Bạn đang ở: Trang chủ / Thế giới / Một ngày chủ nhật đáng ghi nhớ

Một ngày chủ nhật đáng ghi nhớ

- Đỗ Tuyết Khanh — published 10/03/2013 23:50, cập nhật lần cuối 11/03/2013 14:07
Cử tri Thụy Sĩ thông qua "đề xuất Minder" -- "Thắng lợi của một con người phẫn nộ"


Cuộc bỏ phiếu 3.3 ở Thụy Sĩ




Một ngày chủ nhật đáng ghi nhớ


Đỗ Tuyết Khanh



Nước Thuỵ Sĩ có chế độ dân chủ trực tiếp. Có nghĩa là bên cạnh thể chế tam quyền quen thuộc – lập pháp, hành pháp, tư pháp – thể hiện qua quốc hội, chính quyền và toà án, người dân có tiếng nói và vai trò cụ thể trong đời sống chính trị, trực tiếp tham gia tạo dựng và tu sửa cái khung pháp lý chi phối cuộc sống hàng ngày của mỗi người. Ngoài mùa bầu cử chọn những dân biểu và thượng nghị sĩ đại diện cho mình, cứ mỗi ba tháng, người Thuỵ Sĩ lại được mời biểu quyết trên những vấn để lớn nhỏ của thành phố, của bang nơi mình ở và của cả nước. Từ cấm hay cho phép hút thuốc nơi công cộng đến tăng thuế hay không và thông qua ký kết một hiệp ước quốc tế, mọi chuyện đều có thể hoặc phải đưa ra hỏi ý dân và kết quả là những quyết định pháp lý nhất thiết phải được thi hành. Từ chuyện lớn đến chuyện nhỏ, một khi đã đưa ra cho dân chúng biểu quyết, chính quyền, các đảng phái, quốc hội chỉ có thể tìm cách thuyết phục bằng mọi lý lẽ để tranh thủ kết quả. Nếu dân nghe theo thì thắng, nếu dân không tin, bầu ngược lại, thì thua, ý dân là ý trời. Vì thế, Thuỵ Sĩ chưa bao giờ có vua nhưng nhân dân thường được gọi là quân vương (souverain) và một câu thường thấy là « vua đã quyết định thế mà » (le souverain a pourtant décidé) khi có bất bình vì nhà nước và quốc hội chậm đưa vào luật và áp dụng kết quả một cuộc bỏ phiếu.


Mọi công dân đều có quyền nêu lên một vấn đề, đưa ra biểu quyết để giải pháp đề nghị trở thành chính sách, thành luật hay thậm chí được ghi vào hiến pháp. Tất nhiên không phải chuyện vớ vẩn nào cũng có thể đưa ra mời quân vương suy nghĩ và quyết định, dù là ở mức thấp nhất như làng xã, nên phải có một số điều kiện về cả nội dung lẫn thủ tục. Ngoài hình thức đơn giản nhất, kiến nghị (pétition) để đặt một vấn đề cụ thể, thường giới hạn vào địa phương, với cơ quan chức trách, còn có hai công cụ ở mức liên bang : référendum (trưng cầu dân ý) là cách để phản đối và yêu cầu sửa đổi hay huỷ bỏ một đạo luật hay quyết định của quốc hội, với điều kiện hội đủ chữ ký hợp lệ của 50 000 cử tri và nộp lên cơ quan chưởng ấn (chancellerie) của liên bang trong vòng 100 ngày sau khi chính thức công bố yêu cầu referendum. Cao hơn cả, initiative populaire (tức là đề xướng chủ động từ nhân dân, sau đây gọi tắt là đề xướng nhân dân) cho phép công dân yêu cầu sửa đổi toàn bộ hay một phần của hiến pháp, thường là bổ sung bằng một điều lệ mới quy định vấn đề được nêu ra. Điều kiện là hội đủ chữ ký hợp lệ của 100 000 cử tri và nộp trong vòng 18 tháng sau khi chính thức công bố yêu cầu. Một tháng trước ngày bỏ phiếu, chính phủ liên bang gửi đến từng cử tri một hồ sơ gồm văn bản nội dung referendum hay đề xướng, phiếu bầu với các câu hỏi thuận hay chống, lập luận của nhóm đề xuất, của các bên ủng hộ và bên chống (các đảng phái, hiệp hội, v.v), ý kiến chính thức của Hội đồng liên bang, tức chính phủ liên bang, và của quốc hội. Và để quân vương dễ bề quyết định hơn, một tấm bảng tóm tắt quan điểm của các đảng phái. Ngày nay đa số dân chúng bỏ phiếu qua bưu điện, một số qua Internet, các phòng phiếu chỉ cần mở cửa vài giờ sáng chủ nhật. Cũng nhờ Internet, mọi chuyện bây giờ rất nhanh, chỉ ít lâu sau khi các phòng phiếu đóng cửa đã có những dự phóng đầu tiên về kết quả. Các đài truyền hình và báo mạng theo dõi từng giờ kết quả được các địa phương lần lượt thông báo, những phỏng vấn, phản ứng tiếp nối nhau, sôi nổi và hào hứng không kém những buổi bầu cử quốc hội, hay bầu cử tổng thống ở nước khác.


Ngày chủ nhật 3 tháng 3 vừa qua thuộc vào những buổi bỏ phiếu lịch sử của Thuỵ Sĩ, với hai quyết định có ảnh hưởng kinh tế quan trọng, về đạo luật bố trí đất đai và nhất là về đề xướng chống lạm dụng trong lương bổng, thường gọi là Initiative Minder, do ông Thomas Minder chủ xướng, được tranh cãi sôi nổi từ nhiều năm và hiện gây chú ý ở nước khác. Tuy không phải là một cú sét giữa trời xanh vì sự thành công của đề xướng Minder đã được dự báo từ trước nhưng kết quả, nhất là tỷ lệ chấp thuận rất cao (67,9%), vẫn làm rúng động dư luận và cộng đồng kinh tế Thuỵ Sĩ.


Đại thắng của một người phẫn nộ


Kèm theo bức hí hoạ khổng lồ, « Le triomphe d’un indigné » là hàng tít lớn chạy dài trên trang nhất của báo Le Temps, độc giả đa số là trí thức có khuynh hướng trung tả ở vùng Thuỵ Sĩ nói tiếng Pháp. « Ueberdeutliches Signal » (tín hiệu quá rõ ràng) là câu bình luận ngắn gọn, mực thước hơn, dưới bức hình ông Minder trên trang nhất báo Neue Zürcher Zeitung, tờ báo khô khan của giới ngân hàng và kỹ nghệ vùng Thuỵ Sĩ nói tiếng Đức. Hai câu tóm tắt phản ứng của những thành phần kinh tế chính trị khác nhau, từ đầu này đến đầu kia của Thuỵ Sĩ, thuộc vào phe ủng hộ hay phe chống đối, nhưng đều công nhận đây là một thắng lợi hiển nhiên của xã hội dân sự phẫn nộ trước những đặc quyền đặc lợi dành cho một thiểu số chóp bu, của chế độ dân chủ trực tiếp và của cá nhân ông Minder. Vậy đề xướng Minder đòi hỏi những gì và nguyên nhân từ đâu ?


Đề xướng Minder tên gọi chính thức là « Initiative populaire contre les rémunérations abusives », (đề xướng nhân dân chống lạm dụng trong lương bổng), tiếng Đức còn đốp chát quyết liệt hơn : « Volksinitiative gegen Abzockereï » (đề xướng nhân dân chống mánh khoé trục lợi), gọi tắt là « Abzocker Initiative », động từ abzocken có nghĩa là dùng những phương tiện bất chính để chiếm đoạt cái gì. Mục đích đề xướng là tăng cường quyền kiểm soát của các cổ đông để ngăn cản các đại công ty trả thêm, ngoài lương chính thức, những khoản thù lao khổng lồ cho các nhân viên chóp bu (tổng giám đốc, chủ tịch hội đồng quản trị, v.v) qua những hình thức như tiền thưởng (bonus), tiền bồi thường khi rời công ty (golden parachute), tiền bồi thường không cạnh tranh (compensation for non-competition), có thể lên đến hàng triệu hoặc chục triệu quan Thuỵ Sĩ cho những « siêu sao » kinh tế. Đối tượng là các công ty Thuỵ Sĩ được định thị giá trên các thị trường chứng khoán Thuỵ Sĩ và nước khác, các biện pháp tóm tắt như sau :


  • Các cổ đông họp đại hội hàng năm ấn định tổng số tiền thù lao của hội đồng quản trị, ban giám đốc và ban tư vấn. Họ bầu lại mỗi năm chủ tịch và từng thành viên ban quản trị, ban thù lao và người đại diện độc lập.

  • Các quỹ hưu trí (là những cổ đông lớn của các công ty) phải lấy ý kiến các thành viên của mình, bầu theo quyền lợi của họ và thông báo đã bầu ra sao.

  • Các cổ đông có thể bầu từ xa bằng các phương tiện điện tử và không thể uỷ nhiệm người hoặc cơ quan được ký thác (thường là ngân hàng).

  • Những khoản tiền thưởng và bồi thường kể trên đều bị nghiêm cấm.

  • Điều lệ của công ty quy định những khoản tiền các thành viên ban giám đốc có thể nhận hoặc vay từ công ty, nhiệm kỳ của họ cũng như số lần họ có thể có tham gia hội đồng quản trị nơi khác.

  • Những vi phạm các qui định trên sẽ bị phạt tù cho đến 3 năm và phạt tiền tương đương với 6 năm lương.


Tóm lại, từ nay các hội đồng quản trị không còn được tha hồ tự ấn định các mức thù lao của chính mình và ban giám đốc và phải chịu một sự giám sát chặt chẽ chưa từng có. Cho tới nay, những đại hội cổ đông, thường là vài ba năm một lần, chỉ là những dịp thông qua những quyết định của ban giám đốc và hội đồng quản trị, tiếng nói yếu ớt của vài cổ đông cá nhân không lay chuyển sự nhất trí giữa những người cùng giới, cùng quyền lợi kinh tế, thành viên ban giám đốc này cũng nằm trong hội đồng quản trị quỹ hưu trí kia, và cùng là cổ đông với nhau cả ở công ty nọ. Các biện pháp ông Minder đề ra nhằm tăng cường tiếng nói và ảnh hưởng của các cổ đông nhỏ và hạn chế sự thông đồng giữa lãnh đạo công ty và các cổ đông lớn.


Đề xướng Minder không phải là một cuộc cách mạng mà nhằm tiêm một liều thuốc đạo đức vào nền kinh tế tư bản Thuỵ Sĩ, phản ánh những bất bình của dân chúng trước những món tiền kếch sù các lãnh đạo công ty tự ban cho mình, trong khi bao người điêu đứng vì khủng hoảng kinh tế. Nó « gãi đúng chỗ ngứa » của đa số dân chúng nhưng trước hết nó xuất phát từ một sự phẫn nộ cá nhân, trong một hoàn cảnh nhất định, của một người quyết tâm đi tới cùng trong ý tưởng của mình, ông Thomas Minder.


Robin Hood của các cổ đông nhỏ hay cuộc chiến giữa David và Goliath


Thomas Minder, năm nay 52 tuổi, thượng nghị sĩ độc lập (không thuộc đảng nào), là chủ nhân một xí nghiệp nhỏ với khoảng 20 nhân viên, công ty Trybol sản xuất kem đánh răng và một số mỹ phẩm khác như dầu gội đầu, dầu tắm, kem nuôi da v.v. Khách hàng của hãng Swissair ngày trước còn nhớ ống kem và chai nước súc miệng Trybol nhỏ xíu xinh xắn trong túi quà tặng, vừa đủ dùng cho chuyến bay dài nhưng cũng đủ chứng minh chất lượng Thuỵ Sĩ cho phép một công ty gia đình làm bạn hàng một hãng máy bay có tầm cỡ quốc tế. Nhưng chính quan hệ thương mại này đã suýt là thảm kịch của công ty Trybol và gia đình Minder. Tháng 10 năm 2001, các máy bay nằm đất, mọi chuyến bay bị huỷ vì Swissair mang nợ chồng chất, cạn tiền không còn chi trả nổi các hoá đơn. Hợp đồng 500 000 quan Thuỵ Sĩ của Trybol bị cắt đứt đột ngột. Để cứu vãn cơ nghiệp đã được ông nội và cha xây dựng từ hơn 100 năm khỏi nguy cơ phá sản theo Swissair, Thomas Minder hết lời năn nỉ Pieter Bouw, chủ tịch hội đồng quản trị hãng Swiss ra đời trên tro tàn của Swissair, ký hợp đồng mới với mình. Khi biết là Swissair quịt tiền Trybol nhưng lại trả trước 12 triệu quan TS (tương đương với 10 triệu euros ngày nay) cho Mario Corti, vị giám đốc mới, để thưởng công lao đưa hãng máy bay đến phá sản, ông Minder điên tiết và quyết định tuyên chiến với những « managers trục lợi », những kẻ theo ông đe doạ nền kinh tế Thuỵ Sĩ xây dựng trên những công ty nhỏ và vừa, được quản lý theo các nguyên tắc cẩn trọng và tinh thần trách nhiệm.

tm

Thomas Minder trả lời phỏng vấn


« Kinh nghiệm ấy đã hoàn toàn thay đổi cái nhìn của tôi về môi trường làm ăn và chính trị liên bang », Thomas Minder nói. Từ đó ông ta lao vào tranh đấu cho các xí nghiệp nhỏ, chỉ trích và kiện các hãng lớn khai thác nhãn hiệu Thuỵ Sĩ nhưng chuyển cơ sở sản xuất sang các nước lương thấp như Trung Quốc hay Đông Âu khiến công nhân trong nước mất việc. Ông tham gia chính trường và không dựa vào đảng phái nào trúng cử thượng nghị sĩ đại diện bang Schaffhausen năm 2011. Cứng cỏi, ăn nói thẳng thừng, dứt khoát không nhân nhượng trong lập trường của mình, không ngần ngại đối đầu với những đại công ty, những đại gia có thế lực nhất, ông Minder được thiện cảm của nhiều người, được ví với một Robin Hood của những cổ đông nhỏ, nhà hùng biện của các xí nghiệp nhỏ và chủ nghĩa yêu nước trong kinh tế.


Sau khi phát động phong trào vận động chữ ký ngày 30.10.2006, đề xướng Minder đã có được 114 260 chữ ký hợp lệ nộp lên nhà nước liên bang ngày 28.2.2008. Giai đoạn kế tiếp cho một đề xướng hay référendum là chính phủ liên bang và quốc hội xem xét, bàn bạc rồi thảo văn bản đưa ra cho dân chúng biểu quyết. Nếu nội dung của đề xướng gây nhiều tranh cãi không đi đến thoả thuận được, quốc hội và chính phủ liên bang có thể thảo một đối án (contre-projet), gọt tỉa bớt những điểm bị coi là quá khích và đưa ra cùng với đề xướng để dân chúng chọn khi biểu quyết. Thời gian giữa lúc nộp chữ ký và đưa ra bỏ phiếu thường là một vài năm, nhưng trong trường hợp đề xướng Minder kéo dài đến 5 năm. Lý do chính là những biện pháp ông Minder đề xuất gây rất nhiều tranh cãi, không chỉ giữa những đảng phái đối lập nhau mà cả trong nội bộ nhiều đảng. Phía ủng hộ là những đảng phái tả như đảng xã hội, đảng Xanh, phía chống là những đảng phái hữu và các nghiệp đoàn chủ nhân. Trong suốt 4 năm, các đảng trong quốc hội cù cưa mặc cả không ngã ngũ trên đối án của chính phủ liên bang, chỉ khi thấy dư luận ngày càng ngả theo đề xướng mới đồng ý trên một đối án lấy lại mục đích và 80 % nội dung của đề xướng nhưng với những biện pháp và hình thức ít khắt khe hơn. Nhưng lúc ấy đã quá muộn và thời điểm ngày càng thuận lợi cho đề xướng tất nhiên sẽ thắng, chỉ còn chờ biết thắng tới mức nào. Và quân vương đã phán : đề xướng Minder được 67,9 % cử tri ủng hộ, đạt tỷ số thuận cao nhất thứ ba trong các đề xướng nhân dân cho tới đây, và đạt đa số trong tất cả các bang, một điều rất hiếm có. Vì nội dung liên quan đến cả nước nên các đề xướng và referendum để được thông qua phải có đa số đôi, tức là đa số thuận trên tổng số dân chúng cả nước và đa số các bang có kết quả thuận. Nguyên tắc này đã khiến không ít đề xướng hay referendum thất bại vì chỉ có đa số nhân dân mà không có được đa số các bang. Đề xướng Minder được hơn 2 phần 3 dân chúng cả nước ủng hộ và sự nhất trí của tất cả các bang là một kết quả kỷ lục đi vào lịch sử.


Hầu như mọi phản ứng và phân tích ngay buổi chiều chủ nhật lịch sử ấy đều đánh giá đây là một thắng lợi vẻ vang hiếm có của một cá nhân, lại càng đáng nể khi đơn phương độc mã thách thức và thắng thế những thành phần thống trị kinh tế. Quả vậy, tuy được sự hậu thuẫn của một uỷ ban ủng hộ đa số là trí thức, giáo sư, chuyên gia kinh tế và một vài chủ xí nghiệp, chính khách và viên chức cao cấp, quá trình vận động đề xướng trong suốt 7 năm vẫn dựa trên ông Minder là chính, nhất là trong thời gian đầu. Ông Minder đi khắp nơi, tham gia đủ mọi buổi nói chuyện, thảo luận, kiên trì tranh thủ công chúng. Ngược lại, phía bên kia là một liên minh hùng hậu của những đảng và chính khách phái hữu, những hiệp hội, nghiệp đoàn chủ nhân, những nhân vật nhiều quyền thế và sức mạnh tài chính. Dẫn đầu liên minh này là Hiệp hội các xí nghiệp Thuỵ Sĩ, economiesuisse, quy tụ 100 hội ngành nghề và 20 phòng thương mại các bang, đại diện cho 100 000 xí nghiệp lớn nhỏ. Càng gần đến ngày bỏ phiếu, liên minh chống đề xướng càng tung ra mọi chủ bài hòng đảo ngược thế cờ. Số tiền economiesuisse đã tiêu cho cuộc vận động ước tính là 8 triệu quan TS (khoảng 5,2 triệu euros), cao hơn gấp 40 lần ngân sách khiêm tốn 200 000 quan TS của phía ủng hộ, phần lớn do ông Minder bỏ từ túi ra. Chính sự chênh lệch này đã có ảnh hưởng ngược lại, làm hình ảnh một David chống Goliath càng rõ nét, kiếm thêm không ít phiếu thuận cho ông Minder.


Song đồng minh lớn nhất của Thomas Minder lại là chính những đối thủ của ông, đối tượng của đề xướng : những Marcel Ospel được thưởng 23 triệu quan TS tiền chia tay năm 2008 sau khi ngân hàng UBS lỗ hơn 20 tỷ quan làm cả nên kinh tế Thuỵ Sĩ lung lay ; những Brady Dougan lãnh 70,9 triệu quan tiền bonus cộng với 19,1 triệu tiền lương thành 90 triệu tròn trịa cho năm 2009, sau khi ngân hàng Credit Suisse lỗ 8,2 tỷ quan năm 2008 ; những Bob Diamond được thưởng 20 triệu bảng Anh năm 2012 sau khi đã phải từ chức tổng giám đốc ngân hàng Barclays bị phạt 290 triệu bảng Anh vì tham gia gian xảo tỷ suất Libor ; những Stephen Hester được thưởng 2,4 triệu bảng Anh năm 2012, sau khi đã sa thải 30 000 nhân viên từ khi nhậm chức năm 2008 và ngân hàng Royal Bank of Scotland đã lỗ 28 tỷ bảng Anh năm 2008, con số lỗ lã cao nhất trong lịch sử các công ty Anh, chỉ thoát phá sản sau khi đã được quốc hữu hoá 80 % và tiêm thêm 45 tỷ bảng Anh từ tiền thuế của dân, v.v. và v.v.


Những xì căng đan liên tiếp ở nhiều nước, những nhà tài phiệt lãnh mỗi năm những món tiền khổng lồ một người dân thường làm cả đời cũng không mơ ước có được một phần nhỏ, trong khi lẽ ra họ phải chịu trách nhiệm những lỗ lã không kém khổng lồ, những bê bối của các ngân hàng do họ quản lý, gây căm phẫn ở mọi nước và thuyết phục dân chúng Thuỵ Sĩ ủng hộ đề xướng Minder. Và « phát súng ân huệ » cho liên minh chống đề xướng là cái đã nhanh chóng được mệnh danh là « hiệu ứng Vasella ».


Khi David phải cám ơn Goliath tự bắn vào chân mình


Chỉ hai tuần trước cuộc bầu phiếu, ngày 18.2.2013, một bản tin làm rúng động dư luận cả Thuỵ Sĩ : Daniel Vasella, 59 tuổi, chủ tịch đại công ty dược phẩm Novartis, người lương cao nhất Thuỵ Sĩ trong hàng chục năm, sẽ lãnh 12 triệu quan TS tiền bồi thường không cạnh tranh mỗi năm trong sáu năm, tổng cộng là 72 triệu quan sau khi chia tay với công ty. Đó là không kể một số bổng lộc khác. Daniel Vasella là tổng giám đốc Novartis từ 1996 đến 2010 và chủ tịch hội đồng quản trị từ ba năm nay. Mức lương hàng năm của ông trên dưới 20 triệu quan TS khi là tổng giám đốc và 13-15 triệu quan khi chủ toạ hội đồng quản trị, theo ước tính tổng cộng cho 17 năm cộng tác với Novartis là 421 triệu quan, phần lớn dưới hình thức cổ phần và quyền chọn (option). Nếu biết rằng ông hiện hoặc từng có chân trong nhiều hội đồng quản trị và tư vấn khác, như của các công ty American Express, Siemens, DaimlerChrysler, của đại học Harvard và viện Institute for Management Development (IMD), v.v. thì có thể đoán gia tài ông đủ để nuôi tới mấy đời con cháu. Riêng công ty PepsiCo chẳng hạn đã trả ông từ 250 000 đến 300 000 đô la mỗi năm từ 2003 đến 2009 để có tên ông trong hội đồng quản trị.


Một người như thế có cần phải đòi hỏi Novartis trả cho mình 72 triệu quan để không làm gì trong sáu năm trong khi tất nhiên vẫn có thu nhập hàng triệu từ những nơi khác ? Câu hỏi đặt ra không phải chỉ từ những người dân tầm thường mà ngay cả trong những giới tai to mặt lớn và nội bộ economiesuisse, càng lúng túng vì Vasella nằm trong uỷ ban của họ. Ông Minder không cần lên tiếng, báo chí mọi nơi và mọi khuynh hướng đều chỉ trích nặng nề, và chủ tịch economiesuisse, ông Rudolf Wehrli tuyên bố : « Tôi chia sẻ sự phẫn nộ chung. Bản thân tôi cũng hết sức phẫn nộ. Những mức lương và tiền bồi thường như thế quả là khiêu khích... Tôi hoàn toàn không thể thông cảm ông Vasella. Đây là một sự ích kỷ và bất cần người khác ít khi nào thấy được trong xã hội. Tôi thật sự á khẩu, không thể hiểu được người ta có thể cần tiền tới mức đó để làm gì. »


Dưới áp lực của dư luận và của chính những người cùng giới cùng phái, Daniel Vasella tuyên bố từ bỏ khoản tiền bồi thường và chống chế là đã dự tính tặng một phần hoặc toàn bộ số tiền đó cho các hoạt động từ thiện. Nhưng đã quá muộn và chẳng ai tin vào lòng từ thiện của ông khi biết là thoả thuận 72 triệu này đã ký kết với Novartis năm 2010, khi ông đồng ý thôi kiêm nhiệm tổng giám đốc để chỉ làm chủ tịch hội đồng quản trị, và được Novartis giữ kín với hi vọng cho tới sau cuộc bỏ phiếu đầu tháng 3.


Tại sao lại có thể có một « autogoal » như thế trong khi những người như ông Vasella tất nhiên thừa thông minh để hiểu chuyện này là một quả bom đối với dư luận và tổn hại thế nào cho thanh danh của giai cấp chính mình. Câu trả lời có lẽ không khác khi tự hỏi tại sao một người thông minh tài cán như Dominique Strauss-Kahn có thể đào mồ cho những tham vọng và viễn tượng chính trị của mình bằng những hành vi dại dột nếu không muốn nói ngu xuẩn như ở khách sạn Sofitel cách đây 2 năm : tới một mức quyền cao chức trọng nào đó, con người dễ nghĩ mình là trên tất cả, trên những luật lệ, quy tắc, lô gíc áp dụng cho mọi người, không còn gì là giới hạn, cái mình muốn là cái mình được quyền có và tự ban cho mình. Đấy cũng là một nhận xét chung : hiện tượng Vasella cũng như các hiện tượng Marcel Ospel, Bob Diamond, v.v. thể hiện một sự xa rời với thực tế, khi những con số trở thành vô nghĩa, khi khoảng cách giữa tầng lớp được gọi là ưu việt và đại đa số quần chúng trở thành phân hoá xã hội.


Phản ứng dữ dội và từ mọi phía trong vụ này không chỉ do sự đối lập tả hữu thường tình mà còn vì những hiện tượng Vasella thật ra là sản phẩm của toàn cầu hoá hơn là của truyền thống tư bản Thuỵ Sĩ, vốn mang nặng ảnh hưởng của đạo đức Tin Lành. Những nhà tư bản đúng mác Thuỵ Sĩ là những người kín đáo về sự giàu sang của mình, không có chuyện đại gia lấy « chân dài » làm đám cưới đình đám trên bãi biển. Xã hội Thuỵ Sĩ điển hình cho tư duy tự do kinh tế nhưng đề cao sự chừng mực và khiêm tốn, không ưa những gì thái quá, trong mọi lĩnh vực, kể cả chính trị. Câu phát biểu của ông chủ tịch economiesuisse không phải chỉ vì chiến lược mà còn có sự thành thật nhất định của một người tiêu biểu cho tư bản kiểu Thuỵ Sĩ. Cũng vì thế mà phản ứng của economiesuisse rất biết điều như trong bản thông cáo sau :


« economiesuisse rất tiếc đề xướng Minder đã được chấp thuận nhưng tất nhiên sẽ tôn trọng ý muốn của dân chúng và các bang. Kết quả cuộc bỏ phiếu phải được hiểu như ủng hộ rõ ràng việc tăng cường các quyền hạn của cổ đông để ngăn chặn các mức thù lao quá đáng. Nhân dân đã chọn đề xướng và không chấp nhận giải pháp đề ra trong đối án. Điều quan trọng bây giờ là thực hành nội dung của đề xướng. economiesuisse sẽ tham gia trong tinh thần xây dựng việc soạn thảo nghị định thi hành và đưa đề xướng vào luật. Về mặt này ý muốn của nhân dân phải được tôn trọng trên cơ sở văn bản của đề xướng. Việc thực thi các biện pháp đối với các xí nghiệp sẽ được đặc biệt quan tâm. Khi đề xướng được đưa vào áp dụng phải tránh gắn thêm vào đó những đòi hỏi không thích đáng đi xa hơn nội dung đề xướng, như những điều đảng Xã hội nêu lên tuần này, vì chúng không được hợp pháp hoá qua quá trình dân chủ trực tiếp ».


Những đòi hỏi « không thích đáng » là vài đề nghị được đưa ra ngay sau kết quả cuộc bỏ phiếu, khi đảng Xã hội và vài nhóm khác ủng hộ đề xướng Minder thừa thắng xông lên, muốn đi xa hơn : cấm những « golden hello » là những khoản tiền thưởng trước khi nhậm chức được các công ty giải thích là để chiêu mộ anh tài, đánh thuế những bonus, giới hạn khoảng cách giữa các mức lương thấp nhất và cao nhất không quá 1:12, v.v. Đấy là luật chơi, bên thắng cuộc muốn thực thi kết quả đạt được, nếu không nhiều hơn. Bên thua phải phục tùng đa số nhưng cũng tích cực kiểm soát để cái mình không muốn nhưng phải chịu không đi xa hơn những gì đã được thông qua. Trong truyền thống dung hoà của Thuỵ Sĩ, dù sự tranh cãi có thể căng thẳng, gay gắt trước khi bỏ phiếu, một khi quân vương đã quyết định thì việc thực thi diễn ra trong không khí thoải mái hơn. Cả hai bên đều tỏ ra biết điều thậm chí cao thượng. Bên thắng là vì phải để ý, thông cảm ý kiến ngược lại của một bộ phận không nhỏ của vua, nhất là khi kết quả sát nút, ngang ngửa. Bên thua là vì phải giữ thể diện, không thể tỏ ra ngoan cố và chơi xấu. Và ai cũng có thể dễ biết điều vì không có gì là bất di bất dịch, thua keo này bày keo khác, cái hôm nay mình chưa được vua hiểu và chấp thuận, một vài năm nữa lại có thể đưa ra với hi vọng xã hội đã thay đổi theo chiều hướng của mình.


Truyền thống dung hoà và óc thực tế của người Thuỵ Sĩ cũng là những yếu tố chính của sự ổn định xã hội, góp phần không nhỏ vào sự phồn vinh của một nước bé tí, không có tài nguyên nào khác ngoài phong cảnh và con người. Quá trình và kết quả của đề xướng Minder cho thấy nền dân chủ trực tiếp là công cụ qua đó xã hội công dân biểu hiện sức sống và khả năng chủ động tự chi phối sự tiến hoá của mình. Thắng lợi vừa qua chứng minh cho sức mạnh của xã hội công dân khi hai chữ dân chủ thật sự có nghĩa dân làm chủ và có quyền trực tiếp quyết định. Những quyết định có thể đúng hay sai, bảo thủ hay tiến bộ, nhưng có hiện thực trong đời sống mỗi người.


Tất nhiên, như mọi mặt khác của xã hội loài người, dân chủ trực tiếp của Thuỵ Sĩ cũng có những giới hạn của nó. Thủ tục đòi hỏi thời gian dài nên không đáp ứng được những vấn đề cấp bách. Nguyên tắc đa số đôi hay dẫn đến mâu thuẫn, khi một đề xướng hay referendum được đa số nhân dân ủng hộ nhưng không đạt đa số các bang, sự thất bại để lại bất bình và oán trách giữa vùng này và vùng kia. Song những lợi điểm của nó quá rõ ràng, giải thích sự tồn tại từ thế kỉ 19 và sẽ còn vững chắc trong tương lai. Vì thế chính phủ liên bang đã lập lịch trình các ngày bỏ phiếu từng quý mỗi năm cho 20 năm sắp đến, cho đến chủ nhật 28.11.2032 ! Có thể Thuỵ Sĩ duy trì được truyền thống dân chủ này vì nước rất nhỏ, dân số tương đối ít, và đủ giàu có để chi trả cho một hệ thống bầu bán tốn kém. Cái gì quý bao nhiêu cũng dễ thành nhàm khi quá quen thuộc, nhiều người Thuỵ Sĩ « chính tông » thờ ơ, ít đi bầu, nhưng đối với người đến từ những nơi hai chữ dân chủ chỉ là khẩu hiệu vô nghĩa, trò hề không làm ai vui, thậm chí sự mỉa mai hàng ngày đối với người dân, thì đặc thù văn hoá này của Thuỵ Sĩ thể hiện một xã hội văn minh, biết đối thoại và dung hoà các khác biệt để thoả hiệp vì lợi ích chung. Người nhập cư cảm nhận rõ giá trị của cái vừa là bổn phận vừa là quyền lợi công dân này, nhưng sao mỗi lần tham gia vào đời sống chính trị của quê hương thứ hai, vẫn ngậm ngùi nhìn người lại nghĩ đến ta.

Đỗ Tuyết Khanh

Ngày quốc tế phụ nữ, 8.3.2013


Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
CONFÉRENCE DÉBAT 24/05/2024 19:00 - 23:00 — la Médiathèque JP Melville (Paris 13e)
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss