Bạn đang ở: Trang chủ / Thế giới / Đảng cộng sản Trung Quốc bước sang tuổi 87

Đảng cộng sản Trung Quốc bước sang tuổi 87

- Thái Sùng Quốc — published 02/07/2007 23:12, cập nhật lần cuối 06/07/2007 23:02
Trung Quốc quá độ từ "giai đoạn cộng sản nguyên thuỷ" lên "chế độ nô lệ" ?


Cái vỏ rỗng của ĐCS Trung Quốc


Thái Sùng Quốc 蔡崇国


1-7 là ngày kỉ niệm thành lập Đảng Cộng sản Trung Quốc (1921). Hiếm thấy một ngày kỉ niệm ảm đạm như vậy ở Trung Quốc. Từ cuối tháng 5 đến nay, mạng điện tử lan tràn những bài viết tố cáo những vụ bê bối về điều kiện lao động, nhất là vụ những công nhân nô lệ tại một nhà máy gạch. Báo chí và đài truyền hình nhà nước cũng phải nói tới vụ việc này. Tại nhà máy gạch tỉnh Sơn Tây, có 32 em bé bị cưỡng bức lao động. Vài ngày sau, 400 người cha có con cái mất tích đã lên tiếng kêu cứu. Các báo và trạm internet cho biết : tại nhà máy gạch này, những em bé từ 8 đến 13 tuổi biến thành những nô lệ, ngày ngày bị hành hạ, làm việc không lương, nhiều tháng liền không được tắm rửa.

nole
Trẻ em ở lò gạch tỉnh Sơn Tây (ảnh China Daily)

Vụ bê bối này được phanh phui trong khi ở Trung Quốc có 150 triệu người sử dụng mạng internet và 50 triệu người có "blog" cá nhân. Internet đã mở ra một diễn đàn bàn cãi và bình luận chưa từng có từ năm 1989 đến nay. Cảm xúc của người này trước số phận của những trẻ em Sơn Tây đã khơi dậy cảm khái của nhiều người khác. Thêm vào đó là sự phẫn nộ trước vai trò của đảng bộ và chính quyền địa phương trong các vụ việc này. Chủ của nhà máy gạch là bí thư xã uỷ và uỷ viên hội đồng nhân dân địa phương.

Từ đó, dư luận liên hệ tới tiền lệ những vụ nổ hầm mỏ, buôn trẻ em, lao động cưỡng bức... mà báo chí đã rải rác nói tới trong những năm qua, ngày nay tích luỹ lại và gây ra chấn động tâm lí lớn trong công chúng. Trước sự phẫn nộ chung, bộ máy kiểm duyệt bị tê liệt, trong hai tuần lễ không biết phải làm sao. Họ đành để cho "mạng nhân" tự do phát biểu, nói lên sự phẫn uất và đưa ra những bình luận, phân tích.

Các cuộc thảo luận cho thấy rõ rằng nạn lao động cưỡng bức đã trở thành định chế khá phổ biến ở các nơi, báo chí đã nêu ra từ lâu, song chính quyền hầu như không hề phản ứng. Người ta được đọc những lời chỉ trích, thậm chí mạ lị, quyết liệt mà kiểm duyệt không dám đục bỏ : "Tất thảy chúng ta đều là nô lệ của Trung Nam Hải", "Chúng hành xử như những chủ nhân nô lệ", nghĩa là những từ ngữ nghiêm khắc ngàn lần hơn những người "li khai" trước đây.

Người ta bắt đầu tin vào những điều trước đây chẳng mấy ai tin : chẳng hạn những lời phê bình ở các nước phương Tây về quyền con người hay về thảm kịch Thiên An Môn năm 1989. Người ta bỗng nhận thức rằng những tình cảnh cực kỳ tàn ác có thể diễn ra và kéo dài ở Trung Quốc. Và người ta bắt đầu đặt vấn đề về vai trò lịch sử của đảng đã nắm trọn quyền bính từ hơn một nửa thế kỉ và đã rêu rao là đã đưa nhân dân ra khỏi cảnh bóc lột và giải thoát nông dân khỏi kiếp ngựa trâu.

Cuộc thảo luận cũng nêu ra vấn đề cung cách vận hành của ĐCS ở cấp cơ sở, không chỉ là bảo vệ quyền lợi của chủ nhân thẳng tay bóc lột công nhân mà còn trực tiếp tham gia bóc lột. Những người viết "blog" đã mỉa mai sử dụng các khái niệm mác xít : "Chúng ta đã đạt tới giai đoạn cộng sản nguyên thuỷ và theo đúng quy luật duy vật lịch sử, chúng ta đang quá độ lên thời kì tương lai là chế độ nô lệ".

Thế là trong vòng vỏn vẹn một tháng, đã biến thành mây khói bao nhiêu lao công khổ tứ của các nhà lãnh đạo nhằm làm cho "đảng đi sát nhân dân" để xây dựng một "xã hội hài hoà". Cụm từ "xã hội hài hoà" đã được biến nghĩa thành đàn áp, kiểm duyệt. Người ta không nói "anh ta bị bắt" mà nói : "anh ta đã được hài hoà",  không nói "bài viết của tôi bị kiểm duyệt" mà nói "bài viết của tôi đã được hài hoà"... Uy tín và quyền uy của ĐCS đã bị lung lay sâu sắc. Vai trò lịch sử, thậm chí bản thân ĐCS bị đặt thành vấn đề vào đúng dịp kỉ niệm 86 năm ngày thành lập. Tình hình rối rắm còn đặt ra ngay trong tổ chức của ĐCSTQ.

Tháng 10-2006, một nhà nghiên cứu trẻ của Học viện chính trị thanh niên (Bắc Kinh), Trần Sinh Lạc (陳生洛), đã nộp một công trình nghiên cứu điền dã về tổ chức đảng tại các xí nghiệp quốc doanh vốn là một trong những thành trì của ĐCS. Kết luận điều tra : tổ chức cơ sở hầu như không còn nữa ; trong số 70 triệu đảng viên, dường như có tới 40 triệu không còn sinh hoạt đảng hay "trôi xuôi".

Phải nói là từ mươi năm nay, với quá trình tư hữu hoá và giải thể các nhà máy, nhiều đảng viên cũng mất việc ; một số khác, đảng viên nông dân, đã rời bỏ nông thôn và tổ chức để trở thành những "người cộng sản lưu dân". Ra thành phố, vào làm việc trong các xí nghiệp ngoại quốc, chủ là người đến từ Hồng Kông hay Đài Loan, không mấy quan tâm tới sự có mặt của đảng viên cộng sản trong doanh nghiệp của họ.

Có người thậm chí nói rằng ĐCS đã "rút vào vòng bí mật" ! Thật vậy, 60 % các doanh nghiệp là tư doanh hoặc của tư bản ngoại quốc. Rất nhiều nghiệp chủ không có thẻ đảng, nhưng họ nắm quyền quyết định ; chi bộ đảng chỉ có một việc là ủng hộ những quyết định chọn lựa của người chủ. Có thể nói họ mới là người lãnh đạo đảng, chứ không phải ngược lại : họ có quyền sa thải bất cứ nhân viên nào, đảng viên hay không.

Trong tình hình không mấy vinh quang như vậy, nhiều người cộng sản không dám nhận mình là đảng viên. Họ sợ bị chế giễu, không những thế lộ diện là cộng sản nhiều khi lại khó kiếm việc. Vả lại, đi làm ở xí nghiệp 12, thậm chí 14 giờ một ngày, và nhiều khi ngay tại xí nghiệp cũng không có phòng ốc cho sinh hoạt đảng.

Theo hệ tư tưởng chính thống, đảng vẫn là "đội tiên phong" của giai cấp công nhân và của nông dân, lãnh đạo đất nước đi lên xã hội cộng sản. Nhưng ngày nay, khi nền kinh tế vẫn rồ máy tăng tốc để hướng tới các thị trường bên ngoài, chẳng còn ai tin vào huyền thoại đó nữa. Cuộc khủng hoảng tư tưởng này không thể không hàm chứa những vấn đề nghiêm trọng, trước tiên là động cơ vào đảng.

Vào đảng bây giờ để làm gì ? Những động cơ vinh quang xưa kia đã mai một, từ cuối thập niên 1970 tư tưởng cũng tiêu tùng. Bây giờ người ta vào đảng vì lợi ích cá nhân, để thăng quan tiến chức, vì chủ nghĩa cơ hội. Do đó, nguồn đảng viên chủ yếu là các giới làm ăn. Do nạn tham nhũng, những người tài đức lánh xa đảng. Tuy nhiên, ĐCS còn được duy trì trong một số giới như quân đội, công an, cơ quan chính quyền. Còn ở nông thôn và tại các nhà máy, có thể nói đảng chỉ còn cái vỏ.

Tổ chức cơ sở rệu rã, uy tín tiêu tùng, đảng viên bị dân chúng khinh khi, một chính đảng như vậy không thể nào thu nạp được những phần tử ưu tú và sinh lực của nhân dân. Muốn lãnh đạo một đất nước đang trở thành cường quốc (trong một bối cảnh) ngày càng phức tạp, tất nhiên nó phải tự đặt câu hỏi về tiền đồ của nó, cũng như về tương lai thế giới. Ở tuổi 86, Đảng cộng sản Trung Quốc lâm vào một cuộc khủng hoảng đầy hội chứng phức tạp, trước mắt không thấy lối thoát. 

Thái Sùng Quốc (Cai Chongguo), nhà li khai Trung Hoa, hiện sống ở Pháp, tác giả cuốn Chine, l'envers de la puissance (Editions Mango). Bản tiếng Pháp đăng trên nhật báo Le Monde (ngày 3.7.2007). Bản tiếng Việt của Diễn Đàn.

Về sự kiện lò gạch Sơn Tây, có thể đọc bản tin Reuters, báo Le Monde ngày 11.6.07, băng hình Children Slaves, Shanxi, China

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss