nhà nước.

Người ta chỉ yêu cầu chấm dứt phân biệt đối xử từ trong đường lối của Đảng đối với thành phần kinh tế tư nhân, thực hiện kiểm soát tốt và yêu cầu kinh tế nhà nước chỉ tập trung hoạt động trong ba nhóm lĩnh vực:

  • Những lĩnh vực rất cần cho phát triển đất nước nhưng tư nhân không thể làm và không muốn làm;
  • Những lĩnh vực ứng dụng khoa học - công nghệ đầu nguồn từ đó lan tỏa cho cả nền kinh tế, để bảo đảm sản xuất hiệu quả cao hơn, không bị thua thiệt trong cạnh tranh;
  • Một số hoạt động sản xuất thuộc lĩnh vực quốc phòng, an ninh mà ở nước ta, trước mắt, chưa thể để tư nhân làm (chứ không phải may trang phục, kinh doanh ngân hàng, bất động sản hay sân gôn cũng là quốc phòng, an ninh).

Các doanh nghiệp nhà nước cần hoạt động có hiệu quả cao, được trao quyền chủ động kèm theo cơ chế công khai, minh bạch, để người dân giám sát, đánh giá hiệu quả.

Lãnh đạo doanh nghiệp nhà nước được chọn lựa công khai trên cơ sở đáp ứng những tiêu chuẩn thiết thực, không nệ bằng cấp, chứng chỉ và không nhất thiết phải là đảng viên. Không nên cứ cấn cán cái đuôi XHCN, mà cần tập trung vào kết quả, hiệu quả kinh doanh với mục tiêu hiệu quả rõ ràng trên cơ sở cạnh tranh bình đẳng.

Như vậy, nhiệm vụ cấp thiết đặt ra cho những người soạn thảo văn kiện Đại hội là nghiên cứu xây dựng cơ chế quản lý kinh tế quốc gia có cơ cấu các thành phần kinh tế phù hợp hoàn cảnh đất nước để tiếp cận được với trình độ phát triển của thế giới, chứ không phải đầu tư công sức để vẽ ra hay bảo vệ những mô hình kinh tế XHCN viển vông, xa rời thực tế, thiếu hiệu quả.

2. Đổi mới chính trị có phải là đổi mới chế độ chính trị không?

Lâu nay, do nhiều nguyên nhân khác nhau, rất ít người công khai đề cập đến vấn đề thay đổi thể chế chính trị. Chính trị nói ở đây gồm cả đường lối phát triển đất nước và đường lối quản trị quốc gia. Trong hàng chục năm qua, Đảng lãnh đạo đã phạm quá nhiều sai lầm ở cả hai mặt này.

Nhiều cán bộ lãnh đạo Đảng luôn lo sợ mất sự lãnh đạo của Đảng là mất đất nước mà không nghĩ rằng lãnh đạo yếu kém, không tiếp thu nhận thức và thành tựu mới của nhân loại là làm cho đất nước chậm phát triển, không bảo vệ được quyền lợi của dân tộc, là con đường tự đưa Đảng ra khỏi lực lượng chính trị lãnh đạo đất nước.

Với hiện trạng kinh tế xã hội hiện nay, Đảng và Nhà nước phải căng hết sức cho công cuộc "đốt lò" thì còn đâu sức cho phát triển ?

Có thể nói đã đến lúc không còn đường lùi. Bộ máy nhà nước dù do đảng kiểu nào lãnh đạo mà không ngăn chặn được suy thoái thì nhất thiết sẽ dẫn đến thay đổi thể chế chính trị, mà sự thay đổi bằng xung đột chính trị thường gây tổn thương lớn cho nhân dân và đất nước (như trường hợp Ukraine).

Nếu không đổi mới chính trị thì không giải quyết được nạn tham nhũng, tệ con ông cháu cha, tệ tư bản thân hữu, doanh nghiệp sân sau… không chọn lựa được những người con ưu tú nhất của dân tộc vào các vị trí lãnh đạo.

Vì vậy, Đại hội Đảng khóa XIII phải khởi động cuộc cải cách chính trị như nhiều người tâm huyết với đất nước kiến nghị để tránh xung đột xã hội.

Nội dung cốt lõi của đổi mới chính trị sắp tới là đổi mới hệ thống chính trị, thiết lập cơ chế để nhân dân thực hiện quyền làm chủ đất nước, quyết định đối với hệ thống chính trị, sự vận hành của hệ thống chính trị và đường lối phát triển đất nước.

Thực ra, những mô hình hiệu quả đều đã có trong lý luận và hiển hiện trước mắt chúng ta.

Vấn đề đặt ra cũng giống như Đổi mới năm 1986: Chúng ta có dũng cảm từ bỏ niềm tin giáo điều vào một mô hình trước nay vẫn đinh ninh là duy nhất đúng, quyết tâm sửa chữa sai lầm để làm những điều mà thế giới văn minh cả trăm năm nay đã làm không?

3. Có sửa đổi Điều lệ Đảng CSVN không?

Nếu thực hiện việc sửa đổi đường lối quản trị quốc gia thì mặc nhiên phải thay đổi Điều lệ Đảng. Thay đổi Điều lệ Đảng lãnh đạo một đất nước với nhận thức mới cho phù hợp với yêu cầu khách quan của sự phát triển, đáp ứng được nguyện vọng và quyền lợi của Đảng, của nhân dân là đòi hỏi tất yếu, sẽ là điều tốt để nâng cao uy tín của Đảng, không có gì đáng lo ngại.

Trong khi chờ sửa Điều lệ Đảng, chỉ cần Đảng hoạt động theo hiến pháp, pháp luật, làm những gì đã nói thì cũng là tốt rồi. Người dân thấy việc cần làm lúc này là ra đạo luật bảo vệ sự độc lập của tư pháp, và để có bảo đảm sự độc lập này, cần lập tòa án hiến pháp.

Để đi tới Đổi mới 2

Song trùng với bài viết "Đất nước này không phải của riêng ai" đã đăng, người viết bài này chỉ mong sao lò vẫn được đốt với tinh thần "Khó mấy cũng phải làm vì lò đã đốt lên rồi" và đi xa hơn, không chỉ chống tham nhũng mà là đổi mới thể chế để Đảng vững mạnh, đất nước phát triển bền vững, dân tộc trường tồn.

Chỉ hy vọng rằng ba câu hỏi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đặt ra tại Hội nghị Trung ương 10 là những câu hỏi lớn cần được thảo luận dân chủ để đi tới Đổi mới lần thứ 2; chứ không phải là những câu hỏi kiểu "Yes/No" để Trung ương hay Đại hội có dịp cùng nhau "No" và ai không "No" nghĩa là "suy thoái về tư tưởng".

Xin tặng bạn đọc mấy câu văn vần để kết thúc có hậu bài viết này:

Cứ làm đi xin đừng ngại!

Chung sức lại vì non sông!

Muốn "hoá rồng" lò phải đốt

Ươm mầm tốtdiệt gian tà

Vượt trùng xatìm bến đậu

Cùng tranh đấuắt thành công!

Bài thể hiện quan điểm riêng của Tiến sĩ Tô Văn Trường từ TP Hồ Chí Minh.