Bạn đang ở: Trang chủ / Tài liệu / Báo cũ / Số 13 / Tác giả trả lời

Tác giả trả lời

- Nguyễn Ngọc Lan — published 08/11/2010 00:00, cập nhật lần cuối 25/12/2010 21:39

Đọc: “Nhật ký Nguyễn-Ngọc-Lan”


Tác giả trả lời

 

Cuối cùng rồi cũng có người đưa đến cho một bản sao ảnh bài Đặng-Tiến đăng trên Diễn Đàn số 6 (3.1992), “Đọc Nhật ký Nguyễn-Ngọc-Lan”.

Đúng là Đặng-Tiến viết trên Diễn Đàn không như Đặng Tiến nói trên đài RFI, trước đó. Hay nói đúng hơn: như mà không như. Trên đài RFI đã chỉ có hai phần ba bài báo. Trên báo Diễn Đàn, còn có thêm phần cuối châm chích, đâm thọc. Có thêm cái đuôi rết.

Được châm chích, đâm thọc là chuyện bình thường. Nhất là khi đã lỡ mang vào thân cái nghiệp viết lách không mấy giống ai như mình. Bị hơn cả châm chích, đâm thọc còn được nữa là. Chỉ không bình thường và đáng nói là Đặng-Tiến RFI tuyệt nhiên không châm chích, đâm thọc còn Đặng-Tiến Diễn Đàn lại đâm thọc, châm chích. Trừ phi vẫn cứ là chuyện bình thường, và bình thường từ ngàn xưa, khi cây cam trồng đất kia thì sinh trái ngọt lịm mà đem trồng đất nọ lại sinh trái dở ngọt dở chua.

Đặng-Tiến đã tiếc rẻ những cảm nghĩ bộc trực, “tự phát” ban đầu của mình nên phải viết thêm cho đủ mặt nọ, mặt kia, cho “quân bình”, cho đúng sách hơn chăng? Hay đây là chuyện nhập gia tuỳ tục, đáo giang tuỳ khúc? Nhập gia tuỳ tục thì đã rõ. Nghe Đặng-Tiến nói trên đài RFI mấy ai mà không ngỡ như mình rằng ông là dân gốc Bắc nhưng rồi mới được biết ông là người đồng hương của cụ Phan-Châu-Trinh, cụ Huỳnh-Thúc-Kháng, vị phu nhân mới là người Bắc Hà. Còn đáo giang tuỳ khúc? Đầu, bụng hợp với Tin Nhà khi tác giả phát biểu trong một chương trình của RFI chủ yếu đã được dành cho nhưng anh em chủ trương tờ Tin Nhà. Cái đuôi xứng với Diễn Đàn khi tác già đăng bài trên tờ Diễn Đàn. Chú thích 2 được ghi rõ là “chú thích của toà soạn”, với nội dung của nó, đã vô tình tô đậm nét “Diễn Đàn, marque déposée” cho cái đuôi kia.

Cách Diễn Dàn 1992 đăng bài về Nhật ký NNL kia cũng tương tự như cách Đoàn Kết 1988 đã trích đăng “Nói chuyện tử đạo với ông Nguyễn-Khắc-Viện” của NNL. Chẳng đặng đừng bèn cứ phải gỡ gạc. 1992: cái đuôi rết và “chú thích của toà soạn”. 1988: một cái “chapeau” ... chụp mũ “đả kích cá nhân” cho một phó thường dân đơn thương độc mã đáp lễ một nhân vật của chế độ đã cùng với cả bộ máy tuyên truyền Nhà nước đào mồ bới mả tổ tiên tinh thần của cả một thành phần dân tộc. Chapeau! Thế mới rõ Diễn Đàn tiếng là Đoàn Kết ly khai nhưng thật ra chỉ là Đoàn Kết... ra riêng. Không là Đoàn Kết mà vẫn là Đoàn kết, Đoàn kết, Đạt Đoàn kết. Làm sao họ tha thứ được cho cái tội đã dám cãi lại ông Nguyễn-Khắc-Viện, bậc tiền bối thần tượng của họ? Mấy chục năm trời, kể cả sau Đại hội XX của ĐCSLX, có bao giờ ông Nguyễn-Khắc-Viện đã dám cãi lại ông Staline?

Điều không kém ý nghĩa và lý thú là bài đăng trên Diễn Đàn nếu có mọc thêm cái đuôi... Diễn Đàn thì cũng có hai chỗ được “tự ý đục bỏ” (ĐT hay DĐ “tự ý”?):

Khi trên Diễn Dàn người ta chỉ được đọc: “tiềm năng (của dân tộc) có thể phát triển, hay bị thui chột, mỗi chúng ta, cha mẹ hay chú bác đều ít nhiều có trách nhiệm” thì trước đó, trên đài RFI, “mỗi chúng ta, lại đã có quyền được nghe thêm: “dĩ nhiên trách nhiệm nặng nhất vẫn thuộc về xã hội và những người lãnh đạo xã hội, những người dành độc quyền lãnh đạo xã hội.” Như vậy Diễn Đàn là của “mọi người chúng ta” hay là của “những người dành độc quyền lãnh đạo xã hội”?

Khi trên Diễn Đàn, Đặng-Tiến chỉ còn viết: “dĩ nhiên là một lối chơi chữ độc ác đối với một cá nhân đồng đạo, nhưng cốt ý nhắm vào căn bệnh xu thời vị lợi, xã hội nào cũng có, nhưng đặc biệt nảy nở trong một xã hội chuyên chế thối nát” thì trước đó, trên đài RFI, ông đã có thể nói rõ hơn: “nhưng cốt ý không phải nhắm vào cá nhân mà ông nhắm vào căn bệnh, v.v...” Nói như vậy chẳng hoá ra là nói ngược với truyền thống của Diễn Đàn, khi trong kiếp trước, Đoàn Kết đã từng phán quyết rằng NNL can tội “đả kích cá nhân”? Không được. Quả là Diễn Đàn Đoàn Kết tuy hai mà một, hay “nhẹ nhàng” hơn mà nói, như Đặng-Tiến – chỉ trên Diễn Đàn – đã dạy cho thiên hạ nói theo Marguerite Duras: Thật đúng là “ Những kẻ nghiện rượu, khi bị cấm rượu, vẫn là những người nghiện thôi uống rượu”.

Của đáng tội. Ở đầu và bụng bài báo, so với bài nói trên đài RFI, Đặng-Tiến đã có thêm hai câu, một ở cuối đoạn đầu, một ở đầu đoạn ba: “Trọng tâm trong tư tưởng của Nguyễn-Ngọc-Lan là: sống sâu sắc tinh thần Phúc Âm trong lòng dân tộc, và trong tương quan với một thế giới đang thay đổi rất nhanh”. Và: “là một công dân có trách nhiệm về ý thức của mình và có ý thức về trách nhiệm”.

Xét cho cùng, nếu bài nói trên đài RFI là “franchement positif” thì bài viết trên Diễn Đàn vẫn đáng kể là “globalement positif”, để nói theo không phải Marguerite Duras mà đồng chí Georges Marchais về cái bilan chế độ xhcn LX đời xưa.

Cho nên mình chỉ đâm muốn tâm sự với Đặng-Tiến – đồng đạo, người đã từng được tiếng trong giới sinh viên Sài-Gòn thời ông còn đi học là một “jéciste” năng nổ, nhiệt thành: “Phải cám ơn anh đã hiểu tôi hay quá khen tôi qua những lời lẽ đã được viết thêm như thế. Cám ơn anh vì những gì đã được anh nói lên trên đài RFI cũng như vẫn còn được giữ lại ở đầu và bụng bài đăng trên Diễn Đàn: hình như bên Tây người ta vẫn bảo nhau: những cảm nghĩ đầu tiên là những cảm nghĩ chân thực nhất, thì phải. Đầu chúng ta không nghĩ khác nhau lắm. Bụng chúng ta cũng gần như nhau. Nhất là với Chúa Kitô trên đầu và trong bụng. Riêng phần đuôi, tuy Tây họ gọi là “sot-l’y-laisse” và ta cũng bảo là “nhất...”, xin chịu dại để dành cả cho báo Diễn Đàn giữ lại mà lo phần hậu tạ anh. Có gì còn cần nói lại cho rõ hơn, cho phải đạo hơn thì Triệu Minh, người tôi chưa được hân hạnh quen biết, đã viết khá đầy đủ trên Quê Mẹ số 121, 5 và 6 1992, hai tháng sau Diễn Đàn. Tiện thể xin anh cho tôi gửi lời cám ơn Triệu Minh”.

(Để công bình hẳn cần phải thêm: Bài đăng trên Quê Mẹ có “khều nhẹ” nhà xuất bản Tin với cái ghi chú đóng ngoặc: “Không ghi địa chỉ”. Bù lại, bài đăng trên Diễn Đàn lại dành ghi chú 1 để mách hộ nhà xuất bản giá bán, các nhà sách có bày bán Nhật ký, và cả địa chỉ liên lạc với... nhà xuất bản Tin!).


Nguyễn-Ngọc-Lan

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
CONFÉRENCE DÉBAT 24/05/2024 19:00 - 23:00 — la Médiathèque JP Melville (Paris 13e)
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss