Bạn đang ở: Trang chủ / Thế giới / Đẹp và đầu phiếu

Đẹp và đầu phiếu

- Đỗ Kh. — published 21/06/2009 12:30, cập nhật lần cuối 21/06/2009 12:30
Về cuộc bầu cử quốc hội ngày 7.6.2009 tại Lebanon


“Đẹp và đầu phiếu”


 Đỗ Kh.


hinh-1

 

Cuộc bầu cử quốc hội ngày 7.6.2009 được coi là một cuộc bầu cử quyết định nếu theo nhiều lo ngại, cử tri tại quốc gia này sẽ bầu lên một đa số mới là liên minh lãnh đạo bởi tổ chức rùng rợn Hebzbollah. Lebanon là một quốc gia đa tôn giáo và từ ngày độc lập (1943) có một nền dân chủ đại nghị tự do và phóng khoáng nhất (nếu không nói là duy nhất) trong khu vực Trung Đông.

Để bảo đảm sự có mặt của mọi thành phần, quốc hội Lebanon dành 64 ghế cho đại biểu Hồi giáo và 64 ghế cho Đại biểu Ki tô[1]. Sự xếp đặt này rất là phức tạp, như luật bất thành văn là tổng thống phải là Ki tô Maronite, thủ tướng là Hồi giáo Sunni và chủ tịch Quốc hội là Hồi giáo Shia[2].

Quốc hội 2005-2009 có một đa số thân Tây phương và Saudi với 70 ghế, đối lập thân Iran và Syria là 58 ghế.

Đa số do Saad Hariri (con của nhà tỉ phú và thủ tướng bị ám sát) lãnh đạo gồm hầu hết đại biểu Sunni, hầu hết Druze (Đảng Xã hội Cấp tiến) và một số đại biểu Ki tô. Thiểu số gồm hầu hết Shia (Hebzbollah và phong trào thế tục Amal, Đảng cộng sản) và một số đại biểu Ki tô.

Vì các cứ địa Sunni và Shia, Druze không thể lay chuyển nên thay đổi chỉ có thể đến từ phía cử tri Ki tô, có nghĩa là thay đổi tương quan giữa các phong trào Ki tô, giữa phía hữu khuynh (Lực lượng Lebanon, đảng Kataeb) và phong trào (Cam) của tướng Aoun. Tóm lại, thắng hay bại của đối lập ở bầu cử này là trọng trách của ông Aoun.

Các thăm dò cho đối lập cầm quyền với 67 hay 68 ghế, khiến Phó Tổng thống Mỹ Biden phải sang đến tận nơi răn đe cử tri đừng theo gương người Palestine ở Gaza (từng sai lầm nghiêm trọng khi bỏ phiếu bầu Hamas). Lời của ông có gang có thép và kết quả là đa số chẳng thua mà còn được thêm một ghế (71), đối lập mất một còn 57. Cử tri Sunni và Shia, Druze vẫn bất di bất dịch, ông Aoun là người đại bại trước cử tri Ki tô, phong trào Ái quốc Tự do của ông từ 21 ghế chỉ còn 19.


hinh-2

Đẹp và Hebzbollah


Bầu cử tại Lebanon được xem là công bằng và đúng tiêu chuẩn quốc tế. Trong giới hạn của những ràng buộc giáo phái, ảnh hưởng cha truyền của các lãnh chúa, các nhà chính trị và hệ thống “thân chủ”, thì gọi đó là trong sạch lại là một chuyện khác. Thằng bé nhà tôi cần có việc ở một cơ quan, thế thì thằng bé nhà tôi năm nay ra đại biểu đấy. tôi tìm việc cho con anh và gia đình anh bỏ phiếu cho con tôi. Đây không hẳn là “gian lận”, ở nước nào chẳng thế nhưng tại một nước nhỏ bé như Lebanon (trên 4 triệu dân) thì vấn đề “có qua có lại” này được tăng âm trong vận hành dân chủ. Như việc người Lebanon ở nước ngoài không được bỏ phiếu ở đại sứ quán mà phải về nước thực thi quyền này. Mỗi kỳ bầu cử, các đảng phái lại mời kiều bào tại các nước Ảrập lân bang và ngay cả ở Âu, ở Mỹ về thăm quê hương, sở phí do các ứng cử viên đài thọ. Con số này lên đến vài chục ngàn, đủ để làm lệch một số đơn vị bấp bênh. Nếu lao động tại Saudi hay Vùng Vịnh chẳng hạn, áp lực về thăm nhà này lại gia tăng vì có thể mất cư trú hay mất việc tại những nước “bạn” này nếu không ngoan ngoãn. Ngoài ra, tiện lợi là mua phiếu tại chỗ. Một cử tri đứng vơ vẩn trước phòng phiếu được người quen hỏi, thế nào, đã bỏ phiếu chưa? Ông trả lời, chưa, tôi còn đợi được giá! Đây là chuyện cười, nhưng tiền mua phiếu là tiền thật, năm nay trung bình là 750 USD. Sau bầu cử, lại có chuyện kể, một số người ốm đau kéo nhau đến thăm quả phụ Hariri. Bà ra đuổi, bảo, có ốm đau thì hãy đợi đến kỳ bầu cử sau!


hinh-3

Đẹp và Kataeb


Vị trí của phong trào Ái quốc Tự do khiến vào kỳ này họ phải dùng một hình ảnh “mô-đéc” để tranh cử với với khẩu hiệu quái đản là “Đẹp và đầu phiếu”! Một lãnh đạo của phong trào sau kết quả đã than thở rằng “Chúng tôi gắng giải thích là nếu liên minh thắng, Lebanon sẽ không trở thành như Iran với phụ nữ phải mặc áo choàng. Thế nhưng tiếc thay, cử tri lại không nghe!” Cổ động viên của phong trào, nữ thì kéo quần xệ xuống thêm trên háng, nam thì trên phố mở champagne và tu ừng ực cốt để minh họa lời giải thích trên (Iran tất nhiên là cấm rượu) nhưng không đạt hiệu quả. Có uống rượu và có đeo kính mát mô-đen che mắt thay vì đeo khăn che mặt (chỉ chừa có mắt ra) thì cử tri vẫn ngại Hebzbollah. Tháng 5.2008, khi tình hình căng thẳng, Hebzbollah và đồng minh đã ra quân, trong hai ngày chiếm thành công tất cả các vị trí thành phố Beirut, bao vây tư dinh của gia đình Hariri để dương oai, ngay sau đó rút đi và mời quân đội đến trả lại các vị trí. Ý đây là cho thấy, dễ như lấy đồ trong túi đấy nhưng tôi còn lịch sự.


hinh-4      hinh-5

Đẹp và Màu Cam


Vả lại, có lẽ chiếm đa số làm Hebzbollah cũng ngại, lâm vào thế thắng của Hamas đâm ra lại rắc rối và rách việc. Dù thiểu số tại Quốc hội, Hebzbollah vẫn ảnh hưởng được chính sách của cả nước và vẫn cai quản được phần lãnh địa của họ như là một quốc gia độc lập một cách hiệu năng. Chuyện kể là, ngồi trên xe nhắm mắt lại, đến chỗ nào hết sóc và đường hết ổ gà thì biết là đã đến khu vực cai quản bởi Hebzbollah. Mở mắt ra, thì chỉ thấy có phụ nữ đội khăn trên đầu!


Đỗ Kh.




[1] Vào chi tiết, số ghế của mỗi giáo phái như sau.

Ki tô: Maronite (thuộc hệ Vatican nhưng là một giáo phái Ki tô truyền thống ở địa phương) 34 ghế, Hy Lạp 22, Armenian 6, Tin Lành 1, Ki tô khác 1.

Hồi giáo: Sunni 27 ghế, Shia 27, Druze 8, Alawite 2.

[2] Cho đến giờ, hôn nhân dân sự (tức là không tôn giáo) vẫn không có tại Lebanon mà phải ra nước ngoài. Năm 2009, 100 công dân đầu tiên đòi được quyền không ghi tôn giáo trên giấy tờ hộ tịch. Tuy nhiên, đặc quyền tôn giáo không phải chỉ là trường hợp của Lebanon hay Trung Đông gì đó. Tại Ireland, nghĩa là tại quốc gia sung túc nhất Âu châu ngày nay, trên thực tế học sinh cấp 2 và cấp 3 phải theo học tại trường đạo (Công giáo) và chỉ từ 1984 mới có trường cấp 1 thế tục. Số trường cấp 1 này là 200 cho cả nước trong khi số trường đạo là 3.000.

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss