Vụ trẻ bị sàm sỡ ở TPHCM: Tranh cãi vì phát ngôn trái chiều

Hình minh họa

Nguồn hình ảnh, Reuters

Làn sóng dư luận vẫn đang sôi sục sau vụ một bé gái bị nguyên Phó Viện Kiểm sát Đà Nẵng Nguyễn Hữu Linh 'ôm, hôn'' trong thang máy ở TP Hồ Chí Minh hồi đầu tháng 4.

Một tuần sau khi vụ việc xảy ra, sự tức giận có vẻ còn mở rộng sang với những cá nhân có ý kiến trái chiều như bà Thư Đỗ.

Sau bài viết hôm 4/4 của người này, nhiều công dân trên mạng xã hội tranh cãi về quyền tự do ngôn luận, và phát biểu của một cá nhân.

Quan điểm 'trái chiều'

Hôm 4/4, tài khoản bà Thư Đỗ đăng lên Facebook một dòng trạng thái nêu lên quan điểm đồng tình với gia đình bé gái về quyết định không kiện vụ việc "ôm, hôn trong thang máy".

"Nếu con mình bị dâm ô, đặc biệt khi thủ phạm là một quan chức cao cấp, mình cũng không kiện," dòng chữ gây tranh cãi mở đầu bài viết.

"Nhiều người kêu gọi gia đình phải kiện vì họ lắng cho quyền lợi của con em họ, chứ không phải lo cho nạn nhân thật sự. Nạn nhân thì đã là nạn nhân, còn bắt con bé 8 tuổi đi hầu bao nhiêu phiên tòa, đi lấy lời khai… chỉ để con cháu nhà người khác có tương lai có thể an toàn hơn?"

Bà Thư Đỗ, tác giả của hai quyển sách về làm đẹp, cho rằng "cách thức lấy lời khai của nạn nhân nhỏ tuổi hơn ở Việt Nam thì đang rất hãm," cho rằng quy trình hiện hành "vốn được tạo ra để trước tiên bảo vệ cho người làm luật và thi hành luật".

Bà cũng cho rằng có khả năng thủ phạm sẽ không phải chịu trách nhiệm vì "Luật pháp nhà mình chả mấy khi đứng về người bị hại đâu ạ."

Phần còn lại của bài viết Thư Đỗ cho rằng "số người thực sự đấu tranh còn ít hơn số người adua và tọc mạch… số người thương thật hơi bị ít, số người cố nhòm cháy mặt con mình và xì xào sau lưng thì áp đảo. Chịu nổi không?"

"Nếu các vị muốn thay đổi luật pháp, các vị hãy tự làm, và hãy hiểu rằng đó là một chặng đường đằng đẵng gian truân. Cho nên đừng lôi một đứa trẻ con chưa hết kinh hãi để làm công cụ cho các vị, mà hỏng cả cuộc đời con bé," cô kết luận.

Đến thời điểm bài viết bị gỡ, bài viết này đã có khoảng 5.300 lượt yêu thích với nhiều người tỏ quan điểm đồng tình, cũng như phản đối.

Một bài đăng khác của Lương Thế Huy, hôm 5/4 cũng nhận được một phản ứng gần như tương tự.

Cũng như Thư Đỗ, Thế Huy nhấn mạnh vào lợi ích của gia đình và nạn nhân bị hại.

"Giải quyết các vụ việc xâm hại đến nhân phẩm con người không thể chỉ nhăm nhăm vào công lý trừng phạt, tức là lôi bằng được thủ phạm ra xử thật nặng, đánh trống khua chiêng bố cáo thiên hạ từng cập nhật nhỏ nhất. Tại sao? Vì nạn nhân và gia đình họ, trước hết cho đến sau cùng, sẽ luôn là người ở lại hứng chịu những tổn thương do cả sự bất công lẫn quá trình phục hồi công lý gây ra."

Chỉ trích

Sau khi bài viết được đăng, ngay hôm 4/4 đã có nhiều chỉ trích từ dư luận, đặc biệt là giới bất đồng chính kiến.

Đặc biệt, nhóm dư luận này nhạy cảm hơn sau bài đăng hôm 6/4 của bà Thư Đỗ phản ứng trước những lời chỉ trích của giới bất đồng là "Những kẻ chống phá Nhà nước: không phải là đối tượng tôi muốn đối thoại." Sau đó Thư đã khóa Facebook.

Facebooker có nhiều người theo dõi như Bạch Hoàn, phản đối quan điểm của Thư Đỗ cho rằng những người lên tiếng đấu tranh trong vụ ấu dâm là "chống phá nhà nước".

Trương Nam Thi, người mẹ đấu tranh để đưa Nguyễn Khắc Thủy ra tòa, chịu 3 năm tù vì tội dâm ô cũng lên tiếng chỉ trích Thư Đỗ.

"Các bạn là một người mẹ mà ủng hộ cho tư tưởng trên, các bạn có xứng đáng với tư cách là mẹ nữa không? Tôi nhắc lại cho các bạn biết trong môi trường tự nhiên khắc nghiệt của những loài động vật cấp thấp, các bạn có thấy các con mẹ bỏ mạng để cứu con mình khỏi hiểm nguy không?"

Ngoài ra còn một số bình luận, hành độc cực đoan hơn như gửi tin nhắn với lời lẽ miệt thị, bới móc đời tư và xúc phạm bà Thư Đỗ và gia đình.

Những người ủng hộ

Tuy nhiên cũng có một số ý kiến đồng tình với quan điểm của bà Thư Đỗ.

"Tôi cũng không đồng tình với những người ném đá chị Thư Đỗ nào đó vì góc nhìn của chị ấy khác với số đông. Góc nhìn đó có thể được ủng hộ hoặc không được ủng hộ, nhưng nó không đáng để bị ném đá. Đó là góc nhìn đặt trọng tâm vào lợi ích và tương lai của đứa trẻ bị hại - điều mà tôi thấy đang thực sự bị thiếu trong dư luận xã hội về vụ này," Tiến sĩ Lương Hoài Nam viết.

"Cộng đồng ghê thật. Một bà mẹ bày tỏ quan điểm, con mình bị quấy rối bởi môt quan chức cấp cao (mà giả dụ lại còn đang đương chức) thì chị ta lựa chọn không kiện. Đó là một lựa chọn và nó cũng có lý do của người ta," Nguyễn Tiêu Quốc Đạt viết.

Nhà báo Minh Thi thì viết: "Mình thì cho rằng, dư luận đang đi theo hướng cực đoan khi mắng gia đình cháu bé kia là hèn nhát và gắn cho họ đủ các tính từ tiêu cực vì quyết định của họ. Mình tôn trọng quyết định của gia đình cháu bé và cũng kính trọng sự đấu tranh của chị Nam Thi. Mình không nghĩ nên cực đoan lên án hay mắng mỏ bên nào cả, mỗi người bố, người mẹ đều có lý do riêng...

'Điều đáng tiếc'

Ông Nguyễn Trường Sơn, người vận động cho nhân quyền của Tổ chức Ân xá Quốc tế nói rằng việc giới bất đồng phản đối là "không khó hiểu" vì "họ đều khao khát đấu tranh, khi thấy bất đồng họ phẫn uất hơn cả".

"Rất nhiều người (không phải tất cả) đã mạt xát, chửi bới, công kích cá nhân, bôi nhọ... hai người trên, chỉ vì họ có quan điểm khác biệt. Cô Thư đã phải đóng Facebook của mình vì không chịu được làn sóng phản đối mà trong tiếng Anh gọi là (Cyberbullying), vậy là cô đã phải tự cất đi quyền tự do tư tưởng và ngôn luận của mình."

"Tới đây thì chúng ta có lẽ đã nhận ra điều gì đó quen thuộc, chẳng phải chính quyền ở ta vẫn bỏ tù những người bất đồng chính kiến đó sao?" ông Sơn nói.

"Tôi tin rằng chị Thư không phải là người duy nhất có lối suy nghĩ như vậy, điều khác biệt có lẽ là vì thứ chị viết được để ý hơn người khác mà thôi. Mà nếu cứ bạo lực ngôn ngữ với nhau, thì sẽ rất khó để những người như chị Thư bị thuyết phục và đứng chung hàng ngũ với những người hoạt động.

"Như vậy là lỡ mất cơ hội để mời gọi thêm người tới từ các thành phần xã hội khác nhau, cùng tham gia phong trào thúc đẩy tiến bộ xã hội. Rất đáng tiếc."

"Nếu chúng ta đấu tranh cho dân chủ và tự do ngôn luận, thì bản thân phải là hiện thân của các giá trị dân chủ và tự do mà mình đang hô hào cổ vũ."

Người thân bà Thư Đỗ nói gì?

Trao đổi với một phóng viên của BBC News Tiếng Việt hôm 9/4, một người thân của bà Thư Đỗ nói "cảm thấy tổn thương thì có, còn căm ghét thì chắc không" đối với những người đã tấn công, miệt thị gia đình trong nhiều ngày qua.

"Tôi nghĩ đó là sự hiểu lầm, hiểu sai do người ta không đọc kỹ bài. Họ phản đối người ủng hộ ấu dâm, còn bài của Thư không ủng hộ ấu dâm. Thư nghi ngờ các yếu tố pháp lý của Việt Nam chưa đủ răn đe tội phạm (như một số vụ đã xảy ra) trong khi tổn thương của người bị hại thì ngày càng nặng lên nếu theo kiện. Do đó, lựa chọn của Thư là không theo kiện. Hoàn toàn không có ý bênh vực kẻ phạm tôi."

Vụ việc xảy ra trong thang máy ở một chung cư tại TPHCM hôm 1/4
Chụp lại hình ảnh,

Dư luận ở Việt Nam đang đòi chính quyền xử lý nghiêm vụ bé gái trong thang máy bị cựu Viện phó VKSND Đà Nẵng sàm sỡ

"Gia đình nên đấu tranh nhưng ưu tiên hàng đầu là bảo vệ đứa trẻ khỏi thị phi, và các tổn thương có thể xảy ra trong quá trình đấu tranh đó," người này nói tiếp.

"Nếu ai thể hiện quan điểm trái chiều mà cũng bị đe doạ như vậy thì ai dám nói ra gì nữa. Còn gì là tự do ngôn luận?"

Có thông tin là bà Thư Đỗ có thể có người thân làm trong ngành công an, và một bộ phận dân chúng có phần không ưa ngành công an nên chỉ trích càng thêm gay gắt.

Người thân cho biết bà Thư không làm nghề công an, mà làm việc tự do, nghiên cứu mỹ phẩm và viết sách và tổ chức các sự kiện tư vấn sử dụng mỹ phẩm cho phụ nữ tại các doanh nghiệp tư nhân cũng như một số cơ quan nhà nước nhân dịp 8/3 như một số hình ảnh đăng trên Facebook.

"Thư ủng hộ lẽ phải theo nhận thức của mình. Không phải theo phe phái nào cả."