Bạn đang ở: Trang chủ / Đời sống / Tin vui / Chia Sẻ Chút Tự Hào Truyền Thống

Chia Sẻ Chút Tự Hào Truyền Thống

- Trần Đình Sơn Cước — published 17/03/2016 12:00, cập nhật lần cuối 17/03/2016 12:29

Chia Sẻ Chút Tự Hào
Truyền Thống


Trần Đình Sơn Cước



Mùa hè năm 2015 chúng tôi tổ chức lễ cưới cho cô con gái thứ hai. Cháu kết hôn với một người Mỹ. Lớp trẻ thuộc thế hệ người Việt thứ hai có bạn, lập gia đình với người thuộc các sắc dân khác không còn là điều xa lạ trong cộng đồng người Việt ở Mỹ. Đây cũng là điều tự nhiên vì lớp trẻ này lớn lên toàn vẹn trong môi trường xã hội, giáo dục của Mỹ; hấp thụ nền văn hóa văn minh phương tây nhiều hơn nền văn hóa mà cha mẹ ông bà các cháu mang theo khi phải định cư ở nước ngoài.

Con gái và rể chúng tôi đều là sinh viên của trường đại học Stanford nên thánh lễ chính thức được tổ chức tại nhà thờ của trường. Nhà thờ này mang tên Stanford Memorial Church tọa lạc ngay trung tâm của trường đại học. Đây là một trong những ngôi nhà thờ được xây dựng sớm, nổi tiếng của miền Tây nước Mỹ. Bà Jane Stanford đã xây dựng xong nhà thờ này vào năm 1903 để tưởng nhớ người chồng của bà, ông Leland Stanford. Chính hai ông bà đã lập nên đại học Stanford để tưởng nhớ người con của họ, Leland Jr. Stanford. Mặc dầu họ là những người có đức tin, nhưng họ không gắn kết hẳn với một đạo giáo nào nên khi thiết lập nhà thờ họ đã qui định nhà thờ được mở cho mọi người. Nhờ tinh thần phóng khoáng đó, nhà thờ đã phục vụ được nhu cầu tinh thần rộng rãi nhất cho cộng đồng đại học.


hinh-1 hinh-2
hinh-3 hinh-4

Nhà thờ Stanford Memorial Church mặt trước và bên trong


Mặc dù lễ cưới chính thức diễn ra tại nhà thờ vào buổi xế trưa, nhưng buổi sáng chúng tôi tổ chức một lễ nhỏ, trang nghiêm theo truyền thống Việt Nam. Ở miền bắc California, bầu trời tháng sáu trong xanh, nắng rực rỡ. Từ các ô cửa sổ, láng giềng chúng tôi thích thú nhìn chú rể da trắng trong quốc phục Việt Nam, khăn đóng áo dài, cùng họ nhà trai ( cũng toàn người da trắng) mang từng mâm quả đựng trà, bánh, rượu, trái cây, phủ khăn đỏ thêu hình chữ song hỷ, trịnh trọng tiến vào nhà gái để làm lễ rước dâu. Hình ảnh chiếc áo dài Việt Nam của cô dâu chú rể tuy không còn xa lạ lắm với người bản xứ, nhưng vẫn dậy lên trong chúng tôi niềm hãnh diện giữ được lễ nghi phong tục của quê cha đất tổ nơi xứ sở mênh mông mà chúng tôi mới là dân nhập cư...


hinh-5

Nhà trai mang lễ vật đến nhà gái


hinh-6

Cô dâu, chú rể làm lễ trước bàn thờ tổ tiên


...Buổi tối là tiệc cưới. Tiệc được tổ chức ngoài trời, trong khuôn viên của Rengstorff House thuộc thành phố Mountain View, nơi đi qua con đường rợp bóng cây che khuất những tòa nhà làm việc của hãng Google nổi tiếng. Rengstorff House là một biệt thự lịch sử lâu đời của thành phố Mountain View với lối kiến trúc Ý đẹp và trang nhã. Đây là tài sản của gia đình ông Henry Rengstorff, một người di dân gốc Đức đến lập nghiệp ở đây từ những năm 1850. Ngôi nhà và hàng trăm mẫu tây đất xung quanh do gia đình của ông sở hữu, sau đó bán lại cho những sở hữu chủ khác một thời gian. Cuối cùng vào năm 1979, thành phố Mountain View đã mua lại ngôi nhà, sửa sang và biến thành một địa điểm công cộng, trong đó có việc cho thuê để tổ chức các sinh hoạt văn hóa hoặc cho thuê làm địa điểm đám cưới...


hinh-7

Rengstorff House 


hinh-8

Bàn tiệc cưới ngoài trời


Trong thời gian chuẩn bị cho lễ cưới, việc chúng tôi cân nhắc là làm thế nào giới thiệu được văn hóa truyền thống của dân tộc cho họ nhà trai, bạn bè và khách mời không phải là người Việt Nam. Vì tiệc được tổ chức theo hình thức phương tây, bắt đầu bằng giờ cocktail, sử dụng nhạc nhẹ không lời lúc vào tiệc và cuối cùng có khiêu vũ, nên con gái chúng tôi đề nghị giới thiệu phần âm nhạc cổ truyền của Việt Nam vào lúc khách được dọn thức ăn nhẹ. Chúng tôi đồng ý với gợi ý này.

Qua một vài người quen, chúng tôi liên lạc với một số tổ chức văn hóa và nhạc sĩ, nhưng họ đều ngần ngại vì không muốn trình diễn âm nhạc dân tộc trong một buổi tiệc cưới vì sợ không khí tiệc tùng không phù hợp. Cuối cùng nhạc sĩ Vũ Hồng Thịnh, tốt nghiệp Nhạc Viện Quốc Gia Việt Nam, hiện sống, trình diễn và dạy nhạc dân tộc ở thành phố San Jose, đã nhận lời. Để ông yên tâm, chúng tôi bảo đảm với ông rằng khách của tiệc cưới sẽ có thái độ trân trọng vì họ rất muốn được biết và thưởng thức âm nhạc truyền thống của đất nước mình. Nhạc sĩ Vũ Hồng Thịnh đã mời thêm nhạc sĩ Đặng Lan, một nhạc sĩ chuyên trình diễn nhạc cụ dân tộc của một nhà hát dân tộc trong nước, cũng định cư ở San Jose. Đặc biệt, bằng uy tín của mình, nhạc sĩ Thịnh còn mời được giáo sư đàn tranh Ngọc Dung, tốt nghiệp trường Quốc Gia Âm Nhạc Sài Gòn (cũ), từng mở lớp dạy đàn tranh nhiều năm tại vùng Bay Area , nay đã nghỉ hưu, cùng tham gia trình diễn...

Đúng như mong đợi của chúng tôi, buổi tiệc cưới trở nên độc đáo nhờ có một chương trình ngắn với mở đầu bằng độc tấu đàn bầu bài " Tình Ca" của nhạc sĩ Phạm Duy. Khách say mê với âm hưởng tha thiết gắn quyện tài tình giữa âm điệu dân ca mượt mà và tiết tấu hiện đại. Với khách mời Việt Nam, họ đã xao xuyến, da diết tình yêu quê hương "...tôi yêu tiếng nước tôi từ khi mới ra đời,... người ơi...". Khách được thưởng thức tiếp hòa tấu gồm ba nhạc cụ đàn tranh, đàn nguyệt và đàn bầu bốn bản dân ca gồm "Trống Cơm", dân ca miền Bắc, " Lý Tình Tang", dân ca miền Trung và "Lý Qua Cầu", "Trăng Thu Dạ Khúc", dân ca miền Nam. Cuối cùng, khách thích thú được nghe và nhìn tận mắt bộ đàn đá do nhạc sĩ Vũ Hồng Thịnh trình diễn " Bình Minh Trên Cao Nguyên" do chính ông sáng tác. Nhiều khách mời đã đến trò chuyện cùng các nhạc sĩ, được nhìn ngắm và tận tay sờ vào những thanh đá phát ra những âm thanh kỳ diệu. Nhiều bạn trẻ, kể cả những bạn Việt Nam sinh ra và lớn lên bên Mỹ, ngạc nhiên trước cây đàn một dây (đàn bầu) độc đáo của dân tộc Việt Nam...


hinh-9
Nhạc sĩ Vũ Hồng Thịnh
độc tấu đàn bầu

hinh-10
Nhạc sĩ Đặng Lan và nhạc sĩ Ngọc Dung

hinh-11
Các nhạc sĩ với đàn bầu, đàn tranh,
đàn nguyệt( phía sau ) và đàn đáy

hinh-12
Nhạc sĩ Vũ Hồng Thịnh
biểu diễn đàn đá

...Chúng tôi xúc động biết ơn các nhạc sĩ đã mang đến cho khách mời một món quà cưới ý nghĩa. Chúng tôi mừng kết quả vuông tròn vì lần đầu tiên chúng tôi đã lồng được vào chương trình tiệc cưới những tiết mục âm nhạc truyền thống. Vài ngày sau lễ cưới, dù còn bận rộn, con gái chúng tôi liền viết thư cảm ơn đến các nhạc sĩ. Bức thư viết bằng tiếng Anh được thốt lên từ tận lòng chân thành của cháu:

" Dear Bac Thinh,

Chau và Mike xin cam on Bac, bac Lan, và Bac Dung nhieu lam for such a wonderful performance on Saturday. It was a very great honor to have Bac perform at our wedding and to be able to share traditional Vietnamese music with our guests. Many guests have told us how very much they appreciated and loved the performance. For our Vietnamese guests, they were deeply touched to hear music that reminded them of home. And our foreign guests, they were happy to learn about and hear such beautiful music for the first time.

Chau was very happy to be able to share my Vietnamese heritage, and the song selection and performance were absolutely beautiful. Chau thank Bac very much for making my wedding very special and memorable through the performance.

Chau am attaching a photo of the performance. Mike and con thank Bac again. There are no words to express our apprecitation.

Đúng như con gái tôi viết trong thư cho nhạc sĩ Vũ Hồng Thịnh, chúng tôi đã tự hào giới thiệu được với khách mời đôi chút về âm nhạc truyền thống, xa hơn nữa là gia tài, bản sắc văn hóa riêng của dân tộc Việt Nam; hãnh diện gìn giữ và phát huy bản sắc đó cùng các nền văn hóa khác mà chúng tôi và các thế hệ con cháu chung sống. Niềm tin đó như được củng cố thêm khi Đức Giáo Hoàng Francis, ở chặng dừng cuối cùng của Ngài trong chuyến đi thăm Bắc Mỹ ngày 26 tháng 9 năm 2015, đã nói với hàng triệu di dân của Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ, cổ vũ họ đừng xóa bỏ văn hóa riêng của mình trong khi hội nhập vào đời sống nước định cư. Ngài nhấn mạnh: " You should never be ashamed of your traditions. Do not forget the lessons you learned from your elders, which are something you can bring to enrich the life of this American land."

"Đừng bao giờ hổ thẹn với truyền thống của mình", đó là lời dạy của Đức Thánh Cha mà chúng tôi xin khiêm tốn chia sẻ chút tự hào truyền thống trong ngày vui của con gái chúng tôi. Chúng tôi hy vọng điều chia sẻ nhỏ nhoi nầy sẽ được nhân rộng lên để chúng ta và nhiều thế hệ con cháu chúng ta mãi về sau vẫn luôn tự hào về truyền thống Việt Nam của mình.


Trần Đình Sơn Cước

(1/2016)



nguồn ảnh sử dụng: NOAH HAWTHORNE PHOTOGRAPHY (hawthornephotography.com)


Các thao tác trên Tài liệu

được sắp xếp dưới: Xuân Bính Thân
Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss