Bạn đang ở: Trang chủ / Tài liệu / Báo cũ / Số 13 / Dân tộc và dân chủ...

Dân tộc và dân chủ...

- Bùi Mộng Hùng — published 24/05/2009 01:42, cập nhật lần cuối 24/05/2009 01:42
...Biểu tượng được thiêng liêng hóa, thần thánh hóa. Thành huyền thoại. Thành sức mạnh gắn bó hiện tại vào quá khứ trong đà vươn tới tương lai. Cá nhân mỗi con người bé bỏng đơn côi bỗng nhiên hùng tráng...

 
Dân tộc và dân chủ
Huyền thoại và giá trị

 

Bùi Mộng Hùng

 
Nam quốc sơn hà Nam đế cư. Gần nghìn năm trước, vào thời mà những quốc gia như Pháp, như Anh, lãnh thổ còn chưa rõ nét, ý niệm dân tộc còn mờ nhạt trong tâm khảm con người sống trên đất nước của họ, thì Lý Thường Kiệt khẳng định nước Nam cương vực rành rành, đứng đầu là vua Nam. Gãy gọn, chắc nịch, như dao chém đá.

Những chủ nhân của đất nước ấy nhận cùng chung một nguồn gốc, tự xưng là người Việt. Quốc hiệu Ðại Cồ Việt, Đại Việt... từ buổi xa xưa giành lại được chủ quyền đất nước cho tới ngày nay không ngớt khẳng định vai trò của dân tộc Việt. Ngay buổi ban sơ, xích xiềng nghìn năm đô hộ vừa phá tan, sớm, rất sớm, dân tộc ta đã là một dân tộc - quốc gia (nation - état) có lãnh thổ riêng của mình, có nhà nước đại điện cho chủ quyền của mình.

Chủ quyền, huyền bí và thiêng liêng, của dân tộc được ghi nhận trong sổ sách nhà trời : Tiệt nhiên định phận tại thiên thư. Hiển nhiên là vĩnh hằng. Ngày xưa như ngày nay và sẽ mãi mãi như thế.

Kẻ địch - quân Tống vào năm 1077 ấy - hay bất cứ ai khác, bất cứ vào thời điểm nào, chỉ có thể là chuốc lấy bại vong :

Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm ?
Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư

Một bản tuyên ngôn vỏn vẹn bốn câu, hai mươi tám chữ :

Núi sông Nam Việt vua Nam ở
Vằng vặc sách trời chia xứ sở
Giặc dữ cớ sao phạm đến đây ?
Chúng mày nhất định phải tan vỡ.

(Lê Thước - Nam Trân dịch)

 
Thật ngắn gọn, nhưng trọn vẹn tính cách của ý thức hệ dân tộc chủ nghĩa. Người Việt từ thời ấy ý niệm sâu sắc về dân tộc, một biểu tượng tập thể do cá nhân mỗi người hợp thành. Biểu tượng được thiêng liêng hóa, thần thánh hóa. Thành huyền thoại. Thành sức mạnh gắn bó hiện tại vào quá khứ trong đà vươn tới tương lai. Cá nhân mỗi con người bé bỏng đơn côi bỗng nhiên hùng tráng. Máu chảy trong huyết quản là những giọt máu Âu Cơ, Lạc Long Quân ; ngấm ngầm trong con người là đức tính của tổ tiên, của dân tộc. Mỗi cá nhân là cả quá khứ, cả văn hóa, là cả một tập thể, hiện tại đã qua và sắp tới, cùng chia xẻ với nhau một ý niệm dân tộc.

Một sức mạnh, mãnh liệt khi vào lĩnh vực chính trị. Sức mạnh ấy đã đưa chân dân tộc Việt đi, đi mãi, hướng về Nam đến tận mũi Cà Mau. Nghìn năm đã qua, ý thức dân tộc vẫn hồn nhiên mộc mạc trong thơ văn như buổi ban sơ. Có người đã lầm, cho là ca dao mấy câu thơ Huỳnh Văn Nghệ làm vào khoảng những năm 40 :

Từ thuở mang gươm đi dựng nước
Nghìn năm thương nhớ đất Thăng Long

 
Ý niệm sâu sắc về đặc tính của mình là sức hấp thu vào lòng dân tộc những yếu tố mới lạ gặp gỡ trên dòng lịch sử. Một ví dụ còn chưa xa lắm là cộng đồng Minh Hương, một tập thể giàu cá tính, đã cố tình xác định nguồn gốc của mình bằng tên gọi. Trịnh Hoài Ðức (1765- 1825) là người

Minh Hương, tổ ba đời từ huyện Trường Lạc tỉnh Phúc Kiến chạy loạn Mãn Thanh sang ngụ ở Trấn Biên (Biên Hòa). Ðến thế hệ Hoài Ðức, con mắt hoàn toàn là một người dân đồng bằng sông Cửu Long, tự hào đất nước phì nhiêu, mưa gió phải thì, không hạn hán cơ cầu nhà vua phải đích thân cầu đảo xin trời làm mua (như ở Trung quốc vua Thành Thang đời Thương phải làm lễ cầu đảo ở Tang Lâm) :

Sáng mai lúa trổ tràn đồng ruộng
Đâu phải Tang Lâm đợi mưa về

(Vạn khoảnh minh triêu trình hợp dĩnh, Tang Lâm vô sự đảo kiền tê), (Mỹ Tho dạ vũ, Mưa đêm ở Mỹ Tho, Huỳnh Minh Ðức dịch).

Tâm sự của ông, vào thời buổi loạn lạc, là tâm sự một con dân đất nước đau lòng xót dạ mà thấy đổ máu chiến sĩ anh hùng, thốt tiếng kêu lên với đất trời :

Pha máu anh hùng, sông một nửa
Trời cao mờ mịt biết hay không ?

(Giang lưu bán thị anh hùng huyết, Chân tể minh minh tri bất tri ?) (Thương loạn, Cảm thương cảnh loạn lạc, Nguyễn Khuê dịch)

Trịnh Hoài Ðức ra giúp Nguyễn Ánh. Khi Gia Long lên ngôi, ông đi sứ Trung Hoa (1802-1803) để cầu phong. Trên đường sứ bộ, ông làm mười tám bài thơ chữ nôm, lấy ngôn ngữ dân tộc để tình tự tâm tư của một thần dân Việt Nam với quân vương của mình :

Ngàn dặm ơn sâu lai láng biển
Muôn trùng nghĩa nặng chập chồng non

Ðể nôm na tâm sự nỗi ngong ngóng nhớ nước nhớ nhà :

Vái hỏi xanh xanh kia biết chẳng
Ngày nào về đặng nước nhà xưa ?( 1 )

Từ xưa tới nay dân tộc ta không ngừng hấp thu vào vốn liếng chung những nét văn hiến từ ngoài tới. Tự xưa, dĩ nhiên là văn hóa Trung Hoa suốt nghìn năm đô hộ, mà còn những nét văn hóa Chàm đặc biệt là nhạc và điêu khắc. Vào đến miền Nam, ta biết thừa hưởng từ cách ăn uống đến giống lúa, kỹ thuật làm ruộng đặc thù ở đất đồng bằng sông Cửu Long của người Campuchia, biết đón nhận những những nét văn hóa Triều Châu, Phúc Kiến qua nhiều đợt đi dân người Hoa. Và trong thời gian chịu đô hộ của thực dân Pháp, biết chuyển hóa những yếu tố tây phương vào thơ vào văn làm đổi hẳn bộ mặt văn học, mà phong cách vẫn cứ là phong cách dân tộc. Yếu tố bên ngoài không ngớt thâm nhập xã hội Việt Nam, chúng được hấp thụ, chuyển hóa làm giàu cho nền văn hóa, nhưng nếu bản sắc vẫn được vẹn toàn chính là nhờ tinh thần dân tộc.

Ngày nay biên cương một quốc gia là cái khung quá chật hẹp đối với nền kinh tế thị trường, quá nhỏ bé để thực hiện tối ưu một số kỹ thuật tiên tiến, quan niệm về dân tộc rồi đây có thể đổi thay, đó là những sự kiện cần phải được nhận định và đánh giá đúng mức trong mọi tính toán.

Ðiều đáng lưu tâm là xu hướng phát triển xã hội tư bản hiện nay đang san bằng mọi khác biệt văn hóa, tạo ra một thứ văn hóa vô vị, mờ nhạt, nông cạn. Giữ cho bản sắc của những nền văn hóa bề dày hàng mấy ngàn năm không bị xóa bỏ bởi làn sóng duy lợi nhuận hiện nay coi văn hóa chỉ như một công cụ đẻ ra tiền, để cho nhân loại vẫn cứ muôn màu muôn sắc là giữ cho con người những vốn quý, một mất đi không dễ tìm lại được. Trong công cuộc này tinh thần dân tộc còn giữ một vai trò quan trọng dài lâu.

 
Sẽ lầm to khi cho rằng tinh thần dân tộc chỉ hướng về quá khứ ! Malraux có nói chí lý rằng : " Lý trí tạo ra ý niệm dân tộc, còn sinh ra mãnh lực tình cảm của ý niệm ấy chính là nỗi niềm cùng chung một ước mơ " (2).

Cùng chung một di sản, một hoài bão đó là sức mạnh của một dân tộc. Ta đã thấy sức mạnh ấy là thế nào trong cách mạng 1945. Khi chính quyền được xem như là hiện thân của hoài bão sâu xa nhất của cả dân tộc.

Chí khí ngất trời của nhân dân là sức mạnh tinh thần vô biên. Nhưng đem so lực lượng của hai bên Pháp, Việt thời đó, cứ công tâm mà xét, thì chẳng khác gì lấy trứng chọi đá. Phải nhìn như một người sống vào cái thời 45-46 ấy mới rõ tầm quan trọng của một sự lãnh đạo sáng suốt.

Lần đầu tiên trong lịch sử nước ta, cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc không khuôn mình trong ý thức hệ dân tộc chủ nghĩa hạn hẹp. Như các phong trào chống Pháp trước kia, như khi Nguyễn Huệ đánh quân Thanh, Lê Lợi đuổi quân Minh, Hưng Ðạo Vương Trần Quốc Tuấn dẹp quân Nguyên. Miệt thị người dân nước địch như cầm thú, " ... uốn lưỡi cú diều mà sỉ mắng triều đình, đem thân dê chó mà bắt nạt tể phụ " (3).

Tình thế năm 1946 dầu sôi lửa bỏng là thế, mà chủ tịch Hồ Chí Minh chấp nhận rời đất nước hàng tháng trường, đích thân qua Pháp dự hội nghị : " ... Sang Pháp lần nầy còn là dịp tốt để ... tranh thủ cảm tình của nhân dân Pháp và thế giới " (4). Và quả là suốt chín năm trường kháng chiến chống thực dân, nhân dân Pháp ủng hộ cuộc chiến đấu của nhân dân ta, mỗi ngày mỗi đông hơn ép chính quyền Pháp phải chấm dứt một cuộc chiến tranh phi nghĩa.

Tiếp sau đó đế quốc Hoa Kỳ cương quyết trực tiếp ngăn chặn công cuộc thống nhất đất nước Việt Nam. Một lần nữa lại chênh lệch, chẳng khác châu chấu đá xe. Và thêm một lần nữa, vì nhân dân Mỹ chán ghét không muốn đưa đẩy con em mình vào một cái chết vô nghĩa mà chính quyền Hoa Kỳ buộc phải rút lui mặc dù, khách quan mà nói, còn sức tiếp tục đưa quân vào Ðông Dương. Không, không cứ tinh thần dân tộc là bắt buộc phải kỳ thị, hẹp hòi.

 
Sau bao nhiêu năm máu lửa, mất mát, hy sinh, nghĩ cho cùng người công dân Việt Nam ngày nay cũng có được chút gì khác hơn so với người Việt thời 1945. Một anh bạn, lứa tuổi 17, 18 vào thời buổi ấy, con nhà gia thế đã bỏ tất cả để đi theo cách mạng. Ngày nay, tóc bạc, răng long, ngồi kể lại những năm đi vào kháng chiến, anh bùi ngùi nói rằng : " Thật ra, cậu ạ, là người Việt thì không có quyền lựa chọn ! " Vâng, nghĩ cho cùng, người dân một nước muốn làm người cho ra người thì còn có thể lựa chọn gì, ngoài việc giành lại quyền chính trị đã bị tước đoạt của mình ?

Ngày nay không gian chính trị của người công dân Việt Nam đã được phục hồi. Ít ra là trên nguyên tắc. Anh có quyền lựa chọn hướng đi cho tương lai anh, tương lai đất nước. Anh tự do. Ít nhất là trên giấy tờ. Trong cái không gian chính trị mới này có một điểm từ xưa tới nay chưa hề có trong lịch sử nước Việt Nam. Bị đô hộ, người dân một nước không đứng ngang hàng với người mẫu quốc đã đành, nhưng trước kia đuổi ngoại xâm xong, dưới chế độ quân chủ, người dân cũng chỉ được quyền quy phục quân vương. Trong không gian chính trị mới giành lại được, trên nguyên tắc, mọi công dân Việt Nam đều bình đẳng. Bình đẳng vì tự do ngang nhau, và tự do vì bình đẳng, không ai được quyền phạm đến tự do của người khác.

 
Biểu hiện của tự do là gì nếu không là khả năng hành động, trong nghĩa khả năng thực thụ quyết định diễn biến của xã hội, của đời mình (5) ? Và, tiên quyết trong việc này là chọn lựa giá trị cho xã hội, cho cá nhân mỗi người.

Anh bạn Ðặng Tiến đã hoàn toàn có lý khi đặt vấn đề dân tộc và dân chủ (6) vào đúng thời điểm mà dân tộc phải chọn lựa những giá trị cơ bản cho đoạn đường trước mắt.

Ðoạn đường giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước đã đi qua. Những giá trị khả kính mà hiệu năng đã được chứng minh trong các giai đoạn đã qua còn đáng được rập theo trong giai đoạn trước mắt hay chăng, giải đáp vấn đề tối ư quan trọng này phải do nhân dân Việt Nam tự do quyết định.

Trong tình hình hiện nay lấp liếm đánh đồng tương lai với quá khứ chỉ là hành vi của những nhóm đã cạn hết ý không đề ra nổi một dự phóng xây dựng xã hội xứng đáng với dân tộc. Trong thực chất là một ý đồ cả vú lấp miệng em để tước quyền tự do mà dân tộc ta đã trên ba mươi năm xương máu hy sinh mới giành lại được.

Cũng như việc chính quyền hiện nay thiết lập chế độ độc đảng, mặc nhiên thể chế hóa hai loại công dân, công dân đảng viên quyền chính trị cao hơn công dân phó thướng dân. Mà đã xóa bình đẳng là tước mất tự do. Chính vì thế mà thể chế sơ hở, kỷ cương lỏng lẻo không tôn trọng tự do của người công dân. Và mở của cho nguy cơ mọi thứ độc tài dấy lên.

 
Nhìn vào lịch sử cận đại, nhan nhản ví dụ những nhóm cùng sống trong một quốc gia, đều là nhân danh dân tộc chủ nghĩa, lựa chọn những giá trị đối lập với nhau. Riêng tại một nước Pháp, vào cuối thế kỷ thứ 19 đã cùng nở rộ những thứ dân tộc chủ nghĩa dân chủ và tự do tư tuởng cùng với dân tộc chủ nghĩa chuộng uy quyền, chống chế độ đại nghị, dân tộc chủ nghĩa bảo thủ về mặt xã hội song song với dân tộc chủ nghĩa phủ nhận xã hội hiện hành, có dân tộc chủ nghĩa tự mãn tự đại và có dân tộc chủ nghĩa khắc khoải lo âu, có dân tộc chủ nghĩa chủ trương tuân theo tôn giáo cổ truyền và có dân tộc chủ nghĩa đòi thế tục hóa, bài tăng lữ ...

Những giá trị có thể chọn lựa thật quá nhiều.

 
Dân chủ là một trong những giá trị đó. Có thể nhìn một cách rất giản đơn : dân chủ là quyền lựa chọn người thay mặt mình quản lý đời sống hàng ngày trong làng mạc, trong phường xóm, v.v... Nếu việc làm và lời nói của người đó không đi đôi với nhau thì có quyền chọn người khác thay. Và

cũng có thể nhìn như những giá trị cao đẹp phải vươn tới như tự do và bình đẳng, thể hiện trong đời sống giữa người và người, tôn trọng lẫn nhau, giải quyết tranh chấp bằng thảo luận để đi đến giải pháp mỗi bên đều chấp thuận, tinh thần đó thể hiện ra kỷ cương, thể chế, luật pháp.

Nhìn như thế thì dân chủ là một quá trình dài hơi, mỗi ngày mỗi dẹp bớt những điều trong xã hội còn thấy chưa được vừa lòng, từng bước tiến tới một xã hội tự do công bằng lý tuởng. Quá trình ấy không một ai ban bố được vì là công trình của mọi công dân, thực hiện trong các khía cạnh đời sống hằng ngày, đòi hỏi thể hiện thành chế độ, thể chế thích hợp. Một công cuộc xây dựng không ngừng.

Giá trị dân chủ là những giá trị xuất hiện từ khi có con người tự do. Của những ai mong muốn tạo một không gian chính trị trong đó con người được tự do bình đẳng với nhau.

Tự do đã được ghi ngay sau chữ độc lập trong mục tiêu nêu ra từ ngày đầu cách mạng giải phóng dân tộc. Ðộc lập, thống nhất rồi, còn tự do. Nếu trung thành với lý tuởng của các thế hệ đã hy sinh xương máu, và trung thành với lý tuởng của bản thân mình, thì e rằng người công dân Việt Nam ngày hôm nay sau này cũng có ngày gãi gãi mái đầu bạc tâm sự với em cháu : " Thật ra, cậu ạ, là người Việt thì không có quyền lựa chọn ! "

Vì chỉ có một hướng đi duy nhất : những ai yêu tự do, bình đẳng, công bằng xã hội nắm lấy tay nhau, cùng tiến.

 
B.M.H. (10.92)

 

 

(1) Thơ Trịnh Hoài Ðức đều trích từ Văn học Nam hà , Nguyễn Văn Sâm. Lửa Thiêng 1974.

(2) "L’esprit donne l'idée d’une nation, mais ce qui fait sa force sentimentale, c’est la communauté de rêve" Malraux, La tentation de l’Occident, 1926.

(3) trích dịch Trần Quốc Tuấn, Hịch tướng sĩ.

(4) Thế Kỷ - Minh San, Vị thượng khách đến Paris về Hà Nội, tập truyện ký ghi lời kể của nhiều cán bộ đã sống gần và làm việc với chủ tịch Hồ Chí Minh trong nhũng năm 1946 - 47 , Nhà xuất bản tổng hợp Quảng Ngãi 1991.

(5) Trần Ðạo, Dân chủ, ước mơ và hiện thực, Diễn Ðàn số 13, 1.11.92.

(6) Ðặng Tiến, Dân tộc và dân chủ, Diễn Ðàn số 11, 1.9.92.

Các thao tác trên Tài liệu

được sắp xếp dưới: Bùi Mộng Hùng
Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
CONFÉRENCE DÉBAT 24/05/2024 19:00 - 23:00 — la Médiathèque JP Melville (Paris 13e)
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss