Vào nội dung chính
Tạp chí xã hội

Việt-Pháp và những chiếc khẩu trang tương ái chống dịch Covid-19

Đăng ngày:

Trên chuyến bay ngày 05/05/2020 của Vietnam Airlines, đưa kiều dân Pháp từ Hà Nội về Paris, có thêm hơn 260.000 khẩu trang và rất nhiều trang bị y tế viện trợ theo sáng kiến tương ái xuất phát từ một nhóm bạn, sau đó được rất nhiều cá nhân, tổ chức và công ty hưởng ứng rộng rãi suốt tháng Tư ở Việt Nam.

Chị Lại Ngọc Bích may hơn 1.000 khẩu trang trong vòng một tháng cho thành phố nơi chị đang sinh sống, ở tỉnh Essonne, ngoại ô Paris, Pháp.
Chị Lại Ngọc Bích may hơn 1.000 khẩu trang trong vòng một tháng cho thành phố nơi chị đang sinh sống, ở tỉnh Essonne, ngoại ô Paris, Pháp. © Facebook của Lại Ngọc Bích
Quảng cáo

Trong thông cáo báo chí ngày 06/05 mà RFI Tiếng Việt nhận được, đại sứ quán Pháp tại Việt Nam đánh giá : “Lô hàng viện trợ này là minh chứng cho tình hữu nghị Pháp-Việt : tức thì, hào phóng và đoàn kết sâu đậm” trong khi “khẩu trang vốn là mặt hàng đang khan hiếm tại Pháp”. Số hàng được “ưu tiên phân phối cho những người đang cần các trang bị này nhất : cán bộ y tế trực tiếp chăm sóc bệnh nhân, người bệnh, những người thuộc nhóm có nguy cơ…”.

Chuyển vải từ Việt Nam sang Pháp may áo blouse và khẩu trang

Cùng lúc với dịch Covid-19 hoành hành tại Pháp, người ta phát hiện ra rằng khẩu trang và đồ bảo hộ y tế khan hiếm trầm trọng. Nhiều tổ chức, cá nhân, cơ quan đã gom hết số khẩu trang dự trữ để ủng hộ các bệnh viện hoặc viện dưỡng lão, nhưng vẫn “như muối bỏ biển”.

Tình trạng bi đát đến mức một số bệnh viện đã phải kêu gọi quyên góp túi rác cỡ lớn để thay áo choàng y tế cho nhân viên, như ở tỉnh Marne, nằm trong vùng dịch nặng ở Pháp. Chính điều này đã khiến ông Phan Sơn, chủ tịch hội Méandre có nhiều dự án thiện nguyện ở Việt Nam, trăn trở. Trả lời RFI Tiếng Việt ngày 07/05/2020, ông Phan Sơn cho biết :

“Hồi đó, trên mạng, trên báo, chúng tôi thấy là ở bên Pháp này lúc đại dịch, họ lúng túng quá. Trên tivi, tối nào đúng 8 giờ, họ quay cảnh vỗ tay để khen và để giúp y tá, hộ lý làm việc trong các bệnh viện. Thế nhưng, đàn hát, động viên tinh thần cho anh em không đủ mà phải có hành động cụ thể. Chúng tôi đã rất muốn may áo blouse vì phụ nữ Việt Nam rất khéo tay, nhưng gặp phải vấn đề không có vải, chỉ và chun.

Tại sao? Tại vì ở tỉnh Marne, trên Facebook, họ cứ kêu gọi may áo choàng cho nhân viên y tá, hộ lý tại vì vùng đó, dịch kinh khủng, bao nhiêu người tử vong. Sau đó, trên một trang Facebook, một hôm tôi thấy bảng điện tử của thành phố nhỏ cách xa thành phố Le Havre khoảng 20 cây số, họ kêu gọi quyên góp túi đựng rác loại to để thay áo blouse, cho thấy họ khổ như thế nào, bệnh viện bên Pháp mà phải lấy bao đựng rác để thay áo blouse.

Tôi thương các y bác sĩ Pháp mà không làm được gì. Chúng tôi mang tâm tư này tâm sự với bạn bè, gia đình ở Việt Nam, thì gặp được đồng cảm, chia sẻ của tất cả mọi người, nhất là nhóm bạn Pháp ngữ, những người có cơ hội học tập và làm việc, sinh sống tại nước Pháp. Thế là một nhóm bạn Pháp ngữ ở Pháp và Việt Nam cùng đồng lòng kêu gọi quyên góp khẩu trang, vải, chỉ để may áo blouse, mũ chống giọt bắn để gửi sang Pháp ủng hộ các bác sĩ”.

Có những hôm, ba giờ sáng (giờ Pháp), hai nhóm ở Pháp và Việt Nam vẫn trao đổi với nhau. Cuối cùng, “Opération Les Blouses de la Marne” (tạm dịch : Chiến dịch Những chiếc áo blouse tỉnh Marne) ra đời. Nhóm bên Pháp tìm hiểu về chất lượng vải, mẫu áo theo quy định của Nhà nước Pháp, liên hệ với chính quyền các cấp ở tỉnh Marne để tìm hiểu nhu cầu của địa phương. Còn nhóm ở Việt Nam đi mua vật liệu yêu cầu và tìm cách vận chuyển sang Pháp. Chị Ngô Hồng Lan, phụ trách điều phối bên Việt Nam, giải thích với RFI Tiếng Việt (08/05) :

“Khi mình đứng lên hô hào các bạn, thực ra là hô hào để xem có ai đi không, có người nào quen biết để gửi được đi không. Nghe thấy lời hô hào của mình, thì có mấy người bạn của bạn nói rằng nếu chị gửi được nhiều kiện, em sẽ tặng khẩu trang, một bạn khác thì nói công ty sẽ tặng tấm mika chắn giọt. Nhưng cuối cùng, mình không gửi được nhiều, chỉ được 4 kiện, gồm 400 mét vải với chỉ, giây chun và khuy để may áo blouse. 

Thế thì số khẩu trang và tấm chắn giọt mà các bạn kia cho vẫn còn đấy nên mình nghĩ đã có ủng hộ thì mình nghĩ tìm cách, bằng số tiền các bạn đóng góp, thì sẽ bỏ ra gửi theo đường vận chuyển bình thường DHL hay là gửi cargo”

Chuyến đầu tiên, mang tính chất cá nhân, được nhóm ở Việt Nam nhờ hai nghiên cứu sinh Pháp “cầm hộ” sang hội Méandre bên Pháp vào ngày 06/04 trên chuyến bay hồi hương của Air France, thông qua giới thiệu của Đại sứ quán Pháp ở Hà Nội. Chị Ngô Hồng Lan giải thích tiếp :

“Đến lúc đó, sứ quán Pháp tại Việt Nam cũng chưa có thông báo là sẽ tiếp nhận hàng ủng hộ, viện trợ cả. Sau khi quyên góp được tiền, bọn mình đã đi hỏi thấy cước gửi là 7,5 đô la/kg, tính ra cũng chỉ gửi được tối đa 100 kg sang Pháp.

Đồng thời, các bạn, lúc đầu ủng hộ có 2.000-3.000 khẩu trang, như Trang của ProwTech, hay Hương Trần của công ty Sunflower, cứ mỗi ngày lại hỏi gửi được hàng chưa. Khi biết là chưa gửi được thì các bạn nói sẽ may thêm khẩu trang, mua thêm bảo hộ… Mỗi một ngày, số hàng các bạn ủng hộ lại tăng lên và đến cuối cùng khi lên thành 400 kg, bên mình hoảng thật sự vì số tiền quyên góp được không thể đủ để gửi đi”.

Nhóm liên lạc lại với Đại sứ quán Pháp để tìm giải pháp tiết kiệm hơn. Đại sứ quán Pháp đã đứng ra nhận chuyển số hàng trên về Pháp trong thời gian nhanh nhất, nhờ “mối liên hệ chặt chẽ với hai Chính phủ Việt Nam và Pháp cùng Vietnam Airlines”. Đồng thời, số hàng quyên góp liên tục đổ về sứ quán trong tháng Tư, được thể hiện qua loạt ảnh các buổi lễ tiếp nhận được sứ quán ghi lại.

Trong chuyến bay đến Pháp ngày 06/05, số hàng của hội Méandre là 40 kiện, nặng tổng cộng 400 kg, gồm khoảng 30.000 khẩu trang, kính chống giọt bắn, găng tay, áo blouse. Ông Phan Sơn cho biết hội Méandre sẽ gửi đồ đến khoảng 10 nơi :

“Trong danh sách phân phối thiết bị có Trung tâm Bệnh viện cấp vùng ở Orléans (CHR Orléans), bệnh viện Saint Romain de Colbosc, nơi mà họ không có áo dùng một lần để vứt đi và phải lấy cái bao rác bằng ni-lông để làm áo blouse, họ mặc cái đó. Lúc trước, chúng tôi đã tặng 50 cái áo may bằng vải mua từ Việt Nam sang.

Hôm qua (06/05), có một ông sếp của bộ phận cấp cứu ở một bệnh viện ở Osches (tỉnh Meuse nằm trong vùng dịch nặng) nói : “Tôi lại phải dùng cả bao rác rồi, cho chúng tôi gấp”. Ngày mai (08/05), chúng tôi sẽ gửi 30 cái áo blouse vừa mới may xong. Ngoài ra, còn có nhiều bệnh viện khác ở Nantes, cả Centre hospitalier Sud Francilien (CHSF, Trung tâm bệnh viện Sud Francilien).

Tôi có một người bạn là thị trưởng Clichy-sous-Bois, nơi có phần nhiều là dân nghèo, cách đây 15 ngày, ông ấy hỏi xin vải vì các công ty đóng cửa, nên ông hỏi xin vải để cho may khẩu trang cho dân chúng là người nghèo, người già. Tôi nghĩ có thể đưa cho họ ít nhất độ 10-15.000 khẩu trang hoặc các loại áo khác. Tôi cũng nghĩ đến các nhà dưỡng lão nữa. Có một người bạn, cũng là thỉ trưởng ở Evran, ông cũng xin cho nhà dưỡng lão ở thành phố đó và chúng tôi cũng sẽ giúp.

Chúng tôi cũng nghĩ đến trẻ em nữa. Chúng tôi sẽ tặng khẩu trang cho một trường tiểu học ở thành phố Clichy, cạnh Paris, và một trường cấp 3 ở Bordeaux. Ngoài ra, còn có một nhóm bác sĩ Việt Nam, làm việc trong bệnh viện ở Orléans, cũng gọi nói với chúng tôi là thiếu găng tay và chúng tôi cũng sẽ giúp.

Như vậy, tất cả các lô hàng mà bạn bè Việt Nam đã gửi sang đây, mà họ cũng đi quyên góp chỗ này chỗ nọ, thì chúng tôi đưa đến ít nhất 10 nơi”.

May 1.000 khẩu trang trong một tháng

Đại dịch Covid-19 cũng cho thấy những sáng kiến tương ái rất độc đáo. Hàng loạt mạng lưới “thợ may tình nguyện” được hình thành ở các địa phương. Khan hiếm vải, họ tận dụng vải từ ga giường, từ khăn trải bản đề may khẩu trang “đại chúng” cho người dân và các viện dưỡng lão.

Chị Lại Ngọc Bích, sống ở tỉnh Essone, vùng phụ cận Paris, tham gia đội thợ may của thành phố. Trong vòng một tháng, từ 11/04 đến 11/05, hơn 1.000 chiếc khẩu trang đã được chị cho “xuất xưởng” :

“Tôi suy nghĩ rất đơn giản, tất cả mọi người đều cần khẩu trang để phòng chống lây nhiễm dịch bệnh, mà trong tình trạng khan hiếm khẩu trang thế này, mình may được khẩu trang đem tặng mọi người, đó là niềm vui và hạnh phúc của mình.

Vì tôi là một trong những thợ may tình nguyện của thành phố nên số khẩu trang tôi làm ra chủ yếu để người của thành phố tới lấy đem về thị chính và họ tổ chức gửi đi tới những địa chỉ cần thiết. Hiện tại tôi đã gửi tới ville 500 cái (đến ngày 11/05 là 700 cái). Ngoài ra tôi có may tặng cho nhà dưỡng lão (EHPAD) ở La Ville du Bois (Essonne) 100 cái, khoảng hơn 100 cái nữa đã tặng cho hàng xóm, phụ huynh có con học cùng con tôi, bạn bè, sinh viên Việt Nam.

Để có được những chiếc khẩu trang đem đi tặng mọi người, phải kể đến công sức của những người bạn hàng xóm, các phụ huynh có con học cùng con tôi đã quyên góp vải, mang tới tận ngõ. Vải đó có thể là vỏ chăn, vỏ ga giường, rèm cửa còn chưa sử dụng, và tôi cũng không nhớ mình đã cắt hết bao nhiêu mét vải nữa.

Hôm trước có một bạn hàng xóm làm trong viện dưỡng lão mà bạn đến xin khẩu trang, bạn ấy nói hiện tại, tình trạng rất khan hiếm cho nên số khẩu trang tôi may sẽ rất đáng quý cho nhân viên của toàn bộ nhà dưỡng lão, cũng như một số cụ già vẫn còn trong nhà dưỡng lão đó”.

Việt Nam trở thành một trong những nhà cung cấp khẩu trang vải kháng khuẩn “đại chúng” cho Pháp. Theo kế hoạch, trong tháng 05/2020, có khoảng 50 chuyến bay vận tải chở hàng trăm triệu chiếc từ Việt Nam qua Pháp.

Vì nhu cầu liên tục tăng trong giai đoạn giảm phong tỏa, cùng với quy định bắt buộc đeo khẩu trang ở một số nơi công cộng, nên nhiều đơn đặt hàng của các thành phố đã không được giao đúng hẹn, như nơi chị Lại Ngọc Bích sinh sống. Và giải pháp hữu hiệu nhất vẫn là nguồn cung cấp khẩu trang từ những đội “thợ may tình nguyện”.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.