Bạn đang ở: Trang chủ / Việt Nam / Đại học Việt Nam, vấn đề chất lượng

Đại học Việt Nam, vấn đề chất lượng

- Hà Dương Tường — published 09/01/2008 15:16, cập nhật lần cuối 09/01/2008 15:27
Trong bản báo cáo trước hội nghị toàn quốc về chất lượng giáo dục đại học, ngày 5.1.2008, thứ trưởng Bành Tiến Long nêu ra "bảy nguyên nhân" làm hạn chế đến chất lượng giáo dục đại học VN. Nhưng ông quên đi nguyên nhân của những nguyên nhân ấy...

 
   

Lại phải nói về chất lượng
Giáo dục đại học VN


Hà Dương Tường

   

Bộ Giáo dục - Đào tạo (dưới đây gọi tắt là Bộ, hoặc "bộ GD") vừa tổ chức một Hội nghị toàn quốc về chất lượng giáo dục ĐH, ngày 5.1.2008 tại  TPHCM. Mười bảy bộ và 343 trường ĐH, CĐ cả nước tham gia hội nghị nhằm làm rõ nhu cầu xã hội, thách thức về chất lượng, cơ cấu đào tạo của giáo dục ĐH để đặt ra mục tiêu cho 3 đến 10 năm tới.

Theo báo Tuổi Trẻ ngày 6.1, thứ trưởng Bành Tiến Long đã đọc một bản báo cáo dài "nhìn khá thẳng thắn vào thực trạng làm hạn chế nền GD hiện nay". Theo ông Long, tựu trung có bảy nguyên nhân làm hạn chế đến chất lượng giáo dục ĐH VN : tiêu chuẩn đảm bảo chất lượng chưa rõ ràng, thiếu đội ngũ chuyên gia hoạt động đánh giá và kiểm định chất lượng, chưa chú trọng nghiên cứu khoa học, thiếu nhà khoa học đầu đàn, hợp tác quốc tế còn hạn chế v.v.

Nhưng bảng liệt kê của ông thứ trưởng có đủ chứng minh là Bộ đã "nhìn khá thẳng thắn vào thực trạng làm hạn chế nền GD ĐH hiện nay" ?  Có thể trả lời dứt khoát là : không. Vì lẽ trước hết là ở tính mơ hồ về trách nhiệm của Bộ đối với từng "nguyên nhân" được kể ra. 

Chẳng hạn, về "nguyên nhân" thứ nhất ("các tiêu chuẩn đảm bảo chất lượng trong giáo dục ĐH chưa cụ thể và không rõ ràng, chưa có qui định cụ thể về kiến thức, kỹ năng cũng như thái độ cần thiết cho từng trình độ đào tạo."). Ông Long nêu nó ra chỉ hai tháng sau khi chính ông, với tư cách thứ trưởng thường trực bộ GD, đã ký thay bộ trưởng quyết định (ngày 1.11.2007) ban hành "Quy định về tiêu chuẩn đánh giá chất lượng giáo dục trường đại học". Bạn đọc có thể vào trang web này của Bộ, bấm vào "tệp đính kèm" để đọc toàn văn bản quy định này. Chương II của bản quy định đề ra 10 tiêu chuẩn, mỗi tiêu chuẩn lại gồm nhiều (từ 2 đến 9) thành tố, như kiểu chia một câu hỏi trong bài tập thành nhiều câu hỏi nhỏ giúp thí sinh dễ làm bài. Thí sinh đây chắc là những người sẽ phụ trách đi tới các đại học kiểm xem mỗi tiêu chuẩn đạt được bao nhiêu, rồi cộng điểm... Tầm nhìn thiển cận thể hiện qua những chi tiết tủn mủn, đầy tính hình thức và  nhiều chỗ mâu thuẫn lẫn nhau (bàn riêng về chuyện này khá dài, xin trở lại trong một bài khác), có phải đây là câu trả lời của Bộ về sự thiếu các tiêu chuẩn chất lượng "cụ thể và rõ ràng" kia ? Theo một cách nói phổ biến trong giới trẻ hiện nay, "tình hình là" những người soạn thảo quy định "đổi mới" này cũng là những người từ nhiều năm nay đã giữ trọng trách trong cùng lĩnh vực...    

Hoặc ở nguyên nhân thứ tư ("Thiếu các nhà khoa học đầu ngành trong các trường ĐH. Nhiều nhà khoa học hàng đầu đã đến tuổi nghỉ hưu, số còn lại đang làm việc thì quá bận với hoạt động giảng dạy và quản lý, giảng viên trẻ thiếu động lực trong nghiên cứu khoa học"). Người theo dõi tình hình ĐH VN đọc xong, không biết phải cười hay khóc. Cơ chế nào tạo ra lỗ hổng thế hệ đó, và vẫn đang tiếp tục làm thui chột các "động lực nghiên cứu khoa học" của các giảng viên trẻ ? Cơ chế nào đã tạo ra hàng loạt những tiến sĩ dỏm đang giữ những vị trí "quản lý" đầy quyền uy, cản đường tiến thủ của những người làm khoa học đích thực(1) ?  Bộ có trách nhiệm gì không trong việc tạo ra cái quy chế tính điểm không giống ai trong việc đánh giá các công trình nghiên cứu khoa học, trong việc "phong chức" (thay vì bổ nhiệm) giáo sư, phó giáo sư, khiến hầu hết những nghiên cứu sinh thành đạt ở nước ngoài phải ngao ngán không muốn trở về ?

Hoặc ở nguyên nhân thứ sáu ("Các điều kiện đảm bảo chất lượng còn nhiều hạn chế. Đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý còn thiếu về số lượng, hạn chế về trình độ và chưa đồng bộ về cơ cấu. Chương trình đào tạo, nội dung giảng dạy chưa được đổi mới và cập nhật thường xuyên. Phương pháp giảng dạy và học tập chưa phù hợp với điều kiện giảng dạy ĐH."). Ai áp đặt những "chương trình khung" nặng nề, với số giờ học gần gấp đôi chương trình tương đương ở nước ngoài, với những môn học ý thức hệ lạc hậu mà sự hiện diện khó có thể được biện minh bằng giải thích nào khác hơn rằng đó chỉ là sự chứng tỏ uy quyền của ĐCS, giập tắt từ trứng nước những manh mún tư duy độc lập của người sinh viên ? Làm sao những nhà giáo, những hiệu trưởng đại học có thể xoay xở trong cái khung áp đặt ấy để đề ra một "Chương trình giáo dục có mục tiêu rõ ràng, cụ thể, cấu trúc hợp lý, được thiết kế một cách hệ thống, đáp ứng yêu cầu về chuẩn kiến thức, kỹ năng của đào tạo trình độ đại học và đáp ứng linh hoạt nhu cầu nhân lực của thị trường lao động."? (điểm 2, trong Tiêu chuẩn 3 của bản Quy định đã dẫn; điểm 1 của tiêu chuẩn này là chương trình của các trường phải được xây dựng trên cơ sở chương trình khung Bộ ban hành). Thị trường có cần những người biết nhắc lại như những con vẹt các "nguyên lý" (giản lược hoá!) của chủ nghĩa Marx ?

"Nguyên nhân" cuối cùng là : "Cơ chế tài chính, đầu tư cơ sở vật chất và chế độ học phí còn bất cập". Đổi mới cơ chế tài chính cũng là điều mà thứ trưởng Bành Tiến Long cho là then chốt trong những nhiệm vụ trọng tâm để nâng cao chất lượng giáo dục đại học. Nhưng đọc kỹ, người ta thấy rõ ưu tiên mà các quan chức bộ GD nhắm tới trong việc "đổi mới cơ chế tài chính" này chính là việc tăng học phí, dù cho nguỵ trang dưới cách nói trung tính như "xác lập sự chia sẻ chi phí giáo dục ĐH giữa Nhà nước, người học và cộng đồng; các trường chủ động thực hiện đa dạng hóa nguồn tài chính, khai thác triệt để nguồn lực từ nghiên cứu khoa học...".  Thực ra, số người phản đối việc tăng học phí ở bậc đại học cũng không nhiều lắm, nhưng câu hỏi cần đặt ra là bao giờ mới có sự minh bạch về việc sử dụng tài chính cho giáo dục nói chung, giáo dục đại học nói riêng, trong đó có lộ trình rõ ràng để trả lương cho giáo chức tương xứng với nhiệm vụ được giao mà không phải dạy "sô" khắp nơi, bỏ bê công tác nghiên cứu khoa học vì kiếm sống ? Sự cho phép hiệu trưởng các trường đại học được "trả lương xứng đáng" cho giáo viên, mà bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân hứa trong hội nghị, liệu có thay thế được một chế độ lương chính qui tối thiểu xứng đáng với vị trí giáo viên đại học, hay chỉ tạo thêm quyền sinh sát cho những nhà quản lý ? Chưa kể, việc tăng thu nhập cho giáo chức theo kiểu các chính sách "ba lợi ích" ở các xí nghiệp quốc doanh thời thập niên 1980, thực tế là bằng cách tăng lượng sinh viên thông qua các lớp tại chức, chuyên tu v.v., như tác giả Vũ Quang Việt nhận định, không hề nhắm vào mục tiêu chất lượng của đại học.

Tóm lại, bản báo cáo của Bộ nói về chất lượng giáo dục Đại học mà không hề đả động tới rất nhiều phê phán của các nhà giáo dục, của xã hội nói chung, về sự quản lý vừa khép kín vừa bất minh của mình trong các khía cạnh tài chính, nhân lực v.v., hay về những quy chế lạc hậu nhưng lại được áp dụng rất nghiệt ngã về chương trình, về học thuật. Không một lời tiếp thu và kế hoạch sửa đổi. Thay vào đó (và song song với việc "thoải mái" cho phép tư nhân mở những trường đại học mà bộ thừa biết rằng không đủ điều kiện cả về giáo chức và cơ sở hạ tầng(2)), là những đe dọa "chế tài" những trường đại học không công bố "chuẩn đào tạo" (dù ông thứ trưởng nói rằng chưa có chuẩn cụ thể và rõ ràng!)... 

Thật khó có kết luận khác : lời giải bài toán chất lượng giáo dục đại học VN vẫn tít mù xa lắc (3).

Hà Dương Tường

Nguyên giáo sư Đại học Công nghệ Compiègne (Pháp)

Chú thích:

(1) Xem một ví dụ trong bài mới đây của Giáo sư Hoàng Tuỵ trên VietnamNet.

(2) Nhưng việc này lại dính tới một ngành kinh tế khác, ngành ký giấy phép, không thuộc chủ đề của bài này.  

(3) Khi bài đã viết xong, tác giả mới được biết tới bài viết "Đâu chỉ có bảy nguyên nhân" của giáo sư Trần Thượng Tuấn (cựu hiệu trưởng đại học Cần Thơ) trên Tuổi Trẻ ngày 8.1. Giáo sư Tuấn cho rằng Bộ "vẫn chưa nêu lên những nguyên nhân dẫn đến 7 nguyên nhân mà bộ đã đúc kết". Ông kể thêm vài nguyên nhân cơ bản hơn nhiều, tất cả "qui tụ ở sự bất cập về năng lực quản lý của hệ thống và sự chậm tiếp thu những ý kiến phản biện xã hội".


Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss