Bạn đang ở: Trang chủ / Việt Nam / Lời chúc đầu xuân cho Xã hội công dân

Lời chúc đầu xuân cho Xã hội công dân

- Nguyễn Ngọc Giao — published 21/01/2012 00:15, cập nhật lần cuối 25/01/2012 17:34


Lời chúc đầu xuân
cho Xã hội Công dân


Nguyễn Ngọc Giao


Vượt khỏi những sự vụ dồn dập xảy ra trong những ngày cuối năm, có thể nói dữ kiện quan trọng nhất ở Việt Nam năm 2011 là sự xuất hiện đa dạng của xã hội dân sự, hay xã hội công dân.

Xã hội dân sự ấy ít nhiều đã từng có trong lịch sử Việt Nam. Trong thời quân chủ, giới nho sĩ gắn liền mục tiêu, lẽ sống, quyền lợi với chính quyền phong kiến, nhưng ở làng mạc cũng như thị thành, những nho sĩ không ra làm quan (vì không đỗ đạt hay đã treo ấn từ quan), và những nho sĩ làm quan về hưu, đã tạo thành một đối trọng trước cường quyền, một chuẩn mực quy chiếu về văn hóa, đạo lý cho toàn bộ xã hội, mà những từ ngữ "nho lâm", "sĩ khí", "sĩ phu Bắc (và không chỉ Bắc) Hà" biểu thị khá rõ sự tồn tại và sức mạnh. Trong thời Pháp thuộc, sau thất bại của phong trào Văn thân và trước khi ra đời các chính đảng đấu tranh cho độc lập dân tộc, phong trào Duy Tân (trường Đông Kinh nghĩa thục, thành lập các công ti kinh doanh...) là một biểu hiện mạnh mẽ của xã hội dân sự. Vào những năm cuối của thập niên 1930, Hội truyền bá quốc ngữ là một tiếp nối đầy hứa hẹn (thoạt đầu là sáng kiến của những nhân sĩ, trí thức như Nguyễn Văn Tố, Hoàng Xuân Hãn -- tác giả câu lục bát tưởng như ca dao I Tờ có móc cả hai, I ngắn có chấm Tờ dài có ngang ; rồi sau Cách mạng tháng Tám, đã huy động hàng triệu người)...

Ở miền Nam, từ 1954 đến 1975, bất chấp sự đàn áp của chế độ độc tài Ngô Đình Diệm và những chính quyền quân phiệt tiếp theo, xã hội dân sự / công dân vẫn tiếp tục tồn tại, không những làm chỗ dựa cho phong trào đấu tranh chính trị ở đô thị của Đảng cộng sản và Mặt trận dân tộc giải phóng, của phong trào Phật giáo, phong trào Công giáo tiến bộ, các lực lượng vẫn được gọi là "thành phần ba", mà còn là cơ sở quy chiếu tinh thần cho một xã hội bị chiến tranh và "văn hóa đồi trụy" hủy hoại. Các chính quyền Việt Nam cộng hòa không triệt tiêu được xã hội công dân thầm lặng mà mạnh mẽ ấy, một phần cũng nhờ hai nhân tố khách quan : (1) kế thừa chế độ thuộc địa ở Nam Kỳ, khác với chế độ bảo hộ ở Bắc và Trung Kỳ, với truyền thống tự do báo chí (tất nhiên là tương đối và hạn chế, nhưng có thực) ; (2) chính sách thực dân kiểu mới của Washington buộc chính quyền miền Nam phải để dành một không gian "tự do", dù chỉ là tượng trưng, để "quốc hội (Mỹ) trông thấy, quốc tế trông vào" (có thế mới nhân danh "Thế giới Tự Do" để chống Cộng).

Ở miền Bắc trong thời gian ấy, và trên cả nước từ ngày thống nhất, xã hội dân sự / công dân đã bị tìm cách triệt tiêu có hệ thống. Nghịch cảnh ấy có nhiều nguyên nhân, có lẽ không cần tranh luận cũng có thể nhận dạng và liệt kê những yếu tố chính. Trước hết, là những nguyên nhân có tính chất "ý thức hệ" (hệ tư tưởng) : như mọi đảng cộng sản lên cầm quyền, ĐCSVN đã áp dụng đường lối tổ chức xã hội theo mô hình Stalin và biến thể Á châu của nó là chủ nghĩa Mao (có tìm mỏi mắt trong các tác phẩm của Marx cũng không ra bóng dáng của mô hình này). Điều nghịch lý là trong thời kỳ đấu tranh giành độc lập, ĐCS rất giỏi phát hiện và phát huy sức mạnh của xã hội dân sự (điển hình là Hội truyền bá quốc ngữ) ; đến khi nắm được chính quyền, thì nó vội vàng và thô bạo "mặt trận hóa" xã hội dân sự, như muốn "trừ hậu họa", quên rằng một xã hội dân sự chân chính và lành mạnh chỉ có thể tồn tại và phát triển khi nó độc lập với các bộ máy quyền lực (nhà nước, tôn giáo, kinh tế...). Một chính đảng cầm quyền, đảng viên của nó nên và có quyền tham gia các tổ chức của xã hội dân sự, nhưng với tư cách thành viên tự nguyện, chứ không thể tự phong là lãnh đạo, nhất là lãnh đạo có ăn lương Nhà nước, khác nào mấy ông bà công chức của Ngô tổng thống được cử làm cán bộ "Phong trào Cách mạng Quốc gia" hay "Phong trào Liên đới Phụ nữ" ngày xưa.

Chính chủ trương sai lầm tự gốc rễ này khiến cho xã hội dân sự / công dân trong suốt mấy chục năm trời, đã bị trấn áp nặng nề, đôi khi với tất cả sự hăng say của những con người lẽ ra phải là thành viên năng nổ của xã hội. Xã hội công dân Việt Nam giống như nàng công chúa ngủ trong rừng sâu, còn được Nhà nước cẩn thận bịt miệng bịt mắt một cách "quán triệt". Tất nhiên, thi thoảng, nàng cũng cựa quậy, ú ớ như trong mùa xuân, mùa thu 1956, trong "đề cương" Hội nhà văn của Nguyên Ngọc năm 1979... Nhưng không thể hơn, khi bản thân Xã hội dân sự đã bị trói chặt trong chiều kích kinh tế của nó : chế độ bao cấp quan liêu, nhân danh chủ nghĩa tập thể, không cho phép bất cứ cá nhân nào tồn tại một cách độc lập (về kinh tế).

Chính những "cựa quậy" ở nông thôn (Vĩnh Phú, Hải Phòng), "phá rào" ở thành thị, trong bối cảnh sự phá sản của "chủ nghĩa xã hội hiện thực" ở trong nước, và sức ép quốc tế (sự thù địch của Trung Quốc, perestroika ở Liên Xô) đã dẫn tới cuộc đổi mới cuối năm 1986.

Về một ý nghĩa nào đó, sự từ bỏ tham vọng quản lý từ A đến Z đời sống kinh tế của người dân là tiền đề để xã hội dân sự Việt Nam tồn tại về mặt kinh tế. Cuộc khủng hoảng tư tưởng của hệ thống xã hội chủ nghĩa, cuộc khủng hoảng xã hội, văn hóa của đất nước đã thúc đẩy xã hội dân sự từng bước ý thức "tự cứu lấy mình". Rồi tiếp theo là cuộc cách mạng internet (Việt Nam nối mạng từ năm 1997), mạng lưới xã hội (điện thoại di động, FB, Tweeter...), nhờ đó, một số ngày càng lớn công dân có thể tiếp cận những thông tin mà Nhà nước không thể bịt kín, thậm chí chất lượng thấp kém của "thông tin lề phải" càng tăng thêm hào quang của những "thông tin lề trái" (ngay cả khi những thông tin này cũng nhảm nhí không kém thông tin của Nhà nước). Trong bối cảnh thay đổi nhanh chóng ấy, sự hung hăng và láo xược của nhà cầm quyền Trung Quốc (nhất là ở vùng biển Đông Nam Á) đã đánh thức dậy chủ nghĩa yêu nước (mà tuyên truyền của Nhà nước đã làm xói mòn vì nó dùng tình yêu nước để lừa mị và bịt miệng). Xã hội dân sự đã mang thêm chiều kích công dân của nó : khi Nhà nước tỏ ra bạc nhược trước ngoại bang, người dân tất nhiên phải đảm nhiệm vao trò công dân của mình, kể cả khi Nhà nước ngăn cấm nó. Và như thế, bước sang thế kỉ 21, xã hội dân sự / công dân Việt Nam đã triển khai cả hai chiều kích (dân sự : độc lập với Nhà nước ; công dân : chủ thể chính trị, độc lập với việc hình thành các tổ chức chính trị trong một chế độ dân chủ).

2011, với những cuộc biểu tình công dân, ôn hòa trước đại sứ quán và tổng lãnh sự quán Trung Quốc, sau đó là những cuộc tuần hành ở Bờ Hồ, xã hội dân sự Việt Nam, tiếp nối những bản kiến nghị đòi chấm dứt việc để cho Trung Quốc khai thác bô-xít ở Tây Nguyên -- mái nhà Đông Dương --, đã triển khai chiều kích công dân, hòa mình vào quan niệm hiện đại của xã hội dân sự (civil) / công dân (civic) của thế giới.

Tất nhiên, không ai có thể nuôi dưỡng ảo tưởng về sức mạnh hiện nay của xã hội công dân ở Việt Nam. Con đường đi tới một xã hội công dân hoàn chỉnh ở nước ta còn gian nan và đòi hỏi thời gian. Khó khăn trước mắt và trung hạn là trình độ và quán tính của bản thân tập đoàn cầm quyền nhân danh Đảng cộng sản, cấm đoán cả đảng viên, nhất là đảng viên có chức có quyền, tham gia các hoạt động xã hội "không được phép", là phản xạ "đâu cũng thấy địch", "cái gì không do ta chủ trương là do âm mưu của địch" đã trở thành bản chất thứ nhì trong suốt nửa thế kỷ đấu tranh bí mật và chiến tranh. Khó khăn còn nằm trong bản thân xã hội Việt Nam, phải tự mình bước qua thời kỳ "tiền sử" của xã hội dân sự, xây dựng một xã hội công dân trong một bối cảnh chính trị khó khăn, kinh tế khủng hoảng, cục diện quốc tế gay go, Nhà nước bất cập. Thêm vào đó, hơn một nửa xã hội, những thế hệ ra đời sau năm 1975, do hệ thống giáo dục tha hóa, đã trở thành những thế hệ "không có ký ức lịch sử", không biết dân tộc mình đã kinh qua thế kỉ 20 ra sao, cùng lắm chỉ biết là nó không như người ta viết trong sách giáo khoa về lịch sử dân tộc và lịch sử thế giới.

Song cũng chính trong bối cảnh đen tối ấy mà xã hội công dân Việt Nam đã khẳng định sự tồn tại của mình trong mấy năm qua, nhất là trong năm Tân Mão 2011. Vả lại, triển khai xã hội công dân là con đường tất yếu để dân chủ hóa đất nước, cũng là điều kiện không thể không có để bảo đảm sự ổn định của tình hình trong mọi tình huống, và sự bền vững của mọi thể chế dân chủ. Con đường ấy sẽ bớt chông gai, sẽ thuận lợi hơn nếu trong nội bộ Đảng cộng sản, nhất là ở cấp lãnh đạo, có nhận thức và dũng cảm để góp phần vào sự phát triển của xã hội công dân. Bằng không, nó cũng không có cách nào khác hơn là "lừng lững" đi tới.

Trước thềm năm Nhâm Thìn, chúng ta hãy cầu chúc cho những bước tiến mới của xã hội công dân Việt Nam. Lời cầu chúc, tất nhiên, thể hiện bằng lời nói và hành động thiết thực, an nhiên.

Nguyễn Ngọc Giao

Florida, 22.1.2012

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
CONFÉRENCE DÉBAT 24/05/2024 19:00 - 23:00 — la Médiathèque JP Melville (Paris 13e)
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss