Bạn đang ở: Trang chủ / Việt Nam / Điện hạt nhân : không kinh tế

Điện hạt nhân : không kinh tế

- Nguyễn Khắc Nhẫn — published 19/11/2009 01:00, cập nhật lần cuối 19/11/2009 01:00


Điện hạt nhân không kinh tế mà còn rất nguy hiểm cho đất nước (*)


Nguyễn Khắc Nhẫn


Đối với tôi, công nghiệp điện hạt nhân không có triển vọng như có người lầm tưởng!

Làm điện hạt nhân không phải là đổi mới mà ngược lại có thể kìm hãm tiến bộ của đất nước. Tôi sẽ phát triển rõ hơn ý này trong ba khía cạnh dưới đây.


1. Vai trò điện hạt nhân trong hiện tượng thay đổi khí hậu

Những nhóm có thế lực lợi dụng hiện tượng thay đổi khí hậu đề cao quá trớn vai trò điện hạt nhân.

Với kịch bản của cơ quan quốc tế năng lượng (AIE) đưa ra năm 2007, giả thuyết làm ổn định CO2 đến mức 450 ppm có thể đưa tỷ lệ điện hạt nhân trên nguồn năng lượng sơ cấp toàn cầu lên đến 12% vào năm 2030. Con số này có nghĩa cần một công suất đạt 830 GW cho thế giới. Tổng số lò hiện nay là 440 với một công suất đặt là 370 GW. Tăng lên 830 GW có nghĩa là cần xây dựng thêm 600 GW đến năm 2030, vì đây đến đó hàng loạt lò đến tuổi phải chấm dứt vận hành.

Những lý do sau đây cho ta thấy không thể nào thực hiện được kịch bản trên: kinh phí đầu tư quá lớn, nhịp độ cấp bách sản xuất lò, sự khan hiếm chuyên viên kỹ thuật có kinh nghiệm, thời gian cấp giấy phép kéo dài vì mức độ an toàn đòi hỏi, quản lý chất thải phóng xạ chưa có lời giải thích đáng, khó tránh sự lan tràn vũ khí nguyên tử, kinh phí tháo gỡ nhà máy quá cao...

Đừng quên rằng tỷ lệ đóng góp của điện hạt nhân còn kém, phải cần thời gian hết sức lâu dài mới mong đóng được vai trò quan trọng. Theo báo cáo của GIEC (Bangkok 05- 2009), tỷ lệ đóng góp của điện hạt nhân trên tổng sản lượng điện sản xuất toàn cầu, hiện nay là 16%, đến năm 2030 sẽ tăng lên 18% là tối đa! Trong lúc đó hiện tượng thay đổi khí hậu đòi hỏi những lời giải cấp bách, không thể chờ đợi hàng chục năm, quá muộn !

Kết luận : Điện hạt nhân không phải là lời giải thỏa đáng cho nhu cầu năng lượng và sự thay đổi khí hậu.

2. Điện hạt nhân trong nhu cầu điện lực Việt Nam

Riêng về nhu cầu điện lực nước nhà, tôi hoàn toàn không đồng ý với những con số khổng lồ đã đưa ra! Nói rằng Việt Nam sẽ cần 380 tỷ kWh vào năm 2020 (gần 4 lần nhu cầu năm 2010) là hết sức vô nghĩa1. Không có nước nào có thể phát triển với một tốc độ kỷ lục như thế. Ta không thể tiếp tục ngoại suy mãi và áp dụng tốc độ tăng trưởng 15 %- 17% mỗi năm. (có nghĩa là cứ 4 - 5 năm phải nhân gấp đôi công suất các nhà máy điện và tất cả hệ thống giây cao thế và hạ thế toàn quốc ! ). Đường biểu diễn lũy thừa với một tốc độ khiêu khích như thế có ngày làm nổ hệ thống như bong bóng thổi phồng quá mạnh. Với mục tiêu tăng trưởng kinh tế 5 -6%, hệ số đàn hồi (coefficient d'élasticite)2 của Việt Nam cao nhất nhì thế giới ! Như thế tức là chúng ta lãng phí ngoài mức tưởng tượng và hiệu suất năng lượng (efficacité énergétique) của Việt Nam bé thấp nhất nhì! Với một chính sách tiết kiệm năng lượng dài hạn vững chắc, với một chiến lược khuếch trương mạnh mẽ năng lượng tái tạo, ta có thể không cần xây cất lò điện hạt nhân nào cả, tốn kém và vô cùng nguy hiểm cho các thế hệ con cháu. Mỗi lò 1000 MW, trung bình một năm sản xuất 6 đến 7 tỷ kWh . Sản lượng điện của 8 lò tối đa là 56 tỷ kWh. Lấy con số 380 tỷ kWh trên đây trừ bớt 56 tỷ kWh còn 324 tỷ kWh, một sản lượng điện vẫn còn lớn hơn nhiều so với nhu cầu thực của đất nước vào năm 2020 – 2025, nếu chúng ta kiên quyết áp dụng những chính sách chống lãng phí năng lượng trong nền kinh tế (mà có người ước tính lên đến 30%, tức khoảng 100 tỷ kWh !). Mặt khác, giá thành năng lượng tái tạo sẽ ngày càng kinh tế hơn. Theo tôi, đến chân trời 2025, một chính sách kiên quyết tiết kiệm năng lượng cộng với một chương trình khuếch trương mạnh mẽ năng lượng tái tạo sẽ có đủ khả năng để đáp ứng nhu cầu điện lực Việt Nam. Thế thì tại sao phải làm điện hạt nhân ? Chứng minh vì nhu cầu là hoàn toàn không đúng sự thật.

Ta cần hết sức cân nhắc, lựa chọn thật chu đáo những dự án đầu tư của ngoại quốc, trước khi cho phép xây cất những nhà máy đồ sộ, bắt buộc ta cung cấp điện năng một cách ồ ạt cấp bách. Mỗi lần gặp cơn khủng hoảng hay thất bại trên thị trường, họ đóng cửa các nhà máy này, thì ta sẽ thừa điện ngay, không ai mua. Như ở Trung Quốc hiện nay, kinh tế nước ta cũng đang mất thăng bằng trầm trọng (surchauffe). Trong tương lai, nếu lương công nhân lên quá mức cạnh tranh, một số doanh nghiệp ngoại quốc sẽ rút khỏi Việt Nam để đầu tư ở các nước có nhân công rẻ hơn (délocalisation ). Trung Quốc đã có ý định dời một số nhà máy sang Ai Cập. Đất Việt không thể mãi mãi là cơ xưởng rẻ tiền của thế giới ! Chiến lược xây dựng non sông phải có tầm nhìn xa, ngó quá gần sẽ sớm gặp bế tắc và thất bại nặng nề.

Chẳng lẽ chúng ta làm điện hạt nhân để phục vụ tư bản ngoại quốc hay sao?

3. Bài toán lựa chọn công nghệ

Nếu một hai ta quyết tâm xây nhà máy điện hạt nhân ở Ninh Thuận, tại sao phải cần 8 lò vào năm 2025 (trị giá cả thảy tối thiểu là 24 tỷ đô la ! Con số này có thể tăng lên gấp đôi – 48 tỷ đô la - vì chỉ vài năm mà giá đã tăng thêm 50%) . Với một kinh phí đầu tư quá lớn như thế, năng lượng tái tạo sẽ thừa sức cạnh tranh với điện hạt nhân. Đồng thời, 1 đô la xuất ra để làm năng lượng tái tạo có khả năng đem lại nhiều việc làm cho đồng bào – 15 lần lớn hơn nếu làm điện hạt nhân.

Kinh tế, tài chính, cơ cấu, nhân lực, môi trường, luật lệ an ninh, an toàn, không có lĩnh vực nào có thể chịu được áp lực với tốc độ xây cất nhà máy điện hạt nhân cao như thế. Chưa có nước nào thiếu điều kiện mà dám xung phong vào điện hạt nhân một cách mạo hiểm như ta (xin mời quý độc giả đọc các bài bình luận đầy tâm huyết của GS Phạm Duy Hiển và của tôi đã đăng trên báo chí hay trên mạng từ nhiều năm nay).

Và ta sẽ chọn kiểu lò nào, thế hệ 2 (đã lỗi thời) hay 3 (cùng một kiểu) ?

Lò thế hệ 3 của Mỹ A P 1000 giá rất cao (khoảng 5000 đô la mỗi kW).

Lò EPR (1600 MW) của Pháp đang được xây cất ở Phần Lan và ở Flamanville. Areva đang bị Phần Lan kiện tụng rắc rối, đòi Areva bồi thường 2,3 tỷ đô la vì công trường chậm trễ 3 năm. Vừa qua, các cơ quan an toàn (Autorité de sureté) của 3 nước Phần Lan, Anh và Pháp đã đồng thanh yêu cầu Areva nghiên cứu lại hệ thống an toàn và kiểm soát vì chất lượng chưa được bảo đảm lắm ! Lò thế hệ 3 EPR chưa ra đời đã có vấn đề, chứng tỏ sự mong manh của công nghiệp điện hạt nhân trên toàn cầu . Xây một lò là kẹt cả một thế kỷ (40 - 50 năm vận hành và thời gian tháo gỡ có thể kéo dài 50 năm). Không nên nghĩ rằng tất cả các lò thế hệ 2 sẽ được gia hạn thời gian vận hành đến 60 năm và lò thế hệ 3 đến 80 năm. Kéo dài thời gian vận hành như thế tốn ít nhất 500 triệu đô la mỗi lò. Mấy ai chịu xung phong lái một xe cũ với giấy phép được chạy thêm 10 năm nữa ?

EDF và CEA cũng bị chỉ trích vì đã để xảy ra vài sự cố như: mua lại các nhà máy điện hạt nhân cũ ở Mỹ với giá quá cao, bị bê trễ tại công trường EPR ở Flamanville, các thanh nhiên liệu bi treo kẹt ở nhà máy điện hạt nhân Tricastin, uranium nghèo tìm thấy ở Nga, 18 trên 58 lò phải ngưng chạy để tu bổ hay thay đổi tim, plutonium quên ở Cadarache.

Nước Pháp có giàu kinh nghiệm như thế từ hơn nửa thế kỷ nay3 mà còn gặp phải các sự cố trên, đem lại nghi ngờ và thắc mắc trong dân chúng về mức độ an toàn. Còn ta ?


Nguyễn Khắc Nhẫn

Nguyên cố vấn Nha kinh tế, dự báo, chiến lược EDF Paris
Nguyên GS Viện kinh tế năng lượng và  Đại học Bách khoa Grenoble


(*) Nguồn : trích tham luận gửi "Hội nghị Người VN ở nước ngoài lần thứ nhất", với sự cho phép của tác giả. Nhan đề và những tiểu đề cũng như những chú thích dưới đây là của Diễn Đàn


Chú thích :

1 Theo Tuần Việt Nam ngày 17.11.2009 :
« Từ năm 2007 đến 2009 Bộ Công Thương đã có ít nhất ba lần chính thức trình lên Chính Phủ dự án ĐHN Ninh Thuận, cả ba lần đều căn cứ trên dự báo nhu cầu điện năng năm 2020 theo cả ba kịch bản tăng trưởng cao, cơ sở và thấp. Nhưng các con số dự báo này cứ nhảy nhót đến chóng mặt. Xin đơn cử dự báo điện sản xuất năm 2020 theo kịch bản cao như sau: 334 tỷ kWh (tờ trình 12-04-2007), sau 9 tháng tăng lên 513 tỷ kWh (tờ trình 09-01-2008), rồi lại hạ xuống 380 tỷ kWh trong lần trình mới đây nhất lên Quốc Hội (09-09-2009). Dự báo trong hai lần trình kế tiếp cách nhau chưa đầy 9 tháng đã vênh đến 180 tỷ kWh sao có thể xem là tính kỹ ?. Trong khi đó một nhà máy với hai lò phản ứng mỗi năm chỉ sản sinh ra đâu đó khoảng 15 tỷ kWh, có nghĩa là dự báo nhu cầu điện năng năm 2020 có thể sai đến hơn 10 nhà máy ĐHN Ninh Thuận!

Nếu sau đây còn phải trình nữa, chắc chắn dự báo sẽ ngày càng thấp dần để trở về con số 230 tỷ kWh được ghi rõ trong Dự án Tiền khả thi ĐHN do Bộ Công Nghiệp lần đầu tiên trình lên Chính Phủ ngày 10-08-2005 dựa trên Tổng Sơ Đồ VI về quy hoạch phát triển ngành điện Việt Nam. Mà ngay với con số "khiêm tốn" này, các chuyên gia năng lượng Nhật Bản cũng phải lắc đầu: nó quá cao so với mặt bằng sử dụng điện trong khu vực! » (chúng tôi nhấn mạnh, DĐ)

2 Hệ số này là tỉ lệ giữa các tỉ số tăng trưởng điện năng và tăng trưởng tổng sản lượng quốc dân (GDP).

3 Nói thẳng là kinh nghiệm và trình độ công nghệ - khoa học của Pháp về phương diện này cao hơn Trung Quốc nhiều, và những tin hành lang về việc TQ có thể được chỉ định làm điện hạt nhân cho VN càng khiến cho người ta không khỏi lo ngại.

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss