Bạn đang ở: Trang chủ / Dịch thuật / Đối thoại giữa Mill và Marx

Đối thoại giữa Mill và Marx

- Vũ Ngọc Thăng — published 01/07/2009 08:48, cập nhật lần cuối 01/07/2009 17:28

Paul Ginsborg1

Đối thoại giữa Mill và Marx



Bản dịch của Vũ Ngọc Thăng

Đối thoại I

Thời gian : Mùa Xuân 1873 

Khung cảnh : Nhà của John Stuart Mill ở London.




Mill : Mời ông thưởng thức món thịt bò hầm với khoai tây luộc nhé !

Marx : Ông không có món gì đậm đà hơn à, chẳng hạn: cá hồi hun khói, trứng cá muối, dưa cải ngâm dấm ...

Mill : Tôi rất lấy làm tiếc, bàn ăn của tôi có phần đạm bạc, song có lẽ món này sẽ trở nên dễ chấp nhận hơn nếu nó được nhắp cùng với một chai Bordeaux ngon.

Marx : Thế thì tất nhiên !

Mill : Cảm ơn ông đã nhận lời. Đây là một niềm vinh dự đối với tôi.

Marx : Vinh dự hoàn toàn về phần tôi, ông ạ. Phải chăng chủ đề cuộc hội thoại của chúng ta sẽ là về sự dân chủ ?

Mill : Vâng. Xin phép cho tôi được trình bày luận đề của mình trước. Tôi là người tin tưởng ủng hộ chính thể đại diện. Cuối cùng, không gì đáng mong ước hơn là việc mọi người được dự phần thiết thực của mình vào quyền năng tối cao của nhà nước. Song vì trong một cộng đồng mà vượt quá kích thước một trung tâm đô thị nhỏ, thì không thể xảy ra cái khả năng, nếu không nói là chỉ trong một phạm vi rất thu hẹp, mọi người đều đích thân tham gia vào hoạt động chung; điều này dẫn đến cái hệ quả: mô hình lí tưởng của một chính quyền hoàn hảo phải mang tính đại diện. Quốc hội của các quốc gia chúng ta phải đặt nền tảng, một cách khả thể nhất, trên sự đại diện chặt chẽ theo tỉ lệ, để mọi ý kiến của người dân, đặc biệt là của các nhóm thiểu số, được có tiếng nói trong lòng các thiết chế của đất nước. Có, và ở điểm này tôi đồng ý với Monsieur de Tocqueville khi ông ấy viết về nền dân chủ Mỹ non trẻ; rằng có, tôi xin nhắc lại, mối nguy cơ nghiêm trọng là người ta sẽ thiết lập một nền chuyên chế mới: đa số nghị viện. Quốc hội có bổn phận vừa là Uỷ ban kháng nghị, vừa là Đại hội ý kiến quốc gia, một diễn đàn rộng lớn mà trong đó không chỉ có ý kiến của quốc gia nói chung, mà còn có ý kiến của mỗi thành phần, và trong mọi khả năng, mọi ý kiến của mỗi cá thể hiền tài ở trong đó, có thể truyền đạt công khai và khuyến khích sự thảo luận; một không gian chung, trong đó mỗi cá thể của đất nước có thể suy xét tìm ra người nêu lên ý nghĩ của mình hoặc nêu lên tốt hơn so với khả năng nêu lên của mình.

Marx : Thế chúng ta có bao giờ chứng kiến một quốc hội tư sản nào mà ngờ ngợ cái ý niệm này chưa? Đây là một giả thuyết không tưởng.

Mill : Nghe từ ông, tiến sĩ Marx thân mến, tôi xin nhận là một lời khen. Song cho phép tôi được nêu thêm hai ý khác. Thứ nhất : phụ nữ phải được quyền đi bầu ra quốc hội này y như đàn ông. Nguyên tắc điều hành các quan hệ xã hội và chính trị hiện nay giữa hai giới – sự phụ thuộc của giới trước vào giới sau, được pháp luật phê chuẩn – tự nó là một nguyên tắc sai lầm, cần được thay thế bằng một nguyên tắc tuyệt đối bình đẳng, để mà không chấp nhận bất cứ một kiểu quyền năng hoặc đặc quyền nào dành cho một giới, cũng không giả định sự thiếu khả năng của giới kia. Nguyên tắc thứ hai, mà tôi không mong đợi ông sẽ đồng ý, là sự thể cần thực hiện từng bước việc chuyển sự bầu phiếu trên cơ sở hạn hẹp hiện nay sang phổ thông bầu phiếu, mở rộng ra cho tất cả các người nam và các người nữ trưởng thành. Tôi sợ khả năng xuất hiện của một nền chuyên chế mới từ đa số người dân trong một đất nước, với những ý kiến thô sơ, những bản năng không kiềm chế, sự thiếu khả năng phân biệt giữa những lí lẽ giả tạo và những lí lẽ xác thực. Tuy nhiên, dần dà khi các giai cấp lao động đã trở nên có học thức hơn - điều chắc chắn sẽ xảy ra - thì sự bầu phiếu, nam và nữ, cũng phải được mở rộng cho các giai cấp này. Ngoài ra, tôi thấy cần phải phân biệt giữa : lá phiếu, lời nói và hành động. Mọi người đều phải được đi bầu, nếu không hôm nay, thì sẽ trong một tương lai không quá xa. Các đại biểu của chúng ta trong quốc hội có nhiệm vụ thảo luận và cân nhắc quyết định; quốc hội là một diễn đàn tranh luận bao quát mà ở đó các đạo luật của quốc gia sẽ được ban hành. Song hành động – sự lèo lái và sự quản lí đất nước - phải luôn là công việc của một thành phần nhỏ tinh hoa có ý thức trách nhiệm. Sự lãnh đạo có hiệu quả công việc chung phải được giao cho một thành phần tinh hoa không do bầu ra - một số nhỏ những hiền tài, đủ chuyên môn, có tri thức và kinh nghiệm đặc thù, chịu trách nhiệm cá nhân trước quốc gia. Vắn gọn: đây là cái nhìn của tôi về một nền dân chủ hiện đại.

Marx : Chúng ta đang ở cách xa nhau, ông Mill ạ, xa như cánh chim ưng và cánh chim bồ câu trong khúc ballade nổi tiếng của Goethe, và việc tôi nói với ông tôi đồng nhất với cánh chim nào không giúp vào đâu. Song vì tôi yêu chân lí cũng y như ông, và tôi thích lột trần các vẻ ngoài, rồi đào sâu vào bên trong sự vật để khám phá ra cái thực chất đích thực, tôi phải bắt đầu với một lời thú nhận. Tôi gặp nhiều khó khăn hơn ông trong việc đảm bảo tính hữu cơ cho các tác phẩm của mình – và cho các ý tưởng của mình – để chúng có thể được xuất bản nhanh chóng. Quyển đầu trong bộ Tư bản luận của tôi, thành quả của nhiều năm nhọc nhằn và khốn khó, được xuất bản lần đầu bằng tiếng Đức năm 1867, mới được sáu năm nay. Tôi lao động cả đời, tìm cách phát hiện ra các cơ chế làm nền tảng cho sự vận hành và sự không vận hành của Tư bản, và vì thế, tôi đã không sắp xếp ra một tác phẩm cân đối và đắn đo về dân chủ để nó có thế nằm cạnh tác phẩm Những Suy xét về Chính thể Đại diện của ông năm 1861. Những gì gần gũi với các suy xét ấy hơn cả, không nhiều, là tập sách mỏng Cuộc nội chiến ở Pháp, xuất bản năm 1871, chỉ mới hai năm trước đây, dành cho cái kinh nghiệm ngoại hạng Công xã Paris trong năm đó, một kinh nghiệm mà rất tiếc ông đã gạn bỏ, song nó có thể chỉ dạy cho chúng ta nhiều điều về dân chủ.

Tuy nhiên, chúng ta hãy khởi đi từ đầu. Theo phán đoán của tôi, dân chủ nghị viện như ông vừa miêu tả là một sự mạo danh. Đó chỉ là phép ngụy biện của nhà nước chính trị. Ông coi dân chủ là một hệ thống thuần chính trị, tháo rời khỏi phạm vi kinh tế. Song nền dân chủ thực sự không thể hiện hữu nếu hai phạm vi - kinh tế và chính trị - chưa giao nhau theo một phương thức để cái cá thể có khả năng duy trì được cả quyền lợi lẫn quyền năng trong cả hai. Hãy xem cử tri trong hệ thống của ông hoạt động như thế nào. Trong một ngày – không, cũng không được như thế, trong một phút chốc – anh chị ta « huy hoàng » đi đến thùng phiếu. Lúc đó anh chị ta bình đẳng với mọi người khác, với mọi công dân trong một quốc gia nhất định. Song đó chỉ là một hoàn cảnh thoáng qua. Ngay sau khi quay về với bản chất, với bản sắc thực của mình, vốn không thuộc phạm vi chính trị, thì anh chị ta đơn giản trở lại là một người vô sản, một người nông dân, một thợ thủ công, hoặc một nhà tư bản giàu có. Quyền năng thực sự tiếp tục nằm trong tay giai cấp sau cùng, giai cấp tư bản, và nhà nước chỉ là một ủy ban quản lí các công việc làm ăn của toàn bộ giới tư sản. Ông cũng có thể mong ước rằng chỗ lãnh đạo nhà nước sẽ được trụ trì bởi các thành viên vô tư và hiệu quả thuộc các tầng lớp trung lưu, song tôi thì tôi cho rằng ở đó lợi ích của giới tư sản sẽ thống trị. Vậy thì, để mọi chuyện thưc sự thay đổi, cần phải có diễn ra một cuộc chuyển đổi mang tính cách mạng, vốn dẫn đến sự dân chủ về kinh tế chứ không chỉ về chính trị.

Mill : Có lẽ ông đã nhận thấy trong ấn bản Những nguyên lý Kinh tế Chính trị lần thứ ba của tôi năm 1852, tôi đã đưa vào đó đoạn viết nói về các hợp tác xã của người lao động, xem xét các hình thái tổ chức sản xuất công nghiệp đáng mong ước trong tương lai. Đây là một bước hướng tới cái ý niệm về một sự tái phân phối tư hữu cuối cùng trên cơ sở công bằng hơn, và vì lợi ích của các giai cấp lao động.

Marx : Vâng, nó có ích, song không đủ. Giữa chúng ta có một hố ngăn cách. Ông là kẻ ngưỡng mộ thành Athene, song lại tin tưởng rằng trong xã hội hiện đại chỉ có một nền dân chủ khả thể: nền dân chủ đại nghị.

Theo phán đoán của tôi, nền dân chủ tham dự là một hình thái dân chủ cao hơn, và rất khả thi. Về mặt này, Công xã Paris năm 1871, cuộc nổi dậy ngắn hạn mang tính triệt để, vốn làm đảo lộn thủ đô nước Pháp trong thời kì ngay sau cuộc chiến Pháp-Phổ, là phôi thai của một hệ thống tổ chức chính trị mới, tiên tiến hơn. Công Xã, theo tôi, cung ứng các cơ sở thiết chế thực sự dân chủ cho một nền cộng hòa hiện đại. Nó là hình thái chính trị rốt cuộc đã được phát hiện ra, trong khuôn khổ đó, ta có thể khai triển cuộc giải phóng kinh tế của giai cấp công nhân. Quyền năng được phân ra địa phương, người dân tham gia tích cực trong quá trình quyết định, các đại biểu nhận thù lao ngang với tiền lương của công nhân, và có thể bị cử tri của họ phế truất chức vụ, một đội dân quân thay thế cho quân đội, v.v... Đấy, cái phương thức mà Công Xã Paris đã minh chứng với lịch sử: nền dân chủ trực tiếp – mà theo ông nghĩ: còn xa với việc khả thi chỉ trong một thị trấn nhỏ – có thể thực hiện được ở một thành phố lớn; và mô hình ở Paris hẳn có thể được mô phỏng trong một liên bang Pháp mới. Trong Công xã Paris sự dân chủ về kinh tế, thực ra, chưa được thực hiện, song trong phạm vi chính trị, thì đã có; về tổng thể, nó đã tiếp cận với nhu cầu và sự giám sát của nhân dân. Các công xã viên đã không có thời gian để xác lập ra những gì hẳn là thiết yếu cho sự sống còn của Công xã: một nền chuyên chính đích thực của người vô sản, nghĩa là sự trấn ngự của giai cấp dân chủ thuộc tuyệt đại bộ phận nhân dân. Nền chuyên chính này tự nó chỉ biểu trưng cho một giai đoạn quá độ, hướng tới sự xóa bỏ tất cả các giai cấp, và hướng tới một xã hội không tư hữu.

Mill : Hmmm ... Tôi tự hỏi bây giờ thì ai mới là người không tưởng đây. Hãy xem xét đâu là các điểm hội tụ và đâu là các điểm phân kì trong các luận đề của chúng ta. Tôi hết sức đồng ý với ông về khái niệm liên bang, vốn có lẽ biểu trưng cho số phận của tất cả các quốc gia hiện đại mang một kích thước nào đó. Song tôi không nghĩ 71 ngày Công xã Paris, qua một cách thức nào đó, đủ để được coi là một mô hình chung, dù đúng là tôi đã không phân tích nó một cách tỉ mỉ. Song có lẽ ông đã không biết sự thể là sáu tháng trước đây, vào tháng 10 năm 1872, tại nhà tôi ở Avignon, tôi đã viết một lá thư dài cho ông Thomas Smith, bí thư phân bộ Nottingham thuộc Hội Liên hiệp Lao động Quốc tế của ông, thường được biết đến là Đệ nhất Quốc tế. Ông Smith đã tử tế gửi cho tôi một bản sao tập sách mỏng của ông, mang tên Thư Công xã Paris. Tôi đã trả lời ông ta rằng trong Liên hiệp Quốc tế, tôi đã tìm thấy nhiều nguyên tắc tôi nhiệt liệt tán đồng, và rất ít điều, có thể nói, tôi bất đồng hoàn toàn.

Tuy nhiên, về hai chủ đề liên quan đến dân chủ, chúng ta có lập trường khá xa nhau. Một: tính chuyên chính, hai: cuộc cách mạng. Với tôi, dân chủ và chuyên chính vô sản không có gì chung. Theo phán đoán của tôi, các giai cấp lao động - ngay cả trong trường hợp khốn khổ bị kẻ nào đó nhân danh họ - không tồn tại để tạo sức sống cho một nền kinh tế tập trung, để đè bẹp mọi sự đối lập, và để chứng tỏ tính vô cảm trước nỗi đau của kẻ khác mà ngay cả Robespierre và Saint-Just cũng không có khả năng.

Marx : Ông hoàn toàn nhầm rồi. Các giai cấp lao động – như tôi đã viết trong Tuyên ngôn Đảng Cộng sản cùng với ông bạn Friedrich Engels của tôi, một quyển sách mỏng mà rất tiếc cho đến nay chỉ bán được vài trăm bản, ít hơn các tác phẩm của ông nhiều (nhấn giọng) – không có gì để mất ngoài xiềng xích của họ. Sự thể họ - một giai cấp hoàn toàn bị bần cùng hóa - được giải phóng, về kinh tế và chính trị, có nghĩa là toàn thể nhân loại được giải phóng. Dưới sự giám sát chặt chẽ của một nền dân chủ trực tiếp, như đã thấy trong Công Xã Paris, hẳn không thể xảy ra chuyện có kẻ nào đó nhân danh họ để chiếm đoạt quyền năng.

Mill : Ông Marx thân mến, rồi thời gian sẽ trả lời. Điểm thứ hai, như tôi đã viết cho ông Smith, là về cuộc cách mạng. Cũng là về cái bản chất khác nhau giữa tư tưởng chính trị Pháp và tư tưởng chính trị Anh. Tôi không thể coi việc vay mượn thuật ngữ “cách mạng” từ tiếng Pháp là một điều thích hợp. Nó bắt nguồn từ một khuyết tật trong đầu óc người Pháp, vốn là một trong những nguyên nhân hàng đầu về sự thất bại của nước Pháp trong việc theo đuổi tự do và tiến bộ, tức là việc tự mình để các từ ngữ lôi theo, coi những tính chất trừu tượng là thực tại... Cho đến nay, tư tưởng Anh đã mang một đặc điểm khác: nó muốn có những ý kiến vốn biểu đạt các sự kiện chính xác, chứ không phải các ngôn từ mơ hồ. Không hiện hữu một sự cụ thể gọi là “cách mạng”. Tôi xin nói thêm, nếu nó hiện hữu, ắt tôi sẽ đối lập. Tôi là người vì sự tiến bộ ổn định, từng bước, chứ không vì cuộc cách mạng.

Marx : Thế thì tại sao năm 1848 ông đã viết một tiểu luận tuyệt vời mang tựa đề “Để bênh vực cuộc cách mạng Pháp 1848”, mà đứng về phía những người chủ xướng cuộc cách mạng năm đó, và ca ngợi những thành công của nó ?

Mill : Mmmm (bối rối) ... Có lẽ ở cuối một cuộc đời dài, hoặc thậm chí, ở giữa dòng diễn biến của nó, một tư tưởng gia có quyền được thay đổi ý tưởng. Điều này không được phép hay sao ?

Marx : Tôi không tin một tư tưởng gia có hệ thống thì thay đổi ý tưởng.

Mill : Vậy à, thế ai đã tuyên bố những lời này mới đây ở Amsterdam? (rút ra khỏi túi một tờ giấy đã được gấp cẩn thận): “Tôi không phủ nhận là có các xứ như như Mỹ, Anh, và xin thêm vào đó, Hà Lan - như tôi đã hiểu rõ hơn về các thiết chế của đất nước các bạn - nơi người lao động có thể đạt được mục tiêu của mình thông qua các phương tiện hòa bình.” Đó là vào ngày 8 tháng 9 năm ngoái, có đúng thế không ông ?

Marx (Vẻ bối rối) : Thực vậy, đó chính là tôi.

Mill : Tuổi tác, theo tôi, có thể dẫn đến sự suy xét lại ... Tôi có thể viện dẫn đôi chút William Wordsworth.

Marx : ... Tôi thì tôi thích Dante ...

Mill :                                                                 Many are the joy

Of youth ; but oh ! What happiness to live

When every hour brings palpable access

To knowledge, when all knowledge is delight

And sorrow is not there.



Ồ tuổi trẻ! muôn điều hân hoan

Nhưng này! Sung sướng biết bao một cuộc sống

Khi mỗi thời khắc phập phồng chỉ lối :

Tri thức, khi mọi tri thức niềm vui

Và buồn phiền nào có chỗ.

Bây giờ, chúng ta hãy chuyển sang Porto Alegre..."


Đối thoại II

Đây là một cuộc đối chiếu hơn là một cuộc đối thoại. Xin được trình bày trong lúc nói về tính cách và cuộc sống riêng của hai nhân vật, tương phản một Mill « phớt tỉnh », «vô tính» và một Marx « mắc tội tày đình », song yêu say đắm phu nhân.

Mill (Utilitarianism/Chủ nghĩa Công lợi, pp.242-243)

Lạc thú của trí tuệ, của cảm xúc, của trí tưởng tượng, cũng như của cảm thức đạo đức mang một giá trị cao hơn nhiều, trong tư cách lạc thú, so với các lạc thú mang tính giác quan đơn thuần ... Con người (chắc chắn) có khả năng đón nhận các lạc thú khác với các lạc thú mà một con heo có khả năng đón nhận. Giờ thì, rõ ràng rằng, những ai, về cả hai [loại lạc thú], đã quen thuộc bằng nhau, cũng như có khả năng đánh giá và thụ hưởng bằng nhau, sẽ chú ý ưu tiên hơn hết cho kiểu tồn tại vốn tận dụng các tính năng cao đẳng của mình. Hẳn ít người sẽ bằng lòng biến mình vào bất kỳ một loài vật hạ đẳng nào, vì một lời hứa hẹn sẽ được ban phát đầy đủ nhất về lạc thú của một con vật…

Thà là một con người chưa thỏa mãn hơn là một con heo thỏa mãn ; thà là một Socrates chưa thỏa mãn hơn là một kẻ ngốc thỏa mãn. Và nếu kẻ ngốc, hay con heo, có ý kiến khác nhau, đó là vì kẻ ấy và con heo chỉ biết mặt vấn đề của mình. Cái phần kia của cuộc đối chiếu thì lĩnh hội cả hai mặt.

Người ta có thể phản bác rằng, nhiều người có khả năng đón nhận các lạc thú cao đẳng, đôi khi, dưới ảnh hưởng của sự cám dỗ, sẽ hoãn lại mà xuống cái hạ đẳng. Song điều này quả là tương hợp với một sự đánh giá đầy đủ về tính ưu việt thực chất của cái cao đẳng… (Vẻ buồn rầu) Con người mất đi các khát vọng cao đẳng cũng như các thị hiếu trí tuệ của mình vì họ không có thời gian hoặc cơ hội dành cho chúng; và họ tự mê mẩn mình với các lạc thú hạ đẳng, không phải vì họ chủ ý ưu tiên chúng, mà vì, hoặc chúng là các lạc thú duy nhất mà họ có lối vào, hoặc chúng là các lạc thú duy nhất mà họ còn có khả năng thụ hưởng. Người ta có thể đặt vấn đề liệu những kẻ tiếp tục có khả năng nhạy đón cả hai đẳng cấp lạc thú, có bao giờ, một cách có ý thức và điềm tĩnh, ưu tiên cái hạ đẳng; dù rằng nhiều người, thuộc mọi lứa tuổi, qua một nỗ lực vô hiệu quả, đã phân tích để phối hợp cái này với cái kia.

Marx : (Thư gửi phu nhân, 21/6/1856, từ Manchester)

Em yêu dấu,

Anh viết cho em vì anh cô đơn, vì anh luôn lo lắng giữ gìn một cuộc đối thoại với em trong tâm trí, mà em hẳn không biết, không nghe được gì, cũng không thể trả lời… Song anh phát hiện ra rằng, cặp mắt anh, dù bị ánh sáng của ngọn đèn và khói thuốc làm nhòa, vẫn biết họa ra, không chỉ ước mơ mà còn cả lẽ phải. Em yêu, em đang ở trước mặt anh, anh cầm tay em, anh bao bọc toàn thân em với các nụ hôn, anh quỳ xuống bên em và run rẩy : « Bà nhà anh ơi, anh yêu em vô cùng». Anh thực sự yêu em, hơn cả tình yêu của chàng Othello…

Các niềm đam mê mãnh liệt - mà với sự hiện diện của chính đối tượng, biểu lộ qua các thói quen nho nhỏ - nẩy nở và hình thành phù hợp với bản chất của chúng nhờ tác động kì diệu của khoảng cách. Tình yêu của anh là như thế. Chỉ giản dị một không gian xa cách, là anh hiểu thời gian trôi qua chỉ để tình yêu tăng trưởng, như nắng mưa tác động trên cây cỏ. Tình yêu anh dành cho em, khi em vừa xa anh, hiện ra như nó là: một chàng khổng lồ, với toàn bộ năng lượng của tâm hồn anh, và toàn thể nghị lực của con tim anh dồn trong đó. Anh lại cảm thấy mình là một con người, bởi anh nhận ra một niềm đam mê mãnh liệt. Và cái tính chất phức tạp qua đó sự nghiên cứu và văn hóa hiện đại thách thức chúng ta, cái chủ nghĩa hoài nghi mà một cách thiết yếu chúng ta gắn kết với tất cả các ấn tượng khách quan và chủ quan, đang tạo áp lực để khiến chúng ta yếu đuối, run rẩy, và do dự. Song tình yêu, không phải tình yêu nhân loại của Feuerbach, không phải tình yêu thương nghiệp của Moleschott, cũng không phải tình yêu người vô sản, mà là tình yêu dành cho một người yêu dấu, tức là em, khiến con người lại là một người.



Đối Thoại III


Thời gian: Những ngày này.

Khung cảnh: Một đám mây trên bầu trời Châu Âu. Mặt trên của đám mây bằng phẳng như một khán đài.

Nhân vật : Karl Marx, John Stuart Mill, các thiên thần, các nhà quay phim và các chuyên viên truyền hình đang bận bịu với việc thu hình một màn quảng cáo cho một thương hiệu cà phê Ý.


Các thiên thần khẽ nói với đoàn thu hình : “Nhanh lên, hãy vào chỗ, hai nhân vật xuất chúng sắp xuất hiện.”

John Stuart Mill bước vào khán đài từ bên phải. Chân mang giày đi dạo, ông mới trở về từ một buổi đi khảo sát thực vật dài với người bạn của mình, nhà côn trùng học Jean Henri Fabre.

Karl Marx bước vào khán đài từ bên trái. Ông mới được cho lên Thiên đàng từ Lò Luyện ngục, cuối cùng, mụn nhọt đầu đinh đã lặn cả. Cầm một văn bản trong tay, ông đang sôi nổi ghi chú sang bên lề.


Cả hai nhân vật đều mang theo một chiếc ống nhòm cực mạnh để quan sát thế giới xem nó đã thay đổi thế nào.

Mill: Ồ anh có ngửi thấy mùi cà phê thơm ngát không…Anh Karl thân quý (nhiều năm đã trôi qua, cho phép tôi được thân mật gọi anh như thế nhé), tôi thực sự vui mừng thấy anh đầy phong độ.

Marx : Chúng ta đã tạm biệt nhau bằng Wordsworth, giờ thì, rốt cuộc, tôi thấy mình đang ở đúng chỗ để xướng lên cái khúc ca tôi yêu thích (thông báo với khán thính giả): Dante, Thần khúc, Khúc V, Phần Thiên đàng.

«Lo maggior don che Dio per sua larghezza

fesse creando, e a la sua bontade

più conformato, e quel ch'e' più apprezza,

fu de la volontà la libertate ;

di che le creature intelligenti,

e tutte e sole, fuoro e son dotate. »


Ân sủng lớn nhất từ lòng quảng đại của Chúa khi sáng thế,

điều tương hợp nhất với tính nhân từ của Ngài,

và được Ngài đánh giá cao nhất

Là tự do ý chí

đã và đang ban cho,

toàn thể, và chỉ họ, các sinh thể trí tuệ

Mill : Ồ, tôi tán thành nhường nào !

Marx (Sốt ruột như mọi khi) : Tôi mong mỏi được tiếp nối cuộc thảo luận mà chúng ta đã bị gián đoạn năm 1873. Theo tôi, anh John Stuart thân quý – cho phép tôi được gọi anh như thế, dường như về phương diện kinh tế chúng ta đang ở cao trào của một trong những cuộc khủng hoảng trầm trọng nhất của chủ nghĩa tư bản mà tôi đã tiên đoán. Anh thấy chưa, sau ba mươi năm chủ nghĩa tự do điên cuồng, thế giới đã lâm vào một sự hỗn loạn thế nào. Đấy, nơi chính trị kinh tế của anh đã đưa đẩy chúng ta đến. Chúng ta đang tiến đến cơn hỏa tai chung cuộc (hết sức phấn khích).

Mill : Tôi rất lấy làm tiếc phải chỉ ra rằng (móc một tờ giấy khác từ trong túi ra, rồi bắt đầu đọc) anh đã nói đích xác y như thế vào các năm 1855, 1858, 1862, 1863, 1868, và 1877. Tôi đã từng đau lòng nêu lên điều này, sau khi anh ra đi. Về những lời tuyên bố của anh từ Lò Luyện ngục, thì không còn dấu vết. Song tôi có một đề nghị : nếu chúng ta phải nói về cuộc khủng hoảng hiện nay, tại sao mỗi người chúng ta không công khai chỉnh sửa các sai lầm của mình trong quá khứ ? Chúng ta đã sai lầm ở chỗ nào ? Anh bắt đầu nhé.

Marx : (Thoạt tiên bị chưng hửng, bằng một giọng nói yếu ớt) : Tôi phải công nhận rằng mình đã lẫn lộn sự ra đời với sự giãy chết của chủ nghĩa tư bản. Tỷ suất lợi nhuận (đằng hắng xua đi giọng nói bối rối) vẫn không hề suy giảm. Người lao động không thường xuyên vùng dậy với năng lực cao nhất, họ cũng không tự tổ chức trong tư cách một giai cấp cách mạng. Thật đáng tiếc ! Dường như họ quan tâm đến sự được sở hữu hơn là sự bị tước đoạt !! Họ không ngừng mua sắm, ăn uống, và ngồi trước màn ảnh truyền hình. Song ít ra anh ắt phải công nhận rằng, hi vọng là vậy , tôi đã dự kiến được nhiều khía cạnh của chủ nghĩa tư bản hiện nay, gồm cả cuộc tích tụ và tính tham tàn ngày càng khốc liệt giờ đây trên phạm vi toàn cầu.

Mill : Anh Karl thân quý, lúc này khi tôi đã có thời gian đọc tất cả các bài viết của anh, tôi có thể xác định chắc chắn rằng phân tích của anh là có tính phát hiện nhất trong các phân tích về chủ nghĩa tư bản. Phần tôi (lắc đầu), thì không có nhiều điều để nói. Tôi đã đánh giá quá cao (húng hắng giữ giọng không bối rối) các hệ quả tốt đẹp của sự cạnh tranh và khả năng của thị trường trong việc tự điều chỉnh. Anh đã có lí khi viết trong lời tựa cho ấn bản lần thứ ba Tư bản luận rằng tôi đã tìm cách tách biệt sản xuất và phân phối qua một cách thức tùy tiện. Thế rồi, để sang một bên các sai lầm của tôi về lí thuyết, toàn bộ những gì xảy ra gần đây trên phạm vi toàn cầu dưới cái tên chủ nghĩa tự do (hoặc « liberismo » như người Ý nói) khiến tôi bàng hoàng. Không phải theo cách này mà nhân loại hi vọng tạo ra một trật tự thế giới hòa bình và thịnh vượng, một xã hội văn minh nơi giao thương thay chỗ cho chiến tranh. Dường như con người đã đánh mất mọi ý thức tiết độ về vật chất và mọi ý thức trách nhiệm tập thể…

(Dừng lại và tiếp tục xem ống nhòm)

Cặp đồng tử của tôi thấy gì à? (Cười khẩy). Chính chúng ta đang ở trong cái tập sách lơ tơ mơ ấy. Họ đem chúng ta ra mà tương phản.

Marx : (tức khắc tỏ vẻ lo lắng)

Mill: (Lấy tiêu điểm ống nhòm). Đúng thế, họ đối đầu chúng ta. Trời ạ! Một tình huống quái lạ. Tập sách mang cái tít « Câu chuyện thực của dân Ý ». Nó đầy ứ các hình chụp lão Silvio Berlusconi 2, có lẽ anh đã theo dõi cuộc đời hoạt động của lão ta khi anh ở dưới Lò Luyện ngục. Đó là một tay làm kinh doanh người Ý, chuyển sang làm chính trị, kẻ tự mình so sánh với Napoléon, anh có hiểu lão ta là ai không ?

Marx : Có thể nói, lão gợi nhớ Napoleon Đệ tam hơn là Napoleon Đệ Nhất ! Ha, ha !!

Mill: Anh có lí. Lão có gì mà đề nghị với chúng ta? Có một đoạn, trang trí với chân dung anh và chân dung tôi, dưới cái tựa đề “Các ý tưởng đối đầu”. (Bắt đầu đọc và sa sầm nét mặt tức thì). Dường như, một lần nữa, vai trò « người hùng » lại đang chờ tôi – anh hết thời rồi đấy, Kark ạ!. Lạy Chúa! hãy nghe những gì họ gán vào miệng tôi : « Giữa chủ nghĩa cá thể và chủ nghĩa xã hội cần phải gia nhập vào cái trước, vốn bảo đảm tự do cá nhân, mà không cản trở cuộc tranh đấu chống bất công xã hội ». Họ nói cái gì thế? Họ không biết đến sự thể tôi luôn có sự ngưỡng mộ đối với rất nhiều ý tưởng xã hội chủ nghĩa, và một số thủ lĩnh phong trào xã hội chủ nghĩa, như Louis Blanc chẳng hạn. Rõ ràng rằng họ không nhớ những lời cuối cùng đã xuất bản của tôi là những hàng này: “Chắc chắn là một lời cáo buộc rất tồi khi bảo rằng các nhà xã hội chủ nghĩa đã đi tới mức dựng đứng để chống lại trật tự kinh tế hiện hành của xã hội … (Cuối cùng) Xã hội có đầy đủ danh nghĩa để bãi bỏ hoặc thay đổi bất cứ một quyền tư hữu đặc thù nào - dựa trên những suy nghĩ thích đáng - bị xem là ngăn trở công ích.”

Tất nhiên, đúng là tôi đã quy cho tự do cá nhân một giá trị hết sức lớn. Song tôi không bao giờ muốn thấy tự do lại nảy sinh ra vô cảm và tư lợi. Tệ hơn nữa, nảy sinh ra chủ nghĩa theo thời. Không phải là một đức hạnh khi nhân dân là một bày cừu lặng lẽ gặm cỏ bên nhau. Tôi thích những người dị cách và những người bất đồng hơn là những kẻ theo thời. Có lẽ vì thế mà tôi đặc biệt trìu mến anh, Karl Marx ạ. Với tôi, đức hạnh thực sự của con người (chậm rãi cho tới hết đoạn) là biết sống chung với nhau trong tư cách những người bình đẳng; là chỉ yêu cầu cho mình những gì, qua cùng một tính chất hào phóng, mọi người khác đều được hưởng; là coi bất kì một vị trí lãnh đạo nào cũng chỉ là một sự cấp thiết ngoại lệ, và dù sao chăng nữa, cũng chỉ là một tình huống tạm thời; là việc ưu tiên, vào mọi lúc có thể, một kiểu liên hiệp cá thể vốn cho phép sự luân phiên và sự hỗ tương trong việc lãnh đạo và được lãnh đạo.

Marx : Có lẽ anh có bản tính đa nguyên hơn tôi. Tôi thấy không thể tách biệt ý niệm tự do ra khỏi cuộc cải tạo tất yếu về kinh tế cho xã hội. Chỉ khi sở hữu tư nhân được xóa bỏ, và chúng ta có một xã hội cộng sản, thì con người mới có thể biểu đạt được bản sắc thật của mình. Làm sao một người vô sản có thể tự do được đây? Chúng ta không được quên rằng hiện nay trên thế giới có biết bao người vô sản – những kẻ nghèo khổ và không quyền năng, bị ràng buộc như nô lệ vào nền sản xuất tư bản chủ nghĩa. (Chậm rãi cho tới hết đoạn). Giá trị sản xuất của người vô sản càng lớn, thì giá trị và phẩm giá mà họ sở hữu dường như lại càng nhỏ; sản phẩm của họ càng đẹp, thì họ lại càng trở nên bị biến dạng; vật thể của họ càng tinh vi, thì họ lại càng bị man rợ hóa; công việc của họ càng tạo sức mạnh, thì họ lại càng trở nên bất lực. Ở đâu cũng có sự bất lực thực sự trước việc không có sự giám sát đúng nghĩa về điều kiện lao động, về hoạt động chính trị, về tất cả, chỉ trừ phạm vi hạn hẹp trong gia đình, anh không thấy vậy à ?

(Nghỉ một chút)

Mill : Có, tôi thấy chứ, tôi cũng lo như anh.

Marx : Tạm thời trở lại với « Câu chuyện thực của dân Ý ». Điều gì khiến tôi ví von Silvio–Napoléon ư ?

Mill : « Sự khước từ các hình thái thiết chế nhà nước tư sản sẽ tự thực hiện trong chuyên chính vô sản. »

Marx: Mmmmm.

Mill: Đúng thế đấy.

(Im lặng một lúc lâu)

(Lưỡng lự) Đây là điều anh đã viết và tuyên bố, tôi thấy không thể phủ nhận được … Và có lẽ đó là một sai lầm nghiêm trọng nhất của anh thì phải ?

Marx (Tìm lại được sự sục sôi khi xưa) : Tôi hoàn toàn không nghĩ như thế. Anh thực sự tin vào điều này à: khi các giai cấp lao động lên nắm quyền một cách hòa bình và thông qua phương tiện quốc hội, thì những kẻ bị mất quyền kiểm soát xã hội sẽ phản ứng - như người Ăng-lê các anh, sau một trong những trận đấu cricket khó hiểu và kéo dài của mình - mà nói rằng: « Thưa các bạn! Đây là một trận đấu đẹp. Các bạn đã ghi bàn nhiều hơn, chiến thắng thuộc về các bạn». Chắc chắn không phải vậy! Kinh nghiệm đau thương của Công xã Paris không chỉ dạy cho anh gì à ? Liệu anh có chắc rằng, ngay cả khi không sử dụng bạo lực trực tiếp, chủ nghĩa tư bản quốc tế vẫn có thể lật đổ được chính quyền mới của người lao động hay không?. Không ! Chúng ta phải bảo vệ các chiến thắng của chúng ta, dù chúng có ít ỏi thế nào chăng nữa, bằng sức mạnh và tính chuyên chính khi cần.

Mill : Ssssh. Các thiên thần có thể nghe thấy đấy. 

Marx : Cứ để các vị ấy nghe.

Mill : Anh không lo các mụn nhọt đầu đinh của anh à ? Coi chừng phải trở lại Lò Luyện ngục đấy…

Marx : Thế thì tốt hơn, các vị ấy không nghe thấy tôi.

Mill : (Thay đổi chiến thuật) : Tôi đồng ý, dù thiện chí của mình có thế nào, cũng không có những câu trả lời đơn giản, hoặc tự có, cho cái nan đề mà anh vừa miêu tả. Tôi không nhất thiết là người hòa bình hơn anh (cẩn thận nhìn quanh)… Song giả dụ anh dành nhiều thời gian hơn cho chính trị và bớt đi cho kinh tế … Giả dụ anh giải thích rõ hơn với chuyên chính vô sản anh muốn hàm nghĩa gì… Tôi không thể tin anh muốn ám chỉ tính chuyên chính của đảng hoặc của một người.

Marx : Đúng, thực ra không phải vậy. Theo nghĩa này, tôi không phải là một người Mácxít, mà đơn giản chỉ là Karl Marx (cười). Song nếu tôi không là một người Mácxít chính thống, thì anh cũng không là một người Tự do chính thống, tất nhiên !

Mill : (Qua một giọng nói hết sức nhỏ nhẹ) : Có lẽ chúng ta đang ở một chỗ ít thích hợp nhất cho điều mà tôi sắp nói ra… song Thượng Đế thì vượt trên mọi kiểu chính thống…(trở lại giọng bình thường). Và bây giờ chúng ta có thể trở lại đôi chốc với cái chủ đề chính về dân chủ trong cuộc hội thoại của chúng ta hồi xưa ở London được không ?

Marx: Được chứ, dù rằng tình yêu ban đầu của tôi, như anh biết, là Chính trị Kinh tế.

Mill : Có một câu hỏi đã dằn vặt tôi từ những năm 1834-35.

Marx : Khổ thân anh quá, nó đã quay vần trong đầu anh từ lâu! Hãy nói cho tôi nghe với.

Mill : (Một cách chậm rãi) Liệu có thể giảng dạy dân chủ cho mọi người được không ? Nếu được, thì trường học nào là tốt nhất ? Ở Ý có ông Zagrebelsky, người vùng Torino – cái tên có vẻ lạ cho một người Ý, phải nói là như vậy – gần đây đã tập trung suy ngẫm về vấn đề này. Ông ta viện đến các tác gia cổ đại. Anh cũng thế, từ sự đọc các tác gia cổ đại, anh đã gợi lại cách thức mà Plato, trong Các Đối thoại, đã xử lí vấn đề giảng dạy đức hạnh ở đoạn Protagoras, cũng như Meno.

Marx : Tất nhiên, tôi nhớ.

Mill : Này nhé, đoạn đầu trong Meno, Socrates được hỏi để chọn giữa ba cách khác nhau, mà ta có thể chọn, nhằm rèn luyện đức hạnh: để tự nhiên, thông qua sự giáo dục, bằng sự cưỡng bách. Socrates không chọn, dù ông được đặc quyền chọn. Song khi tôi suy ngẫm về vấn đề này, và chuyển nó sang bình diện dân chủ, tôi không thể kết luận rằng, tính dân chủ là thuộc về bản chất của đàn ông, cũng như của đàn bà. Thế kỉ 20 mà chúng ta đã quan sát từ trên này…


Marx (Nói nhỏ) : Hãy nói phần anh.

Mill : …đã dứt khoát chứng tỏ điều đó. Phải chăng giả thuyết thứ hai là đúng ? Liệu việc chính thức giảng dạy dân chủ tự nó là đủ? Tôi tin rằng không. Nhiều người, dù có sự hiểu biết về dân chủ, đã chọn cách ứng xử xa lánh nó. Sự hiểu biết tự nó không đủ. Chỉ còn giả thuyết cuối, tức là sự cưỡng bách dân chủ, vốn thực sự là một trường học duy nhất về đức hạnh chung.

Marx: Đúng vậy. Tôi đã chủ trương y như thế trong tập sách mỏng của tôi về Công xã Paris năm 1871. Mọi người đều phải được dự phần, qua một phương thức nào đó, vào lĩnh vực công. Và hạ tầng của lĩnh vực đó, điều quyết định ra nó, để có một cách nói: cái cấu trúc, phải là một kiểu dân chủ khác: dân chủ về kinh tế. Chỉ có một sự bình đẳng rộng khắp về phương tiện, mới có thể bảo đảm sự dân chủ thực có: cái sân chơi đã nện bằng mà người Anh các anh thường nói. (Dừng lại. Sau đó, với một vẻ tinh quái thêm vào): Anh biết không, việc chỉ giao chính quyền địa phương trong tay những kẻ giàu có và những kẻ có học vấn, như anh đề nghị, là không hay lắm đâu. Cũng thế, khi nói về các thiết chế của nền dân chủ mới, không thể xem các đề nghị của anh về bồi thẩm đoàn và về hợp tác xã của người lao động là đủ. Sự áp dụng dân chủ cho mỗi cá thể phải rộng rãi hơn và phong phú hơn thế…

Nhìn kìa (nhấc chiếc ông nhòm lên)… Anh có trông thấy khu phố Harrow ở London không? Vào thời của chúng ta nó chỉ là một thị trấn nhỏ giữa những cánh đồng. Harrow chỉ có nghĩa là một trong những ngôi trường đắt tiền mà người Anh các anh rất ưa chuộng, và được gọi là “trường công” chính vì chúng là trường tư. Một ngôi trường hết sức đặc tuyển, nếu tôi nhớ không lầm, Lord Byron đã từng lúc này lúc kia theo học. Ngôi trường vẫn còn đó, đúng thế, song những cánh đồng thì không còn nữa. Anh thấy không? Đấy, tại đó, người dân trong khu vực, ba trăm người trong một sảnh đường đang thử nghiệm sự giám sát của các công dân trên cán cân chi tiêu hằng năm của địa phương. Một ý tưởng đã thay đổi nền dân chủ Ba Tây hiện đại. Tuyệt vời! Đã ai nghĩ đến nhỉ !

<p class=western style="margin-bottom : 0.35cm; text-align:justìy; (Phấn khích): Song họ phải chú ý bảo đảm rằng sáng kiến này sẽ thường trực trong chính quyền dân chủ địa phương, chứ không chỉ là một sáng kiến quảng cáo. Họ phải tranh đấu để có một sự giám sát nhất định trên quy trình dân chủ.<br> <br> <p class="western" style="margin-bottom: 0.35cm; text-align: justify;" lang="en-US"><b>Mill</b> (Kèm theo một nụ cười)&nbsp;: Không chính xác là cuộc cách mạng vô sản của anh.</p> <p class="western" style="margin-bottom: 0.35cm; text-align: justify;"><b>Marx&nbsp;</b>: Cũng không phải cái chính quyền của anh, do một thành phần đặc tuyển khai sáng điều hành.</p> <p style="text-align: justify;"><b>Mill&nbsp;</b>: Đúng vậy. Giờ thì, anh Karl thân quý của tôi, tôi có thể dẫn anh đi ngắm chim chóc ở trên Thiên Đàng này được không&nbsp;? Chúng đẹp tuyệt vời thật đấy.</p> <p><b>Marx</b>&nbsp;: Được chứ, nhưng tôi thích được thưởng thức một tách cà phê espresso trong lúc chúng ta tiếp tục cuộc chuyện trò. </p> <br> <br> <p class="western" style="margin-bottom: 0.35cm; text-align: center;"><b>Hết</b></p> <p></p> <h3 style="text-align: right;"><big><big>Paul Ginsborg</big></big></h3> <h3 style="text-align: right;">Bản&nbsp;dịch của Vũ Ngọc Thăng</h3> <p class="western" style="margin-bottom: 0.35cm; text-align: justify;" lang="en-US"><br> </p> <div style="text-align: justify;" id="sdfootnote1"> <p><a class="sdfootnotesym" name="sdfootnote1sym" href="#sdfootnote1anc">1</a> Paul Anthony Ginsborg (s. <a href="http://it.wikipedia.org/wiki/1945"><span style="text-decoration: none;"><span lang="it-IT"><font size="3"><font face="Times New Roman, serif"><font color="#000000">1945</font></font></font></span></span></a><font size="3"><font face="Times New Roman, serif"><span lang="it-IT">): nhà sử học người Anh, chuyên gia hàng đầu về lịch sử đương đại Ý; đây là bản dịch </span>bài tham luận của ông tại <i>Biennale Democrazia </i>(22-26/4/2009, Torino, Italia).</font></font>&nbsp;</p> </div> <div style="text-align: justify;"> <p><a class="sdfootnotesym" name="sdfootnote2sym" href="#sdfootnote2anc">2</a> Silvio Berlusconi (s. 1936): thủ tướng Ý đương vị; “La vera storia italiana/Câu chuyện thực của dân Ý”: một tập sách mỏng miễn phí, được ông này cho in ra dưới dạng tạp chí hình ảnh, tự quảng cáo về mình, và trong mỗi lần tranh cử (2001, 2006), đã gửi đến 15 triệu cử tri tại nước này . </p> </div> <p class="sdfootnote"> </p>

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss