Bạn đang ở: Trang chủ / Tài liệu / Báo cũ / Số 11 / những vấn đề cơ bản...

những vấn đề cơ bản...

- Hoà Vân — published 02/11/2010 00:05, cập nhật lần cuối 11/12/2010 22:20

Theo dòng thời sự


những vấn đề cơ bản...

Hoà Vân

 

Ngày 19.9 tới đây, quốc hội khoá mới bước vào hoạt động, trong khuôn khổ của bản hiến pháp được đảng cộng sản cho thông qua mùa xuân năm nay.

Một bản hiến pháp bị buộc phải thể chế hoá tiến trình không cưỡng lại được của nền kinh tế đòi phá vỡ những áp đặt chủ quan của bộ máy chính quyền, song vẫn chứa đầy mâu thuẫn: “Kinh tế hàng hoá theo cơ chế thị trường” được chính thức ghi trong văn bản luật pháp tối cao của nhà nước, nhưng lại là một kinh tế thị trường “theo định hướng xã hội chủ nghĩa”, với đảng cộng sản là “lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội”!

Quốc hội mới, được dựng lên với sự kiểm soát chặt chẽ của các tổ chức đảng, sẽ mở đầu kỳ họp thứ nhất của mình trong một bối cảnh kinh tế - xã hội đang “có những chuyển biến tích cực” như đánh giá của hội đồng bộ trưởng cũ cho sáu tháng đầu năm, có đủ sức vượt qua mâu thuẫn đó?

Nhìn từ những con số chính thức, khẳng định về “ những chuyển biến tích cực” không phải là không có cơ sở. Giá cả các mặt hàng thiết yếu ổn định, lạm phát giảm đáng kể, sản xuất lương thực tăng nhanh, sản lượng dầu khí bảo đảm một nguồn ngoại tệ ngày càng cao. Và chỉ trong vài tháng nữa, những nguồn ngoại tệ khác có khả năng đầu tư vào Việt Nam sẽ không còn bị những hạn chế ác liệt của cấm vận Mỹ...

Tóm lại, trái với những kịch bản tai biến (scénario “catastrophe”) từng được đưa ra nơi này, nơi khác, chế độ dường như vẫn trụ vững, vẫn “ổn định”, nếu dùng danh từ đã trở thành quen thuộc này. Những biến loạn không tự động nối tiếp sự sụp đổ của các nước cộng sản Liên Xô và Đông Âu cũ...

Không tranh cãi về thực tế của những hiện tượng “tích cực”, những biểu hiện “ổn định” ấy, một câu hỏi có thể đặt ra: đằng sau những “chuyển biến tích cực” ấy, những “ổn định” ấy có những gì để xây dựng tương lai?

Câu trả lời sẽ tuỳ ở vị trí của mỗi người. Trong sự vắng bóng của một dự phóng tương lai chung, người dân bình thường sẽ xoay xở trong các kẽ hở của sự “ổn định” tương đối ấy để xây dựng cuộc sống riêng của mình. Còn gì hợp lý và chính đáng hơn, hợp với “kinh tế thị trường” hơn? Và khi “chủ nghĩa xã hội” chỉ còn là một ngày mai mơ ước quá xa xôi, những đảng viên các cấp cũng phải xoay xở như dân thường. Với một lợi thế khác, tất nhiên: họ có quyền, và độc quyền.

Toàn bộ vấn đề rút cục xoay chung quanh hai chữ độc quyền ấy.

Lịch sử đã chứng minh quá đủ tác hại của nó và sự bất ổn định căn bản của các chế độ dựa trên đó, ít ra là trong thế kỷ 20 này. Nhưng, không cần đến những luận cứ “xa xôi” ấy, chỉ cần nhìn kỹ hơn vào toàn cảnh bức tranh kinh tế - xã hội hiện nay người ta đã thấy nổi cộm lên nhiều vấn đề gai góc:

– Nạn tham nhũng mà mặt báo này đã nhiều lần đề cập tới với con số kinh hoàng 25 ngàn tỉ đồng tài sản thất thoát trong một năm (hơn 10% tổng thu nhập quốc dân), chưa có dấu hiệu gì cho thấy đã được ngăn chặn hiệu quả.

– Làm sao có thể tin cậy vào các con số chứng minh “sản xuất gia tăng” khi hàng nhập lậu – tất nhiên là với sự đồng loã của bộ máy – tràn ngập thị trường khiến cho nhiều nhà sản xuất phải dẹp tiệm?

Ông Trần Bạch Đằng, nhà nghiên cứu của đảng, trong cuộc phỏng vấn về bầu cử quốc hội của báo Tuổi Trẻ ngày 16.7, kêu gọi “ hãy có luật, hãy thực hiện luật sòng phẳng, trên tất cả các lĩnh vực sinh hoạt.” ; nhưng làm sao sòng phẳng được khi người trọng tài cầm còi (cán cân công lý) cũng là người chơi trên sân?

– Một khía cạnh khác: bao nhiêu triệu người không có công ăn việc làm, khi tài sản của những kẻ có thế quyền được sử dụng vào ăn chơi, hưởng lạc hơn là vào những dự tính tương lai lâu dài? Rồi nạn đĩ điếm, cướp bóc hoành hành, có xa lạ gì với tình trạng kia?

– Và nhất là, làm sao nói chuyện tương lai khi ngân sách dành cho việc kiểm soát dân chúng để bảo vệ chính quyền gấp nhiều lần hơn ngân sách dành cho giáo dục? (Điều khẳng định này có thể bị chính quyền tranh cãi? Xin hãy làm một động tác đơn giản: công bố các ngân sách ấy và để cho những người ngoài đảng, có uy tín trong xã hội được kiểm soát và công nhận giá trị sự chính xác của chúng! Đó chẳng phải là một biểu hiện của dân chủ, dù là “dân chủ có định hướng” hay sao?).

Cũng trong bài phỏng vấn đã dẫn, nhà nghiên cứu Trần Bạch Đằng phát biểu một ý tưởng quan trọng: “Quốc hội không chỉ là kết quả (được cử tri bầu lên) mà còn phải là nguyên nhân (tạo ra những tiền đề dân chủ lành mạnh và phát triển cao hơn)”. Ông nói tiếp: “Hô hào dân chủ vượt quá những mức cụ thể của phát triển kinh tế - văn hoá chỉ gặt hái được sự đổ bể như ta đang chứng kiế n ở Đông Âu. Dân chủ là một hiện th ực động và nên nhớ chúng ta là nước phương Đông còn rất nghèo. Xã hội chấp nhận tiến triển dân chủ hiện nay trên hiện thực này, tr ong điều kiện này, để tạo được sự ổn định phát triển kinh tế và đạt được dân chủ ưu tiên số một là thoát khỏi nạn đói, thoát khỏi sự bần cùng, tạo được cơ sở vật chất cho tương lai.”

Dĩ nhiên, nhận định nói trên về sự “chấp nhận” của xã hội hoàn toàn thuộc trách nhiệm của ông. Chỉ xin mở ngoặc để nói rõ rằng sự “chấp nhận” ấy được bảo đảm bởi một bộ máy an ninh đáng kể, và ngay cả đối với những người trong đảng, nhiều khi quyền phát biểu tự do cũng không được tôn trọng bao nhiêu. Một “vụ án” báo Văn Nghệ, báo Sông Hương, một vụ dẹp câu lạc bộ Kháng chiến, một sự thay đổi nhân sự ở báo Tuổi Trẻ và đoàn thanh niên cộng sản thành phố Hồ Chí Minh – để chỉ kể những ví dụ gần dây –, vẫn có thể xẩy ra bất cứ lúc nào.

Trở lại điểm quan trọng trên kia. Có lẽ chẳng mấy ai mong muốn chi lắm một sự “đổ bể” đầy bất trắc, nhưng cuộc xây dựng mới nào không trải qua ít nhiều đổ bể? Vả chăng, nếu dân chủ đúng là một “hiện thực động” thì “đổ bể” cũng có quá trình của nó và độc quyền chính lại là phương pháp hữu hiệu nhất để thúc đẩy quá trình đó đi mau. Do sự tăng cường áp suất. Và, đứng hàng đầu “ những tiền đề dân chủ lành mạnh” để giảm cái áp suất kia, phải chăng chính là sự tôn trọng những tiếng nói phản kháng? Để những người có tiếng nói đó và gia đình, bè bạn của họ, và rộng ra là để mọi người, có thể sống bình thản, không còn nơm nớp lo sợ bị “an ninh” theo dõi, bắt bớ, làm khó dễ, hầu như với bất cứ nguyên do nào cũng được? Tất nhiên, còn có thể kể ra nhiều điều khác nữa, nhưng vấn đề vẫn cần trở lại là làm sao đầu tư cho tương lai khi người ta chẳng được bảo đảm gì về sự bình yên trong cuộc sống.

Liệu quốc hội vừa được bầu ra này có thể làm được cái nhiệm vụ “tạo ra” các tiền đề đó? Hẳn là có những người chờ đợi điều đó, những người mà cuộc sống cho phép bình thản ngồi chờ. Số đông hơn, trong sự xoay xở chật vật hàng ngày, trong nỗi day dứt âu lo cho tương lai của chính con em mình, sẽ buộc lòng phải đối mặt với rất nhiều điều cụ thể, phải đòi hỏi, đấu tranh. Đấu tranh chưa bao giờ đồng nghĩa với “đập bể”. Song đấu tranh cũng rất nhiều khi là trực diện với bộ máy quyền thế: đòi tự do phát biểu, chống quan liêu, hà hiếp, chống tham nhũng, bóc lột, v.v... Trực diện hay không, những áp suất xã hội chỉ có thể tăng theo thời gian khi những vấn đề cơ bản nhất của cuộc sống, của sự xây dựng đất nước không được giải quyết.

Những áp suất đó có thể sẽ buộc quốc hội tạo ra, dù chỉ là những “tiền đề dân chủ”. Tại sao không?

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
CONFÉRENCE DÉBAT 24/05/2024 19:00 - 23:00 — la Médiathèque JP Melville (Paris 13e)
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss