Bạn đang ở: Trang chủ / Tài liệu / Báo cũ / Số 18 / Một tháng ở Bắc Kinh

Một tháng ở Bắc Kinh

- Vũ Quang — published 01/01/2011 00:20, cập nhật lần cuối 06/02/2011 23:51

Một tháng ở Bắc Kinh


Vũ Quang

 

Trung Quốc và nền văn hoá Trung Hoa không phải là điều lạ lẫm đối với tôi và có thể nói là đối với hầu hết người Việt Nam, mặc dù chưa sang đó bao giờ. Ít có ai không đọc qua hoặc nghe qua một vài mẩu chuyện về Trung Quốc. Dù không biết gì về đất nước ấy, chúng ta cũng đã sống với nền văn minh Trung Hoa mà ông cha ta đã vay mượn và vẫn còn tiếp tục vay mượn. Những từ “hải quan”, “chính phủ”, “lãnh đạo”, “xuất nhập khẩu”, “thống kê” đều là những từ mà cả hai nước sử dụng. Và vì hai chữ “thống kê” mà tôi được dịp sang Trung Quốc.

Trước khi máy bay hạ cánh, tôi được phát một tờ giấy nhập cảnh và một tờ khai hải quan, cả hai tờ đều ngắn gọn. Tờ khai hải quan cũng hỏi những câu tương tự như Việt Nam, liệt kê những vật phẩm đem vào như máy ảnh, video camera, tài liệu in ấn... Tôi ngạc nhiên về chữ tài liệu in ấn, hỏi cô chiêu đãi viên về những gì phải ghi. Cô ta cười, bảo chẳng cần ghi gì cả. Xuống phi trường, qua hải quan, đóng dấu thị thực, chẳng ai khám hỏi. Mười phút sau tôi đã ra khỏi phi trường. Thật khó diễn tả điều kiện phi trường Bắc Kinh. Nó thua xa vẻ sang trọng của phi trường các nước phương Tây, Thái Lan, Mã Lai nhưng không lùi xùi để màng nhện chăng cả lên trần như phi trường Hà Nội và không lộn xộn như chợ trời ở phi trường thành phố Hồ Chí Minh.

Trời mùa đông, không tuyết, cây cỏ hai bên đường trơ trụi, làm lộ ra những vùng đất nâu xám. Trên đường, thỉnh thoảng có người trong lớp áo lạnh dầy, gò lưng đạp xe đạp hoặc có những con ngựa nhỏ thó kéo xe. Tôi nhận ra rằng, mình đang đến một đất nước vĩ đại về văn hoá, về tiềm lực kinh tế và quân sự nhưng tình hình phát triển chung cũng chỉ hơn đất nước Việt Nam một chút ít. Họ vẫn còn phải còng lưng trên xe đạp để làm một bước tiến nhảy vọt.

Ngoài những khu phố cổ, hầu hết những con đường ở Bắc Kinh đều rộng lớn. Những đại lộ này có từ bốn đến tám lằn đường dành cho xe hơi chạy. Hai bên đường có lằn riêng dành cho xe đạp và các loại xe thô sơ khác. Ngoài ra đường nào cũng có lề đường hai bên rộng lớn dành cho người đi bộ. Nếu vào mùa xuân, tôi chắc Bắc Kinh sẽ đẹp lên nhiều với bốn hàng cây trồng hai bên đường. Dọc đại lộ là hàng hàng lớp lớp nhà cao tầng dành cho cán bộ, công nhân dựng lên như những hộp quẹt, không kiểu cách, không đỏm dáng, đại loại giống nhau. Nó vừa chứng tỏ tính tổ chức và khả năng thiết kế đô thị của xã hội Trung Quốc, vừa làm mất đi rất nhiều tính đa dạng trong kiến trúc và đời sống. Nó không có không khí ồn ào, sôi động, đầy màu sắc như ta thường thấy trong xã hội Á châu khác.

Tôi mê đạp xe trên những đại lộ Bắc Kinh, dù có những ngày nhiệt độ dưới 00C. Cũng như tôi mê đạp xe trên những con đường Hà Nội, để có được cái nhìn rõ ràng hơn về đời sống của người dân. Nhưng có một cái mà Bắc Kinh không có như ở Hà Nội, đó là những tiệm café. Có những lúc trời lạnh quá muốn tạm dừng để uống một ly café, ngay cả một ly trà nóng cũng không có. Họ chỉ có tiệm ăn. Trong tiệm ăn ít khi thấy họ rót nước trà mời khách. Còn café thì chỉ kiếm được ở những khách sạn dành cho người ngoại quốc. Tôi tự hỏi tại sao café Việt Nam hiện đang xuống giá vẫn chưa lọt vào được thị trường Trung Quốc, trong khi café loại uống liền nhập từ Hồng Kông đang được coi là hàng cao cấp. Thành phố yên tĩnh hơn vì không có xe gắn máy. Nhà nước hạn chế xe gắn máy nên hiếm thấy loại xe này trên đường phố. Đi lại ở Bắc Kinh tương đối dễ dàng. Bạn có thể đi xe buýt, xe đạp, xe điện ngầm hoặc taxi. Taxi thì đầy rẫy đường phố. Bạn không cần mặc cả vì xe chạy bằng đồng hồ. Cái khó khăn lớn nhất cho du khách là hầu hết các cửa tiệm không có người biết nói tiếng Anh, không dùng cr edit card (thẻ tín dụng).

Tôi đã đến thăm những căn hộ dành cho cán bộ trên những cao ốc năm, mười tầng. Những căn hộ này cho tôi cùng một cảm giác khi đến thăm các căn hộ tập thể ở Hà Nội, dù rằng những căn hộ Bắc Kinh xây dựng chắc chắn hơn, bề ngoài đẹp đẽ hơn. Cũng một tình trạng xuống cấp, cần bảo trì. Cũng những nhà vệ sinh tập thể, dành cho cả tầng. Ở nơi khá hơn thì hai, ba hộ có chung một nhà vệ sinh. Anh bạn mới quen của tôi lấy vợ không phải người Bắc Kinh, vợ anh vẫn chưa có hộ khẩu trong thành phố. Vì không có hộ khẩu, chị không kiếm được việc làm trong cơ quan nhà nước. Và vì không có việc làm, cơ quan chỉ cấp cho anh một phòng, đáng lẽ ở chức vụ của anh sau bốn năm làm việc, anh ta có quyền có hai phòng khoảng 28 mét vuông. Thế là hai vợ chồng và một đứa con phải ở một căn phòng 18 m2. Dĩ nhiên anh ta đang chạy đông chạy tây để giải quyết tình hình chỗ ở. Con anh hiện nay đã 3 tuổi. Một cán bộ khác, con một vị thứ trưởng, vừa được cấp 2 phòng, lại được bố cho thêm một căn hộ sang trọng hơn. Những người lãnh đạo tương đối lớn như vậy thường có nhiều căn hộ, có nhà nghỉ và có thể chuyển quyền thừa kế sử dụng cho con cái.

Lương cán bộ nhà nước rất thấp. Với một cán bộ có bằng cao học (ta thường gọi là phó tiến sĩ, lương tháng chỉ có 200 nhân dân tệ (33 USD). Cấp vụ trưởng, giáo sư hưởng khoảng 300 nhân dân tệ (50 USD). Hàng tháng cơ quan nào khá giả, đặc biệt là ở các tỉnh giàu, cũng có trợ cấp thêm hàng hoá theo giá rẻ cho nhân viên của mình, tăng thêm cho đồng lương vài chục nhân dân tệ. Nói chung lương dù gấp đôi cán bộ nhà nước Việt Nam, cũng chỉ bằng một nửa lương tối thiểu cho một lao động cơ bắp ở Thái Lan. Nhưng khác với cán bộ Việt Nam, ít ai có việc làm phụ, chân ngoài dài hơn chân trong. Cũng vì đồng lương quá thấp và vì nhà cửa đã có nhà nước chăm lo mà người cán bộ, công nhân không bao giờ đủ tiền nghĩ đến bảo dưỡng, nâng cấp chỗ ở của mình. Nhà nước Trung Quốc đã tính đến việc tư hữu hoá nhà cửa, tăng lương nhưng việc thực hiện sẽ không dễ dàng. Ý nghĩ của nhiều cán bộ hiện nay là tìm cơ hội tham gia các chuyến tham quan nước ngoài để có thêm thu nhập hoặc tìm cách bỏ cơ chế nhà nước ra làm cho tư nhân để có được số lương gấp bốn, năm lần. Nhưng muốn ra cũng phải có giấy phép của cơ quan mình đang làm. Đi nước ngoài thì phải đóng lại thu nhập cho nhà nước 50%.

Hàng quán, cửa tiệm Trung Quốc đầy rẫy hàng hoá. Quần áo đặc biệt là quần áo lạnh và giầy dép chất lượng khá cao. Những hàng hoá đem xuất khẩu cũng được bày bán với giá tương đối cao. Hàng hoá nhập, cao cấp, giá một cái áo 50-100 USD cũng không thiếu. Nhìn qua một cửa tiệm Trung Quốc và một cửa tiệm ở thành phố Hồ Chí Minh, về mọi phương diện, ta thấy họ hơn hẳn, từ cách trình bày sang trọng hơn, chất lượng hàng hoá cao hơn, mặt hàng phong phú hơn. Hầu hết cửa hàng thuộc nhà nước, hoặc có thể là đại lý của các công ty quốc doanh, hoặc là cửa hàng hợp tác xã. Công nhân và giám đốc ở các xí nghiệp, cửa hàng tập thể, hoặc địa phương ngoài việc được trả lương còn được ăn chia tiền lời. Giám đốc có thể được tới 3% lợi nhuận, có quyền thuê và sa thải nhân viên, ngược lại họ cũng bị kiểm soát chặt chẽ bởi công đoàn và đảng uỷ. Tôi có hỏi một cửa hàng đại lý và được biết là họ thuê mặt bằng của cơ quan làm chủ cao ốc, sử dụng một phần, phần thừa đem cho tư nhân thuê. Với chính sách khoán sản phẩm, các xí nghiệp hương trấn ở các thị trấn nông thôn đặc biệt phát triển rất nhanh trong hơn 10 năm qua. Năm vừa qua, ngay cả khu vực Đông Bắc là khu vực nhiều năm phát triển chậm so với khu vực Đông Nam, tốc độ phát triển xí nghiệp hương trấn cũng lên tới hơn 30%. Họ làm ăn có lãi, có đóng thuế cho nhà nước. Ngược lại, các xí nghiệp quốc doanh tiếp tục thua lỗ, tỉ số xí nghiệp cần được nhà nước bù lỗ lên tới 40%. Tình hình xí nghiệp quốc doanh Trung Quốc cũng chẳng khác gì Việt Nam. Khu vực tập thể phản ánh qua các xí nghiệp hương trấn của họ phát triển trong khi ở Việt Nam, các xí nghiệp tập thể hay hợp tác xã đang tan rã hoặc chỉ còn lại cái vỏ tập thể nhưng cái ruột là tư nhân. Mức tư nhân hoá ở Việt Nam, thông qua các hoạt động sản xuất gia đình, có lẽ sẽ nhanh chóng hơn ở Trung Quốc. Nhưng Việt Nam có lẽ sẽ phải trả giá cao cho điều này: nạn thất nghiệp sẽ cao hơn, số người nghèo khổ sẽ lớn hơn, giáo dục, y tế sẽ xuống cấp nhanh hơn, số trẻ em thất học sẽ tăng nhanh hơn vì không còn mạng lưới che chắn của khu vực tập thể như xã hội Trung Quốc. Khu vực tập thể của họ phát triển nhanh, vì luật pháp cho phép ba năm đầu khỏi bị đóng thuế. Hết ba năm, họ đổi tên mới, đăng ký lại, tiếp tục hưởng chính sách ưu đãi về thuế. Ở Việt Nam, xí nghiệp tập thể và quốc doanh đóng thuế tới 50% lợi tức, cho nên lụn bại. Kinh tế gia đình phát triển vì chỉ chịu thuế doanh thu từ 1-2%.

Năm 1992, kinh tế Trung Quốc phát triển với tốc độ 12%, đạt kỷ lục thế giới, xuất khẩu gần 81 tỷ USD, đứng hàng 11 thế giới. So với Việt Nam, xuất khẩu bình quân đầu người ở Trung Quốc đạt gấp đôi, khoảng 73 USD. Thu nhập đầu người (GDP) là 350 USD so với Việt Nam khoảng 200 USD. Mức sống của họ tuy vậy chỉ hơn khoảng 50% vì giá cả đắt đỏ hơn đến 20%. Hiện nay tình hình phát triển kinh tế đang ở độ “nóng” như thời kỳ trước sự kiện Thiên An Môn. Tháng giêng đầu năm, mức bán lẻ tăng 23% so với cùng kỳ năm ngoái. Ngoại thương tăng 30%. Tiền phát hành tăng 39%. Ở một số thành phố ở phía nam, tốc độ lạm phát đã tăng tới 14%. Đang có những lời kêu gọi kìm hãm phát hành tiền.

Sau Đại hội Đảng năm vừa qua, Trung Quốc lần đầu tiên đã chính thức dùng từ ngữ “kinh tế thị trường”, sửa soạn tiến hành cải cách giá, một điều mà Việt Nam đã thực hiện từ năm 1989. Giá lúa gạo, lúa mì, điện, than, dầu lửa, chuyên chở và nhiều mặt hàng khác hiện nay vẫn do nhà nước quyết định. Trung Quốc cũng sửa soạn tiến hành cải tổ khu vực quốc doanh bằng cách bán cổ phiếu, mở rộng đầu tư nước ngoài vào mọi lãnh vực, kể cả dầu khí ở những vùng nội địa. Năm vừa qua, đầu tư nước ngoài đạt 11 tỷ, một con số đáng kể, nhưng tính bình quân đầu người vẫn còn thấp hơn mức đầu tư của ngoại quốc vào Việt Nam. Cạnh tranh lôi kéo đầu tư nước ngoài tại khu vực Á Châu sẽ ngày càng mãnh liệt, đặc biệt là với chính sách mở rộng hợp tác của Trung Quốc mới được công bố, và tình hình khủng hoảng kinh tế ở Âu Châu và ở Nhật. Tình hình nông thôn ở Trung Quốc hiện dẫm chân tại chỗ, số người thất nghiệp kéo ra thành phố, đặc biệt là về phía Nam ngày càng đông, có thể tạo ra vấn nạn xã hội ở đô thị. Trung Quốc vì vậy đang chuẩn bị cải tổ nông nghiệp, mở rộng quyền tự chọn giống cây, thay thế cây giá trị thấp bằng các loại có giá trị cao dù năng suất thấp, mượn tiền Ngân hàng Thế giới để đầu tư vào các nhà kho, máy móc bảo dưỡng nhằm nâng cấp nông sản, và dĩ nhiên là phải mở rộng công nghiệp để thu hút số thất nghiệp ở nông thôn. Tôi nghe nói, Đặng Tiểu Bình tuyên bố trong nội bộ là nơi có khả năng nổ ra phong trào chống đối trong tương lai sẽ không phải là từ trí thức mà là từ nông dân, nếu như nhà nước không có chính sách đúng đắn nâng cao mức sống của họ.

Nhiều trí thức Trung Quốc hiểu được rằng khu vực Đông Nam Á có đời sống cao hơn họ rất nhiều, đặc biệt là ở Đài Loan. Cũng là người Trung Hoa, họ cảm thấy hổ thẹn vì đi quá chậm. Những phát biểu mà tôi thường nghe thấy là họ ủng hộ chính sách phát triển kinh tế hiện nay của Đặng Tiểu Bình. Họ muốn dân chủ, nhưng không muốn đi quá trớn như phong trào sinh viên trong vụ Thiên An Môn. Họ cũng không đồng ý với chính sách đàn áp quá trớn của chính quyền. Tôi đã đến thăm Đại học Bắc Kinh, nơi xuất phát của phong trào mùa xuân 1989 và các phong trào đấu tranh khác trong quá khứ. Trường yên tĩnh, trải rộng trên một khu vực rộng lớn, giống như các khu viên đại học lớn ở Mỹ, gồm những ngôi nhà xây dựng với dáng dấp kiến trúc cổ điển Trung Quốc. Tô điểm cho trường là một công viên rộng lớn, một hồ nước lớn và một tháp cổ nhiều tầng. Vào thăm trường hiện nay không phải là điều dễ dàng. Tại mỗi cổng vào đều có bảo vệ nghiêm ngặt, xét giấy tờ, ngăn cản phóng viên nước ngoài. Tôi nhìn vào những khuôn mặt trẻ, tương lai của đất nước Trung Quốc. Tôi nghĩ, cũng như trí thức Việt Nam, họ nghĩ về tương lai đất nước, về phát triển kinh tế, về mở rộng dân chủ, bảo vệ nhân quyền, nâng cao mức sống nhân dân nhưng đồng thời không tạo ra những cuộc nội chiến không cần thiết.

22.3.1993

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
CONFÉRENCE DÉBAT 24/05/2024 19:00 - 23:00 — la Médiathèque JP Melville (Paris 13e)
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss