Bạn đang ở: Trang chủ / Tài liệu / Báo cũ / Số 17 / Quan hệ Việt-Pháp

Quan hệ Việt-Pháp

- Nguyễn Ngọc Giao — published 18/12/2010 00:00, cập nhật lần cuối 14/01/2011 10:47

Tổng thống Pháp Mitterrand đi thăm Việt Nam


Chương sử mới trong quan hệ Việt-Pháp:
màu mực và khổ giấy


Nguyễn Ngọc Giao

 

Báo chí và đài truyền thanh truyền hình hàng ngày của Pháp đã thông tin khá nhiều về chuyến đi thăm chính thức từ ngày 9 đến 11 tháng 2.1993 của tổng thống François Mitterrand. Bữa tiệc chính thức tại phủ chủ tịch, đánh dấu cuộc tái ngộ / hoà giải hoàn toàn, cuộc đi thăm Văn Miếu, những cái bắt tay giữa Hàng Đào, Hàng Bông Hà Nội, chuyến hành hương tưởng niệm trước lòng chảo Điện Biên, cuộc dạo bộ ở đại lộ Nguyễn Huệ và đường Đồng Khởi Sài Gòn...

Vì nhiều lý do, hình ảnh Việt Nam khắc sâu trong tâm khảm tập thể của người Pháp, cho nên tất nhiên chuyến công du của tổng thống Pháp, một sử kiện trong quan hệ Pháp-Việt một tháng trước cuộc bầu cử quốc hội, cũng lại trở thành một événement franco-français, một sự kiện chính trị của nội bộ nước Pháp, món đặc sản cũng nổi tiếng như nước hoa, phó mát và rượu nho.

Dưới đây, chúng tôi xin vượt ra khỏi cái cõi nhân gian bé tí ấy để thử đánh giá chuyến đi của ông François Mitterrand, ý nghĩa và tác động tiềm thể của nó, trên hai bình diện: quan hệ giữa hai dân tộc và hai quốc gia Việt Nam và Pháp, tình hình Việt Nam trong mối quan hệ quốc tế.

Quan hệ Việt-Pháp, nhiều người rất khác nhau (từ những ông tây già thuộc địa đến nhà báo cộng sản Madeleine Riffaud) đã từng ví nó như quan hệ giữa hai người tình, đúng như vậy. Tình và thù, tình nên thù, thù đẻ ra tình, một thế kỷ rưỡi tình vả thù đã kết thành những mối duyên nợ, tình nghĩa sâu sắc. Cho nên, nói như ông Mitterrand, “ở châu Á, châu Âu cũng như trên thế giới, Việt Nam và Pháp không thể nào làm ngơ với nhau mà phải hợp tác với nhau”. Chuyến đi của ông Mitterrand – lần đầu tiên trong lịch sử, một tổng thống Pháp đến thăm Việt Nam, 47 năm sau khi chủ tịch Việt Nam dân chủ cộng hoà đặt chân đến Paris – đánh dấu sự tái ngộ Pháp-Việt, cuộc hoà giải đáng lẽ có thể sớm hơn, nhưng dầu sao cũng đã được những nhà lãnh đạo quốc gia Pháp, từ tả sang hữu, chuẩn bị từng bước: từ thủ tướng Mendès-France (Genève, 1954), đến tổng thống De Gaulle (người đã chịu trách nhiệm về chính sách quá khích của đô đốc d'Argenlieu năm 1946-47, sang đến thập niên 1960, qua những thông điệp trao đổi với chủ tịch Hồ Chí Minh, đã biết “ đừng bao giờ lăng mạ tương lai”), rồi tổng thống Giscard d'Estaing (hội đàm với thủ tướng Phạm Văn Đồng, 1977 1). Cũng là một chuyện hay khi lịch sử đã chọn cha đẻ của Đảng xã hội (Epinay, 1971), kế tục di sản SFIO của Léon Blum, để thay mặt nước Pháp đi thăm đất nước Việt Nam hôm nay, mà nền độc lập gắn liền với con người, năm 1920, đã chọn con đường giải phóng dân tộc ở Tours, trên bờ sông Loire hùng vĩ. Và lịch sử lại chọn thời điểm của nó: vào lúc mà đảng xã hội Pháp đang ở lúc thoái trào sau khi chủ nghĩa xã hội hiện thực đã sụp đổ ở Đông Âu mà chưa biết thoát thai vào cửa nào ở Đông Á, và ở Việt Nam.

Cho nên cuộc tái ngộ ở Hà Nội giữa một thế giới biển dâu điên đảo này, chân thành thì có, tình nghĩa thì sâu, nhưng cũng luống ngậm ngùi, cũng đầy chướng ngại, chướng ngại trong lòng người thì ít, nhưng ở tương lai bất định bất trắc thì nhiều. Cũng vì vậy, mà cuộc hành hương ở Điện Biên của tổng thống Pháp mới chỉ là một sử kiện Pháp, mà không phải là một sự kiện Pháp-Việt, như cuộc sánh vai Mitterrand-Kohl năm nào ở Verdun là một sử kiện Pháp-Đức: lịch sử không thể nhảy xa hơn cái bóng của mình. Cuộc tái ngộ Việt-Pháp mới chỉ diễn ra trong nhộn nhịp của hồ Hoàn Kiếm, trong im lặng Văn Miếu và thâm nghiêm của phủ toàn quyền cũ.

Và còn một hằng số chính trị - kinh tế nữa, oan nghiệt cho nước Pháp, tội nghiệp cho nước ta: thế và lực của kinh tế Pháp thấp kém hơn tầm nhìn và cao vọng chính trị của các nhà lãnh đạo quốc gia, dù đó là De Gaulle hay Mitterrand. Pháp tăng gấp đôi (lần thứ nhì, lần trước cách đây một năm) ngân sách viện trợ cho Việt Nam (năm 1993: 360 triệu FF, ký 7 hiệp định hợp tác; kim ngạch mậu dịch giữa hai nước năm 1992: 1,2 tỷ FF; đầu tư của Pháp ở Việt Nam đứng hàng thứ ba, sau Đài Loan và Hồng Kông), nhưng các doanh nghiệp Pháp có đủ năng nổ và dám chấp nhận những nguy cơ ở một thị trưởng có tiềm lực lớn nhưng nhiều bất trắc? hay họ cũng sẽ lặp lại sai lầm ở Bắc Kinh, bỏ lỡ lợi thế chính trị mà tướng De Gaulle tạo ra từ năm 1964, để ngày nay, Pháp bị cả Ý vượt đầu tại thị trường Trung Quốc?

Về phía Việt Nam, chính quyền cũng không thể toàn tâm toàn ý phát huy mối quan hệ “đặc biệt” với Pháp, triển khai một sự “ hợp tác tham vọng và tổng thể” (une coopération ambitieuse et globale) như ông Mitterrand ngỏ ý sẵn sàng, ngày nào Việt Nam chưa tự hoà giải với chính mình, và do đó, chưa tự xác định được chỗ đứng của mình trong cộng đồng quốc tế, nói khác đi, ngày nào Việt Nam chưa thực sự bước ra khỏi thời kỳ chiến tranh lạnh.

Điều này dẫn tới bình diện thứ nhì: tác động của sự kiện Mitterrand đối với mối quan hệ quốc tế của Việt Nam. Ở trên đã nói: François Mitterrand là tổng thống Pháp đầu tiên đến thăm Việt Nam. Đúng ra phải nói: đó là quốc trưởng đầu tiên của một cường quốc đến thăm Việt Nam. Thật thế: phương Tây đã vậy, ngay cả phương Đông, Hà Nội chưa bao giờ tiếp Khrouchtchev, Brejnev, Gorbatchev (năm 1981, Mikhail Gorbatchev có sang Việt Nam, nhưng không phải với tư cách tổng bí thư, hay tổng thống), Mao Trạch Đông hay Đặng Tiểu Bình. Đây không phải là vấn đề sĩ diện quốc gia, nó cũng chỉ là một chi tiết, nhưng đầy ý nghĩa: nó cho ta đo được sức nặng nghiệt ngã của cuộc đụng đầu Đông-Tây lên sự nghiệp giải phóng dân tộc và thống nhất đất nước.

Trên bình diện quốc tế, chuyến đi của ông Mitterrand có ba tác động tích cực, với tầm quan trọng khác nhau:

– Pháp sẽ tiếp tục, và mạnh mẽ hơn, giúp Việt Nam củng cố quan hệ với cộng đồng châu Âu, điều này quan trọng không những vì nhu cầu tự tại, mà còn vì châu Âu là đối trọng cần thiết (một mình nước Pháp không có khả năng) cho vai trò lấn át của Nhật, và rồi tới đây, của Mỹ trong lãnh vực kinh tế, và sức đè của Trung Quốc tại khu vực này.

– Từ bốn, năm năm nay, hai nước đã hợp tác khá thân thiện trong việc giải quyết vấn đề Campuchia, vai trò của Pháp ở Đông Dương cũ cũng sẽ có một tác động tích cực trong sự sáp nhập của ba nước Việt Nam, Lào, Campuchia (và sau này, Myanma, tức là Miến Điện) vào ASEAN, để tổ chức này thực sự trở thành hiệp hội của các nước Đông Nam Á. Mối quan hệ Việt-Pháp, và rộng hơn, Việt-Âu có thể giúp Việt Nam, trước mắt, tránh bị lép vế đối với các nước láng giềng ASEAN vì bị đẩy vào cái thế làm công cho Singapore hay Thái Lan, thành một nước ngoại vi cấp hai của thế giới tư bản.

– Pháp sẽ đẩy mạnh hơn việc giúp Việt Nam thiết lập lại quan hệ với những tổ chức tín dụng quốc tế ( Quỹ tiền tệ quốc tế, Ngân hàng thế giới), trước mắt là góp tiền cho vay để trả nợ các tổ chức này, và lên tiếng (như ông Mitterrand đã làm) thúc Mỹ chấm dứt lệnh cấm vận đã “lỗi thời”.

Đặt quan hệ Việt-Pháp trong bối cảnh quốc tế, ta thấy lực của Pháp (bất luận xu hướng của chính quyền) không lớn, nhưng có thể tạo cái thế thuận lợi, giúp Việt Nam hoà mình vào cộng đồng thế giới trong thời kỳ mới. Cơ sở của sự thuận lợi này có một cốt lõi tâm lý nếu không nói là tâm linh: tình, thù và nghĩa, và ý thức về thế/1ực của đôi bên làm cho hai bên không còn sợ nhau, oán hận nếu còn cũng được cân bằng bởi sự mến phục lẫn nhau.

Chính vì vậy mà những lời phát biểu ôn hoà, chừng mực, trọng thị của ông Mitterrand về dân chủ, tự do, nhân quyền... có một ý nghĩa quan trọng mà có lẽ nhiều người chưa thấy. Về phía chính quyền Việt Nam, việc báo chí và đài kiểm duyệt những đoạn này chứng tỏ các thế lực bảo thủ còn sợ những điều hiển nhiên, lại muốn co cụm trong cái thế buộc phải mở, để rồi sẽ phải đi từ nhượng bộ này sang nhượng bộ khác. Về phía cộng đồng người Việt ở nước ngoài, đối nghịch với sự co cụm nói trên, là những lời cầu xin can thiệp được cất lên, chỉ để làm cho chính quyền các nước phương Tây hiểu thêm về tầm cỡ thảm hại của người cầu khẩn.

Chương sử mới trong quan hệ Việt-Pháp mở ra trong một khuôn khổ quốc tế không do Pháp, cũng chẳng do Việt Nam quyết định. Nhưng màu mực để viết nên những trang đầu sẽ do hai dân tộc chọn lựa. Về phía những lực lượng dân chủ Việt Nam (trong chính quyền và ngoài chính quyền, trong nước cũng như ngoài nước), cả vấn đề là biết làm chủ ngòi bút, đừng để người khác phải cầm tay chỉ nét.


Nguyễn Ngọc Giao

 

1 Tháng 4.1977, thủ tướng Phạm Văn Đồng sang thăm nước Pháp. Ngày 30.7.1977, ông rời sân bay Orly, cũng là ngày Pol Pot đưa quân qua biên giới giết hại đồng bào ở Hà Tiên, Tây Ninh, mở đầu một thập niên chiến tranh với Trung Quốc và Campuchia. Ngân sách tín dụng 200 triệu FF mà tổng thống Giscard hứa cho vay bèn bị đông lạnh khi Trung Quốc và Mỹ quyết tâm “cắt tiết” Việt Nam. Lịch sử quan hệ Pháp-Việt quả là một chuỗi dài những lỡ làng.

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
CONFÉRENCE DÉBAT 24/05/2024 19:00 - 23:00 — la Médiathèque JP Melville (Paris 13e)
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss