Người Việt sáng tạo ở châu Âu

Nhà văn Thuận và các khách mời trong buổi thảo luận trực tuyến
Chụp lại hình ảnh, Nhà văn Thuận và các khách mời trong buổi thảo luận trực tuyến

Các khách mời người Việt chia sẻ về khó khăn, thuận lợi và cả những 'bí quyết' để có thể hoạt động sáng tạo thành công ở châu Âu trong chương trình thảo luận trực tuyến vào thứ Năm 04/12/2014.

Nghệ sỹ dương cầm cổ điển Bích Trà nói trong chương trình diễn ra hàng tuần của BBC rằng văn hóa châu Á và văn hóa châu Âu rất khác nhau, "từ đánh giá thẩm mỹ cho tới triết l‎ý, nên Trà phải bỏ thời gian để nghiên cứu rất rõ chứ không thể chỉ dùng theo cảm tính và quán tính của nghề được".(Xem video tại http://bbc.in/1FOFbLM).

"Đến từ Việt Nam gặp rất nhiều rào cản vô hình, sự thật là khi nghĩ tới Việt Nam, người ta nghĩ đây là đất nước chưa có văn hóa phát triển."

Nhưng điều này cũng khiến nghệ sỹ chơi dương cầm solo ở Anh Quốc tìm thấy điểm mạnh của mình, rằng "nếu mình là người ngoài cuộc, thì mình phải có lựa chọn rất riêng trong con đường mình đi."

Tuy vậy xuất thân châu Á lại là lợi điểm đối với một số nghệ sỹ khác. Samuel Hoàng, nhiếp ảnh gia được đào tạo ở Học viện Điện ảnh Bắc Kinh, tìm thấy cá tính riêng của mình nhờ "đem văn hóa từ vùng này áp dụng cho vùng khác". "Và tôi hay nói đùa rằng, thực ra tôi là kẻ ăn cắp nghệ thuật trong trong môi trường văn hóa," anh nói.

Định kiến

Nghệ sỹ dương cầm Bích Trà tại trụ sở của BBC ở London
Chụp lại hình ảnh, Nghệ sỹ dương cầm Bích Trà tại trụ sở của BBC ở London

Chia sẻ quan điểm trên, nhà văn Thuận với nhiều tiểu thuyết đã xuất bản ở Pháp cho biết, người Pháp vốn vẫn luôn có định kiến đối với người Việt Nam. (Xem video tại http://bbc.in/1FOFbLM).

"Người Pháp khi nghĩ đến Việt Nam họ nghĩ ngay đến chiến tranh, một nước thuộc thế giới thứ ba. Người ta không thể tưởng tượng được rằng người Việt Nam có thể làm nghệ thuật. Người ta nghĩ đến mình là nghĩ đến các món ăn, nghĩ đến vịnh Hạ Long, nghĩ đến món nem.

"Ngoài ra, tôi nghĩ rằng nếu tôi mang một cái tên Trung Hoa, hay Nhật Bản, hay Đại Hàn, thì tôi nghĩ rằng con đường sự nghiệp của tôi sẽ dễ dàng hơn rất nhiều."

Tuy nhiên, nhiếp ảnh gia và là giám đốc sáng tạo của tạp chí Style, anh Samuel Hoàng lại cho rằng, trong nghề nghiệp của anh không có sự phân biệt đối xử.

Điều mà các hãng ảnh, truyền thông coi trọng nhất, là "mình làm cái gì và như thế nào".

Họa sỹ Lợi Hồng Diệp

Nguồn hình ảnh, Loi Hong Diep

Chụp lại hình ảnh, Họa sỹ Lợi Hồng Diệp

Với họa sỹ Lợi Hồng Diệp từ Warsaw, giới nghệ thuật Ba Lan cũng rất công bằng, và đó là nơi chị được tự do sáng tạo, "hoàn toàn phóng khoáng, không phụ thuộc vào bất cứ điều gì," được độc lập hoàn toàn với cuộc sống, tuy các hoạt động bề nổi về nghệ thuật như triển lãm, giới thiệu tác phẩm ở Ba Lan có thể hạn hẹp hơn so với ở Việt Nam.

Một số vị khách mời cũng cho rằng, việc theo học ở ngành sáng tạo tại nước bản địa là một trong những điều kiện thuận lợi hơn để bắt đầu sự nghiệp ở châu Âu, so với việc theo học hoàn toàn ở Việt Nam và khởi nghiệp ở phương Tây.

'Vô cùng khốc liệt'

Nhà thiết kế Giap Le trong lễ trao giải thiết kế tóc đẹp nhất Anh Quốc 2014

Nguồn hình ảnh, Gap Le

Chụp lại hình ảnh, Nhà thiết kế Giap Le trong lễ trao giải thiết kế tóc đẹp nhất Anh Quốc 2014

"Ở nước ngoài ai cũng nghĩ là mình giỏi, ai cũng nghĩ mình có thể chen chân được vào, nhưng để đến được với các hãng lớn thì bạn không thể đi một mình mà phụ thuộc vào một hãng môi giới để đỡ đầu," theo kinh nghiệm của Samuel Hoàng. (Xem video buổi thảo luận tại http://bbc.in/1FOFbLM).

Và ở London, "tôi chỉ là một trong số hàng tỷ nghệ sỹ đổ về các trung tâm thời trang lớn như thế trên thế giới," nhiếp ảnh gia từng lọt vào top 8 nhiếp ảnh hàng đầu của Trung Quốc nói.

Trước khi tìm được nhà môi giới phù hợp, anh đã phải mang gửi hồ sơ ở gần 100 công ty ở Hoa Kỳ và làm nhiều công việc khác nhau. Anh thậm chí từng chụp ảnh cho một chuỗi cửa hàng chuyên bán đồ chơi trẻ em ở Mỹ.

Theo nhận xét của Samuel Hoàng, sự cạnh tranh trong ngành sáng tạo ở các trung tâm lớn trên thế giới là "vô cùng khốc liệt".

Và với nhà văn Thuận, tác giả cuốn Thang máy Sài Gòn đã đoạt giải thưởng Sáng tạo của Trung tâm Sách Quốc gia Pháp, một nhà văn hay đạo diễn không thể để độc giả quên mình.

Để làm được điều đó, chị phải tự đặt lịch làm việc, không sáng tác theo cảm hứng, đảm bảo sao cho mỗi hai, ba năm lại có một tác phẩm mới.

Tuy nhiên khác với các loại hình nghệ thuật thị giác hay thính giác, văn học còn phải chịu rào cản ngôn ngữ, nên mỗi lần chuyển ngôn một tiểu thuyết của chính mình sang tiếng Pháp lại như một lần nhà văn Thuận sáng tác lại, viết lại.

Và điều tiên quyết để các tác giả Việt Nam vươn ra giới văn học nước ngoài là phải có được một bản dịch thật tốt, theo nhà văn Thuận.

Nhà thiết kế tóc Giap Le cũng nói việc là một người châu Á ở trung tâm thời trang thế giới như London khiến anh phải cố gắng hơn những người khác gấp nhiều lần.

"Để đứng được ở thị trường này, một người Anh phải cố gắng một thì mình phải cố gắng gấp mười," nhà thiết kế gốc Việt vừa đoạt giải nhà thiết kế mẫu tóc đẹp nhất Anh Quốc năm 2014 nói.

Tài năng thiên bẩm

Nhiếp ảnh gia Samuel Hoàng
Chụp lại hình ảnh, Nhiếp ảnh gia Samuel Hoàng

Các khách mời trong chương trình thảo luận của BBC cùng chia sẻ quan điểm muốn cạnh tranh trong các ngành sáng tạo và nghệ thuật trên thế giới, bên cạnh niềm đam mê, cá tính, mỗi người cần phải tìm được tính danh nghệ thuật riêng, con đường riêng, bản ngã riêng cho mình. (Xem video buổi thảo luận tại http://bbc.in/1FOFbLM).

Với nghệ sỹ Bích Trà, ba tiêu chí quan trọng nhất của chị là khả năng tư duy độc lập, tính kiên trì vì "tôi không tin vào kiểu thành công qua đêm", và chìa khóa "để mở ra các cánh cửa khác là sự tôn trọng, tôn trọng các tác giả, tôn trọng khán giả".

Theo Giap Le trong ngành tạo mẫu tóc, điều quan trọng nhất là tính sáng tạo, tính chuyên nghiệp, niềm tin và tình yêu nghề.

"Đối với tôi, ba yếu tố cần và đủ để tôi có được thành công ngày hôm nay, là tài năng... Trong nghệ thuật nói chung, bạn không có tài thì mãi mãi chỉ là một người thợ thôi. Và tôi nghĩ rằng, yếu tố này là do chúng tôi sinh ra đã được như vậy," nhiếp ảnh gia Samuel Hoàng nói.

Yếu tố thứ hai mà anh nêu ra là tầng văn hóa, và tiêu chí cuối cùng, "nếu bạn không nỗ lực hơn người khác thì bạn không bao giờ hơn được người khác".

"Con đường tôi đi chưa bao giờ tôi thấy có hoa hồng và sự may mắn," anh nói thêm.

Họa sỹ Hồng Diệp cho rằng, điều quan trọng nhất và tiên quyết là sự thành thật với bản thân, và tiếp theo đó, khả năng sáng tạo, tính độc đáo là thiên bẩm và là sự thông minh trong nghệ thuật, và tiêu chí thứ ba, tôn trọng chính mình, tôn trọng tác phẩm của mình.

"Điều đầu tiên tôi hướng tới bao giờ cũng là cá tính, tức là, mỗi tác giả phải có một chữ ký riêng của mình" tác giả của loạt tiểu thuyết đương đại bằng tiếng Việt và tiếng Pháp nói.

Bên cạnh đó là tính chuyên nghiệp, và tham vọng. Nhà văn Thuận nhắc tới câu nói của nhà thơ Trần Dần: "phải nhảy qua cái bóng của chính mình, tức là bạn phải bước qua những cái mà bạn đã làm."