Bạn đang ở: Trang chủ / Nhân vật / James Đỗ mà tôi biết

James Đỗ mà tôi biết

- Nguyễn Hoàng — published 10/01/2015 20:40, cập nhật lần cuối 12/04/2016 22:22


James Đỗ mà tôi biết


Nguyễn Hoàng



dbphuoc Tôi, chúng tôi, vừa mất một người bạn. James Đỗ Bá Phước. Với tôi, đó là Phước. Một cơn bệnh bất ngờ và bạo liệt đã cắt ngắn đời sống Phước, ở tuổi 62. Chỉ trong một khoảng thời gian tính bằng giờ, tôi theo dõi từ xa chuyển biến sức khoẻ của Phước, qua các thông điệp trên Face Book và điện thoại, với những người bạn thân của chúng tôi. Không nhiều thay đổi, kết cuộc nhìn thấy sớm và gần như dứt khoát. Dứt khoát đến độ mình cứ như không tin, chưa chịu tin những gì mình nhận được.

Tôi nói với vợ: cứ như một cái “joke” nữa của Phước với bè bạn. “Joke” của Phước kể thì nhiều, trong số đó, không ít trường hợp, kể xong Phước phải hỏi: “Không cười hả?” Anh chàng thông minh và hay đùa ấy có kiểu kể “joke” (và chọn lựa “joke”) riêng. Thường phải có những vặn vẹo của luận lí (twisted logic) thì mới hợp tạng với chàng. Cho nên, nghe xong, chưa kịp hiểu để cười thì lạ lắm sao?

Chúng tôi quen biết và trở thành bạn của nhau cũng đã hơn 42 năm. Chặng đường khá dài để hiểu nhau đôi chút. Bắt đầu từ chỗ Phước đối với một số bạn lớn tuổi hơn chỉ như một chú em, vừa tuổi 20. Lúc đó, tiếng Việt của một cậu trai vừa học trường Tây và trường Mĩ, lại qua chặng đường sống giữa người Mĩ nhiều hơn người Việt, như Phước thì rất tệ. Nhưng, thật chóng vánh Phước và các bạn cùng lứa đã xác định vị trí và vai trò của các bạn ấy giữa anh chị em. Sự nghiêm túc, quyết tâm và phẩm chất của Phước đã xoá nhoà rất nhanh các lằn ranh tuổi tác. Và cái lằn ranh ngôn ngữ cũng được Phước đẩy lùi xa dần khá nhanh. Một phần cũng có thể nhờ tiếng Việt là ngôn ngữ sinh hoạt chính của anh chị em. Nhưng, phần lớn, tôi nghĩ, vì đó là Phước.

**

Sau 1975, trong số bạn bè, Phước là người chia sẻ với tôi rất nhiều. Chúng tôi làm chung với nhau trong nhiều công việc. Và trong một nghĩa nào đó, Phước là đầu mối kêu gọi và qui tụ nhiều anh chị em để làm việc với nhau. Phước và tôi đã đi chung nhau trong rất nhiều chuyến đi làm việc ở Việt Nam. Còn nhớ, sau một buổi họp (vào những năm đầu 1990) với một số “đối tác” ở Hà Nội, ra đến sân ngoài, Phước -- anh chàng Mĩ con -- lắc đầu, chán ngán hỏi tôi: “Hồi nãy, mấy ông đó đồng ý với mình hay không đồng ý với mình vậy?” Tôi suýt chết cười. Phước đang học tiếng Việt thật nghiêm túc, nhưng Phước chưa lên đến cấp tiếng Việt có nhiều chất trơn nhớt (oily) này.

Thế nhưng, Phước học rất nhanh. Và có lẽ nhiệt tình, sự chân thật và kiên trì của Phước đã giúp Phước vượt qua những chuyện vặt vãnh, những khôn vặt của đời, để đem đến cho Phước những quan hệ đáng trân trọng và bền vững ở Việt Nam. Nơi gặp nhau của những con người Việt xứng với tấm lòng của Phước.

Có một khía cạnh về cá tính của Phước mà tôi (chủ quan) nhận thấy: Trong giao tế, nhất là giao tế mang tính công việc, Phước không có chủ tâm hay nỗ lực làm vừa lòng người khác một cách dễ dãi, thiếu nguyên tắc. Sự thành bại của công việc, cái lẽ phải của sự việc đối với Phước quan trọng hơn là những thứ bọc đường được đổi trao cho “đẹp lòng nhau”. Chợt nhớ, một thời nào đó trong vòng anh chị em, có Phước, chúng tôi có thuật ngữ: “những nụ cười plastic”. Phước không thích mua bán những nụ cười ấy. Và đã có những lúc khó khăn thật sự trong đời sống, Phước cũng đã gạt bỏ những nụ cười -- lẫn những xót thương -- plastic như vậy. Có lẽ cách sống truy tìm tận chỗ chân tình, chỗ thực chất mà cho đến khi nằm xuống, Phước đã tạo được lắm mối chân tình với bao nhiêu người.

*

Nịnh và làm vui lòng người khác, kể cả nịnh đầm? Với Phước hình như hiếm thấy. Một lần, Phước và tôi đang ở Hà Nội. Một người bạn Hà Nội mua vé mời Phước đi nghe buổi trình diễn nhạc đang được nhiêu người trầm trồ, chờ đợi, do tiếng tăm của người soạn nhạc. Tôi chỉ được ăn theo. Vào chương trình chưa bao lâu, không sợ phụ lòng cô bạn, Phước thoải mái đi vào giấc ngủ. Tôi liếc nhìn, tức cười. Rôi cô bạn cũng đã phì cười nhìn bạn Phước kéo gỗ nhè nhẹ theo lời ca, tiếng nhạc vang vang. Chưa hết. Thỉnh thoảng chàng Phước thức giấc, lắng nghe tí ti. Rồi chàng phán tỉnh rụi: “Nhạc gì bài nào cũng giống bài nào”. Vậy là đủ để cho Phước thư thả quay về giấc ngủ. Quan trọng là cô bạn vẫn không chút phật lòng. Cô chỉ cười, kêu là đi nghe nhạc với anh Phước thì chán chết.

Nhưng Phước lại là người rất thích nghe nhạc. Chỉ có phần hơi kén. Nếu tôi có được bên Phước trong lần tiễn đưa cuối cùng này ở quê nhà, có lẽ tôi sẽ đề nghị ai đó để khúc mùa Đông, trong tấu khúc “Bốn mùa” của Vivaldi cho Phước.

Phước rất thích nấu ăn. Và rất tự hào về cái bếp của mình trong ngôi nhà ở California trước đây; ngôi nhà mà vợ chồng con cái tôi đã nhiều lần ghé lại với Phước, Ánh và cháu Anh Minh. mỗi lần như thế, Phước lại trưng ra một món đồ nhà bếp mà Phước biết là tôi không có. Trò chơi Thạch Sùng thi khoe của (nhà bếp) này cũng là một trò vui của tôi và Phước.

**

Nhiều bạn đã và sẽ nói về Phước ở nhiều khía cạnh khác, với tôi tình thân phần lớn được bồi đắp qua quan hệ công việc. Với Phước, dẫu rằng khi nhớ lại những kỉ niệm thì hầu như tôi lại chỉ nhớ những điều rất nhỏ nhoi, vụn vặt, những điều có thể làm tôi tức cười, nhưng đàng sau tất cả những chuyện ấy là một người bạn, một đồng nghiệp, một đồng sự vững vàng, tin cậy và năng nổ. Phước là phần bổ sung quan trọng cho thói xấu lười biếng giao tiếp, tồi tệ trong việc gìn giữ các mối quan hệ bạn bè và công việc của tôi. Cộng thêm tính tốt qui củ của một người làm quản lí của Phước, trong rất nhiều trường hợp, Phước đã là người giữ cho tôi đi theo một nề nếp nào đó trong khoảng thời gian chúng tôi làm việc gần bên nhau.

Sau khi Phước về Việt Nam lập công ti với một người bạn thân, tôi cũng có dịp đến thăm Phước vài lần. Phước của những năm tháng ấy thật ra lại là một bất ngờ khác về cách chọn lựa cho công việc và cuộc sống. Thú thật, nếu nghĩ theo một nếp nào đó thì lẽ ra Phước sẽ là người sau cùng trong đám bạn bè chọn về sống và làm ăn ở Việt Nam. Nhưng, cũng như nhiều cái “joke” của Phước, người nghe phải suy ngẫm, hay nghiền ngẫm, một lúc thì mới hiểu ra. Thì mới có thể hiểu cái thâm ý của người kể.

Một lần hiếm hoi, một buổi tối Sài Gòn, Phước rủ tôi ra quán cà phê ở trung tâm thành phố ngồi tỉ tê tâm sự. Phước nói về những khó khăn, một số điều bất ưng trong công việc, trong đời sống. Nhưng vẫn là cách nhìn của một “fighter”, của một người chọn lựa và ý thức về sự chọn lựa của mình. Không ngờ, đó là lần trò chuyện thân mật sau cùng của tôi với Phước.

**

Để hôm nay đây, ngồi nhớ lại những gì mình từng có duyên may chia sẻ với Phước trong phần đời tạm bợ này, tôi vẫn còn ấm ức chưa hiểu hết cái “joke” sau cùng mà Phước để lại cho người thân và bạn bè. Lại một trò đùa với thứ “luận lí bị vặn vẹo” của số mệnh? Vì, cũng như 42 năm trước, với tôi, Phước vẫn ít tuổi hơn mà?

Nhưng thôi, trong khi tôi ráng suy nghiệm về lẽ sống chết qua cái “joke” này thì Phước hãy ngủ yên. Thật bình yên.

Nguyễn Hoàng


Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
CONFÉRENCE DÉBAT 24/05/2024 19:00 - 23:00 — la Médiathèque JP Melville (Paris 13e)
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss