Bạn đang ở: Trang chủ / Tài liệu / Báo cũ / Số 10 / Dân chủ, phát triển: cái gì trước, cái gì sau?

Dân chủ, phát triển: cái gì trước, cái gì sau?

- Lê Văn Cường — published 10/10/2010 02:00, cập nhật lần cuối 04/12/2010 20:58

Dân chủ, phát triển:
cái gì trước, cái gì sau?

Lê Văn Cường

 

Kinh tế toán có một mô hình tăng trưởng tối ưu như sau: tích luỹ và tiêu dùng như thế nào để tối đa hoá lợi nhuận của các đơn vị sản xuất? Giả thuyết quan trọng nhất của mô hình là tiêu dùng và tích luỹ có liên hệ chặt chẽ với nhau, nhưng tích luỹ đóng vai trò mấu chốt; thậm chí ta có thể tích luỹ vì tích luỹ, không cần tiêu dùng, nhưng không thể có tiêu dùng nếu không có tích luỹ. Kết quả có thể là như sau: trong quãng thời gian ban đầu, muốn tăng trưởng tối ưu, ta phải “thắt lưng buộc bụng” không tiêu dùng gì hết để tích luỹ, và sau đó tiêu dùng mới đóng vai trò kinh tế của nó nghĩa là phải tiêu dùng mới thúc đẩy được tích luỹ để tối đa hoá lợi nhuận 1.

Nếu bây giờ, trong mô hình đó, ta thay tiêu dùng bằng dân chủ, tích luỹ bằng phát triển, ta có thể nói (“liều mạng”) là tăng trưởng tối ưu có thể có một sơ đồ như sau: lúc ban đầu phải chấp nhận không có dân chủ để phát triển, nhưng đến một lúc nào đó, dân chủ sẽ cần thiết cho phát triển. Xin nhắc lại là mô hình có những giả thuyết như sau:

a) dân chủ và phát triển là hai nhân tố tác động lẫn nhau của sự đi lên của xã hội, nhưng

b) phát triển là điều kiện tiên quyết

Tôi chấp nhận các giả thuyết này, như vậy chỉ còn một điều để bàn, rút ra từ mô hình tăng trưởng nói trên: đã đến lúc Việt Nam cần có dân chủ để thúc đẩy phát triển chưa?

1. 

Vấn đề này, thật ra, không có gì mới mẻ; đó là câu hỏi của những ai quan tâm đến sự phát triển của những nước chậm tiến. Nhưng trong những năm gần đây, sau sự sụp đổ của các nước Đông Âu, trên báo chí Việt kiều nhiều bài đã đề cập vấn đề ấy với mục đích chứng minh hay biện hộ cho sự cần thiết của dân chủ trong quá trình phát triển ở Việt Nam. Xin đơn cử vài thí dụ:

– Bài viết của Lê Văn Đằng 2 không chứng minh, ngược lại dựa trên mệnh đề:

Kinh tế thị trường = kinh tế tự do;

như vậy cần phải có tự do, và hiển nhiên, cần có dân chủ.

– Theo báo Thông Luận 3, bốn con rồng châu Á, lúc cất cánh, “ tương đối là những nước dân chủ nhất trong các nước chậm tiến. Chính vì vậy mà họ đã vươn lên được”: đây là một khẳng định.

– N.Q. 4 đưa ra một lý lẽ giống như kết luận của mô hình tăng trưởng tối ưu: tới một lúc nào đó phát triển sẽ cần dân chủ.

Ba bài kể trên chưa trả lời câu hỏi: đã đến lúc Việt Nam cần dân chủ chưa?

– Bài của Nguyễn Ngọc Giao 5 đã đưa ra một trả lời: “ Công thức chuyên chế + kinh tế tư bản, ở thập niên cuối thế kỷ 20 này, không thể dẫn tới cất cánh và phát triển, vì một lẽ cơ bản: mọi sự tích luỹ vốn ngày nay chỉ có thể dựa trên năng suất cao” “năng suất cao gắn liền với khả năng sáng tạo, và sự tự do của người lao động”, và như vậy dân chủ là “điều kíện cần thiết của sự phát triển”.

Luận điểm này không phải là không gây thắc mắc. Nếu diễn dịch ý của Nguyễn Ngọc Giao, tích luỹ vốn cốt để sản xuất ra nhiều của cải. Nhưng nếu không có thị trường tiêu thụ, tích luỹ nhiều sẽ trở thành lãng phí. Nếu quan tâm quá mức đến năng suất cao mà dùng những kỹ thuật sản xuất tiết kiệm lao động, trong một nước nghèo tay nghề giỏi, có tỷ lệ tăng dân số cao, sẽ làm nạn thất nghiệp thêm trầm trọng. Vô hình trung, dân chủ hoá để có năng suất cao, có của cải nhiều nhưng thiếu thị trường tiêu thụ, trong chừng mực nào sẽ trở nên phi kinh tế?

Để bổ sung luận điểm này, ta có thể nói một cách giản dị là muốn sản xuất, ta cần có vốn thông qua đầu tư. Động cơ thúc đẩy đầu tư là triển vọng làm giàu với hai nhân tố chính: có thị trường tiêu thụ, phí tổn so sánh (coût comparatif) giữa giá thành (trong đó có tiền nhân công) và giá bán thấp. Năng suất cao cốt cũng làm phí tổn so sánh này thấp hơn nữa. Bây giờ ta có thể có một kết luận tương tự như kết luận của Nguyễn Ngọc Giao: dân chủ là điều kiện cần thiết cho sản xuất cho tăng trưởng và những nhà tư bản chỉ đầu tư khi nào có tương đối đủ thông tin về thị trường, về giá cả, về tiền lương, về cơ sở vật chất của xã hội..., khi nào họ thấy cơ chế xã hội - chính trị có thể phục vụ cho sản xuất (ví dụ: cần một số tự do sáng tạo 5 ). Nhưng: dân chủ đó là dân chủ để phục vụ sản xuất. Hiện nay, đa số các chính quyền đều chấp nhận phải có sự dân chủ này.

Còn dân chủ trong lĩnh vực chính trị? Chưa có một câu trả lời nào có tính thuyết phục về sự cần thiết của dân chủ chính trị cho phát triển.

2. 

Một lý lẽ thường được đưa ra để hạn chế dân chủ là cần phải có sự ổn định về mặt chính trị. Nhưng ổn định chính trị bằng chuyên chế không phải là lý do quyết định của sự cất cánh kinh tế: Phi Luật Tân với chế độ độc tài của Marcos đã không cất cánh (và hiện nay, tuy đã dân chủ hoá, vẫn không cất cánh) 6. Có một nhân tố quan trọng khác: viện trợ bên ngoài. Nam Triều Tiên, trong những năm 1953-1962, riêng về mặt kinh tế, đã nhận một sự giúp đỡ “khổng lồ” của phương Tây (trong đó phần của Mỹ là 84%) tương đương với 8% tổng sản lượng quốc gia, 69% tổng sản lượng nhập khẩu, 77% vốn đầu tư. Trong thời gian sau, 1965-1974, sự giúp đỡ này “chỉ” (!) còn tương đương với 4% tổng sản lượng quốc gia 7.

Có một nhân tố khác, theo ý tôi, là quan trọng nhất, mà đa số các nước chậm tiến khác không có, đó là sự thông minh của Nhà nước Nam Triều Tiên đã biết cách can thiệp vào công việc quản lý kinh tế, qua những chiến lược kỹ nghệ hoá và phát triển (khởi đầu là phát triển những kỹ nghệ cơ sở, những mặt hàng thay thế hàng nhập, sau đó xuất khẩu những mặt hàng tiêu dùng; đến giai đoạn thứ ba mới xuất khẩu hàng công nghiệp 8), qua việc sử dụng ngân hàng, tín dụng, thuế để hướng vốn đầu tư vào những ngành ưu tiên, rốt cuộc “những mục tiêu của Nhà nước được những xí nghiệp tư nhân thực hiện” 7.

Viết dông dài như trên để dẫn đến một luận đề ngắn ngủn: trong thời đại hiện nay, Nhà nước có một vai trò vô cùng quan trọng, không thể thiếu được trong sự phát triển của một quốc gia. Về mặt kinh tế, Nhà nước sẽ hoặc là người hướng dẫn sự tăng trưởng , hoặc là người điều tiết hoạt động sản xuất (vai trò của Nhà nước càng quan trọng hơn nữa nếu ta chấp nhận là Nhà nước phải đóng vai trò trọng tài giữa xã hội dân sự và khu vực sản xuất 9).

Luận đề trên dẫn tới sự không chấp nhận một chế độ độc tài độc đảng:

– một chế độ độc đảng đương nhiên sẽ đưa người của mình vào những cương vị quyết định của xã hội; nếu đảng ấy không có sự thông minh để chọn những người thông minh (thông minh để bảo vệ quyền lợi đất nước, khác với “khôn vặt” biết luồn cúi để giữ quyền lợi mình) đương nhiên sẽ tạo ra bàn giấy, cửa quyền, tham nhũng, hối lộ..., những tệ nạn không tương hợp với hiệu quả kinh tế. Một đảng độc quyền có thể có ý thức và muốn dẹp những tệ nạn ấy nhưng thử hỏi, trong một xã hội độc đảng, nếu muốn làm ăn, có địa vị xã hội thì phải vào đảng, loại các đảng viên tham ô có phải là chặt những cột trụ của đảng và như vậy, đảng có còn tồn tại được nữa hay không? Vả lại, có mấy ai đi cưa cành cây mà mình đang ngồi trên đó?

– đảng độc quyền lãnh đạo, giao cho Nhà nước quản lý, để cho nhân dân được làm chủ 10, 11; nhưng rốt cuộc không có ai chịu trách nhiệm; độc ác hơn nữa, khái niệm này được xem như kim chỉ nam của một hiến pháp, chính thức hoá một tư tưởng vô trách nhiệm có thể dẫn tới một xã hội trong đó không ai cảm thấy mình phải chịu trách nhiệm cái gì 11. Một xã hội như vậy liệu có thể lâu bền?

– Riêng ở Việt Nam, hiện nay Đảng cộng sản dùng tiền của nhân dân, giao cho xí nghiệp của Nhà nước Đảng làm trò chơi kinh tế thị trường, tạo dựng một cách giả tạo (simuler) một nền kinh tế đầu gà đít vịt có hình dáng của chủ nghĩa tư bản nhưng thực chất là đi ngược lại triết lý tư bản chủ nghĩa: trách nhiệm cá nhân về vốn liếng của mình. Trò chơi này đã tự phá sản ở Hung 12.

Có người sẽ phản bác rằng trong tương lai, Đảng cộng sản Việt Nam sẽ tư hữu hoá tất cả các xí nghiệp quốc doanh hiện nay. Chuyện đó có thể xảy ra. Hai vấn đề đặt ra: a) tư hữu hoá như thế nào? một cách khôn ngoan, hay bán tống bán tháo cho tư sản đỏ (đã làm giàu bằng tiền của của nhân dân), cho tư bản ngoại quốc? và b) có nên tư hữu hoá toàn bộ, hay nên tập trung vốn nhà nước vào một số lãnh vực và tư hữu hoá những bộ phận khác của nền kinh tế?

Câu hỏi b) trở lại vấn đề vai trò của Nhà nước trong kinh tế; nếu cứ tiếp tục như hiện nay, ta có thể mường tượng được một chế độ ở Việt Nam trong đó Nhà nước chỉ chuyên chế về chính trị, và thả lỏng về kinh tế. Theo ý tôi, với một nền kinh tế như vậy, Việt Nam chỉ có thể là một nước làm đầy tớ cho những nước phát triển khác; nếu bây giờ lại có thêm một hệ thống độc đảng, cấm tất cả những biến chuyển chính trị cần thiết để thay đổi chính sách kinh tế, bàn về sự cất cánh kinh tế ở Việt Nam chỉ là một mơ ước viển vông.

Tóm lại, nhìn từ góc độ kinh tế, ta thấy là, nếu muốn phát triển, nhân dân Việt Nam, trong thời đại ngày nay, phải đòi cái quyền được chỉ định những người thay mình để quản lý kinh tế xã hội. Nhân dân chỉ có thể chấp nhận ký hợp đồng, trong một thời gian nào đó, với một tổ chức chính trị để tổ chức này thực hiện những điều ký kết. Hết hạn, hợp đồng sẽ được ký lại nếu kết quả tốt; nếu không nhân dân chọn người khác, tổ chức chính trị khác. Thực hiện như thế nào cách tuyển chọn này nếu không phải là qua cuộc bầu cử tự do trong đó những ứng cử viên, với tư cách cá nhân hay của một tổ chức chính trị, xã hội, phải có những đề nghị cụ thể về việc quản lý kinh tế xã hội?

3. 

Nhưng: nếu có một chế độ chuyên chính nhưng thông minh có thể đưa kinh tế cất cánh, ta có thể chấp nhận nó không? Câu hỏi hóc búa! Dựa vào thống kê (Chili thời Pinochet, Phi Luật Tân thời Marcos, Việt Nam từ sau 1954 đến bây giờ...), ta thấy, nếu có một vài nước chuyên chế và thông minh, có rất nhiều nước chuyên chế và không thông minh. Có đành phải nói như N. Q. 4: “ Không có chế độ chuyên chính sáng suốt (despotisme éclairé), chỉ có kẻ chuyên chế sáng suốt (despote éclairé). Và một kẻ chuyên chế không sáng suốt chỉ là một kẻ chuyên chế”? Ta có nên xem, trong bối cảnh hiện nay, chuyên chế có phải là phương pháp hữu hiệu nhất để ổn định chính trị?

1) Trước hết có một nhận xét: các chế độ chuyên chế ở các nước chậm phát triển đã được nẩy nở trong một bối cảnh chạm trán kịch liệt giữa hai hệ thống tư tưởng: cộng sản và tư bản chủ nghĩa. Quan trọng hơn là tư tưởng này đã xâm nhập vào cách suy nghĩ của giới tư bản và giới lao động: người tư sản nhìn người công nhân như là một kẻ có tiềm năng làm “cách mạng” để lật đổ giai cấp họ, để “thủ tiêu” họ; ngược lại, người lao động nhìn chủ nhân như là một kẻ “khát máu” chỉ muốn “bòn rút xương máu” của họ. Ổn định chính trị, trong bối cảnh đó, là gì? Ở các nước chuyên chế phía “hữu”, là tìm mọi cách để ngăn chận giới lao động có tiếng nói của mình mà giai cấp tư sản cầm quyền xem như là nguồn gốc của hỗn loạn. Ngược lại, Liên Xô, Đông Âu, Trung Quốc, Việt Nam là những nước chuyên chế phía “tả”, đã ổn định chính trị bằng cách dẹp giai cấp tư sản mà họ xem như là nguồn gốc của hỗn loạn. Hai cái nhìn, hai cách ổn định.

Trong bối cảnh mới – hệ thống cộng sản đã tan rã – nếu nhận xét nêu ra là đúng thì chuyên chế cũng mất đi một cơ sở của sự hiện hữu của nó.

2) Nhưng ở Việt Nam, nếu những nhà cầm quyền vẫn tiếp tục tuyên bố là chế độ hiện nay cần thiết cho việc xây dựng chủ nghĩa xã hội, chống lại chủ nghĩa tư bản quốc tế, họ biết rất rõ là chẳng mấy ai, đặc biệt là chính nhân dân Việt Nam, tin vào những lý lẽ đó. Nhưng có những lý lẽ khác mà những nhà cầm quyền đưa ra, và làm rất nhiều người đồng ý: qua những sự việc xảy ra ở Đông Âu sau năm 1989, đa nguyên chính trị có thể đưa tới hỗn loạn.

Trước hết phải phân tích cơ sở các hỗn loạn; có nhiều loại hỗn loạn: kinh tế, xã hội, chính trị.

i) Trong kinh tế, những vấn đề nan giải của các nước ấy là lạm phát vì sự thực tế hoá giá cả, là tổ chức lại cơ cấu sản xuất (tư hữu hoá như thế nào?), là nạn thất nghiệp, là sự đi xuống trong đời sống kinh tế của một số thành phần xã hội... Nhưng nếu nhìn kỹ hơn sẽ thấy nan giải lớn nhất là làm sao có một chính phủ có sức mạnh qua sự biết cách quản lý kinh tế.

Ở Việt Nam thì thế nào? Nhà nước Việt Nam đã giải quyết được hệ thống giá cả, đã chấp nhận sự hiện hữu của khu vực tư nhân (khu vực này, năm 1991, đã tạo ra 40% tổng sản lượng quốc gia 13). Đó là một thành quả đáng ghi nhận của Nhà nước Việt Nam. Những nan giải khác là những bài toán nhức đầu của những chính quyền khác, nếu có thay đổi, và của chính quyền hiện nay, nếu vẫn tiếp tục hiện hữu.

ii) Rối loạn xã hội:

– đĩ điếm, băng đảng cướp giật, chém giết? Đó là những tệ nạn đi đôi với thất nghiệp, với sự cùng cực của một thành phần xã hội do một nền kinh tế thị trường không có sự điều tiết của Nhà nước tạo dựng lên. Chính quyền nào cũng phải ra sức đối phó.

– tham nhũng, hối lộ, cửa quyền: không hiểu, với những chính quyền khác, những tệ nạn này có thể trầm trọng hơn được nữa không? Chế độ độc đảng hiện nay có khả năng dẹp, và có thực tâm muốn dẹp hay không, được hay không những tệ nạn này? Xin nhắc lại câu viết ở trên: “Có mấy ai muốn cưa cành cây mà mình đang ngồi trên đó?”

– Nhưng có một rối loạn xã hội rất quan trọng là tưởng khinh thị Nhà nước, chống Nhà nước, xem Nhà nước là kẻ bất lực. Như đã nêu trên, tư tưởng này sẽ làm tất cả các chính sách kinh tế trở thành vô hiệu. Nhưng sâu sắc hơn nữa, tư tưởng đó có thể làm nẩy mọc một chế độ toàn trị (totalitaire) (xem Hannah Arendt 14; Đơn Hành trong một bài gửi riêng cho tác giả đã giới thiệu tác giả này và cách phân tích của bà về nguồn gốc và sự vận hành của một chế độ toàn trị). Ta chỉ có thể ghi thêm một nhận xét là nếu 17 năm quản lý vô hiệu quả đã làm người dân mất lòng tin, những lời “thú tội”, những sự “tự đấm ngực” (mea culpa), nói là mình không biết quản lý của Nhà nước, và sau đó vẫn tiếp tục “đấm ngực” nhưng không đổi thay bao nhiêu, những chính sách chính trị không nhất quán, lúc mở, lúc đóng, những sự gian đối chính trị (ví dụ: trại cải tạo) mà Nhà nước phải công nhận, tuy là một cách gián tiếp..., lại càng làm nhân dân thêm ngao ngán.

iii) Rối loạn chính trị: đó là một ẩn số ở Việt Nam. Diễn biến chính trị ở Việt Nam sẽ biểu hiện sự trưởng thành, hay không trưởng thành, của các thành phần chính trị, xã hội ở Việt Nam. Thêm một nhận định: nếu một ngày kia, chế độ ở Việt Nam sẽ thay đổi, do sự biến tướng hay sự sụp đổ của nó, sau sự thay đổi đó, nước Việt Nam vẫn sẽ là một trong những nước nghèo nhất thế giới. Những chủ bài (atouts) mà Nam Triều Tiên đã có trong thời gian chuẩn bị cất cánh kinh tế – viện trợ ồ ạt của phương Tây vì đó là một tiền đồn chống Cộng; sự thịnh vượng của nước Mỹ và phương Tây trong thời kỳ ấy – Việt Nam sẽ không có, vì hệ thống cộng sản đã sụp đổ, vì các nước phương Tây đang “què quặt” về kinh tế và rất ngại sự xâm nhập vào thị trường của họ 6. Lúc đó, người Việt Nam phải tự lo cho đất nước mình, đừng trông đợi quá mức vào sự giúp đỡ bên ngoài. Có nên giành giựt nhau một cái chiếu đã rách quá nhiều hay nên khâu vá nó lại?

Như vậy, các lực lượng, thành phần chính trị có chấp nhận loại bỏ những tác phong thù địch để chung sống và hợp tác với nhau hay không? Các nhà tư sản, các công đoàn, các tổ chức khác của xã hội dân sự (ví dụ: bảo vệ môi trường, bảo vệ những người hưu trí...) có thể đối thoại với nhau hay không? Biến “đấu tranh giai cấp” thành đối dịch - hợp tác (confrontation - coopération) được hay không? Nói một cách văn vẻ, xã hội Việt Nam có thể hoạt động, được hay không, trên cơ sở của những sự đồng thuận (đồng thuận, ở đây, được đúc kết từ những mâu thuẫn, là điểm cân bằng tạm thời giữa những mâu thuẫn ấy; xã hội sẽ luân chuyển từ điểm cân bằng tạm thời này qua điểm cân bằng tạm thời khác, nghĩa là từ đồng thuận này qua đồng thuận khác 15)?

Sau khi đã phân tích, ta có thể thấy là những rối loạn kinh tế xã hội – hiện tại đã có, hay có thể xảy ra trong tương lai ở Việt Nam – là những bài toán cho mọi tổ chức chính trị muốn cầm quyền ở Việt Nam. Riêng về mặt chính trị, sự hiện hữu của chính quyền hiện nay có thể, trong một quãng thời gian nào đó, đem lại sự ổn định. Nhưng, với cách lãnh đạo kinh tế của chính quyền này, với sự không tín nhiệm của người dân đối với chính quyền, sự ổn định này sẽ phải trả giá bằng sự không cất cánh kinh tế. Nếu bây giờ, trong bối cảnh mới – sự đấu tranh quyết liệt giữa hai hệ thống tư tưởng đã biến mất – và với cái may mắn là ở Việt Nam không có nội chiến về dân tộc, ta có nên dùng hay không đồng thuận như là một phương pháp để ổn định chính trị thay vì dùng chuyên chế? Đồng thuận với một đề cương chính trị, kinh tế, xã hội nhất quán sẽ có khả năng thu hút giới tư sản, nhưng quan trọng nhất là chinh phục lòng dân. Sức mạnh của đồng thuận không phải bằng bạo lực mà bằng sự nhất quán giữa lời nói và việc làm, bằng sự tin cậy, thuận lòng của tất cả mọi thành phần xã hội. Và như vậy kinh tế sẽ có khả năng hơn để cất cánh.

4. 

Nghĩ cho cùng, dân chủ và phát triển vừa là những quyền làm người, vừa là những đạo lý làm người, và như Đơn Hành đã nhận định 11 quyền làm người sẽ vô nghĩa nếu không có đạo làm người. Những đạo lý làm người là những gì nếu không phải là:

– tôn trọng nhân dân để nhân dân tự chọn những người thay mặt họ để quản lý kinh tế, xã hội, chính trị; đừng đồng hoá nhân dân với một cá nhân hay một tổ chức chính trị, xã hội nào;

– tôn trọng lẫn nhau, đừng xem những người khác ý kiến mình, không đồng ý với mình, đối lập với mình là những kẻ thù địch tiềm năng, ngược lại nên lắng nghe;

– tự trọng; xin đừng xem mình là cần thiết; biết thắng nhưng cũng biết thua.

Quyền làm người là vấn đề lý. Những phần trình bày ở trên cố gắng đưa ra những lý lẽ để biện hộ cho dân chủ ở Việt Nam. Cãi lý có thể kéo dài vô tận.

Đạo làm người là vấn đề tình. Không thể cãi nhau vì tình, chỉ có thể cảm thông. Ước mong rằng các thành phần xã hội Việt Nam, một ngày nào đó, có thể cảm thông với nhau để sống một cách đồng thuận trên cơ sở những đạo lý vừa được nêu ra. Không hiểu cách ăn ở này có phải là, như người Việt Nam thường hay nói, ăn ở có tình, có lý? Nhưng: tình đi trước lý?

Lê Văn Cường

 

 

1 Stokey, N. and Lucas, R., Recursive Methods in Economic Dynamics, Harvard University Press, London 1989 (khó đọc vì cần có một trình độ toán).

2 Lê Văn Đằng, Đa nguyên và Phát triển kinh tế, trong Dân chủ Đa nguyên, Thông Luận xuất bản, 1991.

3 P eru đình chỉ dân chủ, Thông Luận số 49, 1992.

4 N.Q., La démocratie, pourquoi faire ?, Diễn Đàn Forum, no 3, mai 1992.

5 Nguyễn Ngọc Giao, Dân chủ là điều kiện của phát triển, Diễn Đàn số 8, 5.1992.

6 Britton, J., Le gâchis philippin, Le Monde, 12.5.1992.

7 Lanzaretti, M., La Corée du Sud: une sortie du sous-développement, IEDES Collection Tiers-Monde, PUF, 1992.

8 Chaponnière, J.R., La République de Corée, Notes et Etudes documentaires, La Documentation francraise, 1982.

9 Tôn thất Nguyễn Khắc Thiêm, ổn định và phát triển, Đất Mới, tháng 2.1991.

10a Cao Huy Thuần, Lãnh đạo, Đất Mới, tháng 10.1990.

10b Cao Huy Thuần, Nhà nước quản lý, Đất Mới, tháng 6.1991.

11 Đơn Hành, Lý của mọi nghịch lý, nguồn gốc của mọi sự hỗn loạn, chưa ấn hành.

12 Kornai, J., Socialisme au capitalisme, 1'exemple de la Hongrie, Gallimard, 1990.

13 Vietnam: Digue, Dingue, Dong, Nord-Sud Export, 24.2.1992

14 Arendt, Hannah, Le système totalitaire, Point, Editions du Seuil.

15 Lê Văn Cường, Cân bằng tạm thời và phát triển – Trường hợp Việt Nam, Đoàn Kết, tháng 1.1991.

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
CONFÉRENCE DÉBAT 24/05/2024 19:00 - 23:00 — la Médiathèque JP Melville (Paris 13e)
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss