3.12.20

Xây dựng lại trong một thế giới hậu Covid-19: từ đây chúng ta đi đâu?

XÂY DỰNG LẠI TRONG MỘT THẾ GIỚI HẬU COVID-19: TỪ ĐÂY CHÚNG TA ĐI ĐÂU?

Tác giả Tammy Gan


Bốn thập kỷ trước, nhà kinh tế học nổi tiếng người Mỹ Milton Friedman cho biết: “Chỉ có một cuộc khủng hoảng, trên thực tế hoặc được nhận thức, mới tạo ra thay đổi thực sự. Khi cuộc khủng hoảng đó xảy ra, các hành động được thực hiện phụ thuộc vào những ý tưởng đang có sẵn ở xung quanh.”

Những cuộc khủng hoảng định hình lịch sử. Đó là lý do tại sao một số người tin rằng đại dịch toàn cầu là cơ hội duy nhất trong một thế hệ của chúng ta để tái tạo xã hội và xây dựng một tương lai tốt đẹp hơn. Chúng ta cần kịp thời nắm bắt thời điểm này để hành động. Bởi vì nếu chúng ta không làm như vậy, những người không muốn có một thế giới tốt đẹp hơn, mà chúng ta đang hướng tới, sẽ nắm quyền từ chúng ta — trên thực tế, họ đang làm như vậy. Nhưng đừng hoảng sợ ngay lúc này. Có một tin tốt: những ý tưởng có thể thay đổi thế giới để nó tốt đẹp hơn đang có sẵn quanh đây. Những người muốn thay đổi thế giới tốt đẹp hơn cũng đang ở đây. Bây giờ, chúng ta chỉ cần liên kết mọi thứ với nhau.

Chúng ta đang thấy gì?

Trước khi đi sâu vào con đường phía trước, chúng ta cần hiểu rõ điều gì đang diễn ra. Vì có các mảng trên truyền thông xã hội mà chúng ta nắm bắt nhanh những gì đang diễn ra qua những hình ảnh, dòng cập nhật trạng thái, chú thích, tiêu đề tin tức, video, và những câu chuyện. Các hãng hàng không đang thực hiện những chuyến bay trống để bảo vệ vị trí của họ trên các tuyến đường bầu trời chính. Những nông dân đang bị bỏ lại với sản phẩm thặng dư dễ thối hỏng và không có nơi nào để giao hàng. Các quỹ phòng hộ thậm chí còn bị cáo buộc đã kiếm được hàng tỷ đô la từ đặt cược thị trường. Khi lùi lại một bước trước sự tấn công không ngừng của thông tin, ta thấy hé lộ một sự thật đơn giản. Xã hội của chúng ta đang tan vỡ một cách vô lý.

Keeanga-Yamahtta Taylor

Nhà văn và học giả người Mỹ Keeanga-Yamahtta Taylor nói: “Có những thời điểm, thường là ở giữa một cuộc khủng hoảng, khi bản chất thực sự của xã hội chúng ta tự bộc lộ, và sự tàn bạo của hệ thống phân tầng xã hội của chúng ta bị phơi bày.” Rằng chưa bao giờ điều bình thường là một cuộc khủng hoảng lại rõ ràng hơn cho tất cả mọi người trông thấy. Tính bình thường chính là một cuộc khủng hoảng. Hãy thấu hiểu điểm này. Bất bình đẳng giàu nghèo là điều bình thường. Sự bóc lột là điều bình thường. Phân biệt đối xử là điều bình thường. Hưởng lợi từ người khác là điều bình thường. Đại dịch toàn cầu này là sự tiết lộ tuyệt vời bởi vì tất cả những gì chúng ta đang làm là phải quan tâm chú ý.

Tính bình thường là một cuộc khủng hoảng.

Bởi vì bất bình đẳng giàu nghèo là bình thường, nên một đại dịch đối với những người giàu có hơn trong số chúng ta trông giống như: nghỉ ở nhà trong khoảng thời gian kéo dài, ‘không thể chịu đựng được’, trong không gian ‘ngột ngạt’ (hay còn gọi là: những ngôi nhà rộng lớn), phải hủy bỏ các kỳ nghỉ và đánh đổi những buổi tối đi chơi bên ngoài bằng việc đặt hàng giao tận nhà; trong khi cũng với đại dịch y như vậy, đối với những người không quá giàu, có vẻ như: không có khả năng trả tiền thuê nhà và có thể bị mất nhà, hoặc lo lắng về việc liệu bạn có đủ khả năng chi trả cho chuyến đi mua thực phẩm tạp hóa sắp tới hay không, hoặc làm việc hay học tập trong một gia đình mà bạo lực gia đình là một thực tế diễn ra hàng ngày.

Bởi vì bóc lột là bình thường, nên những người lao động thiết yếu, những người không đủ khả năng tài chính để nghỉ ở nhà nhằm giữ an toàn cho bản thân, vẫn phải đi làm mà không có đầy đủ thiết bị bảo hộ cá nhân hoặc tiền phụ cấp cho công việc độc hại. (Và thậm chí không nghĩ đến việc nghỉ ốm có lương. Các tỷ phú muốn mọi người trở lại làm việc càng sớm càng tốt. Họ sẽ nói “Đó là vì nền kinh tế”.) Người lao động phải đi làm và buộc phải đem tính mạng của mình, cùng với tính mạng của những người thân đang sống phụ thuộc vào mình, đặt vào thế hiểm nghèo.

Bởi vì sự phân biệt đối xử là bình thường, nên khẳng định rằng mọi người đều bình đẳng trước con virus corona là hoàn toàn sai. Những người thiểu số, những người có nhiều khả năng bị các bệnh mãn tính, những người đã và đang vật lộn để được quan tâm bởi hệ thống chăm sóc y tế phân biệt chủng tộc một cách có hệ thống, những người ít được tiếp cận với dịch vụ chăm sóc y tế hơn, thì bị ảnh hưởng nặng nề hơn.

Mô hình kinh tế hiện tại của chúng ta có thiếu sót.

Mike Davis (1946-)

Như tác giả và nhà hoạt động Naomi Klein nói, nền kinh tế này “đã và đang luôn sẵn sàng hy sinh mạng sống trên quy mô lớn vì lợi nhuận”. Bà nói thêm: “bây giờ, những người mù tịt về điều đó, đang bật TV, và họ sẽ làm gì? Đây là loại hệ thống gì?” Nhưng điều này, như chúng ta đã thiết lập, là bình thường. “Điều này không mới. Đây không phải là một giai đoạn triệt để hơn của chủ nghĩa tư bản. Điều triệt để hơn chính là quy mô của sự hy sinh.”

Nhà sử học Mike Davis, người ghi biên niên sử nổi tiếng về các thảm họa do toàn cầu hóa, đã viết: “Trong một thế giới hợp lý, chúng ta sẽ tăng cường sản xuất các nguồn cung cấp thiết yếu cơ bản - bộ dụng cụ thử nghiệm, khẩu trang, máy trợ thở - không chỉ để sử dụng cho chính chúng ta mà còn cho các nước nghèo hơn. Bởi vì tất cả chỉ là một trận chiến. Nhưng thế giới không nhất thiết phải là một thế giới hợp lý.” Tất nhiên, điều trớ trêu lớn ở đây là mô hình kinh tế của chúng ta được cho là hợp lý. Mô hình kinh tế này được cho là hiệu quả. Nó được cho là phải phân bổ các nguồn lực để tạo điều kiện sống tốt hơn cho tất cả chúng ta. Và trên hết, mô hình kinh tế này được cho là phải có ý nghĩa.

Đã đến lúc phải thừa nhận sự thật.

S. George Marano

Thời kỳ khủng hoảng cho thấy tính khả thi thực sự của các mô hình chúng ta tin tưởng. Như nhà phân tích kinh tế và địa chính trị, Tiến sĩ S. George Marano giải thích, trật tự giao dịch toàn cầu của chúng ta dựa trên lý thuyết của Ricardo về lợi thế cạnh tranh, trên chủ nghĩa tân tự do, trên kinh tế học về địa điểm, trên việc bái vật hóa tổng lợi tức của cổ đông và v.v.. Những điều này “đã thúc đẩy mô hình gia công thuê ngoài ở hải ngoại, đã ưu tiên quá mức đối với chủ nghĩa cơ hội so với rủi ro trong việc theo đuổi hiệu quả nguồn lực và lợi nhuận.” Nhưng hiện tại, “các chuỗi cung ứng phức tạp đang có dấu hiệu bất ổn”.

“Các bánh răng trong hệ thống thương mại toàn cầu của chúng ta di chuyển đồng loạt khi được bôi trơn tốt. Bây giờ chất bôi trơn đã bắt đầu khô đi và ma sát giữa các bánh răng bắt đầu tăng lên, chúng ta đang thấy sự chậm lại, giống như một chiếc đồng hồ lãng phí thời gian.”

Sẽ là không công bằng nếu nói rằng mô hình đã làm chúng ta thất vọng. Không, mô hình không làm như vậy. Tối thiểu là không hoàn toàn làm chúng ta thất vọng. Bởi vì mô hình đã mang lại cho chúng ta sự đổi mới và tăng trưởng. Nhưng những thành công này không được phân bổ đồng đều. Và cũng có phần vì thế mà nó không là một mô hình có sức phục hồi. Đó là bằng chứng của hiện tượng “một loại virus có thể quét sạch toàn bộ nền kinh tế trong vài tuần và đóng cửa các xã hội,” như nhà hoạt động Greta Thunberg đã nói. Đã đến lúc phải thừa nhận rằng mô hình tư bản chủ nghĩa tân tự do của chúng ta là có thiếu sót.

waria

Chủ nghĩa tư bản dựa 100% vào sự tăng trưởng vững vàng, vô hạn. Nhưng chủ nghĩa tư bản đã thậm chí không thể tồn tại sau 2 tuần chậm lại để thích nghi với nhu cầu của cuộc sống con người. Hãy tưởng tượng suy nghĩ rằng điều này có thể kéo dài mãi mãi.

Ngày 24 tháng 3 năm 2020

Thay đổi là cần thiết - và có thể thay đổi được.

Julio Vincent Gambuto

Chúng ta không được phép thất bại bởi ý nghĩ cần phải nỗ lực bao nhiêu. Và chúng ta chắc chắn không thể nhượng bộ việc quay trở lại hoạt động kinh doanh như bình thường. Như nhà văn kiêm đạo diễn Julio Vincent Gambuto đã cảnh báo trong lời kêu gọi hành động đầy thi vị của mình, chúng ta phải chuẩn bị cho “chiến dịch vĩ đại nhất chưa từng được tạo ra để giúp bạn cảm thấy bình thường trở lại. Chiến dịch này sẽ đến từ các thương hiệu, nó sẽ đến từ chính phủ, nó thậm chí sẽ đến từ mỗi người, và nó sẽ đến từ cánh tả và cánh hữu. Chúng ta sẽ làm bất cứ điều gì, tiêu tốn bất cứ điều gì, tin tưởng bất cứ điều gì, chỉ để chúng ta có thể loại bỏ cảm giác khó chịu khủng khiếp của tất cả những điều này.”

Chúng ta phải chấp nhận sự khó chịu này và nhớ rằng có bao nhiêu thay đổi đã xảy ra trong thời gian này. Quy mô mà các chính phủ, thể chế, tập đoàn, xã hội đã thay đổi là đáng chú ý. Để đối phó với cuộc khủng hoảng này, các chính phủ đã tung ra một số gói kích thích kinh tế lớn nhất trong lịch sử. Ở một số nơi, người ta đã hủy bỏ tiền thuê nhà, hoãn lại các khoản thanh toán. Những người vô gia cư đang được nhà ở miễn phí. Và ở các mức độ khác nhau, chúng ta đang thấy chính phủ cung cấp các khoản thu nhập cơ bản.

Và điều này không có nghĩa là chúng ta nên ăn mừng đại dịch — xin hãy tránh xa khuynh hướng phát xít — nhưng chúng ta nên nhớ rằng trong thời gian này, chúng ta đã thấy rằng có thể có một thế giới khác, nhân đạo hơn. Chúng ta từng quen với việc các chính phủ và tập đoàn từ chối lời kêu gọi về các chính sách nhân đạo hơn và những thay đổi đầy tham vọng vì chúng quá “rủi ro”. Nhưng chúng ta đang ở đây.

Chúng ta không còn ở năm 2008 nữa.

Rebecca Solnit (1961-)

Tờ báo The Guardian viết: “Bất kỳ cách lướt nhìn nào về lịch sử cũng cho thấy rằng các cuộc khủng hoảng và thảm họa đã liên tục tạo tiền đề cho sự thay đổi, thường là tốt hơn”. “Đại dịch cúm toàn cầu năm 1918 đã giúp tạo ra các dịch vụ y tế quốc gia ở nhiều nước châu Âu. Hai cuộc khủng hoảng song song cùng lúc của cuộc Đại suy thoái và Chiến tranh thế giới thứ hai đã tạo tiền đề cho nhà nước phúc lợi hiện đại.” Tất nhiên, có lý do để cảnh giác, vì khủng hoảng cũng có thể dẫn đến những điều kiện kém thuận lợi hơn – “cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, được giải quyết theo cách có nghĩa là các ngân hàng và tổ chức tài chính được khôi phục về trạng thái bình thường trước khi sụp đổ, với chi phí công lớn, trong khi chi tiêu của chính phủ cho các dịch vụ công trên toàn thế giới bị cắt giảm mạnh tay.”

Nhưng chúng ta không còn ở năm 2008 nữa. Nhà văn người Mỹ Rebecca Solnit, một trong những nhà điều tra hùng hồn nhất hiện nay về các cuộc khủng hoảng và hệ lụy của chúng cho biết: “Tôi nghĩ chúng ta rất khác so với trước đây khi chúng ta chứng kiến ​​hu quả của vụ tai nạn năm 2008. Những ý tưởng từng được coi là cánh tả dường như hợp lý hơn với nhiều người. Có chỗ cho sự thay đổi mà trước đó không có. Đó là một sự mở đầu.” Không giống như năm 2008, đại dịch tương đối dễ hiểu. Không giống như năm 2008, chúng ta có thể thấy rõ những lỗi của hệ thống. Và không giống như năm 2008, “đối với những người ở độ tuổi nhất định, trải nghiệm duy nhất của họ về chủ nghĩa tư bản chỉ là trải nghiệm về một cuộc khủng hoảng. Và nay họ muốn mọi thứ khác đi,” Naomi Klein nhận xét.

Các chính sách chúng ta muốn đều hoàn toàn không triệt để — chúng hợp lý và nhân văn.

Pankaj Mishra (1969-)

Thế hệ Millennials đang tức giận. Chết tiệt, ngay cả Thế hệ Z[1] cũng đang tức giận (chỉ cần nhìn vào các meme[2], tweet, bài đăng và thậm chí cả TikTok chống tư bản chủ nghĩa). Thật vậy, “cũng giống như bản thân virus, ý thức chính trị đang lan truyền nhanh chóng”. Những người đang quan tâm chú ý chính là những người đang lan truyền thông tin này, và trên toàn thế giới, mọi người bắt đầu nhận ra rằng giáo dục phải là một quyền, rằng nợ nần cần được hủy bỏ, rằng địa chủ, ông chủ và giám đốc điều hành là những người lao động không thiết yếu, và rằng một hệ thống kinh tế vì lợi nhuận đơn giản là không văn minh. Mọi người đang hiểu rằng nhà ở, chăm sóc y tế, thực phẩm và giáo dục phải là những quyền cơ bản của con người như thế nào, và rằng “sản xuất công nghiệp và công nghệ phải hướng tới việc đáp ứng nhu cầu của con người trước hết và trên hết mọi sự”.

Có lẽ sự thay đổi nổi bật nhất là sự thay đổi trong cách mọi người nhìn nhận các chính phủ. Như Pankaj Mishra viết: “Thật là một thảm họa cho nhà nước khi đảm nhận trách nhiệm ban đầu của mình là bảo vệ công dân.” Mọi người hiện đang nhận ra rằng nhà nước cần phải chịu trách nhiệm về nghĩa vụ của mình để hành động một cách quyết đoán vì lợi ích chung. Mọi người cũng nhận ra rằng các chính sách phục vụ lợi ích chung, đòi hỏi các chính phủ phải áp dụng các chính sách đó, và những người yêu cầu các chính sách đó, rốt cuộc là những người không mấy cấp tiến.

Megan Amram

Tôi không thể vượt qua sự thật rằng vũ trụ đã áp đặt lên chúng ta một minh họa hoàn hảo về mọi sự thất bại của chủ nghĩa tư bản theo nghĩa đen và mọi người vẫn giống như chúng ta không thể là cộng sản vì sẽ không có đủ các tình huống khó khăn để lựa chọn

Ngày 7 tháng 4 năm 2020

(Dù sao thì cũng là hầu hết mọi người.)

BƯỚC MỘT: Cảnh giác với thảm họa của chủ nghĩa tư bản.

Naomi Klein (1970-)

Như chúng ta đã đề cập trước đó, có những người đang cố gắng thu lợi từ cuộc khủng hoảng này. Họ muốn xây dựng lại một thế giới chỉ mang lại lợi ích cho một số ít người trong khi hy sinh nhiều người khác. Naomi Klein, người đã viết cả một cuốn sách về vấn đề này vào năm 2007, được đặt tên là “học thuyết sốc”. Tác phẩm mô tả hiện tượng trong đó những người gây ô nhiễm và các đồng minh chính phủ của họ thúc đẩy các thay đổi chính sách không được người dân ưa chuộng dưới màn khói của tình trạng khẩn cấp công cộng. Nghe có vẻ điên rồ nhỉ? Nó đã xảy ra rồi đó.

Trong một hội thảo trên web gần đây, Klein nhận xét: “Chúng ta đang chứng kiến ​​vic s dng rt chn lc các bin pháp khn cp, về việc sử dụng, công cụ hóa và vũ khí hóa các trạng thái khẩn cấp để trút bỏ rủi ro lên từng người lao động, lên từng gia đình, trong khi những người được bảo vệ nhất đang nhận được các gói cứu trợ tài chính không ràng buộc này.” Chúng ta đã thấy Cơ quan Bảo vệ Môi trường Hoa Kỳ thông báo rằng họ sẽ không trừng phạt các vi phạm quy định về ô nhiễm miễn là các công ty có thể liên kết các vi phạm với đại dịch. Trung Quốc đã bắt đầu miễn kiểm tra đánh giá tác động môi trường của các cơ sở công nghiệp. Singapore vừa xác nhận tiếp tục có quan hệ đối tác và mở rộng hàng tỷ đô la các cơ sở khai thác ngoài khơi của ExxonMobil.

Tất cả những chính sách này đều dưới chiêu bài kích thích nền kinh tế và trở lại hoạt động kinh doanh như bình thường. Tầm nhìn ngắn hạn như vậy sẽ chỉ dẫn đến những hậu quả tàn khốc về lâu dài – mà phần lớn giai cấp công nhân phải gánh chịu. Nhưng làm thế nào để chúng ta chống lại chủ nghĩa tư bản thảm họa?

Biết kẻ thù của bạn: trước hết, Big Oil.

Tất nhiên, kẻ chủ mưu của chủ nghĩa tư bản thảm họa là Big Oil (các tập đoàn dầu khí lớn). Tuần này, có tin tức cho thấy lượng khí thải carbon từ ngành công nghiệp nhiên liệu hóa thạch đang giảm với tốc độ kỷ lục. Nó có thể giảm một lượng khổng lồ là 2,5 tỷ tấn trong năm nay do những hạn chế chưa từng có đối với việc đi lại, làm việc và nền công nghiệp. Điều này sẽ làm lu mờ các đợt sụt giảm carbon do các cuộc suy thoái lớn nhất trong 5 thập kỷ qua cộng lại. Kết hợp với chiến tranh giá cả đẩy giá dầu toàn cầu xuống mức thấp nhất trong nhiều thập kỷ, các nhà sản xuất đang vật lộn để tìm không gian lưu trữ cho lượng dầu dư thừa, dự báo về số vụ phá sản kỷ lục trong số các công ty dầu mỏ vào năm 2020 và khả năng sinh lời thấp trong tương lai khi đầu tư vào dầu mới và các mỏ khí đốt so với năng lượng tái tạo, một số nhà bình luận đã suy đoán rằng đây có thể là tin tốt mà chúng ta rất cần.

Adam Hanieh (1972-)

Đại dịch có thể “giết chết ngành công nghiệp dầu mỏ và giúp cứu lấy khí hậu”, một dòng tiêu đề trên tờ The Guardian cho biết. Nhưng như học giả Adam Hanieh giải thích cho The Atlantic: “Tuy nhiên, những viễn cảnh màu hồng như vậy có xu hướng trừu tượng hóa từ thực tế của một “chủ nghĩa tư bản thảm họa” gắn liền với việc trích xuất và khai thác nhiên liệu hóa thạch, và điều này đã ăn sâu vào “Big Oil” trong tất cả các khía cạnh của cuộc sống chúng ta.”

Trong phân tích sâu sắc của mình, ông chỉ ra hai quan sát chính. Thứ nhất: các công ty lớn được gọi chung là “Big Oil” (ExxonMobil, Shell, BP, v.v.) có nhiều khả năng sống sót sau cuộc khủng hoảng này hơn các nhà sản xuất nhỏ hơn. Trên thực tế, họ đang mong đợi làn sóng phá sản. Cuộc khủng hoảng này có khả năng sẽ tập trung quyền kiểm soát của các công ty dầu mỏ lớn này. Thứ hai: giảm các quy định về môi trường như đã nêu ở trên. Hanieh nói, hai điều này có thể kết hợp với nhau để tạo ra “một ngành công nghiệp dầu mỏ được khích lệ và hồi sinh, có vị trí trung tâm hơn bao giờ hết trong hệ thống kinh tế và chính trị của chúng ta”.

Biết kẻ thù của bạn: nhập cuộc vào Thung lũng Silicon nóng bỏng.

Naomi Klein nhận xét rằng điều chúng ta đang thấy chỉ là “một cái nhìn thoáng qua về một xã hội phản địa đàng của Thung lũng Silicon, xã hội này đã được để dành sẵn cho chúng ta từ trước, nhưng tất cả chúng ta vừa mới bị thúc đẩy đến xã hội đó nhanh hơn.” Kỹ thuật số hóa chưa bao giờ phổ biến hơn thế. “Các mối quan hệ xã hội của chúng ta đều qua trung gian của các nền tảng của các công ty như Youtube, Twitter, Facebook, v.v.. Lượng calo hàng ngày chúng ta têu thụ đang được cung cấp bởi dịch vụ Amazon Prime.” Bỏ độc quyền của các công ty công nghệ khổng lồ Big Tech sang một bên (nói thêm về điều đó một chút), ngày càng nhiều dữ liệu của chúng ta đang được khảo sát, khai thác, và thu lợi.


Shoshana Zuboff (1951-)

Shoshana Zuboff, tác giả của The Age of Surveillance Capitalism (Thời đại của Chủ nghĩa tư bản giám sát), nhấn mạnh rằng trước ngày 11/9, chính phủ Hoa Kỳ đã thực sự phát triển các quy định nghiêm túc về người dùng web và lựa chọn của họ về cách sử dụng thông tin cá nhân. “Chỉ trong vài ngày,” Zuboff nói, “mối quan tâm chuyển từ ‘Làm thế nào để chúng ta điều tiết những công ty đang vi phạm các chuẩn mực và quyền riêng tư’ sang ‘Làm thế nào để chúng ta nuôi dưỡng và bảo vệ những công ty này để họ có thể thu thập dữ liệu cho chúng ta?’

“Đối với các chính phủ muốn giám sát công dân của họ chặt chẽ hơn, và các công ty đang tìm cách làm giàu bằng cách làm tương tự, sẽ khó có thể tưởng tượng một cuộc khủng hoảng hoàn hảo hơn một đại dịch toàn cầu,” The Guardian viết. Drone (máy bay tự hành) đang tìm kiếm những người không đeo khẩu trang ở Trung Quốc. Còn Đức, Áo, Ý và Bỉ đang sử dụng dữ liệu ẩn danh từ các công ty viễn thông lớn để theo dõi chuyển động của mọi người. Cơ quan an ninh quốc gia của Israel có quyền truy cập vào hồ sơ điện thoại của cá nhân bị nhiễm. Singapore thậm chí đã tạo ra một ứng dụng cho phép các công dân chỉ điểm những ai không tuân thủ giãn cách an toàn (khuyến khích các công dân giám sát lẫn nhau). Tất nhiên, công nghệ có thể giúp chúng ta chống lại virus.

Nhưng Zuboff lo lắng rằng “những biện pháp khẩn cấp này sẽ trở thành vĩnh viễn, bị cuốn vào cuộc sống hàng ngày đến nỗi chúng ta quên mất mục đích ban đầu của chúng”.

Mối nguy lớn nhất đối với sự thay đổi mang tính hệ thống không liên quan đến cách thức Big Tech có thể đe dọa quyền riêng tư.

Evgeny Morozov (1984-)

Nhiều người nghi ngờ lập luận về quyền riêng tư. ‘Họ đang phản ứng thái quá’, là một câu trả lời. ‘Đây không phải là một dạng xã hội phản địa đàng nào đó,’ là một dạng câu trả lời khác. Nhưng vấn đề thực sự ở đây còn sâu xa hơn, không chỉ là mối quan tâm về quyền riêng tư. Tác giả Evgeny Morozov lập luận rằng xã hội phản địa đàng là một “giải pháp công nghệ”. Gọi là “chủ nghĩa giải pháp công nghệ”: “bởi vì khi không có giải pháp thay thế (hoặc thời gian hoặc kinh phí), điều tốt nhất chúng ta có thể làm là áp dụng các tấm thạch cao kỹ thuật số vào những chỗ bị hư hỏng. Những người thích giải pháp công nghệ triển khai công nghệ để né tránh chính trị; họ ủng hộ các biện pháp “hậu ý thức hệ” để giữ cho bánh xe của chủ nghĩa tư bản toàn cầu tiếp tục quay.” Ngày nay, điều này đã trở thành câu trả lời cho nhiều vấn đề của chúng ta.

Morozov nhận thấy rằng chủ nghĩa tân tự do và chủ nghĩa giải pháp công nghệ “có một mối quan hệ mật thiết. Chủ nghĩa tân tự do mong muốn định hình lại thế giới theo bản thiết kế có từ thời chiến tranh lạnh: nhiều cạnh tranh hơn và ít đoàn kết hơn, nhiều hủy hoại sáng tạo hơn và ít kế hoạch của chính phủ hơn, phụ thuộc nhiều hơn vào thị trường và ít phúc lợi hơn”. Vì vậy, thuốc cao kỹ thuật số là loại giải pháp phi chính trị tốt nhất. “Chủ nghĩa tân tự do thu hẹp ngân sách công; chủ nghĩa giải pháp công nghệ thu nhỏ trí tưởng tượng của công chúng. Nhiệm vụ của giải pháp công nghệ là thuyết phục công chúng rằng cách sử dụng chính đáng duy nhất của công nghệ kỹ thuật số là phá vỡ và cách mạng hóa mọi thứ, trừ thể chế trung tâm của cuộc sống hiện đại – đó chính là thị trường.”

Vậy rủi ro thực sự ở đây là gì? Đó là bộ công cụ giải pháp công nghệ sẽ trở thành “lựa chọn mặc định để giải quyết tất cả các vấn đề nhân sinh khác” — và vâng, chắc chắn bao gồm cả biến đổi khí hậu. “Rốt cuộc,” Morozov kết luận, “việc triển khai giải pháp công nghệ để tạo ảnh hưởng đến hành vi cá nhân sẽ dễ dàng hơn nhiều so với việc đặt ra những câu hỏi chính trị khó trả lời về nguyên nhân gốc rễ của những cuộc khủng hoảng này”.

Chúng ta đã nói về Amazon-hóa chưa?

Brian Merchant

Không liên quan đến vấn đề giải pháp công nghệ, đó chính là quá trình Amazon-hóa ngày càng tăng của hành tinh chúng ta. Thuật ngữ này, theo giải thích của biên tập viên Brian Merchant của tập đoàn truyền thông VICE, đề cập đến sự chuyển dịch của các công việc truyền thống và các doanh nghiệp nhỏ, địa phương sang “công việc bán thời gian, không đáng tin cậy cho những gã khổng lồ công nghệ, những công ty công nghệ khổng lồ này phân phối sản phẩm và dịch vụ thông qua các nền tảng trực tuyến.” Và nó bao gồm tất cả các loại nền tảng thương mại điện tử và giao hàng. Amazon vừa thuê thêm 100.000 công nhân để đối phó với nhu cầu bùng nổ đối với các dịch vụ trực tuyến. Instacart, Walmart, Grocery và Shipt đang có lượt tải xuống kỷ lục. Blue Apron’s, một dịch vụ giao trọn bộ nguyên vật liệu bữa ăn chuẩn bị sẵn, có cổ phiếu tăng 70%.

Trên toàn thế giới, chúng ta đang thấy các doanh nghiệp nhỏ bị cuộc cách mạng này nuốt chửng toàn bộ. Merchant giải thích rằng các doanh nghiệp nhỏ trung bình chỉ có đủ tiền mặt để hoạt động trong 27 ngày mà không bị phá sản. Cùng với nhu cầu ngày càng giảm dần và áp lực tiền thuê nhà, quá trình Amazon-hóa sẽ còn được đẩy nhanh hơn nữa. “Nếu các nhà hàng, quán bar và cửa hàng địa phương đóng cửa vĩnh viễn trong khi các nền tảng ứng dụng trên mạng giống như các tảng đá nguyên khối đang thu hút khách hàng và công ăn việc làm, thì đường xu hướng có thể rất khó đảo ngược khi chúng ta vượt ra khỏi đống đổ nát. Merchant viết, “Và điều này, không phải là một tương lai mà chúng ta mong muốn.”

Amazon-hóa sẽ làm gì cho nền kinh tế địa phương của chúng ta?

Merchant tiếp tục giải thích cặn kẽ về nhược điểm của phản địa đàng Thung lũng Silicon, đó chính là quá trình Amazon-hóa. Ông viết, đối với một người, Amazon-hóa có nghĩa là “sự phụ thuộc ngày càng nhiều vào lao động bán thời gian, bấp bênh dưới hình thức công nhân kho hàng làm việc thời vụ và rất có khả năng bị mất việc hoặc công nhân giao hàng Flex, những người làm công việc nặng nhọc nhiều giờ mệt mỏi mà không có trợ cấp”. Những cái gọi là ‘công nhân thiết yếu’ này, họ thường bị sa thải sau khi được sử dụng. Chúng ta sẽ có ngày càng nhiều người có mức lương tối thiểu. Và chúng ta hãy đối mặt với điều này: chừng nào chúng ta còn không sẵn sàng chi tiền nhiều hơn, chừng nào chúng ta còn muốn hàng hóa và dịch vụ rẻ hơn, nhanh hơn và thuận tiện hơn, thì biên lợi nhuận sẽ ngày càng thắt chặt hơn và mức lương tối thiểu, nếu không bị cản trở, thậm chí có thể trở nên ngày càng thấp hơn.

Thứ hai là: chúng ta cũng sẽ thấy “quyền kiểm soát độc quyền đối với các nền tảng có thể tạo ra hoặc phá vỡ hoạt động kinh doanh theo ý muốn bất chợt của tập đoàn công ty”. Các quyết định do các nền tảng này đưa ra sẽ có tác động sâu rộng đến sinh kế của hàng nghìn người. Amazon và các nền tảng như Amazon, kiểm soát các quy tắc. Chúng ta đã thấy những tác động của việc này. Amazon thông báo rằng họ sẽ có thể dừng gửi các lô hàng của tất cả các mặt hàng không thiết yếu tại Hoa Kỳ, khiến nhiều người bán bên thứ ba bị thiệt hại. Chúng ta cũng đang thấy cách thức các nền tảng giao hàng thực phẩm cắt giảm khổng lồ từ các doanh nghiệp thực phẩm địa phương. Những doanh nghiệp này hiện đang kêu gọi các nền tảng như GrabFood, Deliveroo, UberEats, DoorDash và v.v., để thực thi công lý.

Ít con người hơn, ít chăm sóc hơn, ít cộng đồng hơn.

Bạn nghĩ rằng nó dừng ở đó? Không, nó còn tồi tệ hơn nữa.

Jeff Bezos (1964-)

Chúng ta sẽ thấy có ít công ăn việc làm hơn. Amazon đang nỗ lực “hướng tới một tầm nhìn về tự động hóa được thiết kế để truyền cảm hứng và lòng tin cho nhà đầu tư, khơi gợi trí tưởng tượng của công chúng và giữ người lao động không bị kích động đòi hỏi mức lương cao hơn”. Sớm như thế nào? 2030. Các nhà kho hoàn toàn tự động vào năm 2030. Không quan trọng việc họ có đạt được mốc thời gian này hay không, mà chính là ý định đó khiến chúng ta sợ hãi. Các công ty ở Trung Quốc đang sử dụng đại dịch như một cơ hội để đưa tự động hóa vào nhiều hơn. Google cũng đã tiến hành. “Xét cho cùng, một công ty hậu cần không có con người và hoàn toàn hiệu quả chính là công cụ của những giấc mơ ướt át của công ty”. (Cụ thể hơn là giấc mơ ướt át của Jeff Bezos.)

Và cuối cùng, Merchant kết luận, lặp lại lời Klein rằng “lời kêu gọi rõ ràng nhất của học thuyết sốc công nghệ nhằm tiết kiệm thời gian và giảm thiểu rủi ro” của quá trình Amazon-hóa là: tư nhân hóa và công nghệ hóa ngành chăm sóc y tế. Trước đại dịch, Amazon rõ ràng đã có kế hoạch tung ra Amazon Care. Và bây giờ, họ đang xem xét hợp tác với Quỹ Gates để cung cấp bộ dụng cụ thử nghiệm. “Khỏi cần nói, ta cũng biết việc chuyển giao dịch vụ công cho các doanh nghiệp vì lợi nhuận hiếm khi là một dấu hiệu báo điều tốt, đặc biệt là khi liên quan đến vấn đề sức khỏe con người. (Xem: Flint, Michigan.)”

Có lẽ đây là điều bình thường mới mà chúng ta sẽ phải làm quen trong một thế giới hậu Covid-19?

BƯỚC HAI: Từ chối tình trạng bình thường mới.

Alexis Shotwell (1974-)

Chúng ta không cần phải chấp nhận điều bình thường mới. Evgeny Morozov đề xuất một nền chính trị “hậu giải pháp công nghệ” và đặt câu hỏi: “chúng ta cần thể chế nào để khai thác các hình thức phối hợp xã hội mới và sự đổi mới do công nghệ kỹ thuật số mang lại?” Thật vậy, từ đây không có đường để quay trở lại. Không còn lãng mạn hóa về một thế giới không có thiết bị. Chúng ta cũng không nên từ chối và xa lánh hoàn toàn Big Tech (giả sử đây thậm chí là một sự lựa chọn; nền kinh tế của những công việc bấp bênh, thời vụ đang ở đây để tồn tại). Đó sẽ là một sự điên rồ của nền chính trị về sự trong sạch, như Alexis Shotwell nói. Thay vào đó, chúng ta cần hướng tới một thế giới luôn kiểm soát được Big Tech. Một cách làm nhằm đảm bảo Big Tech nhận ra những điểm không hoàn hảo của mình và cố gắng làm tốt hơn.

Nói chung, chúng ta cũng cần phải làm điều này, nếu chúng ta muốn thoát ra trong một thế giới hậu Covid-19 tốt đẹp hơn. Mike Davis nói: “Đầu ra chính trị của đại dịch sẽ giống như tất cả các đầu ra chính trị khác, sẽ được quyết định bằng đấu tranh, bằng cách chiến đấu với việc lý giải ý nghĩa, bằng cách nêu lên nguyên nhân gây ra vấn đề và cách giải quyết vấn đề. Và chúng ta cần phổ biến phân tích đó ra thế giới bằng mọi cách mà chúng ta có thể làm.” Có nhiều thể chế, chính phủ, Big Tech, Big Oil, v.v., những người sẽ lập luận rằng kinh-doanh-như-bình-thường là cách duy nhất để quay trở lại. Đó là chúng ta nên quay trở lại những gì cảm thấy tốt. Những gì cảm thấy ... bình thường. Và vì vậy, chúng ta cần những người giao tiếp, như bạn và tôi, để truyền tải thông điệp rằng chúng ta không cần những kiểu bình thường như thế này nổi lên trên thế giới.

Và đôi khi chúng ta cần phải tháo điện thoại ra để làm điều đó. Như Klein đã nhắc nhở chúng ta: “Rủi ro lớn nhất đối với tất cả chúng ta là sẽ lãng phí thời gian này, ngồi ở nhà trên các nguồn cấp dữ liệu truyền thông xã hội của chúng ta, sống trong những hình thức chính trị cực kỳ hạn chế được kích hoạt ở đó.”

BƯỚC BA: Định hình lại câu chuyện.

Đặt vấn đề “bình thường” và “kinh-doanh-như-bình-thường” chỉ là mới thắng được một nửa trận chiến. Như Ted Nordhaus và Alex Trembath tại trung tâm nghiên cứu môi trường Breakthrough Institute khuyên, “các nhà môi trường sẽ cần phải dành nhiều nỗ lực hơn để lập luận về mặt kinh tế để ủng hộ cơ sở hạ tầng mà họ muốn xây dựng và nên dành ít thời gian hơn để vạch trần những tác hại đối với khí hậu khi chống lại cơ sở hạ tầng mà họ muốn đình chỉ.” Tôi không hoàn toàn đồng ý với nhận định này, nhưng tình cảm thì không sai.

Chúng ta cần cho thấy tính khả thi của các mô hình thay thế của chúng ta. Bên cạnh đó, không nhất thiết phải thay vì, nêu lên cách thức hệ thống hiện tại làm chúng ta thất bại. May mắn thay, đã có nhiều nghiên cứu chứng minh chi phí của việc không hành động lớn hơn nhiều so với chi phí để đưa khí hậu vào chương trình nghị sự. (Đọc: tại đây, tại đây và thậm chí toàn bộ dự án dành riêng cho điều này ở đây.) Bây giờ, đó là việc đảm bảo rằng cộng đồng của chúng ta biết điều đó và các phương tiện truyền thông quảng bá nó. Và rằng các chính trị gia của chúng ta nghe thấy hành động theo hướng này.

Việc xây dựng lại để tốt hơn đang diễn ra.

Fred Pearce (1951-)

Faith Birol (1958-)

Các nhân vật chính đã và đang lắng nghe, như tác giả và nhà báo Fred Pearce đã ghi nhận. Faith Birol, Giám đốc Cơ quan Năng lượng Quốc tế, khuyên các chính phủ G20, những người đang cam kết khoảng 5 nghìn tỷ USD để kích thích nền kinh tế hậu Covid-19, hãy “đặt năng lượng sạch vào trọng tâm của các kế hoạch kích thích kinh tế”. EU nói rằng gói kích thích kinh tế của họ sẽ phù hợp với chính sách Thỏa thuận Xanh được công bố gần đây. Tất nhiên, những phản ứng tiêu cực: Thủ tướng Séc kêu gọi từ bỏ Thỏa thuận Xanh. Chính phủ Ba Lan cho rằng hệ thống giao dịch giấy phép phát thải của EU, phạt các nhà phát thải carbon, cần phải được loại bỏ. Nhưng phó chủ tịch Ủy ban châu Âu là Frans Timmermans và ông phụ trách Thỏa thuận Xanh. Đây là những gì ông đã tweet khi tự cách ly:

Frans Timmermans @TimmermansEU

Chúng ta đang hy sinh rất nhiều ngay bây giờ, và ở trong nhà để giữ an toàn cho mọi người.

Nhưng khi những ngày tốt đẹp hơn đến - và những ngày ấy sẽ đến - chúng ta sẽ quyết tâm hơn bao giờ hết để bảo vệ con người và hành tinh của chúng ta và tận hưởng thiên nhiên xung quanh chúng ta.

#DontKnowWhatYouveGotTilitsGone

Ngày 24 Tháng 3 Năm 2020

(Và để có thêm hy vọng, hãy xem bản kế hoạch kích thích xanh này dành cho Hoa Kỳ.)

Simon Mair

Pearce nhận xét rằng một số nhà phân tích thị trường cũng đang có ý tưởng phù hợp với Naomi Klein. Họ đang tranh luận “rằng cú sốc của cuộc khủng hoảng đại dịch có thể chỉ là những gì cần thiết để đưa các chính sách năng lượng cũ vào đống tro tàn của lịch sử”. Đáng khích lệ hơn nữa, Amsterdam vừa thông báo rằng họ sẽ áp dụng mô hình kinh tế học “bánh rán” (doughnut) khi họ hướng tới thành phố hậu Covid-19. Mô hình này là mô hình hướng tới một nền kinh tế đáp ứng nhu cầu cốt lõi của mọi người. Trong khi, đồng thời, làm việc trong các phương tiện của hành tinh.

Chúng ta có công việc phù hợp với chúng ta.

Chúng ta biết phải làm gì. Học giả Simon Mair viết cho BBC: “Sự thay đổi xã hội có thể đến từ nhiều nơi và với nhiều ảnh hưởng. Một nhiệm vụ chủ yếu đối với tất cả chúng ta là yêu cầu các hình thái xã hội mới nổi phải xuất phát từ một nền đạo đức coi trọng sự quan tâm, cuộc sống và dân chủ. Nhiệm vụ chính trị trung tâm trong thời kỳ khủng hoảng này là sống và (hầu như) tổ chức xung quanh những giá trị đó.”

Kate Raworth (1970-)

George Monbiot (1963-)

Những ý tưởng có thể thay đổi thế giới tốt đẹp hơn đang có sẵn xung quanh đây. Hãy xem xét mô hình kinh tế học bánh rán (doughnut) của Kate Raworth và thông điệp của bà nói rằng một nền kinh tế lành mạnh nên được thiết kế để phát triển mạnh, chứ không phải để tăng trưởng. Hoặc đề xuất của George Monbiot về một câu chuyện chính trị mới. Hay những nhà hoạt động như Keeanga-Yamahtta Taylor và Naomi Klein, những người liên tục nhắc nhở chúng ta về sự cần thiết phải hướng tới một thế giới coi sự kết nối của chúng ta như những người bình thường. Sự cần thiết phải xây dựng một nền kinh tế tái tạo thực sự.

Những người muốn thay đổi thế giới tốt đẹp hơn đang ở đây. Những người này đều ở xung quanh bạn. Bạn có lẽ là một người trong số đó. Và tôi cũng vậy. Có cơn thịnh nộ (biểu tình, đình công, tức giận và nổi loạn). Nhưng cũng có tình yêu thương (tương trợ, đăng ký tham gia, những trao đổi chăm sóc mới lạ và mức độ đoàn kết chưa từng có). Chúng ta chỉ cần cảnh giác, sẵn sàng và tích cực đưa các ý tưởng và mọi người lại với nhau. Về mọi mặt, chúng ta biết cách làm.


Khi việc cách ly kết thúc, chúng ta sẽ thức tỉnh trong một thế giới nơi các chế độ bình thường hóa báo thù đang cạnh tranh với nhau, sẽ xảy ra chiến tranh với nhau, một thời điểm đầy nguy cơ và cơ hội. Đó sẽ là thời điểm để vươn lên và nhìn vào mắt nhau.” - Max Heivan

Lịch sử nói rằng, Đừng hy vọng

ở phía bên này của ngôi mộ.

Nhưng sau đó, một lần trong đời

niềm khao khát sóng thủy triều

của công lý có thể dâng cao,

và hy vọng liền với lịch sử một vần.

Vì vậy, hy vọng về một sự thay đổi lớn trên biển

ở phía xa của sự trả thù.

Hãy tin rằng một bến bờ xa hơn

ta có thể vươn tới từ đây.

Hãy tin vào điều kì diệu

vào việc cứu chữa và những giếng nước làm lành bệnh

— Seamus Heaney, “The Doubletake”

Người dịch: Lê Thị Hạnh

Nguồn:Rebuilding In A Post-viral World: Where Do We Go From Here”, Green is the New Black, 17.4.2020.

Vài nét về tác giả

Tammy Gan

Là một nhà bảo vệ môi trường và truyền thông xã hội, bà tin vào việc suy nghĩ lớn hơn và sâu hơn về biến đổi khí hậu. Bà hy vọng với hành động của mình, tất cả chúng ta sẽ phát triển để trở thành những công dân có ý thức về môi trường (không phải người tiêu dùng) với trái tim vì hành tinh xinh đẹp này mà chúng ta gọi là nhà.



Chú thích:

[1] Thế hệ Millennials, hay thế hệ Y (hay Gen Y), là nhóm nhân khẩu học kế tiếp thế hệ X và trước thế hệ Z. Họ được sinh ra vào khoảng năm 1981 đến 1996.

Thế hệ Z (hay Gen Z) là nhóm nhân khẩu học kế tiếp thế hệ Milennials và trước thế hệ Alpha. Họ được sinh ra vào khoảng 1996 đến đầu thập niên 2010.

Nhìn chung thế hệ Millennials và thế hệ Z trưởng thành trong thời đại công nghệ thông tin nên họ thường sử dụng thành thạo các thiết bị kỹ thuật số và mạng xã hội (ND, theo https://vi.wikipedia.org/wiki/Th%E1%BA%BF_h%E1%BB%87_Millennials)

[2] Meme là một biểu tượng về văn hoá hay một ý tưởng nào đó được lan truyền trên Internet. Sau đó một meme có thể trở thành một câu nói, một cách diễn đạt thông thường trong cuộc sống hàng ngày (https://vnreview.vn/tu-van-web/-/view_content/content/598650/meme-la-gi-dau-la-vi-du-ve-meme-tren-internet)

Print Friendly and PDF