Bạn đang ở: Trang chủ / Dịch thuật / Lời bạt cho tập thơ "Lạnh Hơn Xứ Mình"

Lời bạt cho tập thơ "Lạnh Hơn Xứ Mình"

- Thái Kim Lan — published 06/02/2008 16:45, cập nhật lần cuối 07/02/2008 15:44
Diễn Đàn : chúng tôi xin giới thiệu "Lời Bạt" cho tập thơ "Lạnh hơn xứ mình" của Thái Kim Lan, trong đó tác giả trình bày một kinh nghiệm hiếm có về văn học : làm thơ trực tiếp bằng tiếng Đức, và sau đó dịch thơ của chính mình sang tiếng Việt. Chúng tôi cũng xin trích đăng dưới đây "Ca vịnh mùa xuân", một bài thơ thích hợp cho số báo Tết.


Lời bạt cho tập thơ
"Lạnh Hơn Xứ Mình"



Thái Kim Lan



Diễn Đàn : chúng tôi xin giới thiệu "Lời Bạt" cho tập thơ "Lạnh hơn xứ mình" của Thái Kim Lan, trong đó tác giả trình bày một kinh nghiệm hiếm có về văn học : làm thơ bằng một ngôn ngữ không phải tiếng mẹ đẻ, và sau đó dịch thơ của chính mình sang tiếng Việt. Chúng tôi cũng xin trích đăng dưới đây "Ca vịnh mùa xuân", một bài thơ thích hợp cho số báo Tết. Bạn đọc có thể đọc những bài thơ khác của tập thơ song ngữ này tại địa chỉ :
http://www.talachu.org/tho.php?bai=164#story



Về “thơ”


Tập thơ “Lạnh Hơn Xứ Mình” được chuyển ngữ tiếng Việt từ nguyên tác tập thơ tiếng Đức “In einem kaelteren Land” của chính tác giả, xuất bản lần đầu năm 1992 tại Muenchen.

“In einem kaelteren Land” bao gồm phần lớn những bài thơ nhỏ bằng tiếng Đức nhặt nhạnh trong thời gian du học tại Cộng Hoà Liên bang Tây Đức, với 3 cụm đề tài đơn giản và hầu như thuần chất Á đông: cảm hứng về thiên nhiên, con người hỉ nộ ái ố với nỗi nhớ nhà và Thiền.

Cho mãi đến năm 1992, những “bài thơ” ấy chỉ là những mẫu chữ “giữ riêng cho mình” gần hơn 10 năm. “Giữ riêng” là nỗi e dè, không muốn gọi là…”thơ” những con chữ lạ lùng bật ra trong tiềm thức vốn chứa đầy tiếng mẹ bị bặt âm nơi xứ người:

Một khung trời khép lại
Một chân trời mở ra
Em bật lên tiếng lạ
Ú ớ
Gọi hồn ơ hờ
Như… thơ

nhiều tình cờ hơn định trước trên đường đi… gió lùa trên cỏ, cánh hoa thu không ngơ ngác tím trong vườn Englisch, hay cơn mưa, hay giá tuyết hay nỗi cô đơn lạnh lùng nơi tha hương hoặc nỗi thất vọng, hụt hẫng giữa muôn khuôn mặt lạ, và ta, cũng lạ với người, phải nhận lấy tất cả những thứ ấy để bắt đầu làm quen, làm nơi cư ngụ mới.

Chúng tình cờ trong cái thế giới mà ta vừa mới cất bước vào…còn chưa tỏ được lời. Rồi bỗng giữa khi học nói, học nghe, những chữ, những lời bật hiện như rơi từ thinh không, lọt vào tay áo, ta cảm nhận cùng một lúc với nhịp đập của con tim như một chút may gặp được tri âm! Âm vang có thể tan vỡ hay hòa điệu, ta đưa chúng thêm một lần vào hồn, và chúng trở nên quen thuộc như tiếng của mình…

Chúng chẳng khác chi những cọng rơm được lượm về xây nên mái tạm trú cho những năm tháng xa quê, trong đó những chi xót xa gay gắt, những mâu thuẫn, những cạm bẫy, bệnh tình, thiếu thốn, bơ vơ của thân phận con người lưu xứ tự tìm ra âm thanh lên tiếng bày tỏ… Khi nỗi buồn đậm đặc, khi niềm vui ứ tràn, khi sự kinh ngạc phồng lên, thân ta chao đảo, quay cuồng, bỗng nhiên trong khoảnh khắc tình cờ có tiếng vọng nào đó vỡ ra, thanh âm xoắn vào trong cảm xúc…bật nên lời…kết thành lời, thành tên gọi…để hết bỡ ngỡ với cõi trần, cũng nắng, cũng gió, cũng trăng lên, cũng tuyết đổ, cũng chừng thế ấy nhưng hãy còn xa rất xa mà lạ cũng thiệt là rất lạ…

”In einem kaelteren Land” bao gồm những khoảnh khắc làm quen, làm lành vết thương hay chia vui chia khổ của một người đi trong xứ lạ, như một cách làm hòa, tìm lại đồng điệu…”gọi hồn ơ hờ” và từ đó nhớm bước cho tâm hồn giải thoát, vượt lên, bay lên, vút qua, thong dong được thở tự do trên những hỉ nộ ái ố thường tình.

Và nếu như thế được gọi là…thơ, thì thơ vẫn e dè trong giây phút ban sơ nhất giữa lạ và quen…


Về dịch


Người bạn Đức, vừa là thầy và đồng nghiệp, Gs U. Blau, sau khi đọc những

bài thơ, đã tặng tôi cái tựa đề cho tập thơ, gọi nó là “In einem kaelteren Land”, tôi mừng nhận ra tựa đề ấy tâm can.

Nhưng cũng chính nó đã làm khổ không ít khi chuyển sang tiếng Việt. Nghĩa đen của nó thật đơn giản: “trong một xứ lạnh hơn”, ở đây ngụ ý so sánh thật rõ, tố cáo luôn cả xuất xứ của người viết: có người từ xứ nắng ấm đi sang miền lạnh giá, đang ở trong “một xứ lạnh hơn”. Hai chữ “lạnh hơn” như chỉ rõ gai ốc đang sần lên nơi da thịt còn hâm hấp mùi nắng nhiệt đới. Trong tiếng Đức, âm hưởng của nó, dù khổ độc, gói ghém ý nhị hơi thở thi ca được buông ra từ con chữ “kaelteren”, với hấp lực gây nhiều tưởng tượng phiêu du giữa hai đầu ấm lạnh, giữa sắc nắng chói chang và màu tuyết lạnh lùng, dịch sang tiếng Việt, bỗng nghe trắc trở, không thơ.

Có thể có 4 khả năng dịch: “trong miền lạnh hơn”, “nơi miền lạnh giá”, “xứ người lạnh hơn”, “lạnh hơn xứ mình”

Tôi đã loay hoay với cụm từ “Nơi miền lạnh giá” hòng mang một chút thơ vào trong đề tựa mà vẫn thấy sự hụt hẫng của màu nắng đang chìm trong cơn lạnh, cái tinh tế, ý nhị so sánh ẩn trong “In einem kaelteren Land”, cho đến khi bốn chữ “Lạnh Hơn Xứ Mình” xuất hiện, sau khi đắn đo với cách dịch “Xứ người lạnh hơn” hay “Nơi xứ lạnh hơn”.

Trong một khía cạnh nào đó, “Lạnh hơn xứ mình” - dịch ra tiếng Đức nguyên nghĩa là “kaelter als mein und zugleich unser Land” - khả dĩ hoán cốt được nghiã tỉ giảo trong “Trong một xứ lạnh hơn” thành xương tủy của “mình”. Thay vì “một xứ lạnh hơn” nào đó, không xác định, tôi đem “xứ mình” như một lời đáp đầy ắp chủ quan đối với xứ kia và đẩy “lạnh hơn” ra đàng trước như cảm nghiệm so sánh giữa những gì của “xứ mình” mà tôi mang theo và của xứ người mà tôi đang cảm nhận. Tuy không có chữ “trong” nhưng LHXM cho thấy người nói đang “ở trong” cái xứ lạnh đang nói đến.

Trong lúc chủ thể trong “Trong miền lạnh hơn” tiếng Đức được hiểu ngầm (sous entendu) ẩn mặt, trong tiếng Việt, tôi cho “mình” ra mặt như một dấu nhấn cái tôi – mình - vừa là thể xác cụ thể (thân mình), nơi nắng gió cọ xát từng sát na, vừa là cái hồn tinh tế chung cuộc của “TA” như là chủ thể cảm nghiệm, chủ thể ý thức. Trong ngôn ngữ Việt, chữ “mình” vừa tự nhấn mạnh vừa tự bỏ rơi, “mình” chỉ cái tôi đơn nguyên, cá thể nhưng “mình” cũng là mọi người, hay “không ai”, không xác định, có thể là ngôi thứ nhất (tôi), có thể là ngôi thứ hai (anh) và có thể là chúng ta (xứ mình đối với xứ người) và có thể là ngôi thứ ba (cái mình ấy).

Sự bỏ lửng một trong hai đối tượng so sánh: - trong “TMXLH” quê hương của người làm thơ không được đề ra, trong “Lạnh hơn xứ mình” xứ lạ là nước Đức không được nói đến - cả hai chia chung một chủ ý: cái “không nói” trong hai ngôn ngữ mở rộng chiều không gian tưởng tượng và cái ấy xui dục ý thơ.

Chừng ấy tâm sự mà cũng để cám ơn người bạn Đức Ulrich Blau.

Nhặt một vài viên sỏi làm gương:

Có ai tự mình giăng bẫy cho mình? Tôi đã có cảm giác ấy khi dịch thơ của chính mình.

Những chữ, những câu đắc nhất trong bài thơ tiếng Đức bỗng hóa ra những cạm bẫy dễ sa chân nhất khi chuyển sang tiếng Việt.

Rất nhiều trường hợp như thế làm toát mồ hôi cày trên hai cánh đồng chữ nghĩa. Rốt cùng có lẽ cách hay nhất vẫn là sáng tác lại chứ không dịch.

Nhưng vẫn cố lì mà dịch, như một thách đố giữa hai bờ ngăn cách, xem thử có cùng ngồi chung được một thuyền hay không, nơi cái trò ảo thuật chuyển ngữ này.

Ba bài thơ tiêu biểu cho việc dịch “bở hơi tai” ấy.


Tiết thu (Herbststimmung) (trang 40/41)


Bài thơ được viết từ một cuộc dạo chơi bên hồ sau một cơn trọng bệnh còn chưa dứt hẳn. Cảnh thu rực rỡ bày ra trước mắt của một người từ lâu ở trong bốn bức tường, hoát nhiên như một bừng tĩnh. Rừng cây trùng điệp muôn màu đứng trang trọng bên hồ. Nắng vàng sáng lóa bên ni bờ, bên kia bờ bóng im chùng xuống Không gian trong suốt mong manh trong im lặng không cùng. Vạn vật trang đài bất động chỉ duy vài ngọn lá đỏ lìa cành, êm ả rơi xuống mặt hồ trong như gương. Nhìn ngọn lá đỏ chao trên mặt nước, nhẹ hẫng và bình an, bỗng nhớ một thời xếp giấy thả thuyền với niềm vui xa bờ rong chơi.

Chính trong giây phút ấy như có một phép mầu xảy ra: cơn bệnh bỗng được gột rửa, mọi khủng hoảng nội tâm được chữa lành, chẳng khác trạng thái chết rồi mà được sống lại

Cho nên “tiết thu” là một cuộc hồi sinh đến từ thiên nhiên, nguồn suối cứu vớt trầm luân con người.

Trong bài thơ, cả vũ trụ mùa thu được thu lại nơi ngọn lá đỏ và bầu trời trong hồ. Tất cả tịch lặng, đứng sững, ngay cả bụi nắng cũng ngưng thần, chỉ duy một chuyển động: ngọn lá rơi, nhưng không rơi vào vô định bi thảm, không sướt mướt than van thu tàn, không đỗ vỡ chia lìa, nó rơi trở lại trong bầu trời dưới đáy hồ, nó trở lại bầu trời nguyên thủy, lành lặn nhất thể.

Trong toàn bài thơ tiếng Đức, chữ “đắc” nhất diễn tả tâm trạng ấy là chữ “heilfroh”. Đó là một tĩnh từ ghép hai chữ “heil” (lành, thánh thiện) và “froh” (vui), một từ “thô” ít được dùng trong văn chương hơn trong ngôn ngữ thường nhật (Umgangsprache) Đức, tuy có nguồn gốc sâu xa từ ngôn ngữ nhà thờ nhưng ý nghĩa thánh linh đã phai mờ, cho nên gây ngạc nhiên không ít cho bạn đọc người Đức, ngạc nhiên mà thú vị khi chợt hiểu ý tứ bài thơ.

Về cú pháp chữ “heilfroh” như một trạng từ là gạch nối giữa câu trước và câu sau. Trong cảm nghiệm nó là chiếc thuyền “mộc” đưa tâm thức từ đáy hồ (như nỗi tuyệt vọng) nơi ngọn lá vừa rụng xuống sang bờ bên kia. Nó (heilfroh) là thanh sắc và tâm cảm mùa thu (của ngọn lá rơi) đồng thời cũng là tâm trạng của “mich” (túc từ của ngôi thứ nhất “tôi”), “của tôi”, người đang nhìn ngọn lá rơi, “mừng húm” được thoát nạn, được mùa thu đưa sang bờ thoát nạn. Chính chữ “heilfroh” là gạch nối hàn gắn - thô thiển an nhiên như niềm vui ban sơ nhất- tất cả những yếu tố trong bài thơ, nó chuyên chở cả vũ trụ mùa thu vào trong ngọn lá đỏ rơi vào cõi an nhiên.

Tôi đã phân vân khi chọn chữ để dịch “heilfroh”: “hân hoan an lành”, có vẻ văn hoa văn hay “mừng húm” theo cách bình dân mộc mạc để diễn tả chính tâm trạng của người vừa thoát cơn hiểm nghèo, hú hồn như kẻ bị trượt châm suýt ngã. Cuối cùng “mừng húm” được chọn để dịch “heilfroh”, dù biết có thể nó quá “thô” cho một bài thơ theo nghĩa bóng bẫy thông tục , nhưng chữ “húm” gợi cho ta ý niệm huyền nhiệm giải thoát, của “úm ma ni bát mê hồng”, như tiếng thở phào của người vừa được cứu lên thuyền sang sông.


Bài thơ Thời gian (Die Zeit)(tr. 44/45)


Thu ca tiếng Đức chỉ vỏn vẹn một câu, dài hơn bài thơ sắp nói sau, dịch sang tiếng Việt, cũng gặp khó khăn bởi thể thụ động là thể nặng nề khi chuyển sang tiếng Việt. Bài thơ phối hợp sự nhạy cảm của hai giác quan: thấy và nghe trở thành hòa đồng khi màu sắc trở thành âm thanh, khi bức tranh thiên nhiên lên tiếng thành hòa âm mùa thu, khi thị giác chuyển qua thính giác và sự nhận biết, nhìn ngắm thiên nhiên xảy ra như một tổng hợp toàn vẹn của các giác quan. Tất cả những điều ấy đều do chiếc đũa thần thiên nhiên biến hóa hội hoạ trở thành âm nhạc: đó là thời gian, thời gian như một ý niệm biến chuyển, trở thành, sáng tạo.

Khi thiên nhiên xuất hiện trong vẻ hoàn hảo nhất, trong sự lộng lẫy tuyệt đối, thiên nhiên có thể giải phóng sự tù túng, cỡi bỏ giới hạn ngũ quan, phóng thích mọi phân biệt, và tràn ngập cái TÂM, chuyển hóa nó thành HOÀN MỸ.

Nguyên nghĩa của câu thơ: bị thời gian khuấy động, hay cảm động do thời gian, màu vàng chảy tràn trên lá tái xanh hòa nên tiếng thu ca. Động từ “ruehren” có nghĩa khuấy động, đánh động (như khi khuấy sữa, đánh trứng), cũng còn có nghĩa làm cảm động, rung động…Trong bài thơ, màu vàng của mùa thu được khuấy động (như của một bàn tay họa sĩ) chảy tràn ra vũ trụ, màu vàng huy hoàng lộng lẫy đến nỗi chính nó lên tiếng hoà điệu trở thành bài ca mùa thu.


Bài thơ Về nhà (Zu Hause sein) (trang 98/99)


Đây là bài thơ ngắn nhất của tập thơ, chỉ gồm có 5 chữ cái, không có động từ chính. Chữ “wundgelaufen” dùng trong thể “participe passé” như một trạng từ, có nghiã tình trạng “đi bức đau chân, sưng chân, đi đến bị thương”, sang tiếng Việt trở thành động từ “đi”, “chạy”. Chữ “Fußbad” là một danh từ kép của hai chữ “Fuß” (chân) và “Bad” (sự tắm rửa) dịch sang tiếng Việt thành động từ rửa chân. Chữ “Regenwasser” là một danh từ ghép gồm “Regen” (mưa) và “Wasser” (nước).

Toàn thể bài thơ chỉ là nét phác họa của một hình ảnh: rửa chân bị đau vì đã đi nửa vòng trái đất bằng gáo nước mưa. Tính sinh động của bài thơ nằm nơi giòng chảy của nước mưa mát dịu trên chân đau múc từ lu nước trong sân nhà cũ: hình ảnh về nhà là như thế, nó được bất động hóa bằng những danh từ và trạng từ, tĩnh từ, ngay cả tiếng nước chảy trên chân, nó là sự bình an tuyệt đối của sự trở về căn nhà cũ, nó là bức ảnh ngưng lại một giây của cuốn phim chạy nửa vòng trái đất.

Nó tựa như một lối thư pháp hán tự diễn tả chữ TÂM bằng dấu chấm và nửa mặt trăng!

Chỉ có thế mà muôn vàn khó khăn.

Rốt cùng,

Sự gặp gỡ giữa ngôn ngữ và ngôn ngữ là nơi dừng lại của phiêu bồng tưởng tượng, nơi giao thoa giữa “hiểu” và “cảm”.

Ước mong tập thơ được đọc với tâm độ lượng như một háo hức kiếm tìm đồng điệu.


Thái Kim Lan


 

Ca vịnh* mùa xuân

Frühschoppen zum Frühling



Trích từ tập thơ ”Lạnh Hơn Xứ Mình”
(song ngữ Đức Việt)
,
nxb Đông Phương, 2007

I.

Của năm
đêm dịu dàng
nàng trăng non
đúng hẹn
tô nét cong đầu tiên
cho đôi mày thanh tao
chào đón
xuân sang.


II.

Của ngày
vừa thức dậy từ đêm đông dài
bỗng
nghe màu đỏ nứt ra
trên cành
làm đẹp
gương mặt
trẻ măng
hồng
xuân sớm

III.

Vào giờ trời
hạnh ngộ
đất hạ sinh
bướm bay về
trên cây
thêu hoa
tấm áo
xuân xanh

IV.

Vào trưa
trong nắng
tưng bừng lân tinh
Chú chim hồi hương
hối hả tìm
dấu vết tổ ấm xưa
trên mái rêu phong
ngoài ngõ
mùa xuân
reo chuông
báo giờ
đến rồi!

I.

Des Jahres
linde Nacht
malt wie erwartet
im Teich
die junge Mondfrau
den ersten Bogen
ihrer feinen Augenbrauen
zum Willkommen
des Frühlings

II.

Des klaren Morgens
aufgewacht von tiefer Winternacht
da bricht heraus
aus Adern der Äste
die Röte
zum
Verschönern
des blutjungen Gesichtes des Frühlings



III.

Zur glücklichen Himmelsstunde
der Entbindung der Erde
kehren zurück
die Schmetterlinge
zum Baum
die grüne Pracht des Frühlings
zu besticken


IV.

Im tanzenden verstaubten Sonnenlicht
sucht inbrünstig
der rückkehrende Vogel
auf dem vermoosten Dach
alte Spuren
des verlassenen Nestes
am Tor
frohlockt schon
die Ankunft des Frühlings.



* Từ tiếng Đức “Frühschoppen”: người Đức có tục lệ rủ bạn bè đi uống bia hay rượu vào buối sáng trong nhà hàng, gọi là “Frühschoppen”. Tác giả dùng chữ này trong liên tưởng đến các buổi thưởng xuân của các nhà nho xưa tại Việt Nam, vừa uống rượu vừa làm thơ, các bài thơ được sáng tác liên hoàn về một đề tài.







Các thao tác trên Tài liệu

được sắp xếp dưới: Xuân Mậu Tý
Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
CONFÉRENCE DÉBAT 24/05/2024 19:00 - 23:00 — la Médiathèque JP Melville (Paris 13e)
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss