Việt - Thái nhất trí đối tác chiến lược

Hợp tác Việt - Thái
Chụp lại hình ảnh, Thái Lan trở thành đối tác chiến lược mới nhất của Việt Nam

Việt Nam và Thái Lan nhất trí thiết lập quan hệ đối tác chiến lược, trong chuyến thăm Thái Lan của Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam.

Hôm 25/6, báo Việt Nam cho hay ông Nguyễn Phú Trọng đã thỏa thuận với Thủ tướng Thái Lan Yingluck Shinawatra thiết lập quan hệ chiến lược Việt Nam-Thái Lan với 5 nội dung chính.

Các nội dung trụ cột này bao gồm quan hệ chính trị, hợp tác quốc phòng và an ninh, hợp tác kinh tế, hợp tác xã hội văn hóa, hợp tác khu vực và quốc tế, theo Đài Tiếng nói Việt Nam, VOV.

Lãnh đạo Việt Nam và Thái Lan được tường trình đã nhất trí giao các cơ quan hữu quan của hai nước phối hợp xây dựng chương trình hành động và lộ trình thực hiện cụ thể để hai thủ tướng của chính phủ hai nước có thể ký kết chính thức tại cuộc họp nội các chung dự kiến nhóm vào tháng 10/2013 tại Thái Lan.

Báo trong nước cũng cho hay hai nước đã cam kết đẩy mạnh hợp tác kinh tế, gia tăng kim ngạch thương mại hai chiều mỗi năm lên 20% để đạt mục tiêu 15 tỷ USD vào năm 2020 bên cạnh các hợp tác khác như lao động, việc làm, xây dựng, phát triển cơ sở hạ tầng, kết nối giao thông...

Hai nhà lãnh đạo cũng cam kết tạo điều kiện, khuyến khích giới đầu tư Thái Lan đầu tư trong các lĩnh vực công nghiệp phụ trợ, hóa dầu, thăm dò và khai thác dầu khí.

'Bàn về Biển Đông'

Tại cuộc hội đàm, ông Nguyễn Phú Trọng và bà Yingluck Shinawatra cũng trao đổi về các vấn đề quốc tế và khu vực, trong đó có vấn đề của khối Asean và an ninh khu vực, đặc biệt về an ninh và xử lý tranh chấp trên Biển Đông, theo báo trong nước.

"Hai nhà lãnh đạo bày tỏ quan ngại về những diễn biến phức tạp gần đây trên biển Đông; mong muốn các bên liên quan giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở tuân thủ luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển 1982, Tuyên bố Ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC), Tuyên bố 6 điểm của ASEAN; nhất trí sớm xây dựng Bộ Quy tắc Ứng xử ở biển Đông (COC), nhằm đảm bảo hòa bình an ninh và an toàn, tự do hàng hải ở biển Đông," truyền thông cho hay.

Như vậy Thái Lan trở thành một trong các đối tác chiến lược mới nhất của Việt Nam.

Một số chuyên gia và nhà nghiên cứu cho rằng Việt Nam có thể đang trong một xu hướng muốn cân bằng và đa phương hóa các quan hệ quốc tế.

Tuy nhiên các ý kiến cũng cho rằng các lãnh đạo Việt Nam có thể tạo ra ấn tượng rằng quốc gia này đang "lạm phát" về quan hệ"đối tác chiến lược".

Gần đây nhất, trong chuyến thăm Trung Quốc của Chủ tịch nước Việt Nam Trương Tấn Sang theo lời mời của người đồng nhiệm, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, hai bên tiếp tục đề cập tới "mở rộng nội hàm" của quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa hai quốc gia láng giềng vốn có nhiều xung đột trong quá khứ và đang còn nhiều tranh chấp về lãnh thổ, lãnh hải, đặc biệt ở Biển Đông.

Hồi tháng trước, Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng, tại Diễn đàn an ninh khu vực Shangri-la, nhóm họp hàng năm ở Singapore, đã đưa ra thông điệp về "lòng tin chiến lược", một khái niệm dường như được Việt Nam gửi cho nhiều cường quốc và các quốc gia có liên quan trong khu vực.