Bạn đang ở: Trang chủ / Sáng tác / Bất hạnh còn có nghĩa là yêu thành phố của mình

Bất hạnh còn có nghĩa là yêu thành phố của mình

- Phạm Thị Điệp Giang — published 26/04/2014 18:06, cập nhật lần cuối 12/04/2016 22:20

Phạm Thị Điệp Giang

Bất hạnh còn có nghĩa là yêu thành phố của mình...


(Nhân đọc Istanbul - Orhan Pamuk, Nhã Nam xuất bản 2010)



DL
1.  Cách đây vài năm, tôi xem Sue (1997) - một bộ phim đã gây cho tôi nhiều ám ảnh về một người phụ nữ thất nghiệp gắng gỏi sống giữa New York lạnh lùng, cố gắng tìm kiếm một tình thân nào đó mà thất bại. Nhưng ngay cả trong sự kiếm tìm vô vọng ấy, tình yêu của Sue với New York vẫn níu giữ cô nán lại với nó, nghèo mạt đi cùng nó, mất mát tất cả vì nó.

Lúc đó, tôi vẫn nghĩ rằng, những người nhập cư thường có một tình yêu kỳ lạ với nơi họ chọn ở. Như thể vì họ đã chọn đó là nơi ở của mình, họ phải, bằng mọi cách, chứng minh rằng họ phù hợp với nó. Như một người tiếc tiền mua chiếc áo mới, dù cho ai ai cũng chê, anh ta vẫn cứ cho rằng anh ta chưa từng gặp chiếc áo nào ưng ý tới vậy.

Bởi vì, nếu họ chê bai nó, thì có khác gì họ: 1- thừa nhận mình đã nhầm trong khi lựa chọn; 2- thừa nhận sự thất bại của mình trong việc hòa vào môi trường mới đó. Trong cả hai trường hợp này, họ đều thất bại.


2. Tôi thích đọc văn của những nhà văn phải tha hương. Có một cái gì đó dường như là bất nhẫn. Hình như vì họ làm tôi dễ thông cảm, động lòng. Hoặc vì sự tò mò háo hức được thấy những gì mới lạ qua cảm nhận của những người "xa lạ" mô tả về những "quê hương mới" của họ. Hoặc còn vì điều này nữa: Những nhà văn tha hương thường có những giác quan bén nhạy, tinh tế, nhạy cảm hơn cả khi quan sát môi trường mà họ ở. Như bản năng của một con thú mới gia nhập cộng đồng mới, đòi hỏi nó phải giương mọi giác quan lên để quan sát mọi biến đổi, biến động của môi trường, để sẵn sàng tự vệ cho chính nó. Cũng giống như những người tha hương (mà tôi đã từng), thường hiểu rõ thành phố nơi chúng tôi đến ở một vài tuần, vài tháng, vài năm,... rồi bỏ đi hơn những người sinh ra, lớn lên ở nơi đó. Giống như cách người tha hương nhớ một tên phố, tên đường, một mẩu truyện cười, một bức tượng nhỏ, một kiểu cợt đùa, một thứ mốt,... ở những nơi mà họ đã tới hay từng ở duy nhất một lần trong đời. Giống như cách một người nước ngoài học tiếng Việt sẽ hiểu rõ đâu là chủ ngữ, đâu là vị ngữ, đâu là tiếp ngữ,... trong khi hỏi một người nói tiếng Việt từ thuở lọt lòng chưa hẳn đã giải thích được rõ ràng.

Tôi thích thú họ và tôi tin tưởng vào sự quan sát và diễn tả của họ.

Trong nhiều năm, văn chương của họ là thứ dẫn dắt tôi tới những nơi chốn mà tôi muốn đến.


3. Nhưng cũng có một loại văn nữa mà tôi thích đọc, đó là thứ văn viết về thành phố, về những hồi ức của những thành phố, của những vùng quê. Tôi đã mê mẩn Thạch Lam, Nguyễn Tuân, Hồ Dzếnh,... từ suốt những năm cấp II. Tôi mê mẩn đọc cách bọn họ tưởng nhớ lại những ký ức trong trẻo mà như chưa hề mất đi. Suốt những ngày tháng ấy, hai bên dọc đường Quang Trung từ trung tâm thị xã Hà Đông về tới nhà tôi vẫn đi qua vô vàn ngôi nhà gỗ, mái lợp ngói cổ, vẫn những hàng bàng cổ thụ thân sù sì, vẫn những vỉa hè bé tí xíu,... Tôi đã chui vào những ngôi nhà ở hai bên đường đó, nơi bạn bè tôi sống trong những cái ngõ dài tối và nhỏ như trên những dãy phố cổ Hàng ở Hà Nội, tôi đã trèo lên những thang gỗ ọp ẹp, chạm mặt những cụ ông cụ bà râu tóc bạc phơ như trong truyện vẫn còn dùng những chiếc bô đồng chạm khắc cầu kỳ, bao gia đình vẫn còn ăn những bữa cơm trên những chiếc mâm đồng và mỗi một nhóm nhà vẫn còn chiếc cối đá xay đậu xay bột mỗi dịp lễ lạt,...Sống cả một thời kỳ với văn của các cụ, với những hình dung mãi mãi nằm đọng lại trong đầu khiến tôi đã bị sốc nặng khi những con đường mở rộng, các căn nhà cổ biến mất, thế vào đó là những hộp kính, các cụ già cũng biến mất như chưa bao giờ tồn tại, cả lũ bạn của tôi, cả hàng trăm đứa bạn từ cấp I, cấp II đến cấp III, chỉ ở loanh quanh đâu đó trong thị xã, cũng biến mất,... lạ lùng.


4. Tôi nhớ những ngày ở Sài Gòn, tôi chỉ thích hẹn bạn bè ở cà phê Highlands gần nhà hát thành phố. Lý do duy nhất là vì tôi thấy ở đó thật giống Hà Nội. Đúng hơn là quán cà phê đó giống quán cà phê ở Hà Nội. Đó là một thứ tình cảm mà giờ tôi nghĩ lại, thấy mình có phần nào ngây thơ hơi quá đáng.

Tôi gìn giữ làm gì cơ chứ, cái thứ ký ức mỏng mảnh chẳng ăn thua gì, cho chính tôi?

Ấy thế mà, tôi vẫn chứng nào tật ấy. Gần hai năm ở nước ngoài, tôi vẫn cứ ngày ngày nấu cơm kiểu Việt, vẫn để giờ đồng hồ trên laptop theo giờ Việt Nam, vẫn thức và ngủ theo giờ Việt Nam, và hàng tuần, nếu tôi không đi khỏi Hà Lan, tôi sẽ tìm đến chợ phiên ở Delft để hưởng cái cảm giác của một người đi chợ.

Sự bảo thủ ấy, không cần nhiều thời gian để trở thành nực cười, ngay trong những ngày tháng ở đó, tôi đã nhiều lần định đổi lại giờ trên máy tính, đã làm những món Âu (và cũng đã từng cảm thấy ngon miệng với nó), và quả thực phần lớn thời gian tôi tư duy bằng tiếng Anh tới mức khi mở miệng nói chuyện với gia đình ở nhà, tôi hay nói ngược,... thế nhưng, mọi chuyện vẫn đâu vào đấy. Đôi lúc, nó nhắc tôi tới câu chuyện một người khách ngày ngày cuốc bộ đi khắp Hà Nội trong tùy bút "Người bộ hành đi trong thành phố" của Nguyễn Tuân. Có lẽ, sự tha hương của tôi là một câu chuyện hết sức nửa vời, vì tôi đã biết mình sẽ trở về, rất sớm thôi.

Nên tôi đã cố giữ cái mà rốt cuộc có chuội đi cũng không giúp được gì cho tôi cả, giữ nó trong một cảm xúc mâu thuẫn và một nỗi buồn (được báo trước) như thể cách mà tôi và những người trong gia đình vẫn cố giữ trong đầu óc về hình ảnh thị xã của chúng tôi.

5. Mà đối với tôi, quê hương Việt Nam thực ra chỉ là ngôi nhà nhỏ của chúng tôi trong lòng thị xã Hà Đông. Nên tôi sợ nhất là những lần chuyển nhà, tuy chúng tôi cũng không di chuyển gì nhiều. Trong suốt ba mươi năm tôi có mặt trên đời, chúng tôi chỉ di chuyển có 3 lần, mỗi lần là một quãng nhỏ, mỗi lần là một chút thêm vào và một chút bớt ra. Nhưng có những thứ cũ nát chúng tôi đã không bao giờ rời bỏ. Đó là những tấm bằng khen, những cuốn sổ nhật ký của mẹ tôi, những lá thư mẹ tôi gửi về từ Nam Kinh những năm 66-67 viết trên giấy pơluya bằng mực màu xanh tím, chữ chưa bị xoáy tít thò lò khó đọc như bây giờ. Tại sao người ta lại phải lưu giữ chúng? Tôi đã hỏi lại mình câu hỏi này khi vừa mới đây tôi biết được đang có mốt sưu tập các loại bằng khen, huân huy chương,... Tại sao chúng tôi đã từng treo tất cả những Giấy khen, Bằng khen,... trên tất cả các khoảng không trong nhà trong suốt những năm tôi học cấp I, cấp II, cấp III rồi chúng đột ngột bị bố tôi nhồi nhét vào đâu đó và tới khi học ĐH thì chúng hoàn toàn không một lần xuất hiện trên những bức vách trong nhà tôi? Tại sao một người như bố tôi đã từng rất trọng vọng chuyện học hành bằng cấp của con cái, một người đã không bao giờ dám cho con mình nghỉ học dù nó ốm liệt giường hay trong nhà có người thân qua đời, đột ngột đã lại thấy tất cả những thứ đó là bọt bèo?

Để rồi trong những ngày rảnh rỗi của mùa hè này, khi tôi lôi được chúng ra, trong những mớ giấy báo xoắn kẹp các kiểu từ đâu đó những hốc của các ngăn tủ ở những nơi bị coi là kho chứa của gia đình, tôi thấy chúng, rất nhiều trong số chúng, đã bị gián và mối mọt nhấm cho bằng hết.

6. Những thứ cũ kỹ, hỏng hóc, vỡ nát đó làm sao so được với cái đổ nát thường trực trong "Istanbul" của Pamuk. Tôi chưa từng đọc một cuốn sách nào mà tác giả lại nói nhiều tới sự buồn thương (huzun) và bể nát nhiều như thế. Xuyên suốt cuốn sách ghi lại thời kỳ thơ ấu của Pamuk tới những năm đại học là sự buồn thương và đổ nát.

Sự buồn thương và đổ nát của một thành phố từng chứng kiến những vinh quang rực rỡ của văn minh cổ xưa.

Sự buồn thương và đổ nát của một gia đình từng giàu có đến mức tưởng rằng gia sản có thể nuôi nhiều thế hệ.

Sự buồn thương và đổ nát của tâm hồn một cậu bé nhạy cảm và tinh tế đã chứng kiến tất cả thế giới quanh mình với con mắt vừa ngây thơ, vừa độc đoán, vừa tàn nhẫn đôi khi, lại vừa cô độc vô tận.

Đó là cuốn sách viết về sự buồn thương và đổ nát không phải chỉ được nhìn từ một phía, từ đôi mắt của một người sinh ra, lớn lên và gắn bó cả cuộc đời với Istanbul, mà còn từ một thế giới khác - thế giới của những nghệ sĩ, nhà văn,... châu Âu đã tìm tới Istanbul như tìm tới một trải nghiệm Đông phương.

Đó là sự buồn thương và đổ nát của thành phố chênh vênh giữa hai thế giới và không biết nó thuộc về nơi nào.

7. Có lúc tự trào, có lúc tự sự, có lúc nghi ngờ, có lúc chất vấn chính mình,... nhưng dù trong bất kỳ một giọng điệu nào thì vẫn không thể che giấu được tình yêu thương của Pamuk với Istanbul.

Thành phố của những sụp đổ.

Thành phố của những kẻ thất bại.

Thành phố của những người chối bỏ và trốn chạy.

Thành phố của những kẻ cầm quyền dốt nát và bất nhẫn.

Thành phố của những người tự xây quanh mình những bảo tàng chất chứa tất cả những nỗi niềm u uẩn.

Thành phố của thứ tình yêu nghi hoặc.

Thành phố của dốt nát và vô học.

Thành phố của tàn bạo và điêu tàn.

Pamuk đã quay trở lại những ngày thơ ấu, cố tìm lại hình bóng của đứa trẻ Orhan Pamuk để tự mình lý giải những điều đã xảy ra với cuộc đời mình, và với thành phố.

Ông tìm nó trong những cuốn sách, trong tranh vẽ, trong ảnh, trong những bài báo tư liệu của những người châu Âu nổi tiếng đã ghé Istanbul, ông tìm nó trong những mối quan hệ từ gia đình của mình, bạn bè của mình, tìm nó trong những ảo tưởng và thất vọng của mình, lục lọi ký ức, mổ xẻ nó, phẫu thuật lại hết những suy nghĩ, những sự việc đã xảy ra, làm điều đó một cách kỹ lưỡng để lý giải Sự buồn thương và đổ nát của thành phố.

DL

Bản đồ Istanbul (khi ấy còn là Constantinoble),
do Cristoforo Buondelmonti vẽ năm 1422

8. Thật kỳ lạ là khi đọc Istanbul, nó làm tôi giật mình như thể Pamuk đang nói về một thành phố nào đó mà tôi đang ở chính đây. Khi nhắc tới nhà bỉnh bút, tôi bật cười khi nghĩ tới Trương Quý. Có thể lắm chứ, một ngày nào đó, ai đó sẽ viết về Hà Nội và gọi Trương Quý như vậy - với cái giọng giễu cợt thâm thúy trong những bài viết của anh về Hà Nội. Rồi khi đọc tới những đoạn về các thể loại Cấm (Cấm nhổ bậy, Đừng bước lên cỏ, Cấm sờ mó,...) thì tôi lại nghĩ tới các loại Cấm (bậy hơn) ở HN bây giờ. Cả thế này nữa, cái cách mà các nhà du lịch học nói về Istanbul như một xứ sở diệu kỳ và dành cho nó những lời khoa trương khiến người ta chỉ muốn khoác ngay balô tìm tới thì có khác gì những đoạn phỏng vấn khách du lịch về HN mà chưa cần họ nói ta cũng biết công thức ấy "đồ ăn ngon, giá rẻ, thành phố đẹp, yên bình". Rồi cái hoài nghi sợ hãi của những nghệ sĩ bản địa trước những bài báo chê bôi của các nghệ sĩ ngoại quốc về cái thành phố mình ở, thay vì phản đối ra mặt thì chỉ "âm thầm chịu nỗi nhục, giống như một bí mật tội lỗi. Điều này chỉ có thể muốn nói rằng, trong tận cùng trái tim, họ sợ những lời lăng nhục của Gide (dành cho Istanbul) có cơ sở" (T.352).

Cái thành phố mà người ta chỉ còn viết về nó và nhìn vào nó bằng cái nhìn của ngày xưa, bằng cái nhìn đã bị quy định bởi ký ức, để đến nỗi, với những người nghệ sĩ, họ chơi vơi giữa thực tại và quá khứ, và họ chỉ có thể "hoàn toàn tìm được một giọng nói của họ" nếu nói về mất mát và hủy diệt.

Cái thành phố mà sự hấp dẫn duy nhất của nó chỉ là quá khứ, mà ngay cả bây giờ, "những cái đẹp của quá khứ thì đã mất đi vĩnh viễn" (T.170).

9. Một chương rất dài, và có lẽ là chương quan trọng nhất của Istanbul, theo tôi, là chương Mười "Huzun".

Huzun, theo tiếng Thổ, có nghĩa là Buồn, nhưng nó là cái buồn mang tính cộng đồng. Pamuk không chỉ lý giải về Huzun từ ngữ nghĩa, theo cái nhìn của triết học, văn học, nghệ thuật,... trong chương Mười, mà trong toàn bộ cuốn Istanbul. Huzun là sợi chỉ dẫn dắt ký ức của cậu bé Pamuk, cũng là dẫn dắt ký ức của thành phố. Như thể, huzun là đặc sản của Istanbul, và nếu không nói về huzun, chúng ta còn biết nói về cái gì?

Chính ở đây, tôi bắt gặp một câu văn hay nhất của cả quyển Istanbul dài gần 150 dòng. Tôi nói thế này đây: Đọc 150 dòng này thôi, là thấy cả Istanbul mất rồi!

10. Tôi nhớ Sue có hỏi một ông già lang thang trong công viên lạnh giá khi cô đang kiệt sức và mất tất cả: "Làm thế nào khi tôi quá yêu New York?"

Pamuk chọn cách ở lại với Istanbul vì ông quá yêu thành phố của mình.

Tôi nghĩ Sue cũng vậy.

Pamuk nói: "Bất hạnh có nghĩa là thù mình và thù thành phố của chính mình" (Chương Ba mươi tư). Nhưng tôi cũng nghĩ, Bất hạnh còn có nghĩa là yêu quá thành phố của mình.

Bởi vì chỉ khi quá yêu thành phố của mình, người ta mới thấy những thứ đang diễn ra trước mắt, những thứ ngu ngốc, khốn khổ đang hủy hoại đi cái thành phố mà người ta đã từng yêu và đã từng định hình nó trong ký ức, họ mới tự mình lây nhiễm cho mình một nỗi buồn không thể nào giải tỏa nổi, cho dù họ đã cố nhìn thành phố từ một đôi mắt khác - bên ngoài.

"Đôi khi, thành phố trông giống như một nơi chốn ngoài hành tinh. Đường phố, nhà cửa bỗng đổi màu; tôi nhìn vào đám đông muôn đời bí ẩn đang chen lấn, xô đẩy vượt qua tôi và bỗng có cảm giác họ có mặt ở đó từ hàng trăm năm nay. Những công viên lầy lội, những khu đất hoang vu, cột điện, những tấm biển quảng cáo treo đầy các quảng trường, những tòa nhà bê tông gớm ghiếc, thành phố này, cũng như tâm hồn tôi, thoáng một cái biến thành một nơi chốn trống rỗng - thực sự trống rỗng. Những con phố nhỏ dơ dáy; mùi xú uế bốc lên từ những thùng rác mở nắp; những lối đi lên, đi xuống, những lỗ thủng trên vỉa hè; toàn bộ sự mất trật tự, hỗn mang ấy; sự xô đẩy chen lấn làm cho thành phố trở thành thành phố - và chúng làm cho tôi tự hỏi không biết có phải thành phố đang trừng phạt tôi vì đã làm gia tăng tình trạng bẩn thỉu chỉ duy nhất bởi việc tôi đang có mặt ở đây. Và khi nỗi buồn của thành phố len lén chui vào tâm tư của tôi, hay là từ tôi, nỗi buồn len lén chui ra nhập vào thành phố, tôi bắt đầu nghĩ chẳng làm được gì hết; cũng giống như thành phố, tôi thuộc về một cái gì tuy đã chết mà vẫn còn sống, tôi là một cái xác vẫn đang thở, một tên khốn khổ khốn nạn bị kết án phải lang thang trên đường phố, trên những vỉa hè, chúng nhắc nhở tôi về sự dơ dáy và về sự thất bại của tôi" (T.465-466).

11. Tôi rùng mình khi đọc những dòng chữ này.

Không thể tưởng tượng nổi mới cách đây 6 năm tôi còn ngồi sau lưng người bạn đèo đi tìm những tòa nhà Pháp còn sót lại và nói chuyện về phố cổ.

Mọi thứ như lùi vào dĩ vãng xa tít tắp.

Và như thể, Istanbul không ở đâu xa lạ, mà ở đây, ngay trước mặt tôi, bao vây lấy tôi, bằng cái buồn thương và đổ nát của nó.

August 11, 2011 at 12:01am

Phạm Thị Điệp Giang

Nguồn : Tác giả gửi cho Diễn Đàn

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
CONFÉRENCE DÉBAT 24/05/2024 19:00 - 23:00 — la Médiathèque JP Melville (Paris 13e)
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss