Bạn đang ở: Trang chủ / Sáng tác / Hai cuốn sách mới của Việt Linh

Hai cuốn sách mới của Việt Linh

- Hoà Vân — published 10/01/2015 01:00, cập nhật lần cuối 12/04/2016 22:20

Hai cuốn sách mới của Việt Linh 


Năm phút với ga xép

Ở đây có nắng




Năm phút với ga xép là tên một chương mục trên tạp chí Đẹp do sáng kiến và trách nhiệm của nhà báo Vũ Thuỷ, biên tập viên tạp chí. Nhưng ngay từ cái tên, chuyên mục đã mang "dấu ấn Việt Linh" khi, trong thư trả lời nhà báo về đề nghị giữ chuyên mục, chị đã viết : "Báo đó giống như chiếc xe lửa sang trọng, trong khi những gì chị muốn và có thể viết lại giống như mấy cái... ga xép". "Có thể viết" đương nhiên là một cách nói khiêm tốn, dễ hiểu, và tôi nghĩ không có gì cần "còm" thêm. Từ khoá trong câu là muốn. Những người đã đọc và xem phim của Việt Linh dễ dàng tưởng tượng chị thích ghé qua những chiếc ga xép, lẳng lặng ngồi lâu quan sát người qua kẻ lại. Nhà báo rõ ràng đã nhận thấy câu trả lời đó không phải là lời từ chối, nên đã nhanh nhẹn "rằng em cũng cần ghé Ga xép"! Và chuyên mục ra đời, đều đều, với dung lượng mỗi bài "chỉ lấy mất của độc giả chưa đầy 5 phút", như nhận xét của nhà báo Lê Hồng Lâm trong lời tựa sách.

Nhưng Năm phút với ga xép, cuốn sách của nhà xuất bản Trẻ (TP HCM 2014) không chỉ gồm những bài viết trong chuyên mục đó, mà là một tuyển tập những tạp văn của Việt Linh đã đăng trên nhiều báo khác: Tuổi Trẻ, Sài Gòn Tiếp thị, Thời báo Kinh tế Sài Gòn, Doanh nhân cuối tuần v.v., được sắp xếp theo thứ tự chữ cái tên bài, chỉ trừ bài đầu (leo núi) và bài cuối (đẹp để biến mất). Chọn lựa "như một khuynh cảm nhân sinh" đó, thay cho thứ tự ngày tháng, cũng nói lên một tính chất xuyên qua những câu chuyện rõ hơn nhiều so với thứ tự thời gian: tính ngẫu nhiên của những câu chuyện được kể lại, của những mảnh đời chị gặp ngoài đời hay chỉ gián tiếp bắt gặp qua một câu chuyện thời sự, một mẩu phim xem trên truyền hình, ngoài rạp, trên báo... Những câu chuyện điện ảnh, tất nhiên, Việt Linh làm sao có thể viết mấy chục bài tạp văn, qua mấy năm trời, mà quên được điện ảnh. Chuyến đi đầu tiên của Thắm, Công bình cho công binh, Đưa tay hứng đắng, Hai thế giới và ông đạo diễn 95 tuổi, Huy chương cho đào nương v.v.  Không quên những phim ngoại quốc: ba lần chôn tội ác, Sixto, kẻ tự do thật sự, tận thế của tâm hồn, trái tim ngủ đông v.v. Và tất nhiên, những câu chuyện liên quan tới điện ảnh (một diễn viên, một kịch bản...). Những câu chuyện về Paris, nơi, chị sinh sống, hay về Việt Nam, nơi chị không thể quên, không thể hàng ngày không đọc báo, theo dõi thời sự. Những câu chuyện về những người phụ nữ, ở khắp nơi. Những nhân vật có tên tuổi (bà Danielle Mitterrand, ông Bertrand Delanoë, nghệ sĩ Đơn Dương, đạo diễn Thuý Nga, Lê Xuân Hoàng...), và những người ít được biết hơn, hoặc nữa, những người hoàn toàn ẩn danh mà chị quen biết, nghe nói tới một khía cạnh nào đó - những câu chuyện không cần ai thực chứng, chỉ cái tình trong đó mới là mục tiêu của bài viết. Những mảnh đời là thế, những ga xép chứng kiến chúng mà ít khi để lại dấu vết. Nhưng nhà văn khi ghé qua không thể không ghi đâu đó trong bộ nhớ, trong tình cảm của mình để rồi một lúc đó viết ra, dù dưới dạng tản văn như ở đây, hay nghiền ngẫm, xoay trộn nhiều hơn thành "truyện", dài hay ngắn, tuỳ tạng người. Nói như Lê Hồng Lâm : "năm phút" trong ga xép với Việt Linh để lại những "dư âm đầy lưu luyến" không dễ rời bỏ người đọc. 

Nếu Năm phút với ga xép thích hợp với những lần chờ tàu trên ga nhỏ, có thể đọc bất kỳ một hay hai câu chuyện trong đó, không theo một thứ tự nào, thì Ở đây có nắng thích hợp hơn để được mở ra khi tàu vừa chuyển bánh, chỗ ngồi đã yên vị, đường còn xa... Tác phẩm được trình bày như một "truyện phim" ở ngay trong trang tít, và được tác giả cho biết trong "Đôi dòng" nói đầu, vốn là một kịch bản phim nhiều tập (30) cho đài truyền hình, nhưng vì nhiều lý do "chưa thể sản xuất" (những lý do không được tiết lộ, một tình huống không có gì là đặc biệt, xảy ra nhiều hơn ta tưởng, "đôi dòng" cho biết). Thế là nảy ra cái "bộ phim trên giấy" này. Thay vì xem mỗi ngày một chương hồi, người đọc sẽ phải tự mình hình dung ra những hình ảnh, nhưng được lợi thế là có thể đọc liền, một mạch - giả dụ như anh/chị ta không phải suy nghĩ về cách dàn dựng phim, mà chỉ quan tâm tới mạch chuyện, tới các nhân vật, như khi đọc truyện dài, tiểu thuyết. Người đọc sẽ theo chân nhân vật chính, Phan Sinh, một bác sĩ Việt kiều trên đường về quê truy tầm nguồn cội cha mẹ đẻ của mình, chỉ với một vài chi tiết mà, khi người vẫn được anh coi là bố qua đời, người anh cũng tưởng là mẹ đẻ mới tiết lộ. Một khung chuyện đủ rộng để bao gồm nhiều cuộc gặp gỡ, nhiều ân tình và oán hận, nhiều uẩn khúc, thật giả lẫn lộn khi - trong nhiều trường hợp - người biết chuyện không (chưa) thể nói cho những người trong cuộc biết ngay cả căn cước thực của họ. Những uẩn khúc hậu quả của một cuộc chiến tranh dài và ác liệt - không chỉ vì bom đạn, mà với cả những ác liệt do đồng đội gây ra khi những suy nghĩ của con người bị hạn chế bởi những rào cản ý thức hệ, cộng hưởng với những ác liệt do lòng tham của người khác gây ra... Để rồi, happy ending, kết luận đẹp như người ta có thể chờ đợi ở một bộ phim hướng về công chúng rộng rãi :  tình yêu và lòng vị tha thắng thế, những nút thắt cuối cùng cũng được mở ra...  Chuyện được dẫn dắt như một phim hình sự. Cuộc truy tìm của Phan Sinh có lúc tưởng như đã tới gần, nhưng rồi lại lùi xa... 

Nhưng thực ra, đó không phải là khía cạnh chính của tác phẩm - tác giả không phải chuyên gia về mặt này, và người quen đọc truyện hình sự sẽ sớm khám phá ra ai là "đối tượng" của cuộc truy tìm.  Thế mạnh của Việt Linh, trong Ở đây có nắng cũng như trong Năm phút với ga xép, vẫn là những mảnh đời được phác hoạ với một tấm lòng nhân hậu, và những chi tiết mà con mắt chuyên nghiệp của người đạo diễn chỉ ra, làm nên tính hấp dẫn của những câu "chuyện nhỏ" trong chuyện lớn - như lời giới thiệu ở bìa 4 cuốn sách mô tả. 

Hai cuốn sách, hai kiểu viết khác nhau, ra mắt người đọc cùng một lúc, rút cuộc có cái lý của nó.

Hoà Vân

Các thao tác trên Tài liệu

được sắp xếp dưới: Xuân Ất Mùi
Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
CONFÉRENCE DÉBAT 24/05/2024 19:00 - 23:00 — la Médiathèque JP Melville (Paris 13e)
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss