Bạn đang ở: Trang chủ / Tài liệu / Báo cũ / Số 9 / Trông người – biết ta

Trông người – biết ta

- Lý Thanh — published 08/06/2010 08:25, cập nhật lần cuối 07/10/2010 21:50

Bạn đọc viết


Trông người – biết ta


Lý Thanh (Ba Lan)



1. Sơ qua tình hình Đông Âu sau bầu cử tự do

Thắng lợi của phong trào dân chủ ở Đông Âu và các cộng hòa sau Liên Xô đã là sự kiện lịch sử không thể đảo ngược được. Các chính thể cộng sản sụp đổ sau vài mươi năm xưng hùng xưng bá một phần thế giới. Không ít đồng bào trong và ngoài nước coi đấy như một ví dụ để đánh giá tình hình Việt Nam. Tính tất yếu của cuộc cách mạng dân chủ cũng được đề cập nhiều. Nhưng thực tế tình hình Đông Âu diễn biến ra sao, khó khăn thuận lợi của tiến trình dân chủ thế nào?

Đông Âu còn là điển hình hay sẽ là bài học tốt cho chúng ta những người Việt mang khát vọng xây dựng một tổ quốc tự do dân chủ và phát triển.

Khủng hoảng của nền kinh tế tập trung xã hội chủ nghĩa bắt đầu từ những năm 70 là nguyên nhân chính dẫn đến sự bùng nổ của các phong trào dân chủ, những năm 50-60 ở Hungaria, Tiệp Khắc và Ba Lan đã có đấu tranh nhưng nặng tính chất chống Xô Viết hơn là đòi lật đổ chính quyền cộng sản. Tất nhiên các tổ chức chính trị đối lập, sức ép thế giới, ý thức đấu tranh lớn dần của quần chúng và... M. Gorbatchov cũng góp phần không nhỏ. Nhưng chủ nghĩa cộng sản phá sản về kinh tế dẫn đến chính trị, dù muốn hay không đã phải từ bỏ quyền lực nhà nước. Ở những nước có đối lập mạnh, biết hoà hoãn thương lượng, các lãnh đạo cộng sản biết thời thế, cuộc cách mạng xảy ra không đổ máu (Ba Lan, Tiệp Khắc, Hungaria) khác với những nước khác, do đặc thù nhiều dân tộc tổ chức nhà nước hoặc độc tài sắt máu (Liên Xô, Nam Tư, Rumani) dẫn đến chiến tranh hoặc đổ vỡ khốc liệt.

Nhưng ở tất cả các nước sau cộng sản Đông Âu, các chính quyền dân cử sau bầu cử tự do đều đang phải gánh vác sự sụp đổ của kinh tế xã hội chủ nghĩa nhiều năm. Khắp nơi người ta nói đến mô hình Tây Âu, tư nhân hoá, kinh tế thị trường tự do, bảo vệ dân tộc tính sau nhiều năm cộng sản hoá, xô-viết hoá. Nhưng thiếu một đường lối kinh tế nhanh và hiệu quả, thiếu viện trợ nước ngoài, cho vay tín dụng, giảm nợ từ phía Cộng đồng kinh tế Âu châu (EEC) và các nước giàu có khác, tiến trình xây dựng dân chủ bị đe dọa.

Trong năm 1992 nếu thiếu 20 tỷ đôla viện trợ, cải cách kinh tế của Đông Âu sẽ được đặt dưới một câu hỏi lớn. Ngoài Ba Lan, Hungaria, Tiệp Khắc đã giành được kết quả khả quan chống lạm phát, các nước vùng Ban-căng (Bungaria, Rumani, Nam Tư) đang “cháy giá”, ở các cộng hoà sau Liên Xô giá bán lẻ tăng 10%/tháng (1991). Mức tăng trưởng kinh tế tính theo phần trăm/năm của Đông Âu năm 1991 là -12%/năm, các cộng hoà sau Liên Xô là -10,6%; dự đoán năm 1992 khả quan hơn, Đông Âu 2,1%; cộng hoà sau Liên Xô -3,9 %.

Chính trị ổn định xét về hình thức bề ngoài, mâu thuẫn quyền lợi giữa các tầng lớp, sắc tộc, tệ nạn xã hội, tội phạm hình sự bắt nguồn từ quá khứ bây giờ lộ ra. Chính quyền mới, đường lối mới nhưng phần đông công chức vẫn là những người hôm qua ngồi đó. Không dễ đổi mới cả dân tộc. Tâm lý dân chúng, nhất là những người đã quen với cách làm việc cũ, thường là thất vọng và chán ngấy.

Thất nghiệp tăng, các trợ cấp xã hội bị cắt giảm. Như sau cơn mưa, đất trời tuy có thoáng đãng hơn thì các nhóm cực hữu bài ngoại lại nổi lên như nấm. Không kể Đông Đức cũ có thể nghe nói đến Mặt trận quốc gia ái quốc của J. Pasznin (Nga), Hội vương miện thánh (Hungaria), các nhóm Cộng hoà ở Tiệp, Cộng đồng quốc gia Ba Lan, đảng Quốc gia Ba Lan của Tejkowski ở Ba Lan... Các chính phủ mới thường không làm gì hữu hiệu để ngăn chặn những tổ chức bài ngoại hay phát xít mới này, chưa kể nhiều bọn côn đồ vô tổ chức đánh người nước ngoài tuỳ ý tuỳ chỗ. Người Việt nhỏ bé yếu ớt, dễ nhận dạng rất hay là đối tượng tấn công của bọn chúng.


2. Tình hình Ba Lan – một bài học

Nhìn vào Ba Lan một nước gần 40 triệu dân nổi tiếng từ Công đoàn Đoàn Kết Solidarnosc, ta thấy gì sau hai năm cách mạng:

Nền cộng hoà thứ 3 từ 12.1989 đến nay thay ba thủ tướng, mỗi vị đều có sáng kiến riêng lúc đương chức. Thủ tướng đầu tiên T. Mazowiecki coi đồng minh và bạn hàng quan trọng nhất của Ba Lan là Pháp, thủ tướng sau J. K. Bielecki thì chọn Đức, ông đương chức là J. Olszewski thì chọn Italia. Tổng thống Lech Walesa có hướng về Mỹ nhưng không rõ ràng. Bên trên cuộc chiến giành quyền lực liên miên chưa dứt, Ba Lan hiện có 250 đảng và tổ chức chính trị hợp pháp (được vào sổ), trong đó có 65 đảng ra tranh cử nghị viện và chỉ 29 đảng có ghế. Tự do dân chủ được nói đến mọi nơi mọi chỗ trên miệng các chính khách, trong các văn kiện nhà nước và dĩ nhiên mỗi người hiểu theo một kiểu. Quốc hội hai viện luôn mâu thuẫn với tổng thống. Các chức vụ chủ chốt của Nhà nước như thủ tướng chính phủ, chánh án toà tối cao, toà án hiến pháp, chủ tịch tối cao công tố viện (NIK), v.v... liên tục thay nhân sự do sự hợp-tan của các đảng phái trong nghị viện.

Trong các đảng chiếm nhiều ghế nhất có Liên minh dân chủ (Unia demokratyczna) của cựu thủ tướng T. Mazowiecki, Đại hội tự do dân chủ (Kongres liberalno-demokratyczny) của cựu thủ tướng thứ nhì J. K. Bielecki, Liên hiệp thiên chúa giáo quốc gia (Zjednocrenie chrzecjansko-narodone) của giáo sư W. Chrzanowski, Đại hội Ba Lan độc lập (Konfederacja Polski Niepodlegle) của giáo sư sử học L. Moczulski, Liên hiệp dân chủ cánh tả SLP (cộng sản cũ) và Liên minh trung tâm (Porozumienie centrum) của S. J. Kacrynski v.v... Các đảng phái hợp lại tan, đảng nào cũng nắm chắc lý lẽ. Unia demokratyzna chiếm 64 ghế trên tổng số 460 trong nghị viện thì luôn đóng vai đối lập, dù số ghế cao nhất, bên cạnh đó SLP vốn thừa kế cả người lẫn của từ đảng Công nhân thống nhất Ba Lan năm xưa chiếm số đông thứ nhì sau Unia cũng luôn phủ quyết phá quấy nghị trường.

Bên dưới các cuộc đình công biểu tình từng là vũ khí hữu hiệu chống cộng sản nay nhằm vào chính phủ. Tuyệt thực không còn là chuyện lạ và là “độc chiêu” của công nhân đường sắt và nông dân.

Chương trình cải cách kinh tế, mang tên L. Balcerowicz (nhà kinh tế không đảng phái) nhằm tư nhân hoá nền kinh tế quốc doanh, chuyển sang kinh tế thị trường tự do, xây dựng thị trường chứng khoán, chống lạm phát đang gặp phải chống đối ghê gớm. Theo điều tra xã hội của CBOS chỉ 5% dân Ba Lan đồng ý tiếp tục chương trình Balcerowicz không sửa đổi gì, 80% dân Ba Lan đánh giá điều kiện sống tồi, 90% thấy một sự căng thẳng bao trùm xã hội. Thiếu những quyết định dứt khoát và hợp lý trong kinh tế dẫn đến sự mất niềm tin. Theo tivi Ba Lan 26.2.92, tới 92% dân chúng coi tình hình đất nước xấu đi... Khái niệm dân chủ không được đánh giá tốt đẹp như thời cùng nhau xuống đường đấu tranh. Người dân dễ tin nhưng dễ nản một phần vì khoảng cách giữa mức sống Ba Lan với các nước Tây Âu quá xa. Tự do đi lại nhưng không có tiền để đi. Như tổng giám mục Ba Lan Jozef Glemp chua chát nhận định: “Người nghèo thì không thể hoàn toàn tự do được.”

Nguyên nhân thì nhiều nhưng dù sao đi nữa niềm tin cần phải được củng cố. Nhìn vào chính trường, ít có người dân Ba Lan nào hài lòng. Tham gia bầu cử nghị viện chỉ có 45% dân số (trước đấy tổng bầu cử tổng thống số cử tri nhiều hơn)... Dân chủ sẽ thế nào nếu chính người dân không buồn nghĩ đến nó. Bầu cử tự do đã là một thắng lợi lịch sử, nhưng sau đấy các chính khách quên mất rằng người dân đang mang hy vọng cuối cùng trong chặng đường dài gian khổ đấu tranh đến tự do và phồn vinh. Hy vọng và niềm tin này rất mỏng manh và rất dễ bị phụ lòng.


3. Dân chủ cho Việt Nam

Người Việt chúng ta đấu tranh cho dân chủ và đang nói nhiều đến dân chủ trong cũng như ngoài nước. Dân chủ đã mang một ngữ nghĩa mù mờ khó hiểu. Cộng sản Việt Nam nói: ... mở rộng dân chủ”, ý như dân chủ thế nào là tuỳ tay “thắt mở” của Đảng. Lãnh đạo Đảng và Nhà nước cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt nam, dù vật đổi sao dời vẫn đang ở vị trí “quan phụ mẫu” trên dân chúng, vì thế nói đến dân chủ xã hội chủ nghĩa thật đáng xấu hổ. Các đoàn thể hải ngoại ở vị trí đối lập cũng bàn nhiều về hai chữ dân chủ. Người viết bài này không có ý tranh luận với mọi người, vì việc cắt nghĩa từ ngữ cao siêu như vậy nên để cho các bậc tài cao học rộng trong cộng đồng. Ở đây chỉ nêu ra một cái nhìn từ thực tế Đông Âu và Ba Lan, một nỗi lo cho số phận dân tộc đang trong những ngày tủi cực và một tương lai chưa xác định.

Điều trớ trêu của tình thế là đối lập Việt Nam chỉ mạnh ở nước ngoài, có thể gọi là “đối lập Việt kiều”. Trong nước đối lập mới vừa nhen nhóm, còn rất yếu ớt mang tính tư tưởng hơn là một lực lượng.

Để đi đến một thay đổi chính trị tích cực trong nước (dù gọi là cách mạng hay không cách mạng thì nó cũng sẽ chỉ như vậy) từng người Việt Nam tiến bộ phải đấu tranh thống nhất được đường lối đấu tranh và tập hợp được một lực lượng đã là thắng lợi lớn. Nhưng đấy mới chỉ là chặng đường như công đoàn Đoàn kết đã đi trong gần 10 năm. Tiếp đó là bầu cử tự do sau khi bắt chính quyền cộng sản phải ngồi vào hội nghị bàn tròn. Nhưng bầu cử tự do không phải là chiếc chìa khoá vàng hay câu “Vừng ơi mở ra!”, sau cánh cửa chẳng chờ một kho báu mà là một căn bếp bề bộn đổ nát. Dọn sạch rồi mới cùng nhau nấu cho ra một món. Một cuộc cãi vã chọn thực đơn không làm đồ nấu và dụng cụ nhà bếp (vốn chất lượng chưa cao) thay đổi.

Xét cho cùng tuy màu sắc còn đôi chút nhưng nhà cầm quyền Việt Nam thực tế đã chuyển từ dạng công sản quân phiệt sang dạng mafia chính trị-kinh tế. Họ cũng đưa ra những khẩu hiệu hấp dẫn: kinh tế thị trường, dân chủ, trong sạch bộ máy, chỉ thiếu mỗi hai chữ đa nguyên. Tuy thế tình hình cũng chẳng khá hơn. Ở Ba Lan, chính phủ cộng sản thời thủ tướng Rakowski cũng nhăm nhe cải cách kinh tế mở rộng dân chủ, nhưng rồi phải vay cả tiền của Liên Xô chuyển qua KGB để làm kỳ đại hội lần chót, đưa ma đảng Công nhân thống nhất Ba Lan.

Ở Việt Nam không khí ngột ngạt, chính thể đang phải gắng sức chống lại ba sức ép; từ thế giới: ý thức hệ, nhân quyền; trong nước: mất niềm tin, đòi hỏi quyền lợi kinh tế và tự do của nhân dân, nạn tham nhũng, tội phạm hình sự; trong vùng: yếu kém về làm ăn dẫn đến mất chủ quyền. Quần chúng cần gì? Đấy là điều cả chính quyền và đối lập đều muốn biết. Đối lập chẳng nên tiếc rằng ở Việt Nam chưa thay đổi như Đông Âu, cái may duy nhất còn lại là đối lập có thời gian nghiên cứu tình hình, rút ra bài học đấu tranh, hoạch định đường lối đúng hơn...

Tất nhiên trong cùng một thời gian đó nhà nước cộng sản cũng xem xét và rút kinh nghiệm bảo vệ chính quyền. Cuộc chiến, sẽ gay go hơn nhưng không vì thế mà phải khốc liệt hơn. Ở các nước Đông Âu và ngay trong Liên Xô cũ, tinh thần chống xô-viết của các dân tộc đấu tranh cho tự do đã là nguyên nhân lớn trong nhiều nguyên nhân dẫn đến sự sụp đổ của chủ nghĩa cộng sản. Vai trò của các tổ chức tôn giáo cũng không nhỏ. Ở nước ta, tinh thần bài Xô không giữ vị trí quan trọng trong tư duy đối kháng của nhân dân. Có chăng là bất công xã hội và sự thối nát của bộ máy nhà nước gây nên căm phẫn.

Làn sóng chống đối chỉ có thể nổi lên cùng các mâu thuẫn trong nước. Theo con đường của Đông Âu và gần đây là Trung quốc, phong trào dân chủ Việt Nam cần một đối lập mạnh trong nước. Các đoàn thể hải ngoại cần giúp đỡ hết sức mình cho một lực lượng đối lập bằng xương bằng thịt ở nước nhà. Cùng lúc trí thức Việt Nam cần dấn thân đối thoại với các tầng lớp khác. Một cuộc thay đổi ở trên nếu xảy ra, sẽ chỉ dẫn đến một cuộc xây đựng dân chủ từ trên xuống. Như ở Ba Lan hiện nay, giữa giới chính khách, giới trí thức chuyên môn (khác trí thức tham chính) và dân chúng có đầy những bất đồng bắt nguồn từ phong trào công đoàn Đoàn Kết. Đó là một tam giác cản đường rất khó dù sẽ phải chuyển sang một hình tròn có khả năng lăn đi. Mọi lối phân bè kéo cánh mang danh dân chủ chỉ có hại cho nhân dân và cho bản thân. Mọi lời hứa hão đều độc hại và dễ biến anh hùng thành anh hề. Người viết bài này hết sức mong đối lập Việt Nam sẽ hợp thành một lực lượng mạnh, ngược với sự tan rã của công đoàn Đoàn Kết từ 1 thành 250 đảng. Chúng ta có thời gian suy nghĩ và hành động. Đã đành là chậm hơn người nhưng biết đâu vì thế sẽ lại hiệu quả hơn.


Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
CONFÉRENCE DÉBAT 24/05/2024 19:00 - 23:00 — la Médiathèque JP Melville (Paris 13e)
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss