Vua và Hoàng hậu Hà Lan hủy thăm vào phút chót 'vì chuyện nội bộ của Việt Nam'

Vua Willem-Alexander và Hoàng hậu Máxima (trái) nhận lời mời thăm cấp nhà nước của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng (phải)

Nguồn hình ảnh, Reuters/GETTY IMAGES

Chụp lại hình ảnh, Vua Willem-Alexander và Hoàng hậu Máxima (trái) nhận lời mời của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng (phải)

Vua và Hoàng hậu Hà Lan sẽ hoãn chuyến thăm Việt Nam dự kiến ​​diễn ra từ ngày 19-22/3, theo yêu cầu từ phía chính quyền Việt Nam, theo Hoàng gia Hà Lan.

Trang web của Hoàng gia Hà Lan hôm thứ Năm (14/3) thông báo:

"Nhà chức trách Việt Nam đã yêu cầu hoãn chuyến thăm cấp nhà nước của Vua và Hoàng hậu Máxima tới nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam vì lý do nội bộ. Chuyến thăm cấp nhà nước dự kiến ​​diễn ra từ ngày 19 đến 22 tháng 3 sẽ không được tiến hành."

Người phát ngôn của Hoàng gia không nêu chi tiết.

Bộ Ngoại giao Việt Nam cũng không đưa ra bình luận ngay lập tức.

Trước đó, theo kế hoạch được Hoàng gia Hà Lan công bố vào đầu tháng 12/2023, Vua Willem-Alexander và Hoàng hậu Máxima dự kiến ​​đến thăm Việt Nam từ ngày 19/3-22/3 và vào ngày 19/3 sẽ có cuộc gặp với Chủ tịch nước Việt Nam Võ Văn Thưởng, người đã đưa ra lời mời.

Một số trang báo Hà Lan đã đưa thông tin trên, kèm theo bình luận rằng không thấy “xáo trộn” gần đây ở quốc gia cộng sản này.

Vua và Hoàng hậu hoãn, đoàn tháp tùng vẫn đi

Vào ngày 20/2, Hoàng gia Hà Lan đã công bố lịch trình chi tiết chuyến thăm cấp nhà nước của Vua và Hoàng hậu trên trang thông tin chính thức.

Theo tờ chương trình, vào ngày 19/3, Vua và Hoàng hậu Hà Lan dự kiến sẽ được Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và phu nhân Phan Thị Thanh Tâm đón tiếp với lễ đón tại Phủ Chủ tịch.

Vua Willem-Alexander và Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng sẽ duyệt Đội danh dự Quân đội nhân dân Việt Nam.

Tiếp theo là cuộc gặp mặt giữa các phái đoàn để thảo luận các văn bản cần ký kết giữa hai nước Hà Lan và Việt Nam. Một số thỏa thuận được đề cập gồm: Hợp tác về trồng trọt giữa đô thị Westland và tỉnh Lâm Đồng; Chứng nhận điện tử các sản phẩm thực vật giữa Bộ Nông nghiệp, Thiên nhiên và Chất lượng Thực phẩm Hà Lan với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam.

Theo chương trình nghị sự, Vua và Hoàng hậu Hà Lan cũng sẽ gặp Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và có buổi hội kiến với Thủ tướng Phạm Minh Chính.

Vua Willem-Alexander dự định sẽ cùng Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng dự khán cuộc đua thuyền rồng truyền thống của Việt Nam. Sau đó, Vua và Hoàng hậu Hà Lan sẽ gặp Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng.

Lịch trình cho thấy buổi tối 19/3 sẽ có tiệc chiêu đãi do Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và phu nhân tổ chức. Nguyên thủ hai nước sẽ có bài phát biểu tại buổi tiệc này.

Vào các ngày 20, 21 và 22/3, Vua và Hoàng hậu Hà Lan dự kiến sẽ có một số hoạt động tại Hà Nội, Hải Phòng, Cát Bà, TP HCM và Đắk Lắk.

Một điểm đáng lưu ý là dù Vua và Hoàng hậu đã thông báo hoãn chương trình thăm cấp nhà nước nhưng các phái đoàn vốn tháp tùng Vua và Hoàng hậu thì vẫn đến Việt Nam.

Website Hoàng gia Hà Lan thông báo chuyến đi của các phái đoàn kinh tế và doanh nghiệp vẫn “diễn ra như kế hoạch”.

Theo đó, Bộ trưởng Chính sách Tự nhiên và Nitơ Christianne van der Wal dẫn đầu đoàn phụ trách thực phẩm nông nghiệp và làm vườn. Bộ trưởng Hạ tầng kỹ thuật và Quản lý nước Mark Harbers dẫn đoàn về vấn đề nguồn nước và logistics. Đoàn doanh nghiệp sẽ do bà Ingrid Thijssen, Chủ tịch Liên đoàn Công nghiệp và Nhà sử dụng lao động Hà Lan (VNO-NCW), dẫn đầu.

Hà Lan là đối tác thương mại quan trọng của Việt Nam. Ảnh: Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte đạp xe cùng Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính tại Hà Nội vào tháng 11/2023.

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Chụp lại hình ảnh, Hà Lan là đối tác thương mại quan trọng của Việt Nam. Ảnh: Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte đạp xe cùng Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính tại Hà Nội vào tháng 11/2023.

Sau 50 năm quan hệ ngoại giao (1973-2023), Hà Lan hiện là đối tác thương mại lớn thứ hai của Việt Nam tại EU. Trao đổi thương mại song phương năm 2022 đạt 11,09 tỷ USD, tăng 32% so với năm 2021.

Hà Lan cũng là nhà đầu tư lớn nhất của EU tại Việt Nam với khoảng 400 dự án đầu tư, tổng vốn đạt 13,5 tỷ USD, tính tới năm 2023.

‘Chuyện nội bộ’ Việt Nam là chuyện gì?

Việc Vua và Hoàng hậu Hà Lan hủy chuyến thăm vào phút chót được viện dẫn là “do yêu cầu từ Việt Nam” và “xuất phát từ chuyện nội bộ” của Việt Nam.

Quan sát chính trường ở cấp trung ương của Việt Nam, hoạt động đáng chú ý nhất gần đây có lẽ là cuộc họp Tiểu ban Nhân sự Đại hội Đảng lần thứ XIV (đại hội dự kiến diễn ra sau hai năm nữa).

Theo tường thuật của báo chí nhà nước, vào ngày 13/3, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Tiểu ban nhân sự Đại hội XIV của Đảng, đã chủ trì phiên họp đầu tiên của Tiểu ban, thảo luận cho ý kiến về nhiều nội dung quan trọng trong công tác nhân sự của Đảng.

Phiên họp có mặt các ủy viên Bộ Chính trị, gồm Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng; Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính; Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ; Thường trực Ban Bí thư, Trưởng ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai; Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Trần Cẩm Tú.

Theo truyền thông nhà nước Việt Nam, ông Trọng nói rằng công tác nhân sự cùng với công tác văn kiện là hai công tác quan trọng nhất của mỗi kỳ đại hội.

Trong đó, công tác nhân sự cho Đại hội XIV của Đảng được nhấn mạnh và được coi là “nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, then chốt, có liên quan đến sự sống còn của Đảng, vận mệnh của chế độ”.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng yêu cầu đặc biệt phải “có con mắt tinh đời” trong việc đánh giá, giới thiệu, lựa chọn trong công tác nhân sự Đại hội, “đừng nhìn gà hóa cuốc”, “đừng thấy đỏ tưởng là chín”.

Sự kiện liên quan đến nhân sự của Đảng Cộng sản Việt Nam diễn ra trong bối cảnh chiến dịch “đốt lò” của ông Trọng vẫn tiếp diễn.

Báo Thanh Niên trích lời ông Trọng cho biết chỉ tính từ đầu nhiệm kỳ khóa XIII đến nay, Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra Trung ương “đã phải thi hành kỷ luật gần 100 cán bộ cấp cao thuộc diện trung ương quản lý; một số cán bộ đã bị xử lý hình sự”.

Có thể kể tới các trường hợp như cựu Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long, cựu Chủ tịch Hà Nội Chu Ngọc Anh bị truy tố liên quan đến vụ án Việt Á.

Phạm Minh Chính, Vương Đình Huệ, Nguyễn Phú Trọng, Võ Văn Thưởng

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Chụp lại hình ảnh, Bốn nhân vật cấp cao nhất thường được gọi là "Tứ trụ" của Việt Nam (từ trái qua): Phạm Minh Chính, Vương Đình Huệ, Nguyễn Phú Trọng, Võ Văn Thưởng

Mới đây nhất, vào đầu tháng 3/2024, bà Hoàng Thị Thúy Lan, Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc, Ủy viên Trung ương Đảng, Đại biểu Quốc hội, cũng đã bị khởi tố, tạm giam với cáo buộc “nhận hối lộ”.

Bà Lan vốn là một giáo viên trung học cơ sở (cấp 2), sau đó thăng tiến qua công tác đoàn hội, có thời gian đảm nhiệm cương vị ở Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, Trung ương Đoàn, sau đó trở thành Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc.

Bà Lan bị khởi tố với cáo buộc liên quan tới Tập đoàn Phúc Sơn và Chủ tịch tập đoàn này là Nguyễn Văn Hậu, còn gọi là Hậu Pháo, người đã bị khởi tố trước đó.

Tập đoàn Phúc Sơn có dự án trên nhiều tỉnh thành khắp Việt Nam và vụ việc này đã kéo nhiều quan chức cấp tỉnh, từ Vĩnh Phúc cho đến Quảng Ngãi phải vào tù.

Thông tin ban đầu cho thấy đây sẽ là một trong những “đại án”. Trong cuộc họp báo thường kỳ Chính phủ tháng 2/2024, Trung tướng Tô Ân Xô, người phát ngôn Bộ Công an, cho biết chỉ riêng hai dự án của tập đoàn này “đã gây thiệt hại cho ngân sách nhà nước trên 640 tỷ đồng”.

Công tác nhân sự là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, phải có 'con mắt tinh đời', 'đừng nhìn gà hóa cuốc', 'thấy đỏ tưởng là chín'

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Chụp lại hình ảnh, Ông Nguyễn Phú Trọng: Công tác nhân sự là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, phải có con mắt tinh đời, đừng nhìn gà hóa cuốc, thấy đỏ tưởng là chín.

Từ sau Đại hội XIII, nhiều lãnh đạo ở cấp cao nhất cũng đã bị các hình thức kỷ luật với những cấp độ khác nhau.

Vào tháng 1/2023, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã bị miễn nhiệm. Theo báo Tuổi Trẻ vào lúc đó, ông Phúc “chịu trách nhiệm chính trị của người đứng đầu khi để nhiều cán bộ, trong đó có 2 phó thủ tướng, 3 bộ trưởng có vi phạm, khuyết điểm, gây hậu quả rất nghiêm trọng; 2 phó thủ tướng đã xin thôi giữ các chức vụ, 2 bộ trưởng và nhiều cán bộ bị xử lý hình sự”.

Hai phó thủ tướng mà tờ báo này đề cập là Phạm Bình Minh và Vũ Đức Đam, những người phải rời cương vị sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam kết luận rằng có sai phạm trong các cơ quan do họ quản lý.

Từ thực tế ấy, người đứng đầu Đảng Cộng sản Việt Nam đã dành nhiều thời gian trong cuộc họp ngày 13/3 để nói về thực trạng và yêu cầu của công tác cán bộ.

Ông “chỉ rõ, tình trạng chạy chức, chạy quyền, chạy quy hoạch, chạy luân chuyển, chạy phiếu bầu, chạy bằng cấp, chạy khen thưởng, chạy danh hiệu, chạy tội..., trong đó có cả cán bộ cấp cao, tuy đã được ngăn chặn nhưng vẫn chưa hoàn toàn bị đẩy lùi. Làm việc gì, giữ chức vụ gì cũng chỉ tính đến lợi quyền, bổng lộc cho cá nhân mình, gia đình mình trước nhất, quên cả thanh liêm, danh dự.”

Phát biểu của lãnh đạo cao nhất ĐCSVN cho thấy công cuộc “đốt lò” của ông sẽ còn tiếp diễn.

Hiện chưa có thông tin khẳng định rằng việc Vua và Hoàng hậu Hà Lan bất ngờ hoãn thăm Việt Nam có liên quan tới “chuyện nội bộ” nào, liệu có liên quan đến công cuộc đốt lò ở thượng tầng chính trị Việt Nam hay không.