Bạn đang ở: Trang chủ / Thế giới / Hồi kì cố vấn Trung Quốc (10)

Hồi kì cố vấn Trung Quốc (10)

- Dương Danh Dy dịch và hiệu đính — published 30/03/2009 00:00, cập nhật lần cuối 30/03/2009 00:18
Phần chót của tập hồi kí, do Trương Quảng Hoa viết


Hồi kí cố vấn Trung Quốc (10)


ĐOÀN CỐ VẤN QUÂN SỰ HOÀN THÀNH NHIỆM VỤ VIỆN TRỢ CUỘC ĐẤU TRANH CHỐNG PHÁP CỦA VIỆT NAM


Trương Quảng Hoa


Đọc những phần trước :

(1) (2) (3) (4) (5) (6) (7) (8) (9)



Từ tháng 8 năm 1950 đến đầu năm 1956, Đoàn cố vấn quân sự Trung Quốc giúp Quân đội nhân dân Việt Nam tác chiến và xây dựng, đã làm rất nhiều việc. Đồng thời, Đoàn cố vấn quân sự còn coi trọng xây dựng nội bộ, tổng kết kinh nghiệm thực tiễn, không ngừng cải tiến lề lối làm việc. Sau khi cuộc chiến tranh chống Pháp của Việt Nam giành được thắng lợi, lập lại hoà bình ở Đông Dương, nhiệm vụ lịch sử viện trợ cuộc đấu tranh chống Pháp của Việt Nam mà Đoàn cố vấn quân sự gánh vác hoàn thành thắng lợi. Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc kịp thời ra quyết định từng bước rút Đoàn cố vấn quân sự đến mùa xuân 1956, toàn thể đoàn viên đoàn cố vấn đã rút về nước. Hành động thực tế của Đoàn cố vấn quân sự gương mẫu chấp hành nhiệm vụ quốc tế đã tăng thêm tình hữu nghị chiến đấu giữa nhân dân hai nước Trung – Việt.


I. Đoàn cố vấn quân sự hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ lịch sử


Dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, Quân uỷ Trung ương, được sự quan tâm và ủng hộ của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng Lao động Việt Nam, Đoàn cố vấn quân sự phát huy tinh thần quốc tế vô sản, đã hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ quốc tế gian khổ và vẻ vang của đảng giao cho, đã cống hiến sức mình vào thắng lợi của cuộc chiến tranh chống Pháp của Việt Nam và lập lại hoà bình ở Đông Dương.

Trong thời gian hơn 5 năm, Đoàn cố vấn quân sự chủ yếu làm mấy việc dưới đây.

Thứ nhất : Giúp Quân đội nhân dân tổ chức chỉ huy tác chiến, giành thắng lợi chiến tranh chống Pháp.

Căn cứ vào chỉ thị của Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc và thực tế đấu tranh của Việt Nam, Đoàn cố vấn quân sự coi việc gúp quân đội tổ chức chỉ huy tác chiến, không ngừng giành thắng lợi trong chiến dịch, chiến đấu, đánh bại bọn xâm lược Pháp là nhiệm vụ trung tâm của mình. Từ tháng 8 năm 1950 Đoàn cố vấn quân sự sang đến Việt Nam đến đình chiến Đông Dương năm 1954, Quân đội nhân dân lần lượt tiến hành tám chiến dịch quy mô tương đối lớn : Biên giới, Trung du, Đông bắc, Ninh Bình, Hoà Bình, Tây Bắc, Thượng Lào, Điện Biên Phủ. Trừ chiến dịch Hoà Bình, do Đoàn cố vấn quân sự đang tập huấn chỉnh đốn chưa ra mặt trận trực tiếp giúp chỉ huy ra, còn các chiến dịch khác đều tiến hành dưới sự giúp đỡ của Đoàn cố vấn quân sự từ quyết sách đến tổ chức thực hiện trong suốt quá trình chiến dịch.

Trong tám chiến dịch nói trên, đặc biệt quan trọng là ba lần thắng lợi Biên Giới, Tây Bắc, Điện Biên Phủ, Đoàn cố vấn quân sự đều đưa ra đúng lúc kiến nghị có tính chiến lược và giúp vạch kế hoạch tác chiến chu đáo, thực thi tổ chức chỉ huy linh hoạt cơ động, dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng Lao động Việt Nam và Tổng quân uỷ, Quân đội nhân dân anh dũng tác chiến, đã đập tan thắng lợi các kế hoạch chiến tranh từ De Lattre de Tassigny đến Navarre, từng bước giành được thắng lợi trong chiến tranh chống Pháp. Đồng thời Quân đội nhân dân được rèn luyện và thử thách trong chiến đấu thực tế, nhanh chóng trở thành một quân đội cách mạng có thể nắm vững và vận dụng chiến lược chiến thuật của chiến tranh nhân dân, có khả năng tác chiến kiên cường.

Thứ hai : Giúp quân đội nhân dân tăng cường xây dựng quân sự, nâng cao tố chất quân sự của bộ đội.

Căn cứ theo yêu cầu phát triển của tình hình Đoàn cố vấn quân sự giúp Quân đội nhân dân thực hiện ba lần chuyển biến về tư tưởng chỉ đạo tác chiến và xây dựng quân đội, tiến hành ba lần chỉnh đốn biên chế tổ chức trang bị và huấn luyện quân sự có tính toàn quân. Lần thứ nhất, là chuyển biến từ đánh du kích lên đánh vận động bắt đầu từ chiến dịch biên giới năm 1950. Thích ứng nhu cầu của chuyển biến này, được Trung Quốc viện trợ và Đoàn cố vấn quân sự giúp đỡ cụ thể, Quân đội nhân dân lần lượt thành lập 6 đại đoàn bộ binh và 1 đại đoàn công pháo thống nhất biên chế, cải thiện trang bị, tăng cường huấn luyện chiến thuật kỹ thuật bước đầu nắm vững cách đánh vận động và năm kỹ thuật lớn. Sức chiến đấu nâng cao rõ rệt.

Lần thứ hai là chuyển biến từ đánh công kiên quy mô nhỏ lên đánh công kiên quy mô lớn từ sau chiến dịch Tây Bắc, Thượng Lào năm 1953. Thích ứng nhu cầu của chuyển biến này, Trung Quốc viện trợ quân đội nhân dân thành lập thêm bộ đội trọng pháo, cao xạ pháo, Đoàn cố vấn quân sự giúp biên soạn tài liệu công kiên tập đoàn cứ điểm, thống nhất tư tưởng tác chiến, tăng cường huấn luyện chiến thuật kỹ thuật công kiên, nâng cao năng lực tác chiến công kiên của bộ đội.

Lần thứ ba là chuyển biến từ môi trường chiến tranh sang môi trường hoà bình, từng bước thực hiện chính quy hoá hiện đại hoá quân đội từ sau khi Việt Nam thực hiện đình chiến. Được Trung Quốc viện trợ và Đoàn cố vấn quân sự giúp đỡ, quân đội nhân dân thống nhất hơn nữa biên chế toàn quân, cải thiện thêm một bước trang bị mới và tăng cường bộ đội đặc chủng tiến hành huấn luyện chính quy có hệ thống đối với bộ đội, làm cho bộ mặt bộ đội đổi mới.

Thứ ba : Giúp Quân đội nhân dân tăng cường xây dựng chính trị, nâng cao tố chất chính trị của quân đội.

Một là, giúp đặt đúng vị trí và vai trò xứng đáng của công tác chính trị trong quân đội, chú trọng tăng cường lãnh đạo tư tưởng, tăng cường chỉ đạo công tác chính trị thời chiến, bắt tay từ giáo dục cơ bản, có bước đi tổ chức tiến hành bốn đợt giáo dục tư tưởng chính trị lớn trong toàn quân, từ đó nâng cao rất nhiều giác ngộ chính trị của bộ đội, khích lệ nhiệt tình kháng chiến to lớn và tinh thần chiến đấu quên mình bảo đảm thắng lợi của chiến dịch và hoàn thành mọi nhiệm vụ, đồng thời làm cho cán bộ các cấp trong Quân đội nhân dân nhận thức được tính chất cực kỳ quan trọng của việc tăng cường lãnh đạo chính trị tư tưởng của đảng, từng bước học hỏi bản lĩnh tiến hành công tác chính trị tư tưởng, điều đó có ý nghĩa sâu xa đối với việc xây dựng Quân đội nhân dân.

Hai là, giúp tăng cường xây dựng đảng trong quân đội. Sau khi công khai tổ chức của Đảng Lao động trong quân đội, giúp xây dựng và kiện toàn chế độ đảng uỷ, xây dựng tập thể đảng uỷ, làm sống động sinh hoạt đảng, tăng cường xây dựng cơ sở đảng, chỉnh quân chính trị năm 1953, làm trong sạch đội ngũ của đảng. Những biện pháp cơ bản này đã nâng cao rất lớn sức chiến đấu của đảng uỷ và chi bộ các cấp.

Ba là, giúp Tổng cục Chính trị xây dựng kiện toàn bộ máy các ban nghiệp vụ, xác định rõ ràng chức trách công việc, huấn luyện cán bộ nghiệp vụ, tăng cường xây dựng nghiệp vụ, không ngừng tổng kết kinh nghiệm công tác chính trị và tăng cường chỉ đạo công tác, làm cho cơ quan chính trị các cấp và các loại nghiệp vụ ngày càng kiện toàn và hoàn thiện.

Giới thiệu có hệ thống kinh nghiệm công tác chính trị thời chiến của quân đội Trung Quốc cho Tổng cục chính trị quân đội nhân dân. Quân đội nhân dân theo kiến nghị của cố vấn Trung Quốc triển khai các hoạt động tôn trọng cán bộ, yêu quý chiến sĩ, phát huy dân chủ, thi đua giết giặc lập công v.v.. đã có tác dụng rất lớn đối với giành thắng lợi tác chiến.

Thứ tư : Giúp Quân đội nhân dân đào tạo huấn luyện cán bộ, nâng cao tố chất của đội ngũ cán bộ.

Một là, giúp đào tạo, nâng cao cán bộ. Đây là một khâu quan trọng để làm tốt việc xây dựng đội ngũ cán bộ Quân đội nhân dân, bảo đảm nhu cầu tác chiến và xây dựng quân đội. Giúp tổ chức các lớp huấn luyện luân phiên các cấp nhiều khoá, bồi dưỡng huấn luyện cán bộ mọi mặt. Nhất là nhóm cố vấn chính trị giúp Tổng cục chính trị tổ chức lớp huấn luyện luân phiên trọng điểm là đào tạo huấn luyện cán bộ trung cao cấp, lần lượt tổ chức được 8 khoá, đã đào tạo huấn luyện hàng loạt cán bộ quân sự, chính trị, hậu cần, đạt hiệu quả rõ rệt. Trường sĩ quan lục quân do Trung Quốc giúp đỡ mở tại Vân Nam (sau dời về Quảng Tây, sau đình chiến dời về Hà Nội) cũng cử cố vấn Trung Quốc đến giúp mọi mặt trong mấy năm đã đào tạo huấn luyện trên một vạn cán bộ, đã đóng vai trò quan trọng đối với tăng cường đội ngũ cán bộ quân đội nhân dân.

Hai là, sau chiến dịch biên giới, kịp thời nắm bắt giúp giải quyết vấn đề đường lối, phương châm chinhs ách cán bộ. Thực hành phương châm lấy công nông làm nòng cốt, đồng thời cũng coi trọng việc bồi dưỡng và sử dụng cán bộ xuất thân không phải công nông, uốn nắn cách làm chỉ chú ý đề bạt cán bộ trong phần tử trí thức, làm cho số lớn cán bộ công nông ưu tú trong bộ đội trưởng thành nhanh chóng, cán bộ xuất thân không phải công nông cũng nâng cao giác ngộ, kiên định lập trường chính trị.

Thứ năm : Giúp Quân đội nhân dân tăng cường xây dựng hậu cần, nâng cao năng lực bảo đảm hậu cần.

Một là, giúp Quân đội nhân dân tăng cường xây dựng cơ bản hậu cần. Ngay từ đầu giúp hậu cần xây dựng tư tưởng chỉ đạo đúng đắn coi việc phục vụ tiền tuyến, phục vụ bộ đội, bảo đảm tác chiến thắng lợi là nhiệm vụ trung tâm của công tác hậu cần. Giúp xây dựng, kiện toàn và chỉnh đốn tổ chức hậu cần các cấp, tăng cường công tác chính trị của hệ thống hậu cần và quản lý cán bộ hậu cần, bồi dưỡng năng lực nghiệp vụ và tác phong cần cù tiết kiệm của cán bộ hậu cần. Giúp xây dựng và hoàn thiện các quy tắc điều lệ chế độ, chỉnh đốn công tác tài chính kinh tế, tăng cường quản lý tài chính kinh tế, từng bước khắc phục hỗn loạn về cung cấp quân nhu và công tác bảo đảm hậu cần khác tồn tại do không có quy chế điều lệ để tuân theo, làm cho công tác hậu cần từng bước đi vào quỹ đạo không ngừng nâng cao năng lực bảo đảm.

Hai là, giúp làm tốt xây dựng hậu phương, nâng cao năng lực bảo đảm hậu cần sau chiến dịch. Sữa chữa, làm mới các con đường ở căn cứ địa hậu phương của quân đội nhân dân, xây dựng tuyến giao thông vận tải thuỷ bộ thông ra tiền tuyến, và cả việc xây dựng binh trạm và hệ thống cấp cứu chữa bệnh v.v.. đều tiến hành dưới sự viện trợ rất lớn của Trung Quốc và giúp đỡ của cố vấn Trung Quốc. Trong mấy chiến dịch lớn, từ chuẩn bị hậu cần trước chiến dịch đến thực thi các bảo đảm hậu cần trong quá trình chiến dịch, đều được Đoàn cố vấn quân sự hỗ trợ cụ thể, Tổng cục hậu cần Quân đội nhân dân lãnh đạo tiến hành. Rất nhiều kiến nghị đúng lúc, sát thực tế của cố vấn giúp phía Việt Nam tránh được sai sót, cải tiến công tác, khắc phục khó khăn, bảo đảm nhu cầu của tiền tuyến. Với sự nỗ lực của toàn thể cán bộ hậu cần quân đội nhân dân, công tác bảo đảm hậu cần chiến dịch ngày càng tốt, đóng vai trò xứng đáng trong việc giành thắng lợi của chiến dịch.

Thứ sáu : Hỗ trợ làm tốt công tác viện trợ vật tư quân sự cho Việt Nam, bảo đảm nhu cầu tác chiến và xây dựng của Quân đội nhân dân.

Trong thời kỳ chiến tranh chống Pháp của Việt Nam, Trung Quốc là nước duy nhất cung cấp số lớn viện trợ không hoàn lại cho Việt Nam. Theo thống kê chưa đầy đủ trong thời kỳ chiến tranh chống Pháp Trung Quốc đã viện trợ cho Quân đội nhân dân Việt Nam 155.000 khẩu súng các loại, 57.850.000 viên đạn các loại, 3692 khẩu pháo các loại, 1.080.000 đạn pháo các loại, 840.000 quả lựu đạn, 1231 ôtô, 1.400.000 bộ quân phục, hơn 14.000 tấn lương thực và thực phẩm phụ hơn 26.000 tấn dầu, và rất nhiều thuốc men và vật tư quân dụng khác.

Viện trợ vật tư quân sự của Trung Quốc cho Việt Nam bắt đầu từ tháng 6 đầu năm 1950. Sau khi Đoàn cố vấn quân sự vào Việt Nam, căn cứ vào tình hình cụ thể và yêu cầu của Bộ tổng Quân đội nhân dân, đã giúp phía Việt Nam vạch kế hoạch yêu cầu vật tư viện trợ nửa năm hoặc cả năm, đề xuất kiến nghị với Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc xem xét kế hoạch viện trợ. Khi cần thiết, còn căn cứ vào nhu thực tế của tác chiến Quân đội nhân dân, đáp ứng yêu cầu của phía Việt Nam, kịp thời đề xuất kiến nghị viện trợ khẩn cấp tạm thời với Trung ương Đảng và Quân uỷ Trung ương Trung Quốc, để bảo đảm nhu cầu của tác chiến trong chiến dịch Điện Biên Phủ, Trung Quốc đã tăng thêm rất nhiều viện trợ trang bị và vật tư quân sự như ôtô, súng ống, xăng dầu, đạn dược, lương thực v.v..

Công tác sáu mặt trên đây của Đoàn cố vấn quân sự đều tuân theo nguyên tắc tư tưởng của Mao Trạch Đông về chiến tranh nhân dân và quân đội nhân dân, kết hợp với tình hình đã hoàn thành mỹ mãn hai nhiệm vụ to lớn giúp Việt Nam đánh thắng trận và xây dựng quân đội chính quy mà Trung ương Đảng Trung Quốc giao cho.


II. Sự lãnh đạo kiên cường, kịp thời của Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc đối với Đoàn cố vấn quân sự


Trung ương Đảng và Quân uỷ Trung ương Trung Quốc rất quan tâm và coi trọng công tác của Đoàn cố vấn quân sự. Trước khi ra nước ngoài, lãnh đạo Trung ương Mao Trạch Đông, Lưu Thiếu Kỳ, Chu Đức đích thân gặp gỡ các cố vấn, ân cần dặn dò ý nghĩa to lớn của công tác ở Việt Nam, giao rõ nhiệm vụ, và đưa ra yêu cầu nghiêm khắc. Trong thời gian đoàn cố vấn ở Việt Nam, các kiến nghị quan trọng liên quan đến tác chiến và xây dựng quân đội nêu ra với phía Việt Nam đều qua Mao Trạch Đông, Lưu Thiếu Kỳ, Chu Ân Lai v.v.. phê duyệt. Trong các điện chỉ thị của Trung ương Đảng và Quân uỷ Trung ương gửi cho Đoàn cố vấn quân sự có rất nhiều cái tự tay Mao Trạch Đông chấp bút. Mỗi một chiến dịch quan trọng và mỗi một công việc quan trọng, Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc và Quân uỷ Trung ương đều có chỉ thị cụ thể cho Đoàn cố vấn. Sự lãnh đạo kiên cường, kịp thời của Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc là bảo đảm căn bản cho Đoàn cố vấn quân sự hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ viện trợ Việt Nam đấu tranh chống Pháp.

Trong thời gian Đoàn cố vấn quân sự công tác tại Việt Nam, toàn thể đồng chí ghi nhớ chỉ thị của các đồng chí lãnh đạo Trung ương, thành tâm thiện chí phục vụ sự nghiệp giải phóng của nhân dân Việt Nam với nhiệt tình chính trị tràn đầy. Các đồng chí và cán bộ chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam cùng hành quân đánh giặc, ăn ngủ ngoài trời, đồng cam cộng khổ, đoàn kết hợp tác, quân hệ chan hoà. Thi hành nghĩa vụ quốc tế bằng hành động thực tế gương mẫu được Quân đội nhân dân từ trên xuống dưới nhất trí đánh giá tốt. Nhưng do nguyên nhân chủ khách quan sống ở môi trường nước ngoài lâu dài, phân tán chấp hành nhiệm vụ, thiếu kinh nghiệm công tác nước ngoài v.v... nên trong công tác cũng nảy sinh một số vấn đề. Nhất là ở giai đoạn đầu sang Việt Nam công tác có nhiều đồng chí có lúc chủ quan, nóng vội trong công tác không chú ý lắm đến phương thức, phương pháp hoặc bao biện làm thay, thiếu điều tra nghiên cứu có hệ thống, giới thiệu kinh nghiệm Trung Quốc không chú ý lắm đến tình hình thực tế của Việt Nam, yêu cầu quá cao, quá gấp đối với phía Việt Nam, công tác thiếu trọng điểm, dẫn đến có lúc ảnh hưởng đến hiệu quả công tác.

Nhằm vào tình hình nói trên, sau ba chiến dịch vùng đồng bằng, Đoàn cố vấn quân sự tập trung toàn thể cố vấn và nhân viên công tác tiến hành một cuộc chỉnh đốn tư tưởng và tổ chức từ tháng 11/1951 đến đầu 1952. Trong cuộc chỉnh huấn này, chú trọng giáo dục chủ nghĩa quốc tế, tổng kết công tác hơn một năm qua, liên hệ tư tưởng cá nhân và thực tế công tác, trao đổi kinh nghiệm, đẩy mạnh phê bình và tự phê bình. Đồng thời, thành khẩn trưng cầu ý kiến của phía Việt Nam, và mời lãnh đạo Quân đội nhân dân giới thiệu có hệ thống lịch sử, tình hình hiện thực của Quân đội nhân dân và tình hình quân địch. Qua cuộc chỉnh đốn lần này đã làm sâu sắc thêm hiểu biết về nhiệm vụ công tác của đoàn cố vấn, uốn nắn hơn nữa thái độ công tác, nâng cao tính tự giác chấp hành “quy tắc công tác của đoàn cố vấn”, tăng cường đìều tra nghiên cứu tình hình Việt Nam, làm cho kinh nghiệm Trung Quốc và thực tế Việt Nam được kết hợp một cách chặt chẽ hơn.

Sau đó dưới sự chủ trì của Đặng Dật Phàm, đã tăng cường công tác tư tưởng đối với các cố vấn, sinh hoạt đảng đều đặn, quản lý chặt chẽ cán bộ đi cùng, bảo đảm hoàn thành mọi nhiệm vụ.

Trên cơ sở chỉnh đốn tư tưởng, đã tiến hành điều chỉnh tổ chức tương đối lớn. Rút bỏ cố vấn đơn vị tiểu đoàn Quân đội nhân dân. Đầu năm 1952 điều một số cố vấn cấp đại đoàn, trung đoàn, tiểu đoàn về nước và tinh giảm số lớn cán bộ đi cùng, làm cho bộ máy tổ chức của Đoàn cố vấn quân sự tương đối tinh gọn, từ lúc bắt đầu gần 300 người giảm xuống còn hơn 100 người. Sau đó Đoàn cố vấn quân sự đặt trọng điểm giúp quân đội và Bộ Tổng và mấy đại đoàn chủ lực, các đại đoàn 308, 312, 316 và đại đoàn công pháo 351, để nhóm cố vấn tinh gọn, đơn vị dưới trung đoàn nói chung không cử cố vấn nữa. Chẳng bao lâu, Nguyễn Chí Thanh thay mặt Trung ương Đảng Lao động Việt Nam nêu ra yêu cầu cử thêm cố vấn các ban chủ yếu của Bộ Tổng tham mưu và cố vấn chính trị của đại đoàn chủ lực. Tháng 5, 7 năm 1952, Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc tiếp nhận yêu cầu của Trung ương Đảng Lao động Việt Nam, lại tiếp tục cử một đợt cố vấn quân sự, chính trị, hậu cần. Hạ tuần tháng 6, tại Bắc Kinh, Lưu Thiếu Kỳ tiếp một số cán bộ mới sắp cử sang công tác tại Việt Nam, một lần nữa ra chỉ thị quan trọng về ý nghĩa to lớn sang công tác tại Việt Nam và làm thế nào để làm tốt công tác cố vấn.

Đoàn trưởng Đoàn cố vấn quân sự Vi Quốc Thanh về nước nghỉ chữa bệnh sau khi kết thúc chiến dịch Ninh Bình tháng 6/1951, Quân uỷ Trung ương xét thấy tình hình sức khoẻ đồng chí tạm thời không thể trở lại Việt Nam công tác, nên ngày 29/5/1952, bổ nhiệm La Quý Ba kiêm làm Đoàn trưởng Đoàn cố vấn quân sự Trung Quốc, Mai Gia Sinh làm Phó đoàn trưởng thứ nhất, Đặng Dật Phàm làm Phó đoàn trưởng thứ hai. Ngày 15/6, Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc phê chuẩn hợp nhất Đoàn cố vấn quân sự và Đoàn cố vấn chính trị. Đoàn cố vấn chính trị do La Quý Ba lãnh đạo thành lập 11/1950, Đoàn cố vấn quân sự, chính trị thông báo tình hình cho nhau, phối hợp chặt chẽ với nhau trên công tác. Sau khi La Quý Ba kiêm nhiệm Đoàn trưởng Đoàn cố vấn quân sự, hai đoàn cố vấn hợp lại, công tác càng thêm thuận tiện.

Ngày 29/9/1952, trước ngày Quốc khánh lần thứ ba nước Cộng hoà nhân dân Trung Hoa, Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc gửi thư thăm hỏi động viên La Quý Ba và toàn thể cố vấn cùng nhân viên công tác trong đoàn cố vấn. Trung ương ngỏ lời “ thăm hỏi động viên thắm thiết nỗi vất vả hai năm qua ”, nêu rõ công tác của đoàn cố vấn “ đạt thành tích nhất định ”, “ Điều đó không những có ý nghĩa đối với cuộc đấu tranh của nhân dân Việt Nam và nhân dân Trung Quốc mà còn có ý nghĩa đối với cuộc đấu tranh của phe dân chủ thế giới ”. Đồng thời chỉ rõ : “ Các đồng chí nhất thiết không được vì thế mà kiêu căng tự mãn ”, “ các đồng chí còn có khuyết điểm với mức độ khác nhau ” “ mong các đồng chí nhanh chóng sửa chữa ” “ để nâng cao công tác lên một bước ”, “ hoàn thành nhiệm vụ vẻ vang mà Trung ương giao cho các đồng chí ”. Bức điện vừa động viên vừa phê bình vừa hy vọng đó đã khích lệ và giáo dục rất lớn đối với toàn thể đoàn viên đoàn cố vấn.

Tháng 5/1953, Đoàn cố vấn căn cứ vào kinh nghiệm thực tiễn hơn hai năm qua và nhu cầu triển khai công việc hơn nữa, đã xây dựng lại “quy tắc công tác Đoàn cố vấn”. “quy tắc” mới so với “quy tắc” cũ, nội dung đầy đủ hơn, quy định chi tiết hơn, yêu cầu chặt chẽ hơn. Sau khi báo cáo “quy tắc công tác Đoàn cố vấn” lên Trung ương, Mao Chủ tịch đích thân sửa chữa bổ sung. Ngày 29/5, Trung ương Đảng phên chuẩn công bố thi hành.

Ngày 23/9/1953, Trung ương Đảng ra “chỉ thị về công tác cố vấn” nêu rõ : Làm cố vấn ở nước anh em, dù đối với Đảng Cộng sản Trung Quốc hay đối với đảng anh em đều là một trách nhiệm chính trị cực kỳ to lớn. Chúng ta phải toàn tâm toàn ý giúp đỡ đảng anh em, nhưng phải cố hết sức tránh giúp sai. Vì vậy, đoàn cố vấn phải xử lý đúng đắn quan hệ ba mặt : quan hệ cố vấn các cấp với Ban chỉ huy đoàn cố vấn và Ban chỉ huy đối với Trung ương ; quan hệ Trung ương đối với Ban chỉ huy đoàn cố vấn và Ban chỉ huy đối với các cố vấn; quan hệ Ban chỉ huy đoàn cố vấn đối với Trung ương Đảng Lao động Việt Nam, các cố vấn đối với tổ chức các cấp Đảng Lao động Việt Nam ở đơn vị mình công tác. Xử lý quan hệ ba mặt này như thế nào cho tốt, “chỉ thị” nêu rõ ràng xác đáng : quan hệ của cố vấn đối với cố vấn cấp trên và ban chỉ huy đoàn cố vấn đối với Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc cần phải chặt chẽ hơn, báo cáo nhiều hơn, phản ánh tình hình nhiều hơn hiện nay. Chỉ thị của Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc và chỉ thị của Ban chỉ huy đoàn cố vấn đối với cố vấn cấp dưới đều không phải là chỉ thị đối với Trung ương Đảng Lao động Việt Nam và tổ chức các cấp của họ. Sau khi cố vấn nhận được chỉ thị của cấp trên phải nghiên cứu những chỉ thị đó đã thoả đáng chưa, thời cơ đề xuất với đối phương đã chín muồi chưa, chứ không nên vừa nhận chỉ thị cấp trên là lập tức đề xuất kiến nghị đối phương mà chẳng suy nghĩ gì cả. Quan hệ giữa cố vấn và đảng Lao động Việt Nam là quan hệ với đồng chí đảng anh em. Cố vấn không được tự mình ra tay, cũng không được thủ trưởng phụ trách, càng không được tự mình xuất diện đấu tranh với tư tưởng sai lầm trong đảng Lao động Việt Nam.

Đề xuất kiến nghị cần thiết, chỉ nên gói gọn trong những vấn đề tương đối lớn. Không nên cưỡng ép đối phương chấp nhận, cũng không nên can thiệp vào nhân sự của đối phương. Cố vấn nên đứng sau màn, không nên ra sân khấu biểu diễn, càng không nên ra sân khấu đóng vai chính. “Chỉ thị” nghiêm túc phê bình cách làm sai lầm bao biện làm thay, khách lấn chủ nào đó trong công tác cố vấn.

Chỉ thị trên của Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc là văn kiện quan trọng về chuẩn tắc quan hệ giữa đảng anh em, các nước anh em, là kim chỉ nam hành động của công tác cố vấn. Lãnh đạo đoàn cố vấn rất coi trọng, tổ chức cho toàn thể cố vấn nghiêm chỉnh học tập, liên hệ thực tế tự kiểm điểm kiên quyết quán triệt tinh thần chỉ thị của Trung ương và trong công tác thực tế, toàn tâm toàn ý, phục vụ sự nghiệp giải phóng của nhân dân Việt Nam có hiệu quả hơn. Sau khi Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc bổ nhiệm Vi Quốc Thanh làm Tổng cố vấn quân sự, La Quý Ba làm Tổng cố vấn chính trị, tháng 5/1954, chia tách bộ máy Đoàn cố vấn quân sự và Đoàn cố vấn chính trị. Ngày 22/5, Trung ương Đảng Cộng satn Trung Quốc ra “ chỉ thị Đoàn cố vấn cần học tập văn kiện hội nghị toàn thể Trung ương lần thứ tư tiến hành kiểm tra tư tưởng đối với Đoàn cố vấn quân sự, chính trị, yêu cầu Đoàn cố vấn kết hợp thực tế học tập nghị quyết của hội nghị toàn thể Trung ương lần thứ tư khoá 7, giải quyết những tư tưởng ảnh hưởng đến công tác, ảnh hướng đến đoàn kết tồn tại trong nội bộ, để tăng cường đoàn kết trong đảng và đoàn kết với đảng anh em ”. Từ ngày 21/6 đến 7/7, Đoàn cố vấn quân sự tập trung toàn thể cố vấn để truyền đạt, học tập văn kiện hội nghị toàn thể Trung ương lần thứ tư của đảng. Học tập lần này lấy nghị quyết hội nghị toàn thể Trung ương 4 dẫn đầu tiến hành kiểm điểm, triển khai phê bình và tự phê bình, rút bài học kinh nghiệm, đã thống nhất nhận thức, tăng cường đoàn kết.


III. Rút Đoàn cố vấn quân sự


Hạ tuần tháng 8 năm 1954, Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc quyết định chính thức thành lập Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam. Ngày 1/9, Đại sứ đầu tiên La Quý Ba trình quốc thư lên Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam chính thức thành lập.

Trung tuần tháng 9, La Quý Ba chuyển đề nghị của Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc về việc rút dần Đoàn cố vấn quân sự, chính trị lên Trung ương Đảng Lao động Việt Nam trưng cầu ý kiến của phía Việt Nam. Sau khi Trung ương Đảng Lao động Việt Nam thảo luận, bày tỏ đồng ý rút bộ máy tổ chức và tên gọi Đoàn cố vấn, tán thành từ nay về sau công khai mời cố vấn nhưng cho rằng cố vấn hệ thống quân sự này không nên áp dụng biện pháp mời công khai, vẫn nên giúp đỡ công tác bằng phương thức bí mật.

Ngày 10/10/1954, Đoàn cố vấn quân sự theo Bộ tổng Quân đội nhân dân về Hà Nội. Lúc này đoàn cố vấn có tất cả 237 người, trong đó nhân viên công tác bảo đảm cung cấp, y tế, điện đài v.v... chiếm đa số. Theo chỉ thị của Trung ương Đảng rút dần Đoàn cố vấn quân sự, Phó tổng cố vấn Mai Gia Sinh và một số cố vấn đại đoàn, trung đoàn đang nghỉ ở trong nước không phải sang Việt Nam công tác nữa. Tháng 7, 8 năm 1955, trong thời gian Vi Quốc Thanh nghỉ ở Bắc Kinh, Lưu Thiếu Kỳ, Đặng Tiểu Bình đã có chỉ thị về rút cố vấn của Đoàn cố vấn quân sự. Lưu Thiếu Kỳ nêu rõ, căn cứ vào tình thế mới, Đoàn cố vấn quân sự phải chia đợt rút về. Đoàn cố vấn đã giúp Việt Nam xây dựng bộ đội, huấn luyện bộ đội, tổ chức tác chiến v.v... đều đạt được rất nhiều thành tích. Về mặt giúp tiếp quản thành phố cũng có thành tích. Trước khi rút phải giáo dục toàn thể nhân viên không được có bất cứ chểnh mảng nào, phải làm tốt công việc từ đầu đến cuối. Trong công tác nếu mắc khuyết điểm sai lầm thì nên nghiêm chỉnh tự phê bình cố gắng làm tốt công tác đoàn kết. Đồng chí Đặng Tiểu Bình cũng nhấn mạnh, các đồng chí chúng ta công tác ở Việt Nam phải tích cực làm những công việc phải làm, phải đứng trên lập trường của nhân dân Việt Nam để làm việc, phải đoàn kết và tôn trọng các đồng chí Việt Nam, không được tuỳ tiện nêu ý kiến, làm sai còn phải bị phê bình.

Hạ tuần tháng 8, Vi Quốc Thanh từ Bắc Kinh về Hà Nội, truyền đạt chỉ thị nói trên của Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc và lãnh đạo Trung ương cho Đoàn cố vấn quân sự. Lúc này Đoàn cố vấn quân sự còn có tổ cố vấn quân sự, chính trị, hậu cần, pháo binh, công binh, hàng không dân dụng v.v.. vài chục cố vấn và nhân viên kỹ thuật. Ngày 2/9, sau khi đảng uỷ Đoàn cố vấn quân sự thảo luận nghiên cứu, đã sắp xếp cụ thể để quán triệt chấp hành chỉ thị của Trung ương ; trong tháng 9, 10, cuối năm và mùa xuân năm sau, nhân viên đoàn cố vấn chia làm ba đợt rút về nước, những người được mời làm chuyên gia quân sự và nhân viên kỹ thuật giao cho Phòng Tuỳ viên quân sự Sứ quán lãnh đạo, và nêu ra yêu cầu cụ thể để bảo đảm làm tốt các công tác và làm tốt đoàn kết trong ngoài trước khi rút.

Theo sắp xếp trên đây, trung tuần tháng 9/1955, sau khi hoàn thành nhiệm vụ công tác ở Việt Nam, Phó tổng cố vấn Đặng Dật Phàm và một số cố vấn rời Hà Nội về nước. Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam Nguyễn Chí Thanh đã hai lần trò chuyện thân tình với Đặng Dật Phàm trước khi về nước, bày tỏ tấm lòng cảm kích chân thành và tình bạn chiến đấu quyến luyến, và đích thân tiễn đồng chí đến mục Nam Quan nay là Hữu Nghị quan.

Ngày 24/2/1955, Bộ Quốc phòng và Bộ Ngoại giao nước Cộng hoà nhân dân Trung Hoa cùng ra “ quyết định về rút Đoàn cố vấn quân sự Trung Quốc tại Việt Nam và chuyển sang chuyên gia quân sự ”, đồng thời chỉ định Vương Nghiên Tuyền làm Tổ trưởng Tổ chuyên gia, Quốc Lâm Chi làm Bí thư đảng uỷ Tổ chuyên gia. Quyết định trên đây của Chính phủ Trung Quốc đưa ra trong tình hình phía Việt Nam nhiều lần yêu cầu Trung Quốc tiếp tục cử cố vấn quân sự. Võ Nguyên Giáp dẫn đầu đoàn đại biểu quân sự Việt Nam hai lần thăm Trung Quốc vào mùa hè và mùa đông năm 1955 đều nêu ra yêu cầu tiếp tục cử cố vấn giúp Quân đội nhân dân Việt Nam. Vì vậy, đồng thời với Chính phủ Trung Quốc đưa ra quyết định này Bành Đức Hoài viết thư cho Võ Nguyên Giáp trình bày cụ thể vấn đề rút Đoàn cố vấn quân sự. Trong thư nói : “ Hoà bình đã thực hiện ở Việt Nam, Quân đội nhân dân Việt Nam đã được tôi luyện qua tám năm kháng chiến, về các mặt tác chiến hay huấn luyện đều có tiến bộ rất lớn, và thu được kinh nghiệm tác chiến khá phong phú, đã đặt nền tảng tốt đẹp đi lên hiện đại hoá chính quy hoá. Để thích ứng với tình hình trên đây, chúng tôi cho rằng cần thay đổi phương pháp hiện nay do Trung Quốc cử cố vấn quân sự giúp Quân đội nhân dân Việt Nam công tác, cho nên quyết định rút bộ máy tổ chức của Đoàn cố vấn quân sự hiện có. Nếu Quân đội nhân dân còn có công việc nào đó cần Trung Quốc giúp mà chúng tôi có thể giúp được thì chuyển sang cử cán bộ có tính chất chuyên gia đi giúp ”.

Trong thư còn nói rõ : “ Theo đề nghị của đồng chí, đồng chí Vi Quốc Thanh sẽ đi Hà Nội một thời gian ngắn, hỗ trợ Tổng quân uỷ sắp xếp một số công việc cần thiết đã thảo luận ở Bắc Kinh, sau khi làm xong những việc đó, đề nghị để đồng chí đó trở về ngay Bắc Kinh ”.

Mang theo thư Bành Đức Hoài gửi Võ Nguyên Giáp, ngày 29/12/1955 Vi Quốc Thanh rời Bắc Kinh đi Hà Nội, tiếp tục giúp Quân đội nhân dân sắp xếp công việc mà ba bên Trung Quốc, Việt Nam, Liên Xô đã thảo luận ở Bắc Kinh. Ngày 13/1/1956 một đội nhân viên cố vấn quân sự nữa về nước. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ công tác, và tham gia hội nghị cán bộ cao cấp Quân đội nhân dân, nghe yêu cầu và ý kiến của phía Việt Nam đối với công tác về sau, theo chỉ thị của Quân uỷ Trung ương Trung Quốc, trung tuần tháng 3, Vi Quốc Thanh cùng với đoàn nhân viên cố vấn cuối cùng rời Hà Nội. Trước khi về, Hồ Chí Minh, Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp, Nguyễn Chí Thanh v.v... mở tiệc chiêu đãi Vi Quốc Thanh. Trong bữa tiệc, Hồ Chí Minh phiên dịch, mọi người trò chuyện với Vi Quốc Thanh nhiệt tình chân thành, bày tỏ tình hữu nghị chiến đấu keo sơn.

Đến đây Đoàn cố vấn quân sự Trung Quốc hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ lịch sử, mọi công việc kết thúc toàn bộ, cơ cấu tổ chức giải thể.


IV. Tình hữu nghị chiến đấu giữa nhân dân hai nước Trung – Việt trường tồn


Trong thời gian Đoàn cố vấn quân sự công tác tại Việt Nam được Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh tụ của nhân dân Việt Nam, Trung ương Đảng Lao động Việt Nam, Tổng Quân uỷ quan tâm nhiệt tình, tín nhiệm và ủng hộ rất lớn. Hồ Chí Minh nhiều lần nói : “ Tôi tuyệt đối tín nhiệm ” cố vấn Trung Quốc, cổ vũ cố vấn tích cực nêu ra kiến nghị, làm tốt công tác. Người yêu cầu “ giữa cán bộ Trung Quốc và Việt Nam phải đoàn kết ”, yêu cầu “ cán bộ Việt Nam phải thực thà học tập cán bộ Trung Quốc ”. Các kiến nghị liên quan đến quyết sách lớn tác chiến và xây dựng quân đội của Đoàn cố vấn quân sự đối với Việt Nam đều do Hồ Chí Minh từ hội nghị Trung ương Đảng thảo luận quyết định, sau đó Tổng Quân uỷ và cơ quan Bộ Tổng tổ chức thực hiện. Tổng quân uỷ và các tổng cục Quân đội nhân dân Việt Nam cũng rất quan tâm, tôn trọng và ủng hộ đoàn cố vấn. Nhiều lần bày tỏ “ nhiệt liệt hoan nghênh ” sự giúp đỡ của đoàn cố vấn, “ gửi gắm rất nhiều hy vọng ”, “ tôn trọng chân thành ” và theo sự phát triển của thực tiễn “ càng tin vào tính đúng đắn của tư tưởng Mao Trạch Đông và kinh nghiệm của Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc ”.

Sự tin cậy và ủng hộ của Trung ương Đảng Lao động Việt Nam, Tổng Quân uỷ và đông đảo cán bộ chiến sĩ Quân đội nhân dân đối với đoàn cố vấn là điều kiện quan trọng để Đoàn cố vấn quân sự hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ giúp Việt Nam đấu tranh chống Pháp.

Hồ Chí Minh cũng thân thiết, tỉ mỉ quan tâm đến cuộc sống của đoàn cố vấn. Người nhiều lần tiếp kiến các cố vấn và đến thăm nơi ở của đoàn cố vấn, thăm dò ý kiến, ân cần hỏi han, thân thiết như người nhà. Hoặc mời đồng chí lãnh đạo đoàn cố vấn cùng ăn cơm, hỏi chuyện nhà, bàn chiến sự, rất thoải mái. Mỗi khi có một số nhân viên mới đến công tác, Hồ Chủ tịch, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp v.v... đều đến đoàn cố vấn chào mừng, làm cho các đồng chí mới đến được giáo dục và cổ vũ. Mùa xuân năm 1953, Hồ Chí Minh còn mời riêng các đồng chí nữ trong đoàn cố vấn đến chỗ ở của người dự tiệc trà, biểu diễn văn nghệ, cùng vui liên hoan. Người nhiều lần tham gia hoạt động chúc mừng, ngày lễ lớn của hai đảng hai nước do Đoàn cố vấn tổ chức. Mỗi khi kết thúc hoạt động Người đều hào hứng chỉ huy mọi người hát vang bài ca “ Đoàn kết là sức mạnh ”. Có lúc Người còn làm thơ để bày tỏ tình cảm sâu sắc quan tâm, tin cậy, hữu nghị đối với đoàn cố vấn. Khi kết thúc chiến dịch biên giới, Hồ Chí Minh cho người đem tặng Trần Canh, Vi Quốc Thanh mấy chai rượu sâm banh của Pháp thu được trên chiến trường và kèm theo bài thơ chữ Hán :

Hương tân mỹ tửu dạ quang bôi.
Dục ẩm tì bà mã thượng thôi
Tuý ngoạ sa trường quân mạc tiếu
Địch binh hưu phóng nhất nhân hồi ”.

Tam dịch như sau :

Sâm banh một cốc rượu ngon
Vừa nâng bỗng một tiếng đờn cất lên
Uống say ở chốn sa trường
Mà quân địch vẫn không đường thoát thân

Dạt dào niềm vui, phấn khởi chiến thắng biên giới. Có một lần Hồ Chí Minh đến thăm nơi ở của đoàn cố vấn, gặp lúc Vi Quốc Thanh v.v... không có ở nhà. Hôm sau, Chủ tịch cho người đưa đến Vi Quốc Thanh một bài thơ :

Bách lý tầm quân vị ngộ quân
Mã đề đạp túy lĩnh đầu vân
Quy lai ngẫu quá sơn mai thụ
Mỗi đoá hoàng hoa nhất điểm xuân ”.

Tạm dịch là :

Trăm dặm tìm anh chẳng gặp anh,
Vó ngựa trèo lên đỉnh núi xanh.
Trở về bỗng thấy nhành mai núi.
Mỗi đoá hoa vàng, một điểm xuân ”.

Bày tỏ tình cảm nồng nàn của Người đối với Đoàn cố vấn quân sự - cũng là đối với nhân dân Trung Quốc.

Toàn thể đồng chí Đoàn cố vấn quân sự Trung Quốc với tinh thần quốc tế vô sản cao độ, cùng đông đảo chỉ huy Quân đội nhân dân Việt Nam đồng cam cộng khổ, hoạn nạn có nhau, không sợ ngày hè nắng gắt, không sợ khó khăn và hy sinh, làm việc cần cù vì sự nghiệp giải phóng của nhân dân Việt Nam. Thậm chí có đồng chí hiến dâng tuổi trẻ của mình yên nghỉ lâu dài trên mảnh đất Việt Nam. Họ đã vun xới thêm tình hữu nghị giữa nhân dân và quân đội hai nước Trung – Việt bằng tư tưởng phẩm chất đạo đức cao cả và hành động thực tế gương mẫu, được phía Việt Nam ca ngợi, Đảng, Chính phủ và quân đội Việt Nam đánh giá rất cao và cổ vũ rất lớn công tác của Đoàn cố vấn quân sự.

Tháng 7/1952, trong thư góp ý kiến của Tổng Quân uỷ quân đội nhân dân Việt Nam gửi đoàn cố vấn có nói : “ Nhờ có tư tưởng quân sự đúng đắn của Mao Chủ tịch và sự giúp đỡ nhiệt tình của các đồng chí, không những Quân đội nhân dân Việt Nam có tiến bộ, mà mấy đồng chí Tổng Quân uỷ chúng tôi cũng học tập tư tưởng và tác phong của các đồng chí ”. Ngày 2/1/1954, trong thư của Trung ương Đảng Lao động Việt Nam gửi Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc nói : “ Trong hơn một năm qua chúng tôi rất có tiến bộ. Sở dĩ có những tiến bộ đó, là do sự lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng, sự chiến đấu dũng cảm của nhân dân, công tác tích cực của cán bộ. Và quan trọng hơn là được sự chỉ dẫn quý báu của các đồng chí và sự giúp đỡ hết mình của các đồng chí cố vấn ”.

Ngày 28/10/1955, Võ Nguyên Giáp nói khi hội đàm với Bành Đức Hoài : “ Cố vấn Trung Quốc giúp đỡ chúng tôi rất lớn, tình đoàn kết giữa chúng ta cũng rất tốt. Cán bộ của quân đội Việt Nam không chỉ rất khâm phục, mà còn rất có cảm tình với đồng chí Vi Quốc Thanh ”. Để biểu dương công tác của đoàn cố vấn, sau chiến dịch biên giới năm 1950, Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà tặng “ kỷ niệm chương Hồ Chí Minh ” cho toàn thể các đồng chí Đoàn cố vấn quân sự. Nhân dịp quốc khánh Việt Nam 2/9/1953, lại tổ chức long trọng lễ trao huân chương ngay nơi ở Đoàn cố vấn tại Việt Bắc. Hồ Chí Minh, Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp v.v.. đến dự. Hồ Chí Minh đích thân trao huân chương cho các đồng chí cố vấn. Trao huân chương Hồ Chí Minh hạng hai cho La Quý Ba, Vi Quốc Thanh, trao huân chương quân công hạng hai cho Mai Gia Sinh, Đặng Dật Phàm, trao huân chương quân công hạng ba cho Vương Nghiên Tuyền, Lý Văn Nhất, lần lượt trao huân chương anh hùng, chiến sĩ thi đua và huân chương kháng chiến cho hơn 30 cố vấn và nhân viên công tác khác. Đồng thời tặng kỷ niệm chương kháng chiến cho 397 nhân viên đoàn cố vấn.

Trước khi đoàn cố vấn rút về nước, lại lần lượt trao huân chương quân công và huân chương anh hùng chiến sĩ thi đua cho một số cố vấn và nhân viên công tác. Công tác của Đoàn cố vấn quân sự Trung Quốc tại Việt Nam và những đóng góp cho cuộc đấu tranh chống Pháp của Việt Nam là một trang sử vẻ vang của quân giải phóng nhân dân Trung Quốc. Thắng lợi của chiến tranh chống Pháp của Việt Nam, căn bản nhất là kết quả đổ máu hy sinh, anh dũng phấn đấu của nhân dân và quân đội nhân dân Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh và đảng Lao động Việt Nam. Sự viện trợ quốc tế vô tư của Đảng, Chính phủ, nhân dân và quân đội Trung Quốc cũng là nhân tố không thể thiếu để nhân dân Việt Nam giành thắng lợi. Tình hữu nghị chiến đấu của nhân dân và quân đội hai nước Trung – Việt xây đắp nên tồn tại mãi mãi trong lịch sử hai nước Trung – Việt, nhân dân hai nước Trung – Việt mãi mãi không bao giờ quên.


Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss