Vụ ông Vương Đình Huệ từ chức dưới góc nhìn quốc tế

Chiến dịch "đốt lò" đã khiến 5 ủy viên Bộ Chính trị khóa 13 "thôi chức"
Chụp lại hình ảnh, Chiến dịch "đốt lò" đã khiến 5 ủy viên Bộ Chính trị khóa 13 "thôi chức"

Vụ việc Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ “thôi chức” một lần nữa cho thấy những xáo trộn ở thượng tầng Việt Nam. Nhiều chuyên gia và báo chí quốc tế đã lại đặt lên câu hỏi về tính ổn định chính trị.

“Bất ổn chính trị” lại một lần nữa là cụm từ được nhiều tờ báo quốc tế sử dụng khi nói về Việt Nam. Chiến dịch chống tham nhũng của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng bị đặt dấu hỏi.

Nhìn vào tình hình chính trị Việt Nam hiện tại, Giáo sư Carl Thayer, nhà nghiên cứu chính trị Việt Nam và bang giao quốc tế, nhận định với BBC rằng “các nhà đầu tư nước ngoài sẽ thấy lo lắng mỗi ngày”.

Tờ New York Time có đánh giá tương tự, cho rằng việc ông Huệ thôi chức sẽ gây ra lo lắng cho các nhà đầu tư nước ngoài vừa tới Việt Nam vài năm gần đây.

Trong khi đó, Bloomberg cho rằng những biến chuyển này “không ảnh hưởng đến triển vọng kinh tế của Việt Nam hay thay đổi các chính sách của chính phủ”.

Ông Vương Đình Huệ xin thôi chức vào ngày 26/4, vài ngày sau khi trợ lý của ông là ông Phạm Thái Hà bị bắt và chỉ hơn một tháng sau khi Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng bị miễn nhiệm.

Trong thông báo của Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam về trường hợp Vương Đình Huệ, những cụm từ quen thuộc lại xuất hiện, như “chịu trách nhiệm người đứng đầu” và “vi phạm Quy định về những điều đảng viên không được làm”.

‘Xáo trộn chính trị chưa từng có’

Tính từ tháng 12/2022, đã có hai chủ tịch nước, hai phó thủ tướng, một trưởng ban Kinh tế Trung ương và bây giờ là Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ thôi chức.

Tức là đã có sáu lãnh đạo cấp cao, trong đó có 5 ủy viên Bộ Chính trị, thôi chức trong vòng 17 tháng.

Đánh giá về việc này với BBC News Tiếng Việt, Giáo sư Zachary Abuza từ trường National War College, Đại học National Defense (Mỹ), nhận định rằng Việt Nam đang ở trong “một thời kỳ xáo trộn chính trị chưa từng có”.

"Trong 30 năm theo dõi chính trị Việt Nam, tôi chưa từng thấy thời kỳ nào mà đấu đá nội bộ lại mạnh và quy mô rộng khắp như thế này. Tôi chưa từng thấy nhiều người bị xử lý đến như vậy," Giáo sư Abuza nói.

Hôm 26/4, sau khi có tin ông Huệ từ chức, AP News đã có bài viết về sự kiện này.

Trong bài viết, Tiến sĩ Nguyễn Khắc Giang, nghiên cứu viên khách mời thuộc Viện ISEAS (Singapore), nhận định việc ông Huệ từ chức “cho thấy rõ sự bất ổn cực độ trong một môi trường chính trị thường tự hào về sự ổn định”.

Ông Giang cho rằng sự ra đi của ông Huệ sẽ “khiến cuộc khủng hoảng kế nhiệm ở Việt Nam càng trở nên trầm trọng”.

Tương tự, tờ New York Times viết rằng việc ông Huệ từ chức “rất có thể sẽ gây thêm nhiều lo lắng cho quan chức ở Việt Nam về một cuộc đấu đá quyền lực ngày càng gay gắt trước cuộc chuyển giao lãnh đạo sắp tới vào năm 2026”.

Tháng 1/2026, Đại hội Đảng lần thứ 14 sẽ diễn ra. Hiện nay, công tác nhân sự cho khóa tới đang được triển khai.

“Vẫn còn nhiều thời gian cho cạnh tranh và đấu đá nội bộ. Và mọi việc đang ngày một trở nên tồi tệ,” Giáo sư Abuza nói khi nhắc tới thời điểm diễn ra Đại hội Đảng 14.

Công cuộc xây dựng Đảng ‘thất bại’

Chụp lại hình ảnh, Ông Vương Đình Huệ từng là một ứng cử viên sáng giá cho vị trí chủ tịch nước sau khi ông Võ Văn Thưởng từ chức
Chụp lại hình ảnh, Ông Vương Đình Huệ từng là ứng cử viên sáng giá cho vị trí chủ tịch nước sau khi ông Võ Văn Thưởng từ chức

Theo Reuters, các nhà ngoại giao, quan chức và giới quan sát cho rằng những cuộc cải tổ nhân sự mạnh mẽ tại Việt Nam hiện nay nằm trong nỗ lực chuẩn bị người kế nhiệm cho “vị lãnh đạo già nua” Nguyễn Phú Trọng.

Đánh giá tình hình hiện tại, Giáo sư Carl Thayer cho rằng công cuộc xây dựng đảng của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng “đã thất bại”.

“Rõ ràng là ông Trọng không thể chọn được người kế nhiệm khi các bè phái đấu đá. Ông Huệ đáng lẽ ra đã có thể giữ chức vì phe của ông ấy sẽ bảo vệ ông Trọng,” ông nói.

Một số nhà quan sát chính trị từng đánh giá với BBC rằng ông Thưởng và ông Huệ là hai ứng cử viên sáng giá kế nhiệm vị trí tổng bí thư.

Theo Giáo sư Thayer, ông Trọng hiện không còn nhiều sức ảnh hưởng và sẽ nghỉ hưu vào cuối nhiệm kỳ.

Ngày 23/3, ngay sau khi ông Thưởng bị miễn nhiệm, BBC đã có cuộc trò chuyện với giáo sư Carl Thayer.

Khi đó, ông nhận định rằng việc ông Thưởng bị miễn nhiệm một lần nữa cho thấy sự không hiệu quả của công tác xây dựng đảng qua ba nhiệm kỳ của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

"Sẽ rất khó giải thích việc số lượng ủy viên Bộ Chính trị giảm từ 18 xuống còn 14 trong vòng hai năm. Bởi vậy, người lãnh đạo cấp cao nhất sẽ phải chịu một phần trách nhiệm về việc này," ông nói.

Giờ đây, với sự ra đi của ông Huệ, số lượng ủy viên Bộ Chính trị chỉ còn 13 người.

Nhiều người có thể bất ngờ với sự ra đi của ông Vương Đình Huệ.

Hồi tháng 10/2023, ông Vương Đình Huệ từng đạt mức phiếu “tín nhiệm cao” thứ nhì trong cuộc bỏ phiếu tín nhiệm đối với những người giữ chức vụ do Quốc hội bầu, phê chuẩn.

Cụ thể, ông Huệ nhận được 437 phiếu “tín nhiệm cao” (gần 90,04%), cao hơn nhiều so với 373 phiếu (khoảng 77%) của Thủ tướng Phạm Minh Chính và 329 phiếu (khoảng 68%) của Bộ trưởng Công an Tô Lâm.

Số phiếu “tín nhiệm cao” của ông Huệ chỉ đứng sau Bộ trưởng Quốc phòng Phan Văn Giang (93,14%).

‘Công an đang dần nắm quyền’

Ảnh chụp năm 2016 khi ông Tô Lâm (áo trắng) mới được bầu làm Ủy viên Bộ Chính trị

Nguồn hình ảnh, HOANG DINH NAM/AFP via Getty Images

Chụp lại hình ảnh, Ảnh chụp năm 2016 khi ông Tô Lâm (áo trắng) mới được bầu làm Ủy viên Bộ Chính trị

Theo Quy định 214-QĐ/TW năm 2020 của Bộ Chính trị, Đại tướng Tô Lâm là một trong số rất ít thành viên Bộ Chính trị đủ tiêu chuẩn để nắm giữ một chức vụ trong “Tứ Trụ”.

Đánh giá về ông Tô Lâm, Giáo sư Abuza cho rằng vị bộ trưởng Công an này đang “lợi dụng chiến dịch chống tham nhũng và biến nó thành vũ khí để lần lượt hạ bệ các đối thủ của mình”.

“Đối với ông Lâm, cách phòng thủ tốt nhất chính là tấn công và rõ ràng là ông ấy đã tham gia vào chiến dịch ‘đốt lò’ của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

“Ông ta đã hạ gục hết nhà lãnh đạo này tới nhà lãnh đạo khác, hết doanh nhân này nối tiếp doanh nhân khác. Ông ta thực sự đang ở một vị trí bất khả xâm phạm,” Giáo sư Abuza nói với BBC.

Về vấn đề này, ông David Hutt, nhà nghiên cứu từ Viện Trung Âu về Nghiên cứu châu Á (CEIAS), nhận định với BBC vào hôm 26/4 như sau:

"Công an đang dần nắm quyền. Đây không phải là một điều tốt đẹp cho người dân Việt Nam, cộng đồng doanh nghiệp và sự kiềm chế lẫn nhau trong nội bộ Đảng Cộng sản.

“Quan ngại của tôi là về những gì sẽ diễn ra sau Đại hội Đảng năm 2026 nếu các cuộc thanh trừng vẫn còn tiếp diễn. Chính những người có thể leo lên đỉnh cao quyền lực như ông Tô Lâm lại tự thân chẳng hề trong sạch.”

Theo Tổ chức ổ chức Minh bạch Quốc tế (Transparency International), chỉ số nhận thức tham nhũng của Việt Nam năm 2023 là 41/100 – xếp hạng 83/180 quốc gia.

‘Đốt lò’ là nỗ lực vô vọng

Chiến dịch “đốt lò” là chương trình hành động trọng tâm của ông Nguyễn Phú Trọng.

Tuy nhiên, với cơ chế độc đảng, với việc Đảng Cộng sản Việt Nam không chịu sự giám sát, không có trách nhiệm giải trình, với một quy trình tuyển chọn nhân sự thiếu minh bạch và chỉ tập trung trong nội bộ đảng, nhiều chuyên gia cho rằng chiến dịch “đốt lò” hay những lời kêu gọi kiểu quan chức tham nhũng “phải biết xấu hổ” của ông Trọng là vô vọng. Tức là, những vụ bắt giữ, những chiến dịch hạ bệ, những lời đe dọa, những lời kêu gọi không thể giúp khắc phục được lỗi mang tính hệ thống, lỗi về thiết kế hệ thống được.

Nhận định về tương lai của chiến dịch chống tham nhũng, ông David Hutt đặt vấn đề:

“Liệu chiến dịch ‘đốt lò’ có khiến Đảng Cộng sản sụp đổ? Liệu ném chuột có làm chiếc bình bị vỡ? Hay chiến dịch chống tham nhũng này rồi cũng sẽ chững lại và nhiều quan chức tham nhũng thoát tội?”

Giáo sư Thayer cho rằng sẽ có hai phe hình thành, một phe của ông Tô Lâm ủng hộ chiến dịch “đốt lò” và một phe muốn chiến dịch này giảm bớt quy mô và sự quyết liệt.

Cũng theo ông Thayer, mục tiêu của chiến dịch “đốt lò” không còn chỉ là loại bỏ nạn tham nhũng mà còn là để tìm ra người ngồi vào chiếc ghế tổng bí thư.

“Hiện tại, những ủy viên Bộ Chính trị chỉ cần có ý nghĩ muốn trở thành tổng bí thư sẽ bị đưa vào tầm ngắm và xem xét đánh giá tiêu chuẩn. [Khi đó], việc điều tra sẽ không bị giới hạn bởi bất kỳ quy chế nào,” ông nói.

‘Bộ máy quan liêu trì trệ’

Những diễn biến trên chính trường Việt Nam có thể khiến các nhà đầu tư nước ngoài lo lắng.

“Chúng ta đã thấy trong quá khứ, mỗi khi Đại hội Đảng đến gần, bộ máy quan liêu càng trở nên cứng nhắc và bảo thủ.

“Đây không phải điều mà các nhà đầu tư nước ngoài mong muốn. Đấy cũng không phải thời điểm mà họ sẵn sàng đầu tư. Họ muốn các quy trình vận hành suôn sẻ để họ đầu tư và triển khai dự án một cách nhanh chóng. Do đó, Việt Nam đang tự đặt mình vào một thế khó,” Giáo sư Carl Thayer đánh giá.

Về sự ra đi của ông Huệ, bài viết trên Nikkei Asia nhắc tới những lo lắng mới về tính ổn định chính trị của Việt Nam – quốc gia phụ thuộc lớn vào vốn đầu tư nước ngoài và thương mại.

Bài viết nhắc tới việc ông Huệ là tiến sĩ kinh tế, từng làm phó thủ tướng và trưởng ban kinh tế trung ương.

Viết về môi trường đầu tư của Việt Nam sau khi ông Huệ thôi chức, các báo nước ngoài thường nhắc lại vụ án Vạn Thịnh Phát và bà Trương Mỹ Lan.

Trong khi vụ việc của ông Huệ, và trước đó là ông Thưởng, cho thấy sự bất ổn ở cấp cao nhất, thì vụ án Vạn Thịnh Phát cho thấy sự vô năng của cơ quan quản lý nhà nước khi để sai phạm xảy ra trong một thời gian dài. Các vụ việc này có tác động rất lớn vào chính trường, vào nền kinh tế, vào bộ máy hành chính, khiến các nhà đầu tư lo ngại.

Quay trở lại thời điểm ông Thưởng thôi chức chủ tịch nước, đã có nhiều bài báo đề cập tới “sự trì trệ của bộ máy quan liêu” ở Việt Nam.

Khi đó, Reuter đã dẫn lời các chuyên gia cho rằng việc ông Thưởng thôi chức chỉ sau hơn một năm cho thấy chuyển biến khó lường của chính trị Việt Nam, có thể làm giảm uy tín Đảng Cộng sản và khiến bộ máy quan liêu cồng kềnh ngày càng trở nên trì trệ.

Reuters dẫn lời ông Florian Feyerabend, trưởng đại diện tại Việt Nam của Viện KAS (Konrad-Adenauer-Stiftung), nhận định rằng diễn biến gần đây trên chính trường Việt Nam đặt ra câu hỏi về "tính có thể lường trước được, về độ tin cậy và hoạt động nội bộ của hệ thống", những yếu tố quan trọng đối với các quyết định đầu tư.

Ngày 26/3, chưa tới một tuần sau khi Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng từ chức, Bộ trưởng Ngoại Giao Việt Nam Bùi Thanh Sơn đã phải trấn an Mỹ về “ổn định chính trị”.

Sau một tháng, Việt Nam lại mất thêm một “trụ” nữa trong “Tứ Trụ”.