Bạn đang ở: Trang chủ / Tài liệu / Báo cũ / Số 21 / So sánh tình hình phát triển kinh tế Trung Quốc và Việt Nam

So sánh tình hình phát triển kinh tế Trung Quốc và Việt Nam

- Vũ Quang — published 10/02/2011 01:10, cập nhật lần cuối 06/03/2011 00:11

So sánh tình hình phát triển
kinh tế Trung Quốc và Việt Nam

Vũ Quang

 

Có một điều khác biệt quan trọng giữa kinh tế Trung Quốc và kinh tế Việt Nam mà ít ai để ý là hướng phát triển đối nghịch nhau ở hai nước: ở Trung Quốc, xí nghiệp tập thể ở nông thôn phát triển đáng kể và đã đóng góp tích cực vào việc tạo thêm việc làm, trong khi kinh tế quốc doanh giảm dần vai trò của mình; ngược lại ở Việt Nam, thành phần kinh tế tập thể gần như hoàn toàn tan rã, kinh tế quốc doanh ngày càng phát triển. Đây là một trong những kết quả thu lượm được trong các nghiên cứu của một người viết về Trung Quốc và Việt Nam. Bài viết này chỉ trình bày tóm tắt một số kết quả của các nghiên cứu đó.


Một số đặc điểm của kinh tế Trung Quốc và Việt Nam

Vào năm 1992, so với Trung Quốc, Việt Nam có dân số bằng 6%, tổng sản phẩm quốc gia (GDP) bằng 2%, GDP bình quân đầu người bằng 34% và xuất khẩu bằng 3% (xem biểu 1). Tuy khác nhau về kích thước, hai nước có nhiều đặc điểm giống nhau:

  • Về nông nghiệp, vào thời điểm cải cách – năm 1984 ở Trung Quốc1 và năm 1989 ở Việt Nam – nông nghiệp còn giữ vai trò chủ chốt trong nền kinh tế ở mức độ tương đương nhau, sử dụng 60-70% lực lượng lao động của cả nước và tạo ra khoảng 40% GDP. Hơn nữa, trước đó, nông dân dù bị buộc tham gia vào hợp tác xã hoặc công xã, họ vẫn dựa vào sức mình là chính để sản xuất thay vì dựa vào máy móc. Chính vì vậy ở cả hai nước, khoán ruộng đất đến người lao động đã nâng sản lượng nông phẩm, tạo thêm nguyên liệu cho sản xuất công nghiệp.
  • Về kinh tế đối ngoại, cả hai nước đều nhấn mạnh xuất khẩu và khuyến khích nước ngoài đầu tư. Tỷ lệ xuất khẩu so với GDP ở Việt Nam có phần cao hơn so với Trung Quốc, 25% so với 19% (biểu 1). Còn tỷ lệ đầu tư nước ngoài so với GDP thì tương đương.
  • Về giá cả, cả hai nước hiện nay đều chấp nhận giá cả thị trường, tuy nhiên ở Trung Quốc số sản phẩm do nhà nước còn định giá nhiều hơn, đặc biệt là giá bán ngũ cốc vẫn còn bị khống chế.
  • Khu vực kinh tế quốc doanh ở cả hai nước đều thiếu hiệu quả sản xuất, chỉ có khoảng 30-40% số xí nghiệp quốc doanh làm ăn có lãi.
  • Về chính sách kinh tế nói chung, cả hai nước đều khuyến khích kinh tế thị trường và tư bản tư nhân nhưng Trung Quốc vẫn nghiêng về sử dụng kế hoạch.

Ngược lại hai nền kinh tế cũng có những điểm khác nhau quan trọng sau:

  • Trung Quốc có một nền công nghiệp phát triển hơn Việt Nam, điển hình là 74% giá trị xuất khẩu của họ là hàng công nghiệp, trong khi ở Việt Nam hàng công nghiệp chỉ chiếm 26% giá trị xuất khẩu (biểu 1).
  • Trung Quốc và Việt Nam cho đến mới đây rất giống nhau về chính sách tự trị ngân sách địa phương: chính quyền địa phương làm nhiệm vụ thu thuế và chỉ phải gửi về trung ương theo một tỷ lệ nhất định. Địa phương thường cố gắng phát triển kinh tế địa phương bằng cách giữ lại thuế, giảm thuế đồng thời ngăn chặn hàng hoá ở các địa phương khác xâm nhập vào địa phương mình. Hiện nay Việt Nam đã tập trung việc thu thuế vào chính quyền trung ương thông qua Bộ tài chính. Đây là một trong những lý do thuế thu được ở Việt Nam vào năm 1992 tăng trội lên so với năm 1991. Việc tập trung thu thuế vào tay nhà nước trung ương ở Việt Nam sẽ giúp củng cố chính quyền trung ương, cho phép phân phối lại lợi tức từ vùng giầu sang vùng nghèo. Ngược lại, ở Trung Quốc sự phân biệt giầu nghèo giữa các vùng có thể ngày càng lớn hơn.
  • Đối với hoạt động kinh tế ngoài quốc doanh, Trung Quốc có chính sách nhấn mạnh đến phát triển xí nghiệp tập thể trong sản xuất công nghiệp đặc biệt là ở nông thôn, trong khi Việt Nam chỉ nhấn mạnh đến kinh tế hộ gia đình. Điểm này sẽ được bàn thêm dưới đây.

Khác biệt trong phương hướng phát triển kinh tế ngoài quốc doanh

Thành phần kinh tế ngoài quốc doanh bao gồm khu vực tập thể (hay hợp tác xã), khu vực kinh tế tư bản tư nhân, tư bản nước ngoài và kinh tế hộ gia đình. Kinh tế hộ gia đình chủ yếu dựa vào lao động trong gia đình. Trong các hoạt động kinh tế phi nông nghiệp, kinh tế tập thể ở Trung Quốc ngày càng giữ địa vị quan trọng, trong khi đó ở Việt Nam kinh tế tập thể gần như bị xoá sổ, kinh tế quốc doanh ngày càng lớn mạnh.

Trong thương nghiệp, vào năm 1991, quốc doanh ở cả hai nước chỉ còn chiếm 30-40% tổng mức bán lẻ, tuy nhiên khu vực tập thể ở Trung Quốc vẫn chiếm tới 30% tổng mức bán lẻ, trong khi đó ở Việt Nam, khu vực tập thể chỉ còn 2,7%.

Trong công nghiệp ở Trung Quốc, tỷ trọng của khu vực tập thể tăng từ 22% lên 36% tổng sản lượng công nghiệp cả nước trong khoảng thời gian 1978-1991. Đặc biệt quan trọng là sự phát triển xí nghiệp tập thể ở nông thôn, tỷ trọng sản lượng tăng từ 9% lên 22% (coi biểu 2). Tỷ trọng của xí nghiệp tư nhân / cá thể và xí nghiệp nước ngoài vẫn còn nhỏ, mỗi thành phần chỉ chiếm dưới 6% tổng sản lượng công nghiệp. Trong khi đó, ở Việt Nam, sản xuất của xí nghiệp tập thể giảm từ 24% tổng sản lượng công nghiệp xuống còn 7% chỉ trong vòng bốn năm. Sản xuất công nghiệp tư nhân tăng nhưng chủ yếu là do sản xuất của hộ gia đình. Việc giảm tỷ trọng của khu vực ngoài quốc doanh ở Việt Nam là do sản lượng giảm. Từ 1988 đến 1991, trung bình mỗi năm sản lượng công nghiệp ngoài quốc doanh giảm 3,7% (coi biểu 3), trong khi đó sản lượng xí nghiệp quốc doanh tăng hàng năm trung bình 7%. Năm 1992, thành phần ngoài quốc doanh có tăng nhưng tốc độ tăng vẫn chưa được một nửa tốc độ tăng của xí nghiệp quốc doanh. Kết quả là ở Việt Nam, tỷ trọng sản lượng công nghiệp quốc doanh đã tăng đáng kể từ 56% tổng sản lượng công nghiệp năm 1988 lên 71% năm 1992. Việc tăng này chủ yếu là do sự phát triển của một số ngành quan trọng như dầu hoả, xi măng, phân bón, thuốc lá, rượu bia. Trong thành phần xí nghiệp quốc doanh, ta thấy quốc doanh trung ương tăng, quốc doanh địa phương giảm, điều này cũng dễ hiểu vì một số ngành công nghiệp có tốc độ tăng nhanh là thuộc trung ương như dầu hoả, xi măng.

Phải chăng có chiều hướng phát triển trái ngược nhau như trên giữa Trung Quốc và Việt Nam là do chính sách khác nhau? Đối với Trung Quốc thì đúng thế, nhưng đối với Việt Nam thì có thể hướng phát triển trên nằm ngoài ý muốn của lãnh đạo. Ở Trung Quốc, chính sách phát triển công nghiệp nông thôn qua việc phát triển xí nghiệp tập thể ở nông thôn (trên địa bàn làng hoặc công xã trước đây) là một chính sách nhất quán, nhằm tạo việc làm cho nông dân sau khi các công xã bị giải tán. Vốn ban đầu của xí nghiệp tập thể ở đây là do chính quyền địa phương cấp phát. Tính từ 1980-1991, có đến 43% số việc làm mới cho toàn bộ nền kinh tế là do khu vực xí nghiệp tập thể nông thôn này tạo ra. Vào năm 1992, nó cũng đóng góp xuất khẩu 20 tỷ USD bằng 23% tổng giá trị xuất khẩu của Trung Quốc (coi biểu 4). Sự ra đời và thành công của xí nghiệp tập thể ở nông thôn là do nông dân có thu nhập ngày càng cao (từ 1979-1991, thu nhập nông dân tăng trung bình mỗi năm khoảng 13%), và vì vậy có nhu cầu hàng công nghiệp và có vốn để đầu tư. Ở những tỉnh ven biển có nền kinh tế phát triển thì khu vực xí nghiệp tập thể lại càng lớn mạnh, sản xuất từ 30-60% tổng sản lượng công nghiệp tỉnh. Ở những tỉnh nghèo trong nội địa, khu vực xí nghiệp tập thể chỉ chiếm từ 10-20%.

Trong những năm gần đây ở Trung Quốc, cùng với việc phát triển xí nghiệp tập thể nông thôn là chiều hướng phát triển xí nghiệp nhỏ có vốn nước ngoài, chủ yếu gia công xuất khẩu. Chỉ từ năm 1985 đến 1992, xuất khẩu của các xí nghiệp này đã tăng từ 300 triệu lên 17 tỷ USD, bằng 20% tổng giá trị xuất khẩu của Trung Quốc. Chính sách cho phép đầu tư của nước ngoài ở những tỉnh duyên hải hiện nay đã được mở rộng cho cả các vùng nội địa.


Kết luận

Cho đến nay, khó lòng giải thích được một cách hết sức khoa học sự thành công của xí nghiệp tập thể ở Trung Quốc. Tuy vậy cũng có thể tóm tắt được một số lý do thường được các nhà kinh tế Trung Quốc đưa ra như sau: (1) thu nhập của chính quyền địa phương như thuế, lợi nhuận là tuỳ thuộc vào sự thành công của các xí nghiệp tập thể; (2) quản lý có thể hiệu quả hơn vì quyền chủ động điều hành thường được giao cho giám đốc, người vừa được hưởng lương vừa được ăn chia lợi nhuận; (3) động cơ làm việc của công nhân được kích thích vì họ có thể được chia lợi nhuận nhưng cũng có thể bị sa thải; (4) cán bộ lãnh đạo thường là những người có khả năng, có kinh nghiệm hoạt động trong các xí nghiệp quốc doanh; (5) được sự bao che của chính quyền địa phương như giảm thuế, cho đăng ký lại dưới tên mới để hưởng các khoản ưu đãi khuyến khích đầu tư của nhà nước một số năm đầu; (6) thị trường địa phương được chính quyền địa phương bao che bằng các biện pháp ngăn cản lưu thông hàng hoá từ các địa phương khác; (7) được chính quyền trung ương ưu đãi về vốn so với xí nghiệp tư nhân vì con đường xã hội chủ nghĩa mà Trung Quốc muốn xây dựng; (8) được ưu tiên làm vệ tinh cho các xí nghiệp quốc doanh.

Trong thời gian qua, xí nghiệp tập thể ở nông thôn Trung Quốc vừa đẩy nhanh được tốc độ phát triển của nền kinh tế, vừa tạo thêm việc làm ở nông thôn. Với sự thành công như trên, ta không thể dễ dàng “sổ toẹt” hình thức sản xuất tập thể. Đây là kinh nghiệm quý báu cần nghiên cứu thêm lý do của sự thành công. Nó cũng đòi hỏi cần nghiên cứu lý do của sự sụp đổ của xí nghiệp tập thể ở Việt Nam. Phải chăng cán bộ lãnh đạo xí nghiệp tập thể ở Việt Nam thiếu trình độ quản lý? Phải chăng tổ chức điều hành cứng nhắc không khác gì xí nghiệp quốc doanh? Phải chăng công nhân chỉ là người làm công không hơn không kém? Phải chăng thuế chịu quá cao so với hoạt động sản xuất hộ gia đình? Phải chăng người Việt Nam thiếu tinh thần kỷ luật tập thể? Phải chăng xí nghiệp tập thể luôn luôn thiếu vốn? Phải chăng việc mất đi thị trường xã hội chủ nghĩa là lý do chính? Hay phải chăng xí nghiệp tập thể ở Việt Nam quá nhỏ bé nên không thể đứng vững? Nếu điều cuối cùng này là đúng thì phải chăng chúng ta chỉ có thể so sánh về tầm cỡ giữa xí nghiệp tập thể ở nông thôn Trung Quốc với xí nghiệp quốc doanh địa phương ở Việt Nam? Như vậy tập thể hoá xí nghiệp quốc doanh địa phương ở Việt Nam có thể là giải pháp tăng năng suất lao động không?

New York , 27.05.1993

Vũ Quang

 

1 Mặc dù cải cách bắt đầu từ năm 1978, nhưng năm 1984 là năm cải cách bắt đầu được thực hiện toàn diện, đặc biệt là trong nông nghiệp nhà nước, chính thức xoá sổ hợp tác xã nông nghiệp, cho phép chuyển nhượng đất khoá và mở xí nghiệp tư.

 

iểu 1: Vài chỉ số cơ bản so sánh Trung Quốc và Việt Nam 1992

 

Trung Quốc

 (1)

Việt Nam

(2)

Tỷ lệ %

(2)/(1)

Dân số (triệu)

1100

70

6

GDP (tỷ USD)

445

9,7

2

Xuất khẩu (tỷ USD)

85

2,4

3

Tỷ trọng nông nghiệp theo (%)

lao động

GDP

 

64

40

 

71

36

 

111

90

GDP trên đầu người (USD)

404

139

34

Xuất khẩu/GDP (%)

19

25

132

Hàng công nghiệp/xuất khẩu (%)

74

26

35

Đầu tư nước ngoài/GDP (%)

2,5

2

80

Chú thích: Tỷ trọng nông nghiệp tính cho năm 1984 ở Trung Quốc và năm 1990 ở Việt Nam. Các số liệu so sánh khác tính cho năm 1992. Giá trị bằng USD tính theo hối suất chính thức.

Nguồn : China Statistical Yearbook 1992 và Tổng cục thống kê Việt Nam

 

Biểu 2: Tỷ trọng sản lượng công nghiệp của các thành phần kinh tế (%)

Trung Quốc

Việt Nam

1978

1991

1988

1991

1992

Quốc doanh

78

53

56

62

71

Ngoài quốc doanh

22

47

44

38

29

tập thể

22

36

24

7

nông thôn

9

22

tư nhân/cá thể

3

6

20

32

nước ngoài

4

6

Chú thích : Coi chú thích ở Biểu 1 và Số liệu thống kê công nghiệp (1992), Các thành phần kinh tế Việt Nam (1992), Tạp chí thống kê số 1, 1993 của Tổng cục thống kê.


Biểu 3: Tốc độ phát triển bình quân năm sản lượng công nghiệp (%)

Trung Quốc

Việt Nam

88-91

88-91

92

toàn ngành

12,9

2,4

12,6

quốc doanh

7,0

7,0

15,3

ngoài quốc doanh

 

-3,7

6,0

tập thể

16,4

-46,0

 

tư nhân/cá thể

29,0

30,0

 

nước ngoài

48,0

Chú thích : Coi chú thích ở Biểu 1 và 2

 

Biểu 4: Công nghiệp tập thể nông thôn và công nghiệp nước ngoài ở Trung quốc

 

1985

1992

Xuất khẩu (tỷ USD)

– xí nghiệp tập thể nông thôn

– xí nghiệp nước ngoài

 

1,2

0,3

 

20

17

Tỷ trọng xuất khẩu (%)

– xí nghiệp tập thể nông thôn

– xí nghiệp nước ngoài

 

4,4

1,1

 

23

20

Tỷ trọng sản lượng (%)

– xí nghiệp tập thể nông thôn

– xí nghiệp nước ngoài

 

9

0

 

22

6

Việc làm do xí nghiệp nông thôn tạo ra so với tổng số lao động mới tạo ra trong thời gian 1980-91

 

43,2%

 

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
CONFÉRENCE DÉBAT 24/05/2024 19:00 - 23:00 — la Médiathèque JP Melville (Paris 13e)
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss