Bạn đang ở: Trang chủ / Nhân vật / Vẫn Còn "Hẹn Thắp Lên"

Vẫn Còn "Hẹn Thắp Lên"

- Trần Đình Sơn Cước — published 07/03/2016 22:55, cập nhật lần cuối 12/04/2016 22:22

Vẫn Còn "Hẹn Thắp Lên"


Trần Đình Sơn Cước



Đến mồng một tháng ba năm 2016, giáo sư Nguyễn Ngọc Lan đã về nước chúa tròn 9 năm. Gần 10 năm có còn ai nhớ đến ông, kể cả người thương và ghét ông? Riêng tra vấn cuối đời của ông, chắc ông đã tìm được câu trả lời cho chính mình khi qua tới được " bờ bên kia".

"Một mai đến tận đường cùng
Khi chiều sương xuống, hỏi sương hỏi chiều
Bao nhiêu lòng kể là nhiều
Thập hình ngã bóng càng chiều càng xa "
(1)

Trong bài tưởng nhớ trước linh cửu của ông, Linh mục Vũ Khởi Phụng, một linh mục cùng thuộc Giòng Chúa Cứu Thế với ông, đã nhận định về ông : "...Suốt đường đời của mình, anh Lan luôn thấy hình bóng cây thập giá trong mọi biến cố. Thập giá là cái đau đớn, cái rách nát, cái nhức nhối xuyên suốt cuộc nhân sinh. Thập giá ấy giải thích những tiếng kêu dằn vặt, chói chang, đôi khi chói tai của anh. Cuối cùng khi những tâm tư và bức xúc của anh vẫn còn y nguyên trong lòng mà thân xác thì cứ tàn tạ mãi không đường hồi phục, anh đã cảm thấy thập giá nơi cá nhân mình, nó cứ " ngã bóng" mãi, " càng chiều càng xa" không biết đến tận những sâu thẳm nào. Một cảm nhận như lạ lùng bỡ ngỡ nhưng cũng là cảm nhận tất nhiên, bởi nếu có một " cùng đường", một " chiều sương" nào mà thập giá không "ngã bóng" thì ở đó chẳng thể có cứu độ, chẳng thể có phục hồi...". (2)

Đối với thế hệ chúng tôi, cha Lan, anh Lan là một con người đặc biệt, khó quên.

"...Con người ấy luôn luôn thấy chẳng có gì lý tưởng như lòng mình tha thiết mong đợi. Từ trong đạo đến ngoài đời, từ trong Giáo Hội đến ngoài xã hội, anh luôn luôn phát hiện những điều bất cập. Anh nói và viết nhiều điều sâu cay về người này việc nọ, mà người ta vẫn quý anh, là vì trước khi thốt ra những điều sâu cay, thì trong thâm tâm anh là người đau đớn trước tiên. Sắc mặt anh tái xanh mỗi khi sắp đưa ra một nhận xét nghiệt ngã. Anh không phải là người đứng ngoài để phê phán, đoán xét và lên giọng dạy dỗ lung tung cho sướng miệng, hay cho thỏa một nỗi hậm hực, hận thù nào đó. Anh là người có một mối tình quá cao sáng với con người và với cuộc đời, để rồi khi giáp mặt với những tiêu cực vô số, thì chính cái tình yêu ấy ở nơi anh bị xúc phạm, bị quằn quại...". (2)

Cha Lan, anh Lan là một người gây nhiều tranh cãi.

"...Xã hội chúng ta có một từ trước kia rất ít được nhắc tới, nhưng khoảng chừng một năm nay thì hay được nói đến: đó là từ " phản biện". Có thể anh Lan từ ngày còn trẻ tới giờ vẫn là một bậc thầy " phản biện"... Là giáo sĩ hay giáo dân, anh vẫn thao thức vì trong Hội Thánh còn nhiều điều chưa vươn lên đến tầm Tin Mừng và anh cũng nói thẳng ra. Là công dân, anh đau cái đau của dân tộc. Trước 1975, anh chống lại chế độ miền Nam. Chế độ ấy sụp đổ năm 1975, anh đã thỏa mãn chưa? Thưa chưa, cho đến ngày này anh vẫn tiếp tục phản biện, và bằng lòng trả giá, bằng lòng mất hết để trung thực với lòng mình...". (2)

Tưởng nhớ ông, khi ông vừa về nước Chúa năm 2007, Thân hữu và đệ tử của ông ở San Jose đã xin một Thánh Lễ cầu nguyện cho ông ở nhà thờ Saint Patrick.


thanh-le

Linh mục Phan Tấn Lực cử hành Thánh Lễ


hinh-2

Nhà văn Hoàng Ngọc Biên nhắc nhớ kỷ niệm


hinh-3

Cùng các Các LM. Lực , LM. Hội .
Anh Nguyễn Văn Đức , hàng sau, thứ 3 từ trái kế nhà văn Nguyễn Xuân Hoàng

Anh Lan có hai "đệ tử ruột" là anh Đoàn Tường và Nguyễn Văn Đức. Hai anh nguyên là chủng sinh của Dòng Chúa Cứu Thế. Khi đang học cao học triết tại Đại Học Văn Khoa Huế mỗi lần cha Lan, giáo sư thỉnh giảng môn Triết của Đại Học Văn Khoa Huế ra giảng dạy, anh Đức là tài xế xe gắn máy cho cha Lan đi đến các cuộc diễn thuyết, gặp gỡ thân hữu và sinh viên. Nếu Đoàn Tường tham gia tòa soạn tạp chí Đối Diện, thì chính anh Đức là người hì hục đánh stencils, quay roneo hầu hết các số báo Đối Diện, Đứng Dậy, Đồng Dao, ĐD, ( những số báo không có nhà in nào nhận in vì không có giấy phép xuất bản) ngay tại Dòng Chúa Cứu Thế Thủ Đức, sau đó được chiếc xe hơi hai ngựa của một Soeur chở đi đóng gói và phát hành. Ít ai biết sự ''đồng lỏa" của "Thầy Sáu" Nguyễn Văn Đức trong việc xuất bản những số báo Đối Diện của cha Lan lúc đó. "Thầy Sáu" Đức sau 1975 cũng được nếm cơm tù cách mạng khi nhà dòng Chúa Cứu Thế Thủ Đức bị tiếm đoạt. Vì tấm lòng với thầy, anh Đức đã liên lạc với Linh mục Phan Tấn Lực xin Thánh Lễ cầu nguyện cho linh hồn anh Lan...

Nhà văn, họa sĩ Hoàng Ngọc Biên là một người bạn thân của anh Lan. Sau năm 1975, anh Biên, nhà văn Diễm Châu, nhạc sĩ Cao Thanh Tùng,... có lúc về góp tay với tờ Đứng Dậy. Họ thường gặp gỡ chuyện trò, cơm trưa ở trụ sở đường 20 Bà Huyện Thanh Quan. Nhớ về giai đoạn nầy, nhà văn Hoàng Ngọc Biên kể:

Logo cho tạp chí dung day. Phụ trách Mỹ thuật và Biên tập Sinh hoạt Văn hóa tạp chí Đứng dậy của LM. Chân Tín và anh Nguyễn Ngọc Lan. Năm nhà thơ Huy Cận đến ăn trưa ở tòa soạn Đứng dậy, vị Bộ trưởng “cách mạng” nhìn cái logo và các bìa báo in typo của Đứng dậy và nói (không biết có ý gì) “các anh ghê thật: chúng tôi ba mươi năm hơn xã hội chủ nghĩa mà chưa bao giờ có được một cái emblème nào ra hồn...”


chantin

logo

nguyen ngoc lan

Chân Tín – Logo Đứng dậy -Nguyễn Ngọc Lan (3)

Khi tờ báo Tin Sáng và tạp chí Đứng Dậy " hoàn thành nhiệm vụ", theo lời kể của nhà nghiên cứu Lữ Phương, nguyên Thứ Trưởng Bộ Thông Tin thuộc Chính Phủ Cách Mạng Lâm Thời Cọng Hòa Miền Nam Việt Nam "...Nhiều anh em chúng tôi phân tán đi kiếm ăn linh tinh. Lúc này, anh Nguyễn Ngọc Lan đã hoàn tục, lập gia đình, cũng tập tễnh làm ăn bằng một nghề mới học: bán đồ gỗ cẩn xa cừ, nghe nói cũng chẳng khấm khá gì. Diễm Châu thất nghiệp, đi bộ lang thang trên đường phố vì mất xe đạp, trông thật nhếch nhác.Trần Tuấn Nhậm đi về miền Tây vượt biên không thoát và chết trong tù. Thế Nguyên mở quán nhậu sau chết vì tetanos. Hoàng Ngọc Biên bán cà phê, tụ tập anh em tán dóc cho vui..." (4).

Trong Thánh Lễ hôm nay, nhà văn Hoàng Ngọc Biên là người tổ chức, điều khiển chương trình, in chân dung anh Lan cho mỗi người tham dự cầu nguyện Thánh Lễ. Sau Thánh Lễ , anh Biên đã ôn lại một vài kỷ niệm về anh Lan, phân phát bản nhạc "Ngàn Thu Áo Tím " của nhạc sĩ Hoàng Trọng và Vĩnh Phúc cùng nhau hát trong tiếng đệm dương cầm của nhạc sĩ Hoàng Ngọc Trường để tưởng nhớ anh Lan vì, như anh Biên cho biết, lúc sinh thời anh Lan yêu thích bản nhạc theo điệu valse trữ tình đầy sắc màu tím, màu mà anh thường mơ tới trong " Chủ Nhật Hồng Giữa Mùa Tím " (5), vì ở nơi "...một người còn đó. Leo lét như ngọn đèn chầu" vẫn "mãi mãi trong tim. Một sắc tím hồng đọng lại".(6)

sau

truoc

Bìa trước và sau "Hẹn Thắp Lên"

Vào những năm 1967 và 1969, nhà xuất bản Trình Bày thuộc tạp chí Trình Bày đã ấn hành hai tác phẩm gây chú ý của Linh Mục Nguyễn Ngọc Lan: " Chứng Từ Năm Năm" và " Đường Hay Pháo Đài". Tác phẩm cuối cùng của anh Nguyễn Ngọc Lan " Hẹn Thắp Lên" ( Lời Chứng Hai Mươi Lăm Năm 1975-2000) lại cũng được nhà xuất bản Trình Bày, đã "di tản" qua Strasbourg - Salt Lake City, in và phát hành ở hải ngoại vào năm 2000. Bài thơ " Lửa Tro" của nhà thơ Đỗ Trung Quân viết " tặng một người còn đó - ngọn đèn chầu" đã được chính anh Lan chọn in vào cuối sách " Thay Lời Bạt" với niềm tin :

"...đôi khi
ta nhớ về những ngọn lửa sắp lụi tàn
lửa của tro than
hẹn thắp lên một ban mai
lành sạch".(7)

"Hẹn Thắp Lên" là ước hẹn, là niềm tin của giáo sư Nguyễn Ngọc Lan. Như Linh mục Vũ Khởi Phụng giảng giải : " Đức tin là bằng chứng cho những điều ta không thấy" (Dt 11, 1). Trong đoạn thư Do Thái ấy, tôi cho rằng có những cảm nghiệm mà anh Lan đã được dự phần, đó là những cảm nghiệm mà các tổ phụ đã từng trãi: " Các ngài mong ước một quê hương tốt đẹp hơn" (Dt 11,16). Anh Lan đã chứng minh đủ cho mọi người đều thấy, anh đâu có quê hương nào khác ngoài mảnh đất Việt Nam quằn quại bi tráng này...".(2)

Tưởng nhớ Giáo Sư Nguyễn Ngọc Lan, với thân hữu và đệ tử của anh, quê hương hôm nay vẫn còn phải " Hẹn Thắp Lên" một " ban mai lành sạch".

Trần Đình Sơn Cước

(Sunnyvale 2/2016)



Ghi chú:


(1) Thơ Nguyễn Ngọc Lan

(2) Linh Mục Vũ Khởi Phụng: " Tưởng Nhớ Anh Phao-Lồ Nguyễn Ngọc Lan (1930-2007). Take2Tango.com

(3) Hoàng Ngọc Biên " Cười Một Cách Nghiêm Chỉnh", CV không công bố

(4) Lữ Phương: " Tưởng Nhớ Một Người Anh Em". diendan.org

(5) Nguyễn Ngọc Lan: " Chủ Nhật Hồng Giữa Mùa Tím", nxb Tin Paris 1997

(6) Thơ Diễm Châu: "Hẹn Thắp Lên" tr. 9

(7) Thơ Đỗ Trung Quân: " Hẹn Thắp Lên" tr.347

(8) Nguồn ảnh: nhà văn Hoàng Ngọc Biên cung cấp


                                        ______________________

Diễn Đàn : Chúng tôi đã nhận được bài này từ tác giả trước ngày giỗ giáo sư Nguyễn Ngọc Lan, để đăng vào đúng ngày 01/03 vừa qua. Mà giờ này tối 07/03 mới đăng, thật có lỗi với gia đình và bạn hữu giáo sư, cùng độc giả. Xin được tha thứ vì một lý do kỹ thuật bất khả kháng : tại khu nhà của người phụ trách bài này, đêm 28-02 mưa gió rất lớn làm mất cả điện thoại lẫn khả năng sử dụng Internet cho đến sáng nay 07-03.
                                        ______________________


Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
CONFÉRENCE DÉBAT 24/05/2024 19:00 - 23:00 — la Médiathèque JP Melville (Paris 13e)
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss