164. Biển Đông năm 2024: Vẫn là cái hồ nguy hiểm nhất thế giới

Bắc Kinh cảnh báo Manila khi Marcos chuyển sang huy động sự hỗ trợ của khu vực

Asia Sentinel by  Viswa Nathan – January 3, 2024
 Ba Sàm lược dịch

Khi thế giới bước vào năm 2024, liệu Philippines và Trung Quốc có thể kéo châu Á vào cuộc chiến thảm khốc hay không? Các tuyên bố từ cả hai bên đều đáng lo ngại, giữa lúc các nước trong khu vực bắt đầu liên kết trên Biển Đông. Pháp công bố kế hoạch tổ chức các cuộc tuần tra chung với Philippines ở đây, và một cuộc tập trận chung giữa Philippines và Ấn Độ trong khu vực, điều này ngay lập tức bị Bắc Kinh lên án.

Tháng trước tại Tokyo, các nhà lãnh đạo Nhật Bản và Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á gồm 10 thành viên, kỷ niệm 50 năm tình hữu nghị, đã cam kết hợp tác an ninh hàng hải và an ninh chuỗi cung ứng. Bắc Kinh phản ứng nhanh chóng. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao nước này cho biết bất kỳ nỗ lực nào của bất kỳ ai nhằm khẳng định yêu sách lãnh thổ ở Biển Đông đều “sẽ phải trả giá”. Rõ ràng hơn, Bộ trưởng Ngoại giao Vương Nghị đã cảnh báo trong cuộc trò chuyện qua điện thoại với người đồng cấp Philippines, Enrique Manalo, rằng Trung Quốc sẽ “phản ứng kiên quyết” nếu phía Philippines “đánh giá sai tình hình… hoặc thông đồng với các thế lực bên ngoài có ý đồ xấu”. Trở về nước sau hội nghị thượng đỉnh Nhật Bản-ASEAN, Tổng thống Ferdinand Marcos Jr. cũng kiên quyết không kém: Philippines sẽ không từ bỏ chủ quyền lãnh thổ của mình.

Các lằn ranh đỏ khẳng định rằng mọi thứ đều có thể xảy ra.

Yêu sách của Trung Quốc đối với Biển Đông bắt đầu khi Quốc Dân Đảng cai trị đại lục. Đưa ra đường 11 đoạn, nước này tuyên bố chủ quyền gần như toàn bộ Biển Đông. Những người Cộng sản lật đổ Quốc Dân Đảng và thành lập nước Cộng hòa Nhân dân, đã sửa đổi ranh giới đó thành đường 9 đoạn và sau đó là 10 đoạn. Tuy nhiên, không có nhà lãnh đạo cộng sản nào từ Chủ tịch Mao Trạch Đông đến Chủ tịch Hồ Cẩm Đào đứng ra áp đặt yêu sách này, và nó mất đi tính xác đáng khi Trung Quốc đã ký Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) vào tháng 12 năm 1982. Philippines cũng ký công ước trong tháng đó.

Giờ đây, tất cả các quốc gia đều là thành viên ký kết Công ước – mặc dù Hoa Kỳ, cam kết thực thi Công ước, thì không – và Công ước có hiệu lực vào năm 1994 làm cơ sở để xác định lãnh hải và vùng đặc quyền kinh tế (EEZ). Nó quy định lãnh hải là 12 hải lý (22,224 km) tính từ đường cơ sở và EEZ, trong đó các quốc gia ven biển có quyền tài phán đối với tất cả các tài nguyên và thực thể, kéo dài 200 hải lý (370,4 km) ngoài lãnh hải. Do đó, quyền tài phán của quốc gia ven biển mở rộng 212 hải lý (392,624 km) tính từ đường cơ sở.

Khi Trung Quốc ký hiệp ước đó, đất nước này nằm dưới sự lãnh đạo của Đặng Tiểu Bình, tiếp theo là Giang Trạch Dân, cả hai đều theo đuổi chính sách đối ngoại không đối đầu. Nhưng tất cả đã thay đổi khi Tập Cận Bình lên nắm quyền. Tập là phó chủ tịch Quân ủy Trung ương khi Trung Quốc chiếm bãi cạn Scarborough vào năm 2012, nằm trong phạm vi quyền tài phán 212 hải lý theo UNCLOS của Philippines. Năm sau, khi Philippines dưới thời Tổng thống Benigno Aquino III đưa vấn đề Scarborough lên Tòa án Trọng tài Thường trực ở La Haye, Bắc Kinh với Tập Cận Bình là người đứng đầu cả Đảng Cộng sản và quốc gia, bắt đầu xây dựng căn cứ quân sự trên Đá Vành KhănĐá Xu Bi, cả hai đều nằm trong khu vực thuộc các quyền hợp pháp do UNCLOS xác định của Manila. Đó rõ là một kiểu ngạo mạn phô trương sức mạnh.

Mối quan hệ Manila-Bắc Kinh trở nên tồi tệ hơn sau khi Marcos kế nhiệm Rodrigo Duterte vốn thân thiện với Trung Quốc. Ông xác định lại chính sách đối ngoại, tuyên bố sẽ không chủ trì bất kỳ tiến trình nào mà trong đó sẽ từ bỏ dù chỉ một inch vuông lãnh thổ Philippines cho bất kỳ thế lực nước ngoài nào, đảo ngược chính sách của Duterte từng nhắm tách Manila khỏi Hoa Kỳ, tuyên bố rằng ông không thể tưởng tượng được Philippines nếu không có Mỹ với tư cách là đối tác, đồng thời tăng gấp đôi số lượng cơ sở quân sự, nơi binh lính và vũ khí Mỹ có thể đồn trú ở Philippines.

Vì vậy, năm 2023 là một năm đầy thách thức đối với Manila. Trung Quốc đã nhiều lần sử dụng vòi rồng và tia laser cấp quân sự chống lại các tàu Philippines chở thực phẩm và đồ dự trữ cho con tàu đổ nát BRP Sierra Madre, đang đóng vai trò là tiền đồn trên Bãi cạn Ayungin (Bãi Cỏ Mây), nằm trong phạm vi quyền tài phán 212 hải lý của Manila. Manila chỉ đáp trả những hành động này ở mức phản đối ngoại giao – hơn 130 lần phản đối sau khi Marcos nhậm chức.

Marcos hiện cho rằng những phản ứng như vậy đã được chứng minh là không hiệu quả, và đã đến lúc các quốc gia, khi cảm thấy họ có liên quan đến tình hình này, phải tiến hành một sự thay đổi mô hình. Trong hội nghị thượng đỉnh Nhật Bản-ASEAN, ông nói: “Chúng ta phải làm điều gì đó mà chúng ta chưa từng làm trước đây… đưa ra một khái niệm mới, một nguyên tắc mới, một ý tưởng mới để chúng ta chuyển theo hướng khác”.

Đối với Bắc Kinh, đó là lời kêu gọi tất cả các quốc gia có yêu sách trên bất kỳ thực thể nào ở Biển Đông hãy hợp tác chống lại Trung Quốc.

Rõ ràng, năm nay có thể là một giai đoạn mang tính xác định. Vấn đề là làm thế nào để Bắc Kinh có thể tôn trọng giao ước của Liên hợp quốc mà họ đã ký kết. Liên Hợp Quốc có thể làm bất cứ điều gì để ngăn chặn một thành viên coi thường một giao ước mà họ đã ký kết không? Có thể áp dụng hình thức xử phạt nào đối với thành viên ngoan cố không?

Liên Hợp Quốc vô dụng, theo Richard Gordon, một chính trị gia Philippines dày dạn kinh nghiệm, từng là thành viên Nội các của chính quyền Gloria Arroyo và thượng nghị sĩ từ năm 2004 đến 2010 và một lần nữa từ năm 2016 đến năm 2022. Ông nói, Philippines phải phát triển các nguồn lực cần thiết để tự bảo vệ mình— vừa mua vừa sản xuất vũ khí – vừa “sẵn sàng đổ máu để bảo vệ tổ quốc”.

Chương trình nghị sự của Marcos dường như không còn xa nữa. Năm ngoái, ông đã tăng dự phòng hiện đại hóa quốc phòng thêm khoảng 109 triệu USD, lên hơn 814 triệu USD. Năm nay, gần 5% ngân sách quốc gia, tương đương khoảng 5,11 tỷ USD, dành cho quốc phòng. Tại lễ kỷ niệm 125 năm lực lượng hải quân vào tháng 5 năm ngoái, Marcos đã nói về việc mua tàu ngầm và một số nước đề nghị đóng chúng cho Philippines. Nhật Bản đã hứa cấp khoản vay 525 triệu USD để bổ sung 5 tàu phản ứng đa chức năng cho Lực lượng bảo vệ bờ biển Philippines từ năm 2027 đến 2028, bên cạnh khoản tài trợ trước đó để đóng hai tàu tuần tra. Nhật Bản cũng sẽ cung cấp hệ thống giám sát radar ven biển. Một hiệp ước phòng thủ cho phép triển khai quân trên lãnh thổ của nhau cũng đang được xem xét.

Marcos dường như đang hướng tới một cơ sở hỗ trợ rộng hơn, được giúp đỡ bởi các nền dân chủ khác trong khu vực – Nhật Bản, Úc, Hàn Quốc, có thể cả Ấn Độ và thậm chí cả Đài Loan – để tạo ra một sự cân bằng quyền lực mới trong khu vực, có thể ngăn cản những cuộc phiêu lưu bành trướng của Tập Cận Bình.

Có lẽ do những yếu tố này thúc đẩy, cuộc nói chuyện của Vương Nghị với Enrique Manalo mang một chút giọng điệu hòa giải. Ông cho rằng, là láng giềng cách nhau một dải biển, Trung Quốc và Philippines nên giải quyết tranh chấp thông qua tham vấn để quan hệ song phương được cải thiện. Nó phù hợp với quan điểm mà Marcos đã công bố trong bài phát biểu đầu tiên trước quốc dân vào tháng 7 năm 2022: “Nếu chúng ta đồng ý, chúng ta sẽ hợp tác và chúng ta sẽ làm việc cùng nhau; nếu chúng ta có ý kiến khác nhau, chúng ta hãy nói chuyện thêm cho đến khi chúng ta nhất trí.”

Tuy nhiên, nhiều người vẫn nghi ngờ liệu Trung Quốc có đáng tin cậy hay không. Thành tích của Bắc Kinh không đáng tin cậy. Trong cuộc xung đột ở bãi cạn Scarborough, Mỹ đã làm trung gian cho một thỏa thuận ngừng bắn, theo đó cả hai bên phải rời khỏi khu vực. Philippines tuân theo, nhưng Trung Quốc từ bỏ và chiếm đóng Bãi cạn.

Liệu Marcos, đang tìm kiếm một sự thay đổi mô hình, sẽ tiến tới củng cố tiền đồn Ayungin và nắm quyền kiểm soát Scarborough hay không? Tương tự như vậy, liệu Tập Cận Bình, người đang đối mặt với những thách thức trong đảng, có dám gây chiến mà phớt lờ UNCLOS và mạo hiểm tương lai của mình hay không?



Tạo trang giống vầy với WordPress.com
Tham gia