Bạn đang ở: Trang chủ / Sáng tác / Tập kết

Tập kết

- Trương Tuyết Mai — published 11/09/2014 05:00, cập nhật lần cuối 12/04/2016 22:20
Chương 6 hồi ký LẬT TỪNG MẢNH GHÉP

        


Trích hồi ký LẬT TỪNG MẢNH GHÉP

tiếp theo kỳ trước : TÌM CHA




Tập kết


Trương Tuyết Mai



Bộ đồ ướt của tôi được hong bên đống lửa giữa lán suốt đêm qua đã khô, còn ủ cả mùi lửa rừng trong đó. Tôi mặc vào thấy ấm, mùi thơm hăng hắc và cả mùi bùn đất nữa, vì ba đã giặt không có xà bông ; vài vệt bùn còn in dấu trên chiếc áo mới. Trong cảnh mưa rừng dầm dề, có quần áo khô để mặc là tốt lắm rồi.


Ba dắt tôi ra suối rửa mặt. Nước không được trong vì trời mưa suốt, nhưng tôi vẫn thấy những đàn cá con bơi lượn men theo bờ suối kiếm ăn. Ba tôi chỉ tay ra giữa dòng nói:


–  Con nhìn kìa, bên tảng đá to đằng kia cá lớn nhiều quá. Nếu có lưới hoặc cần câu, thế nào mình cũng có cá để cải thiện.


– Ủa ba cũng biết bắt cá hả?


– Đàn ông xứ biển thì phải biết câu, biết lưới chớ con. Hồi nhỏ ba rất thích những việc đó, nhưng lâu rồi chẳng có dịp nữa.


Ba nói với tôi mà mắt nhìn xa xăm… Bỗng như chợt nhớ ra điều gì, ông quay vội về phía tôi:


– Nhân dịp này, ba đưa con ra Quy Nhơn chơi vài ngày cho biết thành phố. Sau đó ba xuống tàu ra Bắc, còn con phải quay về vì má và chị Hai đang chờ ở nhà. Nhớ nói với má là: “Ba thương vợ con vô cùng. Má ráng dưỡng bệnh để còn nuôi dạy tụi con nên người”. Chị em con phải ngoan ngoãn nghe lời má và thương yêu nhau nghen. Chỉ hai năm nữa ba về. Gia đình mình sẽ đoàn tụ. Con nhớ lời ba dặn chưa?


– Dạ, thưa ba con nhớ rồi!…



Sáng chủ nhật đó, ba đưa tôi đi thăm thành phố Quy Nhơn. Từ ngày chạy loạn tới giờ, lần đầu tiên tôi được bước đi trên con đường tráng nhựa quang đãng và sạch sẽ thế này. Hai bên đường san sát những dãy nhà lầu. Tôi không thích nhìn những ngôi nhà cao như thế, vì nó trông khô cứng và xa lạ thế nào. Nhưng khi ba đưa tôi đi dọc bờ biển Quy Nhơn, tôi đã thật sự thích thú và sung sướng. Trước mắt tôi là khoảng không bát ngát  một màu xanh thẳm mênh mông. Ngoài xa kia, rất nhiều thuyền đánh cá đang lướt sóng. Những cánh buồm nâu nhấp nhô, đan nhau trên biển biếc, đẹp không thể tưởng. Tôi đứng trước không gian mênh mông nghe gió lộng. Gió thổi tung bồng đầu tóc tôi xù rối. Ba tôi đang vươn vai hít gió biển. Ông bảo tôi làm theo. Tôi bắt chước ba dạng chân ra một chút, mắt nhìn thẳng, hai vai vươn rộng cùng hai cánh tay mở ra hết cỡ, hít vào bằng mũi thật sâu. Nhịp thở khoan thai, chậm rãi… Một cảm giác khoan khoái, đủ đầy vô cùng thích thú tràn dâng khắp cơ thể. Phút giây ấy tôi bỗng quên hết mọi điều. Tôi đang thật sự hạnh phúc bên ba của mình.


Có lẽ tôi yêu biển cũng từ đó. Giờ ngẫm lại chợt thú vị nhận ra gốc gác xứ sở, nơi chôn nhau cắt rốn của ông bà cha mẹ tôi, đều ở miền biển Sông Cầu Phú Yên. Tôi lại cất tiếng khóc chào đời ở thành phố cảng Hải Phòng. Có thể biển đã âm thầm lậm vào tôi! Hương vị mặn mòi của biển cả đã thấm vào, đã ẩn sâu trong hồn tôi rất đằm, rất đượm. Và tôi đã dành cho biển một tình yêu cũng đằm, đượm không kém.


Tựa lưng vào thân cây dừa đang nghiêng nghiêng xõa tóc, tôi miên man ngắm nhìn bầu trời trong vắt in hình những đám mây trắng ung dung, nhởn nhơ bay. Chỉ có đàn hải âu là bận rộn bay lượn kiếm mồi trên bến cá gần đó. Chúng ồn ào chí chóe, quyết liệt tranh giành miếng ăn. Nhưng khi chúng lượn vòng trên những con sóng bạc đầu, trông lại đáng yêu vô cùng.


Đang mải mê ngắm hải âu bay lượn, tôi chợt giật mình vì tiếng ba vang lên rất gần bên tai:


– Ba rất tiếc má và các con không cùng tập kết ra Bắc được. Má con đau nặng quá, cha con mình không thể bỏ má lại mà đi. Chị em con thay ba chăm sóc má và đùm bọc nhau nghen.


– Dạ! Nhưng mà ba ơi, nếu được ra Bắc, không biết mình sẽ ra sao, sẽ sống thế nào ba hả? Con có được đi học không?


– Chắc chắn rồi. Nếu ra Bắc, các con ngoài được học hành còn được gặp Bác Hồ nữa. Con thích không?


– Dạ, con thích lắm. Được đi học liên tục là con thích nhất. Trước tới giờ con chỉ ước có vậy thôi. Nếu ba cho con cùng xuống tàu ra Bắc luôn thì tốt quá.


Nói tới đó chợt tôi ngập ngừng:


– Nhưng nếu vậy chắc má sẽ buồn lắm. Con cũng sợ má buồn ba à.


– Con nghĩ vậy là phải. Má con đang đau nặng mà lại thêm lo lắng buồn phiền thì sẽ rất nguy hại. Ba không có cách nào để lo toan, đỡ đần cho má con con lúc này, cũng không thể chăm sóc lúc má con bịnh, nhà thì không có, thuốc men gạo tiền cũng không, bên nách một bầy con thơ dại nheo nhóc… Làm sao… má con vượt… qua được… nỗi… đoạn trường này!


Ba tôi bỗng nói năng đứt quãng, giọng nghẹn cứng như muốn nấc. Tôi vội vàng ôm chặt lấy ba, ngước mặt nhìn lên – trong lúc ông đứng lặng như trời trồng, mắt nhìn xa xăm. Rồi tôi chợt thấy mặt mình ướt, nhưng tôi đâu có khóc. Thì ra nước mắt ông đang nhỏ xuống mặt tôi. Lần đầu tiên tôi thấy ông như vậy. Chắc ông đau đớn lắm vì bất lực, vì thấy mình vô tích sự khi vợ con lâm nguy, vì… vì… Có lẽ còn “vì” nhiều thứ nữa mà một đứa trẻ non nớt như tôi không thể biết hết được.


*


Sớm hôm sau tôi trở về La Hai cùng một người bà con tên là Hai Văn. Bác Hai đi về Tuy Hòa nên tôi cùng đi với bác một chặng đường dài. Trước khi rời xa ba, tôi hỏi ông ngày xuống tàu ra Bắc. Ba chỉ nói: “Sắp rồi, nhưng chưa biết thời gian cụ thế. Con nói má yên tâm tịnh dưỡng, ba sẽ tìm cách liên lạc về ngay khi có thể”.


Tôi bịn rịn chia tay ba rồi theo bác Hai đi miết. Chắc má trông lắm vì tôi vắng nhà gần cả tuần rồi. Không biết nước lũ đã rút hết chưa? Chị Hai và các em ra sao? Má đã đỡ đau hay vẫn mê man trên giường? Hàng xóm có còn cho gạo nhà mình nữa không? Cả nhà vẫn ở nhờ túp lều đó hay phải chuyển đi nơi nào khác?... Tôi chỉ muốn bay, muốn chạy thật mau về nhà. Việc đầu tiên là ôm má thật chặt cho đỡ nhớ, rồi kể mọi chuyện cho má nghe, nhất là những lời dặn dò của ba mà tôi đã thuộc lòng.


Nghĩ ngợi lung tung nhưng chân tôi vẫn đi như chạy. Bác Hai Văn đã già và chậm chạp, lâu lâu tôi phải đứng lại chờ bác. Cánh đồng La Hai Bắc nước lũ đã rút hết. Con đường cái quan trở nên sạch sẽ và lưu thông trên bộ đã bình thường trở lại. Bác cháu tôi đang băng qua cánh đồng để tới bến đò thì gặp ông Tư Kẹo Kéo đi ngược lại, vẻ gấp gáp - ông báo cho tôi tin sét đánh:


– Má mi mất rồi! Đi đâu vắng nhà lâu vậy? Về lẹ đi con!


– Dạ, chú Tư nói gì? Có lầm với ai không ạ? – tôi hoảng hốt.


– Chạy về mau lên, đừng hỏi nữa!                           


Bỏ bác Hai lại sau, tôi chạy vụt tới trước. Đường tới bến đò còn xa, tôi vừa chạy vừa khóc, mấy lần bị vấp ngã chúi mũi. Mấy thím trên đường đi biết gia đình tôi, nhìn theo chép miệng thương tâm. Chắc họ hiểu nỗi bơ vơ của con trẻ thiếu cha mẹ sẽ lầm than cơ cực biết chừng nào.


Tới bến đò, tôi qua sông mà lòng dạ không yên. Bác lái đò thong thả cắm sào xuống đáy sông, đẩy thuyền từ từ rồi rút sào lên. Động tác sao mà ung dung, chẳng biết tôi đang nóng lòng, sốt ruột thầm nghĩ: “Giá như không có sông, mình chạy bộ chắc nhanh hơn nhiều”.



Sau khi đến bến, tôi rời đò cắm đầu chạy như bay trên bãi cát. Phải băng qua một triền núi nữa mới tới túp lều má con tôi tá túc. Tôi ào vào trong như cơn gió lốc. Chị Hai bị bất ngờ thảng thốt nhìn lên, chưa kịp nói gì thì đã nghe tiếng tôi vỡ trong nước mắt:


– Má mình đâu chị Hai?


Chị mếu máo trả lời:


– Má mất rồi em ơi!


Tôi nhào tới ôm chị nức nở. Hai em Kỳ và Giang cũng ôm chúng tôi khóc theo. Mấy cô chú láng giềng tới thăm không cầm được nước mắt. Bỗng chốc cả túp lều chật đầy tiếng khóc, rồi lan nhanh khắp triền núi, mặt sông La Hai. Sực nhớ tới những điều nhắn nhủ của ba, tôi vội rời chị Hai và các em, lao tới ôm chân giường nơi má nằm hôm trước giờ đã trống không, gào lên thảm thiết: “Má ơi! Má ơi! Con về rồi má ơi! Ba dặn dò nhiều lắm má ơi!”.... Ruột tôi đau thắt. Tiếng gọi nghẹn trong nước mắt, tôi mơ hồ tin là má sẽ nghe được và sống lại.



Tôi lịm đi vì khóc. Ðói, khát và cơn sốc mất mẹ khiến tôi kiệt sức.


Tiếng chị Hai gọi làm tôi choàng tỉnh:


– Dậy đi em. Thím Tám cho lon bắp, chị đã rang rồi nè, ngon lắm.


Cơn đói làm ruột tôi cồn cào cũng thức dậy cùng lúc. Tôi mở mắt hỏi chị, giọng ngái ngủ:


– Tối rồi hả chị? Em ngủ lâu không?


– Được một giấc rồi. Em ngủ mà cứ thút thít hoài.


– Em đói quá. Tối nay mình ăn bắp rang hả chị?


– Hồi tản cư ở rừng, mình cũng ăn bắp hoài cả tháng đâu có miếng cơm nào. Kỳ và Giang thì sao hả chị?


– Hai em đã ăn cơm của chú Tám cho rồi. Em ăn rồi ngủ thêm giấc nữa. Sáng mai chị dẫn lên núi thăm mộ má.


Nhắc đến má, nước mắt tôi lại ứa ra, quai hàm cứng lại. Tôi cắn chặt răng, lặng lẽ thút thít. Rồi tôi nhìn chị, buột miệng hỏi:


– Chị em mình sẽ ra sao hả chị Hai?


– Chị không biết nữa. Từ từ cô bác láng giềng sẽ chỉ vẽ cho mình em à.


Tôi cố gắng để tiếng khóc không bật ra. Và như được vong linh má còn lẩn khuất đâu đây xui khiến, tôi nói với chị Hai một điều vô cùng quan trọng mà đứa trẻ hơn mười tuổi như tôi không thể nghĩ ra, phải là tâm nguyện của má, tâm nguyện mang ý nghĩa sống còn cho đàn con của mình:


– Chị em mình phải mau đến với ba thôi chị Hai. Ba sắp xuống tàu ra Bắc rồi. Mình chậm chạp là thành trẻ bơ vơ luôn đó


– Làm sao đi được em? Kỳ và Giang còn nhỏ quá, tụi nó đi bộ sao nổi.


– Ðược mà chị Hai! Em cõng Kỳ còn chị bồng Giang và mang ba lô quần áo. Sáng sớm mai mình đi, không thôi trễ mất. Em biết đường rồi, chị đừng lo!


Chị Hai suy nghĩ, rồi gương mặt có vẻ tươi lên chút:


– Ờ, vậy đi em! Mình phải cố gắng gặp ba bằng được trước khi ba xuống tàu nghen.


– Cầu mong má sẽ dẫn dắt mình hén chị Hai.



Không ngờ một đứa rụt rè, nhút nhát như tôi lại nói với chị những lời dứt khoát như thế. Rồi bốn chị em tôi mau chóng thu xếp quần áo gọn trong một ba lô, bồng bế nhau rời La Hai Nam vào sớm hôm sau. Tôi chưa kịp lên núi thăm mộ mẹ lần nào. Ðiều đó đã khiến tôi vô cùng ray rứt; tâm trí cứ bị đeo đẳng hoài tội bất hiếu. 


*


Bốn chị em tôi lếch thếch, bồng bế nhau đi bộ suốt con đường dài heo hút trong rừng. Thỉnh thoảng có vài người lớn xuất hiện phía sau, nhưng rồi họ cũng đuổi kịp chúng tôi. Nhiều người vội vã đi vượt lên rất nhanh. Cũng có người thấy chị em tôi nên động lòng thương, bồng bế, cõng em giúp cho một đoạn. Chúng tôi còn được ăn cơm nắm với muối mè và uống nước họ mang theo. Bây giờ nhớ lại, sao ngày đó tôi khờ dại và liều mạng quá chừng. Bốn chị em dắt díu nhau đi mà trong tay không một đồng bạc, không một miếng cơm, nhất là không có nước uống. May mà gặp những người tốt bụng, nếu không chẳng biết điều gì xảy ra với hai em nhỏ của tôi.


Tất cả dừng lại nghỉ đêm tại trạm kiểm soát dân chánh Mục Thịnh, sáng mai mới được tiếp tục lên đường. Chúng tôi đói meo, nằm co ro trên sạp nứa, không mùng mền chăn chiếu, mặc muỗi rừng tha hồ “xơi”. Rất may ở giữa lán có một đống lửa to xua bớt muỗi và giá lạnh đêm rừng. Mệt mỏi quá nên bốn chị em tôi đã thiếp đi rất nhanh.


Sau một giấc dài, đứa nào dậy cũng đói cồn cào. Má nói tôi là đứa xấu tính đói nhất nhà, không kịp ăn là mặt mày xanh mét. Thiệt đúng quá. Chân tay tôi bủn rủn, làm sao cõng em đây! Chị Hai thấy vậy lo lắng động viên:


– Ráng chút xíu nữa em, qua cơn đói sẽ hết khó chịu ngay. Cõng em Kỳ lên đi. Mình theo các cô chú lên đường sớm cho đỡ nắng.


– Em đói quắn ruột rồi chị Hai à.


– Chị và hai em cũng vậy mà, nhưng phải cố chớ biết làm sao. Ráng lên em, đừng khóc.


– Nhưng sao Kỳ nặng quá, nặng hơn hôm qua nhiều. Em cõng Kỳ không nổi nữa đâu.


– Ờ, tại em đói quá mà. Ráng lên em.



Đi miết rồi cũng tới. Thành phố Quy Nhơn đã ở trước mặt, nhưng nơi ba tôi đóng quân thì còn cách một đoạn xa. Em Giang đã ngủ từ lâu. Nhờ chị Hai ôm trước ngực nên em ngủ rất say. Chỉ có em Kỳ trên lưng tôi thì thiệt là tội. Nó ngủ mà đầu cứ ngoặt ngoẹo bên phải rồi bên trái, có lúc đầu lại bật ngửa ra sau phơi mặt dưới nắng trưa. Một tay tôi phải nâng em lên, bàn tay kia nắm chặt cánh tay của Kỳ, giữ cho khỏi ngã. Không còn tay nào đỡ đầu em, tôi đành hơi khom lưng mà đi cho đầu em có điểm tựa.



Cuối cùng tôi cũng thấy đoàn xe của ba đậu đằng xa. Tôi mừng quíu   hối thúc chị Hai chạy lẹ tới, làm Giang và Kỳ thức giấc. Trong nháy mắt, chúng tôi đã đứng phía sau thùng xe của ba í ới gọi. Ba đang nghỉ trưa bỗng bật dậy nhìn, sửng sốt khi thấy chúng tôi. Chị Hai và tôi đều mau miệng báo tin dữ, nhưng chưa kịp nói hết câu đã khóc như ri. Ba vội nhảy xuống xe ôm siết chúng tôi, bàng hoàng chết lặng. Phút chốc ông đã kịp trấn tĩnh, đỡ hết chị em tôi lên xe, lấy khăn ướt lau mặt cho mỗi đứa. Xong xuôi, ông ngồi xếp bằng, đặt Kỳ và Giang lên hai bên đùi rồi quàng tay ôm chúng vào lòng, hỏi han chúng tôi đủ chuyện. Tôi thấy mắt ba ngân ngấn nước nhưng vẫn chăm chú lắng nghe. Ông xúc động nói:


– Phước đức quá! Các con ra được với ba lúc này là vô cùng may mắn. Thật mang ơn trời đất và ông bà phù hộ.



Tắm rửa sạch sẽ và ăn uống xong thì trời tối mịt. Ba sửa soạn chỗ ngủ cho chúng tôi trên sàn xe. Ông hôn lên trán mỗi đứa một cái, dặn dò:


– Tụi con ngủ ngoan. Ba đi công chuyện một lát rồi về. Xuân, Mai nhớ trông chừng hai em nghen con.


Hai chị em đồng thanh “dạ” thật to, tiếng “dạ” vang lên sung sướng, yên lòng vì được ấm áp bao bọc. Không biết ba có cảm nhận tâm trạng đó của chúng tôi không, hay ba còn đang lo lắng tính liệu nhiều chuyện.


– Cứ tưởng mọi việc đã yên ổn, chỉ còn chờ ngày xuống tàu ra miền Bắc cùng ba, năm cha con không phải rời xa nhau nữa. Tưởng từ nay chúng tôi sẽ không còn phải bơ vơ mà luôn có ba bên cạnh chở che. Nhưng không ngờ chỉ vài ngày sau đó, ba tôi nói với các con, giọng hớn hở:


– May quá, mọi việc đều tốt đẹp. Ba đã lo chu đáo cho các con. Sáng mai sẽ có người đến đưa các con đi. Xuân và Mai phải tập trung ở Phù Cát Bình Định cùng với đoàn thiếu nhi ở các nơi khác về. Các con sẽ được học tập nội quy trước khi ra Bắc. Kỳ và Giang cũng sẽ có các dì đến đón về nuôi, rồi hai em sẽ tập kết ra Bắc theo diện nhi đồng Miền Nam. Từ nay các con đã có nơi chăm sóc, dưỡng dục. Nhớ chăm chỉ học hành ngoan ngoãn cho ba yên lòng nhen!


Chị Hai níu tay ba, phụng phịu:


– Sao tụi con không được đi với ba? Chia lẻ ra vậy, lỡ lạc nữa làm sao? Tụi con sợ lắm ba ơi! 


– Ba là bộ đội phải theo quân lệnh, không ai được phép mang gia đình  theo. Đừng sợ, ra Bắc rồi ba sẽ đi tìm các con mà.


Nghe ba nói đến chuyện học hành, tôi thấy lòng như mở cờ, nên im lặng lắng nghe ba và chị Hai chuyện trò. Người lớn quyết định sao, tôi cũng ưng hết.



*


Hơn một tháng tập trung ở Phù Cát, đoàn thiếu nhi chúng tôi chỉ mới làm quen với nền nếp cuộc sống tập thể chứ chưa được học chữ. Sáng ngủ dậy phải đúng giờ. Tập thể dục xong thì làm vệ sinh cá nhân. Sau khi ăn sáng là tập trung học múa hát, và nội quy. Trước khi ăn phải rửa tay, khi đi ngủ phải đánh răng rửa mặt… Mọi thứ đều tăm tắp theo quy định.


Ngoài học nội quy, chúng tôi còn học về phong tục tập quán của người Bắc. Phải nhớ phân biệt cách dùng từ khác nhau giữa hai miền như: miền Nam gọi Mùng, Mền –  miền Bắc gọi Màn, Chăn; miền Nam gọi Chén, Dĩa –  miền Bắc gọi Bát, Đĩa; miền Nam gọi trái Mãng Cầu – miền Bắc gọi quả Na; miền Nam gọi con Heo – miền Bắc gọi con Lợn .v.v.



Mỗi ngày qua, đoàn thiếu nhi chúng tôi càng thêm nề nếp, ngoan ngoãn và gắn bó, thương quý nhau. Chỉ mình hai chị em tôi từ Phú Yên ra, còn những bạn kia từ các tỉnh khác về. Trong đoàn có chị Tỵ người Đà Nẵng là lớn nhất, chị đẹp và rất dịu dàng dễ thương. Cùng đi với chị còn có hai em trai tên là Khoa và Thắng. Có Kim Chung và Minh Huệ người Bình Định, dáng dong dỏng cao, mặt sáng, da trắng, tóc dài yểu điệu. Họ lớn hơn tôi một chút. Từ Bình Định còn có bạn Quyến, hơi nhỏ người nhưng rất lanh lợi và bạo dạn, có tài hô bài chòi, hát lô tô rất hay. Còn chị Thu Ba người Quảng Ngãi mặt hơi rỗ hoa, tính tình nóng nảy nhưng ngay thẳng thật thà; có cách nói năng, đi đứng bạo dạn rất giống con trai. Đặc biệt có hai chị em sinh đôi tên là Ngọc Khanh và Bạch Vân đến từ Nha Trang. Cả hai tính tình đều hiền dịu, đi đâu làm gì cũng không rời nhau nửa bước. Họ rất ngoan nhưng hơi nhút nhát chậm chạp, kém hoạt bát hơn các bạn gái khác.



Đầu tháng Hai năm 1955, đoàn thiếu nhi chúng tôi xuống tàu ra Bắc. Tất cả được dặn dò kỹ lưỡng - nào là phải nhớ tên bạn đi cạnh mình, phải nắm tay nhau để không bị lạc, nhất là lúc lên xuống tàu. Rồi không được đùa giỡn chạy nhảy nhốn nháo trên tàu, không được đứng dựa lan can tàu nhìn xuống biển v.vv…


Mỗi đứa chúng tôi được nhận một mo cau cơm nắm rất to, một ống tre lớn đầy nước, và một ống tre nhỏ hơn đựng thức ăn. Những thứ này nếu làm kỹ có thể dùng trong nhiều ngày không sợ thiu. Thức ăn là thịt ba chỉ thái hạt lựu, xào săn với đậu phộng rang, mắm ruốc và sả, ớt băm nhỏ, ăn với cơm nắm thật tuyệt, có thể ăn suốt tháng vẫn ngon miệng.


Chuyến thứ bảy chở chúng tôi đi là tàu Ba Lan. Con tàu quá lớn không cập bến được vì cảng Quy Nhơn thời đó chưa đủ sức cho phép những con tàu hạng nặng cập bờ. Nó phải đậu ngoài khơi chờ chúng tôi ra bằng thuyền đánh cá. Bọn tôi chưa đứa nào được đi biển kiểu đó nên say sóng nằm la liệt, ói mửa tùm lum. Hôm ấy biển động khiến thuyền bị nhồi lên rơi xuống liên hồi bởi những đợt sóng lớn. Tôi sợ nhất lúc thuyền lao xuống từ đỉnh cao ngọn sóng, làm ruột gan lộn tùng phèo và say sóng nôn cả mật xanh mật vàng. Suốt dặm dài trên biển phải chịu đựng liên tục. Chúng tôi nằm sóng soài trên sàn tàu không còn biết gì khi được các chú cán bộ và thủy thủ Ba Lan cõng lên boong. Hình như ai đó đã vắt chanh vào miệng tôi, chua rùng mình!



Trên tàu lớn thì lại êm ru chẳng khác đất liền. Chúng tôi tha hồ đi lại không sợ té. Người trên tàu rất đông, đoàn chúng tôi chỉ là một phần nhỏ trong số đó. Không thấy ai mặc đồng phục xita. Tôi đi lòng vòng tìm kiếm, hy vọng sẽ gặp lại ba và hai em đang ở đâu đó trong đoàn người này. Hỏi thăm mới biết bộ đội đã đi hết từ những chuyến tàu trước, còn hai em không biết đã ra Bắc chưa mà tôi tìm hoài không thấy. Nghe nói tháng này miền Bắc lạnh lắm, lạnh thở ra khói, lạnh từ ruột lạnh ra, lạnh nứt môi nứt má, gót chân cũng bị nứt nẻ tứa máu. Người miền Bắc ngủ phải đắp mền bông nặng năm bảy ký mới đủ ấm. Ai không có mền thì nằm ổ rơm… Tôi nghĩ mà lo cho hai em quá, vì lạnh kiểu đó làm sao hai em chịu nổi, nhất là bé Giang ốm tong teo.



Để bớt buồn chán trong những ngày dài lênh đênh trên biển, anh chị phụ trách đã nhiều lần dẫn chúng tôi đến thăm chuồng thú với đủ các loại ở tầng phía dưới. Tôi rất yêu những chú khỉ, chúng lanh lợi, vui vẻ và rất có tài bắt chước. Những con két màu sắc sặc sỡ. Đặc biệt là con trăn khổng lồ đen mun, đang cuộn mình ngủ hiền lành trong chuồng.


Chúng tôi còn có những đêm biểu diễn văn nghệ trên boong tàu, dù không có trang bị âm thanh ánh sáng. Chỉ hát múa dưới ánh trăng lờ mờ mà lại thật vui. Khán giả toàn người lớn, cả các chú thủy thủ Ba Lan cũng nhiệt tình vui vẻ tham dự. Sau mỗi tiết mục, mọi người hào hứng vỗ tay khích lệ, nhất là bạn Quyến rất được hoan nghênh với bài Hô lô tô của mình. Cuối buổi diễn là tiết mục tập thể với bài Kết đoàn. Hai tay người đi sau đặt lên hai vai người đi trước tiếp nối nhau thành một vòng tròn rất rộng. Vừa đi vừa hát: “Kết đoàn chúng ta là sức mạnh…” Ðêm vui của chúng tôi chắc hẳn đã làm biển phải rộn rã và xao động theo.



Ðã sang ngày thứ sáu mà chúng tôi vẫn còn lênh đênh trên biển. Ðáng lẽ tàu phải cập bến miền Bắc từ ngày hôm qua nhưng vì sự cố gì đó nên phải đi vòng qua đảo Hải Nam Trung Quốc. Nước uống và cơm nắm đã hết, chỉ còn chút lương khô mặn, nhưng lại chưa biết bao giờ mới vào được bờ.


Chị Hai như muốn bịnh, có lẽ vì đói và khát. Tôi động viên chị ráng lên, sắp tới bờ rồi. Hai chị em nằm bên nhau tỉ tê, mỗi khi nhắc tới má và các em, chị lại lấy tay quệt nước mắt cho tôi. Dù lo lắng không biết hai chị em có được ở bên nhau hay phải chia lìa mỗi người một nẻo, nhưng tôi nghĩ cũng không đáng sợ bằng thời kỳ tản cư chạy giặc.


Một sớm thức giấc vì lạnh, nhìn quanh thấy người sao thưa thớt, hai chị em tôi hoảng hốt kéo nhau chạy vội lên boong, mới biết mọi người đã lên cả trên này từ lâu. Co ro trong giá rét nhưng mặt người nào cũng hớn hở vì tàu sắp cập bến. Chúng tôi mau chóng thu dọn đồ đạc và xếp hàng ngay ngắn chờ đợi. Mọi người được chia thành nhiều tốp, từ từ di chuyển sang tàu chiến nhỏ của Liên Xô để vào bờ, vì tàu Ba Lan quá lớn không cập bến được.



*


Ðến giờ tôi vẫn chưa biết nơi mình đặt chân lên đất Bắc đầu tiên gọi là gì. Chỉ nhớ trên bờ lúc ấy rất đông người, ai cũng hân hoan vẫy cờ chào đón và nhìn chúng tôi trìu mến. Lũ chúng tôi thì lại cười không nổi vì lạnh quá. Thời tiết miền Bắc vào đầu tháng Hai dương lịch quả là kinh khủng, không trốn vào đâu cho ấm hơn được. Từ miền Nam ấm áp chỉ cần mặc manh áo mỏng cũng đủ; bỗng phải hứng cái giá buốt của khí hậu miền Bắc lúc gió mùa, rét cứng cả chân tay. Nói chuyện mà khói trong miệng tuôn cả vào mặt nhau làm tôi hoảng sợ vì lần đầu tiên chứng kiến.    


Chúng tôi được dồn rất nhanh lên xe tải có vải bạt che kín để đi đâu chẳng rõ. Ngồi trong thùng xe bịt bùng, cả đám co ro nép vào nhau, run rẩy trước cái lạnh ghê người của miền Bắc…


Trưa hôm đó, đoàn thiếu nhi chúng tôi được đưa về tập trung tại một sân gạch lớn đã có nhiều người chờ sẵn; ai cũng niềm nở thân tình, và ân cần hỏi han chăm sóc. Tôi nghe giọng một người nói nho nhỏ bên tai mình: “Mẹ biết các con rét lắm. Cố gắng nhé. Sau khi ăn trưa ở đây thì về nhà nằm ổ rơm sẽ ấm hơn con ạ”. Bà lom khom cúi xuống mặc áo cho tôi. Không phải áo len hay áo dạ, cũng không phải áo mới, mà chỉ là chiếc áo vải đã cũ. Nụ cười và ánh mắt của bà nhìn tôi thật trìu mến. Chúng tôi đã được truyền hơi ấm từ những tấm lòng và những vòng tay ấy. Trong giây phút cảm động, tôi bỗng nhớ tới má của mình quá. Giá như… giá như…Cứ nghĩ tới má là sống mũi tôi cay sè, nước mắt chực ứa ra!...


Chúng tôi được chia thành từng nhóm, ngồi xổm xuống sân gạch. Trước mắt la liệt đồ ăn, đầy đủ món xào, món canh, món mặn. Rất nhiều thịt, cá nhưng đều nấu theo kiểu Bắc. Hương vị dù lạ nhưng ăn vào rất ngon. Nhất là món cá chép kho nhừ, ăn được cả xương vì bở tơi, rất tuyệt vời.


Lênh đênh cả tuần trên biển chỉ có cơm nắm và lương khô, thậm chí còn bị đói ở những ngày cuối, giờ được một bữa thịnh soạn, đứa nào cũng háo hức vui sướng ăn uống thỏa thuê. Bụng tôi đã no căng mà vẫn còn muốn ăn nữa. Những bữa đói vừa qua ở trên tàu càng khiến tôi trở nên xấu tính.


Sau bữa cơm chiều, chúng tôi được nghe phổ biến lịch trình của mình. Vậy là sớm mai, xe hơi sẽ đưa chúng tôi tới trạm cấp phát trang bị. Mỗi đứa sẽ được nhận mùng mền, áo bông, áo len, khăn quàng cổ, vớ, dép cao su, chén sắt ăn cơm, xà bông và bàn chải đánh răng… Tôi nhớ và ấn tượng nhất là chiếc mền – nó nặng và to kềnh càng, không làm sao ôm cho gọn gàng được. Vừa khệnh khạng “tha” nó lên xe, tôi vừa nghĩ thầm: “Sao họ gọi là “ruột chăn bông” nhỉ? Nặng vậy sao đắp lên người được? Chắc để lót lưng nằm cho ấm. Miền Bắc sang ghê, ai cũng có nệm nằm êm, thiệt là thích!”



Ai đó đã khẳng định: “Mùa đông miền Bắc mà không có chăn bông hay ổ rơm thì khó lòng sống nổi”. Bây giờ tụi tôi đứa nào cũng mang vớ đi dép, quấn khăn cổ đàng hoàng, lại mặc cả áo len bên trong áo bông thì còn lạnh sao được. Một đứa bạn nói: “Ðược vầy hoài thì mình đâu sợ ở miền Bắc. Hai ba năm cũng chịu được. Miễn đừng bị nứt nẻ da thịt là mình hổng ngán”.


Chúng tôi dừng lại ở đây chỉ vài ngày rồi tiếp tục lên đường đến Đông Động, Đông Quan, Thái Bình. Không thấy các bà các mẹ đâu, mà toàn các anh chị thanh niên, các cô chú dân quân niềm nở đón tiếp như đón người thân từ xa về. Tôi nhớ cô Thoa xinh giòn với tấm áo màu gụ và chiếc quần nái đen; tóc vấn cao gọn gàng trong chiếc khăn mỏ quạ. Mắt cô lúc nào cũng lúng liếng như đang cười, khiến khuôn mặt trái xoan của cô thêm rạng ngời. Đó là  cô gái Bắc đã để lại trong tôi sự trìu mến dịu dàng và nét đẹp chân quê thuần phác. Đến giờ tôi vẫn nhớ cô lắm. 


Đoàn chúng tôi ở đây chưa bao lâu đã phải chia tay để đến nơi khác. Mọi người lưu luyến ôm chúng tôi thật chặt, dặn dò đủ điều. Mỗi đứa còn được tặng một cuốn sổ chỉ to bằng ba ngón tay với mười trang giấy kẻ ô vuông. Riêng tôi có những năm cuốn sổ, vì cô chú nào trao quà tôi cũng vui mừng nhận hết. Đó là những vật kỷ niệm đầu đời mà tôi có được. Món quà ấy không có gì ngoài những trang giấy trắng tinh vẽ đôi chim câu đang vút bay trong nắng, là đóa sen hồng vươn lên từ mặt hồ, cánh hoa còn vương lóng lánh những giọt sương thanh khiết, cùng hai chữ “Kỷ niệm” viết hoa bằng bút chì màu xanh đỏ, rất nắn nót. Chỉ vậy thôi mà tôi cứ nâng niu, săm soi hoài mỗi khi nhớ tới miền quê xa xôi đó. Kỷ vật tuy nhỏ nhoi nhưng rất dễ thương, nó đã góp thêm chút ý nghĩa vào hành trang cuộc đời của tôi.


Trương Tuyết Mai



NGUỒN : bản do tác giả gửi
chương 6 hồi ký LẬT TỪNG MẢNH VỤN
Nhà xuất bản Hội Nhà Văn, 2014


Bài trước :

Tìm cha

Bài tiếp theo :
Tiệm cơm Tân An

BOUDA

Gặp gỡ

Tin dữ từ Paris

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
CONFÉRENCE DÉBAT 24/05/2024 19:00 - 23:00 — la Médiathèque JP Melville (Paris 13e)
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss