Việt Nam: Thất thoát hơn 200 tỷ tiêu cực in sách giáo khoa

Trẻ em đọc sách

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Hơn 200 tỷ đồng là số tiền mà ông Nguyễn Đức Thái, nguyên Chủ tịch Hội đồng thành viên Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam cùng các bị cáo khác bị cáo buộc gây thất thoát từ chênh lệch mua giấy in từ một công ty tư nhân.

Được báo chí trong nước ví là một 'Việt Á' trong ngành giáo dục, ngoài ông Nguyễn Đức Thái thì ba bị can khác bị bắt giữ hôm 13/02 gồm Nguyễn Thị Thanh Thủy, nguyên Trưởng ban Kế hoạch Marketing của Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam; Đinh Quốc Khánh, nguyên Phó trưởng ban kế hoạch marketing, Nhà xuất bản Giáo Dục Việt Nam; Tô Mỹ Ngọc, Chủ tịch hội đồng thành viên Công ty cổ phần giấy Phùng Vĩnh Hưng.

Số tiền chênh lệch hơn 200 tỷ đồng chỉ là mới "kiểm tra xác xuất vài hợp đồng", theo báo Lao Động và chưa phải là con số cuối cùng.

'Sự tham tàn'

Bốn bị can bị bắt giữ

Nguồn hình ảnh, BO CONG AN VIET NAM

Chụp lại hình ảnh,

Ngoài ông Nguyễn Đức Thái (bìa trái) thì ba bị can khác bị bắt giữ hôm 13/02 gồm Nguyễn Thị Thanh Thủy, nguyên Trưởng ban Kế hoạch Marketing của Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam; Đinh Quốc Khánh, nguyên Phó trưởng ban kế hoạch marketing, Nhà xuất bản Giáo Dục Việt Nam; Tô Mỹ Ngọc, Chủ tịch hội đồng thành viên Công ty cổ phần giấy Phùng Vĩnh Hưng

Trả lời phỏng vấn BBC News Tiếng Việt hôm nay, ông Nguyễn Quang Thạch, người khởi xướng Chương trình Sách hóa Nông thôn Việt Nam từ năm 2007, cho rằng hành vi của ông Thái và những cán bộ khác là "sự tham tàn".

Chương trình Sách hóa Nông thôn của ông Thạch nhằm vận động hàng triệu người từng học cao đẳng và đại học đưa sách về quê họ, ông từng đi bộ gần 1.800 km từ Hà Nội đến TP HCM để vận động sách cho trẻ ở nông thôn.

Ông Nguyễn Quang Thạch đưa ra một sự so sánh về số tiền mà ông Nguyễn Đức Thái cùng các bị can khác bị cáo buộc đã gây thất thoát cho nhà nước với số tiền lập ra được những tủ sách nông thôn cho trẻ.

"Số tiền hơn 200 tỷ đồng mà ông Thái làm thất thoát thừa giúp hơn 15 triệu trẻ em nông thôn được nghe và đọc 550 đầu sách chứa các giá trị và tinh thần Âu Mỹ, Nhật, Do Thái, Ấn Độ để đất nước có nhiều triệu công dân đủ năng lực hội nhập quốc tế trong tương lai."

Ông Nguyễn Quang Thạch đã từng chứng kiến đời sống vất vả của những nông dân ở Hà Tĩnh, Thanh Hóa, Quảng Trị, Quảng Nam, Yên Bái… Chỉ với thu nhập chỉ khoảng 200.000 đến 300.000 đồng cho một sào lúa thì vài trăm ngàn mua sách ngoài sách giáo khoa cho con cái họ đọc tại nhà là điều không hề dễ dàng.

"Chỉ cần 5 người học cao đẳng, đại học hay doanh nhân xuất thân nông thôn góp 240.000 đến 300.000 đồng đủ mua 35 đến 50 đầu sách đưa về quê họ nhưng phần lớn trong hàng triệu con người ấy vẫn chưa hành động.

Trong khi đó, kẻ gây thất thoát hàng trăm tỷ như ông Thái đã gián tiếp tước đoạt cơ hội nghe và đọc sách Tây Âu, Mỹ, Nhật của hơn 10 triệu trẻ em nông thôn", ông Thạch nói với BBC News Tiếng Việt hôm 19/02.

Ông Thái và bà Thủy từ Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam đã bị cáo buộc nhận "lợi ích vật chất" từ Công ty cổ phần giấy Phùng Vĩnh Hưng, khi giá giấy mua bình quân cao gấp 1,7 lần.

Vào tháng 05/2022, thông tin sách giáo khoa mới đắt gấp 2-3 lần sách cũ và giải thích của Bộ trưởng Bộ Giáo dục Đào tạo Nguyễn Kim Sơn đã gây ồn ào trong dư luận Việt Nam.

Khi đó, nhận định với BBC News Tiếng Việt, thầy giáo Đỗ Việt Khoa, giáo viên trường THPT Thường Tín, Hà Nội cho biết "Vấn đề đáng bàn là có nhiều bộ SGK khác nhau do các nhóm chủ biên khác nhau được phát hành, thay vì chỉ có một bộ duy nhất như trước kia. Học sinh chuyển từ nơi này sang nơi khác có thể phải mua bộ SGK mới vì mỗi địa phương sẽ chọn một bộ SGK riêng cho mình. Khá là rắc rối. Cái này lỗi cũng một phần do dư luận đòi xóa bỏ độc quyền một bộ SGK."

'Thiếu tự trọng mãi sao?'

Học sinh đi mua sách

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Chụp lại hình ảnh,

Cuối năm 2022, Thanh tra Chính phủ Việt Namcho rằng Bộ Giáo dục và Đào tạo và Nhà xuất bản Giáo dục có dấu hiệu "lợi ích nhóm" trong in, phát hành sách bài tập.

Thời gian qua, dư luận Việt Nam rất bức xúc liên quan đến sách giáo khoa tăng giá liên tục, tăng thậm chí đến gấp ba đến bốn lần trong khi Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam thì cứ "kêu lỗ".

"Giai đoạn 2014-2019, Công ty cổ phần giấy Phùng Vĩnh Hưng cung cấp hơn 83% số lượng giấy của Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam (tương đương tổng số tiền gần 1.890 tỷ đồng), theo truyền thông Việt Nam.

Cuối năm 2022, Thanh tra Chính phủ Việt Nam cho rằng Bộ Giáo dục Đào tạo và Nhà xuất bản Giáo dục có dấu hiệu "lợi ích nhóm" trong in, phát hành sách bài tập.

Ông Nguyễn Quang Thạch cho biết hiện tại dù có thêm những thủ lĩnh thúc đẩy nhiều ngàn tủ sách và người hành động đơn lẻ tăng lên, nhưng con số vẫn còn xa với mong đợi, niềm vui không được khởi lên nhiều về việc mang đến tri thức cho trẻ em bị thiệt thòi.

Và trên hết, ông Nguyễn Quang Thạch cũng trăn trở nhiều về vai trò của giới tri thức khi nạn tham nhũng đã lan tới mọi ngóc ngách của đời sống xã hội Việt Nam, đến sự nghiệp "trồng người".

"Vô vọng về những khuôn mặt tham nhũng là một lẽ. Nghĩ về tầng lớp trung lưu có tri thức nhưng không nhiều người tự thức nổi mình trước biến động xã hội, không hành động tạo vốn tri thức cho xã hội rộng lớn bằng việc dễ như mang sách đến tay con trẻ, tôi tâm tư nhiều hơn.

Hàng triệu người tiếp tục thờ ơ với sự đọc của con trẻ và những ông Thái đều là nguyên nhân gây nên sự không chịu phát triển của xã hội. Thấy xã hội có nhiều vấn đề nhưng không hành động tạo sự thay đổi, chẳng lẽ chúng ta thiếu tự trọng mãi sao?", ông nói với BBC News Tiếng Việt.