Bạn đang ở: Trang chủ / Việt Nam / Tình đoàn kết dân tộc trong ngày thống nhất

Tình đoàn kết dân tộc trong ngày thống nhất

- Lê Học Lãnh Vân — published 02/05/2017 10:00, cập nhật lần cuối 01/05/2017 22:13

Tình đoàn kết dân tộc trong ngày thống nhất


Lê Học Lãnh Vân 


tưởng nhớ Thầy Lý Chánh Trung


Hơn bốn mươi năm sau ngày Thống Nhất, Việt Nam hiện nay: tương lai phát triển chưa rõ rệt; phong hóa suy đồi; các vùng tài nguyên lớn có nguy cơ bị mất đi; một phần lãnh thổ bị mất quyền kiểm soát… Thực tế đó khiến nhiều người Việt lo lắng, đau xót… và trong cố gắng tìm nguyên nhân để khắc phục, có ý kiến được nêu lên: người Việt thiếu tình đoàn kết dân tộc! Bài này xin nêu lên các quan sát Việt Nam trong những ngày thống nhất năm 1975…

Khoảng năm 1972-1973, khi Việt Nam còn chia cắt, một bác sĩ Mỹ nói ông và các đồng nghiệp nghĩ rằng Việt Nam sẽ sớm thống nhất vì ông chưa thấy một dân tộc nào thiết tha với sự thống nhất của mình tới vậy. Đi đâu, nói chuyện với ai, trong câu chuyện nào, ông cũng thường nghe nói về thống nhất. Người Đức, người Nam Hàn không bận tâm về thống nhất nhiều như người Việt Nam. Dân tộc thiết tha với thống nhất là dân tộc có tinh thần đoàn kết cao.

Hai năm sau, tôi kinh ngạc nhớ lại nhận xét của vị bác sĩ: Việt Nam thống nhất. Thống nhất về lãnh thổ, về chính quyền, và cả về lòng dân. Những ngày đầu tháng 4/1975, dân chúng Miền Nam theo dõi bước tiến quân thần tốc của Miền Bắc với thái độ chấp nhận. Nhiều người trong chính quyền Miền Nam đã chuẩn bị cuộc sống theo nghề tự do (tức làm nha sĩ, bác sĩ, luật sư, thợ máy, buôn bán nhỏ…), nhiều người lính đã chuẩn bị rời quân ngũ học một nghề mưu sinh… Chưa chắc toàn bộ dân chúng Miền Nam ủng hộ chính quyền Miền Bắc, nhưng khi cuộc chiến đi vào thế chênh lệch, họ ủng hộ hòa bình, ủng hộ thống nhất đất nước. Đại đa số người trong chính quyền Miền Nam từ chối ra đi vì “Thôi, mình ở lại nước mình, sống với dân mình. Chính quyền nào cũng là của người Việt, cũng lo cho dân!”. Nhiều người Miền Nam, dù chưa biết chính quyền mới sẽ đối xử ra sao, dù cuộc sống riêng có nhiều lo lắng, vẫn mừng vì “nước mình có hòa bình lại được thống nhất thì chẳng mấy chốc mạnh giàu”. Trong niềm tin trong sáng và thật lòng đó, họ đón chào và sẵn sàng cộng tác với chính quyền mới.

Sự thống nhất đất nước bằng cách đoàn quân Miền Bắc chiến thắng tiến vào Sài Gòn chấp nhận buông vũ khí đã được chuẩn bị bởi tình đoàn kết đồng bào. Hẳn nhiên chế độ Miền Nam đang ở hoàn cảnh bất lợi trên ván cờ chính trị thế giới, và trong thời điểm chênh lệch thực lực quân sự của hai Miền cao nhất. Tuy nhiên trong tất cả các nguyên nhân và hậu quả phức tạp, trong các biến chuyển thời cuộc quá bất ngờ, chúng ta vẫn thấy đậm tình đoàn kết đồng bào trong cách chấm dứt cuộc chiến mà các thành phố lớn của Miền Nam vẫn còn gần như nguyên vẹn.

Thứ nhất là cách Miền Nam chịu buông vũ khí. Dù có vài nơi liều mình chống trả, nhưng chỉ lẻ tẻ, và về đại thể Miền Nam không tử chiến, không giật sập cầu, phá đường… Có người cho rằng Miền Nam buông vũ khí vì không muốn sẽ bị trừng trị, nghiền nát… Thử đặt câu hỏi: nếu đội quân tiến vào là đội quân xâm lược nước ngoài, như Việt Nam đã nhiều lần từng bị trong lịch sử ngàn năm độc lập của mình, thì Miền Nam đã buông súng hay tử chiến đẩy lui quân thù? Bằng cảm nhận của người từng sống trong lòng đô thị Sài Gòn với quan điểm rằng người lính nào chết cũng là anh em Việt Nam máu đỏ da vàng, tôi tin rằng trong quyết định buông súng của Miền Nam năm 1975, tình đoàn kết dân tộc chiếm vai trò quan trọng.

Thứ hai là cách Miền Nam đón tiếp đoàn quân tiến vào. Đồng bào Miền Nam, dù còn dè dặt, lo sợ, một số không ít ra đường đón chào hay tò mò quan sát những chiếc xe tăng với các anh bộ đội ngơ ngác, bỡ ngỡ… Vài hôm sau, khi thấy không có cảnh chém giết, cướp bóc, rút móng tay hay bộ đội bắt con gái Miền Nam làm vợ… như các tin đồn trước ngày 30/4/1975 thì việc thống nhất thật sự là cuộc đón chào trong tinh thần đoàn kết và cộng tác của đại đa số dân chúng Miền Nam.

Thứ ba là cách vào thành phố của Miền Bắc. Đội quân chiến thắng vào thành phố chiến bại mà kỷ luật nghiêm minh, không tơ hào, cướp bóc, sự tiếp quản chính quyền xảy ra không đổ máu với những cuộc mít-tinh mừng chiến thắng được tổ chức thành công … Những anh bộ đội hiền lành trước cảnh xa hoa phố thị và trong tình dân tộc, nhanh chóng hòa nhập với cộng đồng tại chỗ… Hai mươi năm chia cắt tan đi để lại niềm vui tái ngộ bà con, bằng hữu. Cuộc đại đoàn viên dân tộc sống động và cảm động đó chẳng phải xuất phát từ tình đoàn kết dân tộc sao?

Lúc đó tất cả các toan tính vị kỷ, nếu có, đều quá nhỏ, quá ít so với dòng tâm tình chung đang cuồn cuộn chảy trong lòng dân tộc: niềm vui quá lớn Nam Bắc một nhà khiến con người cao cả hơn, mong ước được góp sức nhiều hơn cho tổ quốc nhanh chóng mạnh giàu sau bao tàn phá của chiến tranh!

Tiếc thay, bốn năm sau cuộc đoàn viên dân tộc vĩ đại bắt đầu cuộc chia tay vĩ đại làm tổn thất bao nguồn lực quí giá của tổ quốc. Tuy nhiên, đó là một câu chuyện khác, một thực tế khác sẽ là đề tài nghiên cứu của các nhà sử học sau này.

Tôi tin rằng hiện nay nhiều người Việt Nam đang rất hối tiếc. Phải chi lúc đó Việt Nam biết tận dụng tình đoàn kết dân tộc làm nguồn lực vĩ đại xây dựng lại đất nước, thì 40 năm sau, thực lực của Việt Nam có thể đã 10 lần lớn mạnh hơn và không nằm trong hoàn cảnh vô vàn khó khăn của bây giờ. Không ai có thể xâm phạm nền tự chủ và lòng kiêu hãnh của tổ quốc một khi dân tộc Việt Nam siết tay đoàn kết!

Những dòng này được viết ra trong tâm thế hướng về tương lai. Thực tế và số phận đã là thực tế và số phận chung của tổ quốc. Nếu chúng ta tin rằng chúng ta có tình đoàn kết dân tộc và đó là vốn quí mà chúng ta chưa biết trân trọng, thì từ nay chúng ta phát triển nó, tận dụng nó. Cùng nhau dỡ bỏ các rào cản tình đoàn kết dân tộc, người Việt sẽ thành công nhanh chóng.


Nguồn : Báo Người đô thị số tháng 4/2017. Bản tác giả gửi Diễn Đàn


Lê Học Lãnh Vân

(ngày 12 tháng 4 năm 2017)

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss