March 29, 2024, 4:59 pm

Vọng ngoại – Một tư tưởng nô lệ về văn hóa

 

Những ngày cuối năm 2018, cam Cao Phong của Tân Lạc (Hòa Bình) tràn ngập Hà Nội, vừa ngon vừa rẻ, khiến bà nội trợ nào cũng vui vẻ. Tâm trạng của tôi cũng vậy. Nhưng mỗi lần qua phố B.N.D thấy cắm một cái biển “Cam Cao Phong, bởi Tân Lạc”, tôi bỗng trở nên bực bội. Có lẽ đến một lúc nào đó, các bà tiểu thương sẽ đề: “Cam Vinh, bởi Nghệ An”, “Vải thiều Lục Ngạn, bởi Bắc Giang”, “nhãn lồng Thanh Hà, bởi Hưng Yên” v.v và v.v…Nhưng ngẫm lại, các bà tiểu thương này không có lỗi, bởi từ lâu lối quảng cáo, lối nói “lai Tây” này đã từng phổ biến từ miệng của khối “trai thanh gái lịch”, trên các phương tiện thông tin nổi tiếng: Mẫu thiết kế A. bởi viện B.; Giáo sư C. đến từ trường D; rồi nữ sinh viên X. đến từ trường đại học Y. v.v… Đáng trách là những người có ăn, có học, có kiến thức, mà vẫn phát ngôn lệch chuẩn, học nước ngoài một cách kệch cỡm, còn các bà tiểu thương thì tưởng hay, nên đã học theo.

Đáng tiếc là cách nói, cách tư duy kệch cỡm này ngày càng phổ biến, ngày càng lan rộng. Bắt đầu là các cửa hàng thời trang nổi tiếng, các siêu thị sang trọng đề giá hàng 100K, 500K… thay cho 100 ngàn, 500 ngàn, đến bây giờ biển giá hàng này đã phổ biến khắp các ngõ ngách. Nào là phở bò 30K, bún chân giò 25K, rồi bún riêu cua, bánh đa cua 20K, thậm chí là nước mía sạch 8K… Đến đây thì không còn là sự lệch chuẩn, kệch cỡm, mà đã là sự học đòi vô lối, tưởng là sang trọng, nhưng thực tế là tự ti, chối bỏ lối nói, lối diễn đạt của dân tộc (cứ đà này đến một lúc nào đó, các đơn vị tiền tệ của ta sẽ biến mất trên thị trường!). Thêm một điều đáng buồn nữa là sự kệch cỡm này lại đến từ những người tự cho mình là có hiểu biết – có điều sự hiểu biết của họ chưa toàn diện, chưa đầy đủ, mà cha ông ta từng chế diễu “biết một mà không biết hai!”.

Nền kinh tế của nước ta đang hội nhập sâu với thế giới, nên các công ty, doanh nghiệp phải có tên giao dịch quốc tế, điều đó là cần thiết và chính đáng. Có điều các tên giao dịch quốc tế đó không biết từ lúc nào đã trở thành tên giao dịch chính thức, các đối tác trong nước cũng buộc phải giao dịch với tên quốc tế (không ít người còn không nhớ, không biết tên chính thức tiếng Việt của các công ty, doanh nghiệp này là gì). Những cái tên MobiFone, Vina Fone, Viettel, Vinamilk, SCB… tràn ngập khắp nơi. Sự kệch cỡm (có khi tới lố bịch) không ít trường hợp đã trở nên không chịu đựng nổi…Điển hình là tên gọi Bưu điện Bờ Hồ đã trở nên thân thuộc, một thương hiệu nổi tiếng, nhưng một ngày trở thành VNPT Hà Nội. Hà Nội đã lên tiếng, nhiều nhà văn hóa và người dân Hà Nội đã lên tiếng…nhưng tấm biển này vẫn ngạo nghễ tồn tại một cách thách thức.

Đi dạo trên các phố thương mại sầm uất của Hà Nội, mà cứ ngỡ như trên phố Tây. Bởi gần như 100% các biển hiệu đều đề bằng tiếng nước ngoài. Thử hỏi các công ty, cửa hàng này giao dịch với người Việt Nam chủ yếu hay là với khách nước ngoài – ngay cả khi chúng ta đón lượng khách du lịch kỷ lục là 15 triệu lượt người trong năm 2018: Điều này không chỉ chứng tỏ chủ các cửa hàng, công ty…thiếu hiểu biết, thiếu văn hóa, có tư tưởng tự ti, nô lệ nước ngoài, mà còn vi phạm luật pháp. Pháp luật nước ta quy định: các cửa hàng, cửa hiệu, công ty… phải đề tên tiếng Việt bên trên, tiếng nước ngoài nhỏ hơn, đặt ở phía dưới. Nhưng đến hiện nay vi phạm này đã trở nên rất phổ biến, cũng chẳng thấy ai nhắc nhở, chẳng ai bị xử phạt.

Có những nước lòng tự tôn dân tộc của họ lớn đến nỗi tất cả các biển hiệu chỉ dùng chữ nước họ, điều này gây khó khăn rất lớn cho khách quốc tế (nhất là những nước không sử dụng chữ theo tự dạng la tinh) lại có những nước đại biểu đến dự hội nghị quốc tế, Ban tổ chức đã thông báo là chỉ sử dụng tiếng Anh, nhưng họ chỉ đọc tham luận bằng tiếng nước họ, khiến Ban tổ chức phải cuống quýt đi tìm người phiên dịch. Tất cả những điều này đều là sai là lố bịch, nhưng có một phần cần được để thể tất đó là họ yêu tiếng nước họ, tự hào về dân tộc mình.

Điều đáng trách nữa là có những tên gọi đã Việt hóa hàng trăm năm nay, đã trở nên rất quen thuộc như: cà phê, xích lô, pê đan, xích líp… bỗng bị phiên âm ngược, mà người làm trò lố này lại hãnh diện là mình sành điệu. Hiện tượng này ngày càng trở nên phổ biến không chỉ trong cuộc sống hàng ngày – mà cả trên những phương tiện thông tin đại chúng, kể cả những cơ quan thông tin lớn. Không ít trường hợp người viết sử dụng tiếng nước ngoài rồi mở ngoặc chú thích bằng tiếng Việt. Điều này là hợp lý khi tiếng Việt không lột tả hết nội dung thuật ngữ, nhưng đáng trách là nó bị dùng tràn lan, có khi chỉ là khoe kiến thức kệch cỡm.

Những điều này không chỉ chứng tỏ sự thiếu hiểu biết một cách cặn kẽ khi hội nhập quốc tế, nguy hại hơn là nó chứng tỏ một bộ phận không nhỏ người Việt đã tự ti, vọng ngoại. Họ coi cái gì của nước ngoài cũng hay, còn của nước mình cái gì cũng yếu, cũng kém. Đó là tư tưởng nô lệ về văn hóa – mà từ nô lệ về văn hóa, tư tưởng, đến nô lệ thật sự chỉ còn là một bước rất gần.


Nguồn Văn nghệ số 34/2019


Có thể bạn quan tâm