Vào nội dung chính
PHÂN TÍCH

"Vụ tàu ngầm Úc’’: Nhiều mâu thuẫn Pháp - Mỹ không thể dung hòa

Tối 15/09/2021, một biến cố bất ngờ khiến quan hệ Pháp–Mỹ rơi vào khủng hoảng. Washington thông báo thành lập liên minh « chiến lược » Mỹ-Úc-Anh tại Ấn Độ-Thái Bình Dương, đồng thời chuyển giao công nghệ tầu ngầm hạt nhân cho Úc, đồng nghĩa với việc hợp đồng tầu ngầm Pháp–Úc trị giá 56 tỉ euro ký năm 2016 bị hủy. Paris lên án « đòn đánh sau lưng » của « đồng minh ». Trên thực tế, vụ này phơi bày nhiều mâu thuẫn Pháp–Mỹ không thể dung hòa.

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken (T) và đồng nhiệm Pháp Jean -Yves Le Drian (G) tại buổi lễ đặt tượng Nữ Thần Tự Do trong Đại sứ quán Pháp tại Washington, Hoa Kỳ, ngày 14/07/2021.
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken (T) và đồng nhiệm Pháp Jean -Yves Le Drian (G) tại buổi lễ đặt tượng Nữ Thần Tự Do trong Đại sứ quán Pháp tại Washington, Hoa Kỳ, ngày 14/07/2021. AFP - NICHOLAS KAMM
Quảng cáo

Khủng hoảng đúng là rất nghiêm trọng. Chính phủ Pháp không giấu nỗi giận dữ. Ngoại trưởng Jean-Yves Le Drian, người từng thương lượng về hợp đồng chế tạo 12 tàu ngầm cho Úc,= khi còn là bộ trưởng Quốc Phòng, lên án cách hành xử « đơn phương, độc đoán, không dự kiến trước, rất giống với điều mà ông Trump làm trước đây », và đây là « chuyện không nên để xảy ra giữa các đồng minh ». Sứ quán Pháp tại Washington quyết định hủy một buổi dạ tiệc long trọng kỷ niệm trận hải chiến lịch sử tại vịnh Chesapeake năm 1781, nơi hải quân Pháp đánh bại một hạm đội Anh, một chiến thắng được coi như có vai trò quyết định trong thắng lợi của liên quân Mỹ - Pháp. Sự kiện được coi như là một biểu tượng quan trọng cho mối quan hệ đồng minh bền chặt Mỹ - Pháp ngay từ thời Hoa Kỳ lập quốc.

Những lời êm ái không trấn an được ai

Chính quyền Biden trấn an Paris, với tuyên bố của ngoại trưởng Antony Blinken, khẳng định « Pháp là một đối tác trọng yếu » tại khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương và « trong nhiều lĩnh vực khác », và « đây là điều đã diễn ra từ lâu, và sẽ tiếp tục như vậy trong tương lai ». Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng khẳng định trước đó là Hoa Kỳ sẽ « tiếp tục cộng tác mật thiết với Pháp », « đồng minh chủ chốt » tại khu vực chiến lược này.

Tuy nhiên, những lời lẽ êm ái nói trên không trấn an được ai tại Paris. Chính phủ Pháp ngay lập tức bác bỏ khẳng định của Washington rằng đã có nhiều tiếp xúc khác với Pháp để thông tin về dự án liên minh này, trước khi thông báo chính thức. Trên thực tế, khủng hoảng về vụ hợp đồng tầu ngầm Úc đã phơi bày nhiều mâu thuẫn không thể dung hòa giữa Pháp và Mỹ, cũng như giữa Liên Âu với Hoa Kỳ.

 « Cạnh tranh quyền lãnh đạo »

« Đòn đánh » có tính toán nhắm vào Pháp trong một cuộc « cạnh tranh giành quyền lãnh đạo », theo nhận định của bà Anne Cizel, chuyên gia về chính sách đối ngoại Mỹ tại Đại học Sorbonne, Paris. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron từ nhiều năm nay tự khẳng định là người đi đầu trong sáng kiến xây dựng nền quốc phòng « tự chủ » và sự tự trị về chiến lược của châu Âu. Một nền quốc phòng tự chủ của châu Âu đồng nghĩa với vị thế của Mỹ tại châu Âu sụt giảm. 

Cạnh tranh và xung khắc là điều khó tránh khỏi trong quan hệ Pháp – Mỹ, Âu - Mỹ, một khi Liên Âu với sự thúc đẩy của cặp Đức – Pháp vươn lên tìm cách khẳng định vị trí của một thế lực địa - chính trị. Bốn năm dưới thời tổng thống Donald Trump khiến các hợp tác giữa hai bờ Đại Tây Dương suy giảm, nhưng « cũng mang lại một cơ hội cho Pháp và cặp Pháp – Đức khẳng định vị thế lãnh đạo » tại châu Âu, như ghi nhận của chuyên gia Anne Cizel.

Ngày 15/09, ít giờ trước khi Mỹ công bố Liên minh chiến lược AUKUS đối đầu với Trung Quốc tại Ấn Độ - Thái Bình Dương, trong bài Diễn văn thường niên về tình hình Liên Hiệp đọc tại Nghị Viện Châu Âu, chủ tịch Ủy Ban Châu Âu Ursula von der Leyen đặc biệt nhấn mạnh đã đến lúc Liên Âu phải khẳng định năng lực quốc phòng tự chủ, sẵn sàng hành động « nơi nào mà NATO và Liên Hiệp Quốc không có mặt ». Chủ tịch Ủy Ban Châu Âu ủng hộ mạnh mẽ sáng kiến của Paris tổ chức hội nghị về quốc phòng Liên Âu, dự kiến đầu năm tới, trong thời gian Pháp làm chủ tịch luân phiên của khối này.

Bắc Kinh trong tầm ngắm : Pháp, Mỹ xung khắc nhưng không là đối thủ

Pháp – Mỹ xung khắc nhưng điều đó không đồng nghĩa với việc Paris và Washington trở thành đối thủ. Theo chuyên gia về châu Á Walter Lohman, giám đốc nghiên cứu Á châu tại quỹ Heritage, « thách thức Trung Quốc » đòi hỏi quyết tâm từ nhiều phía. Theo chuyên gia này, việc nước Úc được trang bị tầu ngầm hạt nhân là một bước tiến « rất quan trọng », cho dù phải trả một cái giá trong quan hệ Mỹ - Pháp. Đối với Washington, Paris vẫn có một vị trí quan trọng trong chiến lược của Mỹ tại khu vực.

Về phía Liên Âu, lãnh đạo ngoại giao châu Âu Josep Borrell « thông cảm với nỗi thất vọng của nước Pháp », đồng thời nhấn mạnh là thỏa thuận AUKUS (Mỹ-Anh-Úc) một lần nữa buộc Liên Âu phải tiếp tục suy nghĩ về việc « phát triển năng lực tự chủ chiến lược của Liên Hiệp Châu Âu », trong đó có chiến lược riêng của Liên Âu tại khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương, trọng tâm của nền kinh tế toàn cầu. Các định hướng của Liên Âu có thể trùng khớp, nhưng chắc chắn sẽ có nhiều điểm khác với Hoa Kỳ.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.