Bạn đang ở: Trang chủ / Biên khảo / Tranh chấp Biển Đông Nam Á -I

Tranh chấp Biển Đông Nam Á -I

- Vũ Quang Việt — published 12/12/2010 18:47, cập nhật lần cuối 12/04/2016 22:18

Tranh chấp Biển Đông Nam Á:
đi tìm giải pháp hòa bình và công lý
dựa trên chứng cứ lịch sử và luật pháp quốc tế


Vũ Quang Việt

 


LTS. Bài nghiên cứu quan trọng này của tác giả Vũ Quang Việt đã gây nhiều tranh cãi ngay từ khi nó mới chỉ được công bố dưới dạng sơ thảo, trước hè năm nay. Từ đó, tác giả đã nỗ lực làm sáng tỏ hơn những luận cứ và luận điểm của mình và nhất là viết thêm một chương mở đầu "Tóm tắt phương pháp luận và kết quả của nghiên cứu" trước khi công bố chính thức trên Tạp chí Thời Đại Mới (số  19, tháng 7/2010). Nhưng dĩ nhiên, đối với một vấn đề cực kỳ nhạy cảm như vấn đề tranh chấp chủ quyền, các cuộc tranh cãi sẽ chẳng dễ dàng khép lại (ngay cả khi vấn đề được giải quyết một cách thoả đáng !). Trong số 20, tháng 11/2010, Thời Đại Mới trở lại vấn đề này với một bài của hai tác giả Dương Danh Huy và Hoàng Anh Tuấn Kiệt, phản bác một số luận điểm của Vũ Quang Việt, và một bài đáp lại của tác giả này.

Cuộc đối thoại diễn ra trong tình hình mới ở Đông Nam Á từ mấy tháng nay, khi các nước trong ASEAN liên quan đến tranh chấp được hỗ trợ bởi lập trường mới của Mỹ, tỏ ra đồng thuận hơn về việc bác bỏ phương án giải quyết "song phương" của Trung Quốc (tức là mỗi nước sẽ một mình đối mặt với ông láng giềng khổng lồ này), đòi hỏi giải quyết tranh chấp qua đàm phán đa phương, đưa đòi hỏi tự do thông thương trên biển Đông Nam Á lên hàng đầu. 

Vì tầm quan trọng của vấn đề, Diễn Đàn quyết định sẽ đăng trên "trang nhất" (thay vì chỉ giới thiệu trong mục "Thấy trên mạng") các bài tranh luận này. Và trước đó, để bạn đọc tiện theo dõi, chúng tôi cũng xin đăng lại nguyên văn bài viết này của Vũ Quang Việt. Bài khá dài, chúng tôi sẽ chia làm ba phần, xuất bản trong ba ngày liên tiếp trước khi đưa lên hai bài đối thoại nói trên.

Đây là bài thứ nhất, bạn đọc có thể bấm vào cuối bài để đọc các bài tiếp theo (sau 1 hay 2 ngày).


Mục Lục

Tóm tắt phương pháp luận và kết quả chính của nghiên cứu.

Phần I.  Bối cảnh: sự trỗi dậy của một cường quốc quân sự

Sự quan trọng của Biển Đông Nam Á đối với khu vực và thế giới

Trung Quốc chưa bao giờ có chủ quyền trên Biển Đông Nam Á

Thế chiến thứ hai, đề quốc Nhật và ý đồ kiểm soát biển Đông Nam Á

Trung Quốc từ ý đồ sở hữu Hoàng Sa và Trường Sa

Mỹ đứng ngoài tranh chấp?

Chiến lược gậm nhấm chờ thời của Trung Quốc

Từ chờ thời đến biểu dương sức mạnh quân sự

Và đằng sau đề nghị hợp tác

Tham vọng kiểm soát biển Đông Nam Á

Phần II. Xem xét lại những yêu sách dựa trên “chủ quyền lịch sử”

Mục tiêu của phần II

A. Những yêu sách của Trung Quốc

1. Bằng chứng phải là chính sử, tài liệu chính thức của nhà nước trung ương

2. Chứng cứ hành xử chiếm đóng thường trực, dài lâu trước Việt Nam?

B. Yêu sách chủ quyền của Việt Nam

1. Yêu sách về quần đảo Paracels và chứng cứ lịch sử

2. Yêu sách về quần đảo Spratlys (Trường Sa) và chứng cứ lịch sử

Bắc Hải có phải là Trường Sa không?

Đại Nam Nhất Thống Toàn Đồ có thể dùng làm chứng cứ?

Lý do kinh tế và các lợi ích khác để vua chúa nhà Nguyễn kiểm soát Trường Sa? 

Cuộc vận động chính phủ Pháp bảo vệ chủ quyền Việt Nam ở Paracels

Hoạt động của người Hoa và Nhật ở đả Woody (Phú Lâm)

Thái độ của chính phủ Pháp về chủ quyền trên Paracels và Spratlys

Pháp làm gì ở Paracels sau khi tuyên bố chủ quyền năm 1933?

Nhật và Paracels (Hoàng Sa) và Spratlys (Trường Sa)

Phần III.  Bối cảnh: Đi tìm giải pháp hòa bình và công lý

Về quần đảo Paracels (Hoàng Sa): giải pháp song phương

Về quần đảo Spratlys (Trường Sa): giải pháp đa phương ba bước

 

Phụ Lục. Biên niên sử liên quan đến Hoàng Sa và Trường Sa và chú giải

 

 

     
Tóm tắt phương pháp luận
và kết quả chính của nghiên cứu

 

Bài viết này không còn là bản nháp, nhưng vẫn chỉ có thể coi là bản đúc kết tạm trong quá trình nghiên cứu về một vấn đề rất phức tạp. Như bất cứ một nghiên cứu mang tính khoa học nào, nó dựa trên các thông tin hiện có và các sự kiện được giới chuyên gia đánh giá là đáng tin cậy, và như thế trong tương lai khi có thêm các thông tin được đánh giá là đáng tin cậy, các đúc kết tạm ở bài này có thể thay đổi.

Bài viết này dựa trên quá trình nghiên cứu của tác giả được trình bày và trao đổi tại hai hội thảo về tranh chấp Biển Nam Trung Hoa (mà tác giả đề nghị nên gọi là biển Đông Nam Á), đã được trình bày ngày 18 tháng 11 năm 2009 tại Council on Southeast Asian Center, Yale University và ngày 25 tháng 3 năm 2010 tại Center for Vietnamese Philosophy, Culture, & Society, Temple University.

Tác giả cám ơn Giáo Sư Ngô Vĩnh Long và Giáo sư Trần Hữu Dũng đã đóng góp nhiều ý kiến cũng như tham gia tổ chức các cuộc hội thảo trên. Thời gian sau hai Hội thảo trên, tác giả cũng nhận được nhiều ý kiến và thông tin mới từ nhiều người, đặc biệt là bạn Nguyễn Tuân ở Ý và Dương Danh Huy ở Anh, Hồ Bạch Thảo ở Mỹ, Nguyễn Ngọc Giao ở Pháp qua đó tác giả đã điều chỉnh lại những sai sót trước đây. Mới nhất tác giả cũng tiếp cận được thêm một vài nghiên cứu (chưa phải hết) của anh Phạm Hoàng Quân ở Việt Nam, và cố gắng đưa vào bài này. Cũng xin cám ơn cô Phương Loan ở Vietnamnet đã giúp dịch bài tiếng Anh mà tác giả trình bày ở Temple University để sử dụng trong bài viết này. Tuy vậy phải nói những đúc kết trong bài viết là ý kiến riêng của tác giả, không một ai trong những người được nêu tên ở trên có trách nhiệm gì về chúng, thậm chí có người còn không đồng ý. 

Bất cứ một cuộc tranh chấp nào mang tính quốc gia đều nhạy cảm. Người viết có thể chọn quan điểm của quốc gia mình để trình bày và diễn dịch sự kiện nhằm ủng hộ chủ quyền của nước mình và bác bỏ sự kiện và diễn dịch của nước khác. Cách tiếp cận này ở mức độ tốt nhất vừa đòi hỏi việc sưu tầm sự kiện chính xác, có nguồn gốc rõ ràng, vừa tìm cách sử dụng công pháp quốc tế nhằm thuyết phục người đọc, dư luận quốc tế, coi họ như những ông quan tòa có tri thức, sẵn sàng tìm hiểu sự việc và không thiên vị. Dù thế nào thì cách tiếp cận như vậy cũng không khách quan vì người viết sẽ chỉ trưng ra những cái có lợi cho mình và đào sâu vào những cái bất lợi cho địch. Cho đến nay, không có quyển sách nào vượt hơn được quyển sách Sovereignty over the Paracel and Spratly Islands của bà luật sư Monique Chemillier-Gendreau, gồm nhiều tài liệu đáng tin cậy, lập luận chặt chẽ dựa vào công pháp quốc tế, có lợi cho Việt Nam. Bà Chemillier viết có thể dưới tư cách một người bạn Việt Nam, một người vì công lý hoặc cũng có thể coi là với tư cách một luật sư bảo vệ khách hàng của mình. Trước tòa án công lý, có thể bà ấy sẽ thắng nhiều điểm cho Việt Nam. Tuy nhiên, vấn đề tranh chấp hiện nay đâu chỉ liên quan đến luật, mà thực chất là cuộc tranh chấp quyền lực ngày càng đi dần đến bạo lực ở mức độ dữ dội hơn, làm mất an ninh của khu vực và có thể của thế giới, và trước tiên là an ninh của Việt Nam. 

Có cách tiếp cận khác mà tác giả đã chọn lựa khi nghiên cứu về cuộc tranh chấp này, đó là cố gắng tiếp cận vấn đề và tài liệu một cách khách quan, ít nhất là dưới nhãn quan của một người trong khu vực Đông Nam Á, với hy vọng là cuộc tranh chấp ở biển Đông Nam Á (ĐNA) được giải quyết hòa bình và hợp lý trên cơ sở chứng cứ lịch sử và công pháp quốc tế.

Xin nói qua về nguyên tắc tác giả áp dụng khi nghiên cứu. Đó là việc dùng cùng một hệ tiêu chuấn để đánh giá yêu sách của mọi nước đối với đảo và biển ở biển ĐNA. Những tiêu chuẩn này, nếu được tòa án sử dụng để tài phán vấn đề tranh chấp, có thể gia giảm tùy theo điều kiện cụ thể đã xảy ra để đạt được sự công bằng, tuy vậy việc gia giảm này sẽ không được đề cập tới trong bài viết này. Hệ tiêu chuẩn đánh giá gồm mấy điểm sau:

  1. Hành động xác định chủ quyền phải là hành động của nhà nước trung ương đại diện quyền lực quốc gia.

  2. Chứng cứ lịch sử quan trọng nhất phải là chính sử, rồi mới đến sử liệu viết về hành động của nhà nước trung ương đại diện quyền lực quốc gia. Loại thứ hai dù đáng tin cậy cũng là chứng cứ thứ yếu.

  3. Tất cả mọi sử liệu phải có nguồn gốc rõ ràng nhằm xác định độ tin cậy của chúng. 

Ba tiêu chuẩn trên là dựa trên các điểm chính sau của công pháp quốc tế:

  1. Tuyên bố chủ quyền phải là hành động công khai của quốc gia đại diện bởi nhà nước trung ương. Chúng không thể chỉ là hành động của một chính quyền địa phương.

  2. Chủ quyền phải thể hiện ý chí thực hiện chủ quyền và các hành động phô trương liên tục chủ quyền này.

  3. Tuyên bố chủ quyền không bị nước khác phản đối vào thời điểm tuyên bố chủ quyền.

  4. Chủ quyền không thể được xác lập bằng hành động xâm chiếm bạo lực hay đe dọa dùng võ lực.

  5. Chủ quyền không thể vin vào cớ có sở hữu “biển lịch sử” vì điều này không tồn tại trong luật pháp quốc tế hiện đại.

  6. Im lặng khi quốc gia khác tuyên bố chủ quyền có thể coi đồng nghĩa với đồng ý. 

Xin đưa ra vài thí dụ về cách tiếp cận trên.

Một là chính sử Trung Quốc không nói gì về Hoàng Sa và Trường Sa, không những thế chính sử Trung Quốc cho đến Thanh Sử đều ghi cương vực Trung Quốc chấm dứt ở đảo Hải Nam. Vậy thì Trung Quốc không thể kết luận rằng các quần đảo này thuộc Trung Quốc từ ngàn xưa.

Cũng thế, tác giả phải xem xét chính sử Việt Nam theo cùng một tiêu chí. Chính sử Việt Nam chỉ nói rõ về Hoàng Sa (ở mức độ nhất định vì đi vào chi tiết lại phức tạp là Hoàng Sa gồm địa điểm nào). Có người cho rằng dưới con mắt người Việt, Hoàng Sa bao gồm cả hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, dù hai quần đảo này cách nhau trên 600km (dựa vào hai đảo nhỏ có khoảng cách gần nhất) và Trường Sa rất xa bờ biển Việt Nam (gần nhất là 460km, gần gấp đôi khoảng cách 250km, là khoảng cách gần nhất từ giữa đất liền và Hoàng Sa). Hai vùng này lại chỉ là những chấm cực nhỏ gồm phần nhiều là đá ngầm, bãi san hô rất nguy hiểm cho tàu bè trong một khu biển rộng lớn. Toàn diện tích đất đá ở Trường Sa cộng lại chỉ có 5km2 so với vùng biển mênh mông chúng chiếm vị trí, rộng ít ra cũng đến 640.000km2.[1] Điều khẳng định của Việt Nam về chủ quyền Trường Sa rõ ràng cần chứng minh. Bản đồ do Giám mục Taberd, người đã vẽ và xuất bản bản đồ Việt Nam năm 1838 một thời gian ngắn sau khi vua Gia Long tuyến bố chủ quyền năm 1816, cho thấy nó là một khu và rất có thể chỉ là Hoàng Sa.  Nguồn tài liệu thứ hai là Phủ biên Tạp Lục (PBTL). Đây là tài liệu cổ nhất đáng tin cậy ghi lại hành động của chúa Nguyễn trước thời vua Gia Long, là tài liệu duy nhất nói về phía Nam (tất nhiên không kể những tài liệu lập lại ghi chép trong PBTL). Tài liệu này có nói hoạt động của Đội Hoàng Sa do chúa Nguyễn  lập ra, gửi về phía nam, đến Côn Lôn và Bắc Hải. PBTL không phải chính sử, như vậy là chứng cứ thứ yếu so với chính sử. Kế đến ta phải xem xét PBTL viết gì.  Côn Lôn không phải nằm trong khu Trường Sa. Bắc Hải thì không biết nó ở đâu. Vậy dù có dùng PBTL là chứng cứ thì phải xác định được thực sự PBTL có nói đến Trường Sa không. Có một số tài liệu khác mà tôi không nhắc đến ở đây vì cũng có vấn đề minh bạch nguồn gốc. Vì vậy mà tôi nói chứng cứ lịch sử trên chưa thể đưa kết luận là chúa Nguyễn và nhà Nguyễn sau này có đến Trường Sa hay không và với một vùng mênh mông thế thì nhà Nguyễn đã đặt chân và kiểm soát tới đâu.  Vạch ra như vậy để các sử gia Việt Nam làm rõ thêm hồ sơ chứng cớ.

Thí dụ thứ hai là khi đánh giá giá trị hành động của một uy quyền thì phải xem xét tư cách của uy quyền đó.  Năm 1909, không thể nói Trung Quốc tuyên bố chủ quyền khi việc tuyên bố đó là hành động của một chính quyền cát cứ ở tỉnh Quảng Đông, lúc đó Trung Quốc chia năm xẻ bảy dù nhà Thanh vẫn tồn tại đến năm 1912. Cũng thế, không thể coi hoạt động từ năm 1921 và sau đó là tuyên bố chủ quyền của Toàn Quyền Đông Dương trên Hoàng Sa và Trường Sa là chính thống mà phải kể năm 1933 là thời điểm cơ sở khi nhà nước Pháp tuyên bố chủ quyền. 

Về Hoàng Sa

Tranh chấp chủ quyền trên quần đảo Paracels (Hoàng Sa) chỉ liên quan đến Việt Nam và Trung Quốc và do đó hai nước cần ngồi lại thương thảo hoặc yêu cầu Tòa án Công Lý Quốc tế phân xử hay qua trọng tài quốc tế. Việt Nam dưới thời chúa Nguyễn và thời vua Gia Long và Minh Mạng đã khẳng định chủ quyền ở đây, với đầy đủ bằng chứng lịch sử được ghi trong chính sử của nhà nước và được người phương tây sống cùng thời ghi nhận qua sách vở được xuất bản. Tuy nhiên vì lo chống Pháp, vua quan Việt Nam đã có thời bỏ lơ, không hành xử chủ quyền như trước. Khi Pháp chiếm Việt Nam, cũng có một thời gian Pháp lơ là không hành xử đúng mức để bảo đảm chủ quyền của Việt Nam ở đó. Thời gian lơ là này (ít nhất từ năm 1902 trở đi) đã để ngỏ đảo Woody (Phú Lâm) như đất vô chủ cho tư nhân người Hoa và người Nhật vào khai thác phốt phát vì có lẽ Pháp coi những hòn đảo này là không quan trọng. Khi chính quyền cát cứ ở Quảng Đông tuyên bố chủ quyền năm 1909. Pháp cũng không phản đối ngay vì có thể họ coi đó là hành động của chính quyền địa phương không đáng để ý.

Sau đó năm 1932, chính phủ Trung Hoa Dân Quốc trong công hàm gửi Bộ Ngoại Giao Phápđã cho rằng Hoàng Sa là của Trung quốc dựa trên hai lập luận. Thứ nhất, họ cho rằng Hiệp định Pháp Thanh năm 1887 phân chia biên giới giữa Trung Quốc và Bắc Bộ (Tonkin) trên cơ sở đảo đường kinh tuyến tây 105°43’ của Paris thuộc An Nam và đảo phía đông như Hoàng  Sa là thuộc Trung Quốc. Thứ hai về mặt lịch sử họ cho rằng Việt Nam trước khi Pháp tới là chư hầu của Trung Quốc nên các đảo đó cũng thuộc Trung Quốc. Điểm thứ hai vô lý vì lúc đó Việt Nam thuộc Pháp, và trước đó Việt Nam cũng không chấp nhận là một phần của Trung Quốc. Điểm thứ nhất cũng không có cơ sở lý luận vì quần đảo Paracels nằm ở Trung Phần, không thuộc Bắc Bộ (Tonkin), không phải là khu vực nằm trong nội dung Hiệp ước Pháp Thanh.[2] Hiện nay Trung Quốc đã thay đổi cách lập luận so với năm 1932, có thể nói là phản lại nguyên tắc bất hồi tố. Lập luận đòi chủ quyền mới của Trung Quốc hoàn toàn dựa trên bằng chứng lịch sử mà chính quyền Trung Quốc và học giả Trung Quốc tìm đủ mọi cách chứng minh một cách không thuyết phục là cả ngàn năm Hoàng sa (Paracels) và cả Trường Sa (Spratlys) là đất Trung Quốc. 

Mãi đến năm 1933, chính phủ Pháp ở Paris mới chính thức tuyên bố chủ quyền do áp lực của dư luận ở thuộc địa Việt Nam gồm cả người Pháp lẫn người Việt. Tuy vậy Trung Quốc đã dùng bạo lực để chiếm cứ đảo Pattle (Hoàng Sa) vào năm 1974. Mặc dù có những vấn đề khúc mắc cần thương lượng giữa hai nước, việc Trung Quốc chiếm cứ bằng bạo lực đảo Pattle (Hoàng Sa) không những không được người Việt Nam chấp nhận mà công pháp quốc tế cũng không chấp nhận. Dù sao vấn đề Hoàng Sa là vấn đề cần thương thảo giữa hai nước Trung Quốc và Việt Nam. Cho đến nay Trung Quốc từ chối ngay cả đàm phán song phương, như họ đã từ chối đàm phán với pháp ba lần (1932, 1937, 1947). Chỉ có thể hiểu được là Trung Quốc không đủ bằng chứng nên sợ thua và việc chấp nhận một giải pháp hòa bình nào đó sẽ ngăn cản Trung Quốc tiếp tục dùng bạo lực để kiểm soát Biển ĐNA trong tương lai.

Về Trường Sa (Spratlys) và một cái nhìn toàn cục

Trường Sa là một vùng biển rộng lớn nhưng lại gồm toàn đá ngầm và một số đá nổi, bãi cát, và hòn đảo đá nhỏ bé. Lớn nhất là đảo Itu Aba (Ba Bình) cũng chỉ có diện tích 0,5km2. Vùng này không nằm trong hải trình thuyền bè ngày xưa đi lại vì được coi là vùng đá ngầm đáng khiếp sợ cần tránh xa. Đây cũng là vùng có rất ít người lui tới, nếu có thì đôi khi vài người đánh cá, nên trong quá khứ không ai coi là quan trọng. Trước chiến tranh thứ hai, đế quốc Nhật nhăm nhe dùng khu vực làm căn cứ hải quân nhằm kiểm soát vùng biển ĐNA nên năm 1933 Pháp mới quyết định tuyên bố chủ quyền trên cơ sở đây là vùng đất vô chủ chứ không trên cơ sở đây là vùng đất thuộc Việt Nam, Nhật là nước duy nhất phản đối.

Trung Quốc im lặng trong 18 năm, coi như không phản đối. Trung Quốc chỉ chính thức yêu sách chủ quyền vào 15 tháng 8 năm 1951 qua tuyên bố của Ngoại trưởng Trung quốc Chu Ân Lai là Hoàng Sa và Trường Sa luôn luôn là lãnh thổ Trung Quốc.[3] Việc tuyên bố này vừa là bắt chước Tưởng Giới Thạch khi Tưởng ra tước võ khí Nhật và chiếm đảo Itu Aba (ở Trường Sa) năm 1946, vừa có thể là nằm trong ý đồ của thế giới Cộng sản do Liên Xô lãnh đạo lúc đó, muốn làm chủ Biển ĐNA, và do đó muốn Trung Quốc làm chủ Hoàng Sa và Trường Sa.  Chắc là có sự đồng ý giữa Liên Xô và Trung Quốc nên chỉ sau đó một tháng, vào ngày 19 tháng 9 năm1951, Ngoại trưởng Liên Xô đưa ra 13 đề nghị tu chính Hòa ước với Nhật đang được bàn thảo tại San Francisco, trong đó điểm đầu là đòi hỏi Nhật Bản thừa nhận chủ quyền của nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa “đối với quần đảo Paracels và các quần đảo ở phía nam.” Tu chính này đã bị Hội nghị Quốc tế tại San Francisco bác bỏ với tỉ số phiếu 48-3.[4]  Như vậy tuyên bố của Chu Ân Lai đánh dấu lần đầu tiên Trung Quốc chính thức lên tiếng yêu sách về Trường Sa, 18 năm sau khi Pháp tuyên bố chủ quyền. Nói tóm lại nghiên cứu này cho thấy Trung Quốc không có cơ sở lịch sử hay pháp lý để yêu sách Trường Sa vì chính sử thời Minh và Thanh đều ghi lãnh thổ Trung quốc chấm dứt ở đảo Hải Nam. Những đảo mà Trung Quốc hiện đang chiếm giữ hoàn toàn là do dùng bạo lực, chiếm của Việt Nam hay của Phi Luật Tân, cũng ngược với công pháp quốc tế.

Mới đây Trung Quốc lại dùng bản đồ chữ U trên Biển ĐNA do một viên chức của chính phủ Tưởng Giới Thạch tự vẽ năm 1947 để chính thức yêu sách 80% vùng biển Đông Nam Á và coi đó là “lợi ích cốt lõi” của Trung Quốc, là tương đương với Đài Loan và Tây Tạng, mà họ sẵn sàng dùng võ lực để bảo vệ nó.[5]

Yêu sách này đi ngược với ước vọng hòa bình và hợp tác của các nước trong khu vực ĐNA và trên thế giới. Chính sự tranh chấp giữa các nước ĐNA trên vùng đảo Trường Sa với nhau mà thiếu đàm phán đa phương đã làm suy yếu tổ chức ASEAN trong việc bảo vệ hòa bình khu vực, nhằm đối phó với tham vọng của Trung Quốc ở Biển ĐNA.

Dù thế nào, Pháp tuyên bố chủ quyền trên toàn bộ Trường Sa đã tạo ra một số vấn đề rất phức tạp như sau:

*    Khu vực Trường Sa bao gồm có cả đảo đá nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines theo Luật biển Liên Hợp Quốc 1982. Đây là lý do Phi không thể chấp nhận tuyên bố của Pháp năm 1933. Thêm một lý do nữa là lúc Pháp tuyên bố chủ quyền, Phi, Mã Lai v.v. lại chưa phải là những nước độc lập để có tiếng nói.

*    Pháp lấy lý do Trường Sa là đất vô chủ để tuyên bố chủ quyền năm 1933 thì điều này không hoàn toàn đúng vì Anh là nước đã tuyên bố chủ quyền trước Pháp ở vài hòn đảo trước đó. Năm 1877, chính quyền thuộc địa Anh ở đảo Labuan (một đảo nhỏ, phía bắc Borneo, do Anh mua lại của Brunei năm 1846) đã cấp giấy phép cho một nhóm doanh nhân và cho phép họ cắm cờ Vương quốc Anh lên đảo Spratly (Trường Sa) và đảo Amboyna Cay (An Bang) để hoạt động thương mại. Hai đảo này đã được đăng ký là lãnh thổ Vương quốc Anh trong những hồ sơ chính thức.[6]  Lúc đó Anh không chính thức phản đối Pháp vì nhu cầu chống Nhật. Điều viết ra ở đây chỉ nhằm nói tới sự phức tạp của vấn đề chứ không ảnh hưởng gì đến tính hợp pháp về tuyên bố chủ quyền của Pháp.

*   Pháp chỉ ghi có 6 đảo, đá ở Trường Sa trong tuyên bố chủ quyền năm 1933[7]. Thực chất là Trường Sa có đến khoảng 170 điểm tự nhiên, với 36 đảo, đá nhỏ tí nhô lên mặt nước, và các bãi cát, v.v.[8] nên ngay việc định nghĩa và xác định nơi cụ thể đã có vấn đề, và hiện nay các chuyên gia vẫn đưa ra các con số khác nhau về các điểm tự nhiên. Vậy chỉ một tuyên bố, liệu Pháp có quyền làm chủ cả những nơi họ chưa biết tới?  

*   Pháp cũng không có đủ tài lực thực hiện chủ quyền trên một vùng biển rộng lớn như thế cho nên Pháp chỉ có thể kiểm soát được đảo Itu Aba là đảo lớn nhất vào năm 1938, sau đó đảo này bị Nhật chiếm. Sau khi Nhật đầu hàng, Chính phủ Trung Hoa Dân quốc (bây giờ là Đài Loan) lợi dụng cơ hội được đồng minh giao tước võ khí Nhật ở miền bắc Việt Nam (phiá bắc vĩ tuyến 16) đã chiếm Itu Aba. Chính qua cuộc chiếm đóng năm 1946 này, Đài Loan lần đầu tiên đã tuyên bố chủ quyền trên Trường Sa.  

*   Các đảo đá khác quá nhỏ (trừ Itu Aba) nên bỏ ngỏ.

*   Sau khi Pháp thua trận ở Điện Biên phủ, Việt Nam Cộng hòa được Pháp chính thức giao lại Hoàng Sa vào tháng 4 năm 1956.  Còn Trường Sa cho đến nay Pháp vẫn chưa chính thức trao trả cho Việt Nam (coi nguồn thông tin ở Phụ Lục).  Tuy nhiên Việt Nam Cộng Hòa coi mình có quyền tiếp nối chủ quyền của Pháp nên cùng thời gian trên gửi quân chiếm một số đảo ở Trường Sa. Các nước khác trong vùng ĐNA cũng tuyên bố chủ quyền và ra sức chiếm những nơi không người.

*   Trung Quốc là nước duy nhất dùng bạo lực để chiếm đảo của Việt Nam vào năm 1978.

Vấn đề phức tạp nhất mà bất cứ một tòa án nào cũng phải xem xét ngoài thực tế phức tạp vừa nói trên còn là hai câu hỏi:

*    Liệu một đế quốc hùng mạnh như Pháp có sức đe dọa nhiều nước kém phát triển ở ĐNA đang bị nước ngoài chiếm đóng mà chỉ một câu tuyên bố chủ quyền ở một vùng đất vô chủ là có thể có quyền, dựa theo luật pháp quốc tế,  làm chủ tất cả các hòn đảo ở Biển ĐNA, nhất là khi chính Pháp không đủ sức thực hiện quyền làm chủ chúng ở mọi nơi, và lại bị Nhật phản đối?

*    Lợi ích sẽ được định như thế nào trên một khu vực rộng lớn mà kết cấu hầu hết là đá? Ngay cả Itu Aba là “hòn đảo” to nhất cũng chưa chắc đã đủ tư cách pháp lý để được coi là đảo. Và dù được coi là đảo, dựa vào các tiền lệ xử án của Tòa án Quốc tế đảo này cũng có thể sẽ không có hoặc sẽ bị hạn chế quyền có vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa. Vậy thì dù có chủ quyền, lợi ích có thể có ở các đảo đá này cũng có thể rất nhỏ. Và trước hết, lợi ích này cũng không thể thực hiện được khi chưa có giải pháp.   

Việt Nam có thể lập luận là có quyền thừa kế pháp lý các yêu sách chủ quyền của Chính phủ Pháp tuyên bố năm 1933, tuy nhiên điều này sẽ không bao giờ đưa đến một giải pháp hòa bình cho cuộc xung đột ở Biển Đông vì sẽ không được các nước khu vực công nhận. Điều này dễ thấy trong bối cảnh phức tạp nêu trên.

Trước tình hình tranh chấp giữa các nước ASEAN ở vùng Biển ĐNA, Trung Quốc là ngư ông thủ lợi, mua chuộc chia rẽ nội bộ Tổ chức ASEAN, từ đó dùng bạo lực tiến tới chiếm đoạt các đảo đá do Việt Nam rồi sau đó là đảo do Phi chiếm đóng. Đến nay thì rõ, Trung Quốc đâu chỉ muốn chiếm đoạt mấy hòn đảo, họ thật sự muốn thiết lập quyền kiểm soát trên toàn bộ Biển ĐNA kể cả bằng bạo lực. Vậy thì liệu tranh chấp các đảo giữa các nước ĐNA có ích gì?  Các nước ĐNA, kể cả Việt Nam, có nắm được vài hòn đá cũng không thể khai thác tài nguyên chung quanh vì sự đe dọa bạo lực của Trung Quốc và chi phí bảo vệ để khỏi bị tấn công cũng là gánh nặng cho nền kinh tế các nước ASEAN liên quan. Hơn nữa các nước trong khối ASEAN đang chiếm đảo còn không thỏa hiệp được với nhau thì làm sao có được một lập trường chung của ASEAN?

Tình hình Trường Sa phức tạp như vậy nên ngay cả khi đem vấn đề ra Tòa án Công lý, khi đạt được điều kiện là mọi nước có tranh chấp đều đồng ý, thì việc giải quyết hợp lý, công bằng cũng không đơn giản. Thí dụ dù tòa án có xét giao cho Việt Nam được tất cả các đảo ở Trường Sa thì tòa án may ra cũng chỉ cho phép một vài nơi được coi là đá chỉ có lãnh hải 12 dặm, không có vùng đặc quyền kinh tế. Được gọi là đảo khi nào tự nó có thể duy trì như nơi cư trú hay có đời sống kinh tế của con người ở thời điểm tuyên bố (tức là không phải thời điểm hiện nay, có thể tiếp tế từ xa). Rất nhiều đảo ở dạng tự nhiên thì chìm dưới nước khi nước thủy triều lên sẽ không được hưởng gì hết; luật pháp không chấp nhận các đảo nổi lên do công trình nhân tạo xây trên các điểm tự nhiên chìm dưới nước biển khi thủy triều lên.

Đàm phán đa phương chỉ thực hiện được khi Trung Quốc bỏ yêu sách biển nằm trong đường chữ U. Cuộc đàm phán này sẽ không đòi hỏi các nước tham gia đàm phán phải chấp nhận một điều kiện gì khác hơn là Công ước Quốc tế về Luật biển Liên Hợp Quốc năm 1982 (LBLHQ).  Việc bỏ qua quá khứ thực dân được nói đến ở trên hoàn toàn không phải là điều kiện. Tất nhiên cuộc đàm phán nào cũng phải xem xét đến hồ sơ của từng nước để đạt được công lý và công bình ở mức cao nhất.

Có 3 bước để triển khai.

Bước thứ nhất là phải quyết định tư cách của từng cơ cấu khi còn ở dạng tự nhiên trên Trường Sa, xem chúng là đảo, đá nổi, hay đá ngầm. Điều này sẽ giảm trừ vùng biển các nước có thể yêu sách. Bước thứ hai là xác định vùng không nằm trong khu tranh chấp để nước chủ quyền có thể khai thác. Bước thứ ba là xem xét ai có chủ quyền ở từng đảo, đá  và giải quyết tranh chấp các vùng chống lấn giữa các nước có chủ quyền.

Ba bước này vẫn không giải quyết được việc phân chia tài nguyên trong vùng nước quốc tế trên Biển ĐNA ở nơi không thuộc chủ quyền nước nào.

Do đó mà có thể có một giải pháp khác, thay vì xác định chủ quyền trên từng hòn đảo, đá thì phân chia lợi ích biển cho các nước trên cơ sở biên giới đất liền tiếp giáp với Biển ĐNA.  Hai giải pháp mới nói cũng có thể kết hợp để giải giải quyết vấn đề.

Suy nghĩ của tác giả là: nếu mọi nước đều quyết tâm cho rằng các đảo ở Trường Sa là của mình tất thì không có thể giải pháp. Trường hợp này, Trung Quốc sẽ chọc sâu vào nội bộ từng nước và cả tổ chức ASEAN, gây thêm mâu thuẫn, thậm chí biến vài nước thành đồng minh của họ trong vụ tranh chấp; mà kết quả có thể là Việt Nam và các nước khác sẽ mất hết nếu như Trung Quốc mạnh đủ để làm chủ bằng bạo lực. Do đó cần đặt vấn đề tranh chấp Hoàng Sa và Trường Sa trong bối cảnh bảo vệ độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của các nước Đông Nam Á về dài lâu và tôn trọng công lý, chứ không phải chỉ tập trung giành giật mấy hòn đá. Nếu các quốc gia trong khối ASEAN, đặc biệt là các nước có lợi ích biển, có cùng một quan điểm giải quyết vấn đề thì chắc chắn sẽ được thế giới lên tiếng ủng hộ và như thế Trung Quốc sẽ không dễ dàng dùng sức mạnh quân sự hù dọa hay chiếm đoạt. Do đó cần quốc tế hóa tranh chấp. Quốc tế hóa có 3 ý nghĩa:

  • Quốc tế hóa là đàm phán đa phương.

  • Quốc tế hóa còn có nghĩa là các quốc gia bị Trung Quốc đe dọa cần lôi kéo dư luận quốc tế về phía mình, chứng tỏ rằng mình biết điều, sẵn sàng tìm kiếm giải pháp hợp lý.

  • Quốc tế hóa có thể đi xa hơn thế: đó là quốc tế hóa cả biển và đảo để mọi người cùng chia sẻ, thay vì thuộc bất cứ nước nào.

 

Về nghiên cứu và tài liệu

Một thời gian rất dài, có lẽ mong muốn có hòa bình hoặc giải pháp với Trung Quốc nên nhà nước Việt Nam gần như cấm đoán nghiên cứu về Hoàng Sa và Trường Sa do đó việc tìm kiếm thông tin và huy động học giả trong nước nghiên cứu gần như không có, trừ quyển sách Cuộc tranh chấp Việt Trung về hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của ông Lưu Văn Lợi chuyên gia Bộ Ngoại Giao Việt Nam được xuất bản khi quan hệ Trung Quốc và Việt Nam căng thẳng. Thời gian qua một số học giả trong và ngoài nước tự phát nghiên cứu. Một số công trình ở miền Nam trước đây như Tạp San Sử Địa in năm 1974 và nghiên cứu của ông Nguyễn Nhã cũng vừa mới được phổ biến, cung cấp thêm thông tin.  Một số công trình, đặc biệt là về cổ sử Trung Quốc, của Hồ Bạch Thảo ở Mỹ và Phạm Hoàng Quân ở Việt Nam, kết hợp với nghiên cứu của các tác giả phương tây đã cho phép kết luận là Trung Quốc không có chứng cứ lịch sử để khẳng định Paracels (Hoàng Sa) và Spratlys (Trường Sa) là thuộc Trung Quốc.

Có thể nói dựa vào bằng chứng lịch sử hiện có mà tác giả tham khảo được, ở Trường Sa, Trung Quốc hoàn toàn không có chứng cứ lịch sử nào để chứng minh Trường Sa là của họ. Còn những bằng chứng Việt Nam đưa ra để xác lập chủ quyền trên đảo Trường Sa, ở thời điểm này (tác giả nhấn mạnh), cũng chưa thể nói là "không thể tranh cãi được". Tất nhiên, kết luận này chỉ là kết luận tạm, và hi vọng rằng những luật gia, nhà sử học, nhà khảo cổ, sẽ tìm ra những bằng chứng rõ ràng hơn.  Bài này viết ra trong tình thần cầu thị đó.

Ngoài ra, lý luận rằng chủ quyền Việt Nam ở Trường Sa hoàn toàn phù hợp với công pháp quốc tế vì quyền tiếp nhận chủ quyền của Pháp ở đó sau khi Pháp tuyên bố chiếm hữu vùng đất vô chủ này vào năm 1933 cũng là vấn đề không dễ được chấp nhận khi rất nhiều vấn đề phức tạp liên quan đã nêu ở bị bỏ qua, trong đó có một thực tế là các nước có quyền lợi ở đó đều bị thực dân đô hộ, và Pháp chỉ nêu tên 6 hòn đảo. Vả lại như đã nói, cuộc tranh chấp hiện nay đâu phải là cuộc đầu lý chỉ dựa trên sử liệu và luật pháp.   

Bài viết có Phần Phụ Lục là phần quan trọng. Nó bao gồm các thời điểm mà các sự kiện lịch sử quan trọng xảy ra để độc giả dễ theo dõi. Phụ lục cũng bao gồm nhiều phân tích quan trọng mà tác giả không thể đưa vào bài chính.

 

 

Phần I. Bối cảnh: Sự trỗi dậy của một cường quốc quân sự

Sự quan trọng của Biển Đông Nam Á đối với khu vực và thế giới

Không có gì có thể gây khó khăn cho sự phát triển một cách hòa bình của khu vực Đông Nam Á và toàn bộ lục địa châu Á hơn là sự can dự tích cực của quyền lực Trung Quốc tại biển Nam Trung Hoa. Vùng biển này có lẽ nên gọi là Biển Đông Nam Á (SEAS)[9] thì thích hợp hơn, vì nó là trung tâm của khu vực Đông Nam Á và các hoạt động hàng hải kết nối các nước trong khu vực Đông Nam Á, Bắc Á, ra biển Thái Bình Dương, các lục địa Ấn Độ, Trung Đông, Châu Phi và Châu Âu. Phần lớn hoạt động thương mại toàn cầu (khoảng 90% khối lượng) qua vận chuyển bằng đường biển và đường biển trên biển ĐNA vô cùng quan trọng đối với các dòng chảy thương mại này. Eo biển Malacca giữ vai trò đặc biệt quan trọng vì nó cung cấp các tuyến đường ngắn nhất giữa Ấn Độ Dương và biển ĐNA, và được sử dụng bởi hơn 70.000 tàu chở hàng năm, chuyên chở hơn 15 triệu thùng dầu trong năm 2006 và ước tính khoảng một phần ba thương mại thế giới. Biển ĐNA là rất quan trọng đối với mỗi quốc gia trong khu vực, đặc biệt đối với Nhật Bản, khi hơn 90% nhu cầu dầu của Nhật phải nhập khẩu và chủ yếu được vận chuyển qua biển ĐNA. Trung Quốc cũng phụ thuộc lớn vào việc vận chuyển qua biển ĐNA khi Trung Quốc nhập khẩu khoảng 43% nhu cầu năng lượng trong năm 2006 và năm 2020 này phụ thuộc được dự đoán sẽ tăng lên tới 60% hoặc thậm chí cao hơn.[10]

Bây giờ, khi Chiến tranh Lạnh đã qua đi, Biển ĐNA đáng lẽ đã có thể mang lại một môi trường hòa bình cho tất cả các nước liên quan. Trên thực tế, các nước đều có thể đi lại tự do ở vùng biển này từ trước chiến tranh thế giới thứ II. Trong nghìn năm lịch sử cho đến khi Thế chiến thứ hai nổ ra, không quốc gia nào từng đưa ra một yêu sách chủ quyền với vùng biển trong khu vực biển ĐNA với tư cách vùng nước nội thủy hoặc vùng nước lịch sử hay cố gắng thu thuế, phí bảo vệ vùng biển hay yêu cầu các nhà hàng hải nộp đơn đề nghị sử dụng vùng biển này.

Ngoài ra, cả ngàn năm trước khi thực dân xâm chiếm châu Á và trước Thế chiến thứ hai, không nước nào từng yêu sách chủ quyền, thiết lập chính quyền địa phương có hiệu quả, hoặc dự định dùng sức mạnh để bảo vệ chủ quyền của mình trên bất kỳ hòn đảo nào thuộc quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa nhằm mục đích kiểm soát chính biển ĐNA.

Chỉ có một ngoại lệ và cũng chỉ dừng ở mức khai thác kinh tế, là ở vài hòn đảo nhỏ ở quần đảo Hoàng Sa, nơi mà từ năm 1816 vua Gia Long và các Hoàng đế Việt Nam sau này coi là lãnh thổ Việt Nam, hàng năm đều gửi thủy thủ để thu thập những tài sản có giá trị còn lại từ các vụ đắm tàu. Hành động này là bình thường đối với bất kỳ một quốc gia, đã đến một vùng đất không có người ở - để khai thác nguồn tài nguyên, nhất là những hòn đảo này ở gần Việt Nam hơn là gần các nước khác.

Trung Quốc chưa bao giờ có chủ quyền trên biển Đông Nam Á

Trung Quốc, ngay trong lúc năng lực hàng hải vào giai đoạn đỉnh cao ở thời nhà Minh, vào thế kỉ 15 đã gửi Trịnh Hòa (郑和, Zhenghe) với hàng nghìn tàu và hàng chục ngàn binh sĩ tiến hành cuộc thám hiểm qua biển ĐNA và Ấn Độ Dương để chứng minh sức mạnh quân sự của Trung Quốc và đưa các phái viên nước ngoài dọc theo tuyến đường biển tới Trung Quốc để biểu thị lòng tôn kính với hoàng đế Trung hoa và triều cống.

Tuy nhiên, các cuộc thám hiểm này không nhằm mục đích chiếm đóng đất đai hoặc là  kiểm soát vùng biển này. Từ những cuộc thám hiểm như thế này và các cuộc thám hiểm bé hơn đã là cơ sở để vẽ ra bản đồ Trung Quốc và bản đồ các vùng đất bên ngoài. Những bản đồ về “thế giới trong mắt Trung Quốc” không hề thể hiện là các vùng đất liền, hải đảo và đại dương này thuộc chủ quyền Trung Quốc, mặc dù chúng thường được diễn giải như vậy bởi Trung Quốc và các học giả Trung Quốc để hỗ trợ cho lập luận của nước này rằng quần đảo Hoàng Sa, quần đảo Trường Sa, và 80% diện tích Biển ĐNA là vùng đất lịch sử và vùng biển của Trung Quốc.[11] 

Thế chiến thứ hai, đế quốc Nhật và ý đồ kiểm soát biển Đông Nam Á

Sự bất ổn tại biển ĐNA chỉ xảy ra khi Nhật Bản, trước và trong Chiến tranh Thế giới thứ hai, đã cố gắng mở rộng quyền kiểm soát của họ trên Biển ĐNA.[12]  Để chống lại sự mở rộng của Nhật Bản, và để bảo vệ các thuộc địa của họ, năm 1933 Pháp, một mình và đôi khi với sự khuyến khích của Anh, đã chính thức yêu sách chủ quyền đối với toàn bộ quần đảo Hoàng Sa (Trung Quốc gọi là Tây Sa) và quần đảo Trường Sa (Trung Quốc gọi là Nam Sa) ở vùng biển ĐNA. Trường hợp ngoại lệ là đảo Pratas (mà Trung Quốc gọi là Đông Sa) chỉ một mình Trung Quốc yêu sách chủ quyền và hiện nay đang kiểm soát đảo này.

Trung Quốc từ ý đồ sở hữu Hoàng Sa và Trường Sa

Kể từ sự sụp đổ của chủ nghĩa bành trướng Nhật Bản và chủ nghĩa thực dân phương Tây sau Thế chiến II, quá khứ đế quốc của Trung Quốc dường như đang trỗi dậy, có vẻ như đang cố gắng khôi phục lại vinh quang đã qua của mình. Ngay sau khi chiến tranh, Trung Quốc bắt đầu thực hiện chính sách gặm nhấm từng bước biển ĐNA. Quá trình này bắt đầu với tuyên bố của Chu Ân Lai về chủ quyền của Trung Quốc đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa vào năm 1951, và tiếp tục với những bước đi thận trọng để chiếm các đảo này khi Trung Quốc cảm thấy đủ an toàn để làm như vậy. Trong tuyên bố năm 2000, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đưa ra các lý do sau đây để viện dẫn cho yêu sách chủ quyền của Trung Quốc đối với hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa:[13]

Trung Quốc có chủ quyền không thể chối cãi đối với quần đảo Nam Sa [Trường Sa – tên gọi của Việt Nam] và các vùng nước lân cận. Trung Quốc là quốc gia đầu tiên phát hiện và đặt tên cho quần đảo là Nam Sa và là quốc gia đầu tiên thực hiện chủ quyền đối với quần đảo này. Chúng tôi có lịch sử phong phú và bằng chứng pháp lý để chứng minh điều đó và cộng đồng quốc từ lâu đã công nhận điều đó.

Trong Thế chiến II, Nhật Bản phát động các cuộc chiến tranh xâm lược Trung Quốc và chiếm phần lớn lãnh thổ của Trung Quốc, bao gồm cả quần đảo Nam Sa. Điều này đã được nêu rõ trong Tuyên bố Cairo, Tuyên bố Potsdam và các văn bản quốc tế khác rằng tất cả các vùng lãnh thổ Nhật Bản đã bị đánh cắp từ Trung Quốc cần phải được giao lại cho Trung Quốc, và lẽ tự nhiên, chúng bao gồm quần đảo Nam Sa.

Tháng 12 năm 1946, Chính phủ Trung Quốc sau đó đã gửi quan chức cao cấp đến quần đảo Nam Sa để khôi phục chủ quyền. Lễ tiếp quản đã được tổ chức trên quần đảo và một tượng đài đã được dựng lên trong dịp kỷ niệm đó, và các binh sĩ đã được gửi qua làm nhiệm vụ đồn trú.

Năm 1952 Chính phủ Nhật Bản đã chính thức tuyên bố rằng Nhật Bản từ bỏ tất cả của nó "quyền, tên gọi và yêu sách chủ quyền đối với Đài Loan, đảo Bành Hồ cũng như các quần đảo Nam Sa và Tây Sa", do đó chính thức trả lại quần đảo Nam Sa cho Trung Quốc. Tất cả các nước đều thấy rõ đây là một phần của nền lịch sử.

Như một vấn đề của thực tế, Hoa Kỳ công nhận chủ quyền của Trung Quốc đối với quần đảo Nam Sa trong một loạt các hội nghị quốc tế và thông lệ quốc tế sau đó.

Phần trích dẫn trên có nhiều tuyên bố sai so với sự thật. Hoàn toàn sai khi tuyên bố rằng Tuyên bố Cairo và Potsdam đã quyết định rằng quần đảo Hoàng Sa (Tây Sa) và Trường Sa (Nam Sa) được trả lại Trung Quốc. Cũng hoàn toàn sai khi nói rằng Mỹ công nhận chủ quyền của Trung Quốc đối với quần đảo Nam Sa. Đúng là Nhật Bản đã được yêu cầu phải từ bỏ tất cả các vùng đất mà họ đã chiếm đóng nhưng không có lệnh nào yêu cầu Nhật Bản trả Hoàng Sa và Trường Sa cho Trung Quốc. Trên thực tế, đề nghị của Liên Xô về việc này đã bị bác bỏ.[14]  Thật ra đề nghị của Liên Xô, chỉ sau tuyên bố chủ quyền trên Hoàng Sa và Trường Sa của Chu Ân Lai một tháng, là nhằm bành trướng khu vực kiểm soát cho khối cộng sản mà lúc đó Trung Quốc là một thành viên. (Các phân tích và tài liệu tham khảo với các sự kiện năm 1951 được liệt kê trong bảng phụ lục về biên niên sử các sự kiện liên quan đến biển ĐNA đã được kèm trong bài viết, và sẽ không được lặp lại ở đây). Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố rằng Mỹ công nhận chủ quyền của Trung Quốc ở quần đảo Trường Sa bằng cách trích dẫn hai quyển tự điển do công ty tư nhân ở Mỹ vẽ và xuất bản thì quả thật là chuyện khôi hài. Chuyện khôi hài này vẫn còn trên mạng của Bộ Ngoại giao Trung Quốc.[15]

Mỹ đứng ngoài tranh chấp?

Trước khi Mỹ phát biểu ở Hà Nội vào tháng 7 năm 2010 khẳng định lần đầu sự quan tâm của Mỹ về hòa bình ở Biển ĐNA, về quyền tự do lưu thông trên biển, sẵn sàng hổ trợ việc đàm phán đa phương các tranh chấp giữa các nước, tức là gạt bỏ chính sách của Trung Quốc chỉ muốn đàm phán song phương, cần phải chỉ ra một điều quan trọng là Hoa Kỳ đã không thể hiện bất kỳ mối quan tâm nào đối với hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa kể từ năm 1950[16] cho đến năm 2010. Đây là lý do Trung Quốc tiếp tục tiến công vào Biển ĐNA, chiếm các đảo nằm trong tay Việt Nam, một nước được coi là thù địch với Mỹ, và hù dọa các nước khác. Chỉ gần đây, Mỹ đã nhiều lần tuyên bố:

 “Hoa Kỳ luôn khẳng định chính sách cơ bản của chúng tôi liên quan đến yêu sách chủ quyền gây tranh cãi ở Biển Nam Trung Hoa (Biển Đông), gần đây nhất tại Đối thoại Shangri-La 2009, nơi Bộ trưởng Gates nói rằng Hoa Kỳ không đứng về bên nào trong tranh chấp chủ quyền và ủng hộ một giải pháp hòa bình để đảm bảo quyền tự do hàng hải”[17] 

Hoa Kỳ tiếp tục theo đuổi chính sách không đứng về bên nào trong tranh chấp yêu sách chủ quyền hợp pháp ở Biển Nam Trung Hoa. Nói cách khác, chúng tôi không đứng về bên nào trong tuyên bố về chủ quyền đối với các đảo cũng như các dải đất khác ở Biển Nam Trung Hoa, hoặc là miền biển (như vùng lãnh hải) có hiệu lực dựa trên cơ sở vùng đất lãnh thổ. Tuy nhiên, Hoa Kỳ quan ngại về các yêu sách chủ quyền đối với “vùng lãnh hải” hoặc bất kỳ vùng biển nào không dựa trên cơ sở vùng đất lãnh thổ. Những tuyên bố về vùng biển như vậy không phù hợp với luật quốc tế, như đã được phản ánh trong Công ước Luật Biển của LHQ”[18]  

Gậm nhấm chờ thời của Trung Quốc

Chính sách gặm nhấm của Trung Quốc đã được tính toán cẩn thận và căn thời điểm để tránh càng nhiều càng tốt bất kỳ phản ứng đáng kể nào của thế giới.

Năm 1974, Trung Quốc sử dụng vũ lực để chiếm cụm đảo Lưỡi Liềm (Crescent) ở quần đảo Hoàng Sa lúc bấy giờ do quân đội miền Nam Việt Nam quản lý ngay sau khi quân đội Mỹ rút khỏi miền Nam Việt Nam theo Hiệp định Paris 1972 về chấm dứt chiến tranh Việt Nam. Việc này diễn ra đúng vào thời điểm miền Bắc Việt Nam, đồng minh của Trung Quốc đang phải tập trung nỗ lực vào cuộc chiến.

Năm 1988, Trung Quốc một lần nữa hành động, sử dụng vũ lực chiếm đảo Gạc Ma (Johnson South Reef) thuộc quần đảo Trường Sa vốn thuộc Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam nhằm đặt chân lên quần đảo Trường Sa. Việc này được thực hiện vào thời điểm hải quân Liên Xô ở Vịnh Cam Ranh, Việt Nam gần như không còn hoạt động do tình hình hỗn loạn ở Liên bang Xô Viết và đó cũng là lúc Việt Nam bị cô lập với quốc tế do vấn đề Campuchia.

Việc giành quyền kiểm soát một cách lén lút của Trung Quốc đối với đảo Vành Khăn ở Trường Sa từ tay Philippines không được phát hiện cho đến năm 1994 và 1995, và nó đã được tính toán xảy ra đúng vào thời điểm Hoa Kỳ đã được chính phủ Philippines yêu cầu đóng cửa căn cứ quân sự ở nước này.

Tuy nhiên, có một việc nằm ngoài kế hoạch của Trung Quốc là vào thời điểm này, Trung Quốc đang đối mặt với sự tẩy chay của cộng đồng quốc tế do việc đàn áp bạo lực tại quảng trưởng Thiên An Môn năm 1989. Thế nhưng, đó cũng có thể là hành động được Trung Quốc tính toán trước, như là một phép thử cần thiết về phản ứng đối với Trung Quốc một khi nước này có hành động đối với đồng minh thân cận của Mỹ.

Yêu sách chủ quyền của Trung Quốc đối với các đảo này chỉ là một bước đi ban đầu để tiến đến mục tiêu tham vọng hơn nhiều là kiểm soát toàn bộ Biển ĐNA. Trung Quốc đã xuất bản bản đồ 9 đoạn hình chữ U hầu như bao trọn vùng nước đại dương thuộc biển ĐNA như lãnh thổ của Trung Quốc. Tuy nhiên, Trung Quốc chưa bao giờ đưa ra một tuyên bố rõ ràng và cung cấp các luận chứng cho tuyên bố của mình. [19]

Từ chờ thời đến biểu dương sức mạnh quân sự

Tuy nhiên, năm 2009, phản ứng trước việc Malaysia và Việt Nam đăng kí chung về thềm lục địa lên Ủy ban về ranh giới ngoài thềm lục địa của LHQ ngày 6/5/2009, Trung Quốc cũng đã trình lên Ủy ban này tuyên bố về vùng nước rộng lớn bao quanh “đường ranh giới” 9 đoạn mà Trung Quốc vẫn chưa xác định rõ trên bản đồ.

Tuyên bố ngày 7/5/2009 viết, “Trung Quốc có chủ quyền không thể chối cãi đối với các đảo ở biển Nam Hải và các vùng nước lân cận, và được hưởng các quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với các vùng nước liên quan cũng như đáy biển và các tầng đất dưới bề mặt vùng biển đó (xem đính kèm)”.

Vùng nước liên quan của Trung Quốc trên thực tế là “những tuyên bố về vùng lãnh hải hoặc bất kỳ vùng biển nào không dựa trên cơ sở  vùng đất lãnh thổ”, mối quan ngại không chỉ của Mỹ mà tất cả các nước ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Bản đồ kèm theo (bản đồ số 1 dưới đây) là đường chữ U chín đoạn gãy, nhưng không có tọa độ chính xác rõ ràng, đã được Trung Quốc chính thức nộp cho Liên Hợp Quốc nhằm nói lên rằng lãnh thổ trên biển của Trung Quốc gồm tới hơn 80% Biển ĐNA. Bản đồ số 2 tương tự như bản đồ số 1 được sử dụng để thể hiện không chỉ đòi hỏi của Trung Quốc mà còn mở rộng yêu sách chủ quyền của Trung Quốc chồng lấn vào khu vực 200 hải lý, vùng đặc quyền kinh tế của hầu hết các nước ở khu vực ĐNA, bao gồm Brunei, Malaysia, Indonesia, Philippines và Việt Nam.

Bản đồ 1: Lãnh hải trong khu đường gạch chữ U Trung Quốc nộp cho Ủy ban Giới hạn Thềm Lục địa của Liên Hợp Quốc
 (UN’s commission on the Limits of the Continental Shelf)

Bản đồ 2: Nguồn:  UNCLOS và CIA, trên BBC News:
http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/2009/06/090602_viet_malay_claim.shtml

 

Tuyên bố của Trung Quốc nếu được thực hiện sẽ cho phép Trung Quốc được toàn bộ Biển ĐNA và đẩy Mỹ và các cường quốc khác ra khỏi khu vực. Tuyên bố này đã làm thành viên của Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) lo ngại ở hai điểm. Trước tiên, quyền của các nước ASEAN đối với các khu dầu mỏ, quyền đánh bắt cá và khai thác tài nguyên dưới lòng đất khác sẽ bị hạn chế nghiêm trọng. Ví dụ, Việt Nam và Exxon Mobile hợp tác khai thác dầu khí ở giếng dầu Rồng Xanh (Blue Dragon) và bờ đá Vanguard nằm trong thềm lục địa Việt Nam, nhưng đồng thời cũng nằm trong đường ranh giới chữ U của Trung Quốc. Hai là, như đã thể hiện rõ ở bản đồ 2, biển ĐNA sẽ là một hồ nước không thể chối cãi của Trung Quốc nếu đường ranh giới chữ U của Trung Quốc được chấp nhận. Chấp thuận yêu sách của Trung Quốc về quyền cấm tàu và máy bay quân sự nước ngoài đi qua vùng đặc quyền kinh tế của Trung Quốc là chấp nhận rằng Trung Quốc có được quyền lực quân sự hiếm có để kiểm soát Biển ĐNA.

Sau tuyên bố chính thức về đường chữ U, Trung Quốc thực hiện nhiều cuộc diễn tập Hải quân lớn và liên tục tại Biển Đông,[20] một phần để thử sức mình, nhưng phần lớn là nhằm hù dọa các nước về sực mạnh quân sự của mình. Sau khi không thấy phản ứng của các cường quốc, Trung Quốc tiến xa hơn, tuyên bố chính thức coi biển ĐNA là “lợi ích cốt lõi” của họ, giống như Đài Loan, Tây Tạng mà họ sẵn sàng dùng võ lực để bảo vệ.[21] Một sĩ quan Trung Quốc giấu tên ở Quảng Châu, trả lời trong một cuộc phỏng vấn với giọng vừa hiếu chiến nhưng cũng khá thực tế là “vài hòn đảo ở Nam Sa và Tây Sa hiện bị các nước khác chiếm đóng…Hiên nay, có vẻ như không có biện pháp giải quyết nào khác ngoài việc dùng vũ lực. Điều này chắc chắn sẽ dẫn đến các cuộc chiến tranh trường kỳ. Các đảo này nằm xa lục địa, nhiều cái không người ở, cho nên giả dụ chúng tôi chiếm lại được thì cũng khó bảo vệ.”[22] Chính sách của Đặng Tiểu Bình qua câu nói thao quang dưỡng hối [韬光养晦, tao quang yang hui], có nghĩa là dấu sáng, nuôi cơ hội, phải chăng đã lỗi thời? Cơ hội mới này phải chăng là khả năng làm bá chủ biển ĐNA hay bị thế giới lên án là một cường quốc hiếu chiến vô trách nhiệm?

Điều này đẩy Mỹ phải thay đổi chính sách về Biển ĐNA. Trong Diễn Đàn Khu vực ASEAN (ARF) diễn ra ở Hà Nội vào ngày 22 và 23 tháng 7 năm 2010, Ngoại trưởng Mỹ Hellary Clinton đã khẳng định “Mỹ có lợi ích quốc gia trong việc tự do lưu thông hàng hải, tự do tiếp cận các vùng biển ở châu Á và tôn trọng luật pháp quốc tế tại Biển Đông". Mỹ cũng cho rằng tìm kiếm giải pháp tranh chấp lãnh thổ là “ưu tiên ngoai giao hàng đầu” và khẳng định Mỹ  “ “sẵn sàng hổ trợ cho đàm phán đa phương nhằm giải quyết các yêu sách đối kháng về đảo.”  và coi Calling the resolution of the territorial disputes "a leading diplomatic priority," [23], [24] Bài diễn văn đã được 11 nước lớn khác tham dự ủng hộ.[25]  Quan điểm mới của Mỹ là nhằm trả lời thách thức của Trung Quốc. Trung Quốc tỏ ra bất ngờ về thái độ của Mỹ.

Dù sao đây là cuộc đối đầu dài lâu mang tính chiến lược vì an ninh kinh tế và quốc phòng của các nước phương Tây và các đồng minh của họ ở châu Á. Nó khác hẳn với cuộc chiến tranh ở Afghanistan chỉ mang tính cục bộ chống khủng bố. Cuộc đối đầu này có thể rất tốn kém cho Mỹ vì Mỹ phải tập trung không chỉ xây dựng sức mạnh hải quân mà cón sức mạnh quân sự ở đất liền. Cuộc đối đầu nhằm cân bằng sức mạnh mang tính phiêu lưu của Trung Quốc, dù mang tính chất gìn giữ hòa bình, sẽ khó thực hiện dài lâu nêu dân chúng thế giới, đặc biệt là dân chúng Mỹ và dân chúng ASEAN không ủng hộ. Thế của Mỹ sẽ yếu đi nếu các nước ASEAN không đạt được một thỏa thuận nào quan trọng nhằm chặn đứng hành động bạo lực của Trung Quốc, thí dụ như việc luật hóa được “Tuyên bố về Hành vi của Các bên ở Biển Nam Trung Hoa” ra đời năm 2002.[26]   

Và đằng sau đề nghị hợp tác của Trung Quốc...

Để che giấu mối đe dọa đó, Trung Quốc luôn kêu gọi hợp tác trong việc khai thác chung các nguồn tài nguyên. Lần đầu tiên Trung Quốc đưa ra đề nghị với Philippines mà sau đó Việt Nam cùng tham gia Thỏa thuận thăm dò địa chấn hải dương chung ở một số khu vực của biển Nam Trung Hoa, gọi tắt là JMSU 7/2005. Thỏa thuận ba bên này giữa Philippines, Trung Quốc và Việt Nam nhằm thăm dò trữ lượng dầu và khí ở Biển Nam Trung Hoa đã hết hiệu lực  vào tháng 7/2007 và không được ký lại khi Chính phủ Philippines phải đối mặt với sự phản đối gay gắt từ phía Nghị viện và báo chí nước này.[27] Ai cũng có thể dễ thấy là không thể hợp tác trên cơ sở là các nước phải chấp nhận chủ quyền trên toàn Biển ĐNA của Trung Quốc.


... Tham vọng kiểm soát biển Đông Nam Á

Với mục tiêu đảm bảo cho tham vọng kiểm soát biển ĐNA của Trung Quốc, Hải quân Trung Quốc đã xây dựng căn cứ tàu ngầm tại đảo Hải Nam, có khả năng đáng kể trong việc gài mìn trong biển, chương trình chống tên lửa đạn đạo, và phát triển và đầu tư công nghệ quân sự được thiết kế để thách thức hải quân Mỹ tiếp cận vào vùng biển Đông Á, và có kế hoạch xây dựng các tàu sân bay.[28], [29]

Chiến lược được Trung Quốc đưa ra rõ ràng nhằm bao quanh biển ĐNA như vùng lãnh thổ của Trung Quốc và ngăn chặn những lực lượng bên ngoài xâm nhập vào vùng nước được nước này yêu sách chủ quyền. Đồng thời, mục tiêu của chiến lược này là ngăn cấm các quốc gia như Việt Nam đánh bắt cá trong vùng hình chữ U, và trên thực tế Trung Quốc đã triển khai thực hiện từ tháng 5/2009. Đây là hành động chuẩn bị cơ sở cho việc khai thác tài nguyên tích cực trong đường ranh giới chữ U với sự bảo vệ của hải quân Trung Quốc.

Cách diễn giải “độc đáo” luật biển quốc tế của Trung Quốc liên quan đến chính quyền của quốc gia ven biển nhằm hạn chế hoặc ngăn cấm các hoạt động quân sự nước ngoài ở vùng đặc quyền kinh tế là một phần trong kế hoạch nhắm tới của Trung Quốc là thực hiện độc quyền kiểm soát quân sự của Trung Quốc tại không gian biển bên trong đường chữ U. Sự kiểm soát này tương tự như sự kiểm soát để thực hiện chủ quyền đối với lãnh hải Trung Quốc” [30]

Rõ ràng hơn, Đô đốc Timothy Keating, Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương của Hoa Kỳ đã nói về cuộc gặp gỡ Đô đốc Trung Quốc năm 2009 như sau: 

" ... khi chúng tôi – Trung Quốc xây dựng tàu sân bay, liệu chúng ta có thể đưa ra một thỏa thuận: Hoa Kỳ sẽ ở phía đông của Hawaii, chúng tôi sẽ ở lại phía tây của Hawaii và chúng tôi có thể giúp Mỹ tiết kiệm thời gian và chi phí trong việc di chuyển tới tất cả các đường ở phía tây Thái Bình Dương. Các bạn sẽ cho chúng tôi biết điều gì đang diễn ra và các bạn đang ở đâu, và chúng tôi sẽ thông tin về những gì đang xảy ra và vị trí của chúng tôi. Tất cả mọi thứ sẽ thật tuyệt. Tôi đã từ chối lời đề nghị của ông ta.” [31]

Thật khó để hình dung Trung Quốc, quốc gia đã phải chịu nhiều đau khổ từ chủ nghĩa đế quốc Nhật và phương Tây có thể sử dụng cách tiếp cận tương tự để đe dọa các quốc gia khác như cách Trung Quốc đã làm trước khi phương Tây đến châu Á.

Sự khăng khăng được lặp lại nhiều lần của Trung Quốc rằng Trung Quốc có chủ quyền “không thể thương lượng” – “non-negotiable” [32] và “không thể tranh cãi[33] đối với các quần đảo ở biển ĐNA không nhất quán với lời kêu gọi của Trung Quốc về việc khai thác chung ở vùng biển ĐNA với các bên tuyên bố khác, trừ khi điều Trung Quốc thực sự muốn là khu vực khai thác chung là nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của các quốc gia ĐNA, nơi mà vùng đặc quyền kinh tế của các nước này chồng lấn với đường ranh giới chữ U do Trung Quốc tuyên bố. Đường ranh giới chữ U không dựa trên cơ sở lịch sử cũng như pháp lý nào.

Bài viết này sẽ tập trung nghiên cứu các vấn đề chính liên quan đến nội dung khái quát trên, nhằm đánh giá các yêu sách chủ quyền trên cơ sở các văn bản lịch sử và luật pháp quốc tế. Không có tài liệu lịch sử mới nào được giới thiệu trong bản nghiên cứu này. Tuy nhiên, một sự nghiên cứu kĩ lưỡng hơn đối với các văn bản có sẵn hiện nay có thể cung cấp những sự diễn giải mới mẻ.

Cùng với việc nghiên cứu kĩ lưỡng luật pháp quốc tế, việc kiểm tra lại các văn bản lịch sử hi vọng sẽ mở ra những cuộc đàm phán nhiều bên một cách hợp lý hoặc đưa tới phân xử quốc tế dựa trên cơ sở thực tiễn, hơn là những hành động mang đậm chủ nghĩa dân tộc. Ít nhất, với các nước thành viên ASEAN, những quốc gia sẵn sàng đàm phán và những người không có động lực trong việc kiểm soát biển ĐNA, việc xem lại thực tế có liên quan hi vọng sẽ giúp dẫn tới một giải pháp công bằng và hợp lý.


Vũ Quang Việt

Xem Phần II.

Xem Phần III.

Nguồn: Tạp chí Thời Đại Mới, số 19, tháng 7.2010


Chú thích

[1] Khu Trường Sa có chiều đông tây và nam bắc kéo dài ít nhất là 800 km.

[2] Monique Chemillier-Gendreau, Sovereignty over the Paracel and Spratly Islands, Kluwer Law International, 2000, trang 184-186. Và Từ Đặng Minh Thu, Chủ Quyền trên Hoàng Sa và Trường Sa, Thời Đại Mới, (oneline journal published from USA), No. 11, July 2007.

[3] Monique Chemillier-Gendreau, đd, trang 122.

[4] Coi Coi James William Morley, The Soviet-Japanese Peace Declaration, Political Science Quarterly, Summer 1957.

[5] China Warns U.S. to Stay Out of Islands Dispute,http://www.nytimes.com/2010/07/27/world/asia/27china.html?_r=1

[6] Stein TONNESSON, The South China Sea in the Age of European Decline, Modern Asian Studies 40, I (2006), tr. 3 và 6. Cám ơn anh Nguyễn Ngọc Giao nhắc lại sự kiện này.

[7] Monique Chemillier-Gendreau, đd, tr. 114 và Annex 30.

[8] Daniel J. Dzurek, The Spratly Islands Dispute: Who's On First? 1996: International Boundaries Research Unit, University of Durham, UK.

[9]  Yves Lacoste đề nghị đặt tên lại trong “Les deux Méditerranées”, Hérodote, Revue de géographie et de géopolitique, no. 27, 1982, p. 5. 

[10] T Clive Schofield and Ian Storey, The South China Sea Dispute: Increasing Stakes and Rising Tensions, Jamestown Foundation, November 2009, p. 7-8.  

[11] Có 3 loại bản đồ các học giả Trung Quốc thường vẽ trong quá khứ. Loại thứ nhất là bản đồ Trung Quốc,  phản ánh cương vực thực của Trung quốc thí dụ bản đồ Đại Thanh Nhất thống Toàn đồ. Loại hai là như Thanh bản Thiên hạ Toàn đố, phản ánh cả vùng mà Trung Quốc coi là vùng ảnh hưởng hay phiên thuộc của mình. Và cuối cùng là loại ba ghi lại các cuộc thám hiểm của người Trung Quốc.  

[12] Đây là một trong những lập luận chính của Tonnesson. Coi Stein Tonnesson, The South China Sea in the Age of European Decline, Modern Asian Studies, vol. 40, no. 1, 2006. 

[13] Coi: The Issue of South China Sea, Ministry of Foreign Affairs People's Republic of China June 2000, trên mạng của Federation of American Scientist: http://www.fas.org/news/china/2000/china-000600.htm. Đoạn trên cũng có trên: http://www.fmprc.gov.cn/eng/topics/3754/t19233.htm

[14] Hội nghị phủ quyết với 48 phiếu chống và 3 phiếu thuận đề nghị của Liên Xô với 13 chỗ bổ sung, 1 trong những điều bổ sung là Nhật phải trao trả Hoàng Sa và Trường Sa (Paracels and the Spratlys) cho Cộng hòa Nhân dân Trung Quốc. Coi James William Morley, The Soviet-Japanese Peace Declaration, Political Science Quarterly, Summer 1957.

[15] International Recognition Of China's Sovereignty over the Nansha Islands. http://www.fmprc.gov.cn/eng/topics/3754/t19232.htm

[16] Stein Tonnesson, The South China Sea in the Age of European Decline, Modern Asian Studies, vol. 40, no. 1, 2006, p. 47.

[17] Điều trần của Phụ tá Thứ trưởng Quốc phòng (Deputy Assistant Secretary of Defense) Robert Scher trước Tiểu ban Đông Á và Thái Bình Dương, Ban Ngoại giao, Thượng viện Mỹ, 15 tháng 6 năm 2007.

[18] Điều trần của Phụ tá Thứ trưởng Ngoại giao Scot Marciel trước Tiểu ban Đông Á và Thái Bình Dương, Ban Ngoại giao, Thượng viện Mỹ, 15 tháng 6 năm 2007.

[19] Coi Peter Kien-Hong Yu, “The Chinese (Broken) U-shaped line in the South China Sea: Points, Lines and Zones”, Current Southeast Asia, vol 25, no. 3, 2003. trang 407.   Về đường chữ U có 9 điểm gãy do Bai Meichu , một viên chức của Cộng Hòa Dân quốc Trung Hoa (bây giờ là Đài Loan) tự nghĩ ra năm 1947, Yu viết: “Rất có thể là anh ta bị thúc đẩy bới bản năng  chiếm hữu từ đáy lòng như ngạn ngữ đã nói, ý tưởng đã là 9 phần mười của luật). Thật vậy, Bai thấy Pháp chiềm hữu (từ tháng 7 năm 1933 6 đảo ở Nam Sa (hay Spratly) và đã nói hay có thể coi là tự cảm thấy bằng cách nào đấy phải bảo vệ chủ quyền của Trung Quốc.”  

[20] Carl Thayer, Security Challenges, Vol. 6, No. 2 (Winter 2010), pp. 69-84.

[21] China Warns U.S. to Stay Out of Islands Dispute,http://www.nytimes.com/2010/07/27/world/asia/27china.html?_r=1

[22] Wu Zhong, A Daring Departure from Dang, Asia Times 6 August 2010.  http://www.atimes.com/atimes/China/LH06Ad02.html

[23] U.S. Challenges China on Island Chain. http://www.nytimes.com/2010/07/24/world/asia/24diplo.html?hp

[24] Roiling the South China Sea. http://search.japantimes.co.jp/cgi-bin/ed20100805a1.html

[25] Clinton stand on a Chinese 'core interest' causes tension at forum,  South China Morning Post July 24, 2010. http://www.viet-studies.info/kinhte/clinton_and_chinese_core_interest.htm

[26] Coi http://www.aseansec.org/13163.htm

[27] Coi Jess Diaz , DFA bucks House bill on RP Spratly claim, Philippine Star, 13 Tháng 3 năm 2008

[28] Coi báo cáo toàn diện về tăng cường quân sự của Trung Quốc của Richard Fisher, Jr. The Implications of China’s Naval Modernization for the United States, Testimony before the U.S. –China Economic and Security Review Commission, 11 tháng 6 năm 2009. http://www.strategycenter.net/research/pubID.199/pub_detail.asp.

[29] Điều này được Keating, Đô đốc Hải quân Mỹ xác nhận, coi “Asia-Pacific U.S. Military Overview”, http://2002-2009-fpc.state.gov/113312.htm. 

[30] Điều trần của Phó Giáo sư Peter Dutton, Viện China Maritime Studies Institute, U.S. Naval War College  trước Tiểu ban Đông Á và Thái Bình Dương, Ban Ngoại giao, Thượng viện Mỹ, 15 tháng 7 năm 2009.

[31] Coi Đô đốc Keating ở trên.

[32] Tháng 7 năm 1977, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Huang Hua xác định lại rằng chủ quyền Trung Quốc ở Biển Nam Trung Hoa là điều “không thể thương lượng”: “cương vực Trung Quốc kéo dài tới tận bãi cạnJames Shoals, gần Borneo của Mã lai…Tôi nhớ là khi còn nhỏ đi học, tôi đã đọc về những đảo này trong sách địa lý. Lúc đó, tôi chưa bao giờ nghe thấy ai nói là nó không thuộc Trung Quốc…Người Việt cho rằng họ có chủ quyền ở đó.Cứ để họ nói kiểu đó. Nhiều lần họ đề nghị ta thương thuyết nhưng ta luôn luôn từ chối…Về chủ quyển những hòn đảo, chúng ta có bằng chứng lịch sử có thể kiểm tra. Không cần gì thương thuyết vì chúng thuộc Trung Quốc.” (Beijing Review, 22 tháng 7 năm 1977).

[33] Coi The Issue of South China Sea,đd;  và “China reiterates sovereignty in South China Sea”, China Daily, 30 tháng giêng năm 2010 trên http://www.chinadaily.com.cn/china/2009-02/03/content_7442878.htm

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss