VN ve vãn các hợp đồng vũ khí Phương Tây

Hoa Kỳ hiện chưa bán vũ khí cho Việt Nam do thực trạng nhân quyền kém của Hà Nội.

Nguồn hình ảnh, REUTERS

Chụp lại hình ảnh, Hoa Kỳ hiện chưa bán vũ khí cho Việt Nam do thực trạng nhân quyền kém của Hà Nội.

Việt Nam hướng tới các công ty quốc phòng phương Tây trong khi căng thẳng ở Biển Đông gây ra cảnh báo về nguy cơ có chạy đua vũ trang khu vực, giới chức quốc phòng và phân tích an ninh cảnh báo.

Hãng Reuters đưa tin Việt Nam là một trong số các quốc gia Đông Nam Á tìm cách đầu tư cho nỗ lực giám sát và tuần tra trên biển, khiến tạo đà cạnh tranh lớn cho các hợp đồng vũ khí trong vùng ước tính có giá trị lên đến nhiều trăm triệu đôla.

“Việt Nam đang mở cửa cho các nhà cung cấp phương Tây, tức là trước đây hai hoặc ba năm thì không có chuyện đó" Marie-Laure Bourgeois, Phó chủ tịch Chi nhánh Nam và Đông Nam Á tại hãng Thales của Pháp, nhà cung cấp thiết bị điện tử quốc phòng lớn nhất châu Âu cho biết.

"Căng thẳng nổi lên tại vùng Biển Đông và điều này khiến gia tăng nhu cầu có hệ thống giám sát. Các quốc gia trong khu vực muốn đảm bảo rằng họ biết được đầy đủ về những gì đang xảy ra trên biển và trên không."

Việt Nam hiện đang có tranh chấp chủ quyền lãnh thổ, lãnh hải với Trung Quốc và các nước khác trong vùng gồm Brunei, Malaysia, Philippines và Đài Loan tại khư vực được cho là có trữ lượng dầu khí lớn cũng như là nơi đánh bắt thủy sản có giá trị.

Căng thẳng giữa Việt Nam và Trung Quốc sau các va chạm năm ngoái dường như đã giảm bớt nhưng các nước trong khu vực hiện quan tâm nhiều tới các hợp đồng vũ khí.

"Chính phủ các nước (Đông Nam Á) đang tăng cường quân bị của họ, vì họ có tiền để chi và kể như là một phần của một chiến lược bảo hiểm rủi ro trước Trung Quốc cũng như đối phó giữa các nước với nhau", ông Nigel Inkster, nguyên Phó giám đốc Cơ quan Tình báo Anh (MI6) cho biết.

"Mặc dù khu vực Đông Nam châu Á không thích nghe điều này, nhưng hiện có một cuộc chạy đua vũ trang xảy ra trong khu vực", ông Inkster, người đứng đầu ban nghiên cứu các mối đe dọa xuyên quốc gia và rủi ro chính trị tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế tại London nói.

Đàm phán hợp đồng

Đối thoại chiến lược Anh-Việt gồm cả lĩnh vực quốc phòng.
Chụp lại hình ảnh, Đối thoại chiến lược Anh-Việt gồm cả lĩnh vực quốc phòng.

Phân nửa số tàu chở dầu toàn cầu đi qua khu vực hiện đang có tranh chấp tại Biển Đông, khiến tăng nhu cầu có hệ thống hải giám dự kiến sẽ được trưng bày tại hội chợ vũ khí tại Singapore từ 14-19 tháng Hai.

"Việt Nam thường mua thiết bị quân sự của Nga bao gồm cả việc đặt mua sáu tàu ngầm hạng Kilo, nhưng đang nổi lên như một thị trường cho các nhà cung cấp khác để tránh bị yếm thế trước Trung Quốc", ông James Hardy, biên tập viên khu vực châu Á-Thái Bình Dương của tạp chí Jane’s Defence Weekly được dẫn lời nói với Reuters.

Israel được xem là nhà cung cấp tiên phong đã thắng thầu cho hợp đồng mà Thales cũng đấu thầu mà bên mua là Việt Nam, nhưng các hợp đồng khác vẫn còn đó.

"Đã có các cuộc thảo luận với nhà chức trách Việt Nam không chỉ mua thiết bị của Nga. Chúng tôi đã tham gia vào các cuộc thảo luận về hệ thống radar và vẫn còn đang thảo luận một số mảng khác nữa", ông Bourgeois cho biết.

Israel và Việt Nam đã tăng cường tiếp xúc song phương gần đây nhưng bất kỳ hợp đồng quốc phòng nào cũng còn phải mất nhiều tháng nữa mới có kết quả, một nguồn tin từ công ty Israel Aerospace Industries nói với Reuters .

Hôm thứ Năm 09/02, công ty này đã công bố một hợp đồng trị giá 150 triệu USD để cung cấp radar để một quốc gia ở châu Á mà họ không nêu tên.

Thứ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ Kurt Campbell cho biết tại Hà Nội tuần trước, Việt Nam cần thiết để cải hiện trạng nhân quyền trước khi hai bên có thể tiến tới quan hệ gần gũi hơn về quân sự.

"Căng thẳng trong khu vực Đông Nam Á cùng với túi tiền lớn khiến khu vực này là một thị trường rất hấp dẫn cho các công ty quốc phòng, đặc biệt là nơi mà Mỹ tự tách khỏi," chuyên viên tư vấn quốc phòng Alexandra Ashbourne-Walmsley cho biết.

Vào cuối tháng Mười Hai, Phó Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình kêu gọi cho mối quan hệ tốt hơn với Việt Nam, nói rằng hai nước nên xử lý đúng mực các khác biệt của họ và nên làm nhiều hơn để xây dựng lòng tin.

Tuy nhiên, các nhà ngoại giao phương Tây và các chuyên gia quốc phòng nói trước hội chợ quốc phòng ở Singapore cho rằng thực trạng bất chắc và tranh chấp chồng chéo đã đẩy ngân sách quốc phòng các nước và làm tăng nhu cầu về vũ khí trên toàn khu vực.

Những bài học về Iran dọa đóng cửa eo biển Hormuz cũng là điểm mà khu vực Đông nam Á phải lưu ‎vì đây cũng là tuyến hàng hải chủ đạo.

Ông Nigel Inkster, cựu tình báo Anh (MI6) nói: "Việt Nam muốn cải thiện liên hệ với Hoa Kỳ và các cường quốc phương Tây khác và đang đầu tư rất nhiều trong việc phát triển một số kênh ngoại giao chất lượng cao".

"Cho dù tình hình trong khu vực Đông Nam Á có tiến tới một cuộc Chiến tranh Lạnh mới hay không thì chưa rõ, nhưng có rất nhiều căng thẳng có thể gây bùng phát”.