Xả súng và phân biệt chủng tộc ở Mỹ: Du học sinh Việt lo ngại

  • Thương Lê
  • BBC News Tiếng Việt
Graduation

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Chụp lại hình ảnh, Số lượng du học sinh Việt Nam tại Mỹ đứng thứ 6 trên thế giới (Hình minh họa)

Những vụ xả súng liên tiếp trong thời gian qua ở Mỹ đang tác động đến tâm lý nhiều du học sinh Việt Nam tại đây.

Tính đến tháng 6/2022, có 23.809 du học sinh Việt Nam đang theo học tại Mỹ, đứng thứ 6 trên thế giới sau Trung Quốc, Ấn Độ, Hàn Quốc, Canada và Brazil.

BBC News Tiếng Việt trao đổi với một số du học sinh người Việt tại Mỹ về suy nghĩ của họ trước văn hoá súng đạn trên đất Mỹ.

'Không ai không bị ảnh hưởng'

Từ bang Kansas, Nhung Nguyễn, theo học ngành truyền thông ở trường University of Kansas nói với BBC: "Không ai sống trong một môi trường như thế này mà lại không bị ảnh hưởng, chỉ là ít hay nhiều."

Theo Nhung Nguyễn, súng ống không phải là một vấn đề mới ở Mỹ, nhưng cô không hiểu tại sao gần đây lại diễn ra nhiều và liên tiếp. Vụ xả súng ở Oklahoma là vụ gần nơi Nhung ở nhất, khiến cô cảm thấy lo sợ và không thoải mái.

TV ở Mỹ liên tục phân tích các vụ xả súng gần đây
Chụp lại hình ảnh, TV ở Mỹ liên tục phân tích các vụ xả súng gần đây

"Gần đây lúc nào những thông tin đó cũng ở xung quanh mình. Đặc biệt nếu bạn mở tivi lên thì lúc nào người ta cũng phân tích thông tin về các vụ xả súng làm mình khá bị ảnh hưởng tâm lý và khó chịu".

"Tôi sống ở đây một mình nên không phải lo lắng cho sự an toàn của gia đình nhưng cũng sợ bởi vì các vụ xả súng không xảy ra ở sòng bài hay bar, club mà thường xảy ra ở trường học, siêu thị và gần đây nữa là cả bệnh viện và những sự kiện đông người, đó là những chỗ mà mình không tránh được," Nhung cho biết.

"Tôi qua Mỹ theo diện định cư, nhờ vậy có cơ hội học tập và phát triển mình hơn. Vụ xả súng ở Texas vừa rồi là vụ lớn nhất trong mấy năm gần đây ở Mỹ. Tôi hi vọng không bao giờ phải thấy một vụ bạo lực súng nào nữa," Từ bang Minnesota, Hân Trần, đang theo học ngành Quản trị nhân lực trường Anoka Ramsey, nói với BBC.

'Cố gắng tránh xa nếu có thể'

Theo Nhung Nguyễn, một cách để cô tự bảo vệ mình là nếu không cần thiết thì không nên đến chỗ có nguy cơ làm gì, ví dụ cần thì mới tới siêu thị chứ không lang thang ở đó để đi chơi.

"Tôi cố gắng tránh xa nếu có thể. Súng đạn vô tình, con người nhiều khi mắc lỗi thôi cũng có thể xảy ra thảm kịch, đặc biệt là khi những phương tiện (súng đạn) sẵn sàng như vậy," Nhung nói với BBC.

Trong khi đó, Linh Hoàng, sinh viên ngành International Studies tại bang Ohio cho biết cô hạn chế để các vụ bạo lực súng làm ảnh hưởng tới tâm trạng.

"Khi đọc các bài báo có hình ảnh hoặc con số thương vong (đặc biệt là có trẻ em, phụ nữ và người châu Á) thì tôi thấy buồn và thấy thương cảm cho các nạn nhân. Vì vậy, tôi ít khi đọc báo hoặc xem tin tức về các vụ xả súng để không gây ảnh hưởng tâm trạng," Linh chia sẻ.

Gia đình Hân Trần chọn ở xa trung tâm để an toàn hơn, cô cho biết các thành phố lân cận cũng đầy đủ tiện nghi nên người nhà và bản thân cô ít khi vào thành phố trung tâm.

"Đây cũng là cách giúp bản thân tôi và gia đình được an toàn hơn."

Hân Trần chọn ở xa trung tâm để an toàn hơn

Nguồn hình ảnh, Nhân vật cung cấp

Chụp lại hình ảnh, Hân Trần chọn ở xa trung tâm để an toàn hơn

'Tắt điện, đóng cửa, chui xuống gầm bàn'

Một cách khác được các du học sinh áp dụng là theo sát các bước đối phó đã được dạy ở trường khi có xả súng xảy ra.

Nhung Nguyễn sang Mỹ từ năm 2020, khi vừa nhập học cô được nói chuyện và trao đổi về việc bang Kansas nơi cô ở thì mang súng là hợp pháp, nhưng không được để người khác nhìn thấy đặc biệt ở là trường học, tại cổng vào của các trường đại học đều có thông tin là tòa nhà này cấm mang súng.

Đó cũng là lần đầu tiên mà Nhung và nhiều du học sinh mới khác được biết nếu có vụ xả súng diễn ra thì phải làm gì. Ví dụ là phải tắt điện, đóng cửa rồi chui xuống gầm bàn…

"Tôi thấy rất ngạc nhiên theo kiểu khó chịu chứ không phải ngạc nhiên thích thú vì tôi đến từ một đất nước an toàn yên bình hơn rất nhiều. Tôi nghĩ việc chui xuống gầm bàn để tránh đạn là việc xảy ra trong chiến tranh chứ không phải thời bình. Chúng tôi đã không phải làm việc đó 40 50 năm nay từ sau khi chiến tranh kết thúc."

Các trường học ở Mỹ đều dạy đối phó với xả súng

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Chụp lại hình ảnh, Các trường học ở Mỹ đều dạy đối phó với xả súng

'Không cố làm quen với văn hóa súng đạn'

Hầu hết các du học sinh Việt Nam đều không quá lạ lẫm với việc người dân Mỹ có quyền sở hữu và sử dụng súng. Tỷ lệ sở hữu súng tại Mỹ năm 2018 là 120,5 khẩu súng trên 100 người dân, tăng hơn mức 88 vào năm 2011, và vượt xa các quốc gia khác trên thế giới.

Các dữ liệu thêm gần đây cũng cho thấy việc sở hữu súng đã tăng đáng kể trong vòng vài năm trở lại đây.

10 quốc gia có tỷ lệ sở hữu súng trên đầu người cao nhất

"Tôi đã từng sử dụng súng trong chương trình học quân sự thời đại học nên súng không phải loại vũ khí quá lạ lẫm với tôi. Trong một số siêu thị, cửa hàng tại Mỹ có các gian bán súng săn nên hình ảnh súng ống đối với tôi là bình thường," Linh Hoàng cho biết.

Nhưng Linh cũng không cố làm quen với văn hóa súng đạn và nói thêm: "Tôi không ủng hộ việc tự do sở hữu và sử dụng súng. Khi con người mất kiểm soát về tâm lý, bạo lực là điều rất dễ xảy ra."

Cùng chung quan điểm với Linh, Nhung Nguyễn cho biết cô "không thích súng đạn, bạo lực và cũng không nghĩ là mình cần phải hòa nhập vào môi trường này".

Cô gái theo học ngành truyền thông phản đối đề xuất trang bị súng cho giáo viên Mỹ. Cô cho biết bản thân mình cũng là người đứng dạy ở trên lớp và cho rằng bảo vệ học sinh là nghĩa vụ của cảnh sát và quân đội.

"Giáo viên phải có súng là điều phi lí và tôi không chấp nhận. Nếu tôi muốn dùng súng để bảo vệ ai đó thì tôi đã tham gia vào lực lượng cảnh sát rồi chứ không phải học thuật, việc của tôi là giáo dục các em những giá trị tốt và những kiến thức cần thiết để phát triển tương lai. Tôi không muốn bắn ai cả", Nhung nói.

Ngược lại, Hân Trần ủng hộ việc sở hữu súng, nhưng cũng không muốn làm quen với văn hóa này.

"Ban đầu tôi nghĩ cấm dùng súng sẽ tốt hơn nhưng các thành phần quá khích sẽ luôn có cách để sở hữu nó, vì vậy những người bình thường như tôi sẽ không có gì để tự vệ lại. Nên việc sở hữu súng là chính đáng nhưng cần kiểm soát gắt gao hơn cho những ai muốn sử dụng.

Phân biệt chủng tộc, người vô gia cư và thực phẩm 'đáng lo hơn'

Tuy lo ngại trước các vụ xả súng, một số bạn du học sinh Mỹ mà BBC News Tiếng Việt phỏng vấn lại cho hay họ thấy nạn phân biệt chủng tộc và một số vấn đề khác thậm chí 'đáng lo hơn'.

Linh Hoàng nói với BBC rằng cô cảm thấy tương đối yên tâm khi học tại trường. Cô cho biết khu vực trường học của mình ở bang Ohio luôn có xe cảnh sát tuần tiễu thường xuyên. Đầu năm học, trường cô mời đại diện sở cảnh sát đến để giới thiệu về các kỹ năng bảo vệ bản thân trong các trường hợp khẩn cấp hoặc bị đe dọa tính mạng. Ngoài ra còn có hệ thống thông tin liên lạc khá tốt; họ luôn kịp thời thông báo đến sinh viên và nhân viên trong trường về các nguy cơ có thể gây hại đến tính mạng như thiên tai, đe dọa khủng bố…

Nỗi lo lắng lớn nhất của Linh và Nhung là vấn đề phân biệt chủng tộc ở Mỹ.

"Tôi hơi lo lắng khi đi đến các thành phố lớn, ví dụ như New York. Tôi từng đi du lịch ở đây trong một tuần. 2 ngày sau khi trở về từ chuyến đi tôi đã nghe tin có một người phụ nữ châu Á bị một người đàn ông đẩy xuống đường tàu điện ngầm và tử vong tại chỗ, ngay tại bến tàu tôi đã từng đến. Tôi cũng nghe nói đã từng có vụ xả súng tại California - nơi tập trung nhiều người châu Á", Linh cho biết.

"Ở Mỹ châu Á đã bị coi là da màu và tôi lại là phụ nữ nữa. Ở trong một xã hội mà phân biệt chủng tộc và giới tính cao như ở Mỹ thì tôi nằm trong nhóm dễ bị tổn thương", Nhung Nguyễn nói.

Một phụ nữ giơ cao chiếc nón Việt với dòng chữ "Stop Hate" (chấm dứt thù hằn) tại công viên Columbus, Chinatown, New York ngày 21/3/2021

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Chụp lại hình ảnh, Một phụ nữ giơ cao chiếc nón Việt với dòng chữ "Stop Hate" (chấm dứt thù hằn) tại công viên Columbus, Chinatown, New York ngày 21/3/2021

Cũng theo Nhung, vấn đề thực phẩm ở Mỹ "rất kinh khủng": "Mọi người nói ở Mỹ an toàn và tiêu chuẩn cao nhưng tôi thấy thực phẩm ở đây không lành mạnh, không phải thật sự lí tưởng cho cuộc sống."

Trong khi đó, Hân Trần sống cùng gia đình thì chia sẻ vấn đề về vô gia cư rất đáng quan tâm. Cô cho biết từng chứng kiến một cuộc ẩu đả của một người vô gia cư với một chủ nhà hàng.

Hân nói với BBC: "Họ không nhà cửa và thường lang thang ở các thành phố lớn. Tâm lý họ thường không bình thường. Thành phố càng lớn thì càng có nhiều người vô gia cư, điều này cũng như mặt trái và tạo nên sự bất ổn, dễ xảy ra các cuộc ẩu đả, trộm cắp hay là thậm chí bạo lực súng đạn."

Các vụ xả súng liên tiếp ở Mỹ

Hai vụ xả súng xảy ra liên tiếp tại bang Pennsylvania và Tennessee của Mỹ vào cuối tuần qua, khiến ít nhất 6 người chết, hơn 25 người bị thương.

Trước đó, thảm kịch xả súng ở trường tiểu học ở bang Texas cướp đi sinh mạng của 19 học sinh và 2 người lớn hôm 24/5 đã làm rúng động toàn nước Mỹ và thế giới.

Hôm 1/6, một người đàn ông trang bị súng trường và một khẩu súng ngắn đã giết chết 4 người bên trong một trung tâm y tế ở Tulsa, Oklahoma 6 trước khi tự bắn chết mình.

Nhưng dường như những vụ xả súng hàng loạt xảy ra mỗi năm ở Mỹ không khiến các học sinh Việt Nam và gia đình của họ từ bỏ giấc mơ du học tại xứ sở cờ hoa.

Theo thống kê của SEVIS (Student and Exchange Visitor Information System), chương trình theo dõi và giám sát thông tin sinh viên, được xây dựng dựa trên hệ thống internet bởi Bộ an ninh nội địa Mỹ và Bộ ngoại giao Mỹ, Việt Nam là có số lượng du học sinh hàng đầu tại nước này trong suốt hơn 20 năm.

Số liệu mới nhất tính đến tháng 6/2022, có 23,809 du học sinh Việt Nam đang theo học tại Mỹ, đứng thứ 6 trên thế giới sau Trung Quốc, Ấn Độ, Hàn Quốc, Canada và Brazil.