Bạn đang ở: Trang chủ / Việt Nam / Thoả ước Mỹ - Việt về lao động trong TPP

Thoả ước Mỹ - Việt về lao động trong TPP

- Tạ Văn Tài — published 01/05/2016 09:00, cập nhật lần cuối 01/05/2016 00:09

United States- Vietnam Plan for the Enhancement of Trade and Labor Relations


Kế hoạch Mỹ-Việt để Tăng cường
Tương quan Thương mại và Lao động
.


Tạ Văn Tài (*)


Kế hoạch này, với sự trao đổi văn thư ngoại giao vào tháng 11,2015 giữa Bộ Trưởng Thương Mại và Công Nghệ Vũ Huy Hoàng của Việt Nam và Đại Sứ Michael Froman, Đại Diện Thương Mại/Trade Representative của Mỹ, đã trở thành một Thoả ước Song phương Mỹ-Việt, soạn đúng theo Chương 19 về lao động của Hiệp Định Xuyên Thái Bình Dương Trans-Pacific Partnership (sau đây gọi tắt là TPP) giữa 12 quốc gia. Thoả Ước hay Kế hoạch song phương này sẽ chỉ bắt đầu có hiệu lực từ ngày TPP có hiệu lực, tức ngày các quốc hội của 12 quốc gia đã phê chuẩn TPP, tức là còn khá lâu—và sẽ được thi hành trong 5 năm từ ngày hiệu lực đó.

Như vậy chính quyền và người Việt Nam còn nhiều thời gian để tìm hiểu và thi hành các nghĩa vụ trong Thoả ước song phương này (sau đây gọi tắt là Thoả Ước hay T.Ư.).

Có 3 điểm sẽ trình bày sau đây:

(1) Nội dung các quyền lợi (hay lợi ích) và nghĩa vụ của Việt Nam và Mỹ trong Thoả ước--hầu hết là về lao động, dù Thoả ước có tên là Kế hoạch về Tương quan Thương Mại và Lao động, và hầu hết là nói về nghĩa vụ pháp lý của Việt Nam “phải làm điều này, điều kia..” (Vietnam shall…”) ;

(2) Về việc theo dõi diễn tiến thi hành (implementation) và rà soát tái thẩm định (review) thì hầu hết cũng là việc Việt Nam phải làm nghĩa vụ này, kia, và Mỹ đơn phuơng xét lại sự tuân thủ của Việt Nam, rồi mới bàn song phương về sự khiếu nại của Việt Nam, nếu có;

(3) Tuy khuyến cáo sự tôn trọng các quyền của người lao động, đặc biệt quyền lập nghiệp đoàn độc lập, ở Việt Nam (và ở các nưóc hội viên TPP khác như Mã Lai và Brunei—hai nước này cũng có Thoả Ước Song phương với Mỹ), nước Mỹ không có can thiệp vào thể chế chính trị Việt Nam một cách trực tiếp, thí dụ không nói gì về dân chủ, trong Hiệp Định TPP hay Thoả Uớc Song phương này, tuy rằng đẩy mạnh một quyền tự do lập hội, hội đây là nghiệp đoàn, mà chưa phải là nói tới các hội dân sự, thì cũng là gián tiếp đẩy mạnh một nhân quyền, môt viên gạch xây dựng toà nhà dân chủ, nền dân chủ này nó cần nhiều việc xây cất hơn nữa.


I. Nội dung các quyền và nghĩa vụ trong tương quan thương mại và lao động mà TPP và Thoả ước trù liệu


TPP bắt đầu từ năm 2006 là một thoả thuận thương mại và đầu tư giữa 4 nước: Singapore, Brunei, Chile và New Zealand; nhưng bây giờ, Mỹ tham gia và dẫn đầu cuộc thương thảo thành hiệp ước giữa 4 nước trên và 8 nước khác: Mỹ, Úc, Canada, Nhật, Malaysia,Mexico, Peru và Việt Nam, bao gồm 40% Tổng Sản Lượng/GDP thế giới và 26% giao dịch hàng hoá toàn cầu. Cùng với Thị Trường Chung Châu Âu (Europen Union), khối TPP này có nhiều quốc gia giàu trên thế giới, với thị trường rộng lớn có nhiều mãi lực, tạo nhiều lợi ích cho các nước hội viên, nhất là các hội viên còn kém phát triển và cần hội nhập với trào lưu thịnh vượng của các nước giàu.

Mục đích các nước theo đuổi trong TPP là các quyền lợi (hay lợi ích) do sự gia tăng thương mại và đầu tư giữa các nước hội viên bằng cách giảm thiểu các hàng rào thuế hay cản trở khác về nhập cảng hàng hoá và dịch vụ, hay đầu tư, cũng như các quyền lợi khác, những quyền lợi hay lợi ích khác này không hay khó đạt được trong Tổ chức Thương Mại Quốc tế (World Trade Organization), như quyền sở hữu trí tuệ, quyền thoát khỏi hay bớt đi sự lấn át của các xí nghiệp quốc doanh, và sự bảo vệ giới lao động. Tất cả các quyền lợi và nghĩa vụ đã được quy định trong 30 chương của TPP.

Riêng về quyền lợi và nghĩa vụ về lao động, thì nước Mỹ muốn khuyến dụ các quốc gia trong TPP theo chính sách chung về nâng đỡ người lao động, điều này dễ theo đuổi hơn trong TPP, so với trong tổ chức toàn cầu WTO với 161 nước hội viên, phải qua rất nhiều vòng đám phán (negotiation rounds) mới đi đến quyết định chung dược. Nên ghi chú là tuy có Tổ chức Quốc Tế Lao Động (International Labor Organization, ILO) nêu cao các tiêu chuẩn về các quyền lao động căn bản, nhưng mới có 4 thoả ước thương mại trên thế giới nói đến nghĩa vũ bắt buộc thi hành các quyền người lao động theo các tiêu chuẩn của ILO: đó là các thoả ước thương mại tự do Mỹ ký với Panama, Peru, Columbia và Đại Hàn. Nay với Chương 19 của TPP về lao động, thì việc áp dụng các biện pháp che chở cho người lao động lan rộng trong 12 quốc gia hội viên, khiến số người dân lao động trên thế giới được bảo vệ sẽ tăng lên gấp 4.

Riêng với 3 nước TPP Malaysia, Brunei, và Việt Nam thì ngoài Chương 19 chung cho toàn thể 12 quốc gia hội viên, Mỹ ký thêm với mỗi nước trong 3 nước trên một Thoả Ước Song phương (T.Ư.), gọi là Kế Hoạch về Tương quan Thương mại và Lao động, như là điều kiện tiên quyết để thi hành được Hiệp Định TPP; Kế Hoạch này nhắm vào quyền lao động là chính, bảo vệ họ về mặt không bị lao động cưỡng bách,không bị nạn thiếu nhi lao động, và nhất là không bị ngăn cản về quyền có nghiệp đoàn hay công đoàn tự do. Tuy T.Ư. ký với Việt Nam có dài hơn với Malaysia và Brunei, nhưng cũng có những điểm chính giống nhau và không có triệu chứng Mỹ làm khó riêng cho Việt Nam, vì Malaysia cũng phải sửa lại luật cho phép viên chức chính quyền cao cấp có thể từ chối đăng ký nghiệp đoàn tự do, tức là buộc phải cho thành lập.

Khi các nước hội viên TPP, nhất là Việt Nam, mà thấy có thể thu nhiều lợi nhuận khi đi vô thị trường rộng lớn của tất cả các nước TPP, nhất là thị trường có mãi lực cao của các nước giàu có trong đó, thì họ có thể chiêm nghiệm về kinh nghiệm đã có là đã từng thu lợi nhuận lớn từ khi đi vô thị trường Mỹ với Thoả Ước Song Phương Việt Mỹ (US-Vietnam Bilateral Trade Agreement) từ năm 2000, hay thị trường các nước WTO từ năm 2006, để mà thấy rằng sự nâng đỡ giới lao động là điều đáng làm, và là cái giá đáng trả để thu lợi nhuận ngoại thương và đầu tư, và còn đem lại chính danh cho chế độ vẫn nói là mình đại diện cho nhân dân lao động. Không nên chậm trễ trong việc thực thi các nghĩa vụ trong T.Ư. hay Kế Hoạch, khiến cho chậm được hưởng các lợi ích, như đã xảy ra trong việc chậm ký Thoả Ước Thương Mại Song Phương Việt Mỹ, năm 2000, vì nhường Trung quốc ký trước một thoả ước tương tự, để đến nỗi để Trung quốc tranh mất của Việt Nam nhiều thị phần tại Mỹ về cùng các sản phẩm tương tự. Càng không nên chậm trễ, mà trái lại, nên càng sớm càng tốt, thực thi Thoả Ước hay Kế Hoạch, vì đó là điều kiện tiên quyết để hưởng các quyền lợi hay lợi ích trong TPP.

Mỹ bênh vực người lao động ở nưóc khác khỏi bị chèn ép, bóc lột thì không phải chỉ vì lòng nhân ái cho người lao động nước khác, mà cũng để là bênh vực cho lao động tại Mỹ, khỏi phải cạnh tranh với giá nhân công quá rẻ mạt vì bị bóc lột ở các nưới kia, và đồng lương nhân công các nước kia có mãi lực cao hơn thì cũng mua hàng Mỹ do nhân công Mỹ sản xuất nhiều hơn. Trong phần mờ đầu của bản tiếng Anh chương 19 TPP, chính phủ Mỹ cũng ghi cái điểm lợi cho nhân công Mỹ này.

Nói tóm lại về các quyền lợi thì khi thi hành các cam kết trong T.Ư. Song Phương hay Kế Hoạch Tăng Cường Thương Mại và Lao Động, cả Mỹ lẫn Việt Nam (hay hai nước kia, Malaysia và Brunei, với T.Ư.Song Phương của họ) đều vừa thu được nhiều lợi ích quốc gia về ngoại thương, đầu tư, cải tổ cơ cấu kinh tế, vừa đem lại cho lao động nước mình nhiều thăng tiến về quyền lao động, vừa có tiếng là cư xử nhân ái theo vương đạo với người lao động mọi nơi.

Vì vậy không nên lo về những nghĩa vụ bó buộc phải làm, khi T.Ư Mỹ Việt về lao động dùng chữ “Vietnam shall..” ( “Viêt Nam sẽ phải…”) ít nhất 54 lần trong các đoạn văn, để nêu rõ các nghĩa vụ pháp lý bó buộc Việt Nam phải tuân thủ, thi hành (enforcement and compliance), liên quan đến các quyền lao động trong luật lệ (law and regulations) và thông lệ (practice)--bằng cách cải tổ luật pháp (legal reforms ) và cải tổ các định chế và khả năng thi hành (institutional reforms and capacity building) trong sự trong sáng và chia sẻ thông tin (transparency and sharing of information).

Không thấy T.Ư. buộc Mỹ phải làm gì về luật lao động tại Mỹ (chắc là Mỹ tự thấy là luật và thông lệ tại Mỹ về quyền người lao động là được coi là tốt rồi, không cần Việt Nam buộc Mỹ gì nữa), trái lại, có chừng 54 chữ” Việt Nam shall..”, cái chữ “shall” có nghĩa trong pháp luật, mà ta buộc phải dịch là “Việt Nam phải..”, nó ràng buộc Việt Nam phải làm những điều sau:


A. Phải cải tổ luật pháp, sửa luật cũ hay ban hành luật mới, để:


1. Cho phép công nhân tự do lập nghiệp đoàn cơ sở tại mỗi xí nghiệp (grassroots labour union at enterprise), không cần xin phép truớc, mà chỉ cần lập rồi đăng ký tại Tổng Liên Đoàn Lao Động hay một cơ quan có thẩm quyền (theo danh từ luật, thì đó là chế độ đăng ký - registration, không phải chế độ giấy phép - permit), mà các cơ quan này cũng không có quyền quyết đoán từ chối (discretion); nghiệp đoàn cơ sở được hoạt động tự trị về tài chánh và tài sản (thu niên liễm, thu một phần lệ phí do chủ xí nghiệp đóng); có điểu lệ, nội quy, bộ máy điều hành riêng, mà chủ không được can dự vô và không được kỳ thị; có quyền bầu đại diện, quyền thương nghị tập thể; quyền tham khảo cố vấn kỹ thuật trong nước hay hải ngoại (hỏi về luật pháp, nghiệp đoàn, thương nghị tập thể, đình công); quyền nói chuyện với cơ quan nhà nước (không ai được dành riêng quyền này); quyền không phải gánh thêm bổn phận chính trị; quyền đình công về các quyền lợi nghề nghiệp hay kinh tế-xã hội (đình công do 50%+1 ban chấp hành quyết định, và có thể đình công liên hoàn gồm nhiều xí nghiệp) ; quyền gia nhập các tổ chức lao động lớn hơn ở cấp trên xí nghiệp, cấp ngành nghề chung, hay cấp vùng địa dư—các quyền này phải ít ra là ngang với các điều quy định trong Tuyên Ngôn của ILO.

2. Đoàn viên nghiệp đoàn bầu ban chấp hành từ trong hàng ngũ đoàn viên, rồi sau đó, ban chấp hành có thể thuê người giúp đỡ.

3. Công nhân không lập nghiệp đoàn không buộc phải nhờ nghiệp đoàn ở cấp cao hơn đại diện cho mình, nhưng muốn nhờ thì cũng được. Nhân viên quản lý cao cấp cũng có quyền lập nghiệp đoàn.

4. Cấm lao động cưỡng bách, kể cả để trả nợ, hay khi áp dụng cho người phải cai nghiện thuốc trong các trung tâm, và hình luật sẽ trừng trị tội cưỡng bách lao động.

5. Phải định rõ chính sách và luật lệ cấm kỳ thị mầu da, sắc dân, hay nguồn gốc quốc tịch, kể cả trong nơi làm việc. Phải có luật bảo vệ sự an toàn và sức khoẻ của lao động phụ nữ.


B. Phải cải tổ định chế và xây dựng khả năng thi hành, như:


1. Lập thủ tục hành chánh nhận các góp ý của dân chúng và lập một văn phòng làm điểm tiếp xúc, theo điều 19.9 và 10 TPP.

2. Chỉ định Bộ Lao động-Thương binh-Xã hội hay Nha, Vụ, sở trong đó thi hành các cải tổ luật pháp về đăng ký nghiệp đoàn, đình công, thương nghị tập thể; lập các cơ quan về liên hệ nghề nghiệp để lo hoà giải, và huấn luyện đủ nhân viên.

3. Nha hay Vụ thanh tra lao động trong Bộ nói trên phải xét lại các thủ tục và huấn luyện lại nhân viên, đặc biệt thủ tục cho công nhân thông báo cho chính quyền trong vòng bí mật, vô danh, để chính quyền biết và theo dõi về các vi phạm lao động; cuối năm 2016 phải có 750-800 thanh tra lao động và cuối năm 2020 phải có 1.200. Hiện nay chỉ có 500.

4. Phải phát huy và áp dụng thủ tục thi hành luật dân sự và hình sự, cùng huấn luyện đủ nhân viên về luật lao động, kể cả về lao động cưỡng bách, va lao động thiếu nhi--nhất là trong ngành may dệt và các nơi làm việc bán chính thức. Cho phép chuyên viên độc lập nghiên cứu về lao động cưỡng bách và lao động thiếu nhi.


C. Phải tiến hành cải tổ trong phương cách trong sáng và chia xẻ thông tin


Phải công bố ngân sách Bộ Lao động-Thương Binh-Xã hội, công bố các dự thảo luật lệ cho công chúng bình nghị, công bố văn bản luật trên websites; và trong vòng 10 năm sau ngày hiệu lực của TPP thì cứ mỗi 6 tháng, phải công bố chi tiết việc giải quyết các đơn đăng ký nghiệp đoàn (ngày xin, lý do từ chối, các thoả ước tập thể, các đình công); thống kê về các cuộc thanh tra, điều tra của Bộ, các vi phạm, tiền phạt, hình phạt và các biện pháp cải sửa.Hai bên Mỹ Việt hưá cộng tác và Việt Nam phải có chương trình giáo dục công nhân, chủ nhân và các thành viên khác về quyền và trách nhiệm lao động, kể cả các luật mới hay canh cải theo Kế hoạch này, và về các thể thức thi hành cũng như các biện pháp cưỡng chế.


II. Diễn tiến thi hành, việc tái thẩm và chế tài


A. Diễn Tiến thi hành


T.Ư. nói rõ (trong VII.1) là Việt Nam phải ban hành các cải tổ pháp luật và định chế nói trên truớc khi TPP có hiệu lực, tức là ngay từ bây giờ, ngay sau November 2015.

Sau đó, từ nay cho đến 5 năm sau ngày TTP và T.Ư. có hiệu lực, thì Việt Nam phải tuân thủ nghĩa vụ cho phép các nghiệp đoàn cơ sở độc lập được thành lập (VII.2)

Mỹ sẽ theo dõi trong sự bàn luận với Việt Nam, tuy rằng nếu có tranh chấp thì giải quyết theo chương 28 TPP về tranh chấp.


B. Mỹ tái thẩm định (review) việc Việt Nam thi hành nghĩa vụ và chế tài, treo giò Việt Nam là khi nào?


Để theo dõi đều đặn sự thi hành Kế Hoạch này, Việt Nam và Mỹ lập ra, trước ngày hiệu lực TPP, một Uỷ Ban thường trực Viên Chức Cao Cấp (standing Senior Officials Committee, SOC), gồm viên chức cao cấp của Văn Phòng Đại Diện Thương Mại Mỹ và Bộ Lao Động Mỹ, và của Bộ Công Thương và Bộ Lao động-Thương binh-Xã hội Việt Nam, để phản ứng mau chóng khi có mối lo về sự thi hành các cải cách trong Kế Hoạch này. Trong 10 năm từ ngày TPP có hiệu lực, thì Uỷ Ban sẽ họp mỗi năm 1 lần, còn các viên chức kỹ thuật phụ tá thì họp mỗi năm 2 lần. Sau đó thì họp hàng năm 1 lần. Uỷ Ban cũng xét các tờ trình và đề nghị của Chương trình Cố vấn Kỹ thuật, Technical Assistance Program, TAP và của Uỷ ban Chuyên Viên Lao Động, Labor Expert Committee, LEC, là những cơ chế hỗ trợ. Việt Nam, với tài trợ của Mỹ, phải xin ILO một chương trình TAP để thi hành các cải tổ trong Kế hoạch này. Và cứ 2 năm phải làm một tờ trình về tương quan chủ nhân-nhân công, với các lời khuyến cáo, trong 8 năm. LEC, lập 1 tháng sau khi TPP hiệu lực, gồm 3 chuyên viên về các tiêu chuẩn lao động quốc tế, trong đó chủ tịch sẽ do Mỹ và Việt Nam đồng chỉ định; họ làm tờ trình, với khuyến cáo, về việc Việt Nam thi hành các nghĩa vụ cải tổ luật pháp và định chế nói trong phần trên, vào các thời điểm sau ngày TPP hiệu lực 2.5 năm, 4,5 năm, 6.5 năm, 8.5 năm; sau đó thì cứ 5 năm 1 lần nếu có Việt Nam và Mỹ yêu cầu; nếu LEC yêu cầu, Việt Nam phải cung cấp dữ kiện.

Ở cấp bộ trưởng, thì Mỹ và Việt Nam sẽ tái thẩm định sự thi hành các cải cách trong Kế Hoạch này vào các năm 3, 5 và 10, với sự tham khảo SOC. Nếu phía Mỹ tiếp tục lo ngại về sự tuân thủ nghĩa vụ của Việt Nam, thì 2 bên sẽ coi xem có biện pháp nào theo TPP.

Vào năm thứ 5 sau khi TPP có hiệu lực, và trước khi hết năm thứ 7, và khi Mỹ tái thẩm về việc Việt Nam có thi hành nghĩa vụ cho phép tự do nghiệp đoàn nói trong đoạn I I.A.2 của T.Ư.hay không, thì nếu Mỹ cho rằng Việt Nam chưa làm xong nghĩa vụ đó, thì Mỹ sẽ có quyền thông báo cho Việt Nam sự phán xét đó. Trong vòng 30 ngày sau khi nhận được thông báo, Việt Nam có thể gửi văn thư xin họp để bàn bạc, và Mỹ phải gặp Việt Nam trong vòng 30 ngày. Nếu Việt Nam không yêu cầu gặp, hay Mỹ và Việt Nam không đồng ý được là Việt Nam đã tuân thủ trong vòng 60 ngày từ ngày yêu cầu, thì Mỹ có thể áp dụng chế tài là treo giò Việt Nam, không cho hưởng sự giảm mức thuế hải quan đã trù liệu cho hưởng vào thời gian tới.

Nếu Việt nam coi là mình có lý và đã làm tròn nghĩa vụ về tự do nghiệp đoàn nói trong II.A.2, thì có thể xin giải quyết tranh chấp theo chương 28 TPP. Nếu ban điều giải tranh chấp (panel) cho Việt Nam là đã tuân thủ, Mỹ sẽ lập tức áp dụng mức thuế thấp. Mỹ và Việt Nam cũng có thể đồng ý với nhau là Việt Nam đã làm đủ nghĩa vụ và Mỹ sẽ hạ mức thuế.


III. TPP đẩy mạnh việc lập công đoàn tự do, độc lập thì có đóng góp gì vào việc xây dựng dân chủ không?


Việc Mỹ quyết liệt đôn đốc Việt Nam, và vài nước như Mã Lai và Brunei, phải thi hành ngay từ bây giờ, trước khi TPP có hiệu lực, các cải cách pháp luật và định chế về quyền người lao động, và trong vòng 5 năm từ ngày TPP hiệu lực, phải thi hành xong nghĩa vụ cho công nhân thành lập các nghiệp đoàn cơ sở tự do độc lập tại các xí nghiệp, là một đóng góp đáng kể cho tiến trình đẩy xa hơn tiến bộ nhân quyền, ít nhất là tiến bộ của một nhân quyền, quyền người lao động, và do đó, là đóng góp gián tiếp cho việc xây dựng dân chủ ở Việt Nam, nhất là Đảng Cộng Sản Việt Nam cũng đồng thuận đi theo hướng TPP; ông Tổng Bí Thư NP Trọng đã dành gần nửa bài diễn văn kết thúc Đại hội Đảng XII để nói rõ Việt Nam đang chuẩn bị từ trên xuống dưới để thi hành các cam kết trong TPP.

Nhưng sự đóng góp cho dân chủ của TPP đó chỉ là đóng góp nhỏ và gián tiếp thôi, và viễn tượng dân chủ Việt Nam còn xa và người Mỹ cũng để người Việt Nam tự lo lấy vấn đề dân chủ khi họ nói và làm rõ lập trường của Mỹ là không can thiệp vào thể chế chính trị Việt Nam, tuy họ vẫn mong là Việt Nam dần dần đi theo lý tưởng dân chủ mà Mỹ vẫn tự hào cho là đóng vai trò tiên phong .

Tự do nghiệp đoàn dù có, nhưng nếu tự do lập hội, rộng lớn hơn, trong toàn xã hội nói chung, mà còn vướng mắc, thì tự do nghiệp đoàn mới chỉ là một biệt lệ cho tình trạng chưa tốt đẹp của cái nhân quyền tự do lập hội. Đã mấy chục năm từ ngày Sắc lệnh 102 /SL -1004 ngày 2 tháng 5, 1957, ban hành dưói thời Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà, nó ấn định rằng quyền lập hội “do chính phủ quy định” – thế mà đến nay, chưa có văn bản pháp luật minh thị xác quyết quyền tự do lập hội. Dự luật về hội phi chính phủ (non-governmental organizations, NGO) định dành cho các cơ quan ngoại quốc làm việc thiện nguyện, không có hoạt động chính trị hay không có dự mưu diễn tiến hoà bình gì cả, thì bàn tới bàn lui qua bao nhiêu dự thảo, rồi lại xếp xó. Có một dự thảo luật về hội nói đến sự bình đẳng trong quyền lập hội thực ra là để đối xử bất bình đẳng, vì điều khoản 2 nói “luật này không áp dụng với Mặt Trận Tổ Quốc Việt Nam, Công đoàn Việt Nam, Hội Nông Dân Việt Nam, Đoàn Thanh Niên Cộng Sản, Hội Liên Hiệp Phụ Nữ Việt Nam, Hội Cựu Chiến Binh Việt Nam, các tổ chức tôn giáo, tín ngưỡng”, tức là ngoài các hiệp hội là cánh tay dài của Đảng, cũng hưởng đặc lợi như Đảng, không cần có luật, các tôn giáo thì không được hưởng các điều kiện của một hội, còn thì các hiệp hội dân sự khác bị ngược đãi vì phải đăng ký ban vận động với một số người tối thiểu theo quy định của chính phủ, rồi lại thêm điều kiện là chính quyền các cấp phải phê duyệt điều lệ, hay bị nghi ngờ quá đáng về mặt “an ninh quốc gia, an toàn xã hội hay đoàn kết dân tộc”. Như vậy là hạn chế ngặt nghèo quyền lập hội, ngoại trừ quyền lập nghiệp đoàn do TPP quy định rõ ràng. Nói thế không có nghĩa là không có hy vọng gì cho các hiệp hội thực tế hiện chưa đăng ký, họ đang sinh hoạt trong xã hội dân sự khá tự phát, tự chủ, hoạt động mà không xin phép nhà nước, và họ sẽ ghen vói nghiệp đoàn lao động mà vùng vẫy lên, viện cớ cứ theo các điều khoản tự do lập hội của Hiến Pháp mà sinh hoạt.

Một điểm nữa là TPP, góp phần vào việc phát triển kinh tế, xã hội Việt Nam, sẽ tạo ra các điều kiện tiên quyết về kinh tế, văn hoá và xã hội của phát triển dân trí và nhân quyền và dân chủ ở Việt Nam: mực sống cao hơn,sự hiểu biết về các xã hội khác trên thế giới sâu xa hơn,khiến cho dân chúng ngày càng ít sợ chính quyền hơn, đòi hỏi công khai mạnh mẽ hơn ở nơi chính quyền một sự tôn trọng tối thiểu các lý tưởng nhân quyền và dân chủ nói trong Hiến Pháp và luật pháp mà chưa thi hành thực sự.

NHƯNG NHÂN QUYỀN VÀ DÂN CHỦ ĐÍCH THỰC Ở MỨC ĐỘ CAO THÌ CÒN KHÁ XA VỜI Ở VIỆT NAM, VÀ NGƯỜI DÂN CÒN PHẢI TRANH ĐẤU NHIỀU, SAU TPP, VÀ DÙ CÓ TPP GIÚP ĐỠ PHẦN NÀO. Vì 2 lý do: (1) thiếu tiêu chuẩn dân chủ đích thực trong Hiến Pháp và tổ chức chính quyền; (2) Trong khi khuôn mẫu đảng trị Trung Quốc còn lù lù đó thì người Mỹ không khuyến cáo và áp lực Việt Nam cho mau có dân chủ.

1. Thiếu các tiêu chuẩn dân chủ đích thực là chủ quyền phải thuộc toàn dân và chính quyền không được toàn trị hay có quyền vô giới hạn. Theo tiêu chuẩn chủ quyền trong nền dân chủ phải thuộc toàn dân, thì chính quyền phải được dân chúng định kỳ thay đổi trong các cuộc bầu cử trung thực bằng là phiếu kín—đàng này, bầu cử cơ quan quyền lực tối cao, là quốc hội Việt Nam, từ đó sẽ đẻ ra chủ tịch nước, thủ tướng bên hành pháp, và toà án tối cao bên tư pháp, thì hoàn toàn theo sự sắp xếp của Đảng, chứ không phải là quyết định thực sự của dân, vì danh sách ứng cử viên hoàn toàn do Đảng cử qua 3 vòng hiệp thương nơi cư ngụ, nơi làm việc và trong Mặt Trận Tổ quốc, trong đó các ứng cử viên ngoài đảng bị các thủ đoạn bôi lọ, hạ bệ, truất bãi do các người xa lạ do Đảng cử đến phá để chỉ có ứng cử viên Đảng ưa là được vào danh sách tranh cử – đảng cử - và cùng lắm có vài ứng cử viên độc lập Đảng cho phép làm cảnh, làm “lót đường”; còn thì dân bầu là bầu theo lờì Đảng – dân được Đảng dặn là “thấy 3 bỏ 2 [bỏ cho 2 người của Đảng mà thôi]”, có khi bầu hộ với cả chùm lá phiếu gom vô, trái nguyên tắc dân chủ là bầu phiếu kín, ghi trong Công ước về Quytền Chính Trị mà Việt Nam đã ký, và trong Hiến Pháp Việt Nam.

Theo tiêu chuẩn dân chủ là chính quyền phải có quyền lực giới hạn (limited government) chứ không thể toàn trị, có quyền vô giới hạn, thì phải có tam quyền phân lập thành ra lập pháp, hành pháp và tư pháp – đàng này ở Việt Nam, quốc hội nắm trọn quyền lực tối cao và Đảng, với lối bầu cử trên, lại nắm trọn quốc hội, và rồi quốc hội chi phối hành pháp trong việc bầu hay bãi nhiệm chủ tịch nước, thủ tướng – không do dân bầu trực tiếp - rút cục không có tam quyền phân lập và đối lập đủ mạnh trong quốc hội và chế độ nói chung, để gỉảm bớt mức độ toàn trị bởi Đảng. Quốc hội làm ra luật theo ý Đảng, không phải luôn theo tinh thần trọng pháp và công lý cho ngượ dân (Bà Ngô Bá Thành tả là “có cả rừng luật, mà thành ra luật rừng”). Tư pháp cũng không độc lập: Toà án tối cao do Quốc hội chỉ định trong nhiệm kỳ hạn chế 5 năm, khiến cho Toà này và các toà dưới xử theo lệnh của Đảng, nhất là trong các vụ án chính trị (“thỉnh án” ở nơi Đảng), vì nếu không theo lệnh đó thì mất việc, bể nồi cơm, và do đó không xử theo pháp luật và lương tâm, tức không có một nền pháp trị đích thực, mà xử theo lệnh cường hào ác bá cấp trên hay cấp Đảng cùng địa phương (các vụ dân oan mất đất là thí dụ điển hình).

2. Người Mỹ có để ý làm áp lực có chừng mực về nhân quyền, vì nhân quyền là ngọn cờ chính nghĩa của Mỹ, nhưng Mỹ cũng chỉ áp lực vừa phải qua các cuộc đàm thoại hàng năm hay đặc biệt về các vụ nhân quyền nổi danh, còn thì Mỹ có chính sách ngoại giao nhiều kênh (multi-tracks) tức lo lấy lòng Việt Nam để đạt các kết quả về an ninh, chiến lược, chính trị quốc tế, quyền lợi kinh tế-thương mại-văn hoá, do đó kênh nhân quyền chỉ là một kênh nhấn mạnh nhè nhẹ thôi, mà cũng chỉ dính dáng đến vài người Việt Nam.

Còn về dân chủ, thì Mỹ lại càng nhẹ tay hơn với Việt Nam, vì một khi Mỹ đã công nhận ngoại giao Việt Nam từ 1995, thì không còn tính chuyện khuynh đảo nữa (không có “régime change”) theo luật Neutrality Act, cho nên Mỹ đã mời ông Đảng Trưởng N. P. Trọng qua ngồi đối thoại với Tổng thống Mỹ tại Phòng Bầu Dục như thủ lãnh tối cao của Việt Nam, và còn nói rõ hai lần với chủ tịch nước T. T. Sang và Tổng Bí Thư N. P. Trọng là Mỹ không can thiệp vào, mà trái lại tôn trọng thể chế chính trị ở Việt Nam. Việc tranh đấu cho dân chủ ở Việt Nam thì là việc của người Việt Nam là chính, người Mỹ chỉ có gián tiếp trợ giúp qua ngả hỗ trợ một số nhân quyền, đặc biệt là quyền đi bầu định kỳ bằng phiếu kín, chúng là các viên gạch góp phần vào việc xây dựng dần dần toà nhà dân chủ Việt Nam.

Hồ Chí Minh nói: “nước có độc lập mà dân không có tự do thì cũng không có nghĩa lý gì”. Thì ta cũng có thể nói là toàn dân có được tự do nắm chủ quyền thì họ mới cảm thấy có thể đoàn kết với các người lãnh đạo do họ đích thực bầu ra để mà bảo vệ giang san chống ngoại xâm.


(*) Luật gia, Boston, Hoa Kỳ


Tháng 4, 2016

Tạ Văn Tài


Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
CONFÉRENCE DÉBAT 24/05/2024 19:00 - 23:00 — la Médiathèque JP Melville (Paris 13e)
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss