Bạn đang ở: Trang chủ / Biên khảo / Những mô hình ẩn giấu

Những mô hình ẩn giấu

- Vĩnh Sính — published 17/09/2010 12:03, cập nhật lần cuối 12/04/2016 22:18
...Khi nhìn vào cách suy nghĩ (modes of thought), hệ thống giá trị (value systems), cùng tập tính hành động (patterns of behaviour) trong dòng lịch sử của người Nhật Bản, Takeda đã dùng những cách suy diễn ‘nguyên hình’ (archetypes), dựa trên lý luận của Carl Jung về “những vô ý thức tập thể”...


“Những mô hình ẩn giấu”,
hay là
“Những nguyên hình” của văn hóa Nhật Bản


Vĩnh Sính


Ōtsuki (Chiba) Yuka-san đã đối đãi với chúng tôi hết lòng. Trong lần gặp gỡ đầu tiên vào mùa Thu năm 1963, Ōtsuki-san cùng đến cư xá lưu/du học sinh của Đại học Chiba ở Inage (Chiba) với Ōsawa Yasuko-san, Furui Yasuko-san, v.v. trong Haha to ryūgakusei no Kai (Hội những người Mẹ và Lưu/Du học sinh) của YWCA. Từ đó cho đến khi bà mất, chúng tôi được quen biết với Ōtsuki-san trên bốn mươi năm.

Ōtsuki-san lúc nào cũng niềm nở và rất chân tình. Sinh vào cuối đời Meiji, Ōtsuki-san phảng phất dáng hình của “Người-đời-Meiji”1 — đặc biệt là tinh thần trách nhiệm. Giọng nói và cử chỉ của Ōtsuki-san rất là tao nhã.

Khi viết bài này này chúng tôi không khỏi tưởng nhớ đến Ōtsuki Yuka-san. Chúng tôi xin ghi lại nơi đây lòng cảm tạ muôn vàn.

Trung tuần tháng 9 năm 2010

Vĩnh Sính



Những bước đầu tiên: Năm 1983, khi chúng tôi vừa được bổ nhiệm chân ướt chân ráo dạy trong phân khoa Sử tại Đại học Alberta được một năm, học giả lừng danh Katō Shūichi đến trường trong hai tuần để nói chuyện qua lời mời của một cô giáo trong phân khoa Đông Á. Hai tuần lễ thật là thú vị. Katō nguyên là bác sĩ y khoa, lúc đó đang giảng dạy về văn chương Nhật Bản tại Đại học British Columbia (Canada), có kiến thức uyên bác và lối “mổ xẻ” vấn đề sắc sảo và độc đáo khôn lường. Về văn học, triết học, lịch sử, âm nhạc, hay hội họa ở Nhật Bản hay thế giới nói chung, hầu như không có môn gì mà Katō không biết. Tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Đức nói rành để có thể giảng dạy, chữ Hán và chữ Nhật xưa cũng thông thạo. Tập sách hai cuốn Nihon bungakushi josetsu (日本文学史序説 Tự thuyết về văn học sử Nhật Bản, Tokyo: Chikuma Shobō, 1981) của Katō nói cho đúng là lịch sử tư tưởng (shisōshi 思想史 tư-tưởng-sử; tức là “lịch sử tư tưởng”, intellectual history) Nhật Bản. Có lẽ vì chúng tôi cũng chuyên ngành về lịch sử tư tưởng nên câu chuyện giữa Katō và chúng tôi lại càng “ăn ý”. Trong hai tuần thăm viếng trường Đại học Alberta, Katō trình bày bảy đề tài khác nhau, những buổi thuyết trình lúc nào cũng hấp dẫn, luôn luôn bám sát chủ đề, hơn một giờ nói chuyện tưởng chừng trôi qua rất nhanh. Đó là chưa kể những buổi nói chuyện tại nhà riêng ban đêm. Lần gặp gỡ học giả Katō Shūichi phải nói là may mắn cho chúng tôi, không phải chỉ vì mới bước chân vào nghề mà thôi.

Từ mùa Đông năm sau cho đến mùa Xuân năm 1985, chúng tôi có dịp đón học giả Matsuzawa Hiroaki 松沢陽弘 đến với tư cách là Distiguished Visiting Professor (Giáo sư Thỉnh giảng Kiệt xuất) ở phân khoa Sử là nơi chúng tôi giảng dạy. Matsuzawa lớn hơn chúng tôi chừng mười lăm tuổi, vốn là môn đệ đầu đàn của học giả nổi tiếng Maruyama Masao. Vì giao thiệp gần gũi với Matsuzawa trong thời gian khá dài, buồn cười mỗi lần chúng tôi đi Nhật, người ta ứng xử với chúng tôi như có quan hệ “thầy trò” với Maruyama, thật ra thì không phải như vậy.

Ba bài nói chuyện của Matsuzawa tại phân khoa chúng tôi phải nói là mẫu mực, “để đời”. Những bài thuyết trình không cần sửa đổi gì cả và có thể xuất bản tức thì — nếu dùng ngôn từ Bắc Mỹ. Lần đến thăm trường của Matsuzawa là một dịp hiếm có (và cũng rất ngẫu nhiên) đối với cuộc đời nghiên cứu của chúng tôi.

*

*     *

Gặp cuốn sách hay: Chuyện tình cờ là mùa Hè năm 1985, khi chúng tôi đi Nhật thì thấy trên các quầy sách có để cuốn Nihon bunka no kakure kata (Những mô hình ẩn giấu của văn hóa Nhật Bản日本文化のかくれた形, chữ katachi ở đây đọc là kata).2

Cuốn sách là tổng hợp những bài phát biểu của Katō Shūichi 加藤周一, Kinoshita Junji 木下順二, Maruyama Masao 丸山真男 trình bày tại Trung tâm Nghiên cứu Á Châu của trường Đại học International Christian University (ICU) (国際キストキョウ大学, tức “Quốc tế Cơ-đốc-giáo Đại học”). Cuốn sách được Takeda Kiyoko 武田清子, cũng là học giả hàng đầu về lịch sử tư tưởng và văn hóa Nhật Bản, biên tập.

Học giả Takeda Kiyoko là giáo sư Đại học ICU, trường cũ của chúng tôi, nơi chúng tôi đổi đến và theo học được gần hai năm cuối cùng trước khi tốt nghiệp đại học. Mặc dầu thời gian theo học không lâu, mái trường đã mang những kỷ niệm đẹp nhất của chúng tôi trong tuổi hoa niên.

*

biaKhi tổ chức hội thảo với đề tài “Những mô hình ẩn giấu của Nhật Bản — Suy nghĩ về những nguyên hình (archetypes)” tại ICU, Takeda Kiyoko cho biết là các diễn giả phát biểu tùy theo ngành chuyên môn và cách “ý thức vấn đề” (mondai ishiki 問題意識) của mỗi người. 3

Khi nhìn vào cách suy nghĩ (modes of thought), hệ thống giá trị (value systems), cùng tập tính hành động (patterns of behaviour) trong dòng lịch sử của người Nhật Bản, Takeda đã dùng những cách suy diễn ‘nguyên hình’ (原型 archetypes), dựa trên lý luận của Carl Jung về “những vô ý thức tập thể” (collective unconscious, 集合的無意識).4 Nhưng Takeda nhấn mạnh rằng áp dụng lý luận của Jung hay không là hoàn toàn tuỳ theo diễn giả.

Jung quan niệm có sự khác biệt rõ rệt giữa “vô ý thức cá nhân” (個人的無意識 personal unconscious), đi từ những kinh nghiệm cá nhân, và “vô ý thức tập thể”, không phải là những tập hợp những kinh nghiệm cá nhân nhưng là những tập hợp tích lũy của kinh nghiệm và khuynh hướng cá nhân có từ thuở xa xưa. Jung gọi những tích lũy được thừa hưởng này là nguyên hình hay ‘những hình tượng nguyên sinh (primordial images), tạo điều kiện cho chúng ta nhìn thế giới bên ngoài. Những nguyên hình này nằm ẩn kín dưới chiều sâu của những sinh hoạt tinh thần — ý thức hay vô ý thức — tiếp tục hiện ra và tác động đến cảm tình, suy nghĩ, và hành động của chúng ta. Vì những lý do nêu ra trên đây, Takeda gọi những ‘nguyên hình’ là Kakureta kata, có nghĩa là ‘những mô hình ẩn giấu’, làm đầu đề của cuốn sách.

*

Katō Shūichi trình bày về những điểm đặc thù căn bản của xã hội và văn hoá Nhật Bản trong bài thuyết trình của mình. Những đặc điểm sau đây, theo Katō, tạo những tầng sâu của xã hội và văn hoá Nhật Bản: chủ nghĩa tập đoàn có tính cách cạnh tranh (kyōsōteki-na shūdanshugi 競争的な集団主義; competetive groupism), chủ nghĩa hiện thế (genseishugi 現世主義; this-worldliness), chủ nghĩa hiện tại (genzaishugi 現在主義; emphasis on the present/recent), và chủ nghĩa hình thức (儀式 nghi thức; ritualism).


Trước hết, điểm thứ nhất là chủ nghĩa tập đoàn có tính cách cạnh tranh. Cạnh tranh được Katō chia làm hai loại: cạnh tranh giữa các tập đoàn với nhau (inter-group), hoặc cạnh tranh cùng trong một tập đoàn (intra-group). Hai loại cạnh tranh đều mãnh liệt. Điểm khác nhau giữa Nhật Bản và các nước châu Á khác là cạnh tranh giữa các tập đoàn với nhau ở Nhật Bản rất mãnh liệt.

Những tập đoàn ở Nhật Bản có hai loại: 1) Đó là ie ( 家 gia, tức là “nhà”, đọc là i-ê), hoặc là “chủ nghĩa gia tộc” (家族主義). Ie/nhà là mẫu hình của chủ nghĩa tập đoàn. 2) mura/ムラ (村thôn, tức là “làng”). Theo Katō, giữa ie/nhàmura/làng có một điểm khác nhau. Trong trường hợp ie/nhà, không ai đuổi một thành viên ra khỏi nhà (ngoại trừ trường hợp quá cực đoan), mura//làng thì khác. Người nào không theo lệ làng thì bị loại ra, tức là “tẩy chay”; tiếng Nhật gọi là mura hachibu tiếng Anh gọi là social ostracism. Đặc tính của xã hội Nhật Bản là “大勢順応” tức là “đại thế thuận ứng”, nói nôm na là “gió chiều nào ngả theo chiều đó”. Đó là khuynh hướng “tuân phục” (conformism), phải thích nghi cho giống như người khác. Những xí nghiệp, các đội thể thao v.v. hoặc ngay cả nước cũng có khuynh hướng như vậy. Vì ý kiến tập đoàn phải giống nhau mới là lý tưởng, ý kiến của thiểu số, trong trường hợp cực đoan, có thể bị loại trừ.


Điểm thứ hai là tính chất này có liên quan với “chủ nghĩa hiện thế” (現世主義 genseishugi, this-worldliness). Theo Katō, văn hóa Nhật Bản có tính cách “đứng bên bờ này”, và không quan tâm đến những gì ở “bên bờ kia”.5 Vì vậy, người Nhật Bản có khuynh hướng không để ý đến những gì ở ngoài cuộc sống hàng ngày. Thêm vào đó, những giá trị hoặc quyền uy đi vượt qua cuộc sống hàng ngày người ta cũng không mấy quan tâm. Một thế giới quan như vậy khiến người ta không biết lịch sử bắt đầu từ lúc nào, cũng như chấm dứt ở đâu. Đây là “chủ nghĩa hiện tại 現在主義” mà Katō muốn giải thích.

Người ta chỉ chú trọng đến hiện tại và không lo nghĩ đến chuyện quá khứ — đặc biệt những quá khứ ‘không đẹp’ lắm. Khuynh hướng này không những có thể quan sát ở cá nhân, mà ngay cả tập đoàn; danh từ chuyên môn gọi là khuynh hướng chóng “quên lãng”. Theo Katō, “chứng” này là một loại historical amnesia ( 歴史的健忘症 kiện-vong-chứng lịch sử, theo tiếng Nhật). Chúng ta có thể Việt hoá danh từ này và gọi là “chứng quên lãng lịch sử”. Cũng nên nói thêm là “tương lai” đối với người Nhật Bản cũng không phài là đối tượng để lo lắng, chỉ có “hiện tại” mới là quan trọng.

Biểu hiện rõ ràng nhất của khuynh hướng này là qua những tranh cuộn (emakimono 絵巻物; scroll painting) sản xuất rất nhiều vào thế kỷ XII, XIII, và XIV. Khi triển lãm những tranh này, người ta chỉ treo một phần vì bức tranh quá dài. Những người đến xem tranh cuộn đều không thấy được phần trước hay phần sau, mà chỉ thấy ‘những gì họ nhìn thấy’ — tức là “hiện tại” mà thôi. Theo Katō, không gian và thời gian qua tranh cuộn được biểu hiện cụ thể và rõ ràng nhất của ‘chủ nghĩa hiện tại’ hay nói rõ hơn, chỉ nhìn thấy “hiện tại”. Kết quả là người “Nhật Bản có thể ứng xử nhanh nhẹn trước tình hình đổi mới trên thế giới”.6


Điểm cuối cùng là chủ nghĩa hình thức ( 儀式 nghi thức; ritualism). Khuynh hướng này thể hiện qua cách dùng con dấu (hanko ハンコ; personal seals) tại công sở, nhà bưu điện, hoặc ngân hàng, v.v.. Katō viết: “Ví dụ tên tôi là Katō thì mua con dấu Katō 加藤 ở đâu cũng có, lại rẻ nữa. Nhưng mua con dấu như vậy thì chẳng có ý nghĩa gì về việc xác nhận tôi là Katō cả. Thế mà nếu tôi dùng con dấu đó ở công sở thì ai cũng thoả mãn; ngược lại nếu tôi không dùng con dấu thì một kiện bưu điện tôi cũng không nhận được.”7

Chủ nghĩa chủ quan cực đoan (extreme subjectivity) là một mặt khác của tập đoàn. Katō nhận xét rằng lối truyền đạt lý tưởng là thần giao cách cảm (telepathy) mà tiếng Nhật gọi là ishin denshin (以心伝心 dĩ-tâm truyền-tâm). Dĩ tâm truyền tâm nguyên là một câu của các Thiền gia, có nghĩa là chân lý không dựa vào ngôn ngữ hoặc ngôn tự mà chỉ truyền đạt trực tiếp từ thầy đến trò. Trong đời sống hàng ngày, dĩ tâm truyền tâm có nghĩa là chuyện gì đang suy nghĩ thì không dùng ngôn từ để diễn tả mà truyền đạt từ lòng/tâm (kokoro 心, tâm) của mình đến người khác. Katō kết luận đây là lối truyền đạt lý tưởng trong xã hội Nhật Bản.

Theo Katō, sự liên lạc dễ dàng về việc giao tế/liên lạc (communicate) trong một tập đoàn (intra-group) “không thể tách rời đến sự khó khăn để truyền đạt giữa các tập đoàn với nhau (inter-group) — đặc biệt đối với người ngoại quốc”.8

*

Nhà soạn kịch Kinoshita Junji bàn về nguyên hình của văn hoá Nhật Bản qua hai tuồng Nō, Izutsu 井筒 (Cái giếng nước) và Sanemori 実盛 (Sanemori) của Zeami vào cuối thế kỷ XIV—đầu thế kỷ XV.

Izutsu Sanemori đều thuộc về mugennō, tức là một loại Nō “mộng huyền 夢幻”; từ này đối với chúng ta đang còn mới, xin trích lại lời giải thích của từ điển Daijien (Đại từ uyển 大辞苑): “Tuồng Nō trong đó người lữ hành (tabibito 旅人), hay nhà sư, ngỡ mình gặp hồn, thần, quỷ,... có bóng hình của cố nhân, nghe chuyện cũ hoặc xem người xưa múa , v.v.”.9

Izutsu là chuyện lấy từ Ise monogatari (伊勢物語 Chuyện Ise) đầu thời Heian. Chuyện kể rằng Ariwara-no-Nariwara 在原業平, một thi sĩ thơ Nhật (waka 和歌;tức hòa ca) lừng danh vào thế kỷ IX, và một người đàn bà mà chúng ta chỉ biết là con gái của Ki-no-Aritsune, kết duyên vợ chồng. Nariwara là “tay ăn chơi”, dan díu với một cô khác ở Kawachi, tương đối gần Kyoto. Cô vợ của Narihira, đã không ghen tuông với việc ngoại tình của chồng mình, mà chỉ lo cho chồng mình được bình yên. Cảm động bởi sự hy sinh hết lòng của vợ, Narihira hối cải và trở về với nàng. Sau đó hai người sống trong hạnh phúc.

 

Theo Kinoshita, trong một vở tuồng Nō luôn luôn có vai waki (ワキ; vai phụ) và người thủ vai shite (シテ; vai chính). Trong tuồng Izutsu, người đàn bà bên bờ giếng, tức là con gái của Aritsune, đóng vai shite; nhà sư đứng nhìn là người thủ vai waki. Kinoshita dùng định nghĩa của Nogami Toyosaburō (1923) về vai waki như sau: “Waki trên sân khấu là người đại diện cho chúng ta — người đi xem tuồng. Chỉ có cách giải thích như vậy mới hiểu ý nghĩa của anh ta trên sân khấu.”10

Khác với chủ nghĩa hiện thực trong phần đầu, trong phần tiếp theo nhà sư nhìn lên thấy hồn con gái của Aritsune hiện ra múa và đứng đợi chồng — một cảnh mà theo nghĩa thông thường thì không thể có thật được. Nhưng vì nhà sư đóng vai waki và đứng trên sân khấu, đang nhìn và xem mọi chuyện là thật, khán giả vì vậy cũng cảm thấy rất thật. Nói tóm lại, vai trò waki của nhà sư, theo Kinoshita, rất trọng yếu bởi vì đã làm một chuyện “không thật” trở thành “thật” — tức là tạo tính hiện thực (realism) cho vở tuồng Nō.

Trong Sanemori, nhà sư cũng thủ vai waki, còn Sanemori trong vai shite. Kinoshita đặc biệt chú trọng đến hiệu quả của cách không dùng chủ từ (shugo ga nai 主語がない; omission of subject) trong cách nói chuyện của vong hồn của Sanemori. Đối với những người không quen với lối không nhất thiết phải dùng chủ từ hay túc từ (hoặc bỏ chủ từ hay túc từ) trong văn pháp tiếng Nhật, câu chuyện không có lý gì cả. Ví dụ tiếng Nhật có thể nói “Boku wa unagi da” (ぼくはウナギだ; nếu dịch trực tiếp thì sẽ là “Tôi là con lươn”, nhưng nếu hiểu theo tiếng Nhật thì sẽ dịch là “Tôi ăn lươn” ).11 Kinoshita tin rằng người ta không hiểu cách không dùng chủ từ trong tiếng Nhật chẳng qua vì “chịu ảnh hưởng của hệ ngôn ngữ Ấn-Âu” và hoàn toàn đồng ý với Tokieda Motoki khi ông ta nói rằng: “Phê phán việc không dùng chủ từ trong tiếng Nhật là không đúng. Sự thật, phải nhận thức cách diễn tả chủ từ theo một phương thức/cách khác.”12

Kinoshita muốn nói là tính hiện thực trong tuồng Izutsu không nên hiểu theo nghĩa hiện thực thông thường, nghĩa là “không nên hiểu theo một hiện thực theo chủ nghĩa tự nhiên và có tính cách tả chân.”13 Trong Sanemori, Kinoshita gợi ý là sự vắng bóng của chủ từ trong cách nói chuyện của là một hình thái của nguyên hình của văn hoá Nhật Bản.

*

Bài thuyết trình của Maruyama Masao có đề tài là “Genkei, Kosō, Shuyô teion” 原型、古層,執拗低音 “Nguyên hình, Cổ tầng, Chấp-áo đê-âm” tức là “Nguyên hình, Cổ tầng, và Âm thấp cứ lặp đi lặp lại.” Trước đó, Maruyama có nói chuyện ở ICU về vấn đề có liên hệ mật thiết với đề tài này: “Matsurigoto no kōzō — Things Religious and Things Governmental —“. (Cấu tạo của matsurigoto — Giữa tôn giáo và chính trị). Để dễ nhận thức hơn, chúng ta trình bày hai đề tài chung với nhau.

 

Trước hết, “matsurigoto” là một chữ Nhật cổ, có nghĩa là “chính trị”, nguyên nghĩa của “matsuri” là “lễ tế” và “koto/goto” là “sự” như trong “sự việc”. Sở dĩ gọi như vậy là vì trong Thần đạo (Shinto) thời cổ đại xem việc tế lễ và chính trị là đồng nhất. Từ đó mới có từ saisei itchi (tế-chính nhất-trí 祭政一致), tức là “tế lễ và chính trị là một”.


Thứ đến, “ Cổ tầng, và Âm thấp cứ lặp đi lặp lại” là gì?. “Cổ” có nghĩa “xưa, cũ” “tầng” là “tầng lớp”. Maruyama sử dụng ngôn ngữ âm nhạc, basso ostinato, để chỉ quá trình Nhật-Bản-hoá những khái niệm ngoại lai. Từ này có nghĩa là âm điệu trầm lắng, tiếng Anh gọi là obstinate bass hay ground bass, cứ lặp đi lặp lại không dứt, trong khi những âm khác đổi sang những thanh điệu cao hơn. Theo Maruyama, sở dĩ dùng “cổ tầng” hoặc basso ostinato để gợi lên “tính liên tục hoặc tính vĩnh hằng.”14

Nếu ví dòng lịch sử Nhật Bản với một bản nhạc, Maruyama cho rằng mặc dầu khi điệu nhạc chính có thể là những tư tưởng ngoại lai, hay là tư tưởng đi từ nước ngoài — chẳng hạn như tư tưởng Trung Hoa thời cổ đại hay tư tưởng Tây phương thời cận đại, nhưng âm điệu trầm lắng ấy không bao giờ tắt hẳn, mà cứ trộn lẫn với những âm điệu trầm khác để tạo nên một điệu trầm dai dẳng, trầm lắng mãi không thôi. Đó chính là basso ostinato vậy.

So với các điệu trầm tổng quát thông thường (general bass), Maruyama cho rằng basso ostinato “khi thì hiện ra ngoài và có thể nghe rõ ràng, như trong trường hợp trường phái Kokugaku (国学Quốc-học) vào cuối đời Tokugawa, khi thì bị trấn áp bởi văn hoá ‘ngoại lai’ nên phải ẩn giấu dưới tầng sâu” .15


Đến đây chúng ta phải mở dấu ngoặc để giải thích qua về Kokugaku. Mặc dầu Nho học chiếm ưu thế trong học giới, văn hóa thời Tokugawa (1600-1868) rất đa dạng và khởi sắc. Ngoài Nho học còn có KokugakuRangaku (蘭学Lan-học, tức ngành nghiên cứu khoa học và kỹ thuật Tây phương bằng tiếng Hà Lan). Hai người khởi đầu việc nghiên cứu Kokugaku là Keichū, một nhà sư phái Shingon (Chân-ngôn真言), và Kamo-no-Mabuchi. Cả hai đều bắt đầu từ cuốn Man’yōshū ( 万葉集 Vạn-diệp-tập; 760 sau CN) — tuyển tập thơ ca đầu tiên của Nhật Bản. Người đóng vai trò quan trọng nhất trong việc hoàn chỉnh phương pháp nghiên cứu của Kokugaku là Motoori Norinaga (本居宣 Bản-cư Tuyên-trường; 1730-1801). Norinaga đã để 35 năm trường nghiên cứu cuốn Kojiki (古事記 Cổ-sự-ký) biên soạn xong năm 712 sau CN.

Cũng nên nhắc lại rằng trước khi Norinaga nghiên cứu cuốn Kojiki, không ai có thể đọc được cuốn sách này vì cuốn sách được viết dưới dạng chữ Man’yōgana — viết bằng nhữ Hán nhưng lại đọc theo tiếng Nhật — có nghĩa đối tượng độc giả của Kojiki là người Nhật, và cách đọc lúc ấy đã thất truyền. Nói cách khác, hơn một nghìn năm đã không còn ai đọc Kojiki được nữa ! Tiện thể cũng nên nói thêm rằng Nihon shoki (Nhật-Bản-kỷ 日本書紀, hoặc Nihongi 日本紀) biên soạn cùng thời với Kojiki lại viết bằng chữ Hán và đọc như chữ Hán — có nghĩa đối tượng độc giả của Nihon shoki là những người trên bán đảo Triều Tiên và Trung Hoa để nói nước Nhật Bản có truyền thống “lâu đời và vẻ vang” không thua kém gì Trung Hoa !


Điểm khác biệt quan trọng giữa Nhật Bản và Việt Nam trong quan hệ đối với Trung Hoa là vị trí địa lý: không như Việt Nam liền sông liền núi với Trung Hoa, Nhật Bản nằm cách rời đại lục Trung Hoa bởi một eo biển (chỗ gần nhất giữa hai nước cũng cách nhau bằng eo biển chừng 500 km), vừa “đủ gần” để Nhật có thể tiếp thu văn hoá Trung Hoa trước thời cận đại, nhưng cũng vừa “đủ xa” để khỏi bị xâm lấn.16 Bởi vậy, mối quan hệ từ những tiếp xúc ban đầu cho đến thế kỷ XIX chỉ giới hạn trên lãnh vực văn hóa. Khi nhìn lịch sử tiếp thu văn hóa Trung Hoa của Nhật Bản, ta có cảm tưởng gần như Nhật Bản có thể điều chỉnh mức độ tiếp thu văn hóa Trung Hoa tùy theo nhu cầu và hoàn cảnh của mình. Trong thái độ của Nhật Bản đối với văn hóa Trung Hoa có hai khuynh hướng khá rõ rệt: ‘kính phục’ hoặc ‘phủ nhận’.

Khác với Việt Nam, nơi văn hóa Trung Hoa lúc đầu được đưa vào bất chấp ý muốn của người Việt qua gần một ngàn năm Bắc thuộc, văn hóa Trung Hoa được truyền sang Nhật Bản trong khoảng thế kỷ VI—VIII chủ yếu theo ý nguyện của người Nhật. Triều đình Nhật Bản lúc bấy giờ chọn lựa những người tài giỏi để gửi sang Trung Hoa thành nhiều phái bộ (mỗi phái thường có đến năm trăm người) để học hỏi và tiếp thu văn minh tiên tiến dưới hai đời Tuỳ-Đường.


Bây giờ chúng ta thử xem thái độ “phủ nhận” của người Nhật Bản đối với văn hoá Trung Hoa. Tokugawa Ieyasu, người sáng lập chính quyền Tokugawa (1600-1868), đã áp dụng học thuyết Tống Nho của Chu Hy để củng cố chính quyền bakufu (mạc-phủ). Tống học nhờ vậy trên lý thuyết trở thành chính thống. Nhưng trên thực tế, dưới thời Tokugawa có nhiều Nho gia như Yamaga Sokō (山鹿素行Sơn-lộc Tố-hành; 1622-1685) và Yamazaki Ansai (山崎闇斎 Sơn-kỳ Ám-tế; 1618-1682) phủ nhận cơ chế Nho giáo của Trung Hoa, và cho rằng về cả ba mặt nhân, trí, dũng, Nho giáo Nhật Bản hơn hẳn Trung Hoa. Ngay đối với Khổng Tử, cách đặt vấn đề của Ansai cũng khác hẳn các nhà Nho ở Trung Hoa và Việt Nam.

Sách Sentetsu sōdan (先 哲 叢談 Tiên-triết tùng-đàm) biên soạn cuối thời Tokugawa có ghi lại đoạn vấn đáp sau đây giữa Ansai và các môn đệ. Ansai một hôm vấn nạn các môn đệ: ‘Nếu bây giờ Trung Hoa cử Khổng Tử làm tướng quân và Mạnh Tử làm phó tướng dẫn vài vạn kỵ binh sang xâm lấn nước ta, với tư cách là người học đạo Khổng Mạnh, các trò thử nghĩ chúng ta phải ứng xử làm sao?’

Thấy các môn đệ lúng túng, Ansai tự đáp: ‘Nếu điều bất hạnh này xảy ra, chúng ta chĩ còn cách là mặc áo giáp, mang kiếm ra trận bắt sống Khổng Mạnh đặng báo ơn nước. Đây chính là điều Khổng Mạnh dạy chúng ta !’17


Chắc hẳn đối với các nhà Nho Việt Nam, phản ứng đầu tiên khi nghe đoạn vấn đáp này là: “Đối với các bậc thánh hiền ai lại đặt câu hỏi kỳ cục như thế?” Cách vấn nạn của Ansai chắc hẳn đã lạ lùng, khó nghe; mà câu trả lời của Ansai cũng không kém bất ngờ, đường đột. Phải một ‘Nho gia’ không bị chi phối bởi thế giới quan Nho giáo của Trung Hoa mới có đủ tính khách quan để đặt vấn đề trực tiếp và tận gốc như vậy.

Việt Nam, trong khi đó, vừa liền sông liền núi với Trung Hoa, vừa đứng trong trật tự của thế giới Trung Hoa. Vì vậy, quá trình giữ nước và dựng nước của Việt Nam là: 1) triệt để chống trả mọi xâm lăng quân sự, nhưng đồng thời 2) chấp nhận và tiếp thu các khuôn mẫu văn hóa Trung Hoa.18


Trở lại vấn đề, sau khi Norinaga đã để 35 năm trường giải mã cuốn sách, Norinaga viết cuốn Kojikiden (Cổ-sự-ký truyện 古事記伝), dài khoảng 6350 trang giấy in ngày nay, khảo sáo (sát) cặn kẽ, từng hàng từng chữ, cuốn Kojiki qua các khía cạnh lịch sử, văn học, ngôn ngữ, và tôn giáo. Qua Kojikiden cùng các trước tác khác, Norinaga quan niệm rằng: Trước khi văn minh Trung Hoa du nhập vào Nhật Bản, người Nhật suy nghĩ và hành động rất thuần phác và bộc trực. Do ảnh hưởng của văn hoá Trung Hoa — đặc biệt các luật lệ nhân tạo và các lễ nghi bó buộc của Nho giáo, cách sống tự nhiên của người Nhật bị méo mó. Bởi vậy, cần trở lại lối sống của người Nhật thời cổ đại để biểu lộ tình cảm vui, buồn, yêu thương một cách chân thực và bộc trực, vì đó là phương cách duy nhất đề cảm thông với mọi vật trong cuộc sống.

Âm trầm basso ostinato — tính chất cá biệt của văn hóa Nhật Bản — theo Maruyama bắt nguồn từ cuốn Kojiki đã nói trên. Theo Maruyama, basso ostinato được chia làm 3 ‘ý thức’: ý thức lịch sử, ý thức luân lý, và ý thức chính trị.19

Tùy theo thể loại ý thức, Maruyama chia basso ostinato thành ba loại: lịch sử, luân lý, và chính trị. Trong bài thuyết trình, Maruyama tập trung vào những mốc dựa theo nghiên cứu của mình về lịch sử tư tưởng, mở đầu bằng cuốn Nihon seiji shisō kenkyū (日本政治思想研究 Nghiên cứu về tư tưởng chính trị Nhật Bản), xuất bản lần đầu tiên năm 1952. Hane Mikiso đã dịch sang tiếng Anh sách này dưới đầu đề Studies in the Intellectual History of Tokugawa Japan, tức là Nghiên cứu về lịch sử tư tưởng ở Nhật Bản thời Tokugawa, xuất bản năm 1974.

*

*    *

Cuốn Nihon bunka no kakure kata (Những mô hình ẩn giấu của Nhật Bản) đã cho độc giả cách nhìn về văn hoá Nhật Bản rất độc đáo qua những bài viết của những học giả đầu ngành. Tuy Nhật Bản là nước có rất nhiều sách, chúng tôi có cảm tưởng những sách như cuốn này rất hiếm hoi. Thật đáng quý là nước Nhật Bản có những sách như cuốn này từ hơn 25 năm trước.


Vĩnh Sính




1 Tức là Meiji-jin (Minh-Trị-nhân 明治人, tức là “Người-đời-Meiji”. Danh từ này để dùng cho những người sinh vào thời đại vẻ vang của Nhật Bản.

2 Takeda Kiyoko biên tập, Nihon bunka no kakure kata (Những mô hình ẩn giấu của Nhật Bản). Tokyo: Iwanami Shoten, 1984. 175 trang. 1300 yen.

3 Như trên, trang 153

4 Xin lưu ý là Takeda Kiyoko ở đây dùng chữ 集合的 (tập-hợp-đích) để dịch từ collective, trong khi Katō Shūichi có khuynh hướng dùng chữ 集団主義的 (tập-đoàn-chủ-nghĩa-đích).

5 Tiếng Nhật gọi “bên bờ này” là “thử ngạn” 此岸”. “Thử” là “ở đây”, hoặc “bên này”; “ngạn” là bờ. Vậy “thử ngạn” là “bên bờ này”. Bỉ ngạn 彼岸 là “bên bờ kia”.

6 Takeda Kiyoko biên tập, Nihon bunka no kakure kata, trang 37.

7 Như trên, trang 38.

8 Như trên, trang 40-41.

9 Trích lại, như trên, trang 54.

10 Như trên, trang 59.

11 Như trên, trang 75. Người dùng câu này lần đầu tiên là nhà ngôn ngữ học Okutsu Keiichirō.

12 Như trên, trang 75-76.

13 Như trên, trang 77.

14 Như trên, trang 149.

15 Như trên, trang 148.

16 Vào cuối thế kỷ XIII quân Nguyên-Mông định sang xâm lấn Nhật Bản hai lần, nhưng cả hai lần đều gặp bão tố, nên phải rút về. Người Nhật gọi hai trận bão này là Kamikaze (神風Thần-phong) vì tin rằng có thần phù hộ cho nước Nhật.

17 Trích lại từ “Jiji shōgen” (Thời-sự tiểu-ngôn), Fukuzawa Yukichi zenshū ( Phúc-trạch Dụ-cát toàn-tập) [Tokyo: Iwanami Shoten, 1958],

18 Sau khi Pháp xâm lược, rồi tiếp đến sau năm 1945, tình hình có khác đi nhiều, nhưng đi ngoài chủ đề của bài viết này.

19 Takeda Kiyoko biên tập, Nihon bunka no kakure kata, trang 151.


Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
CONFÉRENCE DÉBAT 24/05/2024 19:00 - 23:00 — la Médiathèque JP Melville (Paris 13e)
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss