Bạn đang ở: Trang chủ / Tài liệu / Báo cũ / Số 6 / Đảng Cộng sản Việt Nam từ bỏ chuyên chính vô sản

Đảng Cộng sản Việt Nam từ bỏ chuyên chính vô sản

- Nguyễn Trọng Nghĩa — published 08/09/2008 08:25, cập nhật lần cuối 07/10/2010 21:38
 
 

Đảng Cộng sản Việt Nam
từ
bỏ chuyên chính vô sản

 
Nguyễn Trọng Nghĩa
 

Cách đây mấy hôm đọc lại thêm một lần nữa bản dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1980, tôi bỗng giật mình sửng sốt: “Ồ! thì ra Đảng cộng sản Việt Nam đã từ bỏ chuyên chính vô sản rồi!”. Trong một vài phút tôi ở vào cái trạng thái “rõ ràng mở mắt còn ngờ chiêm bao” của nàng Kiều!

Mà đúng là cái chuyện không ai chờ đợi nữa đã xảy ra thực.

Điều 2 của bản dự thảo quy định rõ ràng: “Nhà nước cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nhà nước của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân mà nền tảng là liên minh [giữa] giai cấp công nhân với hai cấp nông dân và tầng lớp trí thức”.

Nội dung của nó hoàn toàn trái ngược với điều 2 của Hiến pháp 1980, khẳng định chắc nịch như đinh đóng vào cột: “Nhà nước cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nhà nước chuyên chính vô sản”.

Trong một chừng mực nào đó, có thể nói, nhà nước của dự thảo còn ít mác-xít hơn cả “ Nhà nước dân chủ nhân dân” của Hiến pháp 1959, “ dựa trên liên minh công nông do giai cấp công nhân lãnh đạo”; trái lại nó rất gần với nhà nước hoàn toàn không có tính giai cấp của Hiến pháp 1946 theo đó “ tất cả quyền bính trong nước là của toàn thể nhân dân, không phân biệt nòi giống, gái trai, giàu nghèo, giai cấp, tôn giáo” (điều 1).

Nếu không sợ là quá diễn dịch, ta có cảm tưởng là dường như Đảng Cộng sản Việt Nam cũng đã từ bỏ chủ trương “đấu tranh giai cấp” khi tự khẳng định mình “đại biểu trung thành quyền lợi” không những “ của giai cấp công nhân, nhân dân lao động”“ của cả dân tộc” (điều 4), vì như thế có nghĩa là hiện nay ở nước ta không còn đối kháng giai cấp.

Về mặt lý thuyết rõ ràng đây là một sự kiện quan trọng vì “ đấu tranh giai cấp” và hệ luận của nó, chuyên chính vô sản là nội dung chính yếu của quan niệm mác- xít về lịch sử cũng như về thực tiễn cách mạng.

Thật vậy ngay trong câu đầu chương I của Tuyên ngôn cộng sản, Marx và Engels đã viết: “Lịch sử của mọi xã hội [đúng ra phải nói là “mọi xã hội có giai cấp”] cho đến ngày nay chỉ là lịch sử đấu tranh giai cấp”. Từ nhận định đó, hai ông đã quan niệm nhà nước như là công cụ thống trị của một giai cấp trên những giai cấp khác. Hai ông chủ trương là giai cấp công nhân phải đấu tranh giành lấy chính quyền, tự biến mình thành giai cấp thống trị (chuyên chính vô sản) nhằm xoá bỏ mọi giai cấp kể cả giai cấp công nhân, và như thế sẽ làm cho nhà nước – với tư cách là quyền lực chính trị – tiêu vong, mở ra một thời đại mới trong đó “sự phát triển tự do của mỗi người sẽ là điều kiện của sự phát triển tự do của mọi người”.

Lý thuyết trên phải nói là rất mạch lạc và không phải là không cao đẹp (nếu trái lại thì nó đã không động viên được hàng bao triệu người đấu tranh thực hiện, bất chấp sống chết, từ hơn một thế kỷ nay!): nó phản ánh ước mơ xưa hàng mấy nghìn năm của một phần nhân loại khá đông về một thế giới đại đồng, tự do và công bình trong đó mọi người đều là anh em (tứ hải giai huynh đệ), không còn xâu xé, áp bức, bóc lột lẫn nhau vì những đối kháng quyền lợi.

Nhưng đó chỉ là trên lý thuyết.

Lịch sử của chủ nghĩa xã hội hiện thực chứng tỏ rằng trong nền chuyên chính vô sản cũng có áp bức, tù đày, tàn sát và nhà nước chuyên chính vô sản chẳng những không có cơ tiêu vong mà trái lại càng ngày càng phình ra, càng quan liêu hoá và, vì thế, trở nên vô hiệu lực để rồi đi đến chỗ phá sản toàn diện, với những hậu quả khủng khiếp: kinh tế kiệt quệ, đạo lý suy đồi, đất nước điêu linh, loạn lạc, xã hội rệu rã...

Phải chăng vì rút ra được bài học về thực tế nói trên nên Đảng Cộng sản Việt Nam rốt cuộc đã từ bỏ chuyên chính vô sản và đấu tranh giai cấp? Điều đáng tiếc là các nhà viết dự thảo sửa đổi Hiến pháp đã không đi đến tận cùng lô gích của mình nên tiếp tục khẳng định: “ Đảng Cộng sản Việt Nam (...) là lực lượng lãnh đạo nhà nước và xã hội [tức là nhân dân](điều 4).

Chính vì thế mà nền tảng lý luận của dự thảo ít vững chắc hơn Hiếp pháp 1980 nhiều lắm.

Thật vậy, vì theo đúng những luận điểm của Marx, Engels, Lénine về nhà nước, lý luận của Hiến pháp 1980 vừa đơn giản vừa mạch lạc, có thể tóm tắt như sau: vì bản chất của nhà nước là chuyên chính vô sản hay, nói khác đi, vì nhà nước là công cụ thống trị của giai cấp công nhân, nên Đảng Cộng sản, với tư cách là đội tiền phong của giai cấp công nhân, có quyền tự khẳng định mình là “ lực lượng duy nhất lãnh đạo nhà nước và xã hội”.

Sự lãnh đạo của đảng cộng sản như vậy là hệ luận của chuyên chính vô sản.

Do đó một khi đã bỏ chuyên chính vô sản rồi thì thế tất không thể duy trì sự lãnh đạo của đảng cộng sản được nữa.

Trước đây nếu có ai dám hỏi: “đảng lãnh đạo nhà nước như thế nào?” thì, dựa trên Hiến pháp 1980, người ta có thể trả lời dễ ợt: “ theo quan niệm chuyên chính vô sản”. Và người hỏi nhất định sẽ nín lặng chịu thua ngay!

Nhưng với dự thảo sửa đổi, câu trả lời sẽ chẳng dễ dàng gì vì nhà nước từ nay sẽ không còn là công cụ thống trị của đảng nữa mà là “ nhà nước của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân”.

Có lẽ vì ý thức được khó khăn đó nên các nhà viết dự thảo đã khẳng định là Hiến pháp sẽ “thể chế hoá mối quan hệ giữa nhân dân làm chủ, nhà nước quản lý và đảng lãnh đạo” (Lời nói đầu).

Điều đáng tiếc là ngoài điều 4 ra, dự thảo đã chẳng nói gì hết về quyền hạn và nhiệm vụ của Đảng Cộng sản trong khi đó dự thảo đã dành cả một chương dài (gồm 34 điều) để quy định quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, một chương (15 điều) về Quốc hội, một chương (7 điều) về Hội đồng nhà nước, một chương (8 điều) về chính phủ, v.v...

Chỗ đứng quá khiêm tốn mà dự thảo dành cho đảng cộng sản không thể không làm cho người đọc ngạc nhiên.

Hoặc giả tuy không chính thức nói ra do nhu cầu chiến thuật nhưng đảng vẫn tiếp tục lãnh đạo nhà nước và nhân dân theo tinh thần chuyên chính vô sản như trước đây. Nếu đúng thế thì Hiến pháp “ luật cơ bản của nhà nước” sẽ chẳng còn giá trị gì vì ngay từ đầu chính đảng đã có ý định không tôn trọng nó!

Hoặc giả dự thảo chỉ nói chiếu lệ đến vai trò lãnh đạo của đảng cho đúng lễ nghi thôi nên không cần triển khai.

Dẫu sao đi nữa thì việc dự thảo thay thế “ nhà nước chuyên chính vô sản” bằng “ nhà nước của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân” cũng đã là một sự kiện chính trị, lý thuyết quan trọng. Thế nhưng, lạ thay! sự kiện này lại xảy ra trong sự dửng dưng của mọi người, kể cả báo chí Việt Nam và thế giới. Phải chăng vì sau những biến động long trời lở đất dồn dập ở Đông Âu, trước mắt mọi người nền chuyên chính vô sản vốn được xem là vững chắc và có khả năng tồn tại đến muôn đời thực chất chỉ là chàng khổng lồ chân đất sét, khủng khiếp là thế nhưng sụp đổ một mình lúc nào không biết, nên chẳng ai quan tâm đến nữa? Hiện nay không ít người nghĩ rằng, với sự phát triển nhanh chóng và có phần lộn xộn của nền kinh tế thị trường không những ở các thành phố mà ngay cả ở nông thôn, tận hang cùng ngõ hẻm, xã hội Việt Nam càng ngày càng thoát ra khỏi sự kiểm soát của đảng, tự giải quyết lấy những vấn đề vô cùng khó khăn do cuộc sống đặt ra và tự tìm lấy những con đường sống. Chuyên chính vô sản, đảng lãnh đạo... tất cả những điều ấy đã dần dà thuộc về quá khứ... Thực tế có đúng như vậy không? Có lẽ cần phải bàn cãi rất nhiều!

Riêng tôi, tôi nghĩ rằng, trong khi nỗ lực đi tìm những “ luật chơi” mới cho đời sống chính trị ở Việt Nam, cần trân trọng ghi nhận mọi dấu hiệu tiến bộ, mọi thiện chí bất cứ đến từ đâu đặc biệt là từ Đảng Cộng sản Việt Nam là đảng đang cầm quyền. Có lẽ nên gọi Đảng Cộng sản Việt Nam là đảng cầm quyền hơn là đảng lãnh đạo vì khái niệm này, như đã trình bày trên đây, gắn quá chặt với quan niệm chuyên chính vô sản mà ai cũng kinh sợ do kinh nghiệm lịch sử (thật ra người ta chỉ sợ “chuyên chính” thôi, chứ hiện nay ngay tại Việt Nam có ai vỗ ngực tự xưng là vô sản). Phải chăng đã đến lúc – nếu không phải là quá trễ – Đảng Cộng sản Việt Nam cần đóng đúng vai trò đảng cầm quyền của mình, củng cố lại tổ chức, định lại đường lối và nhất là tự dân chủ hoá, để trở thành một đảng chính trị hiện đại có khả năng góp phần hữu hiệu vào việc cứu đất nước khỏi nguy cơ rệu rã, suy vong lâu dài trong khi các nước láng giềng ở Đông Nam Á phát triển nhanh chóng và trở nên ngày một hùng cường.

3.2.1992

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
CONFÉRENCE DÉBAT 24/05/2024 19:00 - 23:00 — la Médiathèque JP Melville (Paris 13e)
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss