Bạn đang ở: Trang chủ / Tài liệu / Báo cũ / Số 11 / Phát triển và dân chủ Tác nhân và quá trình

Phát triển và dân chủ Tác nhân và quá trình

- Nguyễn Khắc Thiêm — published 01/11/2010 00:10, cập nhật lần cuối 11/12/2010 22:27

Phát triển và dân chủ
Tác nhân và quá trình


Tôn thất Nguyễn Khắc Thiêm

 

“Chúng tôi không nhắm vào lòng nhân của họ, mà nhắm vào lòng vị kỷ, chúng tôi không đòi hỏi mà chỉ nói về lợi ích của họ” (Adam Smith, Nghiên cứu về bản chất và nguồn gốc sự giàu có của các quốc gia).*

Từ lúc Việt Nam ấp ủ mộng thành rồng, cẩm nang gối đầu là “chuyên chế + kinh tế thị trường + tư bản quốc tế”. Nói cho gọn: kinh tế thị trường được bung ra từ hơn 4 năm nay. Chuyên chế thì Việt Nam đã dạn dày kinh nghiệm. Chỉ còn chờ bang giao quốc tế bình thường hoá và Mỹ bỏ cấm vận mở rộng ngõ cho sự đầu tư của tư bản ngoại quốc là Việt Nam hội đủ điều kiện để cất cánh.

Công thức đó chứng tỏ rằng, đối với giới cầm quyền Việt Nam, phát triển là quá trình phải được tiến hành trước. Dân chủ, do đó, không phải là nền móng của phát triển mà ngược lại. Luận điểm này không phải là không có cơ sở. Nó đã được nhiều học giả phương Tây đưa thành lý thuyết (Dahl, Lipset, Russett...).

Song phải hiểu thế nào về phát triển và dân chủ? Thử định nghĩa gọn để khoanh rõ những trọng tâm: (a) Phát triển là quá trình khai phóng mọi tiềm năng đóng góp cho sự giàu mạnh của đất nước và sự nảy nở toàn diện của con người. (b) Dân chủ là quá trình thiết lập những định chế đối trọng dùng quyền lực ngăn cản quyền lực không cho nó bành trướng đến độ lũng đoạn nhà nước và suy yếu xã hội.

Từ đó vấn đề được đặt ra: cái gì bảo đảm cho bí quyết “chuyên chế + kinh tế thị trường + tư bản quốc tế” có khả năng xúc tiến thật sự quá trình (a) hầu đặt nền móng vững chắc cho quá trình (b)? Nếu bí quyết đó không thể áp dụng thành công ở Việt Nam thì hẳn phải thay chuyên chế bằng dân chủ? Nói cách khác, trong tình hình Việt Nam, phải chăng quá trình (b) chính là điều kiện không thể không có của quá trình (a)?

Nhằm góp ý vào vấn đề này, khởi đầu bài viết thử tìm hiểu về vai trò của nhà nước và của tầng lớp tư sản ở Việt Nam vốn là những tác nhân quan trọng nhất trong cách thức áp dụng công thức trên. Lý do: muốn phát triển, nhà nước và tư sản bản xứ phải có khả năng đảm nhiệm những chức năng không thể thiếu được trong việc hoạch định và điều tiết kinh tế thị trường cũng như trong các mối tương quan với tư bản quốc tế.


1. Nhà nước và tư bản.

 

Trái với một cái nhìn vẫn đang thịnh hành, phát triển không đòi hỏi nhà nước ngày càng tóp lại nhường chỗ cho một thị trường ngày càng phình ra (Etat minimal, marché maximal). Tình hình Đông Âu hiện nay chứng minh rằng nhảy từ cực “Nhà nước toàn trị” sang cực “thị trường thống lĩnh” chỉ là chuyện tránh vỏ dưa gặp vỏ dừa(1). Hoàn cảnh của Chilê, Mêhicô và Thái Lan cũng là những dẫn chứng rõ ràng: chính sách giới hạn tối đa vai trò giám sát của nhà nước và để mặc cho thị trường “tự điều chỉnh”, sau khoảng thời gian tăng trưởng sôi nổi ban đầu, cuối cùng đã không đưa được ba nước này ra khỏi những chu kỳ khủng hoảng và biến động. Ngược lại chính sách trên đã tạo điều kiện cho nền kinh tế bản xứ ngày càng bị chi phối bởi tài phiệt quốc tế (Chilê, Mêhicô) và lũng đoạn bởi tầng lớp mại bản trung gian liên kết với giới cầm quyền nội địa (Thái Lan). Cũng có thể rút thêm kinh nghiệm từ trường hợp Bắc Mỹ và nhiều nước Tây Âu (Anh, Ý, Pháp): đường lối kinh tế “tân tự do” (néo-libéralisme) thu nhỏ vai trò điều tiết của nhà nước và để lôgic lọi nhuận ngắn hạn của thị trường chiếm ngự được áp dụng từ đầu thập niên 80 cho đến nay vẫn không đưa những nước này trở lại quỹ đạo tương đối thăng bằng của việc phát triển kinh tế và xã hội có được trong “30 năm huy hoàng” 1945 - 1973 (2).

Phát triển cần đến một nhà nước có vai trò trọng tài điều giải những mâu thuẫn giữa chính trị và kinh tế, giữa chính quyền và các đoàn thể xã hội, giữa tư bản và lao động nhằm mở rộng quy trình tích tạo tài sản quốc dân (3). Một loại “nhà nước thông minh” biết cách can thiệp hữu hiệu vào hoạt động kinh tế (4) với những dự phóng có cơ sở về việc xây dựng mô hình tương lai của xã hội. Trong trường hợp “4 con rồng châu Á”, ngoại trừ Hồng Kông vốn là nhượng địa, ở Xingapo, Đài Loan và nhất là ở Nam Hàn, nhà nước đã đóng vai trò quan trọng hàng đầu trong việc hướng dẫn các chiến lược phát triển và can thiệp thường xuyên vào khu vực kinh tế thông qua những luật định nhằm điều tiết việc đầu tư, sản xuất và quản lý (5).

Những vai trò này đòi hỏi một nhà nước vững chãi. Và sự vững chãi của nhà nước phải được thể hiện ngay từ lúc ban đầu trong cách thức tích lũy tư bản và quản trị tài nguyên quốc gia vốn là những mấu chốt ấn định tính khả thi và xu thế của quá trình phát triển.

Hiện nay ở Việt Nam, nhà nước đang đóng một vai trò “bản lề” đặc biệt trong những khâu mấu chốt này. Đặc biệt là vì nhà nước không những không tích lũy được cho chính bản thân nhà nước mà còn bị biến thành một bình phong để thông qua đấy những đẳng cấp dựa vào quyền thế bòn rút của cải công cộng và tài nguyên đất nước. Theo số liệu của Tổng thanh tra nhà nước Việt Nam, trong năm 1991, dự thu cho ngân sách nhà nước là 8.630 tỉ đồng trong khi đó chỉ riêng nạn hối mại quyền thế ở các cơ quan nhà nước đã làm thất thoát tài sản công cộng đến hơn 25.000 tỉ đồng (6). Nghĩa là “sức thu” cho vào túi riêng của cửa quyền mạnh gấp ba lần “sức thu” của nhà nước. Ngoài ra, cũng theo một ước tính chính thức, từ 25% đến 30% của 3.000 tỉ đồng chi cho các công trình nhà nước trong thời gian gần đây đã bị mất mát vì nạn tham nhũng và quản lý sơ sót (7). Dữ kiện này cho thấy rõ rằng chính những thành phần của bộ máy cầm quyền đang mượn danh nhà nước để rút ruột nhà nước.

Nhà nước Việt Nam, vì thế, không đảm đang được chức năng của mình trong qui trình tích lũy quốc dân mà chỉ còn là một công cụ trong một qui trình tích lũy hoàn toàn bị chi phối bởi những thế quyền không coi nhà nước ra gì. Tóm lại, không phải chỉ có nhà nước đang bị lũng đoạn mà ngay cả tài sản quốc gia cũng bị lũng đoạn.

Nhìn ở góc độ đó, nhà nước Việt Nam vẫn tiếp tục đóng vai trò khí cụ của một chính sách bao cấp: ngày trước bao cấp để xây dựng một chủ nghĩa xã hội hoang tưởng, ngày nay bao cấp để vô hình trung tạo nên một chủ nghĩa tư bản hoang dại. Có khác nhau chăng chỉ là ở mức độ: trước đây nhà nước vừa bao vốn vừa bù lỗ. Hiện nay trên nguyên tắc chỉ còn cấp vốn, song lại bù lỗ lãi suất cho ngân hàng! Và nếu hiểu vốn theo nghĩa rộng thì bất cứ của cải công cộng nào cũng có thể bị bòn rút thông qua hình thức “mượn đầu heo nấu cháo” (danh nghĩa nhà nước, thực chất tư nhân).

Trong hoàn cảnh đó, nhà nước lộ rõ là đang bị thiếu máu và suy nhược. Hiện tượng nông dân trúng mùa đông xuân vừa qua song lại lỗ nặng là một bằng chứng cụ thể về thực lực kinh tế của nhà nước: để thu mua lúa, phải cần cả ngàn tỉ đồng, nhưng đến cả tháng sau mùa gặt các công ty lương thực (quốc doanh, độc quyền thu mua) mới chỉ được nhà nước cấp 65 tỉ đồng, nghĩa là chưa đến 7% của ngân sách cần thiết(8). Vấn đề vốn liếng của nhà nước còn gay go hơn nữa nếu so thực trạng với những con số chính thức được rút ra từ “chiến lược phát triển”: từ đây đến năm 2.000, nhu cầu vốn đầu tư trực tiếp vào các công trình sản xuất và cơ cấu hạ tầng cần thiết cho việc “cất cánh kinh tế” là khoảng 55-60 tỉ đô la. Song hiện nay tổng số vốn đầu tư xây dựng cơ bản của nhà nước gắng lắm cũng mới đạt 0,5 tỉ đô la mỗi năm (9).

Về cấu trúc cơ chế, nhà nước Việt Nam lại là một nước cồng kềnh bởi những chồng chéo giữa hai bộ máy đảng và chính quyền (10). Giống như một chàng béo phệ nhưng nội tạng lại bại hoại trầm kha vì phải cùng lúc nuôi lấy một guồng máy nhân sự kềnh càng và phục vụ cho một qui trình tích lũy đầu Ngô mình Sở.

Vẫn biết rằng trong việc xây dựng một nền kinh tế thị trường giao lưu với tư bản thế giới thì sự hình thành của tầng lớp tư sản nội địa rất cần thiết. Vì thế nhà nước phải hỗ trợ cho sự vững mạnh của tầng lớp này. Song nếu tư sản bản xứ được hình thành trên cơ sở của sự lũng đoạn tài sản công và sự thâm thủng tài nguyên quốc gia thì quá trình phát triển đất nước đã bị rút ruột rỗng ngay từ đầu. Nói rõ hơn, nếu quá trình tư sản hoá của những đẳng cấp thế quyền được tiến hành song song với quá trình bần cùng hoá nhà nước thì nhà nước đã bị tước đoạt mất vai trò tác nhân của quá trình phát triển (agent du développement) và chỉ còn khả năng trở thành một “nhà nước bù nhìn”!

Nhìn lại diễn trình kinh tế Việt Nam từ hơn 10 năm nay còn có thể ghi nhận thêm một điểm yếu của nhà nước: từ “khoán sản phẩm” đến “cởi trói thị trường” ngang qua “ba lợi ích”, nhà nước Việt Nam đã chưa bao giờ chủ động đi trước tình hình mà chỉ giữ vai trò “hợp thức hoá” những sự việc đã rồi. Nói cách khác, về cung cách quản lý và điều tiết, nhà nước Việt Nam nằm ở thể luôn luôn bị động phải tìm cách “tháo gỡ” bằng cách công nhận sự kiện khi tình hình đã đi vào một tiến trình không sao cưỡng nổi. Trong chiều hướng đó, có thể nói rằng nhà nước Việt Nam là một “nhà nước theo đuôi” (Etat suiviste) chỉ nương theo chiều gió chứ chưa chứng minh được bản lãnh của một “nhà nước hướng dạo” (Etat guide) nghĩa là một nhà nước có khả năng tiên kiến và dự báo chiến lược hầu đảm nhiệm việc vạch đường chỉ lối cần thiết trên đoạn đường đầu tiên đầy khó khăn của quá trình phát triển.


2. Tư sản và chuyên quyền.

 

Cách thức tích lũy tư bản nói trên ảnh hưởng nặng nề đến tính chất của tư sản bản xứ. Trong một bài báo trước, tác giả đã có vài nhận xét sơ bộ (11). Một tác giả khác cũng đã nói rõ thêm (12): Thoát thai chủ yếu từ việc chiếm hữu của công và ăn bám vào kinh tế quốc doanh, nặng về tính cách mại bản đầu cơ, tầng lớp tư sản mới ở Việt Nam chỉ là biểu trưng cho loại “ersatz capitalism” (“tư sản dỏm”), không đủ sức sống và cơ sở để đảm đang vai trò sức bật lịch sử của một giai cấp đầu tàu trong việc phát triển kinh tế. Tại thành phố HCM có 2 ,5 vạn xí nghiệp tư nhân nhưng chỉ có 235 đơn vị có vốn đầu tư trên một trăm triệu đồng (13). Từ đấy mà suy thì rõ ràng sự hình thành của tầng lớp tư sản mới ở Việt Nam đã không tích cực thúc đẩy được việc mở rộng tiến trình đầu tư sản xuất nội địa với một qui mô tầm cỡ mà chỉ tạo điều kiện cho sự bành trướng một thị trường tiêu thụ mẹ đẻ của một nền “kinh tế hào nhoáng” (économie ostentatoire) vốn là đặc tính của những xứ tư bản lệ thuộc cấp thấp.

Thêm một đặc điểm khác của tư sản mới ở Việt Nam: xuất phát không ít từ chính guồng máy cầm quyền (nếu không trực tiếp thì cũng thuộc vào hàng em út, con cháu...), họ biết rất rõ những nhược điểm và kẽ hở của nhà nước nên rất dễ bề khai thác. Một thí dụ điển hình: 80% tổng số hàng hoá buôn lậu hiện nay (giá trị hàng buôn lậu năm 1991 lên đến 240 triệu đô la) là do chính các cơ quan, đơn vị nhà nước thực hiện (14). Nói nôm na, vì “đi guốc trong bụng nhà nước” nên tư sản mới thừa sức lợi dụng và vơ vét. Và oái oăm là chúng càng vơ vét chụp giựt thì nhà nước lại càng rệu rã, mà nhà nước càng rệu rã thì sự chụp giựt lại càng thêm dữ dội, vì sợ rằng khi nhà nước sụp thì mất cơ hội để tiếp tục vơ vét. Hiểm hoạ của đất nước nằm trong cái vòng xoáy trôn ốc quái ác này.

Ở đây, có lẽ cần mở ngoặc để rõ ràng một điểm: “lý lịch” tư sản, khác với nguồn gốc và cách thức cấu tạo của nó, không phải là điều chi hệ trọng. “Tư sản đỏ” hay “Tư sản xanh” gì cũng đều là tư sản. Vấn đề là tư sản phải chu toàn vai trò đòn bẩy của nó trong tiến trình tích tạo tư bản nội địa nhằm góp phần phát triển đất nước. Song tính chất của tầng lớp này đã chứng tỏ rằng nó đào nhiệm ngay từ lúc lọt lòng!

Trong tình huống đó, việc “giữ ổn định chính trị” hiện nay không phải là để nhằm phát triển kinh tế mà thực chất chỉ là phương thức củng cố nền móng cho sự thống lĩnh của một tầng lớp tư sản vốn đã bị tha hoá. Xét cho cùng, đó chính là một loạt “chuyên chế tư sản” trá hình. Nói cách khác, bên trong lớp phấn son của những diễn văn đầy sáo ngữ đao to búa lớn về cách mạng và tiến bộ, nhà nước Việt Nam ngày nay, do sự lũng đoạn của những đẳng cấp tư sản, mang nặng tính chất của một nhà nước tư sản sơ khai đóng vai trò cảnh sát giữ trật tự xã hội cho nền kinh tế thị trường hoang dại mặc sức tung hoành.


3. Tích luỹ và tăng trưởng.

 

Có thể có ý kiến cho rằng những tình hình lũng đoạn và tha hoá nói trên là những hệ quả không tránh khỏi trong thời kỳ ban đầu của tích lũy (accumulation primitive). Ý kiến đó dựa trên nhiều thực tiễn, điển hình là lịch sử hình thành của tư bản ở Tây Âu, được xây dựng trên nền tảng của sự lũng đoạn nhà nước, sự nô dịch các thuộc địa và sự bóc lột tận cùng lao động. Nói cách khác, tư bản hoang dại là chặng đường đầu phải đi cho đến lúc “lượng biến thành chất” thì tầng lớp tư sản sẽ thông minh hơn. Bằng chứng là những “tư sản sáng suốt” (bourgeosie clairvoyante) chỉ bắt đầu xuất hiện ở châu Âu sau một thời gian khoảng 50 năm tích lũy trên máu và nước mắt của người khác, hoặc những tầng lớp tư sản bản xứ ở Xingapo và Nam Hàn cũng đã phải trải qua một thời kỳ hơn 10 năm cấu kết với các thế lực ngoại bang mới củng cố được chất lượng của bản thân.

Ý kiến đó tương tự với luận điểm cho rằng tích lũy nguyên thuỷ (với những hệ quả “man rợ” của nó) tạo điều kiện cho tăng trưởng, đến lượt tăng trưởng thúc đẩy phát triển và rồi phát triển tạo nền móng cho dân chủ. Quá trình phát triển và dân chủ giống như con đường đã vạch sẵn, cứ việc đi hết chặng này sang chặng khác cuối cùng mục đích sẽ đạt đến.

Về cách kết cấu của lý luận thì luận điểm này chẳng khác gì luận điểm của Staline và Mao về tiến trình đi từ xã hội nguyên sơ của loài người đến xã hội cộng sản thiên đường hạ giới. Cứ từng chặng tiến lên. Hẳn vì thế mà có nhiều người trước đây vốn maoít và staliniên nay đâm ra ca ngợi chủ nghĩa kinh tế “tân tự do”. Từ đó có thể nói rằng chủ nghĩa “tân tự do” và chủ nghĩa staliniên và maoít giống nhau một điểm là đều cho con người ăn bánh vẽ: những khổ đau hôm nay chính là nền tảng của một ngày mai ca hát!

Nhưng chính yếu hơn cả là về nội dung thì ý kiến trên đã không phân biệt được một điều cơ bản: sự lũng đoạn nhà nước bởi các thế lực tư sản cầm quyền ở Tây Âu và ở mấy “con rồng châu Á” trong thời gian ban đầu của việc xây dựng tư bản đã không làm suy nhược nhà nước và nhất là không làm suy yếu qui trình tích lũy quốc dân. Trái lại, trong khoảng thời gian đó, nhà nước và tài sản quốc dân ở các xứ này càng lúc càng vững mạnh và phong phú song song với sự trưởng thành về lượng cũng như chất của giai cấp tư sản. Nhờ đó mà tăng trưởng mới tạo được những “hệ quả dây chuyền” (effet d'entrainement) thúc đẩy phát triển. Ở Việt Nam thì nhắc lại là không những Nhà nước bị lũng đoạn mà cả đến thực lực kinh tế của nhà nước cũng như của cải công cộng và tài nguyên đất nước đều bị đục khoét hao mòn. Do đó mà những chỉ số về tăng trưởng có được trong vài năm gần đây sẽ chỉ có những tác động cục bộ chứ khó mà tạo được những xúc tác dây chuyền đặt nền tảng cho phát triển. Rốt cuộc, tích lũy nguyên thuỷ ở Việt Nam giống như đào lỗ chỗ này đắp mô chỗ khác. Với một con đường nhấp nhô chỗ sâu chỗ cao như thế thì rất dễ ngã chổng gọng!

Do đó mà tăng trưởng sẽ không dẫn đến phát triển mà có rất nhiều khả năng đưa đến khủng hoảng: Brazil và Chilê đã có một thời có những chỉ số tăng trưởng được “nâng cấp” vùn vụt để rồi cuối cùng lại rơi vào khủng hoảng. Trường hợp của Thái Lan cũng là một báo động: chỉ số tăng trưởng của Thái từ 1987 đến 1990 là 11% (vào loại cao nhất thế giới), năm 1991 là 8%, song đến năm 1992 thì phát triển đâu chẳng thấy mà chỉ thấy mất ổn định!

Vì thế, nếu không có gì thay đổi cơ bản trong đặc trưng của qui trình tích lũy hiện nay, Việt Nam có rất nhiều khả năng “phát triển” thành một nền kinh tế làm mướn trong đó nhà nước Việt Nam sẽ chỉ là một “nhà nước trợ tá” đại lý cho những quyền lợi của tư bản quốc tế và các đẳng cấp tư sản bản xứ thì sẽ chỉ là những tập đoàn mại bản giữ vai trò chạy giấy! Nói cách khác, với bí quyết “chuyên chế + kinh tế thị trường + tư bản quốc tế”, tương lai của Việt Nam đã được hình dung ngay trong hiện tại của những nước tư bản ngoại vi chậm tiến. Và rồi cuối cùng thì dân chủ cũng sẽ có sau những thời kỳ biến động: đó sẽ là kiểu dân chủ đang thịnh hành ở những nước như Phi Luật Tân, Thái Lan hoặc thậm chí như ở Zaïre!

 

4. Phát triển và dân chủ.

 

Nếu điều vừa nói ở trên đúng với hình ảnh tương lai của Việt Nam thì quả là phát triển đang bị mạo danh và dân chủ có được rồi cũng chỉ là do mạo hoá. Bởi xét cho cùng, nếu một trong hai cái ngay từ lúc đầu đã là “đồ dỏm” thì cuối cùng cả hai đều là “đồ dỏm”.

Từ đó, một kết luận không thể nào né tránh được: trong tình huống Việt Nam, rõ ràng không thể nào có được phát triển nếu không có dân chủ hiểu theo những định nghĩa đã được nêu ra ở đầu bài viết. Quyết tâm xây dựng những cơ cấu chính trị, xã hội trong đó mỗi một công dân có đầy đủ tự do để thực thi quyền hạn của mình chính là điều kiện tiên quyết để hình thành những định chế đối trọng nhằm đẩy lùi những thoái hoá và khởi động một quá trình phát triển nhân bản. Có quyền lực nào có thể ngăn cản được sự bành trướng của những thế lực đang lũng đoạn guồng máy cầm quyền, ngoài quyền lực đến từ bản thân sự tự do chọn lựa của người dân?

Có thể ghi nhận thêm rằng dân chủ do đòi hỏi mà có, do phát định mà thành. Nói thế để thấy rằng quá trình thiết lập dân chủ có hai mặt: nếu phải từ đấu tranh cật lực của quần chúng mới được thì dân chủ có rất nhiều khả năng được sản sinh từ hỗn loạn; song nếu dân chủ được định hình từ pháp chế của nhà nước thì sự lớn mạnh của thể chế dân chủ sẽ diễn tiến trong một trình tự tương đối ít biến động hơn. Thử trình bày điều đó dưới một dạng khác: dân chủ, nhìn từ góc độ công dân là quyền của người dân (gọi gọn là A), nhìn từ góc cạnh nhà nước là một phương thức tổ chức xã hội (gọi gọn là B). Nếu nhà nước biết dùng B để A được thực thi thì không những nhà nước củng cố được thực lực của bản thân mình (sức mạnh của cầm quyền là sức mạnh đến từ đồng thuận của nhân dân được phát biểu trong những thể chế dân chủ) mà xã hội còn được xây dựng trên cơ sở của sự ổn định thật sự, nghĩa là trên nền tảng của những mâu thuẫn được điều giải tạo điều kiện cho việc thúc đẩy một quá trình khai phóng những tiềm năng đóng góp vào việc phát triển đất nước và con người.

Cuối cùng, vấn đề có thể tóm gọn như sau: trong quá trình phát triển, nhà nước Việt Nam đã không đảm đang được chức năng của mình, trong quá trình dân chủ hoá chính trị và xã hội, nếu nhà nước Việt Nam cũng chỉ là một công cụ dùng để giới hạn quyền của công dân thì nhà nước ấy rốt cuộc chỉ là một chướng ngại to lớn trên đường kiến tạo tương lai. Nếu quả thật là thế thì kết quả là sẽ không có con đường nào khác ngoài con đường không chóng thì chầy quần chúng nhân dân bị áp bức sẽ đứng lên đối kháng lại nhà nước.

Thành ngữ dân gian giản dị mà thấm thía: cây nào thì quả ấy. Lịch sử ngày sau đã được sửa soạn ngay từ buổi hôm nay. Nói văn vẻ hơn, hiện nay nhà nước Việt Nam đã ít nhiều ly thân với xã hội. Nếu để tình trạng ly thân dẫn đến tình trạng ly dị thì lúc ấy hậu quả đất nước phải gánh chịu là một thời kỳ xáo trộn ghê gớm mà ở đấy phát triển cũng không có và dân chủ cũng không!

Từ đó, một câu hỏi: Có gì ngăn cản đảng cộng sản Việt Nam – tổ chức “lãnh đạo nhà nước và xã hội”, theo hiến pháp – chủ động và tiên phong đứng lên mở đường cho nhân dân tác tạo một cuộc hôn phối hài hoà giữa nhà nước và xã hội, hầu xây dựng một thể chế dân chủ đặt nền móng cho việc phát triển đích thực của đất nước và của con người Việt Nam? Vâng, có gì ngăn cản nổi lãnh đạo ngoài chính cái bóng của nó? Nghĩa là ngoài những tập đoàn tư sản tha hoá đang dựa vào thế quyền của lãnh đạo và mạo danh phát triển để lũng đoạn nhà nước và băng hoại xã hội? Chẳng lẽ bắt lịch sử quằn quại mấy mươi năm trên muôn vạn máu xương để rồi cuối cùng lại đẻ ra con chuột?!

* Dịch theo bản tiếng Pháp: “Nous ne nous adressons pas à leur humanité mais à leur égoïsme, nous ne leur parlons pas de nos besoins mais de leur intérêt” (Adam Smith, Recherche sur la nature et les causes de la richesse des nations).

 

(1) Bùi Mộng Hùng, Suy tư từ tình hình Đông Âu, Diễn Đàn số 9.

(2) Michel Albert, Capitalisme contre capitalisme, éd. du Seuil, Paris 1991 và Philippe Delmas, le maître des horloges, éd. Odile Jacob, Paris 1991.

(3) Nguyễn Khắc Thiêm, ổn định và phát triển, Đất Mới 2/91.

(4) Lê Văn Cường, Dân chủ và phát triển, cái gì trước cái gì sau?, Diễn Đàn số 10, tháng 7/92.

(5) P. Lorot và T. Schwob, Les nouveaux conquérants, éd. Hatier, Paris 1986 và L es nouveaux pays industrialisés d'Extrême-Orient, La Documentation Française, Paris 11/85.

(6) Tuổi Trẻ 28/9 và 8/10/91. Nhân Dân 19/10/91.

(7) Nhân Dân 10/6/92.

(8) Tuổi Trẻ 19 và 28/3/92.

(9) Nguyễn Công Nghiệp, Vốn – thực trạng, nhu cầu và những giải pháp khai thác từ nội bộ nền kinh tế quốc dân, Nghiên cứu kinh tế 8/91.

(10) Nguyễn Ngọc Hiền, Quốc hội và Hiến Pháp 1992, Diễn Đàn số 9, tháng 6/92.

(11) Ổn định và phát triển, đã dẫn

(12) Nguyễn Ngọc Giao, Dân chủ là ..., Diễn Đàn số 8, tháng 5/92.

(13) Tuổi Trẻ 10/3/92.

(14) Tuổi Trẻ 3/3/92.

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
CONFÉRENCE DÉBAT 24/05/2024 19:00 - 23:00 — la Médiathèque JP Melville (Paris 13e)
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss