Bạn đang ở: Trang chủ / Tài liệu / Báo cũ / Số 15 / Về trung tâm đại học Thăng Long

Về trung tâm đại học Thăng Long

- Bùi Trọng Liễu — published 10/12/2010 00:10, cập nhật lần cuối 07/01/2011 12:10
Người cộng tác: Diễn Đàn (pv)

Hỏi đáp

Về trung tâm đại học
Thăng Long

 

Cuối năm học vừa qua, khoá sinh viên Trung tâm Đại học Thăng Long đầu tiên đã tốt nghiệp sau 3 năm học, một số sinh viên đã có công việc làm tốt, số còn lại (mặc dù được một số nơi, cơ quan nhà nước hay tư doanh, đề nghị chỗ làm) tiếp tục học năm thứ tư. Nhân dịp này, Diễn Đàn đặt một số câu hỏi với anh Bùi Trọng Liễu, giáo sư đại học Paris, chủ tịch hội AUFV, về ý nghĩa việc hỗ trợ cho TTĐH Thăng Long từ ngày thành lập cho đến nay, cũng như về việc AUFV chấm dứt đợt quyên góp tài trợ.

 

Diễn Đàn: Là người có liên quan mật thiết 1 đến việc thành lập TTĐH Thăng Long, xin anh cho biết ý nghĩa cũng như kết quả của trường sau hơn 3 năm hoạt động.

Bùi Trọng Liễu: Việc thành lập TTĐH Thăng Long năm 1989 có ý nghĩa về nhiều mặt. Vào thời điểm đó, việc thành lập một đại học “dân lập”, mang tên “Thăng Long”, (với việc tuyển sinh hoàn toàn theo hồ sơ khoa học, việc bỏ lý lịch, việc sử dụng đội ngũ giảng dạy theo sự lựa chọn theo tài năng, việc lập chương trình đào tạo phù hợp với trình độ quốc tế, việc dám thải những sinh viên lười và không đạt trình độ, việc chủ trương phát “bằng cấp có tên” và từng chặng, việc tự quản lấy ngân quỹ...) rõ ràng đã góp phần vào việc “đổi mới” và khởi xướng phục hưng lại trí tuệ ở Việt Nam... Tôi đã có dịp phát biểu những điều này 2.

Diễn Đàn: Anh vừa nói tới vấn đề “bằng cấp có tên”. Có ý cho rằng ở một vài nước lớn xã hội chủ nghĩa trước đây, vì nhà cầm quyền e ngại những người trí thức, đồng thời cũng biết là cần họ như những chuyên gia kỹ thuật, cho nên tổ chức việc học tuột một mạch, rồi cấp một chứng chỉ tốt nghiệp đại học, chứ không phát “bằng cấp có tên” (na ná như kiểu không có quân hàm ở Trung Quốc trong thời cách mạng văn hoá). Ý anh thế nào trong việc này?

Bùi Trọng Liễu: Về nguyên nhân, xin để các sử gia sau này đánh giá. Về phần tôi, tôi nghĩ là ở Việt Nam, có lẽ là chỉ áp dụng một mô hình đã có ở nơi khác, chứ không phải là chủ ý. Một bằng chứng là tháng 4.1975, khi tôi “điều trần” với thủ tướng Phạm Văn Đồng về việc lập lại học vị (tiến sĩ) và học hàm (giáo sư đại học) thì việc này được hội đồng chính phủ chấp nhận nguyên tắc một cách tự nhiên. Nhưng việc phát “bằng cấp có tên” ở cấp thấp hơn, thí dụ như nay gọi là “cử nhân cao đẳng” (cho sinh viên tốt nghiệp năm thứ 3 đại học), gọi là “cử nhân” (cho sinh viên tốt nghiệp năm thứ tư đại học), v.v... thì phải đến khi thành lập TTĐH Thăng Long mới nêu ra được. Tôi xin không bàn luận về các tên gọi bằng cấp có hợp lý hay không (việc này do Bộ giáo dục và đào tạo lựa chọn và quyết định), mà xin lưu ý một điểm: trên nguyên tắc bằng cấp đánh giá sự hiểu biết của người có bằng, nó cho phép người có bằng được quyền sử dụng bằng cấp của mình theo như luật lệ hiện hành, kể cả trong việc tìm công ăn việc làm, chứ không phải hoàn toàn phụ thuộc vào sự tuỳ tiện của bộ máy cầm quyền chính trị. (Đa số người Việt thích khoe tổ tiên; chiều theo ý ấy) tôi xin kể một câu chuyện xưa để minh hoạ cho rõ:

Ông Vũ Duy Đoán, đỗ hội nguyên tiến sĩ năm 1664, làm quan đến thượng thư thời chúa Trịnh Tạc. Vào một dịp trái ý, chúa sai bãi chức đuổi về, và sai đòi lại sắc mệnh. Ông trả lại tất cả, duy còn một đạo sắc “khoa tự” (là đạo sắc ban cho lúc thi đỗ), viên quan phụng sai đòi mãi, ông nhất định không trả, nói rằng: “Các đạo sắc kia, chúa ban cho, tôi đã trả lại; còn đạo sắc ‘khoa tự” là do tài học của tôi làm nên, tôi không nộp”. Viên quan phụng sai không dám cưỡng đòi 3.

Diễn Đàn: Và việc bỏ lý lịch trong việc học?

Bùi Trọng Liễu: Tự do học hành là một mong muốn của mọi gia đình người Việt Nam từ thuở xưa đến ngày nay. Mỗi lần có ngăn cấm là có tai hại cho đất nước. Xin nhắc lại chuyện Đào Duy Từ, mà tôi đã có dịp viết tới cách đây 7 năm, lúc đó có người cho là ám chỉ, cũng không sai 4:

Ông Đào Duy Từ (1572-1634) quê ở Đàng ngoài, thông minh, học rộng nhưng vì gia đình làm nghề hát xướng nên không được đi thi. Phẫn chí về luật lệ khắt khe, có tài mà không được dùng, ông bèn bỏ quê, trốn vào Đàng trong. Được chúa Nguyễn trọng dụng, ông đã bày mưu tính kế, luyện quân tuyển tướng, đắp luỹ Trường Dục và Nhật Lệ ngăn đường Nam tiến của chúa Trịnh, sau được coi là công thần khai quốc ở Đàng trong. Có thuyết cho rằng sau khi ông bỏ đi, chúa Trịnh ân hận, cho người vào Đàng trong dụ ông trở về, nhưng ông từ chối. Theo thuyết ấy, mấy câu thơ dưới đây là của ông, ngụ ý trả lời chúa Trịnh:

[...] Nụ tầm x uân nở ra xanh biếc,
Em có chồng rồi, anh tiếc lắm thay!
– Tiếc gì một mớ trầu cay,
Sao anh chẳng hỏi những ngày còn không?
Bây giờ em đã có chồng
[...] .

Dù cho khi nhà nước chưa đủ phương tiện để trợ cấp, nguyên tắc tự do học hành vẫn cần phải được bảo đảm. Tôi muốn nhắc lại chuyện ông Bùi Xương Trạch thuở xưa 3: ông lúc trẻ nhà nghèo, theo việc cấy cầy, lại chăm học, mang sách vừa bừa vừa học, đêm bắt đom đóm đựng vào túi để soi sách học. Vì thế, việc làm ruộng không bỏ mà sức học ngày càng tiến. Năm 28 tuổi, ông đi thi một lần đỗ ngay tiến sĩ (năm 1478). Hôm treo bảng, ông còn cày ở ruộng, người thời đó cho thế là hay. Sau ông giúp vua Lê Thánh tông, lập nhiều công lao.

Phải nói rằng phong kiến thuở xưa, trừ một vài trường hợp đặc biệt, dù sao cũng biết tôn trọng một số giá trị. TTĐH Thăng Long đã góp phần phục hồi những giá trị đó.

Diễn Đàn: Nếu kết quả đạt được như vậy, tại sao hội AUFV lại chấm dứt đợt quyên góp hỗ trợ Thăng Long ?

Bùi Trọng Liễu: Lẽ dĩ nhiên, việc thực hiện được TTĐH Thăng Long là công lao của các anh chị chủ trì trong nước. Đồng thời, phải nói rằng: những kết quả kể trên, đạt được trong một bối cảnh phức tạp, chứng tỏ sự thức thời và thiện chí của nhà cầm quyền trong giai đoạn vừa qua. Nhưng cũng không thể quên sự đóng góp của người ở ngoài nước, của các bác các anh chị ân nhân, cũng như sự hỗ trợ của một số ONG, do hội AUFV chúng tôi giới thiệu và làm trung gian. Đối với các tổ chức này, chúng tôi có một nguyên tắc: sau một thời gian làm trung gian, mà sự có mặt của chúng tôi được coi như một bảo đảm, chúng tôi lui ra để cho họ trực tiếp quan hệ với Thăng Long. Đối với các bác các anh chị tài trợ với tư cách cá nhân (tuy ít người nhưng bền bỉ, đầy tín nghĩa và nhiệt tình), chúng tôi đã có lời giao ước từ lúc đầu: đó là xin sự trợ giúp cho đến lúc khoá sinh viên đầu tiên tốt nghiệp năm thứ 3. Lời giao ước này đã được thực hiện.

Nhưng cũng còn lý do khác: Mấy năm qua là “ giai đoạn lịch sử” của TTĐH Thăng Long, giai đoạn mà sau này, nếu người Việt Nam còn trí nhớ, có thể ví với Trường Đông Kinh nghĩa thục hồi đầu thế kỉ trong việc đổi mới học hành. Đó cũng là giai đoạn của những đóng góp hỗ trợ vô tư (mécénat + bénévolat). Nhưng một cơ sở giáo dục đào tạo không thể mãi mãi sinh hoạt dưới dạng đó. Vai trò thí điểm, tiền phong, có kết quả tốt, đã được công nhận, và một số kinh nghiệm đã được đem ra áp dụng ở các trường nhà nước. Đã sang một giai đoạn mới, giai đoạn của sự tài trợ của nhà nước (nếu nhà nước muốn đóng vai trò tương tự như ở những nước đã phát triển) giai đoạn của việc tìm những tài trợ dưới dạng khác ( sponsoring 5...). Mong sao giữ được con đường đi cho đúng, đừng bị rơi vào sự phụ thuộc những quyền lợi không chính đáng, trong giai đoạn mới, đầy cám dỗ này. Nhưng đó là lĩnh vực và trách nhiệm của người trong nước.

Đối với các ân nhân của trường trong các năm vừa qua chúng tôi xin tỏ lời biết ơn và xin chào từ biệt. Biết đâu lại có ngày tái ngộ trên một công trình giáo dục hay văn hoá ở Việt Nam trong tương lai.


Tháng 11.1992
Bùi Trọng Liễu

 

1 Nói chính xác hơn, là người khơi ý thành lập TTDH Thăng Long. Xem Hàm Châu: Nhân Dân Chủ Nhật số 3 ngày 26.2.1989 (bài một tin vui trong giáo dục) và Sàigòn Giải Phóng, xuân 1989 (bài lớp đại học dân lập đầu tiên).

2 Diễn Đàn số 6 (3.1992): Đã 3 năm TTĐH Thăng Long.

3 Lịch triều hiến chương loại chí (nhân vật chí) của Phan Huy Chú, Nxb Sử học, Hà Nội 1960.

4 Đoàn Kết số 384, 1986, bài anecdoctes autour des diplômes dans le Vietnam ancien.

5 Theo nghĩa hình thức tài trợ trong đó người cho tiền được hưởng sự quảng cáo qua những thành tựu của công việc làm của người nhận tiền.

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
CONFÉRENCE DÉBAT 24/05/2024 19:00 - 23:00 — la Médiathèque JP Melville (Paris 13e)
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss