Bạn đang ở: Trang chủ / Bạn đọc và Diễn Đàn / Câu hỏi hay câu trả lời?

Câu hỏi hay câu trả lời?

- Trương Phước Trường — published 29/04/2010 23:35, cập nhật lần cuối 30/04/2010 22:46
Về bài báo trên BBC của tác giả Đỗ Ngọc Bích

“Một cách nhìn khác…”
– Câu hỏi hay câu trả lời?


Trương Phước Trường


Gần đây BBC Tiếng Việt có đăng một bài báo gây nhiều sự bàn cãi. Bài báo mang tựa đề “Một cách nhìn khác về tinh thần dân tộc” của tác giả Đỗ Ngọc Bích. Trong phần trả lời với các lời bình luận về bài báo của mình, tác giả ĐNB có viết:

Trong bài viết của tôi, nếu mọi người để ý sẽ thấy tôi chỉ đưa ra các câu hỏi, chứ không có câu trả lời…Quan điểm của tôi, cũng như một câu châm ngôn mà các giáo sư ở Mỹ thường nói là: "Chỉ có câu trả lời ngu xuẩn, không có câu hỏi ngu xuẩn."
(http://www.bbc.co.uk/vietnamese/forum/2010/04/100420_dongocbich_comment.shtml).

Thực ra dùng tỉnh từ “ngu xuẩn” để dịch chữ “stupid” của tiếng Anh không hoàn toàn đúng, bởi vì nó còn tùy theo bối cảnh” (context) của câu nói. Một nhà giáo ở phương tây thường nói với sinh viên “there is no stupid question” là để khuyến khích sinh viên của mình tự tin và để phát triển tinh thần suy nghĩ độc lập thay vì chỉ muốn nghe thầy giảng và học thuộc lòng các câu trả lời vì cho rằng chỉ có các câu trả lời ấy mới đúng. Câu nói ấy cũng nói lên một sự thật rằng, có khi một người học trò, tuy kiến thức không nhiều, nhưng với bộ óc phân tích vẫn có thể nhìn ra vấn đề và đặt những câu hỏi rất thông minh, tuy rằng đối với các ông thầy bà cô có nhiều định kiến mà thiếu óc phân tích thì có thể họ gạt qua một bên vì cho rằng đây chỉ là những câu hỏi “ngớ ngẩn”. “Ngớ ngẩn” (dịch chữ ‘stupid’) trong trường hợp nầy thì xác ý hơn vì nó nói lên cái nhìn nhẹ nhõm trong bầu không khí thông thoáng của môi trường học tập. Tuy nhiên nếu muốn dùng chữ “ngu xuẩn” để dịch chữ “stupid” như tác giả ĐNB đã dùng thì phải nói rằng có lẽ tác giả đã không nghĩ về môi trường thông thoáng của bầu không khí trường học mà có lẽ đang nghĩ về diễn đàn của các sự tranh cãi “chính trị” nhiều hơn. Nếu như thế thì câu nói “Không có câu hỏi ngu xuẩn chỉ có câu trả lời ngu xuẩn” tại đây không hoàn toàn đúng. Khi mục tiêu chính của các sự bàn cãi chính trị không còn đơn giản là sự học hỏi mà có khi là để ganh đua tranh chấp các quyền lợi, tước quyền, danh vọng, v.v. thì có lẽ vẫn còn nhiều "câu trả lời ngu xuẩn,” cũng như các “câu hỏi ngu xuẩn".

Ví dụ: khi bàn cãi về vấn đề “chủ nghĩa dân tộc mù quáng …tai hại không kém gì chủ nghĩa bành trướng đế quốc”, một câu hỏi không “ngu xuẩn” cần nên được đặt ra là: “thế nào là chủ nghĩa dân tộc mù quáng” và thế nào là “chủ nghĩa dân tộc có điều khiển” (danh từ của chính tác giả ĐNB). Không đặt ra được các câu hỏi cơ bản như thế mà lại quay sang hỏi: “Tại sao người dân thanh niên trí thức Việt nam có tư tưởng phê phán, sẵn sàng nghi ngờ, bác bỏ những điều mà nhà nước Việt Nam đang tuyên bố và thi hành...” thì quả thật đây là một câu hỏi ngớ ngẩn, nếu không muốn nói là có khả năng trở nên rất nguy hiểm. Nguy hiểm là vì sao? Vì nếu như nhà nước, không có các bộ óc suy nghĩ cặn kẽ biết phân tích, đọc qua các câu hỏi ngớ ngẩn như thế thì sẽ tưởng lầm rằng hễ bất cứ khi nào có các “tư tưởng phê phán, sẵn sàng nghi ngờ” là đang “có chuyện đáng bàn” đây (“chuyện đáng bàn” là câu nói của tác giả ĐNB). Chứ người ta không nghĩ rằng chính các “tư tưởng phê phán”, các “sự nghi ngờ” ấy là một phần quan trọng không thể tránh được ở một môi trường có sự nghiên cứu và học hỏi thật sự. Đáng bàn chăng không phải vì có các “tư tưởng phê phán” mà là chuyện các  “tư tưởng phê phán” ấy không được lắng nghe và bàn cãi một cách tự do, cởi mở, trung thực. Hoặc có khi còn tệ hơn, là chuyện phá hoại (xin xem vấn đề “bauxite Việt Nam”), hoặc cấm đoán (xin xem quyết định của chính phủ Việt Nam giải thể viện nghiên cứu chiến lược IDS) các hoạt động thể hiện những tư tưởng đó. Chỉ khi nào người dân không có được một môi trường tự do để tìm hiểu, học hỏi, và bàn cãi, về các vấn đề quan trọng cho đất nước (ví dụ như vấn đề môi trường, phát triển kinh tế, bảo vệ biên giới lãnh thổ, v.v.) thì lúc ấy các tư tưởng bị dồn nén lâu ngày mới có nguy cơ trở thành “quá khích” hay “mù quáng”. Vì thế, ta có thể thấy rằng chính các sự ngăn chận và cấm đoán mới là nguyên do chính đã để nẩy sinh ra và làm yếu tố kích thích cho các tư tưởng mù quáng và quá khích chứ không phải chỉ vì có các sự phê phán. Không có phê phán thì làm sao có học hỏi, kinh nghiệm. Không có sự “nghi ngờ” thì làm sao có sự tìm tòi khám phá. Người ta chỉ ngạc nhiên khi thấy tác giả ĐNB, người được hít thở các không khí tự do trong môi trường học hỏi ở Mỹ, với các câu “châm ngôn” thật thoáng của các giáo sư Mỹ, thế mà lại hẹp hòi với chính các đồng nghiệp và thanh niên trong nước của mình chỉ vì họ cũng chỉ ước mong được hít thở một vài hơi cái không khí tự do ấy mà thôi.

Một câu hỏi “ngu xuẩn” đôi khi cũng có khả năng dẫn đến các câu trả lời không kém phần “ngu xuẩn”. Ví dụ như câu “kết luận” như sau:

  • Dân Việt Nam ở hải ngoại, đặc biệt là những người thuộc chính quyền Việt Nam Cộng Hoà phải tị nạn sau biến cố tháng 4/1975 'ghét' nhà nước cộng sản Việt Nam và nhà nước cộng sản Trung Quốc từ xưa thì rõ rồi”.

“ rõ rồi” là rõ như thế nào? Tác giả ĐNB viết tiếp : “Câu “yêu ai yêu cả đường đi, ghét ai ghét cả tông ti họ hàng” trong tình huống này có lẽ đúng”, tức là tác giả muốn nói “Dân Việt Nam ở hải ngoại” khi họ phê bình nhà nước cộng sản Việt Nam hay nhà nước cộng sản Trung Quốc thì chỉ vì một lý do đơn giản mà thôi, đó là : vì họ 'ghét' nhà nước cộng sản Việt Nam hay nhà nước cộng sản Trung Quốc thế thôi, chứ chẳng phải vì lý do nào khác.

Nhưng tình cảm “thương/ghét” của một người dân khi họ “bỏ phiếu” cho một đảng chính trị, cho một nhà nước, thường là hậu quả của biết bao nhiêu kinh nghiệm do từ nơi các chính sách của các nhà nước ấy hay của các đảng phái chính trị đối với họ, trong quá khứ, cũng như trong hiện tại (và dĩ nhiên là có khả năng diễn biến trong tương lai) chứ không phải chỉ là tình cảm thương/ghét suông rất bình thường của một đôi trai gái, hoặc của những người thân thuộc trong một gia đình với nhau. Vì thế một người có đầu óc phân tích khoa học sẽ phải “hỏi” những câu hỏi thông minh như “vì sao họ ghét/thương”? để tìm ra nguyên do sâu sắc trong các chính sách của các nhà nước hoặc các đảng phái chính trị ấy, chứ không phải chỉ biết nhìn qua loa vấn đề rồi vì không có khả năng phân tích chính trị, khoa học, kinh tế, cho nên đi đến một kết luận hời hợt như “à, vì họ yêu ai yêu cả đường đi, ghét ai ghét cả tông ti họ hàng”.

Các câu kết luận hời hợt như thế không phải vì câu ngụ ngôn không có giá trị, nhưng vì nó bị áp đặt vào trong những câu hỏi vô cùng vớ vẩn, như: “Dân có thương/ghét nhà nước như hai người tình nhân thương ghét nhau, như con thương cha mẹ hay không”? “Dân Việt Nam ở hải ngoại có thương/ghét nhà nước cộng sản Trung Quốc được như anh em ruột thịt trong nhà, môi liền môi hay không”? Thay vì là những câu hỏi khách quan và khoa học. Ví dụ như: Chính sách dùng quân sự để giải quyết vấn đề tranh chấp biên giới, dùng vũ lực để bắt giam dân chài lưới, dùng thế lực kinh tế và chính trị để áp đặt những dự án đầu tư vào một nước láng giềng mà không cho bàn cãi sâu rộng, có thật sự là tình hữu nghị chân thật giữa hai quốc gia hay không? Chính sách im hơi lặng tiếng với thế giới bên ngoài nhưng bên trong thì sẵn sàng tấn công các “tư tưởng phê phán” có thật là phù hợp với yêu cầu bảo vệ độc lập cho đất nước ? 

Nếu không có khả năng đặt ra các câu hỏi thông minh thì không nên “trả lời” dù bằng hình thức các câu ngụ ngôn/châm ngôn rất thông minh nhưng thật sự không che đậy được các câu hỏi thật “ngớ ngẩn” nằm sau các “trả lời” khôn ngoan ấy.


Trương Phước Trường

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
Dấu Ấn Ký Ức: Trí thức Việt trên đất Pháp 18/05/2024 13:00 - 19:00 — Trung tâm văn hoá Việt Nam tại Pháp (Centre Culturel du Vietnam en France), 19 rue Albert, Paris 75013
CONFÉRENCE DÉBAT 24/05/2024 19:00 - 23:00 — la Médiathèque JP Melville (Paris 13e)
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Rencontre avec Alain Ruscio 28/05/2024 18:00 - 20:00 — Médiathèque Jean-Pierre Melville - 79 rue Nationale, Paris 13e
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss