Bạn đang ở: Trang chủ / Nhân vật / Gặp Madeleine RIFFAUD

Gặp Madeleine RIFFAUD

- André MENRAS — published 24/06/2008 14:46, cập nhật lần cuối 12/04/2016 22:21


Tôi khẳng định :
Madeleine Riffaud còn sống đây !

André Menras

Ngày 25.5, một đoàn quay phim của đài truyền hình thành phố Hồ Chí Minh (Việt Nam), do nhà văn Nguyễn Hồ dẫn đầu, cùng với nhà thơ Nguyễn Duy và nhà phê bình văn học Ngô Thảo, có mặt ở Paris. Mục đích chính của đoàn là hoàn thành một bộ phim lịch sử mà họ đã bắt đầu quay ở Việt Nam : « Đi tìm dấu tích ba Vua ». Ba vua đây là ba nhà vua yêu nước Hàm Nghi, Thành Thái và Duy Tân, bị thực dân Pháp bắt đi đày. Các bạn trong đoàn đã yêu cầu tôi tháp tùng trong thời gian ở Pháp, nên nhân dịp này, tôi muốn « mở » được cửa nhà ở của người bạn mà tôi hết sức quý mến và kính phục : Madeleine Riffaud. Suốt mấy tuần lễ, tôi đã trổ hết tài ngoại giao và vận dụng tình nghĩa bạn bè mới thuyết phục được chị nhận cho họ mang camera lại nhà. Song chị nhận lời với điều kiện là chị sẽ chỉ nói về tấm gương phụ nữ mà chị vẫn hằng cảm phục về mặt nghiệp vụ báo chí cũng như trên bình diện con người : nhà báo kiêm nhà văn Andrée Viollis, nữ kí giả chống thực dân đầu tiên trong lịch sử.

madeleine

Trước tiên, chúng tôi đã cùng đi với Madeleine tới nghĩa trang Montparnasse trồng một cây hoa hồng trên mộ Andrée Viollis. Rồi chúng tôi thắp hương, nghiêng mình tưởng niệm nhà báo quá cố. « André, em phải biết rằng câu chuyện em được đọc cuốn sách 'SOS Đông Dương' của Andrée Viollis trong nhà tù, đã có một tiền lệ xảy ra 40 năm trước đó : sau khi cuốn sách được xuất bản năm 1932, nó đã được bí mật đưa về Việt Nam và có một bản, phải bóc bìa, đã được đưa vào trại tù Côn Đảo mà bọn cai ngục hoàn toàn không biết, và tù nhân, những nhà ái quốc đã truyền tay nhau đọc từng trang ». Nghe chị nói giữa những nấm mồ, thật khó mà tách bạch quá khứ với hiện tại, cõi chết và cõi sống. Madeleine càng an nhiên nói về người mà chị thiết tha quý mến đã từ trần từ bao nhiêu năm rồi, tôi càng cảm thấy xúc động…

Trở lại quận 3, chúng tôi lần bước trên những bậc thang gỗ chật hẹp, lên tới tầng gác ba, bước vào căn hộ nhỏ nhắn của chị để chị ngồi đối mặt với con mắt thuỷ tinh thản nhiên và lạnh lùng của cái camera mà chị vốn không thích.

Để tiếp chúng tôi, chị đã chuẩn bị mấy miếng bánh. Tôi đã hứa mang chai rượu nho để uống cho tình bạn mà rồi lại quên bẵng, nên chị phải mang ra chai rượu đỏ uống dở còn một nửa.

andre

M. Riffaud (trái) và A. Menras (phải)
bên mộ Andrée Viollis

Đối với phần đông thanh niên Việt Nam ngày nay, tên tuổi Madeleine Riffaud không gợi lên điều gì đáng kể. Có lẽ những người lớn tuổi hơn cũng quên rồi… Nhưng tên tuổi chị là một trong những cái tên đã soi sáng cuộc đấu tranh giành lại độc lập cho tổ quốc họ. « Thầy giáo » của chị, bà Andrée Viollis, vốn quen biết Hồ Chủ tịch từ khi Người còn mang tên Nguyễn Ái Quốc. Năm 1946, hồi Hội nghị Fontainebleau, chính bà đã giới thiệu với Chủ tịch cô nhà báo tập sự là Madeleine. « Tôi đã biết Bác Hồ trước khi biết Việt Nam », chị cười và nói với chúng tôi. « Bác gọi tôi là « cô bé, con gái của tôi » ».

« Cô bé » xinh đẹp lúc ấy mới vừa tuổi 20. Nhưng cô đã từng chỉ huy một nhóm cộng sản kháng chiến vũ trang chống phát xít Đức. Cô là phụ nữ đầu tiên hạ sát một sĩ quan nazi giữa lòng Paris. Rồi nước Pháp được giải phóng, rồi tới « chiến tranh Đông Dương », và chị lao vào cuộc đấu tranh, bên cạnh những Henri Martin, Raymonde Dien và biết bao nhiêu người khác, chống lại « cuộc chiến tranh bẩn thỉu ». Đến thời Mỹ xâm lược, chị lại băng mình qua bom đạn ở khắp Việt Nam. Chị đã gửi phóng sự từ bưng biền miền Nam, sát ngay cửa ngõ Sài Gòn. Tiếp đó là chiến tranh An-giê-ri, nơi chị ngày ngày phải đối diện với cái chết, và bàn tay phải không cử động được nữa sau những cực hình do bọn cực hữu Pháp gây ra. Rồi chị tiếp tục mài sắc ngòi bút chống tên bạo chúa Iran và bọn mật thám tra tấn ở Tehran…

VỀ TÁC GIẢ ANDRÉ MENRAS :

Thầy giáo André Menras sinh năm 1945, được cử sang miền nam Việt nam năm 1968, dạy tiếng Pháp theo một chương trình hợp tác văn hoá với chính quyền Sài Gòn. Ngày 25.7.1970, ông dã cùng bạn mình, Jean Pierre Debris, trèo lên đầu tượng đài “Thủy quân lục chiến” phía sau trụ sở Quốc hội (nhà hát thành phố bây giờ), treo cờ Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam và rải truyền đơn chống tội ác chiến tranh của Mỹ. Hai ông bị bắt, giam tại khám Chí Hoà, đến tháng 12.1972 mới đựơc thả và bị trục xuất về nước. Họ viết chung cuốn sách “Thoát khỏi ngục tù Sài Gòn, chúng tôi tố cáo”, xuất bản năm 1973 tại Pháp, gây chấn động dư luận. Từ đó, A. Menras kết thân với Madeleine Riffaud - nhà báo kiêm nhà văn lừng danh của nước Pháp, người bạn chiến đấu thân thiết của nhân dân Việt nam - như với người chị ruột thịt, cùng chung niềm đam mê mạnh mẽ ủng hộ Việt Nam chống Mỹ, và ủng hộ phong trào tranh đấu cho quyền lợi nạn nhân chất độc màu da cam hiện nay…

Năm 2001, A.Menras thành lập Hội Phát triển và trao đổi sư phạm Pháp-Việt (ADEP) do ông làm Chủ tịch, đã giúp học bổng cho nhiều học sinh nghèo VN, đưa được một số đoàn giáo viên và học sinh hai nước qua lại, trao đổi kinh nghiệm dạy và học.

Từ năm 2005, A. Menras về hưu. Trước đó, anh đã phải hai lần đấu tranh (đứng trên gác chuông nhà thờ Đức Bà Beziers hàng chục ngày, mùa đông 2001 và mùa hè 2003) đòi chính phủ phái tả và phái hữu Pháp phải tính 3 năm trong tù trong số năm anh làm công vụ.

Chiều nay, « cô bé, con gái » của cụ Hồ đã tròn 83 tuổi. Tóc vẫn tết đuôi sam, nay đã nhuộm màu sương, chạy dài bên phải khuôn mặt, qua cổ, xuống tới ngực. Mắt chị không chịu được ánh sáng, không còn nhìn rõ để bước đi từng bước, nhưng vẫn ngời lên ánh sáng của nội tâm mỗi khi chị nói về những mối tình và những cuộc chiến đấu đan kết suốt cuộc đời : Viollis, Nguyễn Đình Thi, nạn nhân chất độc da cam, những người bạn kháng chiến Pháp, những chị em của « đội quân tóc dài » miền Nam Việt Nam… Về Viollis : « Họ đã tính dùng xe ủi đất để san bằng ngôi mộ Andrée, nhưng sau 4 năm đấu tranh, cùng với một vài người bạn Pháp và Việt Nam, cuối cùng chúng tôi đã gìn giữ được ngôi mộ ». Về Nguyễn Đình Thi, mối tình vừa chớm nở đã lìa tan « vì quốc gia đại sự ». Mối tình son sắt, tinh khôi mà đớn đau như một vết thương mở toác : « Tôi viết thư hỏi thăm tin tức sức khoẻ anh ấy, viết cho cả Hội nhà văn, mà chẳng thấy hồi âm… Rồi chiều hôm trước ngày an táng, tôi mới được thông báo chính thức là anh ấy từ trần… Một phần thư từ trao đổi riêng tư của chúng tôi đã biến mất… Những lá thư bị lấy trộm, đem bán, những tấm ảnh riêng tư được đưa lên báo mà không xin phép tôi… Tôi rất buồn, và giận. Người ta đã cướp đi mối tình đẹp của tôi, đã làm nhơ bẩn nó. Thậm chí còn làm nguy hại cho tôi. Mà mọi chuyện lại đến từ Việt Nam, đất nước mà tôi đã yêu quý và hiến dâng vô vàn… Bây giờ là những lời đồn bẩn thỉu, lại phát ra từ cửa miệng những kẻ đã làm giàu bằng cách bòn rút tôi. Tôi đã giúp các con của anh Thi, như bác Hồ đã căn dặn tôi, nhưng tôi đã ngừng trợ cấp từ nhiều năm nay rồi. Trái với những lời đồn đại, tôi chưa hề mua một căn hộ nào ở Paris để tặng ai cả. Tôi rất phẫn nộ vì sự bịa đặt này bởi vì làm như vậy khác nào tôi muốn khuyến khích vài người Việt Nam bỏ đất nước sang sống ở Paris. Nó còn có mục đích nguỵ trang tài sản bất chính của kẻ tung ra lời đồn. Tôi cũng không hề lập ra một « quỹ Nguyễn Đình Thi » nào cả. Làm sao người ta có thể bịa đặt vô tội vạ như thế ? ». Hai bàn tay nhỏ nhắn của Madeleine siết chặt nhau, đôi má đỏ lên. Cơn phẫn nộ làm chị đẹp và trẻ hẳn ra. Chị không còn để tâm đến ống kính lạnh lùng và chăm bằm của camera. Chị nhìn thẳng vào chúng tôi. Chị nói, chị nói không để thời giờ cho phiên dịch, chị muốn chúng tôi phải làm chứng, chị cật vấn chúng tôi với tất cả sự đam mê.

« Cuộc đấu tranh cho nạn nhân chất độc da cam : chúng ta đã làm được khá nhiều điều hay, nhưng còn bao nhiêu việc phải làm…. ». « André, chú mèo con của chị, chú có thể vào lấy trong cái hộp màu vàng để cạnh giường của chị, một điếu xì-gà nhỏ không ? ». Chị đốt điếu thuốc trước ống kính, như bất kể lễ nghi, hóm hỉnh liếc nhìn tôi và uống một ngụm rượu vang đỏ. Bà già, lại là thứ bà già nữ anh hùng, dám phì phèo xì gà và nốc rượu trước vô tuyến truyền hình Việt Nam ! Madeleine là thế : đầy sinh lực, bất kham, bất chấp những quy ước sáo mòn và lấy đó làm thú vị. Nhìn về phía các bạn Việt Nam hơi bị khựng, chị mỉm cười, nói : « Tôi có cảm tưởng, ở Việt Nam người ta coi tôi đã quá… cố rồi ». Người phiên dịch hơi ngập ngừng. Madeleine bình tĩnh trở lại : « Thôi, không sao. Cho qua đi nhé… », chị nói, như để xin lỗi đã đặt chúng tôi vào thế lúng túng. Các bạn tôi vội đi, nhưng rõ ràng cuộc gặp đã làm họ xúc động. Chúng tôi phải về ngoại ô xa, kịp nấu cơm tối. Họ kính cẩn chào chị.

Ngày hôm sau, tôi quay lại thăm chị, lần này vắng bóng ống kính camera, để hỏi thăm sức khoẻ của chị, để biết hàng ngày chị sống ra sao… Lúc ấy chị mới thố lộ những điều mà chị ngại nói với người khác. Ghi lại ở đây, tôi không nghĩ là tôi sẽ phản bội sự tin cậy của chị, mà chị có giận thì tôi cũng xin chịu : Madeleine sống một mình, mắt nhìn không rõ nên đã hai lần vấp ngã cầu thang, dập cổ chân, gãy xương sườn. Vết thương ‘An-giê-ri’ chữa ẩu khiến chị không sử dụng được bàn tay phải, cách đây mấy tháng phải cắt cả ngón tay đeo nhẫn. Sém nữa chị bị hoại thư và nhiễm khuẩn huyết. Sang tháng sáu sẽ lên bàn mổ lần nữa. Chị nói như đùa : « Có bao giờ cậu gặp một nhà văn 83 tuổi viết văn mà mắt thì mù, tay phải thì bất động ? ». Tôi đề nghị chị ghi âm rồi thuê người đánh máy. « Chị không đủ tiền ». Tôi hỏi : « Thế còn cái nhà của chị ở Normandie ? Nơi mà Thảo, Ba, Dung… những người bạn trong phái đoàn Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam hồi hội nghị Paris đã ra nghỉ, thỉnh thoảng chị có ra ngoài ấy không ? » « Hết rồi : mái thì sập, cái nền nhà cũng sập sệ. Chị không đủ tiền để sửa, nhưng chị rất muốn, vì nơi đó có biết bao kỉ niệm ». Ngay trong căn hộ này, chị cũng đang phải cắt nước vì ống chì và rô-bi-nê hư hỏng. « Vừa rồi, chị phải bán một phần căn hộ để có thể trang trải bao nhiêu kinh phí như thế ».

Ngoại trừ một hai người bạn chí thân, Madeleine đơn độc. Đơn độc kinh khủng, và bất lực trước những khó khăn đời thường của tuổi già. Một sự đơn độc khác nào sự bỏ rơi không mấy vinh dự gì cho những màu cờ mà chị đã giương cao. Nó biến thành trâng tráo những tuyên bố mĩ miều của tất cả những ai trước kia đã lớn tiếng ca tụng con người ấy.

Ngoài kia, mưa đổ xuống Paris.

André Menras

(Paris, 27.5.2008)

Nguyễn Ngọc Giao dịch từ nguyên bản Pháp ngữ


Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss