Một phần tư thế kỷ đã trôi qua kể từ ngày ký Hiệp ước biên giới trên đất liền giữa Việt Nam và Trung Quốc ngày 30/12/1999. Các thành viên tham gia cuộc đàm phán lịch sử, đa số mái đầu đã điểm bạc, có người không còn.

Chúng tôi đại diện  các Bộ ngành và các tỉnh có đường biên giới với Trung Quốc... tham gia cuộc đàm phán vẫn giữ nguyên ký ức không thể nào quên về những ngày thực sự căng thẳng…

dam phan bien gioi 867.jpg
Lễ ký Hiệp ước biên giới trên đất liền Việt - Trung chiều 30/12/1999. Ảnh: tác giả cung cấp

Một trong những cuộc đàm phán dài và phức tạp nhất

Sau khi nước CHND Trung Hoa ra đời 1949 và miền Bắc Việt Nam được giải phóng, hai bên đã trao đổi vài lần về vấn đề biên giới trên đất liền. Tháng 11/1957, Ban bí thư Trung ương Đảng Lao động Việt Nam (Đảng Cộng sản Việt Nam ngày nay) đã gửi thư cho Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc nhấn mạnh: “Vấn đề quốc giới là một vấn đề quan trọng cần giải quyết theo những nguyên tắc pháp lý hiện có hoặc được xác định lại do chính phủ hai nước quyết định; nhất thiết cấm các nhà chức trách địa phương không được thương lượng với nhau để cắm lại mốc hoặc cắt nhượng đất cho nhau”.

Đây là chính sách phù hợp với luật pháp và thực tiễn quốc tế, đảm bảo tôn trọng đường biên giới lịch sử do hai Công ước Pháp - Thanh 1887 và 1895 hoạch định và đã được phân giới cắm mốc.

Tháng 4/1958, Trung ương Đảng Trung Quốc trả lời đồng ý. Sau này, trong các cuộc đàm phán, hai bên đều khẳng định lại thỏa thuận đó. Tuy nhiên, Công ước Pháp - Thanh được thực hiện hơn 100 năm trước, với điều kiện kĩ thuật thời bấy giờ, cũng như những biến đổi của thiên nhiên, chính trị xã hội ở mỗi nước, hai bên có nhận thức khác nhau về đường biên giới ở một số khu vực dẫn đến các vụ tranh chấp, va chạm... gây mất ổn định biên giới.

Từ đó đàm phán giải quyết vấn đề biên giới và ký hiệp ước mới về biên giới là rất  cần thiết. Đây là vấn đề có tính chiến lược rất trọng yếu nhằm loại bỏ nguy cơ thường trực gây mất ổn định cho sự phát triển của đất nước. Năm 1974, 1978 và 1979-1980 hai nước đã tiến hành 3 cuộc đàm phán về biên giới lãnh thổ cấp Thứ trưởng Ngoại giao nhưng không đạt được kết quả.       

Ngay sau khi bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc năm 1991, ta đã xúc tiến các cuộc đàm phán song phương nhằm đi đến một giải pháp lâu dài cho vấn đề biên giới lãnh thổ giữa hai nước. Ngày 7/11/1991, trong chuyến thăm chính thức Trung Quốc, Tổng Bí thư Đỗ Mười và Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Võ Văn Kiệt đã thỏa thuận với Chủ tịch Trung Quốc Giang Trạch Dân: “Hai bên đồng ý thông qua thương lượng giải quyết hòa bình vấn đề biên giới lãnh thổ tồn tại giữa hai nước”. Cùng ngày, hai bên đã ký Hiệp định tạm thời về việc giải quyết công việc trên vùng biên giới hai nước.

Ngày 19/10/1993, hai nước đã ký Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản giải quyết vấn đề biên giới lãnh thổ Việt Nam-Trung Quốc. Kể từ thời điểm này, cuộc đàm phán mới bước vào giai đoạn giải quyết thực chất.

Khi ấy, chúng ta xác định - và quả thật đến bây giờ khi gặp lại nhau - các thành viên trong đoàn đàm phán vẫn nói: Đây là một trong những cuộc đàm phán vào loại rất khó khăn phức tạp, căng thẳng. Để bắt tay vào trực tiếp đàm phán với Trung Quốc, các bộ ngành, địa phương của ta đã chuẩn bị chu đáo, nghiên cứu kỹ Công ước Pháp - Thanh, thực hiện các nghiên cứu khoa học pháp lý, khảo sát thực địa đưa ra đường biên giới chủ trương của Việt Nam theo hướng có lợi nhất cho đất nước.

So với đường biên giới chủ trương mà Trung Quốc đưa ra có nhận thức khác nhau đối với 289 khu vực với tổng diện tích 231 km2. Tranh chấp phức tạp nhất là 164 khu vực C - là các khu vực có tranh chấp phức tạp hoặc có nhận thức khác biệt lớn hay mang giá trị kinh tế quan trọng. Thực tế, cuộc đàm phán Việt - Trung diễn ra xoay quanh 164 khu vực này.

Những ngày dài băng rừng núi, các cuộc đàm phán xuyên đêm

Tôi được giao nhiệm vụ làm Trưởng đoàn đàm phán cấp chuyên viên về biên giới trên bộ với Trung Quốc dưới sự chỉ đạo của Trưởng Đoàn đàm phán cấp Chính phủ Vũ Khoan vào giai đoạn đàm phán diễn ra căng thẳng với mật độ dày đặc. Nhóm Công tác Liên hợp về biên giới trên bộ của Việt Nam gồm cán bộ cấp vụ và chuyên gia của các bộ ngành Ngoại giao, Quốc phòng, Biên giới, Công an, Biên phòng, Địa chính, Nông nghiệp, đại diện lãnh đạo các tỉnh hai bên biên giới Việt - Trung...

Trước mỗi vòng đàm phán các bộ ngành, địa phương đều cân nhắc thận trọng mọi cơ sở pháp lý (biên bản, bản đồ Pháp - Thanh), mốc cũ cắm theo qui định, lịch sử, thực tế quản lý, khảo sát địa hình, dân cư...để làm phương án giải quyết báo cáo lãnh đạo. Các khu vực tranh chấp quan trọng được khảo sát kỹ lưỡng nhiều lần.

Tôi còn nhớ năm 1998, đoàn liên bộ đi khảo sát khu vực 52C thuộc xã Nậm Chảy, huyện Mường Khương, Lào Cai có cố Bộ trưởng - Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Quốc hội Giàng Seo Phử đi cùng. Đường đi phần lớn là rừng núi rậm rạp, nhiều thành viên đoàn khảo sát trở về “nằm vật ra đất bẩn” vì quá mệt mỏi sau cả ngày dài đi bộ. Nhưng bù lại, đoàn phát hiện ra ở khu vực chồng lấn có địa hình yên ngựa không được thể hiện trên bản đồ mà phía Trung Quốc đưa ra. Đây là căn cứ quan trọng để Việt Nam bảo vệ được phương án  của mình.

Còn ở khu vực thác Bản Giốc, đoàn khảo sát đã lội sông không ít hơn 3 lần để xác định được dòng chính...

Đàm phán về biên giới lãnh thổ là loại đàm phán phức tạp, khó khăn và không thể sơ xuất. Người đàm phán cần nắm chắc và kỹ lưỡng vấn đề nên chúng tôi phải thường xuyên báo cáo lãnh đạo cấp cao trong đó có Bộ Chính trị và Chính phủ.

dam phan bien gioi1.jpg
Tuần tra song phương khu vực biên giới Việt Nam - Trung Quốc. Ảnh: QĐND

Từ năm 1993 đến 1999, về đàm phán trên bộ đã có 7 vòng đàm phán cấp Chính phủ, 16 vòng đàm phán cấp chuyên viên, 3 vòng Nhóm soạn thảo Hiệp ước. Càng gần đến ngày ký Hiệp ước, các vòng đàm phán càng diễn ra dài hơn, căng thẳng hơn, phiên đàm phán diễn ra trong một ngày cũng dài hơn. Tôi còn nhớ có nhiều phiên kéo dài đến khuya, khi đoàn đàm phán trở về Sứ quán nghỉ là lúc 2-3h sáng, đường phố Bắc Kinh vắng lặng.

Chúng tôi vẫn nhớ, vòng đàm phán cuối cùng còn 7 khu vực quan trọng như cửa khẩu Hữu Nghị, thác Bản Giốc, cửa sông Bắc Luân... vẫn chưa giải quyết được. Đoàn chuyên viên Việt Nam giữ nguyên phương án và báo cáo Đoàn đàm phán Chính phủ. Cuối 1999, Thủ tướng Trung Quốc Chu Dung Cơ sang thăm Việt Nam và rất muốn tuyên bố giải quyết xong vấn đề biên giới trên bộ với Việt Nam. Vì vậy, hai đoàn đàm phán chính phủ phải họp giải quyết.

Anh Nguyễn Bá Cự - người sau này là Trưởng cơ quan Đại diện của Việt Nam ở Đài Loan làm phiên dịch cho phiên đàm phán đó nhớ lại: Đàm phán khá quyết liệt, có nơi hai nét vẽ của ta và Trung Quốc chạy song song rất sát nhau, trên thực địa chỉ khoảng 5m nhưng ta không chịu và phía Trung Quốc đã phải đồng ý theo đường của ta. Cuối cùng, phần lớn các nơi trong 7 khu vực còn lại theo phương án của Việt Nam.

Bước tiến quan trọng tạo dựng môi trường hòa bình ổn định

Dưới sự chỉ đạo chặt chẽ của Bộ Chính trị và Chính phủ, cuối năm 1999 hai bên giải quyết được tất cả khu vực còn nhận thức khác biệt và xác định được hướng đi của toàn bộ đường biên giới trên đất liền Việt Nam – Trung Quốc. Về cơ bản, căn cứ theo đường biên giới quy định trong Công ước Pháp - Thanh, đất bên nào trả lại cho bên đó, trừ một số ít khu vực dân cư hai bên đã sinh sống lâu đời thì duy trì sự ổn định cuộc sống của dân tránh việc xáo động dân cư. Về tổng thể, tổng diện tích khu vực có nhận thức khác nhau được xác định thuộc hai bên về cơ bản tương đương nhau.

Ngày 22/12/1999, thay mặt Nhóm công tác Liên hợp về biên giới trên bộ Việt Nam, tôi ký với Trưởng Nhóm công tác Trung Quốc Tề Kiến Quốc Bản Ghi nhận chung kết quả giải quyết 164 khu vực loại C (là các khu vực tranh chấp hoặc có nhận thức khác nhau) trên biên giới. Ngày 30/12/1999, Trưởng đoàn đàm phán cấp Chính phủ Thứ trưởng Vũ Khoan đã ký bộ bản đồ đính kèm Hiệp ước. Chiều 30/12/1999, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Mạnh Cầm và Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Đường Gia Triền ký Hiệp ước Biên giới trên đất liền giữa Việt Nam và Trung Quốc tại Hà Nội. Đây cũng là ngày cuối cùng theo thỏa thuận của lãnh đạo Việt Nam với lãnh đạo Trung Quốc để giải quyết biên giới trên đất liền.

Vì đây là Hiệp ước về Biên giới lãnh thổ, Quốc hội hai nước phải phê chuẩn thì mới có hiệu lực thi hành. Tháng 4/2000, Quốc hội Trung Quốc đã phê chuẩn. Tháng 5/2000, Quốc hội khóa 10 nước ta họp. Trong nghị trình có thảo luận, bỏ phiếu phê chuẩn Hiệp ước. Quốc hội đã cho thảo luận kỹ ở từng tổ đại biểu. Với tinh thần trách nhiệm cao và nghiên cứu khá sâu Hiệp ước, các đại biểu Quốc hội đã nêu 3 trang câu hỏi với Chính phủ.

Tôi rất bất ngờ khi lãnh đạo Chính phủ, Ban Biên giới yêu cầu tôi điều trần trả lời các câu hỏi đó. Có lẽ vì tôi là người trực tiếp đàm phán có thể trình bày ngay các vấn đề đại biểu hỏi ở Hội trường. Sau khi Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Dy Niên đọc báo cáo về Hiệp ước, Chủ tịch Quốc hội Nông Đức Mạnh đề nghị Ban Biên giới của Chính phủ trả lời chất vấn trước toàn thể đại biểu Quốc hội. Nhờ nắm vững vấn đề khi  đàm phán và có đủ hồ sơ bản đồ trong máy tính, máy chiếu...tôi đã giải trình đầy đủ và rõ ràng tất cả câu hỏi mà các đại biểu nêu.

Phiên điều trần diễn ra trong hơn một tiếng rưỡi đồng hồ. Thủ tướng Phan Văn Khải tham dự phiên này mới đầu cũng băn khoăn nhưng kết thúc đã tỏ ra hài lòng. Các đại biểu Quốc hội đã bấm nút phê chuẩn Hiệp ước vào ngày 9/6/2000.

Việc Việt Nam và Trung Quốc đàm phán, ký kết và phê chuẩn Hiệp ước Biên giới trên đất liền là sự kiện có ý nghĩa lịch sử; một bước tiến quan trọng tạo dựng môi trường hòa bình ổn định để phát triển đất nước; tăng cường quan hệ giao thương hai bên. Đạt được thành tựu đó là do có sự phấn đấu nỗ lực đầy trách nhiệm của nhiều bộ ngành, địa phương có  đường biên giới với Trung Quốc và sự quan tâm chỉ đạo kịp thời đúng đắn của các cấp lãnh đạo đối với biên giới lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc…