Bạn đang ở: Trang chủ / Nhân vật / Những cuộc tình của sử gia Trần Huy Liệu

Những cuộc tình của sử gia Trần Huy Liệu

- Phạm Quang Đẩu — published 13/01/2011 00:20, cập nhật lần cuối 12/04/2016 22:22
...với ông Liệu không ít người cho là vì chuyện “thê thiếp” mà ảnh hưởng đến đường công danh của ông (...). Giờ có dịp nhìn lại, qua những nhân chứng, cùng nhiều tư liệu mới được công bố về ông Trần Huy Liệu, bài viết dưới đây điểm đôi nét những nỗi đa đoan của nhà sử học đào hoa này.


Những cuộc tình
của sử gia Trần Huy Liệu



Phạm Quang Đẩu



Cuối năm 2010 vừa qua, có một sự kiện được nhiều người quan tâm là nhà yêu nước, kiêm sử gia Trần Văn Giàu đã về cõi vĩnh hằng ở tuổi tròn 100. Nhân dịp này, nhiều người lại nhớ tới một nhà yêu nước khác cũng kiêm sử gia đó là ông Trần Huy Liệu (1901-1969). Hai ông Trần Huy Liệu và Trần Văn Giàu có nhiều điểm giống nhau : cùng hoạt động cách mạng chống thực dân Pháp từ khi còn rất trẻ(ông Liệu hơn ông Giàu 10 tuổi, hoạt động trong Việt Nam Quốc dân đảng từ trước năm 1930) ; cùng viết báo công khai cổ vũ lòng yêu nước chống thực dân ; khi cuộc Cách mạng Tháng 8-1945 nổ ra hai ông đều giữ những trọng trách lớn (ông Liệu được bầu là Phó chủ tịch Uỷ ban dân tộc giải phóng, sau cách mạng thành công là Bộ trưởng Bộ thông tin tuyên truyền cổ động, thay mặt chính phủ cách mạng vào Huế tước ấn kiếm vua Bảo Đại, còn ông Giàu được bầu là Bí thư Xứ uỷ Nam Kỳ, sau cách mạng Tháng tám 1945 là Chủ tịch Uỷ ban kháng chiến Nam Bộ) ; rồi sau đó đều không giữ trọng trách gì nữa, chỉ chuyên nghiên cứu và giảng dạy sử học đến khi qua đời. Nỗi oan của ông Giàu đã được biết qua cuốn hồi ký mới công bố, còn với ông Liệu không ít người cho là vì chuyện “thê thiếp” mà ảnh hưởng đến đường công danh của ông (Ông Giàu trong chuyện tình lại rất đơn giản, chỉ chung thuỷ có một bà). Giờ có dịp nhìn lại, qua những nhân chứng, cùng nhiều tư liệu mới được công bố về ông Trần Huy Liệu, bài viết dưới đây điểm đôi nét những nỗi đa đoan của nhà sử học đào hoa này.


chandung

Nhà sử học Trần Huy Liệu đột ngột qua đời ngày 28-7-1969. Chưa đến tuổi “ thất thập cổ lai hi ”, song có lẽ linh cảm được sự sắp ra đi của mình nên ông đã để sẵn một di chúc, viết trên giấy xé từ cuốn sổ tay nhỏ, gạch chân dòng đầu tiên : “Một khi tôi ngã xuống”. Trang đầu, phần 2 ông đề cập ngay đến chuyện vợ con, sòng phẳng mà vẫn chưa dứt nỗi ân hận, ưu tư lúc sắp xuống mồ : “Tôi có hai vợ và sáu con cả trai lẫn gái. Vợ tôi, Nguyễn Thị Tý, đã từng sống với tôi trong những ngày gian khổ, giúp đỡ sự nghiệp cách mạng của tôi, tôi không bao giờ phụ tình. Đề nghị sau khi tôi chết, cho vợ hai tôi là Nguyễn Thị Hy và hai con tôi là Trần Nguyệt Quang và Trần Trường Chiến về dự tang lễ của tôi một cách chính thức và đi lại với gia đình cho vui…”

Ông lấy bà Nguyễn Thị Tý từ ngày ở quê làng Vân Cát, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định. Còn mối tình Trần Huy Liệu - Nguyễn Thị Hy là cả một thiên tình sử, ta sẽ có dịp nói ở phần sau. Còn có một “ bóng hồng ” đã đi qua đời ông trước cuộc gặp với bà Hy, mà chỉ đến những năm gần đây con cháu ông mới được biết thêm chi tiết cụ thể. Sau ngày nước nhà thống nhất, giáo sư Phan Huy Lê, hiện là chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, vốn là cán bộ nghiên cứu khi còn rất trẻ dưới quyền của Viện trưởng Viện Sử học Trần Huy Liệu, vào công tác ở Đà Lạt. Một hôm có ông bà Việt kiều từ Mỹ về, tìm đến. Bà tên Phạm Thị Bách, tức Thu Tâm, ngay lúc đầu gặp giáo sư Lê đã tự giới thiệu là “ người thân Trần Huy Liệu ”. Và trước mặt cả chồng, bà vẫn nói thẳng thắn : “ Sau này tôi có gặp một vài người nữa, nhưng không có ai nặng tình như với ông Liệu ”. Ấn tượng về bà của giáo sư Lê sau cuộc gặp là “rất sắc sảo, thành thực, có khả năng biểu đạt cao”. Rồi bà Bách còn tìm ra Hà Nội với mục đích duy nhất được thắp nén nhang trên mộ người xưa yêu dấu. Con trai út của sử gia Trần Huy Liệu là nhà báo Trần Chiến (tức Trần Trường Chiến trong di chúc) hiện đang làm việc tại báo Hà Nội Mới. Năm 1996 anh có dịp tiếp xúc với bà Bách ở thành phố Hồ Chí Minh và được đọc trọn cuốn hồi ký của bà “ Những ngày xa xưa ấy ” do nhà xuất bản Thế Kỷ, Hoa Kỳ mới ấn hành. Nhà báo Trần Chiến đã hiểu rõ hơn về mối tình dang dở của cha, mà trong các trang ghi chép, nhật ký để lại ông hay nhắc đến cái tên “ Thu Tâm ”.

giadinh

Ông Trần Huy Liệu và gia đình tại quê làng Vân Cát, Vụ Bản, Nam Định (11-1945)

Năm 1933, cô gái tuổi 18 tuổi Thu Tâm ra thăm người chị họ tên Hồng đang làm hộ sinh ở nhà bảo sanh Côn Đảo. Thời kỳ này Trần Huy Liệu bị Pháp bắt giam tại đây. Thu Tâm quê Hải Dương, dòng dõi văn thân, bà nội là chị ruột Nguyễn Thiện Thuật, hưởng ứng phong trào Cần Vương, ông đã làm cuộc khởi nghĩa ở chiến khu Bãi Sậy (Hải Dương), sau bị đàn áp đẫm máu. Từ lâu cô rất khâm phục tinh thần kháng Pháp của những người yêu nước thế hệ cha anh, từng quen biết qua lại với Nguyễn Thái Học, lãnh tụ Việt Nam Quốc dân đảng. Và cô đã đọc chăm chú, say sưa những bài báo của Trần Huy Liệu với nhiều bút danh như : Nam Kiều, Đẩu Nam, Côi Vị, Hải Khách. Trần Huy Liệu năm 1929 là Bí thư kỳ bộ Nam Kỳ của Quốc dân đảng, ông nổi tiếng với những bài báo đả kích gay gắt chế độ thực dân Pháp trên các tờ báo xuất bản ở Sài Gòn như Đông Pháp thời báo, Nông cổ mín đàm, Ngòi bút sắt…Vậy là kỳ nghỉ trên đảo, cô gái thông minh, xinh đẹp ấy đã tình cờ gặp được thần tượng của mình. Trần Huy Liệu hơi thấp, chân tập tễnh do bị địch tra tấn, mắt lại hơi “ loè ”, bù lại ông có vẻ đẹp của tâm hồn yêu nước cao cả, con người tài hoa, trái tim đa cảm. Buổi đầu Trần Huy Liệu có cảm tình với người nữ hộ sinh nhiều hơn và chỉ coi Thu Tâm như một “cô bé” dễ mến. Rồi Hồng và Thu Tâm trở về Sài Gòn. Mỗi khi Hồng nhận được thư ông từ ngoài đảo, thì đều không mấy quan tâm mà giao cho cô em viết trả lời mượn danh nghĩa chị. Thực ra, Hồng chỉ coi người tù cộng sản ấy như bao người khác mà cô nể trọng mà thôi. Ngày Hồng lên xe hoa, Thu Tâm thấy không thể “thư giả tình thật” mãi, đã nói thực mọi chuyện với Trần Huy Liệu, thổ lộ là đã thầm yêu ông ngay từ lần gặp đầu trên đảo. Khi Trần Huy Liệu được trả về đất liền, chính quyền thực dân không cho phép ông trở lại Sài Gòn nơi vợ và các con ông đang sinh sống. Ông gặp Thu Tâm ở Huế và trái tim họ đã hoà cùng nhịp đập. Trong cuốn hồi ký “ Những ngày xa xưa ấy ”, bà Phạm Thị Bách tức Thu Tâm có những đoạn mô tả ý nghĩ của hai người lúc đó, cũng có những sự khác nhau. Trích đoạn : “ Nằm trên mui thuyền trong một đêm trăng sáng tại cửa biển Thuận An, tôi nói với anh Liệu một câu thế này : theo chỗ em biết, anh là một nhà văn chân chính và quả thật có thiên tài, em xét đoán rất công bằng chứ không hề có thiên vị gì. Anh còn khá hơn Nguyễn Tường Tam rất nhiều, vì sao anh không theo nghiệp văn mà ưa thích chính trị nhỉ ? Anh Liệu trả lời không ngần ngại : anh chỉ thích lối viết văn tranh đấu mà thôi chớ còn viết văn tiểu thuyết thì không bao giờ anh muốn viết…” Mặc cảm và luôn cảm thấy mình có lỗi với người vợ đầu sâu nặng ân nghĩa của sử gia họ Trần, được thể hiện qua đoạn : “ Một đêm khuya thức giấc, anh Liệu thở dài và nói với tôi : em có biết trong lúc chúng ta vui vẻ thế này thì má thằng Diễm (tức bà Tý) ở nhà làm gì không ? Tôi giật mình, rờn rợn ấp úng trả lời em làm sao biết được. Anh Liệu ngồi dậy nói một cách buồn rầu  : bà ấy ăn trầu em ạ. Tôi ngạc nhiên, sao lại ăn trầu vào nửa đêm ? Thì bà ấy buồn mà lại. Em có biết rằng anh vắng nhà bao nhiêu đêm thì bấy nhiêu đêm bà ấy thức suốt sáng…” Thu Tâm hiểu tình vợ chồng sâu nặng của ông và cô không thể đang tâm làm tan nát cái tổ ấm ấy. Những bạn chiến đấu gần gũi của Trần Huy Liệu lúc ấy, như Đặng Xuân Khu (tức Trường Chinh), Hoàng Quốc Việt, Khuất Duy Tiến, Trần Đình Long thì cũng có những góp ý chân thành cho cả hai. Thu Tâm quyết định chủ động dứt bỏ mối tình “ hồn bướm mơ tiên ”, về sau bà lấy chồng và ra nước ngoài.

thieu nu

Bà Nguyễn Thị Hy thời thiếu nữ ở Hà Nội

Ông Trần Huy Liệu gắn bó với bà Nguyễn Thị Hy (tức Sửu), là “ vợ hai ” như di chúc nói đến, trong một hoàn cảnh khác. Năm 1931, bà Hy kết hôn với ông Phạm Giao, con cả của quan Thượng thư triều đình Huế Phạm Quỳnh. Bà là con gái học giả Nguyễn Văn Ngọc ở Hà Nội, có đủ công -dung -ngôn -hạnh, lấy chồng năm 18 tuổi và theo chồng vào Huế đã có hai mặt con. Nhưng bi kịch gia đình nổ ra. Chồng bà công nhiên yêu người khác, lấy làm vợ hai. Bà âm thầm chịu đựng cảnh chồng chung một thời gian. Rồi được tin cha mất, bà có cớ để ra đi, mang cả hai con về Hà Nội chịu tang. Đó là vào năm 1942. Bà không trở lại Huế nữa, cùng hai con sống ở Ấp Thái Hà lúc đó còn hoang vu, là vùng ven nội. Nhiều chiến sĩ cách mạng, trong đó có ông Trần Huy Liệu lấy ấp này là nơi trú chân trước khi vào nội thành hoạt động. Đó là thời kỳ ông Liệu vừa vượt ngục Hoả Lò, ốm yếu, ông ở nhà bà Hy, được bà chăm nom thuốc thang chu đáo. Người đàn bà mới vào tuổi ba mươi, vốn là hoa khôi phố Hàng Buồm, vẫn còn đẹp mặn mà. Song hai người không bao giờ vượt quá giới hạn tình cảm, chỉ quý trọng nhau. Cách mạng thành công, triều đình Nguyễn cáo chung, rồi toàn quốc kháng chiến nổ ra cuối năm 1946, nhiều gia đình ở thủ đô bìu díu tản cư lên chiến khu…

Năm 2009, Nhà xuất bản Kim Đồng, Hà Nội cho ra mắt cuốn “ Trần Huy Liệu - Cõi người ” tủ sách Danh nhân Việt Nam. Tác giả không ai khác, là Trần Chiến, người con út nối nghiệp làm báo, viết văn của cha ngày trước. Anh mô tả cuộc tình có phần định mệnh của cha mẹ mình, đoạn kết : “ Súng nổ. Đất nước bước vào cuộc kháng chiến kéo dài tới 8 năm sau. Liệu lên thăm Sửu. Trong cái ấp nghèo dưới chân núi Voi, chẳng có gì ngăn được họ đến với nhau nữa. Đây là cuộc phiêu lưu tình cảm cuối cùng và sâu sắc nhất của Liệu. Cuối năm 1947 Sửu sinh con gái Trần Nguyệt Quang, đứa con sinh ra trong kháng chiến sài đẹn, ghẻ lở đã lớn lên ăm ắp tình mẹ nhưng đầy những khắc khoải, day dứt của người cha…”

ba n

Bà Nguyễn Thị Hy và hai con với người chồng đầu
(năm ra Hà Nội 1942)

Có một điều về chính kiến của nhà sử học với thượng thư, kiêm học giả Phạm Quỳnh vốn là bố chồng bà Nguyễn Thị Hy, đáng để người đời hôm nay phán xét. Trong hồi ký Trần Huy Liệu viết tháng 8-1960 “ ”(Hồ sơ số 147, lưu trữ Viện Sử học, sau công bố trên Tước ấn kiếm của hoàng đế Bảo ĐạiHồi ký Trần Huy Liệu, NXB Khoa học xã hội 1991) có đoạn : “ Trong khi ấy bọn Pháp đã bắt đầu nhẩy dù xuống Huế, tên Pháp vừa nhẩy dù xuống đã hỏi ngay đến Bảo Đại, Phạm Quỳnh và những tên tôi tớ của chúng ngày trước. Ta một mặt tước khí giới của tên Pháp, một mặt xử trí thích đáng ngay những tên tay trong của Pháp như Ngô Đình Khôi, Phạm Quỳnh, đồng thời cô lập Bảo Đại…” Như vậy ông thẳng thừng coi ông Phạm Quỳnh là “ tay trong của Pháp ” và việc “ xử lý thích đáng ”(tức bắn chết ngay) là việc làm đúng đắn. Nhưng sau này, đã có nhiều nhà nghiên cứu lịch sử, trong các cuộc hội thảo, đã đưa ra nhiều bằng chứng cho thấy ông chủ báo Nam Phong Phạm Quỳnh có nhiều công hơn tội, không đáng phải chết thảm như vậy. Đó là việc một thời gian dài ông luôn nhiệt thành với việc chấn hưng văn hoá dân tộc, là một người yêu nước bằng tích cực cổ suý nền quốc học. Giáo sư sử học Văn Tạo (từng là một học trò của ông Trần Huy Liệu, cũng công tác tại Viện Sử học) đã viết : “ Phạm Quỳnh không có hành vi nào tàn ác với nhân dân, không đàn áp các cuộc khởi nghĩa nông dân như nhiều quan lại thời Nguyễn, không ra lệnh bắt tù đầy các nhà yêu nước. Nhưng mặt khác, ông lại có công chuyển tải văn hoá Đông-Tây làm phong phú cho ngôn ngữ, văn hoá dân tộc Việt Nam thời đầu thế kỷ XX, công lao đó đáng được ghi nhận ”. Còn có cứ liệu đã dẫn ra, chính Hồ Chủ Tịch lúc đó dù bận trăm công nghìn việc vẫn quan tâm đến việc tranh thủ các đảng phái, tôn giáo và giới trí thức, chỉ thị phải đưa ngay hai ông Ngô Đình Khôi (anh ruột Ngô Đình Diệm) và Phạm Quỳnh ra Hà Nội, nhưng đã quá muộn. Vậy là, ngay cả đến cuối đời ông Trần Huy Liệu vẫn không hiểu đúng về ông Phạm Quỳnh, đã có những lời viết “bất nhẫn” kể trên. Sinh thời, lúc đang nắm trọng trách ở giai đoạn đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp, Trần Huy Liệu (và cả Trần Văn Giàu nữa) vẫn bị các đồng chí của ông đánh giá là có xu hướng tư tưởng tả khuynh !

Việc ông Trần Huy Liệu có vợ hai làm bà cả Nguyễn Thị Tý rất giận, song bà vẫn trọng và luôn lo lắng cho sự nghiệp của chồng. Hoà bình trở về thủ đô, hai bà ở hai nơi, ông đi lại thăm nom chăm sóc cả hai. Chỉ đến khi ông mất hai bà mới cùng chịu tang và gặp gỡ nhau.


Khương Đình, đầu tháng 12-2010

Phạm Quang Đẩu


Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
CONFÉRENCE DÉBAT 24/05/2024 19:00 - 23:00 — la Médiathèque JP Melville (Paris 13e)
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss