Bạn đang ở: Trang chủ / Việt Nam / Lại chuyện trí thức : Ngô Bảo Châu và dư luận

Lại chuyện trí thức : Ngô Bảo Châu và dư luận

- Hoà Vân/Ngô Bảo Châu/Hoàng Hưng — published 21/01/2012 02:00, cập nhật lần cuối 27/01/2012 17:52

Lại chuyện « trí thức »


Ngô Bảo Châu và dư luận

 

Hoà Vân

 

Mấy ngày Tết, tưởng được nghỉ đôi chút sau khi làm xong số xuân, nhưng lại bị một cơn bão tố trong làng mạng kéo dậy !

Chuyện là Ngô Bảo Châu bị bà con dân mạng ném đá tơi bời, chủ yếu là do một hai câu nói về vai trò của trí thức, trong bài trả lời phỏng vấn của báo Tuổi Trẻ cuối tuần (đề ngày 20.1.2012). Thực ra, cũng không phải những người ném đá đều trích mấy câu đó mà đa phần chỉ nói hùa theo một số nhỏ người bình luận có trích dẫn đàng hoàng – nhưng cũng chỉ là trích ra để nói về hai câu đó, mà chẳng đếm xỉa gì mấy tới toàn bộ những ý kiến của tác giả trong bài. Để bạn đọc dễ theo dõi, chúng tôi xin đăng lại toàn văn (xem phụ lục 1 dưới đây) phần liên quan1 trong bài phỏng vấn, dưới tiểu đề của báo Tuổi Trẻ : « Không ai độc quyền chân lý », và nhấn mạnh (in nghiêng) mấy câu « tội phạm ».

Nếu chỉ có thế thì… chả đáng nói gì thêm. Nhưng phần vì đề tài trí thức và « phản biện xã hội » có vẻ luôn luôn « nóng », báo chẳng thể làm ngơ, phần vì cái tên « người nổi tiếng » (tội nghiệp Ngô Bảo Châu, nếu anh không sinh ra ở cái xứ sở khốn khó này, không được giải Fields vào cái thời điểm đa đoan này của xã hội thì đã bớt đi được gánh nặng ấy) nên cũng phải có đôi lời. Ngô Bảo Châu cho rằng «  trí thức là người lao động trí óc », nhưng trong sự chấp nhận rộng rãi của xã hội (mà bản thân người viết chia sẻ) thì đó chỉ là một định nghĩa tối thiểu. Người ta đã quen với những định nghĩa mang nhiều kỳ vọng của xã hội hơn, do đó cũng đòi hỏi nhiều tố chất hơn – mà ngôn ngữ thì không thể bỏ qua cái chiều kích « quen tai » của người đời ấy. Quen tới mức ít ai còn bằng lòng với cái định nghĩa tối thiểu trên, dù rằng người ta vẫn sử dụng « trí thức » trong các cụm từ « trí thức trùm chăn », « trí thức sống trong tháp ngà »…, với cái định nghĩa tối thiểu kia. Một thực tế đã hình thành : « trí thức » hầu như đồng nghĩa với « kẻ sĩ » trong nghĩa đẹp của nó, « Đã mang tiếng ở trong trời đất, phải có danh gì với núi sông » (Nguyễn Công Trứ). Quên thực tế là một điều nguy hiểm.

Nhưng bàn về các tố chất của trí thức thì hoàn toàn không dễ. Mặt báo này và bản thân người viết cũng đã đôi lần góp tiếng nói của mình, tất nhiên là không thể toàn diện, cũng không thể « đúng » hết. Trung thực chẳng hạn, là một đòi hỏi không thể thiếu. Thế mà nhiều người nhân danh trí thức vẫn sẵn sàng tách một câu nói của « đối phương » ra khỏi những suy nghĩ khác về cùng chủ đề của người ấy để chê bai, dè bỉu, hoặc tệ hơn. Như thế có trung thực không nhỉ ? Câu trả lời hiển nhiên : không, nhưng nạn nhân thì trong nhiều trường hợp chẳng trách được ai ngoài mình, oan đấy nhưng « giá như » mình cẩn trọng hơn một chút khi phát ngôn... Tâm lý xã hội là một thực tế chẳng thể coi thường. Tiên trách kỷ hậu trách nhân là thế !

Nhưng xin không đi xa hơn, và trở lại cái tố chất đang được bàn cãi, phản biện xã hội có phải là « chỉ tiêu » để được coi là trí thức hay không ? Xin lưu ý, Ngô Bảo Châu nói « chỉ tiêu », tức điều kiện cần và đủ, chứ không nói « một tiêu chí », một trong nhiều tiêu chí cần khác. Nếu cách hiểu này là đúng thì, dù người viết rất coi trọng tiêu chí này, y vẫn thấy khó lòng phản bác nhà toán học trẻ tuổi, khi anh không đồng ý với việc coi phản biện xã hội như chỉ tiêu để được phong hàm “trí thức” ! Nhất là trong khung cảnh ngôn từ lạm phát khá nhiều ở xã hội Việt Nam hiện nay. Còn bàn về nội dung thì có lẽ cũng cần nói tới cụm từ « phản biện xã hội » nữa. Người sống ở những nước quen với các tranh luận công cộng, nhiều ý kiến trái chiều cả ủng hộ và chê trách nhà cầm quyền, thì… không thấy có gì tương đương với cụm từ này. Người lao động trí óc cũng như lao động chân tay, phát biểu thoải mái về nhiều vấn đề của xã hội mà không bị nhà cầm quyền phiền nhiễu. Những phát biểu đó, kể cả của các cá nhân hay các tổ chức dân sự, hội đoàn hay đảng phái, chắc khó có thể gọi là « phản biện xã hội » khi chúng có thể là phê phán hay ủng hộ từ một cuốn phim, một cuốn sách tới một chính sách nào đó của nhà cầm quyền được bầu ra một cách dân chủ. Không phải mọi chuyện đều có thể quy về chính trị. Điều người ta đòi hỏi là khi anh trí thức lên tiếng về một vấn đề nào đó, anh ta phải chứng tỏ được – ngoài trình độ hiểu biết của mình- một tinh thần phê phán tự do, không lệ thuộc vào những giáo điều, không xuyên tạc các dữ kiện để nhét các kết luận của mình vào cái khung giáo điều đó. Trong tinh thần phê phán tự do đó, sự lên tiếng của từng người trí thức - với tư cách cá nhân hay tập thể - tuỳ theo các mối quan tâm của mình,  nếu cộng lại, có thể bao trùm hầu như mọi mặt của các hoạt động xã hội, và cấu thành một đặc trưng của giới trí thức. Ngoài ra, chẳng ai đòi hỏi cá nhân một anh trí thức nào phải lên tiếng về mọi vấn đề, đó cũng là một thực tế.

Còn « phản biện xã hội » ư, có chăng, như trường hợp bài văn nổi tiếng « J’accuse » của nhà văn Emile Zola trong vụ án Dreyfus cuối thế kỉ 19, hay « Tuyên ngôn về quyền bất tuân thượng lệnh » của 121 trí thức Pháp trong chiến tranh Algérie, là những trường hợp hiếm, xảy ra khi nền dân chủ bị xâm phạm nghiêm trọng, không phải là hoạt động thường ngày của người trí thức.

Như vậy, « phản biện xã hội » chẳng có gì là đặc thù của giới hay người trí thức, ngoài những trường hợp đặc biệt, nói chung là khi xã hội chao đảo, những niềm tin vốn có của mình bị lung lay mạnh. Khi ấy, nếu những người có học thức, có văn hoá, có điều kiện hơn đa số để phản ứng với những tệ hại đang gây ra sự bất ổn ấy, nếu những người đó tỏ ra vô cảm trước nỗi đau, nỗi hoang mang của đồng bào mình, không chịu đầu tư một phần thời gian và hoạt động trí óc của mình để cùng họ tìm kiếm những giải pháp mà những người cầm quyền hoặc bế tắc, bất lực, hoặc bản thân dính trong các tệ hại ấy, nếu thế thì chẳng phải là xã hội nào cũng có quyền lên án những người « trí thức » ấy ư ? Vậy tại sao xã hội Việt Nam hiện nay đòi hỏi ở người trí thức sự tham gia tích cực vào « phản biện xã hội », đôi khi cực đoan tới mức coi đó là tiêu chí duy nhất của những người trí thức ? Tình hình đất nước tưởng đã trả lời câu hỏi đó đủ rõ để không cần dài dòng thêm nữa.

Thế còn Ngô Bảo Châu ? Xin dành quyền đánh giá cho bạn đọc, chỉ xin lưu ý, các phát biểu của anh, dù bạn đánh giá như thế nào, bao gồm cả những đoạn sau mấy câu « tội phạm » in nghiêng dưới đây.

Để « rộng đường dư luận », chúng tôi cũng xin đăng lại nguyên văn các phát biểu đó… sau biên tập, do nhà văn và cũng là nhà báo lão thành Hoàng Hưng gửi cho Diễn Đàn (Phụ lục 2.), và một vài đường dẫn tới một số bài viết liên hệ (Phụ lục 3.)

Cuối cùng thì sao ? « Cơn bão » nêu trên đầu bài thực ra chỉ là một cơn bão trong chén trà, như cách nói của người Anh, mà chính đương sự cũng gợi ra trong một thư gửi Bọ Lập (xem Phụ lục 3.). Nhưng dư chấn của nó có lẽ không sớm tan như thế ! Không phải vì bản thân câu chuyện chưa khép lại. Mà vì « cái xã hội Việt Nam nó thế », nhu cầu « phản biện xã hội » và nhu cầu đồng hoá trí thức với trí thức phản kháng dĩ nhiên chưa có cơ sở gì để tan mau, khi chế độ toàn trị còn tham vọng ngự trị mãi trên toàn bộ cuộc sống của người dân. Nhưng điều đó vượt qua cuộc tranh cãi này.



Hoà Vân

 

Phụ lục 1. Ngô Bảo Châu trả lời Tuổi trẻ cuối tuần


Không ai độc quyền chân lý

TTCT. Gần đây phong trào phản biện của giới trí thức ngày càng sôi nổi. Thậm chí người ta còn cho rằng người lao động trí óc sẽ chưa đạt tầm của một trí thức nếu chỉ biết làm công việc chuyên môn của mình mà chưa bộc lộ được năng lực phản biện xã hội. Giáo sư suy nghĩ thế nào về trách nhiệm phản biện xã hội của giới trí thức cũng như vai trò của giới trí thức trong xã hội?

Ngô Bảo Châu. Tôi không đồng ý với việc coi phản biện xã hội như chỉ tiêu để được phong hàm “trí thức”. Đến bao giờ chúng ta mới thôi thi đua để được phong hàm “trí thức”?

Đối với tôi, trí thức là người lao động trí óc. Cũng như những người lao động khác, anh ta cần được đánh giá trước hết trên kết quả lao động của mình. Theo quan niệm của tôi, giá trị của trí thức là giá trị của sản phẩm mà anh ta làm ra, không liên quan gì đến vai trò phản biện xã hội.

Mặt khác, cần trân trọng những người trí thức, hoặc không trí thức, tham gia công tác phản biện xã hội. Không có phản biện, xã hội đã chết lâm sàng.

Những người có học, có tri thức thật ra cần phải rất tỉnh táo khi tham gia việc phản biện xã hội. Học hàm, học vị không thể đảm bảo rằng cái anh nói ra là mặc nhiên đúng. Với thói quen làm việc khoa học của mình, cái mà anh có thể làm là đưa ra những lập luận vững chắc và có tính thuyết phục. Nhà lãnh đạo văn minh, có bản lĩnh sẽ biết lắng nghe những lập luận đó. Họ có thể làm theo hoặc không làm theo kết luận của anh. Trong trường hợp họ không làm theo, vẫn dưới giả thiết là lãnh đạo văn minh và có bản lĩnh, lãnh đạo sẽ phải đưa ra những lập luận ít nhất cũng vững chắc bằng những lập luận của anh để bảo vệ quyết định của mình.

Tôi quan niệm vai trò của trí thức là như vậy, anh ta có vai trò gây sức ép lên người lãnh đạo, nhưng cũng như lãnh đạo, anh ta không độc quyền chân lý.

TTCT. Giáo sư có nói cần khuyến khích mọi thành phần trong xã hội phát biểu ý kiến của mình và lãnh đạo phải lắng nghe tất cả ý kiến đó. Nhưng điều quan trọng là cuối cùng lãnh đạo cần phải có một quyết định, vậy việc quyết định nên căn cứ vào đâu?

Ngô Bảo Châu. Nếu có một thuật toán để ra quyết định trong mọi trường hợp thì chắc không cần đến lãnh đạo nữa mà thay bằng một cái máy tính. Người lãnh đạo có bản lĩnh sẽ có những hành động nhất quán, chứ không được chăng hay chớ. Đi cùng với sự nhất quán là tính chủ quan, ở đây nếu lắng nghe ý kiến phản biện, người lãnh đạo sẽ tránh được những sai lầm không thể cứu vãn. Theo tôi, phẩm chất quan trọng nhất của người lãnh đạo là tính lương thiện, ít nhất là lương thiện vừa đủ để không tự lừa mình bằng những điều viển vông và không tự bao biện cho những sai lầm của mình.

TTCT. Để tận dụng được khả năng suy nghĩ của trí thức, lãnh đạo nên chăng chia sẻ thông tin với họ để nhận được lời tư vấn tốt nhất trước khi đưa ra quyết định?

Ngô Bảo Châu. Đối với người lãnh đạo, chia sẻ thông tin là một việc khó, như từ bỏ một phần quyền lực của mình. Thông tin hoàn toàn mở, anh lãnh đạo sẽ phải tranh luận với anh trí thức trong tình huống “cân bằng vũ trang” và chưa chắc anh lãnh đạo đã thắng.

Nhưng thật ra cởi mở thông tin, tranh luận với trí thức, với những người nằm ngoài bộ máy chính là một cách tiếp năng lượng cho anh lãnh đạo, vẫn với giả thiết lãnh đạo văn minh và có bản lĩnh. Để làm được việc, anh lãnh đạo luôn phải phụ thuộc vào bộ máy của mình. Nếu không cởi mở, dừng tranh luận, những quyết định của anh sẽ dần dần chịu ảnh hưởng của bộ máy, phục vụ lợi ích của bộ máy chứ không ưu tiên phục vụ xã hội nữa.

TTCT. Năm qua là năm có nhiều hoạt động phản biện của giới trí thức trong nước cũng như ngoài nước. Giáo sư đánh giá thế nào về các hoạt động này? Là một trí thức, giáo sư có muốn đóng góp tiếng nói của mình vào trào lưu chung đó?

Ngô Bảo Châu. Cá nhân tôi thường tránh bàn luận các vấn đề mà tôi không biết rõ. Tôi quan tâm nhiều hơn tới những lĩnh vực mà tôi có thể trực tiếp tham gia hành động thay vì chỉ nêu ý kiến. Nhưng tôi cho rằng việc đưa ra các phản biện có lập luận chặt chẽ là những đóng góp lớn cho xã hội, cho đất nước của giới trí thức. Tuy nhiên, trước khi lên tiếng về một vấn đề nào đó, người trí thức hơn ai hết cần phải hết sức ý thức về ảnh hưởng của nó.



Thư Hiên thực hiện



Phụ lục 2. Không có phản biện, xã hội đã chết lâm sàng


   

Là một người nhiều năm làm công việc biên tập ở vài tờ báo khác nhau của Nhà nước Việt Nam cũng như của một trang web tự do, tôi xin mạn phép thử “biên tập lại” bài trả lời phỏng vấn của Ngô Bảo Châu trên báo Tuổi trẻ (qua blog Basam) thành một bài viết khác, có thể sẽ làm một số bạn nghĩ khác một chút về thái độ của nhà toán học trẻ này trước đề tài “vai trò phản biện xã hội của trí thức” chăng?

Hoàng Hưng



Không có phản biện, xã hội đã chết lâm sàng

Nguyễn Bá Ngọc

(đầu đề của tòa soạn)

I. Vai trò của trí thức là gây sức ép lên người lãnh đạo:

Cần trân trọng những người trí thức, hoặc không trí thức, tham gia công tác phản biện xã hội. Không có phản biện, xã hội đã chết lâm sàng.

Nhà lãnh đạo văn minh, có bản lĩnh sẽ biết lắng nghe những lập luận đó. Họ có thể làm theo hoặc không làm theo kết luận của anh. Trong trường hợp họ không làm theo, vẫn dưới giả thiết là lãnh đạo văn minh và có bản lĩnh, lãnh đạo sẽ phải đưa ra những lập luận ít nhất cũng vững chắc bằng những lập luận của anh để bảo vệ quyết định của mình.

Tôi quan niệm vai trò của trí thức là như vậy, anh ta có vai trò gây sức ép lên người lãnh đạo, nhưng cũng như lãnh đạo, anh ta không độc quyền chân lý.

Nếu có một thuật toán để ra quyết định trong mọi trường hợp thì chắc không cần đến lãnh đạo nữa mà thay bằng một cái máy tính. Người lãnh đạo có bản lĩnh sẽ có những hành động nhất quán, chứ không được chăng hay chớ. Đi cùng với sự nhất quán là tính chủ quan, ở đây nếu lắng nghe ý kiến phản biện, người lãnh đạo sẽ tránh được những sai lầm không thể cứu vãn. Theo tôi, phẩm chất quan trọng nhất của người lãnh đạo là tính lương thiện, ít nhất là lương thiện vừa đủ để không tự lừa mình bằng những điều viển vông và không tự bao biện cho những sai lầm của mình.

Đối với người lãnh đạo, chia sẻ thông tin là một việc khó, như từ bỏ một phần quyền lực của mình. Thông tin hoàn toàn mở, anh lãnh đạo sẽ phải tranh luận với anh trí thức trong tình huống “cân bằng vũ trang” và chưa chắc anh lãnh đạo đã thắng.

Nhưng thật ra cởi mở thông tin, tranh luận với trí thức, với những người nằm ngoài bộ máy chính là một cách tiếp năng lượng cho anh lãnh đạo, vẫn với giả thiết lãnh đạo văn minh và có bản lĩnh. Để làm được việc, anh lãnh đạo luôn phải phụ thuộc vào bộ máy của mình. Nếu không cởi mở, dừng tranh luận, những quyết định của anh sẽ dần dần chịu ảnh hưởng của bộ máy, phục vụ lợi ích của bộ máy chứ không ưu tiên phục vụ xã hội nữa.

II. Không nên cực đoan trong vấn đề phản biện của trí thức:

Tôi không đồng ý với việc coi phản biện xã hội như chỉ tiêu để được phong hàm “trí thức”. Đến bao giờ chúng ta mới thôi thi đua để được phong hàm “trí thức”?

Đối với tôi, trí thức là người lao động trí óc. Cũng như những người lao động khác, anh ta cần được đánh giá trước hết trên kết quả lao động của mình. Theo quan niệm của tôi, giá trị của trí thức là giá trị của sản phẩm mà anh ta làm ra, không liên quan gì đến vai trò phản biện xã hội.

Những người có học, có tri thức thật ra cần phải rất tỉnh táo khi tham gia việc phản biện xã hội. Học hàm, học vị không thể đảm bảo rằng cái anh nói ra là mặc nhiên đúng. Với thói quen làm việc khoa học của mình, cái mà anh có thể làm là đưa ra những lập luận vững chắc và có tính thuyết phục.

III. Kết luận:

Cá nhân tôi thường tránh bàn luận các vấn đề mà tôi không biết rõ. Tôi quan tâm nhiều hơn tới những lĩnh vực mà tôi có thể trực tiếp tham gia hành động thay vì chỉ nêu ý kiến. Nhưng tôi cho rằng việc đưa ra các phản biện có lập luận chặt chẽ là những đóng góp lớn cho xã hội, cho đất nước của giới trí thức. Tuy nhiên, trước khi lên tiếng về một vấn đề nào đó, người trí thức hơn ai hết cần phải hết sức ý thức về ảnh hưởng của nó.



Để tham khảo: Trích vài ý kiến về trí thức của GS Nguyễn Bá Ngọc trên báo Sinh Viên số Tết Nhâm Thìn và đã được GS đưa lại trên blog của mình với tiêu đề “Nói những điều mình nghĩ”:

27. GS có đồng ý định nghĩa, trí thức trong việc không để xã hội “ngủ”?

– Người trí thức có nhiệm vụ quấy rầy khi những người khác ngủ trong những định kiến của mình.

28. Theo GS, đâu là phẩm cách quan trọng của một trí thức?

– Trí thức cần tinh thần cầu thị, ham học, đầu óc phân tích, lập luận sắc bén. Người trí thức cần thêm sự can đảm và một tấm lòng rộng rãi, nhân hậu.

29. Trí thức cần gì nhất, theo GS?

– Tự do.

   

Chú thích của H.V.: toàn bộ lời văn của "Nguyễn Bá Ngọc" chính là đoạn trả lời phỏng vấn của Ngô Bảo Châu trên TTCT về trí thức và phản biện xã hội, nhà văn chỉ bỏ những câu hỏi của TTCT và hai từ đưa đẩy trong một câu, thay vào đó là mấy tiểu đề in đậm trên đây, và sắp xếp lại thứ tự các câu nói.



Phụ lục 3. Một vài bài viết liên quan



Trần Kính Nghị : Thế nào là trí thức ?

Nguyễn Quang Vinh (blog Cu Vinh): Gửi vài lời với Châu giáo sư

Nguyễn Vạn Phú : Trí thức là cái chi chi ?

Blogger Gấu Phạm : « Gấu luận về Châu »

Nguyễn Quang Lập (blog Quê Choa) : Gửi Ngô Bảo ChâuThư gs Ngô Bảo Châu gửi Bọ Lập

Ngô Bảo Châu : Nói những gì mình nghĩ

Phạm Toàn : Lực của người trí thức trong thế giới toàn trị



___________

1 Phần kia trong bài phỏng vấn liên quan đến việc Ngô Bảo Châu về nước tham gia lễ ra mắt Viện Toán cao cấp. Người viết không chia sẻ lắm quan điểm của anh về cái “Viện Toán cao cấp” này, nhưng đó là một câu chuyện khác.

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
CONFÉRENCE DÉBAT 24/05/2024 19:00 - 23:00 — la Médiathèque JP Melville (Paris 13e)
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss