Bạn đang ở: Trang chủ / Tài liệu / Báo cũ / Số 2 / VIỆT NAM... ĐÃ QUA... SẮP TỚI

VIỆT NAM... ĐÃ QUA... SẮP TỚI

- Diễn Đàn — published 08/09/2006 08:22, cập nhật lần cuối 05/10/2010 22:03


VIỆT NAM... ĐÃ QUA... SẮP TỚI

 

Lũ lụt ở đồng bằng sông Cửu Long gây thiệt hại lớn

Đợt lũ lụt tháng 9 vừa qua ở đồng bằng sông Cửu Long, tuy mức nước chưa cao bằng các năm 1978 và 1984 nhưng do lũ lên nhanh và kéo dài, đã gây những thiệt hại lớn cho mùa màng các tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Long An, Tiền Giang và Kiên Giang.

Ở An Giang, 20 000 ha lúa hè thu, 10 000 ha lúa mùa nổi và hơn 10 000 ha lúa mùa thường bị ngập, 1000 ha mất trắng. Ở Đồng Tháp, 15 000 ha lúa hè thu bị ngập, trong đó 3 500 ha bị mất hẳn. Tại Long An có 25 000 ha lúa hè thu và 10 000 ha lúa mùa bị ngập, 750 ha mất trắng. Riêng sự thiệt hại về thóc lúa có thể lên đến hàng trăm tỷ đồng.

(Tuổi Trẻ chủ nhật 19.9, Nhân Dân 20.9.1991) 

Bốn ngân hàng nước ngoài sắp hoạt động ở Việt Nam.

Theo báo Thị trường và giá cả, Ngân hàng nhà nước Việt Nam sẽ cấp giấy phép hoạt động cho bốn ngân hàng nước ngoài trong cuối năm nay hoặc đầu năm tới.

Được biết là trong các ngân hàng đã nộp hồ sơ để hoạt động ở Việt Nam, có Bank of Tokyo (Nhật), Thai Military Bank (Thái Lan), ANZ (Úc), Standard Chartered (Anh) và các ngân hàng Pháp BNP, Crédit Lyonnais, IndoSuez, Société Générale, và BFCE. Năm công ty Pháp nói trên đã mở văn phòng đại diện ở Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, song đến nay chưa có giấy phép hoạt động ngân hàng.

 (AFP 17.l0.1991)

Tình hình tài chính tiền tệ

Qua những phát biểu của phó thủ tướng Phan Văn Khải tại hai cuộc hội nghị về tài chính tiền tệ tổ chức vào giữa tháng 8 ở Hà Nội và đầu tháng 9 ở Thành phố Hồ Chí Minh, người ta được biết một số thông tin như sau:

– Ngân sách: mặc dù đã điều chỉnh mức thu năm 1991 lên 8.630 tỷ đồng, mức bội thu ngân sách sẽ là 2.000 tỷ đồng (nghị quyết của Quốc hội chỉ cho phép 1.600 tỷ)

– Giá cả: tốc độ trượt giá hiện tại khoảng 60 - 70% một năm.

– Ngoại tệ: trong khi nhu cầu ngoại tệ của nhà nước là khoảng 1,8 tỷ đôla, nhà nước chỉ nắm khoảng 200 triệu đôla (chủ yếu do nguồn dầu khí); phần lớn ngoại tệ từ các nguồn khác (xuất khẩu, kiều hối, v.v...) do các xí nghiệp nắm.

– Xí nghiệp quốc doanh: đến nay, ngân hàng áp dụng một tỉ giá đôla ưu đãi các xí nghiệp quốc doanh là 4.000 đồng / một đôla, trong khi tỉ giá áp dụng cho khu vực kinh tế ngoài quốc doanh là 9.600 đồng / 1 đôla. Lãi suất cho khu vực quốc doanh vay là lãi suất âm: ngân hàng vay của người gửi tiết kiệm 4% một tháng và đem cho quốc doanh vay 2 ,4% một tháng (hàng năm nhà nước bù lỗ từ bốn đến năm trăm tỷ đồng). Mặc dù vậy một số xí nghiệp vẫn không trả được nợ, và trước mắt, ngân hàng dự kiến sẽ mất hàng ngàn tỷ đồng do việc giải thể một số xí nghiệp quốc doanh làm ăn thua lỗ.

Mặt khác, theo Ban chỉ đạo tổng thanh toán nợ, ngoài những món nợ của các xí nghiệp quốc doanh đối với nhau và đối với nhà nước, còn có nhiều món nợ khác:

– nợ của nhà nước: tại tỉnh Gia Lai - Kontum, chẳng hạn, các xí nghiệp xây lắp đang bị ngân sách nhà nước chiếm dụng 15 tỷ đồng. Nguồn gốc loại nợ này là do các công trình xây dựng được nhà nước duyệt ngân sách, cấp vốn nhưng không cấp đủ. Các xí nghiệp đã phải đi vay ngân hàng để thi công, song khi công trình hoàn thành bộ tài chính cũng không thanh toán lại .

– nợ đối với nước ngoài: hàng Việt Nam xuất khẩu đang bị nước ngoài dùng để trừ nợ. Hiện có khoảng 150 triệu đôla hàng hóa không dám xuất vì sợ bị trừ nợ. Có đến 600 triệu đôla vay nước ngoài đang gặp rất nhiều khó khăn để chi trả.

(Tuổi Trẻ 27.8 và 7.9.91)

300.000 Việt kiều về thăm đất nước

Theo tin của Ban Việt kiều trung ương, trong 6 tháng đầu năm nay đã có 300.000 lượt người Việt Nam sống ở nước ngoài về thăm đất nước, trong đó chỉ riêng Úc đã có khoảng 20.000 người, bằng 20% tổng số nguời Việt sống ở nước này.

Cũng trong thời gian đó, lượng kiều hối của Việt kiều gửi về cho thân nhân ở trong nước lên đến 25 triệu đôla. Số ngoại tệ do Việt kiều mang về nước cũng tăng nhiều hơn năm trước, và chỉ riêng ở cửa khẩu Tân Sơn Nhất đã đạt 300 triệu đôla.

  (Sài Gòn Giải Phóng 27.8.91)

Rừng Việt Nam đi Nhật.

Hai công ty Nhật Bản, Kolke và Musumi, đã thoả thuận với một công ty Việt Nam đưa ra một dự án liên doanh khai thác rừng miền Nam Việt Nam và chế biến gỗ để xuất khẩu. Tờ Tin kinh tế của Bộ thương mại Việt Nam đưa tin này, còn cho biết thêm, hai công ty Nhật sẽ đầu tư 55% tổng số vốn dự trù (một tỷ đô la) của dự án. Phía Việt Nam, chủ đầu tư sẽ là Liên hiệp xí nghiệp xuất khẩu và kinh doanh tỉnh Sông Bé.

( theo AFP, 24.9.91)

Quỹ tiền tệ quốc tế chưa lập lại viện trợ cho Việt Nam.

Những nỗ lực của một số chính phủ Tây Âu nhằm tạo điều kiện cho Việt Nam tiếp nhận được viện trợ quốc tế lại một lần nữa thất bại trước sự cương quyết tiếp tục cấm vận của chính phủ Mỹ. Đó là thông tin nổi bật sau một cuộc họp giữa 16 nước bên lề đại hội thường niên của Ngân hàng thế giới và Quỹ tiền tệ quốc tế (FMI), đầu tháng 10.1991 tại Băng Cốc. Nợ chưa trả của Việt Nam đối với FMI, dẫn tới việc tổ chức quốc tế này “treo giò” Việt Nam trong sự tiếp nhận các khoản viện trợ và vay nợ trên các thị trường tài chính quốc tế, thật ra chỉ lên tới con số ít ỏi 138 triệu đô la. Theo ông Cao Sĩ Kiêm, Thống đốc Ngân hàng Việt Nam, trong năm qua Việt Nam đã trả đúng hạn 36 triệu đôla tiền lãi cho số nợ nói trên. Từ mấy năm nay, Paris và một số thủ đô Tây Âu cố gắng tìm biện pháp để giải tỏa vòng luẩn quẩn này để Việt Nam có thể tiếp xúc trở lại với thị trường tài chính quốc tế. Pháp sẵn sàng bỏ ra 50 triệu đôla, và đề nghị một số nước góp phần để có được từ 150 tới 200 triệu đôla cho Việt Nam vay. Úc, Thụy Điển, Phần Lan, Nam Triều Tiên và nhiều nước khác tỏ ý sẵn sàng tham gia. Việc Washington quyết định kéo dài cấm vận đối với Việt Nam một năm nữa (tháng 9.1991) đã làm thất bại cuộc họp nói trên, làm bực mình cả những người trách nhiệm cao nhất của FMI. Tuy nhiên, một quan chức cao cấp Mỹ tại Ngân hàng thế giới cho rằng chỉ sang đầu năm 1992 là mọi sự bế tắc có thể được giải quyết xong. 

Cũng sau quyết định của Mỹ, Ngân hàng trung ương Việt Nam đã phải ra lệnh cho 5 ngân hàng Việt Nam có quan hệ ngoại thương ngưng ngay những trao đổi đôla với thế giới, chuyển các trao đổi đó sang những ngoại tệ khác. Sự cấm vận, mặt khác không ngăn cản ngày càng có nhiều công ty Mỹ tìm cách đầu tư ở Việt Nam, thông qua các công ty chân rết của họ ở các nước khác, hoặc các hình thức hợp doanh mà họ chiếm dưới 50% vốn. Theo ông Jerome Cohen, luật gia và giáo sư đại học New York, các công ty Mỹ đã đầu tư hơn 3 triệu đôla ở Việt Nam trong năm 1991.

 (Tin các hãng thông tấn quốc tế)

Tin thể thao.

Việt Nam sẽ gửi 96 vận động viên tham dự Vận động hội Đông Nam Á tổ chức tại Philipin từ ngày 24 tháng 11.1991 tới đây. Trong số này, có 14 tay súng, 9 người chơi bóng bàn, 6 vận động viên thể dục, 5 điền kinh, 5 nhu đạo, 3 bơi lội, 4 quyền Anh và một đội bóng chuyền, một đội bóng đá.

Thành phố Chí Minh đang gấp rút chuẩn bị cho cuộc chạy ma-ra-tông quốc tế sẽ được tổ chức tại đây vào tháng 2.1992 tới. Cuộc chạy dự trù sẽ có khoảng 500 vận động viên nhiều nước trên thế giới và khoảng 100 vận động viên Việt Nam tham dự. Ban tổ chức cho biết, trong một buổi gặp các nhà báo đầu tháng 10.1991, hiện đã có 300 người ghi tên dự chạy, từ Mỹ, các nước châu Âu, châu Á. Tiền thu được sẽ được sử dụng cho một chương trình cứu tế xã hội. Hiện đã có nhiều đài truyền hình Tây Âu tới thương lượng giành quyền truyền về Âu, Mỹ hình ảnh của cuộc chạy. Đường chạy trong thành phố cũng đã được vẽ lại theo yêu cầu của các hãng truyền hình này. Một cuộc vận động để các công ty quốc tế hỗ trợ tài chính cho cuộc chạy, với quyền có bảng quảng cáo trên đường chạy, cũng đang được tiến hành.

  

Liên doanh Việt Phi sản xuất xe hơi

Xí nghiệp liên doanh sản xuất xe hơi Việt Nam (VMC) đã ra đời giữa tháng 8 vừa qua. Tham gia liên doanh có hai công ty Việt Nam (Nhà máy sản xuất ôtô Hòa Bình và Tổng công ty sản xuất và xuất nhập khẩu giao thông vận tải) với 30% cổ phần, và hai công ty Philipin (Colombian Motor và Jumex Panpacific) góp 70% vốn, với sự giúp đỡ và cố vấn của một số công ty Nhật Bản.  

VMC sẽ lắp ráp và sản xuất xe du lịch, xe vận tải nhỏ, xe chở khách, và đặt kế hoạch đến hết năm 1994 sẽ cho ra xưởng 11 000 xe hơi các loại.

(Nhân Dân 18.9.1991)

Những chiếc cầu sắp sập ở thành phố Hồ Chí Minh (tiếp)

Sau khi hai cầu Xóm Chỉ và cầu Ba Cẳng bị sập, ngành cầu đường thành phố Hồ Chí Minh đã có sáng kiến độc đáo để ngăn chặn sự sụp đổ tiếp tục của những cây cầu còn lại trong thành phố: rào kín hai đầu cầu với bảng cấm lưu thông, không cho phép bất kỳ con người và phương tiện nào qua lại trên cầu nữa! Sáng kiến này đã bắt đầu được áp dụng tại cầu Ông Lãnh, một chiếc cầu nối kết địa giới quận 1 và quận 4.

(Thanh Niên, 25.8.1991)

Đài Loan, nước đầu tư nhiều nhất vào Việt Nam

Đầu tháng 9 vừa qua, một phái đoàn của Quốc hội Đài Loan, do phó chủ tịch Liu SungFan dẫn đầu, đã đến thăm Việt Nam. Đây là cuộc tiếp xúc cao cấp nhất giữa Việt Nam và Đài Loan từ 15 năm qua. Trước đó, trong tháng 8, chuyến bay đầu tiên của hàng không Đài Loan Air China đã hạ cánh xuống sân bay Tân Sơn Nhất với 61 thương nhân. Trong năm 1990, trao đổi mậu dịch giữa Đài Loan và Việt Nam đã đạt 180 triệu đôla. Tính đến giữa năm 1991, đầu tư của Đài Loan ở Việt Nam lên tới 439 triệu đôla, chiếm 21% tổng số đầu tư nước ngoài. Đài Loan hiện là nước đầu tư nhiều nhất vào Việt Nam.

(Thanh Niên 25.8, Tuổi Trẻ 7.9.91)

Quan hệ Mỹ - Việt (tiếp)

Quyết định kéo dài cấm vận đối với Việt Nam, sau khi vấn đề Campuchia coi như đã giải quyết (ngày ký kết tại Paris đã được định), là nhằm mục tiêu làm sức ép cho cuộc thương lượng vấn đề lính Mỹ mất tích ở Việt Nam (MIA)? Câu hỏi có thể đặt ra khi tướng John Vessey, đặc phái viên của tổng thống Mỹ vừa đi Việt Nam vào đầu tháng 10.1991, cho biết ông đã nhấn mạnh với các quan chức Hà Nội rằng sự lập lại quan hệ bình thường giữa hai nước tùy thuộc vào kết quả của các nỗ lực tìm kiếm các MIA. Trong chuyến đi hai ngày này, Vessey đã gặp các ông Võ Văn Kiệt và Nguyễn Mạnh Cầm, Chủ tịch hội đồng bộ trưởng và Bộ trưởng ngoại giao Việt Nam. Mặc dầu, thông cáo chung của hai bên sau các cuộc gặp nhắc lại “ý muốn của chính phủ hai nước sớm lập lại quan hệ bình thường giữa Việt Nam và Hoa Kỳ”, Vessey không chịu nói với các nhà báo sớm đây nghĩa là trong thời gian bao lâu.

Hè vừa qua, một số tổ chức cựu chiến binh Mỹ đã tung ra những tấm ảnh hòng chứng minh rằng còn những lính Mỹ vẫn bị giam giữ tại Việt Nam. Mặc dầu các tấm ảnh đó đều đã bị lật tẩy là giả, dư luận Mỹ vẫn rất nhạy cảm về các vấn đề này.

Ngoài Vessey, một nhân vật khác trong chính giới Mỹ, cựu thượng nghị sĩ Richard Clark, dẫn đầu một đoàn đại biểu của Viện Nhân học Aspen đã tới Hà Nội ngày 11.10.1991. Ông đã được Chủ tịch Võ văn Kiệt và ngoại trưởng Nguyễn Mạnh Cầm tiếp và thảo luận về các vấn đề quan hệ giữa hai nước.

( theo AFP, Hà Nội 2.10.1991 và 12.10.1991)

Một chính phủ có những người không cộng sản?

Trong một bài trả lời phỏng vấn nhà báo J.C.Pomonti trên nhật báo Le M onde đề ngày 15.10.1991 (ra chiều hôm trước), ông Võ Văn Kiệt, Chủ tịch Hội đồng bộ trưởng Việt Nam tuyên bố: “Trong tương lai, chúng tôi sẽ chọn người theo năng lực của họ. Và như vậy, họ không nhất thiết phải là ủy viên trung ương đảng và có lẽ cũng không bó buộc phải là đảng viên. Chúng tôi muốn những người có trách nhiệm trong những lĩnh vực thuộc về năng lực của họ, kinh tế, xã hội, văn hóa”. Đây là câu đáp lại câu hỏi của J.C. Pomonti, “Liệu có thể nghĩ tới việc cử vào những chức vụ bộ trưởng những bộ quan trọng những người không phải là cộng sản? ”.  

Ông Kiệt nhấn mạnh rằng “Một trong những cải tổ chính trị chủ yếu ở Việt Nam là về đảng, về sự xác định lại vaí trò của đảng. Chính phủ phải có nhiều quyền chủ động hơn, nhiều trách nhiệm và làm việc có hiệu quả hơn”. Theo ông Kiệt, làm như thế sẽ củng cố hơn vai trò lãnh đạo của đảng, và không có gì nghịch lý ở đây cả. Ông cũng cho biết, sẽ tiến tới việc thủ tướng thành lập nội các và đưa ra Quốc hội chuẩn y, thay vì Quốc hội cử từng bộ trưởng như hiện nay.

 

Úc, Nhật viện trợ trở lại, Singapour bỏ cấm vận Việt Nam

Theo tin AFP ngày 16.10, chính phủ Canberra đã thông báo quyết định của Úc viện trợ trở lại cho Hà Nội. Úc đã cắt viện trợ này từ 1979 sau ngày quân đội Việt Nam tiến vào Campuchia.

Ngày hôm sau, báo Nhật Nihon Keizai Shimbun cũng đưa tin chính phủ Nhật đã quyết định viện trợ trở lại cho Việt Nam và Campuchia, không chờ Hội nghị Paris thông qua Hiệp định hòa bình về Campuchia ngày 23.10. Theo tờ báo, Nhật có thể viện trợ cho hai nước này, mỗi nước 10 tỷ yen (khoảng 77 triệu đôla). Những chi tiết cụ thể trong việc viện trợ này sẽ được thông qua sau khi đoàn điều tra của chính phủ Nhật ở hai nước trở về, và sau khi tham khảo một số nước khác cùng với FMI và Ngân hàng Thế giới.

Về phần mình, chính phủ Singapour đã tuyên bố sẽ bãi bỏ cấm vận đối với Việt Nam ngay sau Hội nghị Paris. Thật ra, như báo Business Times tháng 9.91 cho biết, ngay từ tháng 7.91 những công ty Singapour đã đầu tư 17,7 triệu Mỹ kim trong 6 đề án của Việt Nam. Trong các nước ASEAN, Singapour là nước đầu tư vào Việt Nam nhiều nhất sau Thái Lan.  

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
CONFÉRENCE DÉBAT 24/05/2024 19:00 - 23:00 — la Médiathèque JP Melville (Paris 13e)
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss